Thân tặng anh chị T & T

Anh Chị T & T thân:


Tháng Năm, tháng Hoa Mẹ, giữa mùa xuân rạng rỡ, tôi nhớ đến bài “Khúc Hát Thanh Xuân” mà NS Phạm Duy viết lời Việt dựa trên nền nhạc Valse nổi tiếng của Johann Strauss II: “One day when we were young, one wonderful morning in May, you told me you loved me, when we were young one day.” Đúng là những lời “tỏ tình của mùa xuân.” Trong tiết xuân êm đềm của năm nay, tôi nhận đươc một lúc ba cái thiệp hồng: đám cưới cô em, con ông chú; đám cưới cô cháu, con ông anh; và “đám cưới” bốn thập niên của anh chị. Càng tuyệt vời hơn nữa khi những cánh thiệp hồng này lại đến trong cùng một khoảng thời gian mà cả thế giới đang lên cơn sốt vì một đám cưới lịch sử: đám cưới hoàng gia, giữa Hoàng Tử Harry và cô Maghan Markle. Dẫu sao, biến cố “cựu hôn” của anh chị vẫn nổi bật lên giữa những cuộc “tân hôn” đang nổi đình nổi đám. Chẳng sao cả, miễn cứ còn “hôn” là được! (Ý quên, không được, phải loại bỏ những thứ như “ly hôn, ngoại hôn, song hôn, từ hôn, tiêu hôn, loạn hôn…chứ!)

Nói giỡn thôi, bởi vì bốn mươi năm thành hôn của anh chị là một biến cố không kém “lịch sử,” trong thế giới thường tình của những con người bình thường, của anh chị, của chúng tôi, biến cố không phải đôi lứa nào cũng có được, và là một món hàng càng ngày càng khan hiếm, càng trở thành quý giá, thậm chí đắt giá nữa là khác. Bốn mươi năm trong cuộc đời đôi lứa là một chuỗi ngày khá dài khiến cho có thể “đầu đã bạc, răng đã long.” Mà dù có thật như vậy chăng nữa, lời chúc truyền thống mà ta vẫn thường nghe (‘chúc cho đôi trẻ yêu nhau đến khi răng long, đầu bạc) thực ra không còn áp dụng được nữa. Lý do là hiện nay có đủ loại thuốc nhuộm, có đủ thứ tóc giả, có dư thừa các dich vụ chăm sóc răng miệng, để nếu muốn tóc không bạc, răng không long cũng chẳng khó khăn gì! Không thể đổ thừa cho tuổi tác để bỏ nhau, để thôi nhau. Kỷ niệm thành hôn của anh chị chứng minh rằng thời gian tuy vẫn tàn nhẫn với phần xác thịt, nhưng nó chẳng làm gì được về mặt tâm linh, tình yêu của anh chị vẫn nồng nàn, bất chấp thời gian. Nói thế để mừng cho anh chị trong dịp trọng đại này. Trải qua một chặng đường dài, thật đáng khích lệ khi nhìn thấy anh chị vẫn hạnh phúc trong tình yêu hôn nhân, bên cạnh con cái, cháu chắt. Thật giống với biến cố mới đây, khi hỏi cảm tưởng về hạnh phúc của một đôi hôn phối mừng kỷ niệm 60 năm thành hôn, Đức Thánh Cha Phanxicô đã nghe được câu trả lời tuyệt vời là “Chúng con vẫn còn đang yêu ạ!” (xem Lệ Hằng FMA: Thánh Lễ tại Santa Marta 25/5: Vẻ Đẹp của Hôn Nhân, VietCatholic 05/26/2018)

Hơn bốn mươi năm trước, trong số những người anh chị gặp gỡ, chẳng hề có ai chạm được tới trái tim thổn thức của mình, cho đến khi anh chị gặp nhau. Để rồi kể từ ngày hôm đó, đời sống không còn tiếp diễn như cũ được nữa—life is not the same anymore—mà đã vĩnh viễn thay đổi. Sự cam kết của anh chị có thể, nhưng chưa hẳn, là bởi vì anh chị đã tìm ra ‘người tình lý tưởng’ hay ‘người yêu trong mộng’ cho mình. Nhà văn Mỹ Dave Meurer thật chí lý khi nói rằng: “Một hôn nhân đẹp không phải là khi một ‘cặp đôi hoàn hảo’ tìm đến với nhau, mà chính là lúc một ‘cặp đôi bất toàn’ biết cách tận hưởng những khác biệt của nhau.”

