V. Khổ Nạn dưới cái nhìn của Thánh Luca
Một trong các hình ảnh nổi bật về Chúa Giêsu trong Tin Mừng Luca là hình ảnh Người như nhà tiên tri tràn đầy Chúa Thánh Thần. Thánh Luca bắt đầu thừa tác vụ công khai của Chúa Giêsu tại hội đường của thị trấn sinh quán là Nadarét. Người mở sách cuộn để đọc bản văn của Isaia 61: “Thần Trí Chúa ở trên tôi vì Người đã xức dầu cho tôi để tôi mang tin mừng tới cho người nghèo…” (Lc 4:16-30). Ngọn lửa tiên tri này sẽ thúc đẩy Chúa Giêsu qua suốt thừa tác vụ của Người và đem Người tới đỉnh cao của sứ mệnh tại Giêrusalem.
Bởi thế, không có gì ngạc nhiên khi trong Tin Mừng Luca, Chúa Giêsu đối diện với việc Người bị đóng đinh bằng một lòng trung thành can đảm và một cảm thức tiên tri về công lý. Điều này đã lên đặc điểm cho thừa tác vụ của Người dọc hành trình dài từ Galilê lên Giêrusalem.
1. Bữa tối sau hết: Lc 22:1-38
Lễ Bánh Không Men, cũng gọi là lễ Vượt qua, đã đến gần. Các thượng tế và kinh sư tìm cách thủ tiêu Ðức Giêsu, vì họ sợ dân.
Satan đã nhập vào Giuđa, cũng gọi là Ítcariốt, một người trong số Mười Hai. Hắn đi nói chuyện với các thượng tế và lãnh binh Ðền Thờ về cách thức nộp Người cho họ. Họ rất mừng và đồng ý sẽ cho hắn tiền. Hắn ưng thuận và tìm dịp tiện để nộp Ðức Giêsu cho họ, lúc không có đám đông.
Ðã đến ngày lễ Bánh Không men, ngày phải sát tế chiên Vượt qua. Ðức Giêsu sai ông Phêrô với ông Gioan đi và dặn: "Các anh hãy đi dọn cho chúng ta ăn lễ Vượt Qua". Hai ông hỏi: "Thầy muốn chúng con dọn ở đâu?" Người bảo họ: "Này, khi vào thành, các anh sẽ gặp một người mang vò nước. Cứ đi theo người đó, người đó vào nhà nào, thì các anh vào thưa với chủ nhà: "Thầy nhắn ông: "Căn phòng dành cho tôi ăn lễ Vượt Qua với các môn đệ của tôi ở đâu?" Và ông ấy sẽ chỉ cho các anh một căn phòng rộng rãi trên lầu, đã được trang bị: các anh hãy dọn ở đó". Các ông ra đi, thấy mọi sự y như Người đã nói, và các ông dọn tiệc Vượt Qua.
Khi giờ đã đến, Ðức Giêsu vào bàn, và các Tông Ðồ cùng vào với Người. Người nói với các ông: "Thầy những khát khao mong mỏi ăn lễ Vượt Qua này với anh em trước khi chịu khổ hình. Bởi vì, Thầy nói cho anh em hay, Thầy sẽ không bao giời ăn lễ Vượt Qua này nữa, cho đến khi lễ này được nên trọn vẹn trong Nước Thiên Chúa".
Rồi Người nhận lấy chén, dâng lời tạ ơn và nói: "Anh em hãy cầm lấy mà chia nhau. Bởi vì, Thầy bảo cho anh em biết, từ nay, Thầy không còn uống sản phẩm của cây nho nữa, cho đến khi Nước Thiên Chúa đến".
Rồi Người cầm lấy bánh, dâng lời cảm ơn, bẻ ra, trao cho các ông và nói: "Ðây là mình Thầy, hy sinh vì anh em. Anh em hãy làm việc này, mà tưởng nhớ đến Thầy". Và tới tuần rượu cuối bữa ăn, Người cũng làm như vậy và nói: "Chén này là giao ước mới, lập bằng máu Thầy, máu đổ ra vì anh em.
"Nhưng này bàn tay kẻ nộp Thầy đang cùng đặt trên bàn với Thầy. Ðã hẳn Con Người ra đi như đã ấn định, nhưng khốn cho kẻ nào nộp Con Người". Các Tông Ðồ bắt đầu bàn tán với nhau xem ai trong Nhóm lại là kẻ toan làm chuyện ấy.
Các ông còn cãi nhau sôi nổi xem ai trong Nhóm được coi là người lớn nhất. Ðức Giêsu bảo các ông: "Vua của các dân thì lấy quyền mà thống trị dân, và những ai cầm quyền thì tự xưng là ân nhân. Anh em thì không như thế, trái lại, ai lớn nhất trong anh em, thì phải nên như người phục vụ. Bởi lẽ, giữa người ngồi ăn với kẻ phục vụ, ai lớn hơn ai? Hẳn là người ngồi ăn chứ? Thế mà, Thầy đây, Thầy sống giữa anh em như một người phục vụ.
"Còn anh em, anh em vẫn một lòng gắn bó với Thầy, giữa những lúc Thấy gặp thử thách gian nan. Vì thế, Thầy sẽ trao Vương Quốc cho anh em, như Cha Thầy đã trao cho Thầy, để anh em được đồng bàn ăn uống với Thầy trong Vương Quốc của Thầy, và ngự toà xét xử mười hai chi tộc Ítraen".
Rồi Chúa nói: "Simon, Simon ơi, kìa Satan đã xin được sàng anh em như người ta sàng gạo. Nhưng Thầy đã cầu nguyện cho anh để anh khỏi mất lòng tin. Phần anh, một khi đã trở lại, hãy làm cho các anh em của anh nên vững mạnh". Ông Phêrô thưa với Người: "Lạy Chúa, với Chúa, con sẵn sàng vào tù, và chết cũng cam". Ðức Giêsu lại nói: "Này anh Phêrô, Thầy bảo cho anh biết, hôm nay gà chưa kịp gáy, thì đã ba lần anh chối là không biết Thầy".
