Lễ Thánh Piô X năm nay, 21 tháng Tám, có điều đặc biệt, vì năm nay kỷ niệm đúng 100 năm ngày sinh vào nước trời của ngài.

Thực vậy, ngài qua đời vì nhồi máu cơ tim vào ngày 20 tháng Tám, năm 1914, đúng một trăm năm nay. Ngày ngài qua đời cũng là ngày quân đội Đức tiến vào Bỉ, khởi đầu cho một thế chiến đẫm máu với 9 triệu binh sĩ thiệt mạng và hơn 7 triệu thường dân chết oan. Thực ra cuộc chiến tranh này đã bắt đầu trước đó với việc người thanh niên tên Princip của Sarajevo ám sát đại quân công Ferdinand của Áo ngày 28 tháng Bẩy.

Có thể nói Đức Piô X là vị giáo hoàng đầu tiên đau cái đau của một thế chiến. Nhiều người cho rằng dù đang bệnh nặng, ngài cũng đã hết sức cố gắng vận động để thế chiến đừng xẩy ra. Việc này đã gia tốc cơn bệnh hiểm nghèo mà ngài mắc phải hôm 15 tháng Tám, năm 1914 khiến ngài lên cơn nhồi máu cơ tim và qua đời rất nhanh sau đó mấy ngày.

Có lẽ cảm nhận được cái đau này, vị kế nhiệm và là người vốn phục vụ dưới triều đại ngài là Đức Piô XII, một giáo hoàng khác của thế chiến, Thế Chiến thứ II, đã hết sức đẩy nhanh diễn trình phong chân phúc cho ngài năm 1951 và 3 năm sau, phong hiển thánh cho ngài năm 1954, biến ngài thành vị giáo hoàng thứ nhất của thế kỷ 20 và cũng là vị giáo hoàng thứ nhất được phong hiển thánh kể từ Thánh Giáo Hoàng Piô V năm 1712. Không may mắn như ngài, vị kế nhiệm sau này, tức đức Piô XII, vướng phải một thế lực kinh tài khủng khiếp nhất thế giới nên cho đến nay vẫn chưa được phong chân phúc, dù hết sức xứng đáng.

Ngoài cái nhất trên đây, Đức Piô X còn có nhiều cái nhất khác. Nhiều người cho rằng Đức đương kim Giáo Hoàng Phanxicô là vị giáo hoàng đầu tiên từ khước không đeo thánh giá ngực bằng vàng dù là trong lễ đăng quang. Điều này không đúng, vinh dự đó là của Đức Piô X. Thực vậy, ngày đăng quang, ngài vẫn đeo cây thánh giá ngực bằng kim loại mạ vàng hết sức tầm thường. Bị các phụ tá phản đối, ngài bảo đó là cây thánh giá ngài vẫn mang từ lúc còn ở Mantua, giáo phận đầu tiên của ngài, ngài không có cây thánh giá nào khác. Câu ngài thường nói với mọi người: "tôi sinh ra nghèo, tôi sống nghèo và tôi sẽ chết nghèo" được ngài thi hành hoàn toàn theo nghĩa đen.

Và ngài giữ trọn sự thật của câu nói ấy bằng cách để lại di chúc nói rằng ngài có sao, chôn ngài như vậy, như một người nghèo, không moi ruột, không ướp xác như thói quen của các vua chúa, giáo hoàng sang trọng xưa nay. Ngài là vị giáo hoàng thứ nhất được chôn xác theo kiểu này.

Ngài cũng là vị giáo hoàng thứ nhất bãi bỏ quyền phủ quyết của thế quyền đối với việc bầu giáo hoàng. Óai oăm một điều: bản thân ngài nhờ cái quyền phủ quyết này mà được bầu làm giáo hoàng. Thực thế, khi Đức Lêô XIII qua đời năm 1903, ai cũng tin chắc quốc vụ khanh của ngài là Đức Hồng Rampolla sẽ được bầu kế vị. Mà đúng vậy, vòng phiếu đầu vị này được 24 phiếu, trong khi Đức HY Sarto thân yêu của chúng ta, dù cũng rất nổi tiếng về đạo đức và tài huớng dẫn mục vụ, chỉ được 5 phiếu, 17 phiếu kia là của một vị Hồng Y khác. Thấy thế, Đức HY Kosielsko của Ba Lan, nhân danh hoàng đế Franz-Joseph của đế quốc Áo Hung, đã phủ quyết số phiếu này.

