ĐỨC GIOAN XXIII VỚI CÁC VẤN ĐỀ XÃ HỘI

LTS : Đức Giáo Hoàng Gioan XXIII được Giáo Hội công nhận là đấng thánh. Ngài đã thực hiện nhiều công trình cho Giáo Hội và Xã hội. Ngài lại là người có tình nghĩa sâu đậm với người Công Giáo Việt Nam.

Khi làm Sứ thần tại Paris, ngài đã liên hệ với cha Trần Thanh Giản, Giám đốc Giáo xứ Việt nam Paris qua thư đề ngày 17.04.1951.

Ngày 28.10.1958, vừa được bầu làm Giáo Hoàng, Ðức Gioan XXIII đã tái chấp nhận những quyết định của Vị Tiền Nhiệm, cử Ðức Hồng Y Gregorio Pietro Agagianian làm đặc sứ đến Việt Nam tham dự Đại Hội Thánh Mẫu vào năm 1959, một sự kiện lớn nhất do sáng kiến của các Đức Giám Mục miền Nam. Đại hội được tổ chức trong ba ngày 16, 17, 18 tháng 2/1959 tại Sài Gòn, nhân dịp Năm Thánh Mẫu, kỷ niệm 100 năm Đức Mẹ hiện ra ở Lộ Đức, đồng thời mừng 300 năm việc bổ nhiệm hai Giám Mục tiên khởi tại Việt Nam ngày 9/9/1659 là Đức Cha Pallu tại Đàng Ngoài và Đức Cha Pierre Lambert de la Motte tại Đàng Trong.

Ngày 24/11/1960, qua Tông sắc Venerabilium Nostrorum, Đức Giáo Hoàng Gioan XXIII đã quyết định thành lập Hàng Giáo phẩm Việt Nam. Tông sắc Venerabilium Nostrorum là tiếng nói quyết định của Tòa thánh, công nhận sự tăng trưởng và lớn mạnh của Giáo Hội tại Việt Nam, đáng được nâng lên địa vị hàng Giáo Phẩm, bằng cách thiết lập 3 Giáo tỉnh mới : 1 ở Bắc, 1 ở Trung, 1 ở Nam, với ba Tòa tổng Giám Mục Hà Nội, Huế, Sàigon.

Nhân dịp Giáo Hội phong hiển thánh cho Đức Gioan XXIII vào ngày 27.04.2014, để góp phần ghi ơn và mộ mến ngài, chúng tôi xin trích đăng một số bài trong tập sách « Chân Phước Giáo Hoàng Gioan XXIII », do Ban Tu Thư Giáo Xứ Việt Nam Paris biên soạn và xuất bản năm 2000, gợi lại những công trình lớn mà ngài đã làm cho Giáo Hội và cho nhân loại.

Đã được phổ biến :

Ngày 22.04.2014 : « ĐƯỜNG NÊN THÁNH CỦA ĐỨC GIOAN XXIII », do Lm Mai Đức Vinh

Ngày 29.04.2014 «ĐỨC GIOAN XXIII KHAI MỞ CÔNG ĐỒNG VATICAN II » do Ls Nguyễn Thị Hảo

Hôm nay 06.05.2014, xin giới thiệu bài 3 về « ĐỨC GIOAN XXIII VỚI CÁC VẤN ĐỀ XÃ HỘI » do Lm Mai Đức Vinh



Đức Gioan XXIII, tên thật là Angelo Giuseppe Roncalli, sinh ra năm 1881, tại làng Sotto-il-Monte, nằm trên rãy núi Alpes của nước Ý. Ngay từ nhỏ đã có chí hướng làm linh mục. Vì thế sau những năm ở chủng viện của giáo phận, rồi Roma, Angelo chịu linh mục năm 1904, lúc 23 tuổi. Sau khi chịu chức, cha Angelo lần lượt làm mục vụ tại giáo phận Bergamme, trong quân đội Ý, tại Giáo triều Roma. Tiếp đến, năm 1925, ngài được phong chức giám mục và bổ nhiệm đi làm ngoại giao toà thánh tại Bulgarie, Thổ Nhĩ Kỳ, Hy Lạp và nước Pháp suốt 28 năm. Đến năm 1953, Đức Pio XII nâng ngài lên chức Hồng Y và làm Giáo Chủ thành Venise. Như vậy, Đức Gioan XXIII, có đầy đủ hành trang mục vụ để lãnh nhận trách nhiệm cao nhất, là được bầu làm Giáo Hoàng, kế vị Đức Pio XII tạ thế năm 1958.

Triều đại Giáo Hoàng của Đức Gioan XXIII chỉ dài 5 năm, nhưng nhân cách và việc làm của ngài đã dẫn ngài vào chỗ ngồi cao trong lịch sử Giáo Hội và nhân loại: Trong Giáo Hội, Đức Gioan XXIII là vị mục tử chú trọng đến việc canh tân và hiệp nhất. Công Đồng Vatican II do ngài khai mở là một biến cố lịch sử vĩ đại. Ngoài xã hội, Đức Gioan XXIII đáp ứng tích cực những khát vọng chính yếu và khẩn trương của con người thời đại: “Giá trị con người, Hoà Bình, Công bằng xã hội...”. Những đáp ứng này được trình bày trong hai Thông điệp lớn “MẸ VÀ THẦY” (Mater et Magistra) và “HOÀ BÌNH TRÊN THẾ GIỚI” (Pacem in terris)

Ở chương sau, Giáo sư Trần Văn Cảnh sẽ trình bày về thông điệp “Hoà Bình trên Thế Giới”. Trong chương này, tôi hân hạnh đề cập đến thông diệp “Mẹ và Thầy”. Thông điệp được ban hành tại Roma, ngày 15. 05.1961. Không kể phần nhập đề, thông điệp được chia ra 4 phần chính, và gồm 111 số. Chúng ta sẽ lần lượt khảo sát từng phần.

NHẬP ĐỀ

Trong phần này, Đức Gioan XXIII nhấn mạnh với chúng ta hai điểm:

1. ĐỊA VỊ VÀ SỨ MỆNH CỦA Giáo Hội.

Giáo Hội do Chúa Giêsu thiết lập, vốn ấp ủ trong cung lòng một tình yêu có sức xây dựng cho mỗi người một đời sống ngày càng thăng tiến và bảo đảm phần rỗi cho mọi người. Vì thế đối với mỗi người và mỗi dân tộc, Giáo Hội như một bà mẹ cần mẫn trong việc sinh dưỡng và giáo dục. Từ sứ mệnh cao cả này, Giáo Hội nối liền đất với trời. Nghĩa là không chỉ quan tâm đến đời sống thiêng liêng hay phần rỗi của nhân loại, mà Giáo Hội còn có quyền và có bổn phận về những vấn đề tại thế của đời sống nhân loại, tức là những vấn đề xã hội... Là người Mẹ, Giáo Hội phải lưu tâm cho con người có một “tâm hồn lành mạnh trong thân xác tráng kiện” (Sana anima in sano corpore) (1-6).

