LINH ĐẠO HÔN PHỐI THEO THÁNH GIÁO HOÀNG GIOAN PHAOLÔ

LTS- « LINH ĐẠO HÔN PHỐI THEO THÁNH GIÁO HOÀNG GIOAN PHAOLÔ II » là tác phẩm thứ 32 mà Ban Tu Thư Giáo Xứ Việt Nam Paris vừa soạn để « Kỷ niệm ngày Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II được tuyên phong Hiển Thánh, 27.04.2014 » và để « Kỷ niệm 20 năm sinh hoạt của Ban Mục Vụ Gia Đình, 1995-2015 ». Chúng tôi xin được hân hạnh giới thiệu tác phẩm này với quí độc giả.

Xin Thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô II ban phúc lành cho những người góp phần thực hiện tác phẩm này, cũng như cho quí độc giả thân thương. Tất cả để vinh danh Thiên Chúa và thánh hóa các gia đình.

Bài được phổ biến :

1. LỜI MỞ, ngày 17.04.2014

2. Thần học Thân xác và Linh đạo Hôn phối của Lm Mai Đức Vinh, ngày 24.04.2014

3. Hôn nhân trong ánh sáng Hôn lễ của Đức Kytô và Giáo Hội, của Lm Mai Đức Vinh, ngày 01.05.2014

4. Duyên lành và thánh thiện của cặp vợ chồng của Ptvv Phạm Bá Nha, ngày 08.05.2014.

5. Để Hôn nhân trở nên một ơn gọi của C. Micheline Kim Chi, ngày 15.05.2014.

6. Hạnh phúc hôn nhân của AC Phạm Hòa Hiệp, ngày 22.05.2014

7. Làm sao để vợ chồng sống hạnh phúc của ÔB Phan Hữu Lộc, ngày 05.06.2014

8. Hôm nay, ngày 12.06.2014, xin giới thiệu bài 8 «Trưởng thành của tình yêu » do AC Nguyễn Long Hằng


TRƯỞNG THÀNH CỦA TÌNH YÊU

Yếu tố căn bản của linh đạo hôn nhân chính là tình yêu đong đầy trong trái tim của hai người phối ngẫu như quà tặng của Chúa Thánh Linh. Đôi tân hôn đón nhận ân huệ này qua bí tích hôn phối như một ân huệ đặc biệt. (Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô 2 trong buổi triều kiến ngày 14.11.1984)

1. Đêm tối của cảm xúc

Các tác giả nổi tiếng của những bài viết về vấn đề thiêng liêng đều công nhận rằng, đời sống thiêng liêng thường gặp đó đây nhiều thử thách, tựa như những giai đoạn tăng trưởng cho đời sống thiêng liêng. Đó là đêm tối của cảm xúc, lúc mà linh hồn không còn hứng thú cầu nguyện, lúc mà đời sống tâm linh hình như đã mất đi mọi thú vị và hấp dẫn, đó là những đêm đen của linh hồn, là những kinh nghiệm đau đớn trong tăm tối của đức tin. Thánh Gioan Thánh Giá đã diễn tả cho chúng ta biết nhiều về tình trạng này. Nhưng gần đây nhất, đêm tối của Đức Tin mà mẹ thánh Têrêsa thành Calcutta đã trải qua càng làm cho chúng ta xúc động hơn nữa. Chính mẹ đã viết những lời này: "Người ta thường nói rằng, những kẻ sa vào hỏa ngục phải chịu khốn khổ đời đời chỉ vì đánh mất Thiên Chúa. Nhưng nếu họ còn có một chút cỏn con hy vọng là sẽ có được Thiên Chúa, thì chắc họ sẽ vượt qua được những khốn khổ đó. Nhưng trong hồn tôi, tôi cũng cảm thấy chính cái khốn khổ đánh mất Thiên Chúa đó, một Thiên Chúa không thương tôi nữa, một Thiên Chúa không phải là Thiên Chúa, một Thiên Chúa thật ra không hiện hữu... Những bóng tối này bao phủ tôi tứ bề, tôi không thể vươn lên tới Thiên Chúa, không còn ánh sáng, không còn ơn soi sáng nào chiếu vào hồn tôi. Tôi nói về tình yêu của các linh hồn, về tình yêu dịu dàng dành cho Thiên Chúa - lời nói vừa ra khỏi miệng tôi thì tôi lại thất vọng vì tin vào đó... Thiên đàng, cả một sự trống rỗng! Không có một tư tưởng nào về thiên quốc lọt vào tâm trí tôi, bởi vì không còn hy vọng nữa" (Thư gởi cha Picachy, ngày 03.09.1959). Nhưng dầu vậy, mẹ thánh vẫn không ngừng yêu Chúa.

