LINH ĐẠO HÔN PHỐI THEO THÁNH GIÁO HOÀNG GIOAN PHAOLÔ

LTS- « LINH ĐẠO HÔN PHỐI THEO THÁNH GIÁO HOÀNG GIOAN PHAOLÔ II » là tác phẩm thứ 32 mà Ban Tu Thư Giáo Xứ Việt Nam Paris vừa soạn để « Kỷ niệm ngày Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II được tuyên phong Hiển Thánh, 27.04.2014 » và để « Kỷ niệm 20 năm sinh hoạt của Ban Mục Vụ Gia Đình, 1995-2015 ». Chúng tôi xin được hân hạnh giới thiệu tác phẩm này với quí độc giả.

Xin Thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô II ban phúc lành cho những người góp phần thực hiện tác phẩm này, cũng như cho quí độc giả thân thương. Tất cả để vinh danh Thiên Chúa và thánh hóa các gia đình.

Bài được phổ biến :

1. LỜI MỞ, ngày 17.04.2014

2. Thần học Thân xác và Linh đạo Hôn phối của Lm Mai Đức Vinh, ngày 24.04.2014

3. Hôn nhân trong ánh sáng Hôn lễ của Đức Kytô và Giáo Hội, của Lm Mai Đức Vinh, ngày 01.05.2014

4. Duyên lành và thánh thiện của cặp vợ chồng của Ptvv Phạm Bá Nha, ngày 08.05.2014.

5. Để Hôn nhân trở nên một ơn gọi của C. Micheline Kim Chi, ngày 15.05.2014.

6. Hạnh phúc hôn nhân của AC Phạm Hòa Hiệp, ngày 22.05.2014

7. Làm sao để vợ chồng sống hạnh phúc của ÔB Phan Hữu Lộc, ngày 05.06.2014

8. Trưởng thành của tình yêu của AC Nguyễn Long Hằng, ngày 12.06.2014

9. Niềm vui trao ban » của AC Đoàn Quốc Khánh, ngày 19.06.2014

10. Hôm nay, ngày 26.06.2014, xin giới thiệu bài 10 «Tình yêu vợ chồng : một bài phụng ca » của Gs Trần Văn Cảnh.


TÌNH YÊU VỢ CHỒNG: MỘT BÀI PHỤNG CA

"Hai vợ chồng dần dần cảm thấy giảm bớt về dục vọng, nhưng gia tăng về tự do hiến thân cho nhau, kết hợp với nhau theo nam tính và nữ tính, trong ý nghĩa vợ chồng đích thực của thân xác… Như vậy, đời sống vợ chồng, theo một nghĩa nào đó, trở thành lời phụng ca…" (Đức Gioan Phaolô II, triều yết 04.07.1984).

Trong các đề tài của đời sống con người, có lẽ "tình yêu" là đề tài được nói đến nhiều nhất, trong khắp các thời đại, ở khắp các lục địa, qua khắp các thể loại nghệ thuật và văn chương. Đã là người, ai mà chẳng yêu. Nhưng yêu là gì? Vì sao yêu? Yêu do động lực nào? Yêu vì mục đích nào? Yêu thế nào? Yêu ở đâu? Yêu khi nào? Ai yêu? Yêu ai? Đức Giáo Hoàng Bênêđictô XVI đã lưu ý chúng ta phải "nhớ đến sự đa dạng ý nghĩa của thuật ngữ ‘tình yêu’: chúng ta nói đến tình yêu tổ quốc, tình yêu nghề nghiệp, tình yêu bạn bè, yêu thích việc làm, tình yêu giữa cha mẹ và con cái, giữa anh chị em và thân bằng quyến thuộc, tình yêu tha nhân và tình yêu đối với Thiên Chúa" [1].

Dưới khía cạnh tình yêu vợ chồng, có ba ơn gọi chính: ơn gọi sống khiết tịnh, ơn gọi sống tình yêu vợ chồng và ơn gọi sống góa. Bản thân là một người đã chọn sống ơn gọi tình yêu vợ chồng, muốn tìm hiểu hơn về ơn gọi này hầu giúp mình và giúp những người mình có trách nhiệm phải giúp, trong bài này, người viết chỉ muốn đề cập đến ơn gọi thứ hai là ơn gọi sống tình yêu vợ chồng. Và xin khởi đầu với ba câu hỏi căn bản: Văn hóa Việt Nam ghi khắc gì về tình yêu vợ chồng? Đức tin Công Giáo trao cho tình yêu vợ chồng sứ mệnh gì? Tuyệt đỉnh của sứ mệnh tình yêu vợ chồng Công Giáo đưa về đâu?

1. Tu là cõi phúc, tình là giây oan

Văn chương bình dân Việt nam có một kho tàng phong phú về hấp lực yêu thương, tình ái trai gái.

Bài hát quan họ Bắc Ninh: "Yêu nhau cởi áo ối à cho nhau, về nhà dối rằng cha dối mẹ a..à..a..á..a, rằng a ối a qua cầu (x2), tình tình tình gió bay (x2). Yêu nhau cởi nhẫn ối a cho nhau, về nhà dối rằng cha dối mẹ a..à..a..á..a, rằng a ối a qua cầu, rằng a ối a qua cầu (x2), tình tình tình đánh rơi (x2). Yêu nhau cởi nón ối à cho nhau, về nhà dối rằng cha dối mẹ a..à..a..á..a, rằng a ối a qua cầu (x2), tình tình tình gió bay (x2)".