2. MỤC ĐÍCH CỦA THÔNG ĐIỆP MẸ VÀ THẦY.

Để kỷ niệm 70 năm ngày Đức Thánh Cha Leo XIII ban hành thông điệp “TÂN SỰ” (Rerum Novarum) (1891-1961). Tân Sự là thông điệp lớn trình bày học thuyết và những nguyên tắc giải quyết các vấn đề xã hội. Cả thế giới đã nghiêng mình trước học thuyết xã hội trình bày trong thông điệp Tân Sự. Vì thế mặc dầu đã 70 năm, với bao nhiêu thay đổi về chính trị, kinh tế và xã hội đã ghi đậm lịch sử loài ngừơi, những điều Đức Leo XIII đề cập đến trong thông điệp vaăn còn giá trị cơ bản (7-9).

Cho đến nay, đã có nhiều văn kiện chính thức của Toà Thánh được ban hành để nhắc lại và cập nhật hóa các giáo huấn của thông điệp Tân Sự thời danh này:

1931: Thông điệp NĂM THỨ BỐN MƯƠI (Quadragesimo anno) của Đức Pio IX, kỷ niệm 40 năm thông điệp Tân Sự, bàn về “việc chấn hưng trật tự xã hội cho hoàn toàn phù hợp với các huấn giới của Tin Mừng”.

1941: Sứ điệp LỄ HIỆN XUỐNG (Le Radiomessage de la Pentecôte 1941) của Đức Pio XII, kỷ niệm 50 năm thông điệp Tân Sự, nhấn mạnh rằng: Điều không thể khước bác là Giáo Hội có khả năng phán quyết những điều cơ bản của một tổ chức xã hội hiện hữu xem chúng có phù hợp với trật tự vĩnh tồn của sự vật mà Thiên Chúa, Tạo Thành và Cứu Thế, đã bày tỏ qua luật tự nhiên và Mạc khải hay không.

1961: Thông điệp MẸ VÀ THẦY của Đức Gioan XXIII, kỷ niệm 70 năm thông điệp Tân Sự và 30 năm thông điệp Năm Thứ bốn Mươi, bàn về các vấn đề xã hội.

197I: Tông thư ĐÃ ĐẾN NĂM THỨ TÁM MƯƠI (Octogesima adveniens) của Đức Phaolo VI gửi cho Đức Hồng Y Roy, chủ tịch Hội Đồng Giáo Dân về Công Lý và Hoà Bình, đề kỷ niệm 80 năm thông điệp Tân Sự và bàn đến các vấn đề xã hội.

1981: Thông điệp LAO ĐỘNG (Laborem exercens) của đức Gioan Phaolô II, kỷ niệm 90 năm thông điệp Tân Sự, nói về vấn đề làm việc của con người.

1991: thông điệp NĂM THỨ MỘT TRĂM (Centesimus annus) của Đức Gioan Phaolô II, kỷ niệm 100 năm ban hành thông điệp Tân Sự, đề cao những giá trị của học thuyết xã hội Công Giáo.

I. NỘI DUNG CỦA THÔNG ĐIỆP TÂN SỰ VÀ CÁCH ỨNG DỤNG CỦA ĐỨC PIO XI VÀ ĐỨC PIO XII.

1. THÔNG ĐIỆP TÂN SỰ CỦA ĐỨC LEO XIII.

1) Thời đại của thông điệp Tân Sự. Đức Leo XIII nói với một xã hội đang có những thay đổi tận gốc, nhiều mâu thuẫn kỳ khôi và nhiều nổi loạn quyết liệt. Trong một xã hội như vậy, những quan niệm, hoạt động và cạnh tranh kinh tế có thể được tóm tắt: “xa lìa luân lý để thủ lợi cá nhân”, “mạnh được yếu thua”, “giàu thì lý mạnh, nghèo thì đuối lý”, “chính quyền giả bộ làm ngơ”, “nghiệp đoàn bị cấm chỉ hay, nếu được chấp nhận, chỉ là tư riêng” (10-12).

Kết quả là: Tài sản nằm trong tay một số nhỏ quốc gia hay một số nhỏ nhà giầu. Chênh lệch giầu nghèo giữa mỗi quốc gia hay mỗi lớp người ngày thêm lớn. Thân phận người lao động mỗi ngày một bị bóc lột, làm nhiều lương ít, thất nghiệp không được bảo đảm và nhiều gia đình bị tan vỡ. Vì thế giới lao động bất mãn, nhiều khi đi đến những phản ứng cực đoan, gây rối loạn trầm trọng (13-14).

2) Đường lối tái thiết. Trước thảm cảnh xã hội, Đức Leo XIII đưa ra giáo thuyết xã hội tựa trên nhân bản, lấy tinh thần và nguyên tắc Phúc Âm làm nền tảng. Tuy một số người chống đối thông điệp, nhưng đa số lại ngỡ ngàng sung sướng vì thấy Giáo Hội đã sớm đưa ra một đường lối tái thiết xã hội, mạnh dạn bênh vực giới lao động và đề cao nhân phẩm (15)

Riêng Đức Leo XIII, ngài khẳng định:

* Tự bản chất, vấn đề xã hội sôi bỏng cần đến sự can thiệp của tôn giáo, của Giáo Hội (16).

* Xã hội loài người phải được tái thiết về kinh tế xã hội theo nguyên tắc Phúc âm của Chúa Giêsu ((17).

* Kinh tế phải phục vụ con người, vì thế người lao động phải được trả lương xứng đáng (18).

* Tư sản là quyền tự nhiên. Nhà Nước không có quyền chối bỏ hay tước đoạt đối với người dân (19).

* Bổn phận Nhà Nước là để mưu đồ công ích. Nhà Nước phải dấn thân vào sinh hoạt kinh tế để bênh vực quyền lợi của người dân, nhất là giới thợ thuyền và người yếu kém (20).

* Trong lãnh vực lao động, nhân vì phải được tôn trọng về mặt thể xác cũng như tinh thần (21).

* Do đó “Luật Lao Động” là điều phải có. Cũng như người lao động có quyền thành lập và gia nhập “Nghiệp Đoàn” hầu bảo vệ những quyền lợi chính đáng về mặt kinh tế và nghề nghiệp (22)

* Tự do kinh tế quá trớn và giai cấp đấu tranh theo thuyết Cộng sản, cả hai đều ngược với bản tính con người và quan niệm Công Giáo về cuộc sống (23).

2. THÔNG ĐIỆP ”NĂM THỨ BỐN MƯƠI” CỦA ĐỨC PIO XI

1) Mục đích của thông điệp. Là để kỷ niệm long trọng 40 năm thông điệp Tân Sự của Đức Leo XIII. Đồng thời nhắc lại: Giáo Hội có quyền và bổn phận đóng góp vào việc giải quyết thỏa đáng những vấn đề quan trọng đang làm lung lay nền tảng gia đình xã hội. Sau đó, thông điệp khẳng định những giá tri tồn tại của thông điệp Tân Sự, và giải thích tư tưởng xã hội Công Giáo đối với những vấn đề mới của thời đại: Vấn đề tư sản, qui chế lương bổng, thái độ người Công Giáo trước hình thức xã hội chủ nghĩa dung hoà (27-29).

2) Nội dung của thông điệp. Đức Pio XI nhắc lại và diễn giảng thêm những điểm sau đây:

* Quyền tư hữu: Cũng như Đức Leo XIII, Đức Pio XI xác định “quyền tư hữu là quyền tự nhiên”. Quyền này mang nhiều phẩm tính và trách nhiệm xã hội (30).