Thế thì tại sao đời sống phối ngẫu lại được miễn trừ những thử thách ấy nhỉ, những thử thách sẽ thanh luyện đôi vợ chồng và giúp cho tình yêu của họ đạt đến mức trưởng thành, hoàn hảo. Ơn gọi đời sống hôn nhân là con đường nên thánh đích thực, là một trong hai ơn gọi của đời sống Kitô hữu để cho đi chính mình, bên cạnh đời sống độc thân và trong sạch. (Tông huấn Familiaris Consortio, số 11), và như thế, đời sống hôn nhân là một con đường dẫn tới sự trọn hảo của tình yêu Thiên Chúa, thế thì làm sao con đường này không có những khó khăn và thử thách, như đời sống tu trì, tuy rằng dưới những hình thức khác nhau. Nếu không như vậy thì thật là bất bình thường. Và nếu một đời sống hôn nhân mà không gặp những thử thách như thế, thì có thể là đời sống hôn nhân ấy chỉ tà tà ở mức độ tầm thường.

Đêm tối của cảm xúc ít khi xảy đến vào những ngày tháng đầu của cuộc sống lứa đôi, lúc mà tình cảm của cả hai đang dạt dào, đang say mê đắm đuối. Chỉ khi một vài năm tháng đã trôi qua thì lúc đó người ta mới cảm thấy đêm tối của cảm xúc xuất hiện: "Họ không cảm thấy yêu người phối ngẫu nữa vì sự mãnh liệt của tình yêu đã dịu lắng lần". Chẳng có gì bất thường cả, ngay cả trên bình diện tâm lý. Những khám phá mới đây về lãnh vực tình dục cho thấy rằng những xúc cảm của tình yêu là kết quả của một hiện tượng phức tạp, đến từ nhiều lý do khác nhau, nhưng hiện tượng này sẽ biến mất dần, trung bình là sau chừng 36 tháng. Bởi đó người ta không thể ở trong tình trạng si mê đắm đuối vì yêu suốt đời được. Thế thì có cần phải lo lắng không? Nhiều người có thể sẽ rơi vào sự nhầm lẫn giữa tình yêu và cảm xúc yêu thương: "Tôi không cảm thấy là tôi yêu em (yêu anh) nữa. Bởi thế, chắc là tôi không yêu em (yêu anh) nữa!". Cần phải phân biệt một cách chín chắn ở đây. Thường thì tình trạng nhạt nhẽo này là kết quả của sự lười biếng trong tình yêu. Người ta mãi lo làm lụng, mãi lo chăm sóc con cái, lo cho mọi bận rộn ngày thường và cuối cùng thì người ta quên dành thời gian cho cuộc sống lứa đôi. Thế thì có cần cố gắng hết sức để làm sống lại những đắm đuối yêu thương, những si mê của những ngày đầu tiên không? Không có gì cấm cản cả nếu tình trạng này là kết quả của những sơ sót và lạnh nhạt đối với nhau. Trong trường hợp này, chỉnh đốn lại là điều cần làm, và nên làm.

