TỪ ĐIỂN VIỆT – BỒ - LA
GIÚP HIỂU RÕ Ý NGHĨA
MỘT SỐ KINH ĐỌC THƯỜNG NGÀY
(tiếp theo - 3)

9. Kinh Ăn Năn Tội[1]

Lạy Chúa, Chúa là Đấng trọn tốt trọn lành vô cùng. Chúa đã dựng nên con, và cho Con Chúa ra đời chịu nạn chịu chết vì con, mà con đã cả lòng phản nghịch lỗi nghĩa cùng Chúa, thì con lo buồn đau đớn, cùng chê ghét mọi tội con trên hết mọi sự; con dốc lòng chừa cải, và nhờ ơn Chúa thì con sẽ lánh xa dịp tội cùng làm việc đền tội cho xứng. Amen.

- Trong kinh này chúng ta thấy từ “ăn năn”, từ “ăn năn” trong tiếng Việt hiện đại nghĩa là “cảm thấy đau xót, day dứt trong lòng về lỗi lầm của mình”; bên cạnh đó tiếng Việt thế kỉ XVII thời của Từ điển Việt - Bồ - La cũng có nghĩa cổ hay không kém. “Ăn năn” nghĩa đen theo Từ điển Việt – Bồ - La là “ăn thứ cỏ đắng”, nghĩa ẩn dụ “để chỉ sự thống hối”. Từ này có lịch sử như sau: ngày xưa muốn sửa dạy ai là dùng hình phạt, người có lỗi phải quỳ gối ăn thứ cỏ ‘năn’ đắng giống như súc vật. “Ăn năn tội” nghĩa là ‘vì tội mà phải ‘ăn cỏ năn để tỏ lòng thống hối’, theo dòng lịch sử nghĩa đen của việc bị phạt ăn cỏ, trở thành nghĩa chính của từ “ăn năn tội” là biểu lộ sự “thống hối tội lỗi của mình”, là bày tỏ thái độ và hành động thống hối.

- Trong kinh này chúng ta cũng gặp cụm từ “cả lòng”, từ “cả” trong Từ điển Việt – Bồ - La cũng có những nét nghĩa tương tự như trong Từ điển tiếng Việt hiện đại: cao nhất, lớn nhất, đứng đầu nhất, mức độ mạnh mẽ nhất, số lượng thành phần ở mức độ tối đa; tuy nhiên nó cũng có vài nét nghĩa cổ. Những cụm từ chúng ta thấy trong Từ điển Việt – Bồ - La như: thầy cả, chị cả, cả gan, cả giận, cả tiếng những từ này giống như trong tiếng Việt hiện đại. Tuy nhiên Từ điển Việt – Bồ - La còn có những cụm từ khác chúng ta hiện nay như:
đầy tớ cả................... (nghĩa là tông đồ),
cả nước – hồng cả .... (nghĩa là lụt hồng thủy, lụt cùng khắp),
ăn chay cả ................ (nghĩa là mùa chay bốn mươi ngày),
ơn cả ........................ (nghĩa là ơn huệ to lớn),
cả và thiên hạ ........... (nghĩa là tất cả thế giới, cả mọi người dưới bầu trời).

Cụm từ “cả lòng” được Từ điển Việt – Bồ - La ghi nhận “tội cả lòng” nghĩa là “tội cả dám”, dám phản nghịch lỗi nghĩa cùng Chúa. Chúng ta cũng gặp cụm từ “cả sáng” trong Kinh Lạy Cha là kiểu kết hợp tương tự, kiểu kết hợp này ngày nay không còn nữa. Một điều thú vị là chúng ta tìm thấy trong Phép giảng tám ngày của Cha Đắc Lộ, 8 lần Cha dùng cụm từ “cả sáng” với nghĩa “vinh danh, tỏ rạng”; làm cho danh Cha “cả sáng” nghĩa là cho danh Cha được “tỏ rạng”, được “vinh danh”. Lần thứ 8 trong Phép giảng tám ngày ở câu cuối cùng xuất hiện cụm từ “cả sáng hơn” và được chú thích là ‘khẩu hiệu Dòng Tên’ nghĩa là vinh danh Chúa hơn.

- Trong kinh này còn cụm từ “dốc lòng chừa cải”: Từ điển Việt – Bồ - La ghi nhận “dốc lòng” nghĩa là “quyết tâm, quyết định”; “dốc lòng chừa” nghĩa là quyết tâm sửa mình; Từ điển Việt – Bồ - La ghi rất rõ: mục từ “chừa” nghĩa là “sửa mình một phần”, và mục từ tiếp theo “chừa cải” nghĩa là “sửa mình hoàn toàn”. “Dốc lòng chừa cải” nghĩa là “quyết tâm sửa mình hoàn toàn”. Thiết nghĩ lời kinh thật sâu sắc với những từ nghĩa cổ rất thích hợp để chúng ta nghiền ngẫm trong những ngày cuối của mùa chay thánh này.