* Về lương bổng: Một đàng ngài khước bác chủ trương “lương bổng tự nó là bất công”. Một đàng ngài đòi hỏi: chủ phải trả lương cho công nhân hợp đức công bằng, xứng với giá trị việc họ làm. Và để bảo đảm, cần có khế ước giữa thợ và chủ. Người thợ còn có thể tham gia vào tài sản của xí nghiệp, vào ban quản trị, và vào cả lợi tức của xí nghiệp nữa (31-33).

* Giữa thuyết cộng sản và giáo lý Công Giáo có một tương phản tận gốc. Vì thế người Công Giáo không thể chấp nhận “thuyết xã hội dung hoà”. Theo thuyết này: đời sống kết thúc ngay tại thế, vì thế mục đích của xã hội là tạo đời sống an nhàn, hưởng thụ; tự do của con người lệ thuộc mức sản xuất; không cần tôn trọng tự do cá nhân (34)

* Biến chuyển kể từ thông điệp Tân Sự: Chế độ tự do cạnh tranh kinh tế đã trở thành “độc tài kinh tế”. Bởi vì hầu hết tài sản quốc gia nằm gọn trong tay một số nhỏ người, họ mặc sức khai thác thợ thuyền (35-36)

* Phương thuốc trị liệu: Kinh tế phải đi đúng luật luân lý, tức là đúng theo công ích, theo đức công bằng và tình thương. Cụ thể: cần có những cơ quan trung gian chuyên về kinh tế và nghề nghiệp; Nhà Nước phải đóng vai trò trung gian đúng đắn giữa chủ và thợ; Trên bình diện quốc tế, cần có sự hợp tác giữa các quốc gia (37-40).

3. DIỄN VĂN TRUYỀN THANH LỄ HIỆN XUỐNG CỦA ĐỨC PIO XII

1) Mục đích: Mừng “lễ vàng” của thông điệp Tân Sự (1891-1941). Qua bài diễn văn này, Đức Pio XII nhắc lại với thế giới rằng:

* Giáo Hội có thực quyền để phán định xem căn bản của tổ chức xã hội có đúng với trật tự bất biến do chính Thiên Chúa Tạo Thành và Cứu Chuộc đã ấn định qua luật tự nhiên và Mạc khải (42).

* Giáo huấn của thông điệp Tân Sự là bất hủ và phong phú. Đặc biệt là những nguyên tắc chỉ đạo của luân lý đối với ba yếu tố căn bản tạo nên đời sống xã hội kinh tế: Việc xử dụng tài sản; Việc làm và gia đình. Ba yếu tố này hoà hợp và hỗ tương nhau (42).

2) Nội dung: Đức Pio XII vừa nhắc lại vừa quảng diễn thêm ba yếu tố căn bản trên:

* Xử dụng tài sản vật chất: Theo Đức Pio XII, xử dụng tài sản vật chất để nuôi mình là quyền của mỗi người, quyền này vượt trên các quyền lợi khác về kinh tế, kể cả quyền tư hữu (43).

* Về việc làm: Như đức Leo XIII, đức Pio XI khẳng định “việc làm vừa là quyền lợi vừa là bổn phận của mỗi người”. Vì công ích, chính phủ có quyền can thiệp vào việc phân phối công việc làm (44).

* Về gia đình: Đức Thánh Cha quả quyết: Quyền tư hữu tài sản vật chất là quyền sinh tử của gia đình, nói khác, là một cách thế bảo đảm cho mỗi gia đình về quyền tự do chính đáng và cần thiết, hầu thể hiện những bổn phận mà Tạo Hóa đã trao phó, cốt mưu hạnh phúc phần xác và phần tâm linh của gia đình. Gia đình có quyền bỏ xứ ra đi tìm kế sinh nhai, và cả hai chính phủ, nơi ra đi và nơi cập bến, đều có nghĩa vụ giúp đỡ họ (45).

3) Những biến chuyển mới: Đức Giáo Hoàng đề cập đến những lãnh vực:

* Lãnh vực khoa học: khám phá ra nguyên tử lực, xử dụng nguyên tử lực trong chiến tranh, và nỗ lực dùng nguyên tử lực để phụng sự hoà bình (47).

* Lãnh vực kỹ thuật kinh tế: kỹ nghệ được cơ giới hóa ngày càng nhiều, nghề nông rất tiến bộ, ngành truyền hình và truyền thanh cũng nhảy vọt, thu hẹp thế giới và cả không gian (47).

* Lãnh vực xã hội: Nhiều hình thức bảo hiểm được thành lập cho nghề nghiệp, cho giới lao động. Nhất là các nghiệp đoàn thêm vững chắc trong mọi hoạt động (48)

* Lãnh vực giáo dục và văn hóa: Giáo dục được dần dần đại chúng hoá, các trường học đủ cấp được xây cất. Báo chí, sách vở mỗi ngày một trăm hoa đua nở (48).

* Lãnh vực chính trị: Tại nhiều nước, công dân đủ cấp bậc tham gia chính trường. Chính phủ dấn thân rọ nét trong lãnh vực kinh tế xã hội. Nhiều nước tại Á Châu và Phi Châu đã dành lại độc lập. Sự bang giao giữa các nước mỗi ngày một thêm mở rộng và cơ cấu hóa (49).

* Lãnh vực quốc tế: mỗi ngày một khuyếch trương, về chính trị (Liên Hiệp Quốc), về văn hóa (UNESCO), về kinh tế (Lương nông quốc tế, FAO), về y tế (OMS), Lao động (0IT)... (49).

* Lãnh vực nào cũng có vấn đề “không đồng đều”: Trong một nước, nhất là tại các nước kém mở mang, còn nhiều chênh lệch giàu nghèo, được học và thất học, mức an sinh xã hội... Chênh lệch giữa từng vùng trong một nước, giữa từng quốc gia trong một lục địa...(48).

4. NHỮNG VẤN ĐỀ CỦA THÔNG ĐIỆP MẸ VÀ THÀY

“Sau khi trình bày các biến cố căn bản về tình hình của thế giới hiện đại, và cho thấy những biến cố ấy đang đòi hỏi những xác định giáo thuyết rõ rệt hơn, Đức Gioan XXIII loan báo: Sẽ không thay đổi gì trong tư tưởng của các vị tiền nhiệm; trong thông điệp mới này không những ngài sẽ xác định giáo thuyết, mà còn cắt nghĩa tư tưởng của Giáo Hội Chúa Kitô về những vấn đề mới mẻ và quan trọng hiện thời”. (50)(Bản văn trích dẫn trong chương này là mượn lại từ cuốn “Công Đồng Vatican II”, do Senatus Sàigòn xuất bản, 1969, Thông điệp “Mẹ và Thầy”, tr.579-631).

II. XÁC ĐỊNH VÀ QUẢNG DIỄN CÁC HUẤN THỊ CỦA THÔNG ĐIỆP TÂN SỰ

1. SÁNG KIẾN CÁ NHÂN VÀ CAN THIỆP CỦA CHÍNH QUYỀN TRONG LÃNH VỰC KINH TẾ.

1) Sáng kiến cá nhân. Đức Gioan XXIII nhắc lại giáo huấn của Đức Leo XIII: Trong lãnh vực kinh tế, phải trọng sáng kiến cá nhân. Họ hoạt động riêng biệt hay theo một tổ chức có lợi ích chung. Sáng kiến cá nhân bị bóp chẹt trong các chủ thuyết độc tài, cộng sản, duy vật chất. Họ quan niệm sai lầm và phản nhân vị khi cho rằng “con người chỉ là một bánh xe trong guồng máy”. Lúc đó công nhân bất mãn vì thấy mình không có sở hữu nào (51).