Nhưng nếu đã cố gắng chỉnh đốn lại mà tình trạng này vẫn tiếp tục thì làm sao nhỉ? Có lẽ đã đến lúc cần phải tinh luyện tình yêu, trải qua một vài thử thách để cho tình yêu được trưởng thành, cũng là lúc khám phá ra sự thật là hành động yêu thương không chỉ là cảm thấy mình yêu thương. Trong "Tình yêu và trách nhiệm", đức Gioan Phaolô 2 đã phân tích và chứng minh rằng cảm xúc yêu thương chưa phải là trạng thái hoàn hảo của tình yêu. Trong cảm xúc yêu thương, khi chỉ tìm kiếm cảm xúc, có thể chính là một sự tìm kiếm chính mình trong đó. Tình yêu như thế, có nghĩa là người ta chỉ tìm kiếm sự thỏa mãn trong cảm xúc có được nhờ đối tượng yêu thương. Và có thể là, thật ra người ta đang yêu chính mình trong lúc yêu thương đắm đuối với người phối ngẫu. Những đắm đuối yêu thương này không có gì là xấu xa cả, miễn là chúng phải được gói trọn vào trong những thái độ cao cả hơn của tình yêu. Nếu người ta chỉ ở lại trong tình trạng này, thì có lẽ người ta chỉ nằm lại trong trạng thái ấu trĩ của tình yêu. Cần phải khám phá ra rằng cảm thấy mình yêu đắm đuối cũng chưa chắc là hành động yêu thương thật sự, đúng nghĩa của tình yêu. Bởi vì khi ấy, cảm xúc yêu thương còn nằm trên bình diện của sự nhạy cảm và của tình cảm: đối tượng yêu còn được tìm kiếm khi nào nó còn bù đắp được những gì thiếu thốn trong tôi. Vì thế, dĩ nhiên là kẻ đang yêu trở nên ích kỷ và không thể mở lòng ra với những gì cao quý hơn.

Thế thì khi nào người ta mới yêu thương thật sự? Khi người ta tìm kiếm trước hết là hạnh phúc của đối tượng yêu, nghĩa là khi người ta quên mình đi vì kẻ khác. Tình yêu khi đó trở nên thứ tình yêu vị tha. Người ta ước muốn cho đối tượng yêu được hạnh phúc mà không màng đến mình. Tình yêu vị tha vượt lên trên cái gọi là cảm xúc để ngự trị ở trình độ ý chí. Trong trường hợp này, tình yêu mới thực sự là tình yêu của con người, vì lúc ấy nó phải vận dụng khả năng đặc biệt mà chỉ con người mới có, đó là muốn điều tốt bởi vì việc đó tốt. Tình yêu say đắm nằm trên bình diện cảm xúc, còn tình yêu vị tha nằm trên bình diện của ý muốn. Trước hết là muốn điều tốt cho người mình yêu, tình yêu vị tha có thể dẫn đến việc hy sinh đi chính ý muốn của mình để thực hiện ý muốn của người yêu và tìm thấy niềm vui ở đó. Trong một khía cạnh nào đó, tình yêu vị tha là luôn luôn nói với người mình yêu rằng: "không theo ý tôi, nhưng theo ý anh (ý em)", và trong ý hướng này, nó mang một ý nghĩa hy sinh, quên mình. Khi hai người có một liên hệ với nhau trong trạng thái muốn điều tốt cho nhau, thì khi đó giữa