Đức Giáo-hoàng Gioan Phaolô II đưa con tàu Giáo Hội về đúng hướng.

Kể từ khi tôi được một số bạn bè khuyến khích tập tành viết lách thì bài đầu tiên tôi viết và hân hạnh được trang Vietcatholic đón nhận là bài “Sức Mạnh của Vô Lực”. Trong bài này tôi so sánh sức mạnh của bạo chúa Nêrô - cái sức mạnh tàn bạo và vũ bão đã một thời lũng đoạn một phần thế giới, để rồi chính con người Nêrô đã bị thế giới ngàn đời nguyền rủa - với sức mạnh ‘vô hình’ của cụ Phêrô, sức mạnh của một Cụ già yếu đuối trong tay không một tấc sắt, cùng với sức mạnh của những người theo Cụ, chỉ được trang bị với một niềm tin tuyệt đối vào Thiên Chúa. Thế mà cái sức mạnh lũng đoạn kia đã bị sức mạnh ‘không có sức mạnh’ thực sự - mà tôi gọi là vô lực - của một Cụ già và những người theo Cụ đánh bại.

Và sau gần 20 thế kỷ, Sít Ta Lin, một bạo chúa trong thế giới Cộng-sản đã từng đặt câu hỏi với một Cụ Già khác - ĐGH Gioan Phaolô II - là “Ngài có bao nhiêu sư đoàn mà dám nói tới việc giải thoát thế giới khỏi ách nô lệ của chủ nghĩa Cộng-sản”. Vậy mà một lần nữa, thế giới đương đại lại được chứng kiến Cụ Già ấy không có một sư đoàn nào cả, và trong tay không có một tấc sắt, đã giải thể Chủ-nghĩa Cộng-sản chỉ bằng một tấm lòng và sự giải thích sáng suốt và đầy tình người, để rồi con người tỉnh ngộ ‘tự giải thoát chính mình’.

Bài thứ hai trong ‘sự nghiệp viết lách’ của tôi là bài “Những Giọt Nước Mắt cho Đức Giáo Hoàng”. Qua không biết bao nhiêu phát biểu của không biết bao nhiêu người của mọi tầng lớp đã từng ca ngợi ĐGH Gioan Phaolô II, tôi cũng ‘dám’ phát biểu những ý kiến cá nhân về vị Cha Chung vĩ đại của hơn một tỉ người con này. Tôi đã khóc cho ĐGH và tôi tin rằng nhiều người đã khóc cho ĐGH vì Ngài đã hoàn thành gánh nặng Chúa trao - Đem tình yêu của Chúa đến với loài người và yêu loài người, như chính Chúa đã yêu loài người. Vậy mà cho đến khi Ngài đang chuẩn bị về với Chúa, loài người vẫn chưa thực sự yêu nhau, hay chỉ yêu nhau qua đầu môi chót lưỡi. Vậy mà vẫn có những hoạt động trong chính Giáo Hội Chúa đó đây vẫn chưa được như ý Ngài, thậm chí còn làm cho Ngài buồn.

Rồi sau 8 bài “Từ Gương Sáng Thánh Nhân”, và một số bài khác có liên quan tới Ngài, tôi đã tạm ngưng viết về Ngài vì khả năng và sự hiểu biết của tôi về Ngài còn giới hạn, và vì người ta đã viết về Ngài và ca tụng Ngài quá nhiều. Quả vậy, Ngài là một bậc Thánh Nhân mà chính ông Gô Ba Chóp, lãnh tụ thế giới Cộng-sản đương thời cũng phải công nhận. Tôi không biết tiếng Ý, nhưng trong những giây phút ngắn ngủi còn lại của cuộc đời Ngài ở thế gian này, từ dưới quảng trường Thánh Phêrô, người ta ngóng lên cửa sổ mà Ngài thường xuất hiện, và đồng loạt la lên bằng tiếng Ý “Thánh ngay bây giờ”, hay “Phong Thánh ngay bây giờ”.

Cũng trong thời điểm ngắn ngủi này, người ta, nhất là giới truyền thông, mới đưa ra nhiều thông tin nhất về Ngài. Nhờ những thông tin này, tôi mới được biết rằng người ta đã từng đặt câu hỏi “Thành tựu lớn nhất của ĐGH Gioan Phaolô II là gì? Giúp làm sụp đổ Chủ nghĩa Cộng sản, hay những gì Ngài thực hiện cho Giáo Hội Công Giáo?” Và nhiều người vẫn chưa đưa ra được câu trả lời dứt khoát. Đối với cá nhân tôi, tôi tin rằng mãi tới thời gian gần đây, sau khi Ngài được phong Thánh, tôi mới tìm được câu trả lời chính xác nhất nhờ đọc bài JOHN PAUL II SET THE BARQUE BACK ON COURSE của Tiến sĩ William Oddie, được viết không lâu sau Lễ Phong Thánh, đăng trên trang Web Crisis, mà tôi chuyển ngữ thành ĐGH Gioan Phaolô II đưa con thuyền Giáo Hội về đúng hướng.