2) Sự can thiệp của chính quyền. Thông điệp Tân Sự khẳng định: Chính quyền không được dành riêng cho mình sáng kiến trong lãnh vực kinh tế. Nếu “dành riêng sáng kiến” sẽ rơi vào thứ “độc tài kinh tế”. Nhiệm vụ của chính quyền không phải là quản lý, hay thống trị, nhưng là hướng dẫn, khích lệ và khi cần thiết thì trợ giúp, kiện toàn. Đây cũng là giáo huấn của Đức Pio XI. Ngược lại, nếu chính quyền không lưu tâm và chăm lo vấn đề kinh tế, cứ để nó mặc sức biến chuyển và cạnh tranh, thì chắc chắn kinh tế rơi vào tình trạng đình trệ, hỗn loạn, và mạnh được yếu thua, chủ bóc lột công nhân (51).

2. VẤN ĐỀ XÃ HỘI HÓA

1) Nguồn gốc và trương độ. Theo Đức Leo XIII, vấn đề xã hội hoá là một trong những khía cạnh đặc biệt của thời đại chúng ta. Do sự thúc bách của hoàn cảnh và tiến bộ kỹ thuật và vì muốn các mối tương giao ngày càng bền chặt hơn, con người ngày nay có khuynh hướng tổ hợp lại với nhau. Như chúng ta thấy, vấn đề xã hội hóa có một trương độ mỗi ngày một rộng rãi trong mọi ngành nghề thuộc kinh tế, xã hội, văn hóa, chính trị và tôn giáo... và tại khắp nơi (52).

2) Ích lợi và nguy hiểm. Vấn đề tổ hợp hóa hay xã hội hóa, tự nó không xấu, còn đem lại nhiều lợi ích (liên đới, hợp tác, bảo vệ quyền lợi và thăng tiến). Tuy nhiên nó có nguy cơ xâm phạm tự do cá nhân, sáng kiến cá nhân, và trách nhiệm cá nhân. Chế độ độc tài đang lợi dụng hiện tượng xã hội này để bóp chết tự do. Chính đây là điểm Đức Giáo Hoàng phản đối, vì tự do luôn là tặng phẩm Chúa trao ban (53).

3) Bổn phận của chính quyền. Vừa khuyến khích tinh thần tổ hợp và đoàn kết, chính quyền vừa biết đề phòng những nguy cơ cản ngăn việc thăng tiến con người. Đức Pio XI dạy: Chính quyền phải cổ võ mạnh mẽ đời sống cộng đồng, nhưng với điều kiện kính trọng nhân vì và tự do của con người (53).

3. VẤN ĐỀ LƯƠNG BỔNG

1) Những chênh lệch đau buồn và bất công. Đức Giáo Hoàng rất ưu phiền nhìn thấy tại nhiều nước:

* Sự chênh lệch về lương bổng quá lớn tại nhiều nước, bắt buộc gia đình công nhân phải sống trong nghèo khổ. Thảm trạng này đen tối đặc biệt trong các nước kỹ nghệ còn phôi thai hay chưa phát triển.

* Sự chênh lệch về đời sống là hậu qủa đương nhiên của chênh lệch về lương bổng. Một số nhỏ người sống xa hoa trong khi đa số dân chúng sống lầm than, đói khổ, chật vật, thiếu những nhu yếu của cuộc sống. Cần chấn chỉnh làm sao để mọi người đều có ngày mai tươi sáng.

* Sự chênh lệch về lợi tức giữa một số nhỏ người được ưu đãi và đại đa số công nhân phải chấp nhận một đồng lương chết đói.

Sau khi dẫn chứng những chênh lệch rõ ràng như trên, Đức Giáo Hoàng tuyên bố: “Đó là những lạm dụng trắng trợn và buộc chính quyền cững như các chủ xí nghiệp có bổn phận vượt lên trên luật cung cầu để ấn định một số lương công bằng và bình đẳng hầu giúp người công nhân chu toàn những trách nhiệm gia đình trong mọi lãnh vực”. Tuy nhiên, theo Đức Thánh Cha, trong nỗ lực quân bình hóa đồng lương, cũng phải lưu ý đến năng xuất của mỗi người, đến tình trạng kinh tế của xí nghiệp, đến những đòi hỏi chung của mỗi quốc gia, và đến lợi ích chung của toàn thể nhân loại. Đã rõ, những nguyên tắc kể trên có giá trị ở khắp mọi nơi và mãi mãi. Tuy nhiên phải theo mực độ nào để áp dụng những nguyên tắc ấy trong từng chi tiết? (54)

2) Dung hợp những phát triển kinh tế và tiến bộ xã hội. Sau khi nhận định rằng, hiện nay có một số nước phát triển mau lẹ, ngài xin mọi người chú ý đến điểm này: “Tiến bộ xã hội phải song hành và theo kịp những phát triển kinh tế, làm sao để mọi thành phần xã hội, chứ không chỉ riêng một số ít người được ưu đãi, đều dự phần vào những sản lượng dồi dào... Một nước thịnh vượng kinh tế không phải chỉ là dồi dào của cải, nhưng còn là phân phối hữu hiệu những của cải đó theo luật công bằng. Nghĩa là làm sao cho mọi người đều được tham dự, để con người thăng tiến toàn diện. Đấy mới thực là mục đích của hoạt động kinh tế quốc gia”. Để đạt tới đức công bằng xã hội như trên, Đức Giáo Hoàng lưu ý một cách cụ thể:

* Các xí nghiệp lớn hay trung bình, nhờ có khả năng tự túc về tài chánh, đã tăng thêm và tối tân hóa những dụng cụ sản xuất rất nhiều. Những xí nghiệp ấy phải công nhận cho lớp người công nhân được quyền tham gia vào số vốn của xí nghiệp. Bởi lẽ sự thành công của xí nghiệp là do vừa cả tư bản vừa cả việc làm. Nếu “tư bản” từ chối hiệu năng của “việc làm”, hay ngược lại, là một điều bất công lớn. Vậy phải tranh đấu làm sao để các tài sản chỉ được tập trung vào tay tư bản theo một tỷ lệ công bình, và đồng thời phải san sẻ một cách rộng rãi cho giới công nhân.

* Về phía quốc gia: Phải trù liệu để cung cấp việc làm cho mọi người thợ, tránh tạo ra một lớp công nhân ưu đãi. Duy trì một tỷ lệ cân đối giữa lương thợ và giá hàng. Xóa bỏ hay giảm bớt thế quân bình giữa các ngành nghề: canh nông, kỹ nghệ, công sở, xí nghiệp. Tài sản quốc gia càng dồi dào, càng phải tăng thêm tiện nghi cuộc sống hằng ngày cho dân chúng. Tiết chế sinh hoạt của thế hệ hiện tại để chuẩn bị một tương lai tươi sáng cho thế hệ ngày mai.

* Bình diện quốc tế: Tránh mọi hình thức cạnh tranh bất chính giữa các nền kinh tế của các nước khác nhau, trái lại nên khuyến khích hợp tác kinh tế giữa các nước bằng những thỏa hiệp tốt đẹp. Các nước có kỹ nghệ tinh tiến, có bổn phận cộng tác vào việc phát triển kinh tế của các nước kém mở mang.

