Quan chức cảnh sát Naseem Butt cho biết gần 20 thành viên trong gia đình của Farzana Parveen, 25 tuổi, trong đó có cha và các anh em của cô, đã tấn công cô và chồng cô bằng gậy gộc và gạch đá giữa ban ngày trước một đám đông ngay trước tiền đình của tòa án tối cao Lahore.
Luật sư của cô là Mustafa Kharal nói ông Mohammad Azeem là cha của nạn nhân đã ra trình diện cảnh sát và yêu cầu được miễn truy tố dựa theo luật Hồi Giáo “giết người vì danh dự”. Luật Umdat al- Salik chương 1, triệt 1 và triệt 2, quy định “người cha hay người mẹ có quyền giết chết con cái hay cháu chắt mình vì danh dự gia đình”.
Tuy nhiên, cảnh sát nói tham gia trong vụ giết người này không chỉ có ông Mustafa mà còn có những người khác và họ phải bị trừng phạt. Các nhân chứng cho hay ngoài ông Mustafa, các con ông và người bà con đã có hôn ước với cô cũng đã tích cực tham gia vào việc đánh đập và ném đá cô đến chết.
Cô Farzana Parveen đang mang thai 3 tháng đã kết hôn với Mohammad Iqbal, người mà cô yêu thương trong nhiều năm và đã bỏ nhà ra đi chung sống với Iqbal.
Iqbal, 45 tuổi, đã có 5 đứa con với người vợ trước khai là gia đình cô Farzana Parveen đã làm tiền anh ta nhưng anh ta không đưa tiền và đã dắt cô Farzana Parveen bỏ trốn sau khi đã làm giấy hôn thú trước tòa.
Ông Mohammad Azeem đã thưa Iqbal ra tòa vì tội bắt cóc con gái ông. Hôm 27 tháng 5, khi Iqbal và vợ ra tòa để trả lời những cáo buộc của ông Mohammad Azeem thì họ bị tấn công. Iqbal đã chạy thoát và kêu cứu với cảnh sát nhưng không nhận được sự can thiệp kịp thời.
Ủy ban Nhân quyền của Pakistan, cho biết là trong năm 2013 đã có 869 phụ nữ bị giết vì danh dự gia đình. Tuy nhiên, hình thức ném đá đến chết vẫn là họa hiếm. Thông thường, những người phụ nữ phạm tội ngoại tình, hay có thai trước hôn nhân, hay không theo những hôn ước đã được dàn xếp bị xem là làm mất mặt gia đình và bị buộc uống thuốc độc chết.
Tổ chức Jihad Watch nói người Hồi Giáo phải chịu trách nhiệm đến 91 phần trăm các vụ giết người vì danh dự trên toàn thế giới .
Sau cái chết của Farzana Parveen hàng chục cuộc biểu tình đã nổ ra đòi thay đổi luật “giết người vì danh dự” của Pakistan. Như các quốc gia Hồi Giáo xây dựng luật theo luật Sharia, Pakistan không trừng phạt những kẻ giết người vì danh dự.
Nhiều quốc gia Hồi Giáo cũng đã có những cố gắng để thay đổi luật “giết người vì danh dự”. Tuy nhiên, các nhà làm luật thường vấp phải những chống đối dữ dội từ phía các giáo sĩ Hồi Giáo.
Năm 2003, Quốc hội Jordan đã bỏ phiếu dựa trên cơ sở một điều khoản khác của luật Hồi giáo nhằm cố gắng áp đặt các hình phạt cho những người tuyên bố giết người vì danh dự. Tuy nhiên, những nhân vật Hồi giáo bảo thủ tố cáo luật mới của Jordan “vi phạm truyền thống tôn giáo và sẽ phá hủy gia đình và các giá trị của gia đình”.