10. Kinh Trông Cậy

Chúng con trông cậy rất thánh Đức Mẹ Chúa Trời, xin chớ chê chớ bỏ lời con nguyện, trong cơn gian nan thiêú thốn, Đức Nữ Đồng Trinh hiển vinh sáng láng. Hằng chữa chúng con cho khỏi mọi sự dữ. Amen

- Trong kinh này chúng ta gặp cụm từ “hằng chữa”: theo Từ điển Việt – Bồ - La “hàng” nghĩa là “luôn luôn”, “chữa” nghĩa là “giải cứu khỏi bất cứ tai họa nào như bệnh hoạn hoặc sự nguy hiểm...” “Hằng chữa chúng con cho khỏi mọi sự dữ”, nghĩa là xin Mẹ luôn luôn giải cứu cho khỏi mọi sự dữ, khỏi bất cứ tai họa, bệnh nạn hoặc bất cứ nguy hiểm nào.

11. Kinh thờ Lạy

Lạy Chúa, con là vật phàm hèn cùng là không trước mặt Chúa, con hết lòng thờ lạy và nhận thật Chúa là đầu cội rễ mọi sự, là cùng sau hết mọi loài; Chúa đã dựng nên con cùng thật là Chúa con nữa, thì con xin dâng linh hồn và xác cùng mọi sự trong ngoài con ở trong tay Chúa. Amen

- Trong kinh này chúng ta gặp cụm từ “con là vật phàm hèn”, tác giả Từ điển Việt – Bồ - La ghi nhận câu nói: “tôi là kẻ hèn” với nghĩa “tôi không là gì hết” là một “lời khiêm tốn, thông dụng đối với người An-nam” (người Việt Nam) lúc bấy giờ. Các nhà truyền giáo đã ứng dụng câu nói thông dụng của người dân An-nam vào lời kinh đọc bằng cách thay thế đại từ “tôi” bằng đại từ “con” và từ “kẻ” bằng từ “vật”. Lời kinh “con là vật phàm hèn cùng là không trước mặt Chúa” nghĩa là con không là gì hết, con không có gì hết, con là hư không trước mặt Chúa là một lời khiêm tốn, là câu nói cửa miệng của người An-nam. Khi chúng ta bắt đầu lời “Kinh Thờ Lạy” hoặc khi chúng ta cầu nguyện với Chúa, chúng ta hãy khiêm tốn nhìn nhận thân phận của mình trước mặt Chúa: Lạy Chúa, con không là gì hết, con không có gì hết, con là hư không trước mặt Chúa, con hết lòng thờ lạy Chúa.

Trong kinh này chúng ta còn gặp cụm từ “Chúa là đầu cội rễ mọi sự, là cùng sau hết mọi loài” ý tưởng này tác giả Từ điển Việt – Bồ - La nhắc đi nhắc lại rất nhiều lần trong từ điển bằng các kiểu nói như: Chúa blời (Trời) là cội rễ muân (muôn) sự nghĩa là Chúa Trời là nguyên lý mọi vật; là đấng “vô thỉ vô chung”. Tác giả Từ điển giải thích thêm: “thiên thần” và “linh hồn” thì “hỡu (hữu) thỉ vô chung” nghĩa là “có nguyên lý mà chẳng có cùng tận”. Thiên Chúa thì “vô thỉ vô chung” là vĩnh cửu. Khi đọc lời kinh này chúng ta xác tín rằng, Chúa là Đấng hằng hữu, “Chúa là đầu cội rễ mọi sự, là cùng sau hết mọi loài”, từ muôn đời đã có Ngài và mãi mãi ngàn đời vẫn có Ngài.

12. Kinh Phù Hộ

Chúng con thờ lạy ngợi khen Chúa là Đấng có phép tắc vô cùng, đã thương để chúng con đến sớm mai nay, thì xin Chúa xuống ơn phù hộ cho chúng con trót ngày hôm nay, khỏi sa phạm tội gì. Lại xin Chúa sửa sự lo, lời nói, việc làm chúng con hằng nên trọn lành theo ý Chúa; vì công nghiệp Đức Chúa Giêsu, là Đấng hằng sống hằng trị cùng Đức Chúa Cha và Đức Chúa Con và Đức Chúa Thánh Thần đời đời chẳng cùng . Amen

- Trong kinh này chúng ta gặp cụm từ “xuống ơn” đây là một nét nghĩa, một kiểu kết hợp ngữ pháp mà tiếng Việt hiện đại không có. Tiếng Việt hiện đại từ “xuống” có 4 nét nghĩa: 1.Di chuyển đến một chỗ, một vị trí thấp hơn hay được coi là thấp hơn; 2.Giảm số lượng, mức độ hay cấp bậc; 3.Truyền đến các cấp dưới (kết hợp hạn chế); 4.Từ biểu thị hướng di chuyển hoạt động.