Ca dao bình dân:

"Anh về, em chẳng cho về.

Em nắm vạt áo, em đề tặng anh.

Câu thơ ba chữ rành rành:

Chữ trung, chữ hiếu, chữ tình là ba.

Chữ trung thì để phần cha,

Chữ hiếu phần mẹ, đôi ta chữ tình".

Nhưng về tình yêu vợ chồng, thì chữ tình, chữ yêu lại ít được dùng đến, mà hay dùng những chữ khác, như nghĩa tào khang, chồng hòa, vợ thuận, nhà thường:

"Vợ chồng là nghĩa tào khang,

Chồng hòa, vợ thuận, nhà thường yên vui,

Sinh con mới ra thân người

Làm ăn thịnh vượng, đời đời ấm no".

Dường như về tình yêu vợ chồng, văn chương bình dân, phát xuất từ tâm tình bột phát, của sức sống tự nhiên, đã đè nén cái hấp lực yêu thương tình ái trai gái để khép mình vào khuôn khổ lễ nghi, thuần phong, mỹ tục của văn chương bác học, qua những tư tưởng hướng đạo của ba tôn giáo Phật, Lão, Khổng, mà truyền thống dân tộc đã chịu ảnh hưởng sâu xa.

Đạo Phật do đức Phật Thích Ca Mâu Ni (-623-543) sáng lập, mà nền tảng xây trên Tứ Diệu Đế.

Khổ đế (chân lý về khổ): đời là bể khổ; khổ vì đau khổ, như sinh lão bệnh tử; khổ vì sự thay đổi và khổ vì duyên sinh.

Tập khổ đế (chân lý về nguồn gốc của khổ): nguồn gốc của đau khổ là vô minh, ham muốn.

Diệt khổ đế (chân lý về diệt khổ): muốn diệt khổ phải thắng được vô minh, ham muốn.

Đạo đế (chân lý về con đường thoát khổ): con đường thắng vô minh, ham muốn là con đường tu, là chiêm niệm, từ bi, thờ ơ với phúc họa, để ra khỏi vòng luân hồi của cõi vô thường, tới được niết bàn là nơi thinh không, thanh tịnh không còn ham muốn.

Chữ tình ái, được nói đến trong thập nhị nhân duyên, ở duyên thứ 8 (thụ sinh ái: cảm nhận với thế giới bên ngoài sinh ham muốn) và thứ 9 (ái sinh thủ: ham muốn sinh ra chiếm đoạt), là một trong thập nhị nhân duyên lôi cuốn con người vào vòng luân hồi "vô thường".

"Tu là cõi phúc, tình là giây oan" là câu thơ mà Nguyễn Du đã dùng để diễn tả xác tín Phật giáo của văn hóa Việt Nam rằng con đường tu bát chánh đạo là con đường chân chính đưa vào cõi phúc Niết bàn, nhờ xa lánh trần tục, nuôi tâm dưỡng tính; Còn tình lưu luyến trai gái chỉ là giây oan, vì nó là một ham muốn mãnh liệt, là sợi dây oan nghiệt trói buộc con người vào ham muốn, vô minh, đau khổ.

Đạo Lão do Lão Tử (-604-531) sáng lập, mà những điều căn bản đã được ghi chép trong "Lão Tử - Đạo Đức Kinh". Lão tử bác bỏ thuyết trời sinh ra vạn vật, mà có cái gì khác sinh ra vũ trụ, có trước thượng đế. Cái đó, ông không biết tên là gì, tạm đặt tên cho nó là "đạo" Đạo là "mẹ của vạn vật" (Đạo Đức Kinh, ch.25). Đạo bất biến, vô danh, vô vi. "Đạo sinh ra vạn vật, đức bao bọc, bồi dưỡng, nuôi lớn tới thành thục, che chở mỗi vật (…); vật chất khiến cho mỗi vật thành hình; hoàn cảnh [khí hậu, thủy thổ] hoàn thành mỗi vật" (Chương 51).

Đạo có ba tính chất là mộc mạc, tự nhiên và quay trở về. "Đạo vĩnh cửu thì không làm gì (vô vi - vì là tự nhiên) mà không gì không làm (vô bất vi - vì vạn vật nhờ nó mà sinh, mà lớn); bậc vua chúa giữ được đạo thì vạn vật sẽ tự biến hóa (sinh, lớn). Trong quá trình biến hóa, tư dục của chúng phát ra thì ta dùng cái mộc mạc vô danh (tính cách, bản chất của đạo)mà trấn áp hiện tượng đó, khiến cho vạn vật không còn tư dục nữa. Không còn tư dục mà trầm tĩnh thì thiên hạ sẽ tự ổn định" (Chương 37). [Đạo] lớn (vô cùng) thì lưu hành (không ngừng), lưu hành (không ngừng) thì đi xa, đi xa thì trở về) (Chương 5).

Đạo có cái gì tương đối và tương phản. "Cái gì hoàn toàn thì dường như khiếm khuyết mà công dụng lại không bao giờ hết; cái gì cực đầy thì dường như hư không mà công dụng lại vô cùng; cực thẳng thì dường như cong, cực khéo thì dường như vụng, ăn nói cực khéo thì dường như ấp úng" (Chương 45). "Đạo trời giống như buộc dây cung vào cung chăng? Dây cung ở cao quá thì hạ nó xuống, ở thấp quá thì đưa nó lên; dài quá thì bỏ bớt đi, ngắn quá thì thêm vào. Đạo trời bớt chỗ dư, bù chỗ thiếu" (ch.77). "Đạo người thì không vậy [thói thường ở đời thì không như đạo trời], bớt chỗ thiếu mà cấp thêm cho chỗ dư. Ai là người có dư mà cung cấp cho những người thiếu thốn trong thiên hạ? Chỉ có người đắc đạo mới làm được như vậy” (ch.77).