Rồi Người nói với các ông: "Khi Thầy sai anh em ra đi, không túi tiền, không bao bị, không giày dép, anh em có thiếu thốn gì không?" Các ông đáp: "Thưa thầy, không". Người bảo các ông: "Nhưng bây giờ, ai có túi tiền thì hãy mang theo, ai có bao bị cũng vậy; còn ai chưa có gươm thì bán áo đi mà mua. Vì Thầy bảo cho anh em hay: cần phải ứng nghiệm nơi bản thân Thầy lời Kinh Thánh đã chép: Người bị liệt vào hàng phạm pháp. Thật vậy, những gì đã chép về Thầy sắp được hoàn tất". Các ông nói: "Lạy Chúa, này có hai thanh gươm đây". Người bảo họ: "Ðủ rồi!"
Tin Mừng Luca thích mô tả Chúa Giêsu ở bữa ăn: ăn tối tại nhà Simong Cùi nơi một phụ nữ xức dầu cho Người và dùng nước mắt rửa chân cho Người và lấy tóc mình mà lau khô, và ngược lại, được ơn tha thứ vô điều kiện (7:36-50); các bữa ăn với những người tội lỗi vốn chọc giận các địch thủ của Người (15:1-2); bẻ bánh với đám đông đói khát lời Người (9:10-17).
Dấu chỉ hùng hồn đó của sứ mệnh Chúa Giêsu: tụ tập một dân tộc, bẻ một tấm bánh, cũng rất nổi bật ở các màn đầu tiên trong trình thuật khổ nạn của Thánh Luca. Bữa ăn ở đây là bữa ăn Vượt Qua (22:1,7), nghi lễ giải phóng vĩ đại của Israel. Chính trong đêm này, các kẻ thù của Chúa Giêsu đã giương một cái bẫy cho Người, với sự giúp tay của Giuđa, một trong các môn đệ của Chúa Giêsu (22:1-6). Nhưng Thánh Luca muốn nói rõ: một bi kịch có tính định mệnh hơn sự thất bại của con người đang diễn ra ở đây: Satan, vua sự ác, “Satan đã nhập vào Giuđa” và qua tác nhân nhân bản này, nó sẽ ráng tấn công tác giả sự sống (22:3) một lần nữa.
Khi các việc chuẩn bị cho ngày lễ đã hoàn tất, Chúa Giêsu ngồi vào chỗ của Người ở bàn ăn với các môn đệ. Người mong được cử hành lễ này với họ; nhưng khẩn trương nơn nữa, Người mong Israel được Thiên Chúa giải thoát vì đây chính là ý nghĩa của ngày lễ, và trọn con người của Người đã được hiến dâng cho mục tiêu này. Bánh và rượu trở nên dấu hiệu của chính sứ mệnh Người: là chính thân xác bị bẻ ra và trao ban cho họ; máu ngài được đổ ra cho họ, trong một giao ước mới.
Nhưng các môn đệ chưa hiểu hết việc Chúa Giêsu là ai và vào ngày áp lễ Vượt Qua, Người đang gặp nguy cơ gì. Người từng cảnh cáo họ về sự phản bội sắp xẩy ra nhưng điều này xem ra càng làm họ bối rối, mù mờ hơn. Nhưng một điều nhói tim hơn, gần như khôi hài, là cảnh duy nhất chỉ có trong Tin Mừng Luca: Vào chính lúc long trọng nhất này, các môn đệ bắt đầu tranh cãi xem ai là người lớn nhất (22:24). Chúa Giêsu cắt ngang cuộc tranh cãi vụng dại và quá trớn ấy bằng cách tái khẳng định với họ tinh thần của chính thừa tác vụ của Người: “Thầy hiện diện giữa các con như người phục dịch” (22:27). Chính cái chết của Chúa Giêsu cũng là hành vi phục vụ lần cuối cùng, là hiến sinh tối hậu cho người khác. Tinh Thần này phải lên đặc điểm cho mọi biểu thức của thẩm quyền và uy quyền trong cộng đồng Kitô Giáo. Cảnh này của Thánh Luca có lẽ đã bị Phụng Vụ Tuần Thánh bỏ quên nhưng nó vẫn không kém thuyết phục như cảnh rửa chân trong trình thuật khổ nạn của Thánh Gioan mà ta vốn suy niệm vào mỗi Thứ Năm Tuần Thánh.
Tin Mừng Luca dành vai trò đặc biệt cho Nhóm Mười Hai, nhóm nòng cốt của các môn đệ Chúa Giêsu. Chính con số cũng đã là một biểu tượng cho cuộc tụ họp mọi chi tộc thất lạc của Israel rồi, cuộc phục hưng dân Thiên Chúa vốn là đối tượng cho sứ mệnh của Chúa Giêsu. Các môn đệ của Người sẽ phải trở thành các chứng tá cho giáo huấn và việc chữa lành của Người (24:44-49); họ có nhiệm vụ tụ tập Giáo Hội và đem sứ mệnh của Người tới tận cùng trái đất (Cv 1:8). Do đó, Chúa Giêsu cầu nguyện cho Simong và cho các môn đệ khác để quyền lực sự ác sẽ không làm gì họ được (22:31-32). Cho dù Phêrô có yếu đuối, quyền lực ơn thánh cũng sẽ nâng ông dậy, và thừa tác vụ của ông, ngược lại, sẽ phải tăng cường các anh chị em ông trong cộng đồng. Như ta sẽ thấy, Thánh Luca rất khéo léo khi kể câu truyện khổ nạn trong tinh thần này: ngài tối thiểu hóa tác động của việc Thánh Phêrô chối Thầy và im lặng bỏ qua việc chạy trốn của các môn đệ khác. Đối với Thánh Luca, việc chắc chắn được hòa giải mà Chúa Kitô Phục Sinh đem tới cho cộng đồng đã đánh tan mọi ký ức bất trung trước đây.