Từ điển Việt – Bồ - La từ “xuống” cũng có các nét nghĩa như tiếng Việt hiện đại, và có thêm mục từ “xuống” tương ứng với mục từ “giáng” (từ nguyên Hán Việt) nghĩa là từ trên xuống (nghĩa đen), từ này giúp chúng ta hiểu cụm từ “xuống thế” nghĩa là “giáng thế” là đến thế gian với nghĩa bóng; từ này cũng giúp chúng ta hiểu rõ hơn từ “xuống thai” trong Kinh Tin Kính mà tiếng Việt hiện đại không diễn đạt hết ý nghĩa. Hơn 100 năm sau Từ điển Việt – Bồ - La, “Tự vị Annam Latinh” của Đức Cha Bá Đa Lộc có các mục từ “xuống ơn” với nghĩa “bề trên ban ơn”; “xuống phước” nghĩa là “ban ơn cho ai”; “xuống thế” nghĩa là “đến thế gian”; như vậy từ “xuống” còn có nghĩa là “ban” và “đến”. Thiết nghĩ với ý nghĩa này sẽ giúp cho chúng ta hiểu rõ ý nghĩa một số kinh đọc có các cụm từ “xuống ơn”, “xuống thai”, “xuống thế”, “xuống phúc” cách rõ ràng hơn.

13. Dấu Thánh Giá[2]

Nhân danh Cha và Con và Thánh Thần. Amen

- Dấu Thánh Giá chúng ta tuyên xưng hằng ngày, mỗi ngày, mọi nơi, mọi lúc thật ngắn gọn và đơn giản. Tuy nhiên khi cần phải giải thích thì không ít người trong chúng ta gặp khó khăn. Thật ra việc tuyên xưng một Chúa Ba Ngôi có lẽ ai cũng hiểu, nhưng khi được hỏi về cụm từ “nhân danh” khởi đầu Dấu Thánh Giá thì có lẽ chúng ta lúng túng.

Từ điển Việt – Bồ - La có mục từ “nhin danh cha” nghĩa là nhân danh cha, tác giả ghi chú thêm [hồ nghi không biết có cùng một nghĩa với ‘in nomine patris’ ?] tác giả để nguyên gốc từ Latin để không làm sai đi ý Thần Học của từ ấy. Trong Từ điển Việt – Bồ - La còn có mục từ “danh” nghĩa là “tên”. Tuy nhiên nếu kết hợp với “Tự vị Annam Latinh” của Đức Cha Bá Đa Lộc thì chúng ta sẽ thấy cụm từ này sáng rõ hơn. Trong “Tự vị Annam Latinh” của Đức Cha Bá Đa Lộc rất nhiều mục từ là phương ngữ Đàng Trong, chúng ta có từ “nhơn” (phương ngữ Đàng Trong) tương ứng với từ “nhân” (ngôn ngữ toàn dân) nghĩa là vì, bởi vì; cụm từ “nhơn danh” (phương ngữ Đàng Trong) tương ứng với cụm từ “nhân danh” (ngôn ngữ toàn dân) nghĩa là “vì tên”. Từ “nhơn danh” cũng chính là từ “nhân danh” trong công thức Dấu Thánh Giá chúng ta đang tìm hiểu, nghĩa là vì tên, vì danh.

Chúng ta cũng nên biết thêm một điều, trong lịch sử tiếng Việt đó là từ Hán Việt và thuần Việt có phần thay thế phân bố với nhau rất hài hòa. Từ Hán Việt luôn biểu thị sắc thái nghĩa trang trọng, khái quát; từ thuần Việt luôn biểu thị nghĩa thông thường, cụ thể. Ví dụ như: người ta thường sử dụng từ Hán Việt quốc tế phụ nữ chứ không ai nói quốc tế đàn bà, người ta gởi thiệp báo lễ thành hôn chứ không ai gởi thiệp báo lễ đám cưới, người ta gọi giáo sư tiến sĩ A, chứ không nói thày dạy tiến sĩ A... Chính vì thế mà từ “nhân danh” (từ Hán Việt) tồn tại trong Dấu Thánh Giá với nghĩa trang trọng thay thế cho (từ thuần Việt) “vì tên”.

Mỗi khi làm Dấu Thánh Giá là chúng ta “nhân danh” Ba Ngôi Thiên Chúa: Chúa Cha, Chúa Con và Chúa Thánh Thần. Chúng ta có thói quen làm Dấu Thánh Giá trước bất kì công việc gì, ăn uống, ngủ nghỉ, học hành... ước gì chúng ta cũng ý thức tất cả các hoạt động ấy là “vì danh” Thiên Chúa Ba Ngôi, là “nhân danh” Chúa Cha, Chúa Con và Chúa Thánh Thần.



Sr.Minh Thùy (còn tiếp)


[1] Tất cả các kinh, được trích từ các trang web sau:
- http://www.conggiao.org/dao-cong-giao/tat-ca-cac-kinh/
- http://www.giaoxudenver.org/kinh/cackinh.htm
[2] Một số độc giả gởi đến lời thắc mắc và xin giải thích từ “nhân danh” trong “Dấu Thánh Giá”. Chúng tôi cũng dùng Từ điển Việt – Bồ - La để giúp quý vị hiểu rõ về ý nghĩa lời đọc.