Vấn đề tình yêu trai gái hay vợ chồng không phải là đề tài quan trọng và hầu như không được đề cập đến trong Đạo Đức Kinh. Ông chê những đức nhân, nghĩa, lễ, trí, tín, và trung hiếu của đạo Khổng. "Cho nên đạo mất rồi, sau mới có đức. Đức mất rồi sau mới có nhân, nhân mất rồi sau mới có nghĩa, nghĩa mất rồi sau mới có lễ. Lễ là sự biểu hiện của sự suy vi của sự trung hậu thành tín, là đầu mối của hỗn loạn. Dùng trí tuệ mà tính toán trước thì chỉ là cái loè loẹt của đạo, mà là nguồn gốc của ngu muội" (ch.38). Và có một câu gián tiếp nói về gia đình: "Đạo lớn bị bỏ rồi mới có nhân nghĩa; trí xảo xuất hiện rồi mới có trá ngụy; gia đình (cha mẹ, anh em, vợ chồng) bất hòa rồi mới sinh ra hiếu, từ; nước nhà rối loạn mới có tôi trung" (Chương 18).

Đạo Khổng do Khổng Tử (-551-479) sáng lập, có kỳ vọng đảm bảo sự hài hòa tương quan tam tài "thiên, địa, nhân", đặc biệt chú trọng đến trật tự, nề nếp xã hội, dựa vào ngũ luân, ngũ thường. Ngũ luân là năm tương quan: Cha con có tình thân (Phụ tử hữu Thân), Vua tôi có nghĩa (Quân thần hữu Nghĩa), Chồng vợ có sự phân biệt (Phu phụ hữu Biệt), người lớn người nhỏ (anh em) có thứ tự (Trưởng ấu hữu Tự), bằng hữu có lòng tin (Bằng hữu hữu Tín); Ngũ thường là năm nguyên tắc cư xử ở đời: nhân, nghĩa, lễ, trí, tín.

Qua ngũ luân, ngũ thường, lý tưởng là đạt được chữ trung dung, quân bình giữa hai lực đẩy và hai sức hút, là âm dương. Kinh Dịch viết: "Âm dương giả, thiên địa chi đạo giả, vạn vật chi cương kỷ", nghĩa là "Âm dương là đạo của trời đất, là cương kỷ của vạn vật". Rộng hơn và cụ thể hơn, thì âm dương phải phối hợp mới có trời đất. Khí âm hay sinh, nhưng phải có khí dương mới sinh được; Khí dương hay nuôi vật, nhưng nếu không có khí âm, thì không lớn được. Cho nên, theo luật tự nhiên của trời đất, đã có khí âm, khí dương, ắt phải có đôi lứa vợ chồng. Trai phải có vợ; Gái phải có chồng; Phải phối hợp âm dương thì mới có thể sinh trưởng được. Như vậy, theo Khổng giáo, đời sống vợ chồng là lẽ tự nhiên của trời đất, nguồn gốc đến từ hấp lực đực cái, giống như các sinh vật khác, nhưng được giáo hóa đi vào khuôn khổ luân thường.

Có một tâm hồn thấm nhuần sâu xa tư tưởng âm dương Khổng giáo, Ôn Như Hầu đã viết trong "Cung oán ngâm khúc", từ câu 125 đến 128 về tình yêu vợ chồng rằng:

"Kìa điểu thú là loài vạn vật

Dẫu vô tri cũng bắt đèo bòng

Có âm dương có vợ chồng

Dẫu từ thiên địa cũng vòng phu thê".

2. Yêu là cõi phúc, đền nghì tình Ai

Đức tin Công Giáo đã đưa cho tình yêu vợ chồng một ý nghĩa và một vai trò rất cao cả. Thi sĩ bác sĩ Công Giáo Vân Uyên Nguyễn Văn Ái đã tóm gọn rất khéo rằng: "Chữ yêu trong tình nam nữ và vợ chồng, theo Thánh kinh, bắt nguồn từ Thiên Chúa Tình Yêu. Thiên ý mong muốn con người bắt đầu được hưởng cõi phúc ngay tại đời này, qua kiếp sống phu thê và sẽ còn nối tiếp đời đời trong tình yêu của Thiên Chúa. Tình yêu của Thiên Chúa là như vậy. Con người lấy gì đền đáp lại? Chỉ có yêu mới đền đáp được tình yêu. Đó là nguồn thi hứng dẫn đến câu thơ Yêu là cõi phúc, đền nghì tình Ai" [2].

Nhưng Thánh kinh đã viết gì về tình yêu nam nữ và vợ chồng? Bác sĩ Vân Uyên Nguyễn Văn Ái trả lời qua một bài trình bày như sau [3]:

Trong Cựu Ước theo sách Sáng Thế, ngay từ khi tạo dựng ra trời đất và con người, Thiên Chúa đã chúc phúc cho sự kết hợp nam nữ được coi như có một giá trị tôn giáo độc đáo. Cả nam lẫn nữ, con người được tạo dựng theo hình ảnh giống như Thiên Chúa.