họ nảy sinh ra một thứ tình cảm được gọi là tình bạn thân thiết. Bản chất của tình bạn thân là muốn điều tốt cho bạn, trước khi muốn cho bản thân mình. Và đôi vợ chồng được mời gọi sống tình bạn thân thiết này trong cuộc sống hôn nhân. Tình yêu vị tha không cản trở những cảm xúc đắm đuối yêu thương, lôi kéo hai người đến gần nhau. Trái lại, nó sẽ xác định, bao gồm và sắp đặt thứ tự để bảo đảm cho tình yêu vị tha này có được một viễn ảnh bền vững hơn. Thêm vào đó, khi tình yêu có tính chất hướng về người khác, chính là bước đầu tiên giúp cho tình yêu được trưởng thành. Nhưng tình yêu vị tha có phải là tột đỉnh của tình yêu vợ chồng không? Chắc chắn là không, vì tột đỉnh của tình yêu nằm trong sự cho đi chính bản thân mình. Đức Gioan Phaolô 2 gọi đó là tình yêu phu phụ. (ngài dùng chữ sponsal, gốc từ chữ latinh sponsus=chồng hay sponsa=vợ). Ngài định nghĩa tình yêu vợ chồng như sau: "Tình yêu vợ chồng khác hẳn mọi thứ tình yêu khác. Nó bao gồm việc cho đi chính bản thân mình. Tất cả mọi hy sinh, cố gắng để muốn điều tốt cho kẻ khác không đi xa bằng tình yêu vợ chồng. Cho đi chính bản thân mình chắc chắn là vượt cao hơn việc muốn điều tốt cho người khác, ngay cả trong khi muốn điều tốt cho kẻ khác, kẻ khác đó trở nên chính mình như trong tình bạn thân. Tình yêu vợ chồng, tình yêu phu phụ chính là thứ tình yêu tuyệt đỉnh mà đôi tân hôn được mời gọi, và với tình yêu này mà chính họ đã long trọng tuyên hứa với nhau - có khi không thật sự ý thức - qua lời này tuyên hứa kết hôn: "Anh (em) trao thân cho em (anh)". Mặc dầu câu tuyên hứa này chỉ có trong công thức thứ ba của nghi thức hôn phối, nó cũng được hiểu ngầm trong hai công thức khác. Trong tình yêu vợ chồng, đôi tân hôn đạt tới đích điểm của ơn gọi làm người của mình, vì đặc điểm của con người chính là tự cho đi chính bản thân mình. Công Đồng Vatican 2 đã khẳng định trong thông điệp Gaudium et Spes: "Con người là tạo vật duy nhất ở trần gian được Thiên Chúa dựng nên cho chính mình. Họ chỉ có thể gặp lại bản thân mình nhờ chân thành cho đi chính bản thân mình" (Gaudium et Spes 24). Vì là con người, nên chỉ người khi biết trao tặng chính bản thân mình một cách hoàn toàn, không điều kiện và không giới hạn. Vì thế, trong hôn nhân, đôi tân hôn được mời gọi để trao tặng chính bản thân mình cho người phối ngẫu, cũng như những linh mục tu sĩ được mời gọi trao tặng chính bản thân mình cho Thiên Chúa. Trong mọi đời sống, để sống trọn ơn gọi làm người, đời sống đó phải biết cho đi, trong đời sống gia đình hay đời sống thánh hiến.