Lễ Vượt Qua kết thúc với lời cảnh cáo mạnh mẽ của Chúa Giêsu về cơn khủng hoảng sắp sửa nổ ra trong cộng đoàn môn đệ yếu đuối này. Họ nên tự “trang bị” và ở thế sẵn sàng; Tin Mừng Thánh Luca không hề đánh giá thấp, càng không làm ngơ, sức mạnh lấn lướt của sự ác đang giơ nắm đấm đánh vào tinh thần tin mừng (22:35-38).
2. Giờ của bóng tối: Lc 22:39-65
Rồi Người đi ra Đồi Ôliu như đã quen. Các môn đệ cũng theo Người. Ðến nơi, Người bảo các ông: "Anh em hãy cầu nguyện kẻo sa chước cám dỗ".
Rồi Người đi cách các ông một quãng, chừng bằng ném một hòn đá, và quỳ gối cầu nguyện rằng: "Cha ơi, nếu Cha muốn, xin tha cho con khỏi uống chén này. Tuy vậy, xin đừng làm theo ý con, mà xin theo ý Cha". Bấy giờ có thiên sứ tự trời hiện đến tăng sức cho Người. Người lâm cơn xao xuyến bồi hồi, nên càng khẩn thiết cầu xin. Và mồ hôi Người như những giọt máu rơi xuống đất.
Cầu nguyện xong, Người đứng lên, đến chỗ các môn đệ, thấy các ông đang ngủ vì buồn phiền, Người liền nói với các ông: "Sao anh em lại ngủ? Dậy mà cầu nguyện, kẻo sa chước cám dỗ".
Người còn đang nói, thì kìa một đám đông xuất hiện, và kẻ dẫn đầu tên là Giuđa, một người trong Nhóm Mười Hai. Hắn lại gần Ðức Giêsu để hôn Người. Ðức Giêsu bảo hắn: "Giuđa ơi! Anh dùng cái hôn mà nộp Con Người sao?" Thấy việc sắp xảy ra, những kẻ đứng chung quanh Người liền hỏi: "Lạy Chúa, chúng con tuốt gươm chém được không?" Thế rồi một người trong nhóm chém tên đầy tớ của thượng tế, làm nó đứt tai bên phải. Nhưng Ðức Giêsu lên tiếng: "Thôi, ngừng lại". Và người sờ vào tai tên đầy tớ mà chữa lành.
Rồi Ðức Giêsu nói với các thượng tế, lãnh binh Ðền Thờ và kỳ mục đến bắt Người: "Các ông đem gươm giáo gậy gộc đến như thể bắt một tên cướp sao? Ngày ngày, tôi ở giữa các ông trong Ðền Thờ, mà các ông không tra tay bắt. Nhưng đây là giờ của các ông và quyền lực của tối tăm".
Họ bắt Ðức Giêsu, điệu Người đến nhà vị thượng tế. Còn ông Phêrô thì theo xa xa. Họ đốt lửa giữa sân và đang ngồi quây quần với nhau, thì ông Phêrô đến ngồi giữa họ. Thầy ông ngồi bên ánh lửa, một người tớ gái nhìn ông chòng chọc và nói: "Cả bác này cũng đã ở với ông ấy đấy!" Ông liền chối: "Tôi có biết ông ấy đâu, chị!" Một lát sau, có người khác thấy ông, liền nói: "Cả bác nữa, bác cũng thuộc bọn chúng!" Nhưng ông Phêrô đáp lại: "Này anh, không phải đâu!" Chừng một giờ sau, có người khác lại quả quyết: "Ðúng là bác này cũng đã ở với ông ấy, vì bác ta cũng là người Galilê". Nhưng ông Phêrô trả lời: "Này anh, tôi không biết anh nói gì!" Ngay lúc ông còn đang nói, thì gà gáy. Chúa quay lại nhìn ông, ông sực nhớ lời Chúa đã bảo ông: "Hôm nay, gà chưa kịp gáy, thì anh đã chối Thầy ba lần". Và ông ra ngoài, khóc lóc thảm thiết.
Những kẻ canh giữ Ðức Giêsu nhạo báng đánh đập Người. Chúng bịt mắt Người lại, rồi hỏi rằng: "Nói tiên tri xem: ai đánh ông đó?" Chúng còn thốt ra nhiều lời khác xúc phạm đến Người.
Cảm thức khủng hoảng và nguy hiểm mà Thánh Luca đưa vào câu truyện khổ nạn khá rõ rệt ở đây trong các màn khó quên: Chúa Giêsu thống thiết cầu nguyện, việc ngài bị bắt và hỏi cung ban đêm.
Sau Lễ Vượt Qua, Chúa Giêsu và các môn đệ “tới Đồi Ôliu” (22:39). Thánh Luca định vị lời cầu nguyện cảm kích này của Chúa Giêsu trên đồi cao nơi Do Thái Giáo cho rằng ngày tận thế sẽ diễn ra. Và chỉ có ngài mới diễn tả lời cầu nguyện này như một “cơn hấp hối”, một lời cầu nguyện khiến Người toát mồ hôi đến nỗi các giọt mồ hôi nhiễu xuống như những giọt máu. Văn chương Hy Lạp dùng chữ agonia để mô tả sự nỗ lực tận cùng của một vận động viên thể thao trong lúc thao dượt. Lời cầu nguyện của Chúa Giêsu vào giờ sắp chết nồng nhiệt và xao xuyến đến độ “một thiên thần từ trời” phải tới để tăng sức cho Chúa Giêsu.