Việc phủ quyết trên làm các Hồng Y cử tri “bừng tỉnh” cơn mê chính trị, vốn khá nặng dưới thời Đức Lêô XIII, để “sentire cum ecclesia”, cùng cảm thức với Giáo Hội lúc ấy muốn có một vị giáo hoàng mục vụ, biết chăm lo cuộc sống bên trong cho Giáo Hội. Ta thấy bầu khí ấy sao giống bầu khí của ta bây giờ đến thế, vì năm 2013, khi Đức Bênêđíctô XVI từ nhiệm, cảm thức của Giáo Hội cũng y hệt như vậy và ta có Đức Phanxicô. Tạ ơn Chúa! Vị Hồng Y ăn khớp với cảm thức lúc ấy không ai khác ngoài thượng phụ Venise, tức đức Hồng Y Sarto của chúng ta. Đến vòng phiếu thứ 5, ngài được 50 phiếu, quá đủ để lên ngôi giáo hoàng, lấy hiệu Piô X.

Ngài không làm Giáo Hội thất vọng. Việc đầu tiên là ngài bãi bỏ quyền phủ quyết của thế quyền trong việc bầu giáo hoàng, để giáo hoàng từ nay là của riêng Giáo Hội. Bởi Giáo Hội mới là mục tiêu phuc vụ của giáo hoàng.

Với khẩu hiệu Khôi Phục Mọi Sự Trong Chúa Kitô, ngài là vị Giáo Hoàng đầu tiên lo soạn thảo Bộ Giáo Luật cho toàn thể Giáo Hội, bộ giáo luật thứ nhất, bằng cách thiết lập một ủy ban soạn thảo, thu thập mọi khoản luật vốn rải rác trong Giáo Hội từ bao thế kỷ trước. Bộ Giáo Luật này mãi năm 1917 mới được Đức Bênêđíctô XV công bố. Nhưng vị giáo hoàng này và vị kế nhiệm sau đó là Piô XII vốn là thành viên của Ủy Ban soạn thảo kia.

Đức Piô X cũng là vị giáo hoàng thứ nhất sống hòa mình với người chung quanh. Đức Phanxicô thường được người ta coi là vị giáo hoàng đầu tiên dùng bữa hàng ngày với bằng hữu và người hợp tác gần gũi. Nhưng thực ra, một lần nữa, cái vinh dự này là của Đức Piô X: ngài không chịu dùng bữa một mình, luôn có bạn hữu cùng dùng.

Nhưng có lẽ cái nhất đáng lưu ý nhất của ngài là đã thay đổi toàn diện quan điểm của Giáo Hội về Thánh Thể. Chính vì thế, khi phong chân phúc cho ngài, Đức Piô XII gọi ngài là Giáo Hoàng của Thánh Thể. Thực vậy, ngài là vị giáo hoàng thứ nhất cổ vũ việc năng rước lễ và rước lễ hàng ngày và ngài là vị giáo hoàng thứ nhất hạ thấp tuổi rước lễ lần đầu cho trẻ em xuống 7 tuổi. Đối với ngài, rước lễ không phải là phần thưởng chỉ dành cho những người thánh thiện mà là của nuôi dưỡng cho tất cả những ai đang đấu tranh sống cuộc sống Kitô hữu của mình. Điều này rất có vang dội vào lúc này, ở thời ta, lúc Giáo Hội đang tìm cách giúp những người Công Giáo ly dị và tái hôn có thể được rước lễ: Giáo Hội hết còn coi họ là những kẻ tội lỗi cần trừng phạt mà là những nạn nhân đáng thương.

Trong những cái đáng thương nhất của họ là không được rước lễ. Chúng ta vừa được nghe nguyện vọng tha thiết của cha Miguel F. d’Escoto Brockmann, cựu bộ trưởng ngoại giao Nicaragua, và từng là chủ tịch Đại Hội Đồng LHQ khóa họp năm 2008: chính vì tham gia chính trị, cha bị huyền chức không được cử hành thánh lễ cả 30 năm nay. Nay đã 80 tuổi, gần đất xa trời, nguyện vọng duy nhất của ngài là được cử hành Thánh Lễ trước khi chết. Trước nguyện vọng tha thiết đó, Đức Phanxicô đã tha vạ cho ngài! Ngài tha thiết cử hành thánh lễ thế nào, thì những người Công Giáo ly dị và tái hôn cũng tha thiết được rước lễ như thế vì đó là của nuôi dưỡng giúp họ chiến đấu sống cuộc sống Kitô hữu của họ. Nguyện vọng tha thiết này đang là một trong các chủ đề nóng bỏng nhất của THĐ giám mục bất thường sắp tới cũng như của THĐ giám mục bình thường năm tới.