Nóng bỏng với những tình cảm dạt dào của thời gian đầu gặp gỡ, đôi tân hôn không nhận thức được rằng mình được mời gọi sống đời tận hiến cho người mình yêu. Cho đến khi những cảm xúc ấy lặng dần, đó là lúc đôi tân hôn phải nhận thức được ý nghĩa sâu thẳm của việc lãnh nhận bí tích hôn phối. Đêm tối của cảm xúc chắc chắn là một dịp may để thăng tiến tình yêu đến mức trưởng thành. Nó có thể là một lời mời gọi vượt qua, từ tình yêu thiên về cảm xúc tiến đến một tình quên mình, để từ đó họ thực hiện ơn gọi làm người của mình. Sẽ có những lúc say mê, những lúc đắm đuối, cũng tốt thôi. Nhưng họ sẽ không còn nghĩ rằng yêu nhau chỉ là cảm thấy yêu. Họ sẽ khám phá ra rằng yêu thương thật sự chính là trao tặng chính bản thân mình mà không cần đền đáp, không cần điều kiện, một cách nhưng không.

2. Đêm tối của lý trí

Nếu tình yêu phu phụ có thể thanh luyện và truởng thành trong đêm tối của cảm xúc, đôi khi đôi tân hôn cũng được mời gọi để trải qua một hình thức triệt để và đôi khi đau đớn hơn của sự thanh luyện. Có thể người ta sẽ không những không cảm thấy mình yêu, mà còn không biết là mình yêu. Không hiểu tại sao mình lấy nhau, lấy nhau để làm gì, tại sao lại lấy người này, người kia, có thể lầm lẫn vì đã lấy nhau, lầm lẫn trong ơn gọi, nghi ngờ phép cưới không thành v.v... Đêm tối này nằm trong lãnh vực của lý trí, của suy nghĩ chứ không còn nằm trong lãnh vực cảm xúc hay tình cảm. Đó là thử thách tối cao của tình yêu, mà lần này tình yêu chỉ tồn tại được là nhờ ý chí của người phối ngẫu đối với lời hứa trung thành. Đây là một thử thách không diễn tả được, một thử thách sống còn, một cuộc chiến thiêng liêng cần đến vũ khí là lời cầu nguyện. Đức Gioan Phaolô 2 đã nhấn mạnh điều này trong buổi triều kiến chung ngày 27.6.1984, khi ngài giảng giải đoạn kinh thánh nói về việc thành hôn của Tobie và Sara. Vì Sara bị chúc dữ, nên hôn sự của họ được so sánh bằng trận chiến sống còn và đôi tân hôn bị lôi cuốn vào trận chiến của sự lành và sự dữ. Thế thì làm sao họ chiến thắng được sự dữ ? Nhờ lời cầu nguyện mà Tobie mời gọi Sara trong đêm tân hôn, cả hai đã tuyên bố đặt Thiên Chúa vào giữa hôn sự của họ, qua đó họ mặc lấy sức mạnh của chính Ngài. Trong đêm tối của lý trí, đôi vợ chồng phải nhận thức rõ ràng về ý nghĩa và tầm quan trọng của những lời mà họ đã tuyên bố khi trao thân gởi phận cho nhau: "Để yêu em (anh) trong vui mừng cũng như khi bị thử thách, trong hạnh phúc cũng như lúc gian nan". Để yêu em một cách trung thành, cho dù anh không biết em có yêu anh không, cho dù anh không hiểu gì nữa về cuộc sống hôn nhân của chúng mình, cho dù anh không còn chút cảm xúc nào, cho dù anh trách móc em vì em không hiểu anh, cho dù anh tự trách anh vì đã không hiểu em... Trung thành đến cùng, không điều kiện, cho dù tất cả chung quanh ta thúc đẩy ta nuốt lời đã hứa. Trung thành không phải vì con cái, vì sợ người ta nói, vì thể diện gia đình, vì nề nếp xã hội, nhưng bởi vì đã cho đi chính bản thân mình, cho đi mà không lấy lại, cho đi mãi mãi. Chính đó là sự thanh lọc cuối cùng. Chính đó là lúc mà hôn nhân trở nên mong manh và chỉ còn tồn tại được là nhờ vào ý chí, muốn tiếp tục cho đi trong khi trí khôn lại bảo rằng không còn lý do nào để tiếp tục cho đi. Đó cũng là lúc mà ma quỷ tăng cường nỗ lực để đánh lạc hướng của đôi vợ chồng về sự trao thân gởi phận mà họ đã thề hứa. Cũng giống như cô Marthe Robin tâm sự rằng, ma quỷ đã thôi thúc cô rằng "Có ích gì nhỉ?" khi mỗi tuần cô được diễm phúc sống lại cuộc khổ nạn của Đức Kitô, thì đôi vợ chồng, trong đêm tối của lý trí của cuộc sống hôn nhân này, cũng bị cám dỗ để buông xuôi, để lỗi lời thề hứa bằng nhiều cách khác nhau. Nhưng trong tiếng "Xin vâng" được lặp lại trong mọi hoàn cảnh, trong hy hiến của tình yêu, chính là lúc họ nói lên được cái huy hoàng và chân thật của tình yêu họ dành cho nhau.