Chúa Giêsu xin các môn đệ tham gia cầu nguyện với Người để cả họ nữa “khỏi sa chước cám dỗ” (22:40). “Cám dỗ” ở đây có nghĩa cuộc chiến đấu sau cùng giữa thiện và ác mà Do Thái Giáo vẫn cho là sẽ xẩy ra vào ngày tận thế, một “cơn cám dỗ” được cảm thấy bất cứ khi nào người có đức tin gặp sức mạnh lấn lướt của sự chết và sự ác trong thế giới. Lời cầu nguyện của Chúa Giêsu có cùng một cường độ gay cấn đó: Người hoàn toàn hiến thân thực hiện thánh ý Chúa Cha nhưng Người cũng cầu xin cho sự giải thoát khỏi quyền lực sự chết. Nguyên hành vi cầu nguyện, tức thổ lộ mọi xao xuyến và sợ sệt của ta với Thiên Chúa, cũng đủ đem lại cho ta sức mạnh rồi. Nhờ thế, Chúa Giêsu đứng dậy và thấy các môn đệ của Người đang mê ngủ: “vì buồn phiền”, Thánh Luca viết thế, làm nhẹ tác động của một dấu hiệu yếu đuối nữa. Một lần nữa, Chúa Giêsu cảnh cáo các môn đệ đừng tới gần “cơn cám dỗ”; cộng đoàn có thể chưa sẵn sàng đối đầu với quyền lực dữ dằn của sự chết nhưng Chúa Giêsu, Con Thiên Chúa, thì đã sẵn sàng.
Ngay lúc đó, Giuđa đem một đám đông tới bắt Chúa Giêsu. Trong trình thuật của Thánh Luca, cái hôn phản bội của hắn không bao giờ đụng tới Chúa Giêsu vì Vị Thầy-Đầy Tớ này đã biết rõ mục tiêu của nó: “Này Giuđa, con phản bội Con Người bằng một nụ hôn sao?” (22:48). Các môn đệ, sững sờ vì cuộc tấn công và chưa thấu hiểu giáo huấn của Chúa Giêsu, vội cầm lấy vũ khí: “Lạy Chúa, chúng con tuốt gươm chén được không?” (22:48). Đó là câu hỏi mà các Kitô hữu vẫn thường hay hỏi mỗi khi bị đối đầu với sự ác. Không đợi câu trả lời, một môn đệ (không như Thánh Gioan, Thánh Luca không nhận diện môn đệ này là Thánh Phêrô) chém đứt tai người đầy tới vị thượng phẩm. Điểm đặc trưng của Tin Mừng này là: đáp án đối với vấn đề trả đũa bạo lực là vươn tay ra và chữa lành người bị thương. Đấng Giêsu, người vốn dạy các môn đệ phải “yêu kẻ thù các con” và không lấy ác trả ác (6:27-36) đã sống đúng lời của Người.
"Đây là giờ của các ông”, Chúa Giêsu nói với đám đông có vũ trang, “và quyền lực của tối tăm”. Nhưng độc giả biết rõ bên kia đêm đen, ngày phục sinh sẽ đến.
Cảnh lại đổi. Những người bắt giam Chúa Giêsu đưa Người tới nhà vị thượng phẩm (22:54-65). Ở đây, Người sẽ bị thẩm vấn và đánh đập suốt đêm (22:63-65). Các cảnh bắt giam lén lút và bạo động, tra tấn và hỏi cung trong đêm đã được lặp đi lặp lại trong lịch sử tử đạo Kitô Giáo, kể cả ngày nay.
Thánh Phêrô theo Thầy tới sân nhà vị thượng phẩm và trà trộn vào đám đông đang vây quanh đống lửa để chống lại cái lạnh giá của đêm khuya (22:54-62). Nhưng cố gắng trà trộn vào đám đông của ông thất bại; một nữ tỳ nhận ra ông dưới ánh lửa: “Người này cũng ở với ông ấy”. Sợ hãi lên tới cổ, Phêrô cực lực chối không hề biết Người. Nhưng một lúc sau, nguy hiểm lại xuất hiện khi một người khác nhận ra ông, rồi lại “một giờ sau”, một người khác nữa nhận ra giọng Galilê của Phêrô. Lần nào cũng thế, Phêrô, thủ lãnh Nhóm Mười Hai, đều chối phắc, quả quyết mình chưa hề nghe nói về ông Giêsu.
Các độc giả đầu tiên của Tin Mừng này, những người coi Thánh Phêrô như một ký ức nóng hổi và là cha đẻ ra đức tin của họ, hẳn thấy cảnh này đau lòng. Thánh Luca cho thêm một nét bi kịch hết sức khéo léo và đầy thương cảm. Không như các trình thuật khổ nạn khác, trình thuật Luca đã sắp xếp để Chúa Giêsu và Thánh Phêrô không xa tầm nhìn của nhau bao nhiêu: đống lửa sưởi ấm và nhóm lính tra tấn Chúa Giêsu cùng hiện diện ở sân nhà vị thượng phẩm. Khi gà gáy, dấu hiệu chính Chúa Giêsu đã báo trước cho Phêrô (22:34), Chúa Giêsu quay mặt lại và nhìn thẳng vào người môn đệ của Người. Cái nhìn này đâm thấu trái tim Phêrô; ông nhớ lại lời Chúa Giêsu, những lời cảnh cáo sai phạm nhưng cũng hứa hẹn tha thứ, bèn rời sân nhà thượng phẩm vừa rời vừa khóc thảm thiết.
3. Chúa Giêsu bị xử: Lc 22:66-23:25
Khi trời sáng đoàn kỳ mục trong dân, các thượng tế và kinh sư nhóm họp. Họ điệu Người ra trước Thượng Hội Ðồng và hỏi: "Ông có phải là Ðấng Mêsia thì nói cho chúng tôi biết!" Người đáp: "Tôi có nói với các ông, các ông cũng chẳng tin; tôi có hỏi, các ông cũng chẳng trả lời. Nhưng từ nay, Con Người sẽ ngự bên hữu Thiên Chúa toàn năng". Mọi người liền nói: "Vậy ông là Con Thiên Chúa sao?" Người đáp: "Ðúng như các ông nói, chính tôi đây". Họ liền nói: "Chúng ta cần gì lời chứng nữa? Chính chúng ta vừa nghe miệng hắn nói!"
