Theo tin Zenit ngày 26 tháng 6, Tòa Thánh vừa phát hành tài liệu làm việc (Instrumentum Laboris) của THĐ Giám Mục ngoại thường sắp tới về “Các Thánh Đố của Gia Đình trong Ngữ Cảnh Tân Phúc Âm Hóa”. Đây là tài liệu chính thức của Tòa Thánh, một bản tóm lược các câu trả lời cho một bản câu hỏi mà Giáo Hội đã gửi tới các Giáo Hội địa phương vào mùa thu qua.

Romereports.com gọi tài liệu này là tài liệu thực tiễn và đầy tính lạc quan. Nhân dịp này, Đức Phanxicô tin rằng tương lai của thế giới và của Giáo Hội tùy thuộc hai cơ chế này xử lý ra sao các thách đố mà các gia đình ngày nay đang gặp phải. Ngài cũng cho hay ngài ý thức rõ: đề xuất của Giáo Hội Công Giáo chỉ là một “áp đặt tinh thần” chứ không phải một dự án cuồng nhiệt.

Để trao đổi các nhận định và tìm ra giải pháp, ngài đã triệu tập một “thượng hội đồng ngoại thường” vào tháng 10 tới. Chủ tịch mọi hội đồng giám mục thế giới đều được mời tham dự THĐ này.

Tài Liệu Làm Việc, được phát hành hôm nay, là bản tóm lược các chủ đề sẽ được đem ra thảo luận. Trong số các chủ đề này là vấn đề cô đơn của trẻ em và ấn tượng hiện rất phổ quát cho rằng chúng là trở ngại cho hạnh phúc của người ta. Chủ đề khác nữa là con số các cuộc hôn nhân càng ngày càng sa sút và việc xuất hiện các “gia đình mở rộng” gồm cha mẹ, ông bà nhưng hiện đang ly thân hay đang ly dị.

Điều đáng lưu ý là Tài Liệu tuyên bố rằng những ai đang kinh qua các hoàn cảnh tế nhị nên cảm nhận điều này: Giáo Hội luôn đồng hành với họ, chứ không phê phán họ. Hơn nữa, nên coi giáo huấn của Giáo Hội về gia đình như là một lối sống, chứ không phải chỉ là một hướng dẫn đối với luân lý tính dục mà thôi.

Tài liệu nhấn mạnh thêm: Giáo Hội không phải là một quan tòa kết án mà là một bà mẹ luôn giang tay ôm ẵm con cái mình và băng bó các vết thương của chúng. Do đó, mục vụ phải khẩn trương tập chú vào việc giúp đỡ tất cả những ai đang kinh qua các hoàn cảnh tế nhị.

Ngoài ra, Tài Liệu nhấn mạnh việc người Công Giáo phải kính trọng các cặp đồng tính, dù “điều này không có nghĩa tín hữu phải dành cho nó cùng một địa vị pháp lý bình đẳng như các cuộc hôn nhân dị tính”.

Trong phần Giới Thiệu, Đức HY Baldisseri, TTK thượng hội đồng cho hay: “Tài Liệu Làm Việc dựa trên các câu trả lời cho các câu hỏi của Tài Liệu Chuẩn Bị là tài liệu được chia thành 8 nhóm câu hỏi về hôn nhân và gia đình. Sau khi được phát hành vào tháng 11 năm 2013, tài liệu (chuẩn bị) này được phân phối trên toàn thế giới. Phần lớn các câu trả lời chi tiết cho các câu hỏi được đệ nạp bởi các công đồng của các Giáo Hội Công Giáo Đông Phương tự trị, các hội đồng giám mục, các bộ trong Giáo Triều và liên hiệp Các Bề Trên Cả. Còn các câu trả lời khác, được xếp vào loại Nhận Xét, được gửi thẳng tới Văn Phòng TTK bởi nhiều giáo phận, giáo xứ, phong trào, nhóm, hiệp hội và cả các gia đình nữa, ấy là chưa kề các định chế học thuật, các nhà chuyên môn, cả Công Giáo lẫn không Công Giáo.

Tài Liệu Làm Việc được chia thành 3 phần, phản ảnh 8 chủ đề chính trong bản câu hỏi. Phần thứ nhất, dành cho Tin Mừng Gia Đình, nói tới kế hoạch của Thiên Chúa và ơn gọi của con người nơi Chúa Kitô. Trong viễn tượng này, tài liệu đưa ra các định mức, cả tích cực lẫn tiêu cực, cho thấy sự hiểu biết và sự chấp nhận của tín hữu đối với các giáo huấn liên hệ tới gia đình trong Thánh Kinh và trong huấn quyền Giáo Hội, đồng thời cái hiểu của họ về luật tự nhiên. Phần thứ hai nói tới các thách đố khác nhau và hiện trạng của việc chăm sóc mục vụ cho gia đình. Phần thứ ba dành cho chủ đề chào đón sự sống và trách nhiệm của cha mẹ trong việc dưỡng dục con cái, vốn được coi là các đặc điểm của cuộc hôn nhân giữa 1 người đàn ông và 1 người đàn bà, đặc biệt thảo luận các hoàn cảnh khó khăn về mục vụ.