Đức Kitô cũng đã trải qua đêm tối của lý trí, lúc Ngài hoàn thành công cuộc cứu độ, lúc Ngài thực hiện việc kết hợp giữa Ngài và Giáo Hội như hiền thê: "Lạy Cha, sao Cha nỡ bỏ con?". Khi sự hiến thân của Ngài không còn được nâng đỡ bởi sự hiểu biết, chính là lúc Ngài thích nhất, lúc của lễ chính bản thân Ngài trở nên hoàn hảo nhất. Đức Giêsu có thể cũng kêu gọi một vài cặp vợ chồng bước theo Ngài trên con đường tình yêu hoàn hảo đó, cũng như Ngài đã kêu gọi một số linh hồn yêu Ngài không lý do, không điều kiện. Cơn thử thách này và con đường thanh luyện triệt để này không chỉ dành cho những bậc khổ tu, những nhà huyền bí. Chúng cũng có thể là lời kêu gọi cho những cặp vợ chồng sống đời tận hiến cho nhau, như chính Ngài đã tận hiến cho loài người. Những người được mời gọi như thế là những linh hồn được ưu tuyển, vì Đức Giêsu chỉ mời gọi những ai mà Ngài biết chắc rằng họ sẽ chấp nhận để sống trọn vẹn tình yêu hy hiến cho nhau như tình yêu của chính Ngài.

Chúng ta có thể sợ hãi những thử thách để tinh luyện tình yêu như thế. Bình thường thôi. Vì chính Đức Kitô cũng lo sợ như vậy, đến độ người ta có thể nghĩ rằng sự sợ hãi làm cho Ngài run sợ đến chảy mồ hôi máu ở vườn cây dầu không phải vì Ngài lo sợ những khổ hình sắp phải chịu, mà là lo lắng cho đêm tối của lý trí đang chờ Ngài ở đỉnh núi sọ. Nhưng đó cũng là thử thách giúp chúng ta đạt đến tột đỉnh của đời sống Kitô hữu, có nghĩa là đạt được sự hoàn hảo của ba nhân đức Tin, Cậy, Mến. Khi đức tin bị bao phủ bởi bóng tối của lý trí mà vẫn vững tin, đức tin ấy trở nên tinh tuyền: khi đôi vợ chồng vẫn bền vững trong lời hứa thủy chung, vẫn tiếp tục trao thân gởi phận cho nhau, ngay cả khi không còn biết được lý do tại sao, thì lúc đó lời hứa thủy chung của họ đạt được giá trị đích thực của nó. Họ cũng trở nên hoàn hảo trong đức cậy, vì nó giúp cho họ tiếp tục duy trì sự cho đi, không nhờ vào cảm xúc, tình cảm, hay sức lực con người, mà chỉ nhờ vào ơn thánh Chúa mà họ đã nhận lãnh được qua bí tích hôn phối. Ơn thánh này tiếp tục được ban cho họ, giúp họ sống trọn vẹn mỗi giây phút những đòi hỏi của đời sống hôn nhân. Cuối cùng, họ trở nên hoàn hảo trong đức mến, trong tình yêu, khi tình yêu này tiếp tục được ban phát mà không cần lý lẽ. Tiếp tục yêu thương ngay cả khi mình không hiểu tại sao phải yêu thương chính là sự hoàn hảo của tình yêu, bởi vì đó chính là thứ tình yêu mà Đức Kitô đã yêu thương chúng ta: yêu thương không có lý do...

3. Cho tới khi cái chết chia cách chúng ta

Những đôi tân hôn thường ước muốn một cách ngây thơ là, không những được sống chung với nhau, mà còn được chết chung với nhau. Nhưng kinh nghiệm cho thấy rằng việc ấy ít khi xảy ra, và tất cả mọi đôi tân hôn đều phải đối diện với sự mất đi của người mình yêu mến. Theo thống kê thì người nữ sống thọ hơn người nam, và vì thế thường hay phải chịu cảnh góa bụa, nhưng đó là một thử thách mà cả hai vợ chồng đều có thể gặp phải.

Cảnh góa bụa, trước tiên và dĩ nhiên là một thử thách để thanh luyện cảm xúc và tình cảm. Không còn được chia sẻ với nhau những chi tiết nhỏ nhặt trong cuộc sống thường ngày, không còn đưọc thấy mặt nhau, không còn được cảm nhận những yêu thương trìu mến của người mình yêu, không còn cảm thấy được sự hiện diện của người được gọi bằng chữ Mình ơi, (một xương một thịt), quả là một thử thách lớn lao, ngay cả khi thử thách này đã được báo trước và chuẩn bị chẳng hạn như trong thời gian nằm trên gường bệnh, việc này đã giúp cho đôi vợ chồng từ từ chấp nhận điều phải đến, nhưng lại gắn bó hai người lại với nhau một cách bí ẩn.