“Tận hưởng những khác biệt của nhau” gợi nhớ ý tưởng về “đôi dép” xem ra rất tâm đắc với Đức Cố Giám Mục “Thông Vi Vu” Vũ Duy Thống, khiến cho ngài viết thành ca khúc, và biến nó thành một trong những “top hit” trong toàn bộ sáng tác của ngài. Hình ảnh đôi dép nói lên rất nhiều về cuộc sống lứa đôi: hai chiếc dép, không hề giống nhau, đối nhau là khác, mỗi chiếc một bên, phải hoặc trái. Thế mà hai chiếc ghép lại trở thành một đôi. Một mà hai, hai mà một. Như bóng với hình, chẳng rời nhau nửa bước, dù lả lướt trên thảm nhung hay vẹt gót trên đường gập ghềnh sỏi đá. Cả hai cứ song hành, sánh đôi, liên tục bất cứ khi nào và nơi chốn nào, đến độ chung nhau một số phận. Thân phận gắn bó nhau chặt chẽ keo sơn đến độ nếu lỡ một trong hai chiếc mất đi thì chiếc còn lại sẽ trở thành khập khiễng, chênh vênh. Và cho dù có ghép với một chiếc nào khác chăng nữa thì cũng vẫn là cọc cạch, và thiên hạ thế nào cũng nhận ra sự gán ghép giả tạo này. Thật không có tương quan nào giữa hai người mà lại thân mật gần gũi như tương quan vợ chồng, khi “người đàn ông sẽ lìa cha mẹ mà gắn bó với vợ mình, và cả hai sẽ thành một xương một thịt” (St 2:24). Trước khi thành vợ chồng, anh chị chỉ là hai kẻ xa lạ. Bỗng một ngày, tình yêu lên ngôi, khiến anh chị trở thành gần gũi, sống chung một nhà, ăn chung một bàn, ngủ chung một giường. Thế là mình với ta tuy hai mà một, tuy một mà hai.

Sự cam kết ‘ăn đời ở kiếp’ với nhau đúng là cách chọn lựa của anh chị, và vì chọn lựa này, mà sẵn sàng hy sinh tất cả các chọn lựa khác. Nói theo vợ chồng Bác Sĩ Les & Leslie Parrott, thì “Hôn nhân không hề đem lại hạnh phúc cho anh chị. Chính anh chị mới đem lại hạnh phúc cho hôn nhân của mình.” Thành ra, khi kỷ niệm bốn mươi năm thành hôn, anh chị muốn nhắn gửi một thông điệp thật rõ ràng, cho con cái, cháu chắt, cho cả chúng tôi nữa, rằng tình yêu chân chính là có thật, chứ không phải chỉ là chuyện thần tiên trong sách vở, hay là một giai thoại cảm động được trình diễn trên vô tuyến truyền hình. Nụ hôn đầu đời là một kỷ niệm không thể nào quên, nó quá đậm đà cảm xúc đến như xuất thần, khiến mất ăn, mất ngủ, đứng ngồi không yên. Nhưng rồi những cảm xúc ấy sẽ phai nhạt dần theo năm tháng. Điều kỳ diệu bây giờ chính là tái tạo những cảm xúc sâu đậm và nồng nàn ấy, cứ mỗi lần anh chị đặt trên môi nhau những nụ hôn tiếp nối, từ hôm nay trở đi, như đã từ bốn mươi năm qua, từng ngày, trong những lúc hạnh phúc chất ngất đong đầy, nhưng nhất là khi gian truân và thử thách trải dài trên lối đi, khiến cho bước chân như hụt hẫng hay làm chao đảo cả dòng sống thường ngày.