Toàn thể cử toạ đứng lên, điệu Ðức Giêsu đến ông Philatô.
Họ bắt đầu tố cáo Người rằng: "Chúng tôi đã phát giác ra tên này sách động dân tộc chúng tôi, và ngăn cản dân chúng nộp thuế cho hoàng đế Xêda, lại còn xưng mình là Mêsia, là Vua nữa". Ông Philatô hỏi Người: "Ông là Vua dân Dothái sao?" Người trả lời: "Chính Ngài nói đó". Ông Philatô nói với các thượng tế và đám đông: "Ta xét thấy người này không có tội gì". Nhưng họ cứ khăng khăng nói: "Hắn đã xúi dân nổi loạn, đi giảng dạy khắp vùng Giuđê, bắt đầu từ Galilê cho đến đây". Nghe nói thế, ông Philatô liền hỏi xem đương sự có phải là người Galilê không. Và khi biết Người thuôc thẩm quyền vua Hêrôđê, ông liền cho gửi Người đến vua Hêrôđê, lúc ấy đang có mặt tại Giêrusalem.
Vua Hêrôđê thấy Ðức Giêsu thì mừng rỡ lắm, vì từ lâu vua muốn được gặp Người bởi đã từng nghe nói về Người. Vả lại, vua cũng mong được xem Người làm một hai phép lạ. Nhà vua hỏi Người nhiều điều, nhưng Người không trả lời gì cả. Các thượng tế và kinh sư đứng đó, tố cáo Người dữ dội. Vua Hêrôđê cùng với bọn lính tỏ ra khinh dể Người, khoác cho Người một chiếc áo rực rỡ mà chế giễu, rồi cho giải Người lại cho ông Philatô. Ngày hôm ấy, vua Hêrôđê và tổng trấn Philatô bắt đầu thân thiện với nhau, chứ trước kia hai bên vẫn hiềm thù.
Bấy giờ ông Philatô triệu tập các thượng tế, thủ lãnh và dân chúng lại mà nói: "Các ngươi nộp người này cho ta, vì cho là tay kích động dân, nhưng ta đã hỏi cung ngay trước mặt các ngươi, mà không thấy người này có tội gì, như các ngươi tố cáo. Cả vua Hêrôđê cũng vậy, bởi lẽ nhà vua đã cho giải ông ấy lại cho chúng ta. Và các ngươi thấy đó, ông ấy chẳng can tội gì đáng chết cả. Vậy ta sẽ cho đánh đòn rồi thả ra". Vào mỗi dịp lễ lớn, ông Philatô phải phóng thích cho họ một người tù. Nhưng tất cả mọi người đều la ó: "Giết nó đi, thả Baraba cho chúng tôi!" Tên này đã bị tống ngục vì một vụ bạo động đã xảy ra trong thành, và vì tội giết người.
Ông Philatô muốn thả Ðức Giêsu, nên lại lên tiếng một lần nữa. Nhưng họ cứ một mực la lớn: "Ðóng đinh! Ðóng đinh nó vào thập gía!" Lần thứ ba, ông Philatô nói với họ: "Nhưng ông ấy đã làm điều gì gian ác? Ta xét thấy ông ấy không có tội gì đáng chết. Vậy ta sẽ cho đánh đòn rồi thả ra". Nhưng họ cứ la to hơn, nhất định đòi phải đóng đinh Người. Và tiếng la càng thêm dữ dội.
Và ông Philatô phán quyết chấp thuận điều họ yêu cầu. Ông phóng thích người tù họ xin tha, tức là tên bị tống ngục vì tội bạo động và giết người. Con Ðức Giêsu thì ông trao nộp theo ý họ muốn.
Đêm dài chấm dứt với buổi họp sáng sớm trước thượng hội đồng, tức hội đồng quản trị người Do Thái ở Giêrusalem. Dù trình thuật Tin Mừng vẫn gán cho buổi họp này dáng dấp của một “phiên tòa”, nhưng có thể đây chỉ là một buổi điều trần không chính thức để các lãnh tụ chuẩn bị lời tố cáo Chúa Giêsu của họ để đệ trình lên tổng trấn Rôma...
Quả thực, các lãnh tụ đã điệu Chúa Giêsu tới Philatô và bắt đầu buộc Người nhiều tội ác nặng nề. Chỉ một mình Thánh Luca nhấn mạnh tới bản chất chính trị trong các lời buộc tội Chúa Giêsu: "Chúng tôi đã phát giác ra tên này sách động dân tộc chúng tôi, và ngăn cản dân chúng nộp thuế cho hoàng đế Xêda, lại còn xưng mình là Mêsia, là Vua nữa" (23:2). Sau đó, họ còn lặp lại các lời buộc tội trên: "Hắn đã xúi dân nổi loạn, đi giảng dạy khắp vùng Giuđê, bắt đầu từ Galilê cho đến đây" (23:5).
Trình thuật của Thánh Luca đầy rẫy nghịch lý. Nghịch lý ở chỗ các lãnh tụ, những người vốn có trách nhiệm bảo vệ tự do và đức tin của Israel, nhưng giờ đây lại chỉ biết quan tâm tới quyền lợi của Xêda. Tuy nhiên, độc giả của Tin Mừng này còn biết một bình diện nghịch lý khác: thực tế, thừa tác vụ mạnh mẽ của Chúa Giêsu về công lý là một đe dọa sâu xa đối với sức mạnh áp chế của Xêda. Và sứ mệnh của Người quả cố ý nhằm “xúi dân” khi Chúa Giêsu của Thánh Luca từ Galilê tới Giêrusalem một cách uy nghi. Nhưng cuộc cách mạng của Chúa Giêsu không phải là cuộc chạm trán dễ tiên đoán giữa các hệ thống chính trị trái ngược, nhưng là lời mời gọi hồi tâm từ căn gốc và là một viễn kiến về việc đổi mới gia đình nhân loại dựa trên công lý và cảm thương, một viễn kiến có khả năng lay động chính nền tảng của mọi hệ thống chính trị áp chế.