Người nam khi thấy người nữ đã kêu lên: "Đây là xương thịt của tôi". Do đó người nam từ bỏ cha mẹ, lưu luyến người nữ, và cả hai trở thành "nhất thể" (Gn, 1-2), một thân xác (une seule chair).

Nhiều đấng Tiên Tri trong Cựu Ước, như Osée (1,2+), Jérémie (18,1+), Isaïe (1,21), Ezéchiel (16,23),… khi đề cập tới mối liên quan giữa Thiên Chúa và Dân Cựu Do Thái (Israel) đã xử dụng hình ảnh tình yêu nam nữ.

Các tiên tri coi tình yêu của Thiên Chúa đối với dân được chọn (Israel) cũng như tình của người nam. Một người nam vừa hiền từ chung thủy, vừa đòi hỏi, ghen tương. Các tiên tri cũng nói về những phản bội, chối bỏ, tà đạo của dân cựu do thái (Israel) được coi như người nữ bất trung. Có khi còn dùng cả danh từ nặng hơn chữ bất trung.

Nhưng dù vậy, tình của Thiên Chúa cũng không dập tắt, vì Thiên Chúa yêu cho đến cùng (Jn 13, 1)

Khi nói đến tình yêu nam nữ trong Cựu Ước không thể nào không nói tới bài Diễm ca (Cantique des Cantiques), một điệp khúc nói về tình yêu nam nữ thắm thiết và chung thủy.

Lời thơ là lời của người nữ được yêu (la bien aimée) nói về tình yêu của người yêu đối với mình. Theo truyền thuyết, tác giả bài này là vua Salômông. Đây là một bài thơ ngụ ngôn ca ngợi tình yêu của Thiên Chúa đối với dân Israel, giống như tình yêu nam nữ.

Bài Diễm Ca được trình bày và sắp xếp theo những đoạn đường trở lại và những hy vọng của dân Israel, gồm có 5 bài ca, một phần mở đầu và một phần kết, xen lẫn (theo kiểu kịch thuật Hy Lạp) một vài đoạn đồng ca hoặc song ca đối đáp với người nữ.

Nhiều nhà thần học coi bài Diễm Ca như một bài thánh ca thánh nhất trong các bài thánh ca. Theo tôi, bài Diễm Ca là một bài tình ca tình nhất trong các bài tình ca. Đây chỉ là một cách nói, vì theo đạo của chúng ta, thánh và tình là một, thánh là yêu mà tình cũng là yêu.

Xin nêu làm thí dụ ba câu đầu lời nói của người nữ được yêu (la bien aimée), để có một ý niệm về tính chất diễm tình của bài Diễm ca diễn tả mối tình đắm say cả hồn lẫn xác; ba câu này trích trong cuốn Bible de Jérusalem viết bằng pháp ngữ:

"Qu’il me baise des baisers de sa bouche

Tes amours sont plus délicieuses que le vin

L’arôme de tes parfums est exquis" (Ct, 1, 2-3)

Theo ấn bản Kinh Thánh mới nhất vừa được Tòa Tổng Giám Mục Sài gòn thực hiện năm 1998 (trang 1231) ba câu này được dịch như sau:

"Ước gì chàng hôn ta những nụ hôn chính môi miệng chàng

Ân ái của anh còn ngọt ngào hơn rượu

Mùi hương anh thơm ngát".

Minh châu dịch:

"Môi tìm môi đón nụ hôn tình ái

Ngây ngất say hơn hẳn rượu ngọt bùi

Hương ai tỏa xác hồn xao xuyến mãi".

Vân Uyên dịch:

"Đợi môi âu yếm đến hôn em

kết tình dịu ngọt hơn bồ tửu

Ngây ngất hương người thật ấm êm".

Điểm lạ lùng của chữ yêu trong Cựu Ước là tình yêu nam nữ cả hồn lẫn xác được đặt tận đỉnh cao của tình thiên tính.

Theo Tân Ước, tình yêu nam nữ chỉ tìm thấy toàn vẹn ý nghĩa và đạt tới sự thật, khi qua hôn nhân bí tích trở thành tình yêu vợ chồng.

Trong thơ gửi tín hữu Ephêsô, thánh Phaolô gọi tình yêu vợ chồng là "huyền nhiệm lớn" (grand mystère). Huyền nhiệm đã kỳ lạ. Huyền nhiệm lớn là kỳ lạ trên sự kỳ lạ (Ep 5,32).

Tình yêu vợ chồng được thánh Phaolô so sánh với tình của Chúa Kytô đối với Giáo Hội. Tình yêu vợ chồng, mà thường tình cho là trần tục, trở thành "kỳ lạ trên sự kỳ lạ" vì được coi như mối tình mầu nhiệm không bao giờ phai, kéo dài vô tận trong thời gian, của "Thiên Chúa làm người", kết hợp với "nhiệm thể" của mình là Giáo Hội (Ep 5, 23-25).

Như vậy, tình yêu vợ chồng trở thành như một trong những trung tâm điểm của đức tin. Nói cách khác, tình yêu vợ chồng khi đạt tới mức "yêu" cũng là một con đường dẫn tới Thiên Chúa, dẫn tới cõi phúc.