Đó cũng là một thử thách cho đời sống tâm linh. Khi hai vợ chồng không sống riêng rẽ, mỗi người một cuộc sống, mà sống hiệp thông với nhau, không những về thể xác và tình cảm, mà còn về tâm linh, thì khó mà trở về một đời sống tâm linh riêng lẻ. Nhưng chưa chắc phải như thế. Đời sống tâm linh trong cuộc sống góa bụa là một đời sống tâm linh của người độc thân hay vẫn phải giữ đặc tính của đôi vợ chồng? Người ta khó có thể nghĩ được rằng, sau khi đã chia sẻ với nhau trăm nghìn điều về đời sống nội tâm trong nhiều năm tháng, người ta trong một sáng một chiều, có thể sống như những việc ấy chưa bao giờ xảy ra vậy. Không những vô nhân đạo về phương diện tâm lý, mà lại vô lý trên bình diện tâm linh. Thế thì đời sống tâm linh của cảnh góa bụa phải là thế nào? Cốt yếu là việc thông công. Những người sống cảnh goá bụa đã làm chứng rằng họ thông công với người phối ngẫu đã qua đời với cường độ cao hơn và một cách thiết thực hơn. Nhà văn Công Giáo Jean Guitton đã làm chứng sau cái chết của vợ ông về kinh nghiệm chuyển từ việc đối thoại qua việc thông công. Nhưng chúng ta nói về việc thông công nào vậy? Chính là việc thông công mà Giáo Hội gọi là tín điều các thánh thông công. Đó không phải là sống trong kỷ niệm với những cảm xúc về người đã mất, nhưng là cảm nghiệm sự hiện diện của họ và sống với họ qua một sự thông công tâm linh, chứng tỏ rằng kinh nghiệm này vượt lên trên tất cả mọi sự cảm thông hay trải nghiệm họ đã từng trải với nhau trong suốt thời gian còn chung sống. Cái chết chia cách hai vợ chồng, nhưng lại kết hợp họ trong một sự hiệp thông hơn hẳn những gì họ đã chia sẻ với nhau khi còn sống. Đó phải là đời sống tâm linh của cuộc sống góa bụa, cuộc sống thông công mà chúng ta vẫn tuyên xưng mỗi Chúa Nhật trong kinh Tin Kính, có liên hệ trực tiếp đến mầu nhiệm Phục Sinh. Đời sống tâm linh này vẫn là một đời sống tâm linh của vợ chồng, nó còn vượt lên thêm một bực. Có thể nói cách khác, đó là sự trưởng thành hoàn hảo nhất của tình yêu vợ chồng.

Thật vậy, hôn nhân loan báo việc xác loài người sẽ sống lại vào ngày quang vinh của Đức Kitô - Vị hôn phu. Sự sống lại này sẽ là kết cục trọn hảo nhất của kiếp người chúng ta, nhờ sự kết hợp hoàn toàn với những gì chúng ta đã có cảm nghiệm trong cuộc sống này, trên bình diện thể xác và bình diện tâm linh. Nhưng sự sống lại cũng là thành quả hoàn hảo nhất của loài người, thụ tạo duy nhất được kêu gọi sống mầu nhiệm thông công: "Nước Trời, đức Gioan Phaolô dạy, chắc chắn là đích điểm của mọi ước vọng của loài người: đó là sự viên mãn của sự tốt lành mà con người ao ước, vượt khỏi mọi mơ ước mà con người có thể có trong cuộc sống ở trần gian này. Nó chính là sự viên mãn trọn hảo của ân huệ của Thiên Chúa" (Cuộc triều kiến ngày 21.4.1982). Trong ngày Phục Sinh, mầu nhiệm các thánh thông công sẽ được tỏ bày một cách rõ ràng, và chính Thiên Chúa sẽ là trung tâm của mầu nhiệm thông công này. Lúc ấy, con người sẽ nhận biết Thiên Chúa cách trọn vẹn, và đó chính là sự thông công trọn hảo.