Quan điểm coi Thánh Thể như của nuôi dưỡng này cũng đã mở đường cho cái hiểu Thánh Lễ như một bữa ăn chung sẽ được Vatican II khai triển sau này với cuộc canh tân Phụng Vụ xây dựng trên hai ý niệm nền tảng: bàn ăn Thánh Thể và Bàn ăn Lời Chúa.

Đức Piô X, tóm lại, là một vị Giáo Hoàng đi tiên phong trong rất nhiều phương diện. Nói tới Giáo Hội Việt Nam, ngài là vị giáo hoàng thứ hai (vị thứ nhất là Đức Lêô XIII, năm 1900) đặt Giáo Hội này lên bản đồ thế giới Công Giáo hai lần nữa: năm 1906, ngài phong chân phúc cho 8 vị tử đạo Việt Nam và năm 1909, ngài phong thêm 20 vị nữa, trong đó có hai chân phúc Anrê Nam Thuông (hay Anrê Nguyễn Kim Thông) và Annê Đê (hay Annê Lê Thị Thành).

Trước khi kết thúc, thiết tưởng nên nói mấy lời về một khía cạnh gây tranh cãi của Thánh Piô X, nhất là đối với thời nay. Đó là công trình diệt trừ thuyết duy hiện đại của ngài. Công trình này được ngài dồn hết tâm trí vào thực hiện với một lòng say mê đến độ theo sách tiên tri Malaki, tên của ngài là Ignis Ardens: ngọn lửa bừng bừng! Sự bừng bừng này khiến ngài dùng mọi phương thế có thể có để loại bỏ học thuyết này: không những ngài dùng các phương thế quen dùng của một vị giáo hoàng là ban hành hàng chục văn kiện nhất là sắc chỉ Lamentabili Sane Exitu (xin tạm dịch: quả là một lệch lạc đáng trách) chính thức kết án 65 đề xuất duy hiện đại hay duy tương đối liên quan tới bản chất Giáo Hội, mạc khải, giải thích Thánh Kinh, các bí tích và thần tính Chúa Kitô. Và thông điệp Pascendi Dominici Gregis (Nuôi Dưỡng Đoàn Chiên của Chúa) trong đó ngài gọi thuyết duy hiện đại là “tổng hợp mọi lạc giáo”. Ngài còn bắt các giáo sĩ tuyên lời thề chống lại thuyết này và nhất là ngài dùng cả một phương pháp không chính thống chút nào đối với một vị giáo hoàng là khuyến khích việc thành lập và các cố gắng của Liên Đoàn Piô V (Sodalium Pianum), một hệ thống thực sự nhằm mách lẻo những người theo thuyết duy hiện đại, chuyên rình mò nhằm kết án họ lạc giáo dựa trên những chứng cớ yếu ớt nhất.

Chiến dịch chống thuyết duy hiện đại trên do Đức Cha Umberto Benigni thuộc Phân Bộ Bất Thường Sự Vụ của Phủ Quốc Vụ Khanh phụ trách, chuyên phân phối các ấn phẩm tuyên truyền chống duy hiện đại và thu thập tin tức “các tội phạm”. Đức Cha Benigni hoạt động dưới mật danh, chính Đức Piô X cũng được họ gọi là Mama.

Điều ấy cho thấy thái độ của Đức Piô X đối với thuyết duy hiện đại là bất khoan nhượng. Ngài có tiếng là người nhân ái, nhưng, theo một tác giả, khi có người khuyên ngài nên cảm thương các tội phạm duy hiện đại, ngài trả lời: “họ muốn được đối đãi với dầu thơm, xà bông và mơn trớn. Nhưng họ nên được đánh bằng những cú đấm. Trong một cuộc đấu tay đôi, bạn không đếm hay đo các cú đấm, bạn chỉ đánh bao nhiêu có thể”.