Theo Tân Ước, nhiều lần Chúa Kytô đã ví nước Trời như một Tiệc Cưới và tự ví mình như chàng rể (Mt 9,15; 22,1-14; 25,1-13; Ga 3,29).

Chúa Kitô đã giảng về tính chung thủy gắn bó, không có gì có thể phân chia của tình vợ chồng trong hôn nhân bí tích. Theo Phúc Âm của thánh Matthêu, Chúa Giêsu đã nói: "Vợ chồng không còn là hai mà là một. Những người Thiên Chúa đã kết hợp, loài người không được chia rẽ" (Mat 19,6).

Đối với người đời xưa cũng như đời nay, những lời nói này thật không phải dễ hiểu và dễ chấp nhận. Chính những môn đệ của Chúa Kytô cũng đã thốt lên: "Nếu số phận của người nam phải đối xử với vợ như vậy, thà đừng kết hôn còn hơn". Và Chúa Kytô đã trả lời « Không phải ai cũng hiểu được. Chỉ có kẻ Chúa cho hiểu mới hiểu" (Mat 19, 10-11).

3. Yêu người yêu Chúa, phụng ca một bài

"Thiên Chúa là Tình yêu", thông điệp của Đức Giáo Hoàng Bênêdictô XVI ban hành tại Rôma, tại Đền Thánh Phêrô, ngày 25.12.2005, có lẽ đã là cách Chúa cho chúng ta hiểu hơn về tình yêu hôn nhân (eros) toàn vẹn cả hồn lẫn xác, có thể dẫn tới tình yêu bác ái (agape) của Giáo Hội mà đưa ta tới Thiên Chúa, tới cõi phúc.

Yêu chồng, yêu vợ mặn mà

Yêu người yêu Chúa, cùng là bài ca.

Vợ chồng "nhất thể" đôi ta

Yêu người yêu Chúa, phụng ca một bài

Thông điệp được chia làm hai phần. Phần I nói về "Sự thống nhất của tình yêu trong sáng tạo và lịch sử cứu độ". Phần II nói về "tình yêu bác ái và hoạt động bác ái của Hội Thánh như là một cộng đoàn của tình yêu". Đức ông Giuse Mai Đức Vinh đã tóm tắt thông điệp như sau cho khóa Gặp Gỡ Huấn Luyện Giới Trưởng Thành lần thứ XIII, từ 21 đến 24, tháng 05, năm 2009 tại Orsay, ngoại ô Paris [4]:

Phần I: Đức Thánh Cha xác định một số dữ kiện thiết yếu liên quan đến tình yêu mà Thiên Chúa đã ban cho nhân loại một cách huyền nhiệm và nhưng không. Những dữ kiện đó là:

1. 'Tình yêu' bộc lộ dưới nhiều hình dạng (yêu nước, yêu nghề, yêu bạn bè… yêu Chúa). Nhưng mọi hình dạng đều quy về một tình yêu duy nhất và hoàn toàn trổi vượt, đó là Tình Yêu nơi Thiên Chúa (số 2).

2. Ba hình dạng chính yếu của tình yêu là (số 3):

- ‘tình ái’ (eros): tức là tình yêu giữa một người nam và một người nữ. Trong Tân Ước ít nói đến dạng thức tình yêu này

- ‘tình bạn’ (Philia): tức tình yêu bằng hữu giữa người này với người khác. Trong Tân Ước, đặc biệt trong Tin Mừng Thánh Gioan nói đến một cách sâu sắc về tình yêu bạn hữu giữa Chúa Giêsu và các môn đệ (x Ga 15 tt).

- ‘tình bác ái’ (Agape): tức là tình yêu có phẩm tính sâu sắc, phổ quát, siêu nhiên, vị tha… Các Tân Ước đều dùng nhiều dạng thức tình yêu này.

3. Đức Thánh Cha nói riêng về ‘tình ái’ (Eros) (số 4-5): Văn hóa Hy lạp đề cao dạng tình yêu này, coi tình yêu này là mãnh lực mạnh nhất (Omnia vincit amor, et nos cedamus amori). Nhiều tôn giáo ‘suy tôn khả năng sinh sản’, ‘tục mại dâm thiêng liêng trong các đền thờ’ đều coi tình ái như một thứ quyền lực thiêng liêng, ngang hàng với Thiên Chúa. Cựu Ước cực lực chống lại chủ trương trên đây của tôn giáo này, coi đó là tiêu biểu cho một cám dỗ chống lại đức tin độc thần và chống lại nó như một hình thái sa đọa tôn giáo. Tuy nhiên Cựu Ước không hề loại bỏ tình ái (eros) đúng nghĩa… Vì khi được uốn nắn và thanh luyện, tình ái dẫn con người đến gần với Thiên Chúa… Khi nói về tình ái (eros), người ta nghĩ đến thân xác, đến dục tính… và người ta chỉ trích Kitô Giáo trong quá khứ, đã coi thường và khinh bỉ thân xác và dục tính... Tuy nhiên, phải khẳng định: lối tôn sùng thân xác ngày nay là một sai lầm, vì nó đã biến thân xác và tình dục thành đồ vật mua bán, và chính con người cũng trở thành ‘món hàng’ thương mại (số 4-5).