* Công ích luôn phải được kính trọng trong mọi lãnh vực xí nghiệp, quốc gia hay quốc tế. Vì đó là tiêu chuẩn của mọi hoạt động kinh tế xã hội đích thực. Đó là điều Đức Thánh Cha đã nhấn mạnh (55).

4. NHỮNG ĐÒI HỎI CÔNG BẰNG TRONG CÁC TỔ CHỨC KINH TẾ

1) Xí nghiệp phải thích hợp với phẩm giá con người. Lý công bình phải được tôn trọng không những trong việc phân chia tài sản, mà còn phải thực hiện trong các xí nghiệp là chính nơi sản xuất nữa. “Nếu cơ sở của một hệ thống kinh tế cản trở con người phát triển và hoàn thiện vì con người dần dần trở thành một cái máy, thì hệ thống kinh tế đó bị kết án, ngay cả khi con người được hưởng một lương bổng đầy đủ hợp với công bằng. Vì phẩm giá con người mà Giáo Hội đã công nhận và bảo vệ, không có thể bị hy sinh trong trường hợp nào cả, vì nó là tài sản qúy nhất của con người” (56).

2) Một điểm quan trọng. Thông điệp không thể đi vào hết các chi tiết của việc tổ chức một xí nghiệp làm sao để phù hợp với nhân phẩm, làm sao để người thợ cảm thấy thoải mái, tự do và phát triển. Trước đây, Đức Pio XII đã viết: “Những cơ sở cỡ nhỏ hay trung bình của giới nông nghiệp, công nghệ, thương mại và kỹ nghệ cần phải được bảo vệ và nâng đỡ. Các giới này nên kết thành xí nghiệp hợp tác xã, để hưởng những tiện nghi. Hơn nữa, theo các doanh nghiệp lớn, trong các cơ sở nhỏ hay trung bình, cần tiến tới việc làm các bản giao kèo được điều tiết theo như các khế ước dân sự” (57).

3) Kinh doanh bằng công nghệ và hợp tác xã sản xuất. Tùy theo những nhu cầu của công ích và sự tiến bộ của kỹ thuật, cần duy trì và khuyến khích không những việc mở mang các lối kinh doanh hoặc cho giới công nghệ, hoặc cho từng gia đình nông dân, mà còn duy trì và khuyến khích việc mở mang các hợp tác xã kinh tế hầu kiện toàn hai thứ kinh doanh nói trên. Mấy điều kiện cần thiết:

* Cổ võ một hình thức thích ứng mềm dẻo tuỳ theo mỗi tình trạng kinh tế.

* Người điều khiển phải được huấn luyện đầy đủ.

* Không cùng chịu một thứ thuế như nhau.

* Mỗi ngành nghề được tổ chức thành nghiệp đoàn (58).

4) Sự hiện diện tích cực của công nhân trong xí nghiệp. Trong mỗi xí nghiệp, người thợ trước hết phải được huấn luyện đầy đủ, hầu có khả năng tham dự vào xí nghiệp. Sự hiện diện tích cực như vậy sẽ tạo nên sự hợp tác tích cực và xứng nhân phẩm. Nhờ sự hiện diện và cộng tác tốt, người thợ dần dần tìm được tinh thần tự trọng, tự hoàn thiện nghề nghiệp, làm quen với kỹ thuật mới (59). Một trong những chủ đích của nghiệp đoàn là bảo vệ và phát triển sự hiện diện của người thợ trong mọi sinh hoạt của xí nghiệp (60).

5. QUYỀN TƯ HỮU

1) Tình trạng mới. Đức Giáo Hoàng nhận xét về những biến chuyển tương quan đến quyền tư hươu từ mấy chục năm vừa qua như sau:

* Trong các xí nghiệp lớn, cỗ phần của các tư-hữu-chủ mỗi ngày một tách ra khỏi phần của những người cấp chỉ huy xí nghiệp. Tình trạng này khiến cho việc kiểm soát của công quyền gặp nhiều khó khăn. Vì làm sao mà bảo đảm được rằng những mục tiêu do giới chỉ huy xí nghiệp lớn đang theo đuổi lại không tương phản với những công ích. Nhất là những xí nghiệp lớn thường có ảnh hưởng sâu xa đến đời sống kinh tế của cả quốc gia.

* Ngày nay, phần đông dân chúng sống bình thản về tương lai hơn. Lý do, vì họ có chân trong các tổ chức tối tân bảo hiểm hay trong các hình thức bảo đảm xã hội khác. Ngày xưa, điều kiện để sống bình thản là có một số tiền trong tay.

* Ngày nay dân chúng ưa có khả năng chuyên nghiệp hơn có tiền nắm trong tay. Hễ có khả năng chuyên nghiệp, người ta làm việc kiếm ra nhiều tiền hơn.

* Những nhận xét trên đây minh chứng xã hội đang có một tiến bộ: Trọng khả năng làm việc nơi con người hơn là tiền của bên ngoài.

2) Đề cao quyền tư hữu. Về điểm này thông điệp nhấn mạnh rằng:

* Quyền tư hữu, cả trên những của sản xuất, thời nào cũng có giá trị, vì là một quyền thiên nhiên bất hủ, theo đấy con người có trước xã hội và xã hội phải hướng về con người.

* Quyền tư hữu luôn là một bảo đảm, một tưởng lệ cho việc xử dụng quyền tự do của con người. Chối quyền tư hữu là chối những điều kiện cơ bản để xử dụng quyền tự do.

* Giáo Hội đòi hỏi: Kinh tế phải được tổ chức làm sao để người thợ có tiền công đầy đủ, có thể dành dụm đôi chút hầu có thể gầy dựng một tư sản. Đó là điều mong ước rất chính đáng của họ, nhờ đó họ được thăng tiến và gia đình họ được ổn định vững chắc.

3) Công sản. Thông điệp muốn nhắn nhủ rằng: Có trường hợp quốc gia có thể nắm giữ, với quyền tư hữu chính đáng, một số của sản xuất, nhất là khi những của này có một mãnh lực kinh tế, mà nếu để rơi vào tay tư nhân, sẽ mưu hại cho công ích quốc gia. Tuy nhiên, khi “quốc hữu hóa” một tài sản nào, chính quyền phải làm vì công ích, chứ không phải vì để chối bỏ quyền tư hữu.

4) Trách vụ xã hội: Thông điệp nhấn mạnh: Mỗi người đều có quyền tư hữu và quyền tư hữu luôn mang theo trách nhiệm xã hội. Nói khác, quyền tư hữu luôn hướng về con người, về công ích. Như giáo huấn của Đức Leo XIII: “Bất cứ ai được Thiên Chúa nhân lành ban cho của cải dư dật hơn (tư sản lớn hơn, giầu có hơn), hãy nhớ rằng Chúa ban của cải để họ hoàn thiện chính mình, và còn mưu ích cho người chung quanh nữa.” Cũng vậy, nếu Phúc Âm nhìn nhận quyền tư hữu, thì Phúc Âm không ngớt đòi hỏi các người giàu có không được giữ hoa lợi và tài sản đó cho riêng mình, nhưng phải chia cho anh em đồng loại nữa. Chúa Giêsu đã khẳng định: “Quả thật Thầy nói cho anh em biết, khi anh em làm phúc cho tha nhân bằng nào, thì đó là anh em làm phúc cho chính Thầy”. Nói như vậy, Chúa Giêsu không sợ coi mình như một người nghèo cần được chia sẻ quyền tư hữu.