Ngài còn cho hay: các câu trả lời cho câu hỏi 9 của Tài Liệu Chuẩn Bị, tức câu hỏi Linh Tinh, không được kể vào đây, mà sẽ được THĐ Thường Lệ năm 2015 bàn luận.

Lòng xót thương mời gọi hồi hướng và tái sinh liên tục

Trong Lời Nói Đầu, Đức HY Baldisseri cho hay: việc công bố Tin Mừng Gia Đình vốn là phần chủ yếu trong sứ mệnh của Giáo Hội vì mạc khải Thiên Chúa vốn dõi ánh sáng lên mối tương quan giữa 1 người đàn ông và một người đàn bà, lên tình yêu hỗ tương của họ và lên tính phong phú của mối tương quan này. Thời ta, cuộc khủng hoảng lớn lao về văn hóa, xã hội và tâm linh đang đặt ra một thách đố cho Giáo Hội trong việc phúc âm hóa gia đình, vốn là hạt nhân sinh tử của xã hội và của cộng đồng Giáo Hội…

Đức HY cho rằng THĐ Ngoại Thường kỳ này ý thức rất rõ rằng “Thánh Truyền, phát sinh cùng với các Tông Đồ, luôn diễn tiến trong Giáo Hội với sự trợ giúp của Chúa Thánh Thần (Dei Verbum, số 8)” được mời gọi suy nghĩ về con đường phải theo để thông truyền cho mọi người sự thật về tình yêu vợ chồng và gia đình và đáp ứng nhiều thách đố của nó (xem Evangelii Gaudium, số 66). Trong sinh hoạt mục vụ của Giáo Hội, gia đình là nguồn và là suối bất tận của sự sống. Do đó, nhiệm vụ hàng đầu của Giáo Hội là công bố vẻ đẹp của ơn gọi tình yêu vốn đem theo tiềm năng lớn lao cho xã hội và cho Giáo Hội. Để đương đầu với tình thế khẩn trương này, hàng giám mục khắp thế giới được mời gọi, cum et sub Petro (cùng với Phêrô và dưới quyền Phêrô), khiêm hạ lắng nghe Chúa Thánh Thần và suy nghĩ các thách đố mục vụ hiện nay.

Đức HY lạc quan nhắc tới việc: đời sống gia đình không phải được xác định bằng khó khăn và người ta không phải chỉ có các nan đề mà thôi. Nên Giáo Hội hân hoan thừa nhận các cố gắng, chủ yếu của giới trẻ, trong việc tạo ra một mùa xuân mới cho gia đình. Điều này thấy rõ qua các chứng từ cảm động tại nhiều cuộc gặp gỡ trong Giáo Hội trong đó, các tham dự viên biểu lộ ước muốn được kết hôn và sống cuộc sống gia đình. Dưới ánh sáng ước muốn này, Giáo Hội được mời gọi cung cấp sự trợ giúp và hướng dẫn, bất cứ tại nơi đâu, trong lòng trung thành với mệnh lệnh của Chúa là công bố vẻ đẹp của tình yêu gia đình. Đức Thánh Cha khuyến khích mọi người nhìn tương lai một cách hy vọng và đề nghị phương cách hành động nhằm duy trì và phát huy tình yêu trong gia đình bằng cách ăn nói dịu dàng với nhau như “anh (em) làm điều này nhá?”, “cám ơn em (anh)”, “xin lỗi em (anh)” và không bao giờ để mặt trời lặn mà chưa giải quyết các cãi vã hay hiểu lầm nhau hay chưa để “lòng khiêm nhường xin được tha thứ”.

Cuối cùng, Đức HY nhắc tới một chủ đề có lẽ sẽ hướng dẫn trọn bộ cuộc thảo luận sắp tới, là lòng từ nhân thương xót. Ngài nói: “Từ lúc khởi đầu triều giáo hoàng của ngài, Đức Phanxicô luôn nhấn mạnh rằng ‘Chúa không bao giờ mỏi mệt trong việc tha thứ: không bao giờ! Chỉ có ta mới mỏi mệt không xin tha thứ mà thôi' (Kinh Truyền Tin, 17 tháng 3 năm 2013). Cái âm sắc của lòng từ nhân xót thương này đã tác động rất mạnh cả trong các vấn đề liên quan tới hôn nhân và gia đình, theo nghĩa, khác hẳn với bất cứ hình thức mô phạm duy luân lý nào, nó xác nhận quan điểm của Kitô Giáo về cuộc đời và mở ra nhiều khả thể mới cho tương lai, bất chấp mọi hạn chế và tội phạm bản thân. Lòng thương xót của Chúa là cửa ngõ mời gọi ta không ngừng hồi hướng và tiếp tục tái sinh”.