Tình yêu chân chính là có thật, nhất là khi tình yêu đó được nâng cấp, được siêu thăng qua Bí Tích Hôn Phối. Tôi rất đồng ý với một trong những lý do khiến anh tổ chức buổi mừng kỷ niệm thành hôn này: anh muốn vinh danh Bí Tích Hôn Phối. Thật là tuyệt vời, tuy không phải ai cũng có thể trải nghiệm được. Điều này trùng khớp với lời giảng của một vị Linh Mục trong một Thánh Lễ Hôn Phối tôi đã được tham dự: “Điều mà hôn nhân bình thường không thực hiện nổi, thì Bí Tích Hôn Phối Kitô Giáo sẽ làm được.” Phải cần cả một cuốn sách mới nói hết được hàm ý trong lời giảng này. Tuy nhiên, để đơn giản hóa, mình có thể diễn ý đại khái thế này: hôn nhân bình thường là chuyện của hai người (vợ và chồng), hôn nhân Kitô Giáo là chuyện của ba người: vơ, chồng và Thiên Chúa. Gạt Thiên Chúa ra ngoài, hôn nhân không còn là Kitô Giáo nữa. Thực ra, Thiên Chúa không hề can thiệp theo kiểu “xía vô” chuyện hôn nhân của đôi vợ chồng, Ngài là mắt xích kết nối họ, Ngài kết hợp họ và nhất là nâng đỡ họ bằng ân sủng của Ngài. Ân sủng (gratia) không hủy hoại tính tự nhiên (natura), nhưng nâng đỡ và kiện toàn nó. Chính để cho tình yêu của mình được Thiên Chúa chứng giám, chúc phúc và nâng đỡ mà đôi tình nhân thời đại, Estela, một bệnh nhân ung thư đang đếm lùi những ngày sống trong đời, và Nicolas, đã xin cho đươc kết hôn theo nghi thức Công Giáo, trong nhà nguyện của bệnh viện nơi Estela đang được chăm sóc (xem Vũ Văn An: Tình Yêu Đem Đến Nước Mắt Hân Hoan, VietCatholic.net ngày 05/20/2018).

Ngoài ý nghĩa tuyệt vời vừa nói, khi mừng kỷ niệm thành hôn, anh chị cũng muốn cử hành sự cam kết thủy chung, chọn lựa một lần cho tất cả, cho hôm qua, hôm nay, cho mãi đến ngàn sau. Đây là dịp anh chị ghi ấn dấu trên sức phấn đấu bền bỉ, can trường, cố gắng đi tới tận cuối con đường của mình. Y như lời Thánh Phaolô Tông Đồ: “Tôi đã đấu trong cuộc thi đấu cao đẹp, đã chạy hết chặng đường, đã giữ vững niềm tin” (2 Tm 4:7). Cùng với Thánh Phaolô, anh chị chắc cũng sẽ được “đội vòng hoa dành cho người công chính” (4:8).

Điều gì đã làm nên tuyệt phẩm này? Bởi vì vợ chồng được dựng nên theo hình ảnh của Thiên Chúa và giống như Ngài, và vì thế hôn nhân cũng là hình ảnh của Thiên Chúa. Điều này khiến cho hôn nhân trở thành tuyệt mỹ, thành “một bài giảng thầm lặng cho những người khác, một bài giảng hàng ngày.” (xem bài đã viện dẫn trên)

Xin hân hoan chúc mừng anh chị trong ngày kỷ niệm đáng nhớ. Cầu chúc tình yêu anh chị ngày càng nồng đậm như rượu quý, gừng cay!

Ngày cuối Tháng Hoa Mẹ

Lễ Đức Mẹ Thăm Viếng

05/31/2018

Nguyễn Kim Ngân