Tựa bài khơi dậy trong tôi câu hỏi “Vậy Con thuyền Giáo Hội cũng có lúc trôi lạc hướng sao?” Với khả năng tiếng Anh giới hạn, tôi xin chuyển ngữ một số đoạn mà tôi tin rằng đủ trả lời cho câu hỏi “Thành tựu lớn nhất của ĐGH Gioan Phaolô II là gì?”

Mở đầu bài viết, Tiến sĩ William Oddie nêu câu hỏi “Tại sao ĐGH Gioan Phaolô được phong thánh cùng lượt với ĐGH Gioan?”. Và ông đưa ra câu trả lời dựa theo bài viết của John L Allen, một cây viết có khuynh hướng cấp tiến, trên tờ National Catholic Reporter về việc phong Thánh cho hai vị Giáo hoàng vừa qua, rằng việc làm của ĐGH Francis không chỉ nhằm xác nhận với thế giới bên ngoài mà còn nhằm khẳng định với những khuynh hướng cạnh tranh (rival camps) trong chính Giáo Hội mà họ coi mỗi Vị là ‘anh hùng’ của (riêng) họ - ý nói Cấp tiến và Bảo thủ - rằng cả hai Vị đều thuộc về Giáo Hội Chúa. Nhờ vậy, tôi hiểu được ĐGH Francis muốn khẳng định với mọi người rằng hai vị Giáo hoàng vừa được Ngài phong thánh không hề có những nét khác biệt nhau; ngược lại, những quan điểm, mà người ta cho rằng khác biệt, thực sự chỉ có tính bổ túc cho nhau mà thôi.

Trước hết, hai Vị đều là ‘Giáo hoàng của Cộng đồng’, Cộng đồng do ĐGH Gioan khởi xướng và Cộng đồng do ĐGH Gioan Phaolô hoàn chỉnh. Còn có một điều quan trọng khác là khi khai mạc Cộng đồng, ĐGH Gioan đã tin tưởng rằng Cộng đồng sẽ mang lại những nét mới, một ngày mới sáng lạn, trong lịch sử Giáo Hội, nhưng kết quả lại không được như vậy. Những đám mây đen và bão tố, như xuất hiện từ một kẽ hở bí hiểm nào đó, làn khói của Satăng đã len lỏi vào đền thờ Chúa để rồi chính ĐGH Gioan Phaolô đã xua tan đám mây Satăng đó đi chỉ trong một thời gian tương đối ngắn, thay vì mất nhiều năm như có người suy tưởng. Vì vậy, việc hai Vị được phong Thánh cùng thời điểm là việc làm thích hợp nhất.

Sau đây là đoạn trích dẫn sự kiện bằng tiếng Anh:

“The unhappy Pope Paul, in 1972, said, now famously, that he had believed that after the Council would come a day of sunshine in history of the Church. But instead there has come a day of clouds and storms…. It is as if from some mysterious crack… the smoke of Satan has entered the temple of God.”

Pope John Paul’s major achievement for the Church was to recover Pope John’s original purpose: to “guard” and to teach more efficaciously “the sacred deposit of Christian doctrine.” Nothing, therefore, could be more fitting than that they should be canonized together: the Pope who convened the Council, and the Pope who rescued it from abductors.

Khi đề cập đến đám khói của Satăng, ĐGH Gioan đã đặc biệt nói về hình thức thờ phượng (liturgy), cùng nguy hiểm như sự nổi dậy không bị kềm chế đã thách thức triều đại Ngài về cái gọi là ‘phương pháp thay thế về giảng Thánh kinh’ (alternative magisterism) của nhóm Kung, Schillebeeckx cũng như những người thách thức quan niệm Giáo điều thiêng liêng về Thiên Chúa Giáo. Đó là một sự tàn phá lớn, và sự tàn phá bao giờ cũng dễ dàng hơn sự phục hồi. Người ta tin rằng việc phục hồi những tàn phá sau Cộng đồng sẽ mất nhiều năm. Nhưng ĐGH Gioan Phaolô đã bắt đầu chống lại nó: Ngài đã đưa con thuyền của Thánh Phêrô, cùng với Giáo Hội, trở về đúng hướng một cách vững vàng, không lâu sau đó. Như vậy, thành tựu lớn nhất của Ngài là Ngài đã làm nhiều hơn bất cứ vị GH nào trong thế kỷ vừa qua để bảo vệ và giữ vững giá trị của sự rao giảng tin mừng Công Giáo.