Thời ta, tác phong trên của Thánh Piô X khó có thể được chấp nhận. Nhưng người thời ngài, không ai nặng lời phê phán. Trái lại, lòng sùng kính ngài chỉ có tăng sau ngày ngài băng hà. Thực vậy, ngay năm 1916, đã có người gọi ngài là “Thánh cả”, khách hành hương đứng chật lối vào hầm mộ ngài đến nỗi phải đặt một cây thánh giá nhỏ bằng kim loại ở nền nhà thờ Thánh Phêrô với hàng chữ ghi: Đức GH Piô X, để tín hữu qùy ngay phía trên mộ ngài. Các thánh lễ liên tục được cử hành tại mộ ngài cho tới năm 1930. Năm 1923, một đài kỷ niệm ngài đã được dựng trong Nhà Thờ Thánh Phêrô. Năm 1944, quan tài của ngài được khai quật, ai cũng ngạc nhiên khi thấy xác ngài vẫn còn tươm tất dù không được ướp như các vị giáo hoàng khác. Do đó, đã được trưng bày cho tín hữu kính viếng trong 45 ngày, sau đó mới đặt lại vào mộ. Rất nhiều phép lạ đã diễn ra nhờ lời chuyển cầu của Đức Piô X cả trước và sau khi ngài đã được phong thánh.

Điều ấy khiến ta nghĩ rằng lòng đạo đức bản thân của Đức Piô X đã đền bù mọi thiếu sót có thể có của ngài. Một đấng thánh vẫn có thể có sai lầm, nhưng nếu là đấng thánh thật, thì sai lầm ấy được người ta dành cho thứ mà người Anh vốn gọi là benefit of doubt, điều mà Đức Phanxicô hiện nay đang được hưởng ê hề. Benefit of doubt là không kết tội ai vì thiếu bằng chứng, vì không bắt được quả tang hay đơn thuần vì tin thế giá của người này và nhận là mình hoài nghi chứ không phải vị này đáng hoài nghi.

Xa hơn chút nữa, ta có thể cho rằng tác phong của Thánh Piô X phản ảnh “sensus fidei” hay cảm thức đức tin thời ngài. Như tài liệu của Uỷ Ban Thần Học Quốc Tế gần đây, đã được chuyển sang tiếng Việt và đăng tải trên Vietcatholic, cảm thức giống như một bản năng, không hẳn lấy luận lý mà giải thích được, nó là thứ tri giác nguyên khởi khi ta đụng tới một đối tượng, chưa bị lệch lạc bởi phán đoán (tri thức là một phán đoán). Nói cách khác, nó là một trực giác, một cảm nghiệm trực tiếp cận kề, thấy mà như không thấy, không hiểu, không diễn tả được, nhưng nó vẫn có đó, có thực. Bản thân người viết thích nghe bài hát của Trịnh Lam gần đây, có câu khởi đầu là “Maria Mẹ, Mẹ Đang Ở Đâu…” bằng tiếng Việt nhưng duyên dáng ở chỗ nối hai vần “ng” của chữ “đang” qua chữ “ở” thành “ngở đâu”, đúng điệu thế hệ thứ hai người Việt trên đất Mỹ. Và Trịnh Lam rất tự nhiên nhẩy từ tiếng Việt qua tiếng Anh không một chút sượng sùng do dự, tự nhiên như một nối dài giữa hai nền văn hóa quen thuộc, để trả lời một cách xác tín bằng tiếng Anh rằng: “Somehow I know you are still there” (Dẫu sao con biết Mẹ vẫn ở quanh đâu đây). Chữ “Somehow” (dẫu sao) này chính là cảm thức đức tin. Anh ta không thể nói được bằng lời làm sao anh biết được như vậy. Có thể đó cũng là cái “somehow” của Đức Piô X và người đồng thời của ngài.

Chỉ mong sao chúng ta luôn “sentire cum Ecclesia”: luận lý không nhất thiết nói hết được đức tin của ta. Đừng ngại ngần khi đứng về phía Giáo Hội. Vì như Đức Phanxicô nhấn mạnh và được mục sư Traettino, vị mục sư nổi tiếng ở Caserta Ý Đại Lợi, nhắc lại, sự thật của ta không phải là sự thật luận lý, triết học, siêu hình, kinh tế, xã hội hay chính trị gì cả, sự thật của ta là một con người, đó là Chúa Kitô. Điều gì dẫn tới Chúa Kitô, điều ấy là sự thật. Còn có định chế nào dẫn ta tới Chúa Kitô bằng Giáo Hội?