Một thắc mắc của những người sống đời góa bụa là đời sau sẽ như thế nào, lúc xác kẻ chết sống lại. Đức Kitô đã chẳng tuyên bố sao: "Quả thế, trong ngày sống lại, người ta chẳng lấy vợ lấy chồng, nhưng sẽ giống như các thiên thần trên trời". (Matthêu 22, 30). Cũng như bí tích hôn phối hình như chấm dứt với cái chết, vì Giáo Hội cho phép người ở góa được phép tái hôn, có nhiều người nghĩ rằng mối ràng buộc của đôi vợ chồng chấm dứt hoàn toàn với cái chết. Điều này có thể làm cho đời sống nội tâm bất ổn và có thể trở thành một nỗi ám ảnh nặng nề. Chẳng lẽ bí tích hôn phối mà chúng ta đã lãnh nhận có ít ý nghĩa và chẳng nặng ký bao nhiêu sao, bởi vì nó bị tiêu huỷ hoàn toàn trong thời viên mãn, nơi mà chúng ta được mời gọi bước tới? Trước tiên cần phải nhấn mạnh về câu mà Giáo Hội dùng trong nghi thức cử hành bí tích hôn phối. Câu "cho tới khi cái chết chia cách chúng ta" được thay bằng câu "suốt cuộc sống của chúng ta". Câu này không phải tầm thường đâu, vì "suốt cuộc sống của chúng ta" phải được hiểu là "suốt cuộc sống đời đời của chúng ta, mà cuộc sống ấy đã được bắt đầu trên trái đất này". Hơn nữa, cũng phải hiểu rõ lời của Đức Kitô nói với nhóm Sa đốc. Ngài không nói, "trong ngày sống lại, người ta không - là - vợ - là - chồng", nhưng ngài nói, "trong ngày sống lại, người ta - chẳng - lấy vợ lấy chồng". Trong ngày sống lại người ta không lấy vợ lấy chồng, bởi vì một lý do thật đơn giản là những gì được loan báo và bắt đầu ở dưới đất sẽ thực sự được hoàn thành trong ngày sống lại. Đức Gioan Phaolô 2 đã khẳng định rằng: "Bí tích Hôn phối có giá trị trên trời, giá trị cơ bản, phổ quát và bình thường" (Cuộc triều kiến ngày 31.03.1982). Nhưng những người sống cuộc sống vợ chồng dưới đất, sẽ có liên hệ với nhau thế nào, khi mối liên hệ vợ chồng được tiếp tục cách viên mãn trong nước Trời? Khó mà hình dung được. Nhưng thánh Tôma d'Aquin đã nói rằng: "Sự kết hợp hoàn toàn với Thiên Chúa trong ngày Phục Sinh không loại trừ việc chúng ta có thể có liên hệ gần gũi với ai đó, nhưng sự gần gũi này được đo bằng đức mến. Có nghĩa là trong ngày sống lại, chúng ta sẽ gần gũi hơn với những người chúng ta đã yêu thương hoặc với những người đã yêu thương chúng ta. Điều này cho phép ta nghĩ rằng thật là đúng cho những đôi vợ chồng đã sống đời hôn nhân với một tình yêu lớn nhất".

Cuộc sống góa bụa sắp đặt cho người sống nó trải nghiệm mầu nhiệm các thánh thông công, và điều này khẳng định rằng, linh đạo vợ chồng trong cảnh góa bụa là linh đạo của mầu nhiệm thông công. Linh đạo này vẫn là linh đạo của vợ chồng, nhưng trên một mức độ tuyệt vời hơn. Khi sống chiều kích thông công này một cách đặc biệt với người phối ngẫu đã quá cố, nhưng vẫn sống trong Thiên Chúa đợi chờ ngày sống lại, những người vợ, người chồng góa có thể trở thành những tiên tri đích thực của mầu nhiệm các thánh thông công.