Những khó khăn và rối rắm trong việc giữ vững niềm tin đã âm thầm chìm vào vùng cát lún của những mâu thuẫn nội tại của chính nó, những đám sương mù cản trở niềm tin Công Giáo đã bị thổi tan, và Giáo luật đã được phục hồi, vẫn đứng vững trên viên đá Phêrô. Với sự phổ biến những tài liệu như ‘Veritatis Splendor’ và ‘Dominus Iesus’, nhất là sự thành công to lớn của tài liệu ‘Catechism of the Catholic Church’, Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II đã phục hồi được niềm tin vào sức mạnh của giáo luật Công Giáo. Bản thân tôi (tác giả) và nhiều người khác cuối cùng đã từ bỏ được những cộng đồng tôn giáo mà nơi đó người ta như không thể có được một đầu óc minh mẫn về bất cứ vấn đề gì, nơi đó người ta coi trọng những thắc mắc hơn là đi tìm những câu trả lời.

Sự thành tựu của ĐGH Gioan Phaolô không chỉ dừng lại ở việc Ngài phục hồi niềm tin cho Giáo Hội Công Giáo mà Ngài còn tỏ cho thế giới thấy được sức mạnh của niềm tin đó khi Ngài đã mạnh mẽ trả lời câu hỏi của Stalin “Giáo hoàng có bao nhiêu sư đoàn?”.

George Weigel đã viết về đoạn này như sau:

Năm 1978 không ai nghĩ được rằng nhân vật nổi bật của phần tư chót của thế kỷ XX lại là một linh mục (rồi giám mục) người Ba Lan. Đối với những người có tiếng nói có ảnh hưởng lớn vào thời điểm này thì Thiên Chúa Giáo không còn có sức mạnh góp phần tạo hình thế giới và chắc chắn là không có vai trò giúp tạo hình thế giới trong thế kỷ hai-mươi-mốt. Vậy mà chỉ 6 tháng sau khi được bầu vào ngôi vị, ĐGH Gioan Phaolô II đã tỏ ra cho thế giới thấy một năng lực Thiên Chúa Giáo tuyệt vời giúp tạo ra một cuộc cách mạng lương tâm dẫn đến một nền chính trị mạnh mẽ mới và sau cùng là những cuộc cách mạng giải phóng Trung Âu và Đông Âu.

Trong những giây phút cuối trước khi về với Chúa, Ngài nằm trên giường bệnh nhưng vẫn còn nghe được tiếng kinh, tiếng cầu nguyện từ dưới quảng trường thánh Phêrô lọt qua cánh cửa sổ mà Ngài thường xuất hiện, và Ngài nói những lời thân thương cuối cùng “Ta đã đi tìm các con và giờ đây các con đã đến với ta”. Một vị Linh mục phát biểu rằng ngay cả khi Ngài còn nằm đó, Ngài vẫn tiếp tục dạy chúng ta “Ngài dạy chúng ta cách chết”. Đó cũng là lời phát biểu của một Mục sư nổi tiếng người Mỹ mà tôi đã trình bày trước đây.

Cùng với 4 vị Vua, 5 Nữ Hoàng, ít nhất 70 Tổng Thống và Thủ Tướng, và trên 14 vị lãnh đạo các Tôn giáo, số người tham dự lễ tang Ngài được ước tính lên tới trên 4 triệu, vượt xa đám tang của Thủ Tướng Winston Churchill của nước Anh năm 1965.

“Đừng sợ!”. Dựa theo lời Chúa Kitô, Ngài tuyên bố như vậy ngay trong bài giảng nhậm chức Giáo hoàng. Lời giảng đó được biểu hiện chính trong từng hơi thở và tâm trí Ngài, giúp Giáo Hội mạnh mẽ tiếp cận với thế giới hiện đại.

Đừng sợ đón mừng Chúa Kitô và chấp nhận quyền năng của Chúa. Hãy giúp các vị Giáo hoàng và những người muốn phục vụ Chúa, và với quyền năng của Chúa, hãy phục vụ con người và toàn thế giới.

Đừng sợ! Hãy mở rộng cửa đón Chúa Kitô. Và với sức mạnh cứu rỗi của Người, hãy mở rộng biên giới quốc gia, mở rộng các hệ thống kinh tế và chính trị, mở rộng những lãnh vực rộng lớn về văn hóa, về các nền văn minh và cùng nhau phát triển. Đừng sợ! Chúa biết rõ khả năng của con người.

Đừng sợ! Đó hầu như là khẩu hiệu cho suốt triều đại Ngài, không phải Ngài chỉ dạy người khác nghe theo mà chính Ngài đã sống với nó. Bao nhiêu năm đau đớn với căn bệnh Parkinson, Ngài vẫn không cho phép mình được nghỉ ngơi. Càng già yếu, Ngài càng tỏ ra can đảm, đời phục vụ của Ngài mang dáng dấp một cuộc ‘tử đạo sống’.

Cuộc đời của ĐGH gioan Phaolô II quả là cuộc đời của một vị Thánh như ĐGH Benơđíchtô đã gọi là vị GH vĩ đại, và theo quan niệm của con người thì dù có tước vị hay không vó tước vị, Ngài cũng là một nhân vật vĩ đại.