CN 2A TN : CHIÊN SÁT TẾ

Những người abc, hoặc tệ hơn, mù chữ về điện tử điện toán, nghe đến con “chip” chẳc ngớ người ra chẳng hiểu con chip la con chi chi. Cũng gần như vậy, khi một người Việt đồng bằng sông Cửu, không Công Giáo, nghe kiểu nói “đây là con chiên Thiên Chúa,” chắc cũng chẳng hiểu gì; hoặc tưởng lầm đây là “cơm chiên dương châu,” nhà chùa nhà Chúa nào đó.

Có một vài người bạn của tôi, không Công Giáo, thỉnh thoảng gặp tôi, biết tôi là linh mục, thường chọc đùa, anh có nhiều “con chiên” không? Họ dùng chữ con chiên rất dẻo, ngọt và hãnh diện rằng họ dùng đúng chữ. Thực ra con chiên họ hiểu là từ cổ chỉ người giáo dân mà nay ta thấy Hội Thánh cũng ít dùng.

Vì thế, khi Gioan nói về Đức Giêsu : Đây Chiên Thiên Chúa, và trong Thánh lễ cả chục lần ta lạy Chiên Thiên Chúa, thì chữ chiên đó không mang ý nghĩa như người bạn tôi hiểu, mà mang ít là 3 ý nghĩa Kinh Thánh này :

1. Chiên hiền lành, chịu đựng: Ngôn sứ Isaia khi nói về người tôi tớ đau khổ của Giavê đã viết: "Bị đối xử tàn tệ, Ngài vẫn hạ mình không kêu một tiếng, như một con chiên bị đem đi giết. Như con cừu im lặng khi người ta xén lông" (Is 53,7).

Thánh Gioan (Ga 19,9) khi trình thuật cuộc khổ hình của Ðức Giêsu đã hiểu theo nghĩa này. Các Giáo Hội Ðông phương còn nhắc lại trong phụng vụ của mình.

2. Chiên sát tế: Chiên Thiên Chúa nhắc chúng ta nhớ đến con chiên bị sát tế trong lễ Vượt Qua. Chính Ðức Giêsu đã bị kết án tử hình vào lúc các tư tế giết các con chiên để hiến tế trong lễ Vượt qua. Thánh Phaolô đã viết cho các tín hữu Côrintô: "Ðức Kitô, Chiên Vượt Qua của chúng ta đã bị sát tế" (1Cor 5,7).

3. Chiên quyền năng : Sau cùng, trong sách Khải Huyền, Con Chiên xuất hiện đầy quyền năng trong cuộc chiến chống cái ác. Ngài đã chiến thắng và đưa các tín hữu tới nguồn Nước Hằng Sống.

Ta chỉ dừng lại ở nghĩa thứ hai, chiên sát tế, vì Gioan khi giới thiệu Đức Giêsu là Chiên Thiên Chúa, còn giới thiệu luôn (job) nghề của Ngài: gánh tội trần gian.

Bản Tiếng Việt dịch là Chiên Thiên Chúa, Đấng “xóa” tội trần gian. Từ xóa là một cách nói văn hoa nhẹ nhàng nhưng không lột hết ý nghĩa của nguyên ngữ. Tiếng Hy Lạp dùng từ “Airein,” tiếng Latin dùng từ “Tollit” có nghĩa là nhận lấy vào mình, gánh lấy, vác lấy. “Xoá” có thể có nghĩa là đứng ngoài. Ở ngoài ta bắn một quả canon, xoá sạch hang ổ của kẻ địch. Từ trời, Đức Chúa cho mưa diêm sinh xuống xoá sạch tội lỗi dân Sôđoma và Gômora. Vì thế có lẽ nên dịch là Đấng “gánh” tội trần gian thì đúng hơn. Vì Chúa Giêsu không đứng ngoài cuộc. Người đã nhập cuộc, gánh lấy thân phận con người và nhất là vác lấy tội lỗi thế nhân.

Chính vì gánh lấy tội lỗi mà Người là Đấng hoàn toàn trong sạch, vô tội, đã chịu hạ mình xếp hàng giữa những người tội lỗi xin Gioan rửa.

Chính vì gánh lấy tội lỗi nhân loại mà Người lui tới với những người tội lỗi, chuyện trò ăn uống với họ cùng một bàn.

Nhất là chính vì gánh lấy tội lỗi mà Người đã phải chịu chết giữa hai tội phạm, đồng số phận với họ, đồng bản án với họ như phường trộm cướp.

Có một cô gái đang có người yêu bị một kẻ lạ mặt hãm hiếp và đã có thai. Cô khổ tâm vô cùng vì bị người yêu khước từ và gia đình ngờ vực. Cô đã đến gặp Đức Cha Fulton Sheen than thở với ngài và hỏi ngài: "Tại sao con phải ra nông nỗi này?" Sau khi lắng nghe với tất cả sự cảm thông, Đức Cha ôn tồn trả lời cô gái: "Vì con đang gánh tội của một người".

Rồi Đức Cha Sheen kết luận: Nếu chỉ vì phải gánh tội của một người mà cô gái kia phải đau khổ buồn sầu như thế, thì khi phải gánh chịu tội của cả nhân loại Chúa Giêsu đã phải chịu đau khổ buồn sầu biết chừng nào ! Đây Chiên Thiên Chúa, đây Đấng gánh tội trần gian.