Một nghịch lý khác đọc thấy nơi sự kiện này: các thẩm quyền thế tục, tức Philatô và sau đó Hêrốt, thấy Chúa Giêsu vô tội trong khi các thẩm quyền tôn giáo lại nằng nặc tìm cách tiêu diệt Người. Thánh Luca để viên tổng trấn Rôma và vị vua chư hầu của Galilê liên tiếp xác nhận điều đó. “Tôi thấy người này không có tội gì”, Philatô tuyên bố như thế (23:4). Và trong một cảnh chỉ có trong Tin Mừng Luca (23:6-16), cả lúc Chúa Giêsu bị Hêrốt Antipa nhạo báng là tiên tri dổm, nhà vua thối nát và tên sát hại các tiên tri này (9:7-9; 13:31-33) vẫn không kiếm ra tội nào nơi Chúa Giêsu cả.
Do đó, một lần nữa, Philatô từ chối không kết án Chúa Giêsu; lời cáo buộc xúi giục nổi loạn đã bị bác bỏ: “ta đã hỏi cung ngay trước mặt các ngươi, mà không thấy người này có tội gì, như các ngươi tố cáo… ông ấy chẳng can tội gì đáng chết cả” (23:14, xem thêm 23:22).
Một số học giả Thánh Kinh nghĩ rằng khi viết thế, Thánh Luca muốn làm an lòng các độc giả Rôma khiến họ tin rằng Chúa Giêsu không phải là một nhà cách mạng chính trị và các Kitô hữu có thể sống yên ổn trong đế quốc. Có thể như thế lắm, nhưng Thánh Luca cũng trình bầy Philatô (thậm chí Hêrốt còn hơn thế nữa) như người yếu ớt và cuối cùng thối nát vì cuối cùng đã chiều theo yêu sách của các lãnh tụ tôn giáo, đòi Chúa Giêsu phải bị đóng đinh. Thay vì tìm cách xoa dịu các lo lắng của các viên chức Rôma, chắc chắn Thánh Luca chỉ muốn chứng tỏ rằng Chúa Giêsu chết một cách oan uổng nhưng vẫn không nao núng trong dạ trung thành tuyệt đối với thánh ý Thiên Chúa. Đây vốn là số phận của các tiên tri Israel và cũng là số phận của các môn đệ anh dũng của Chúa Giêsu tận cho tới ngày nay. Chúa Giêsu là vị tử đạo đầu tiên của Kitô Giáo, theo khuôn mẫu của nhiều vị tổ tiên Do Thái của Người, những người vốn bằng lòng chịu đau khổ vì dạ trung thành với Thiên Chúa.
4. Đường Thánh Giá: Lc 23:26-32
Khi điệu Ðức Giêsu đi, họ bắt một người từ miền quê lên, tên là Simong, gốc Kirênê, đặt thập giá lên vai cho ông vác theo sau Ðức Giêsu. Dân chúng đi theo Người đông lắm, trong số đó có nhiều phụ nữ vừa đấm ngực vừa than khóc Người. Ðức Giêsu quay lại phía các bà mà nói: "Hỡi chị em thành Giêrusalem, đừng khóc thương tôi làm gì. Có khóc thì khóc cho phận mình và cho con cháu của chị em. Vì này đây sẽ tới những ngày người ta phải nói: "Phúc thay những đàn bà hiếm hoi, những lòng dạ không sinh không đẻ, những kẻ không cho bú mớm!" Bấy giờ người ta sẽ bắt đầu nói với núi non: Ðổ xuống chúng tôi đi!, và với gò nổng: Phủ lấp chúng tôi đi! Vì cây xanh tươi mà người ta còn đối xử như thế, thì cây khô héo sẽ ra sao?" Có hai tên gian phi cũng bị điệu đi hành quyết cùng với Người.
Việc sùng kính đường thánh giá bắt nguồn từ trình thuật khổ nạn của Thánh Luca. Chỉ có ngài đã cho biết các chi tiết về các biến cố thuộc đoạn cuối cuộc hành trình của Chúa Giêsu từ Galilê lên Giêrusalem. Đấng Kitô, người vốn “nhất quyết đi lên Giêrusalem” (Lc 9: 51) nay đã tiến tới cao điểm cuộc hành trình trở về với Thiên Chúa của mình.
Khi điệu Chúa Giêsu từ dinh tổng trấn lên hầm đá bên ngoài cổng thành nơi các vụ hành quyết công cộng diễn ra, họ bắt Simong Kirênê, một người qua đường, vác đỡ Thánh Giá của Chúa Giêsu. Lời lẽ của Thánh Luca cho thấy rõ: ngài thấy trong con người của Simong một hình ảnh của tư cách môn đệ: ông lãnh nhận thánh giá của Chúa Giêsu và vác lấy nó “theo sau Chúa Giêsu”. Câu này y hệt lời dạy của Chúa Giêsu về việc làm môn đệ: “Ai không vác thánh giá của mình mà theo Ta thì không phải là môn đệ ta” (Lc 14:27). Những ai muốn sống đạo của Chúa Giêsu phải sẵn sàng hy sinh mạng sống mình vì người khác.