4. Ngài cũng nói riêng về ‘tình bác ái’ (Agape) tiêu biểu cho ý niệm tình yêu trong Thánh Kinh. Tình bác ái (agape) và tình ái (eros) không tách rời nhau hoàn toàn, nhưng tình bác ái (agape) vượt lên trên tình ái (eros), thay vì tình ái ích kỷ, chỉ đi kiếm ‘điều lợi cho mình’, thì tình bác ái (agape) lo tìm điều tốt, điều lợi cho người mình yêu, nó sẵn sàng từ bỏ và chấp nhận hy sinh. Nói cách khác, tình ái (eros) là tình yêu ‘trần thế’ (mondain), còn tình bác ái (agape) là tình yêu lấy đức tin làm cơ sở. Tình ái (eros) thì hẹp hòi, tạm bợ, còn tình bác ái (agape) rộng mở và lâu bền. Tình bác ái (agape) chính là tình ái (eros) được siêu nhiên hóa, nhân bản hóa, được mở rộng cho mọi người và đến với mọi người… như giáo huấn của thánh Phaolô: "Ai kết hợp với Chúa Giêsu (eros), thì trở nên cùng một thần trí với Ngài (agape)" (1Cr6,17). Sau cùng tình bác ái (agape) diễn tả huyền nhiệm của bí tích Thánh Thể, trong đó Chúa Giêsu hoàn toàn hiến thân (agape) cho nhân loại… (số 6-11)

5. Chúa Giêsu, hiện thân của tình yêu Thiên Chúa: ‘Thiên Chúa là Tình Yêu, Thiên Chúa yêu chúng ta trước và đã ban Đức Giêsu, con chí ái của Ngài cho chúng ta. Do đó, Chúa Giêsu là hiện thân tình yêu của Thiên Chúa giữa chúng ta (tam cùng với chúng ta): cùng sống, cùng hoạt động và cùng yêu với chúng ta… Và như vậy, Thiên Chúa gia tăng niềm vui, Thiên Chúa trở thành niềm vui cho chúng ta… Niềm vui này chúng ta có thể múc lấy mỗi ngày nơi Bí Tích thánh Thể… và như vậy, vì yêu chúng ta, ‘Thiên Chúa trở nên tất cả trong mọi sự’ (1Cr 15,28) cho chúng ta. Đó là tình yêu Agape tuyệt hảo! (số 12-18)

Phần II: Đức Thánh Cha nói về những thể hiện tình bác ái (agape) cụ thể trong Hội Thánh, theo giới răn ‘yêu thương người ta như chính mình’ (Mc 15, 31). Dĩ nhiên không thể nói hết, Đức Thánh Cha chỉ ‘nói đến một số yếu tố căn bản để khơi dậy trong thế giới một năng động mới mẻ mà con người hay chính Giáo Hội phải thực hiện hầu đáp trả lại tình yêu của Thiên Chúa’. Vì thế, Giáo Hội là một Cộng đồng yêu thương, thể hiện tình yêu. Đức Thánh Cha nêu bật những điểm sau đây:

1. Hoạt động bác ái của Hội Thánh là thể hiện tình yêu của Thiên Chúa Ba Ngôi: Vì thế thánh Aucơtinh viết: "Tìm thấy tình bác ái (agape) là nhìn thấy Thiên Chúa Ba Ngôi" (19).

2. Bác ái là nhiệm vụ của Hội Thánh (20-25):

- Bác ái là nhiệm vụ của mỗi tín hữu, nhưng cũng là nhiệm vụ của toàn thể cộng đoàn Giáo Hội, từ cộng đoàn địa phương, đến Giáo Hội địa phương, và đến Giáo Hội hoàn vũ. Giáo Hội đã ý thức nhiệm vụ này ngay từ buổi đầu: ‘Tất cả các tín hữu hợp nhất với nhau, để mọi sự làm của chung… (Cv 2,44-45). Theo thánh Luca, những yếu tố cấu thành của Hội Thánh bấy giờ là: Lời rao giảng của các tông đồ, hiệp thông, bẻ bánh, cầu nguyện (số 20).

- Hoạt động bác ái đòi hỏi những thừa tác mới: chức phó tế (diaconia) (Cv 6,5-6) phụ tá các tông đồ trong việc ‘phục vụ việc cầu nguyện, phục vụ Lời Chúa, phục vụ bàn ăn’ (Cv 6,1-6) (21).

- Ba hoạt động, ba nhiệm vụ: Tiệc Thánh Thể – Tiệc lời Chúa – Hoạt động bác ái (agape): lo cho quả phụ, trẻ mồ côi, bệnh nhân, tù đầy… (số 22). Nói cách khác, bản tính xâu xa nhất của Hội Thánh được diễn tả qua ba nhiệm vụ: Loan báo lời của Thiên Chúa (Kerygma-martyria), cử hành các Bí tích (leitourgia), và thi hành tác vụ bác ái (diakonia) (số 23-24).

- Ba nhiệm vụ bổ túc cho nhau, gắn liền với nhau làm cho Hội Thánh trở thành gia đình của Thiên Chúa, đại gia đình đức tin (Gl 6,10) (số 25).

3. Bác ái không đủ, còn phải có công bằng: từ thế kỷ XIX, người ta chống lại hoạt động bác ái của Hội Thánh, nhất là thuyết Maxít, người ta bảo: người nghèo không cần đến bác ái nhưng cần công bằng…

- Vì thế Giáo Hội ra các thông điệp xã hội: Đức Lêo ‘Rerum Novarum’961), (1891), Piô XI ‘Quadragesimo Anno’ (1931), Gioan XXIII ‘Mater et Magistra’, Phaolô VI ‘Populorum’ (1967), Octogesima Adveniens’ (1971), Gioan Phaolô II ‘Laborem Exercens’ (1981), ‘Sollicitudo Rei Socialis’ (1987). Hội Đồng Công Lý Hòa Bình ‘Cuốn tóm lược giáo huấn xã hội của Hội Thánh’ (2004).