III. NHỮNG KHÍA CẠNH MỚI TRONG VẤN ĐỀ XÃ HỘI

Sau khi đã quảng diễn giáo huấn về xã hội kinh tế của các đấng tiền nhiệm, Đức Leo XIII, Đức Pio XI và Đức Pio XII, trong phần này, Đức Gioan XXIII trình bày với chúng ta những khía cạnh mới của vấn đề xã hội. Ngài cho chúng ta những điều ngài nhận xét và cảm nghiệm rồi vạch ra những đường hướng hoạt động theo giáo lý của Giáo Hội, cũng là của Phúc âm Chúa Giêsu.

1. NHỮNG ĐÒI HỎI CÔNG LÝ LIÊN QUAN TỚI CÁC NGÀNH SẢN XUẤT.

1) Canh nông, một ngành sản xuất kém mở mang. Đức Giáo Hoàng nhận thấy: hầu như khắp nơi trên thế giới, nhiều nông dân bỏ ruộng đất để lên tỉnh hay về những trung tâm kỹ nghệ. Có nhiều lý do: việc làm, lương bổng, tiện nghi, giải trí, điều kiện tiến thân.... Nhưng cũng có một nguyên do khác rất hiển nhiên: Nếu so với đời sống thành thị, đời sống nông thôn, dưới nhiều khía cạnh, bị bạc đãi quá nhiều: thiếu an ninh, trường học và đường xá, thiếu nhà thương, thuốc men và tiện nghi, thiếu dụng cụ, thiếu huấn luyện và nâng đỡ... thiếu tiền bạc! (66).

2) Những việc phải làm để thăng tiến nông nghiệp: Từ những nhận xét trên, Đức Thánh Cha kêu gọi:

* Mỗi quốc gia phải nỗ lực tối tân hóa nông nghiệp và thăng tiến đời sống nông dân, bằng cách cung cấp cho nghề nông và cho nông dân những tiện nghi tối thiểu (67).

* Phát triển điều hòa trong toàn bộ quốc tế: “Phải biết rằng, nếu đời sống của người dân quê được dễ chịu, kiếm đủ ăn, thì chính kỹ nghệ cũng được lợi thêm. Vì nếu dân quê có đủ mãi lực, sẽ có thể mua những sản vật với một mức tiêu thụ đáng kể” (68).

* Chính phủ phải có một kế hoạch kinh tế điều hợp trong mọi ngành xuất cảng cho cả kỹ nghệ và nông nghiệp: Chính sách nông nghiệp cũng liên hệ tới chế độ thuế má, tín dụng, bảo hiểm xã hội, mức giá cả và kỹ nghệ biến chế. Cần tối tân hóa cách canh tác và nông cụ. Cần tổ chức hợp tác xã nông nghiệp (69-77).

3) Công ích đòi hỏi: Nông dân, cũng như mọi người thợ khác, chẳng những phải đoàn kết với nhau để điều hoà quyền lợi của mình với những quyền lợi của người thuộc các ngành nghề khác, mà đôi khi còn phải hy sinh những đòi hỏi của mình cho quyền lợi chung, cho lợi ích quốc gia hay quốc tế (78).

4) Ơn gọi và sứ mệnh của nông nghiệp. Theo Đức Gioan XXIII, trong nông nghiệp con người tìm thấy mọi cái đều cộng tác để nâng cao nhân vị, kiện toàn cá tính: Chính thế, con người phải coi việc làm trong nghề nông như một ơn gọi, một sứ mệnh, như một việc tận hiến cho Chúa càn khôn. Hơn thế phải xác tín nông nghiệp lợi ích hơn bất cứ một nghề nào khác, vì con người sống được là nhờ những sản vật của đất, từ đất (79).

2. NHỮNG ĐÒI HỎI CÔNG BẰNG TRONG MỐI TƯƠNG GIAO GIỮA CÁC NƯỚC CÓ MỨC PHÁT TRIỂN KHÔNG ĐỒNG ĐỀU

1) Vấn đề của thời đại chúng ta: Trước tiên Đức Gioan XXIII quả quyết: “Vấn đề quan trọng nhất của thời đại chúng ta là mối tương giao giữa những nước đã phát triển kinh tế và những nước đang mở mang. Nhưng nước trên được hưởng một mức sinh hoạt cao, còn những nước sau phải chịu một sự thiếu kém thường rất thê thảm”. Rồi ngài kết luận: “Tình liên đới nối kết mọi người vào một đại gia đình, gia đình nhân loại, cần ưu đãi những người bị thiệt thòi hơn. Chúng ta phải liên đới trách nhiệm về những dân tộc đang thiếu ăn. Phải nói cho mọi người ý thức về trách nhiệm này, và thúc bách họ tự nguyện góp phần viện trợ cụ thể cho những người nghèo, dân tộc nghèo đói”; Riêng với người Công Giáo, “Đây là đòi hỏi của bác ái Phúc Âm”. (82).

2) Những hình thức cứu trợ: Cứu trợ khẩn cấp ngay sau một tai ương, trong một nạn đói (83); Cứu trợ bình thường bằng các chương trình huấn luyện kỹ thuật để tránh thảm cảnh nghèo vì không được huấn luyện kỹ thuật canh tác hay tổ chức nghề nghiệp..., bằng cách giúp tài chánh làm vốn đầu tư, mua dụng cụ làm việc, theo các khóa huấn luyện... (84)

3) Tránh những sai lầm của quá khứ: Theo Đức Gioan XXIII, “các nước đang mở mang kinh tế phải học hỏi những kinh nghiệm của các nước tiền tiến, để đừng tái phạm lỗi lầm mà trước kia những nước đó đã mắc phải”. Những sai lầm đó là “chạy theo thuyết tự do kinh tế”, khiến “tài sản quốc gia nằm vào tay một số nhỏ người”, và do đó “mất quân bình giữa sự phát triển kinh tế và đời sống xã hội” (85).

4) Giúp đỡ vô vị lợi và tôn trọng đặc điểm của mỗi quốc gia: Đức Thánh Cha thật hữu lý khi nhắc nhở: “Những nước tiền tiến đang hăm hở hun đúc nhưng quốc gia đang mở mang theo khuôn mẫu của mình, nhưng cần phải tôn trọng những đặc tính của họ, chú ý đến những khả năng biến đổi khác nhau tùy theo từng nước” (86). Hơn thế, còn phải giúp đỡ vô vị lợi, đừng viện trở trá hình, “giúp đỡ nhưng nhằm chi phối kinh tế của một nước” (87).

5) Tôn trọng các cấp bậc giá trị: Điểm nhận xét quan trọng của Đức Thánh Cha: “Nhiều nước tiền tiến đã mất dần sự ý thức về các nấc thang giá trị. Người ta chỉ nghĩ đến tiến bộ khoa học và kỹ thuật, đến việc cải thiện đời sống vật chất mà bỏ rơi những giá trị tinh thần và thiêng liêng. Như vậy, những nước thịnh vượng về kinh tế có thể có những hành động tai hại đối với những nước đang mở mang là những nước thường giữ được các giá trị nhân phẩm nhờ các tập tục ngàn xưa” (88).