Trong câu truyện của Thánh Luca, cảm thức khủng hoảng khẩn cấp tự xác nhận chính nó. Đám đông ở Giêrusalem không hoàn toàn chống lại Chúa Giêsu. Dù nhiều người tham gia việc kết án Người, vẫn có những người phản đối thảm kịch này (23:27). Giống các tiên tri trước Người, Chúa Giêsu cảnh cáo dân thành Giêrusalem rằng tội nào cũng có hậu quả của nó. Đừng chẩy nước mắt vì Chúa Giêsu mà vì những thảm khốc mà tội ác sẽ mang tới cho dân thành. Tin Mừng Luca có những cảm tình lưỡng diện đối với Giêrusalem. Theo một quan điểm, nó là thành thánh của Thiên Chúa, địa điềm của đền thờ nơi Chúa Giêsu bắt đầu cuộc sống của Người và là nơi cộng đồng tiên khởi sẽ tụ tập đề cầu nguyện sau biến cố phục sinh. “Từ Giêrusalem” Tin Mừng sẽ tràn lan ra khắp thế giới. Nhưng Giêrusalem cũng là người sát hại các tiên tri và là biểu tượng của rẫy bỏ. Thánh Luca và Giáo Hội tiên khởi giải thích cuộc đau khổ khủng khiếp giáng xuống Giêrusalem thời nổi loạn chống Rôma năm 70 CN như hậu quả tối hậu của tội lỗi nó.
Thánh Luca thêm một chi tiết cuối cùng rất cảm kích vào cuộc hành trình thập giá của Chúa Giêsu; cùng với Người, còn có hai phạm nhân khác. Đấng Giêsu từng bị các địch thủ mô tả như “bằng hữu của bọn thu thuế và tội lỗi” (Lc 7:34) không những chỉ sống với những bằng hữu này mà còn chết với họ nữa.
5. Cái chết của một chính nhân: Lc 23:33-49
Khi đến nơi gọi là "Ðồi Sọ", họ đóng đinh Người vào thập giá, cùng lúc với hai tên gian phi, một tên bên phải, một tên bên trái. Bấy giờ Ðức Giêsu cầu nguyện rằng: "Lạy Chúa, xin tha cho họ, vì họ không biết việc họ làm". Rồi họ bắt thăm mà chia nhau áo của Người.
Dân chúng đứng nhìn, còn các thủ lãnh thì buông lời cười nhạo: "Hắn đã cứu người khác, thì cứu lấy mình đi, nếu thật hắn là Ðấng Kitô, của Thiên Chúa, là người được tuyển chọn!" Lính tráng cũng chế giễu Người. Chúng lại gần, đưa giấm cho Người uống và nói: "Nếu ông là vua dân Dothái thì cứu lấy mình đi!" Phía trền đầu Người, có bản án viết: "Ðây là vua người Dothái".
Một trong hai tên gian phi bị treo trên thập giá cũng nhục mạ Người: "Ông không phải là Ðấng Kitô sao? Hãy tự cứu mình đi, và cứu cả chúng tôi với!" Nhưng tên kia mắng nó: "Mày đang chịu chung một hình phạt, vậy mà cả Thiên Chúa, mày cũng không biết sợ! Chúng ta chịu như thế này là đích đáng, vì xứng với việc đã làm. Chứ ông này đâu có làm điều gì trái!" Rồi anh ta thưa với Ðức Giêsu: "Ông Giêsu ơi, khi ông vào Nước của ông, xin nhớ đến tôi!" Và Người nói với anh ta: "Tôi bảo thật anh, hôm nay, anh sẽ được ở với tôi trên Thiên Ðàng".
Bấy giờ đã gần tới giờ thứ sáu, thế mà bóng tối bao phủ khắp mặt đất, mãi đến giờ thứ chín. Mặt trời tối đi. Bức màn trướng trong Ðền Thờ bị xé ngay chính giữa. Ðức Giêsu kêu lớn tiếng: Lạy Cha, con xin phó thác hồn con trong tay Cha. Nói xong, Người tắt thở.
Thấy sự việc xảy ra như thế, viên đại đội trưởng cất tiếng tôn vinh Thiên Chúa: "Người này quả thật là công chính!" Và khi thấy những việc xảy ra như thế, tất cả những đám người đã tụ tập đông đảo để xem cảnh tượng ấy đều đấm ngực trở về nhà.
Ðứng đàng xa, có tất cả những người quen biết Ðức Giêsu cũng như những phụ nữ đã theo Người từ Galilê; các bà đã chúng kiến những việc ấy.
Thánh Luca trình bày cảnh đóng đinh bằng nhiều chi tiết đặc trưng ngài vốn dùng để mô tả Chúa Giêsu. Người bị đóng đinh với hai phạm nhân vây quanh, và như thế đã ứng nghiệm chính lời Người tiên đóan trong bữa tối cuối cùng: “Thầy cho các con hay Thánh Kinh sẽ phải được ứng nghiệm nơi Thầy, tức là ‘Người được kể vào hàng tội nhân’” (23:37). Như Người từng nhiều lần dạy các môn đệ đừng lấy bạo lực đền trả bạo lực mà phải biết tha thứ (6:27-36), Người cũng đã tha thứ cho chính những kẻ kết án Người và đóng đinh thân xác Người (23:34).
Khi một trong các phạm nhân bị đóng đinh tham gia việc nhạo báng Người cho tới chết, thì người kia đã xưng thú tội lỗi mình và xin được thương xót (23:39-43). Đó chính là toa thuốc của Thánh Luca giúp người ta thực sự hồi tâm như trong câu truyện người biệt phái và người thu thuế (18:9-14) đã chứng tỏ. Và do đó, Chúa Giêsu hứa không những tha thứ cho người này mà còn dành cho anh một chỗ ở bên cạnh Người ngay trong ngày hôm ấy khi cuộc hành trình trở về với Thiên Chúa của Người hoàn tất trên Thiên Đàng. Giây phút qua đời của Chúa Giêsu đầy bi kịch tính. Như dấu hiệu chỉ sức mạnh khủng khiếp của sự chết, ánh sáng mặt trời bỗng tối sầm và bóng tối bao phủ “khắp mặt đất” (23:44). Màn Đền Thờ che lối vào Nơi Cực Thánh bị xé ra làm hai, như thể muốn nói: ngay nhan thánh Thiên Chúa cũng đã rời bỏ người ta. Đây quả là “giờ của tối tăm”.