- a) Công bằng (justitia): Nguyên tắc ‘Công bằng xã hội’: Của Xêsa trả cho Xêsa, của Thiên Chúa trả cho Thiên Chúa (Mt 22,21). Giáo Hội và Quốc Gia vừa tách biệt vừa tương quan với nhau… theo những xác định của Công Đồng Vatican II trong Hiến Chế Mục Vụ (GS 74, 68, 42) (số 28).

- Về ‘công bằng xã hội’, Hội Thánh không thay thế chính trị hay chính quyền, nhưng Hội Thánh không đứng ngoài lề cuộc đấu tranh cho công bằng.

- b) Tình yêu (Caritas) luôn là cốt lõi của xã hội, dù là xã hội công bằng nhất. Vì thế một xã hội, một quốc gia hay một khuynh hướng muốn loại bỏ tình yêu,… là loại bỏ chính con người. Con người không chỉ sống bằng cơm bánh… Phục vụ con người không phải chỉ chăm lo về thân xác, nhưng còn cả về tinh thần, bồi dưỡng con người không chỉ bằng những yếu tố vật chất, nhưng còn bằng những yếu tố tinh thần… Vật chất hay tinh thần đều sắc đọng trong TÌNH YÊU.

- Tuy nhiên việc hình thành các cơ cấu công bằng không trực tiếp là nhiệm vụ của Hội Thánh, nhưng thuộc lãnh vực chính trị, lãnh vực Quốc gia hay Nhà Nước (luật pháp, kinh tế, xã hội, hành chánh, nghiệp đoàn…). Với tư cách công dân, người tín hữu có bổn phận hợp tác và tuân thủ đúng đắn…

- Mặt khác các tổ chức bác ái của Hội Thánh làm thành một công trình riêng (opus proprium), và hoạt động ngay giữa lòng quốc gia, xã hội. Hội Thánh không bao giờ được miễn trừ hoạt động bác ái, trong mọi hoàn cảnh, việc bác ái của người tín hữu luôn là cần thiết (số 29).

4. Nhiều cơ cấu bác ái trong xã hội hiện nay: Vài nét tổng quát của cuộc tranh đấu công bằng và tình yêu hiện nay trên thế giới:

a) Phương tiện truyền thông thu hẹp trái đất, dù có hiểu lầm và căng thẳng, nhưng tin tức mau lẹ, giúp đỡ liên đới mau chóng (động đất, tai uơng…). Một bằng chứng tích cực về tiến trình toàn cầu hóa: Nhờ phương tiện truyền thông, khoảng cách giữa con người không còn nữa, những hoạt động bác ái có thể và phải bao gồm mọi người và mọi nhu cầu.

b) Bối cảnh xã hội và chính trị hiện nay đã khai sinh và tăng trưởng nhiều hình thức thiện nguyện (quốc gia, Giáo Hội, tư nhân) và nhiều hình thức cộng tác giữa các Quốc gia và các cơ quan từ thiện của Giáo Hội với dồi dào kết quả. Với sứ mệnh làm chứng về Tình Yêu Thiên Chúa, tổ chức bác ái của Giáo Hội đem phẩm tính Kitô giáo cho các tổ chức của chính phủ hay của tư nhân, ngược lại các tổ chức của quốc gia giúp tổ chức của Hội Thánh có thêm phương tiện và hiệu lực…

5. Khía cạnh riêng biệt của hoạt động bác ái của Hội Thánh (31).

- Nguồn gốc: Thiên Chúa là tình yêu… (1Ga 4,8); Yêu thương người khác như chính mình… (Mc 12,31). Tám mối phúc thật… (Mt 4,3-12). Xét xử theo luật bác ái (Mt 25,31).

- Tổ chức Caritas quốc tế hiện nay… quy tụ cơ cấu, tài lực, nhân sự, phương án…

- Hoạt động bác ái Kitô giáo phải độc lập với các phe nhóm và ý thức hệ… Hoạt động bác ái phải thể hiện tình liên đới và hiệp nhất giữa cá nhân, trong cộng đoàn, ngoài xã hội…

- Hoạt động bác ái không được xử dụng như kế hoạch chiêu dụ tín đồ… (31)

6. Những ngưòi chịu trách nhiệm về hoạt động bác ái của Hội Thánh.

- Là chính Hội Thánh, cụ thể từ thời Đức Phaolô VI là Hội Đồng Giáo Hoàng Đồng Tâm (Cor Unum). (x. Giáo luật Đ 394). Luôn nhân danh Giáo Hội, luôn phải có sự phối hợp theo cấp bậc hoạt động (32).

- Không lấy cảm hứng từ các ý thức hệ với mục tiêu là cải tiến trần gian, nhưng luôn luôn ‘tình yêu Chúa Kitô thúc bách chúng ta’ (2Cr5,14) (33).

- Không thể không cộng tác với các tổ chức khác… tuy nhiên luôn giữ vững căn tính ‘tình yêu Chúa thúc đẩy chúng ta…’ (34)

- Phải phục vụ trong khiêm tốn… ‘chúng ta chỉ là đầy tớ vô dụng’ (Lc 17,10) (35).