Theo truyền thống Do Thái trong sách Xuất Hành (Xh 29,38-42), thì mỗi ngày, vào sáng sớm và chiều tối, các tư tế trong đền thờ phải sát tế mỗi buổi một con chiên nhỏ cỡ một tuổi làm của lễ toàn thiêu để đền tội thay cho dân chúng. Như vậy tội lỗi của cả dân chúng mỗi buổi đều đổ hết lên đầu con chiên, và con chiên gánh tội ấy phải chết để đền tội thay cho dân chúng, hầu dân chúng được khỏi tội trước Thiên Chúa. Ta thử nghe lại Sách Xh 29,38-46

"Đây là những gì ngươi sẽ dâng trên bàn thờ : hai con chiên một tuổi, ngày nào cũng vậy, phải giữ như thế mãi mãi. Ngươi sẽ dâng một con lúc sáng, còn con thứ hai thì dâng vào lúc chập tối. Cùng với con chiên thứ nhất, ngươi sẽ dâng bốn lít rưỡi tinh bột lúa miến nhào với hai lít dầu ô-liu giã trong cối, và lấy hai lít rượu nho làm rượu tế. Còn con chiên thứ hai, ngươi sẽ dâng vào lúc chập tối, và dâng cùng với lễ phẩm và lễ tưới rượu như ban sáng. Đó là hương thơm làm đẹp lòng ĐỨC CHÚA, là lễ hoả tế dâng ĐỨC CHÚA.”

Con người có tội phải chết, nhưng con chiên chết thay cho con người. Chết thay cũng là ý nghĩa hay của chiên sát tế.

Hằng năm vào lễ Vượt Qua của người Do Thái, mỗi gia đình có tục lệ ăn thịt một con chiên. Phải lựa con chiên non dưới một năm tuổi, tốt đẹp, không tì vết. Người Do Thái ăn thịt chiên Vượt Qua, không phải để mừng mùa đông đã qua và mùa xuân vừa mới khởi đầu, nhưng là để kỷ niệm ngày Chúa giải phóng họ khỏi ách nô lệ Ai Cập.

Vào đêm hôm giải thoát dân Do Thái. Chúa truyền cho họ giết một con chiên non, lấy máu bôi lên cửa nhà. Đêm ấy sứ thần Chúa đến, nhờ dấu máu chiên bôi ở cửa nhà mà người Do Thái được sứ thần “vượt qua,” (bỏ qua), không vào nhà tàn sát con đầu lòng.

Alibaba và 40 tên cướp thì ngược lại. Trinh sát đi trước, tìm ra căn nhà của người em giàu có, liền ghi dấu lên cửa cho băng đảng tối đến biết mà vào nhà –chứ không phải “vượt qua”- sát hại người em. Vợ của người em đi về thấy chỉ có nhà mình bôi dấu, nghi ngờ, nên lấy sơn nước Thái Lan bôi dấu lên tất cả các cửa nhà khác nữa, làm băng đảng của Alibaba không biết nhà nào là nhà của người em.

Máu chiên bôi lên nhà nào, thì nhà đó thoát. Chiên chết thay cho người.

Tại Werden nước Đức, có một con chiên bằng đá được đặt ngay trên nóc nhà thờ. Câu chuyện kể lại rằng, xưa kia có một ông thợ đang sửa lại mái nhà thờ. Thình lình sợi dây đai an toàn bị đứt, ông bị rơi ngã xuống đất. Khu vực phía dưới xung quanh nhà thờ chất đầy gạch đá. Nhưng may mắn cho ông, có một con chiên đi ăn cỏ, lạc vào khu vực nhà thờ. Ông đã rơi xuống ngay trên mình con chiên. Con chiên bị chết ngay tại chỗ, nhưng ông thợ đã sống sót. Sau đó người thợ này đã tạc một con chiên bằng đá, đặt trên mái nhà thờ để nhớ ơn con chiên đã cứu mạng sống của mình.

Đây chiên gánh tội, đây chiên chết thay cho tội nhân

Người gánh lấy tội của ta để ta được tha thứ. Người hạ mình xuống để ta được nâng lên. Người trở nên nghèo hèn để ta được giàu có. Người làm con loài người để ta được làm con Thiên Chúa. Người trở nên yếu hèn để ta được mạnh mẽ. Người chịu nhục nhã để ta được vinh quang. Người nhận lấy thân phận nô lệ để ta được tự do. Người cam lòng chịu chết để trả lại cho ta sự sống.

Những danh hiệu đó phải chăng cũng gợi lên một ước mong. Ước mong người tín hữu sống theo gương của Chiên Thiên Chúa.

Ước mong những chiên con nối gót theo chiên mẹ đầu đàn đi vào con đường hiền lành khiêm nhường.

Ước mong đoàn chiên tự hiến đời mình như một của lễ dâng lên Thiên Chúa.

Và ước mong đoàn chiên gánh lấy số phận của người khác, để yêu thương, đoàn kết, liên đới, chia sẻ với anh em tất cả mọi niềm vui, nỗi buồn của họ.

Lạy Chiên Thiên Chúa, Đấng gánh lấy tội con. Xin thương xót con.

LM. Anphong Nguyễn Công Minh, ofm