Giữa những điềm khủng khiếp trên, tiếng nói xé lòng của Chúa Giêsu vang lên, hơi sống dốc hết vào lời cầu nguyện cuối cùng: “Lạy Cha, con xin phó thác hồn con trong tay Cha” (23:46). Các lời trên lấy từ Thánh Vịnh 31 (câu 6) và nói lên cốt lõi hữu thể Chúa Giêsu: lòng tín thác không lay chuyển của Người vào Thiên Chúa, một tín thác mà sự chết cũng không hủy diệt nổi.
Cái chết của Người có tác dụng ngay lập tức. Viên bách quản Rôma, người từng giám sát cuộc hành quyết Người, hết xúc động tận trái tim bởi cung cách chịu chết của Chúa Giêsu, người thứ nhất trong dòng suối bất tận các tín hữu được thập giá Chúa Kitô đánh động. Ông công bố: “Người này quả là chính nhân”. Lời công bố này rất phù hợp với việc Thánh Luca mô tả Chúa Giêsu trong khổ nạn. Chúa Giêsu, Đấng tiên tri tử đạo quả là một “chính” nhân: hoàn toàn dấn thân cho chính Nghĩa Thiên Chúa; sẵn sàng trực diện với cái chết vì Tin Mừng.
Thánh Luca cũng mô tả cách độc đáo tác động của cái chết của Chúa Giêsu đối với người bàng quan. Những người đi đường thánh giá với Chúa Giêsu (23:27) và nay chứng kiến cái chết của Người đều “đấm ngực” khi trở về nhà, một dấu chỉ thống hối (23:48). Và đứng xa xa là những người “từng quen biết” Chúa Giêsu (cách tinh tế của Thánh Luca để mô tả việc các môn đệ nhát đảm và tan tác nay nhích dần trở lại) và những người đàn bà trung thành “từng theo chân Người từ Galilê” (23:49). Việc tụ thành cộng đồng, một cộng đồng sẽ bùng nở sức sống sau biến cố phục sinh, đã bắt đầu, ngay chính lúc Chúa Giêsu chịu chết, một cái chết ban sự sống.
6. Chết và vinh quang: Lc 23: 50-56
Khi ấy có một người tên là Giôxép, thành viên của Thượng Hội Ðồng, một người lương thiện, công chính. Ông đã không tán thành quyết định và hành động của Thượng Hội Ðồng. Ông là người thành Arimathê, một thành của người Dothái, và cũng là người vẫn mong chờ Nước Thiên Chúa. Ông đến gặp tổng trần Philatô để xin thi hài Ðức Giêsu. Ông hạ xác Người xuống, lấy tấm vải gai mà liệm, rồi đặt Người vào ngôi mộ đục sẵn trong núi đá, nơi chưa chôn cất ai bao giờ. Hôm ấy là ngày áp lễ, và ngày sabát đã ló rạng.
Cùng đi với ông Giôxép, có những người phụ nữ đã theo Ðức Giêsu từ Galilê. Các bà để ý nhìn ngôi mộ và xem xác Người được đặt như thế nào.
Rồi các bà về nhà, chuẩn bị dầu và thuốc thơm. Nhưng ngày sabát, các bà nghỉ lễ như Luật truyền.
Trình thuật khổ nạn chấm dứt một cách thầm lặng. Sức mạnh của Chúa Giêsu vươn quá bên kia sự chết lúc Giuse Arimathê, người được Thánh Luca mô tả là người “lương thiện” và “công chính”, một thành viên của chính hội đồng đã kết án Chúa Giêsu nhưng không nhất trí với phán quyết của nó, đã thu can đảm đến xin xác Chúa Giêsu để chôn cất. Thời nào cũng hế, xin xác người bị hành quyết nơi nhà cầm quyền đều là một hành vi công khai, biểu lộ lòng gắn bó của mình cho mọi người trông thấy. Ông Giuse quả về phe với Chúa Giêsu bị đóng đinh một cách tỏ tường.
Ông bó thân xác tả tơi của Chúa Giêsu vào một khăn niệm bằng vải gai và đặt trong một huyệt mộ bằng đá trong đó, chưa ai được chôn cất. Thánh Luca cẩn thận chuẩn bị khung cảnh cho các biến cố diệu kỳ của phục sinh. Ngày áp Sabát sắp sửa đến gần, nên không đủ giờ xức dầu cho thân xác Người. Nhưng các phụ nữ trung thành, những người từng phục vụ Chúa Giêsu lúc còn ở Galilê (8:2-3) và đứng gần Người lúc Người qua đời (23:49) chuẩn bị đầy đủ hương liệu và dầu thơm, sẵn sàng trở lại để xức cho thân xác bị đóng đinh của Chúa Giêsu ngay khi ngày nghỉ Sabát qua đi.
Ta không thể bỏ qua sự cảm kích tận cõi lòng của các chi tiết này: lòng sùng kính đầy can đảm của Giuse, các phụ nữ trung thành tuân giữ luật Sabát nhưng lòng vẫn ngong ngóng hướng về huyệt mộ với Đấng họ yêu mến mà nay đã mất. Tuy nhiên, độc giả cũng biết rằng sự chết không có lời nói cuối cùng. “Đấng công chính” sẽ đập tan xiềng xích sự chết và huyệt mộ sẽ bị cướp người được chôn. Thần Khí, Đấng từng ngự xuống trên Chúa Giêsu lúc Người chịu phép rửa, một lần nữa lại đập nhịp trong hữu thể sống động của Người khi Chúa Kitô Sống Lại trỗi dậy vinh thắng từ cõi chết và ủy nhiệm cho các môn đệ đem lời Thiên Chúa và chứng tá đời họ tới mọi dân tộc.