- Cần giữ quân bình giữa hai cực đoan: - tham vọng muốn làm hết, làm ngay, không đo sức mình… - cám dỗ đầu hàng, khoanh tay… (36)

- Yếu tố giúp giữ quân bình: lòng đạo đức, việc cầu nguyện (gương chân phước Têrêsa Calcutta) (số 36-37). Cầu nguyện để ‘giải tỏa’ những thắc mắc theo kiểu ông Gióp (xG 23,3+5-6+15-16), lời than của chính Chúa Giêsu trên Thánh Giá (Mt 27,46), lời sách Khải Huyền (kh 6,10)… và để giữ vững niềm tin, đức cậy và lòng bác ái (số 38-39).

LỜI KẾT

Văn hóa Việt Nam ghi khắc gì về tình yêu vợ chồng? Đức tin Công Giáo trao cho tình yêu vợ chồng sứ mệnh gì? Tuyệt đỉnh của sứ mệnh tình yêu vợ chồng Công Giáo đưa về đâu?

Về câu hỏi thứ nhất, chúng ta đã tìm được câu trả lời của văn hào Nguyễn Du rằng: "Tu là cõi phúc, tình là giây oan". Văn chương bình dân Việt Nam rất phong phú về tình yêu trai gái và tình yêu thân xác. Văn chương truyền thống tam giáo Lão, Phật, Khổng, thì hoặc là không nói đến tình yêu vợ chồng, hoặc là nói đến như một nhân duyên của cõi vô thường, hoặc nói đến những ngũ luân ngũ thường như những luật lệ để đối xử với nhau, hầu giữ gìn tôn ti trật tự trong gia đình và ngoài xã hội; còn tình yêu vợ chồng, thì đó chỉ là lẽ tự nhiên của trời đất, nguồn gốc đến từ hấp lực đực cái, giống như các sinh vật khác, nhưng phải được giáo hóa để đi vào khuôn khổ luân thường.

Về câu hỏi thứ hai, bác sĩ Vân Uyên Nguyễn Văn Ái đã trả lời thay cho chúng ta rằng: "Yêu là cõi phúc, đền nghì tình Ai", vì tình yêu vợ chồng là một bí tích trao truyền lại cho thế giới hữu hình cái mầu nhiệm vô hình được che đậy nơi Thiên Chúa từ đời đời. Đó là mầu nhiệm về chân lý và về tình yêu, mầu nhiệm của cuộc sống thiên tính, mà loài người được thực sự chia phần. Mầu nhiệm đó là mầu nhiệm "Thiên Chúa là Tình Yêu", yêu bất chấp sự đau khổ và sự chết. Tình yêu vợ chồng, khi đạt tới mức yêu, cũng là một con đường dẫn tới cõi phúc, yêu để đền nghì tình Chúa yêu ta (Ai là Thiên Chúa).

Trả lời câu hỏi thứ ba, chúng ta đã tìm được cánh cửa đức tin mở lối qua thông điệp "Thiên Chúa là Tình yêu" của Đức Giáo Hoàng Bênêđictô XVI, giúp ta hiểu rằng tuyệt đỉnh của sứ mệnh tình yêu đầy đủ hồn xác của bí tích vợ chồng Công Giáo đưa ta từ tình yêu người bạn đời đến tình yêu mọi người và đến đáp trả tình yêu Thiên Chúa, mà chúng ta tóm gọn trong bốn câu thơ:

Yêu chồng, yêu vợ mặn mà

Yêu người yêu Chúa, cùng là bài ca.

Vợ chồng "nhất thể" đôi ta

Yêu người yêu Chúa, phụng ca một bài

Tình yêu vợ chồng, đầy đủ hồn xác, đưa ta đến hạnh phúc, đến tình yêu bác ái với mọi người và đến tình yêu Thiên Chúa. Điều này cũng dễ hiểu, vì tình yêu vợ chồng đầy đủ hồn xác là một tình yêu toàn diện, là một dâng hiến về thân xác, một hiệp thông về tình cảm, một tha thứ chịu đựng theo lý trí, một hòa thuận theo ý chí và một tâm tình kính yêu của con tim. Tất cả tình yêu vợ chồng toàn diện này, cũng như tất cả các tình yêu bác ái với mọi người, tình yêu với Thiên Chúa đều là bài ca, một bài ca phụng tự. Tình yêu vợ chồng toàn diện này, nói theo Thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô II, là "Bí tích các thân xác", "bí tích trọng đại", "không chia cắt điều Chúa đã nối kết" và là "Ơn gọi các thân xác" [5].

Paris, ngày 30 tháng 03 năm 2014

Ghi chú:

1. ĐGH Bênêđictô XVI, Thiên Chúa là Tình yêu, 2005, số 2.

2. Nguyễn Văn Ái: Chữ tình và chữ yêu; trong "Đường vào tình yêu", Giáo Xứ Việt Nam Paris, 2000, tr. 255-265).

3. Ibidem.

4. Lm Mai Đức Vinh: Tìm hiểu thông điệp Thiên Chúa là Tình Yêu; trong Trần Văn Cảnh: Công Giáo Việt Nam tại Pháp, 226 năm hành trình Đức Tin, 1784-2010; 2011, tr. 164-170

5. Yves Semen, La Spiritualité conjugale selon Jean-Paul II, Ed. Presse de la Renaissance, Paris 2010, pp. 55-67.