6) Những đóng góp của Giáo Hội: Giáo Hội được thiết lập vì mọi người, cho mọi người. Vì thế theo dòng lịch sử, Giáo Hội đã đem đến cho các dân tộc những sáng kiến về giáo dục, kinh tế, xã hội... không có sự phân biệt. Giáo Hội không ép buộc, nhưng khuyến khích và chỉ đạo để các tín hữu dấn thân thực sự trong việc xây dựng và thăng tiến xã hội họ đang sống. Theo gương Chúa Giêsu, Đấng sáng lập, Giáo Hội chủ trương giải phóng con người khỏi bất công và tàn bạo. Cũng như Đức Pio XII, Đức Gioan khẳng định: “Mục tiêu của Giáo Hội là sự duy nhất siêu nhiên trong tình yêu phổ cập và sống thực. Đó không phải chỉ là một hình thức nhất tề đồng đều ở bên ngoài, Giáo Hội tôn trọng mọi nhân vị cũng như tôn trọng mọi dân tộc, mọi đặc tính và mọi tập truyền” (89). Đức Thánh Cha vui mừng thấy nhiều Kitô hữu ý thức tích cực về điểm này và đang dấn thân xây dựng xã hội (89).

3. GIA TĂNG DÂN SỐ VÀ MỞ MANG KINH TẾ

1) Bất quân bình giữa sự gia tăng dân số và sự phát triển kinh tế: Đó là một nhận xét rất xã hội. Sự kiện này đặc biệt rõ nét tại các nước nghèo. Nó đã làm bận tâm nhiều người “dân số tăng lên kinh khủng trong khi kinh tế không thể phát triển kịp thời, vì thế thiếu phương tiện sinh sống”. Và để giải quyết “nạn nhân mãn”, thiếu nhà ở, thiếu cơm ăn, thiếu đất canh tác, thiếu tiện nghi sống, người ta đưa ra chương trình “hạn chế sinh sản” bằng những phương pháp nhân tạo (90).

2) Giải pháp đứng đắn: Đức Thánh Cha không chối tính cách trầm trọng của vấn đề “bất quân bình này”, nhưng ngài lưu ý: Đừng coi nó quá trầm trọng đến độ không thể giải quyết! Phải tin vào ơn Chúa Quan Phòng Đấng tiên liệu cho con người đủ thông minh để tìm ra những đường lối thỏa đáng cho đời sống. Đừng vội chạy đến những “cùng kế” mà một nền luân lý lành mạnh vẫn khước bác. Cách giải quyết vấn đề đứng đắn nhất là phải tìm trong các nỗ lực khoa học mới những phương tiện thích nghi để tăng thêm số lượng thực phẩm cần thiết cho đời sống (91).

3) Tôn trọng sự sống: Những phương pháp phạm đến sự sống của con người đều không tốt. Đức Gioan XXIII nhấn mạnh “Sự sống nhân loại phải được lưu truyền trong hôn nhân một vợ một chồng. Với người Công Giáo, hôn nhân đã được nâng lên hàng bí tích. Nơi con người, công việc này không giống như ở nơi loài vật. Hành động lưu truyền sự sống không phải là một hành động bản năng, nhưng là hành động đầy nhân tính và ý thức. Sự sống con người là một ‘vật thánh’, vì từ khởi thủy nó đã đòi hỏi một hành động sáng tạo của Thiên Chúa” (92).

4) Có niềm tin và được giáo dục: Để hiểu được trách nhiệm tôn trọng sự sống, cần thiết phải tin vào sự Quan Phòng của Thiên Chúa, đồng thời phải được giáo dục vững chắc để hiểu biết trách nhiệm trong hết mọi phương diện của đời sống. Nhờ đó, có can đảm chấp nhận mọi hy sinh hầu cộng tác với Thiên Chúa trong việc lưu truyền sự sống và giáo dục con cái (93).

4. HỢP TÁC TRÊN BÌNH DIỆN THẾ GIỚI

1) Trương độ quốc tế: Đức Thánh Cha nhận thấy: “Tất cả mọi vấn đề quan trọng, bất luận là khoa học, kỹ thuật, kinh tế, xã hội, chính trị, văn hóa, đều có trương độ vượt qua mọi biên giới quốc gia để lan rộng ra cả một miền, nếu không phải là toàn thế giới, vì thời nay các dân tộc đều hỗ tương nhau. Vì thế, hơn lúc nào hết, cần có thỏa hiệp và cộng tác giữa các quốc gia” (95).

2) Điều kiện thỏa hiệp và cộng tác: Trước tiên là tránh sự nghi kỵ nhau, đừng nước nào tạo sự nghi kỵ cho người khác. Thứ đến là phải “chấp nhận một trật tự siêu việt, phổ quát, tuyệt đối, có giá trị cho hết mọi người”. Chính nền tảng đạo đức này tạo nên lòng tín nhiệm, kính trọng, tương hỗ nhau thực tình (97).

3) Nền móng của trật tự đạo đức: Nền móng đó là Thiên Chúa. Đức Giáo Hoàng dạy: “Lòng tin tưởng lẫn nhau giữa các dân tộc và các chính phủ chỉ có thể phát sinh và vững bền trong sự nhìn nhận và tôn trọng trật tự đạo đức. Nhưng trật tự đạo đức chỉ có thể đứng vững được nhờ Thiên Chúa. Tách rời khỏi Thiên Chúa, nó sẽ tan vỡ. Thật là sai lầm, khi bị hoa mắt bởi những thành công của khoa học, người ta nói: Con người có thể không cần đến Thiên Chúa!”

IV. NỐI LẠI NHỮNG MỐI GIAO HẢO CỦA ĐỜI SỐNG CỘNG ĐỒNG TRONG CHÂN LÝ, CÔNG BÌNH VÀ BÁC ÁI

1. Thiên Chúa LÀ NỀN TẢNG

Muốn giải quyết thỏa đáng những vấn đề của xã hội hôm nay, Đức Thánh Cha đề nghị cần có những nối kết của đời sống cộng đồng trong chân lý, công bình và bác ái. Lý tưởng này trước tiên đòi phải gạt bỏ những học thuyết hay ý thức hệ sai lầm hoặc thiếu sót. Mối sai lầm hay thiếu sót chung và lớn hơn cả là: Người ta coi những đòi hỏi tôn giáo mà Tạo Hóa đã phú bẩm trong đáy lương tâm, chỉ là một tình cảm, một tưởng tượng cần phải đánh tan khỏi lòng con người, vì nó không hợp với thời đại mới và tương phản với nền văn minh tân tiến của nhân loại. Họ quên rằng chính cái ý tưởng tôn giáo xâu xa trong con người là một xác chứng hùng hồn: Con người do Thiên Chúa dựng nên và luôn hướng về Thiên Chúa, như lời thánh Aucơtinh đã viết: “Lạy Chúa, Chúa đã dựng nên chúng con, và tâm hồn chúng con luôn xao xuyến cho tới khi được an nghỉ trong Chúa”.

Chính vì thế, kỹ thuật và kinh tế ngày nay có phát triển đến đâu, trong thế giới sẽ không có tình giao hảo, công bình và an lạc, bao lâu người ta chưa ý thức được phẩm giá của mình là vật thụ tạo, là con cái của Thiên Chúa. Ngài là thủy chung của vạn vật. Tách khỏi Thiên Chúa con người sẽ trở thành vô nhân đạo với chính mình và với tha nhân. Vì Thiên Chúa là nguồn chân lý, công bình và bác ái. Con người chớ quên rằng: “Nếu không có Thiên Chúa xây dựng ngôi nhà, thì bao nhiêu công lao của thợ xây cũng thành công dã tràng (Tv 92,5)”. (99).

2. SỰ VỮNG BỀN CỦA HỌC THUYẾT XÃ HỘI Công Giáo

Học thuyết do Giáo Hội Công Giáo trình bày về xã hội cộng đồng thế giới vẫn có giá trị trong mọi thời. Lý do, học thuyết của Giáo Hội lấy con người làm nền tảng, nguyên nhân và cứu cánh trong mọi tổ chức xã hội. Tự bản tính, con người là phần tử của xã hội và được Thiên Chúa nâng lên bậc siêu nhiên.

Giáo Hội đã mất nhiều công phu và trải qua hàng thế kỷ, soạn thảo một học thuyết xã hội mà căn bản là công nhận, bảo vệ và phát huy nhân phẩm, đồng thời xác nhận những nguyên tắc quy định về các mối tương giao giữa loài người trong công bình, chân lý và bác ái.

Tất cả thành phần dân Chúa phải học hỏi, nghiên cứu và thể hiện trong đời sống thực tế đường lối xã hội của Hội Thánh (100).

1) Học hỏi và phổ biến: Đức Thánh Cha quả quyết rằng, học thuyết xã hội Công Giáo là một thành phần trong toàn bộ giáo lý mà Giáo Hội dạy về đời sống con người. Vì thế ngài ao ước thuyết này được học hỏi thêm mãi, được dạy trong các chủng viện, các học đường Công Giáo hay các hội đoàn, được phổ biến trên báo chí, bằng các phương tiện truyền thông xã hội. Tùy theo hoàn cảnh và khả năng, mọi giáo dân được mời gọi tham gia vào công việc học hỏi và phổ biến này (101)

2) Giáo dục và thực hiện: Trong mọi học thuyết xã hội, người ta không chỉ phải đề cao nguyên tắc mà còn phải thực hiện nguyên tắc đó trong đời sống. Điều này càng phải áp dụng trong xã hội Công Giáo, vì xã hội Công Giáo lấy chân lý làm quang minh, lấy công bình làm cứu cánh, lấy bác ái làm động lực. Nền giáo dục Công Giáo, muốn cho toàn vẹn, phải bao trùm mọi trách vụ, vì thế người Công Giáo, một khi hấp thụ nền giáo dục này, phải cố thi hành hết mọi hoạt động của mình trong lãnh vực kinh tế, xã hội làm sao cho phù hợp với luật lệ và đường hướng của Giáo Hội (102-103).

3) Những chỉ dẫn thực hành: Đức Giáo Hoàng dạy: “Để thực hành những nguyên tắc xã hội của thông điệp, cần phải biết quan sát, suy xét và hành động. Đó là một phương pháp giản dị nhưng hiệu nghiệm.

* Quan sát: nhìn xem sự việc xẩy ra hay tình trạng cụ thể đang có.

* Suy xét: Nhận định những yếu tố của sự việc hay của tình trạng, xem có phù hợp với những nguyên tắc công bình cần thi hành, hay không phù hợp và bất công cần phải xa tránh...

* Hành động: Sửa chữa những yếu tố tiêu cực nhờ những yếu tố tích cực để phục hưng xã hội, phục vụ con người... (104).

Dĩ nhiên trong môi trường xã hội, phải hoạt động hăng say, chân thành, đúng giáo lý và tuân theo chỉ thị của hàng Giáo Phẩm (105), phải tỉnh thức đừng để khoa học làm suy giảm đời sống đạo đức, nhưng phải xử dụng khoa học vào việc phục vụ con người và làm vinh danh Thiên Chúa (106). Nói một cách khác, khi hoạt động phải cố gắng giữ đúng bậc thang giá trị, đừng lấy phụ làm chính, phương tiện làm cứu cánh: Luôn phải chú trọng đến phảm giá của nhân vị, vì những nguyện vọng và mục đích cuối cùng của nó là đạt tới Thiên Chúa (107).

* * *

Đọc những chương trên về Đức Gioan XXIII, chúng ta thấy một điểm nổi bật trong đời sống và hoạt động mục vụ của ngài: Đó là tinh thần sống nghèo và lòng thương người nghèo. Từ nếp sống gia đình tại thôn dã, từ những nhiệm sở mục vụ ngoại giao, từ những tiếp xúc với người dân đủ mọi tầng lớp, từ bầu khí trước và sau của hai thời đại chiến, và nhất là từ những suy tư về giáo huấn Phúc Âm và học thuyết Giáo Hội của Toà Thánh... Tất cả đã trang bị cho Đức Gioan XXIII một hành trang mục vụ lớn được đúc kết trong thông điệp Mẹ và Thầy, như chúng ta vừa tóm lược. Cha Yves Congar O.P. đã khéo quả quyết: “Đức Thánh Cha trình bày giáo huấn của Phúc Âm và của Giáo Hội với cả tâm hồn đầy ắp suy tư và kinh nghiệm mục vụ”.

Vì thế chúng ta không lạ gì ngay trong ngày 15.7.1961, ngày công bố thông điệp bằng những ngôn ngữ thông thường, các Thông Tấn Xã có mặt tại Roma đã thi nhau gửi mau về nhà tin tức, bình luận và chính bản văn thông điệp. Chẳng hạn hãng Thông Tấn Xã ANSA đã gửi đi ba điện văn gồm 8.300 chữ, hãng NCWC-News Service đã dùng đài phát thanh chuyền về Mỹ tất cả bản dịch thông điệp bằng Anh ngữ, dài 56 trang, hãng France Press gửi điện tín 10.000 chữ. Tại Ý, ngay ngày đầu, 20 tờ báo đăng tải trọn vẹn thông điệp; Tại Pháp, chỉ trong một tháng, đã bán ra 350.000 bản thông điệp bằng Pháp ngữ. Nhiều cơ quan chính phủ, nhiều nghiệp đoàn, nhiều hãng xưởng và nhiều hội đoàn tư nhân đã chọn thông điệp Mẹ và Thầy làm tài liệu học tập trong năm...

Những sự kiện trên chứng tỏ một điều: Thông điệp Mẹ và Thầy là một thông điệp xã hội rất có ảnh hưởng, không chỉ vững chắc về phần học thuyết, mà còn đáp ứng hữu hiệu nhiều mong ước của thời đại trong phần thực hành. Theo nhận xét của cha E. Welty, O.P. “Đức Gioan XXIII có một kiến thức sâu rộng về vấn đề xã hội trên bình diện quốc tế, đặc biệt về những tương quan giữa các quốc gia kỹ nghệ thịnh vượng với những quốc gia phát triển không đồng đều về kinh tế và vầ an sinh xã hội”.

Phải chăng chính từ những cái nhìn sâu sắc về vấn đề xã hội, mà Đức Gioan XXIII đã còn có những suy tư, những đường hướng mục vụ rất là con người về vấn đề“HOÀ BÌNH TRÊN THẾ GIỚI” như chúng chúng ta sẽ đọc được trong chương tiếp theo.

Lm Mai Đức Vinh