NHỚ ĐỨC ÔNG PHÊRÔ NGUYỄN VĂN TÀI

Con và Cha có duyên được sinh ra ở họ đạo nghèo của Vĩnh Long.

Sau những năm tháng thăng trầm của lịch sử, cha một nơi, con một nẻo. Vả lại, con là đứa con hoang đàng nên cũng ít có cơ hội gặp lại Cha. Con chỉ gặp Cha đôi lần có dịp cũng như sẻ chia những tâm tình, thao thức của Cha khi trở về với quê hương đất Việt.

Vẫn bình dị và dị rất là bình từ lời ăn tiếng nói cũng như cách ăn mặc, cách chi tiêu trong cuộc sống.

Một cuộc đời dài đăng đẳng ở trời Phi để giúp cho Giáo Hội trong âm thầm lặng lẽ, khi về già, Cha vẫn chọn cho mình một con đường khiêm hạ.

Những mối tương quan, những điều kiện lẽ ra có được với cương vị mà Cha cầm giữ suốt gần 40 năm cũng đủ để cho Cha có một nơi nghỉ dưỡng thật khang trang và đầy đủ như bao nhiêu người khác. Thế nhưng, vẫn âm thầm trong căn phòng nhỏ dưỡng bệnh của Hội Dòng Mến Thánh Giá Chợ Quán thân quen. Ít ai có thể nghĩ ra được một cuộc đời lớn như thế mà lại thầm lặng như thế. Đó là lối cha sống, cách cha chọn.

Như hành lý mang theo đến quê người đất khách gói ghém 20 ký hành lý trong tay thì khi trở về quê hương đất Việt cũng vậy ! Như hành trang mà bà Cố gói ghém cho Cha như thế nào thì khi già bệnh cũng là như thế !

Nói như thế chứ không phải dễ sống bởi lẽ con người ai ai cũng muốn cho mình có chút gì đó để lại cho đời. Cha không nói gì nhưng Cha đã sống trọn vẹn cuộc đời dâng hiến cách khiêm nhu của Cha.

Đặc biệt, Cha được Chúa ban qua bà Cố để Cha sở hữu một nụ cười rất đặc biệt với cái tên của Cha. Cha không chỉ có "Tài" để mang Chúa đến cho mọi người qua con đường truyền thông nhưng Cha còn có cái "Tài" để cho mọi người đến với Chúa, đến với Cha một cách gần gụi nhất đó là nụ cười và lối sống hiền hòa giản dị của một con người đặc sệt chất miền Nam.

Nhiều lần nhiều lúc có người này người kia quý mến cũng đã ngỏ ý và đã dành cho Cha những tấm chân tình để lo cho Cha về vật chất nhưng Cha vẫn lặng lẽ và không hề đòi hỏi cũng như chẳng bao giờ hưởng dùng. Đặc biệt, những ngày dưỡng bệnh, Cha vẫn vui vẻ để dùng những gì dành cho những người bình dị nhất dù trong tư cách của một người được thụ hưởng.

Không phải con ca tụng, không phải con tâng bốc nhưng con tin chắc rằng anh chị em bất cứ ai khi hơn một lần tiếp xúc với Cha, làm việc với Cha, sống với Cha hay chỉ nhìn Cha ngang qua đều cảm nhận được một lối sống hiền hòa kèm với nụ cười dễ mến.

Cha thật "Tài" trong cách đưa Chúa đến với mọi người và Cha cũng thật "Tài" để hướng dẫn đời sống khiêm nhu cho chúng con.

Qua Cha, bản thân con học được chút gì đó bài học và con đường khiêm nhượng mà Cha đã đi. Và, đúng với thánh bổn mạng mà ông bà cố đặt để cho Cha ngày lãnh nhận bí tích Thanh Tẩy với thánh hiệu Phêrô. Ngày còn trẻ, Thánh Phêrô đi đâu thì đi nhưng khi về già, Chúa mới chính là người dẫn Phêrô. Cha cũng vậy, về già, Chúa đã dẫn Cha đi theo con đường của Chúa dành cách đặc biệt cho Cha trước khi Chúa gọi Cha về nhà của Chúa.

Giữa một cuộc sống mà người ta chạy theo đua đòi và hưởng thụ cũng như tìm kiếm quyền danh nhưng Cha đã chọn lối sống nghèo phải chăng là điều chúng con phải suy nghĩ. Lẽ ra Cha được tận hưởng những thành quả mà Cha đã làm cũng như những gì những người thương yêu dành cho Cha nhưng Cha đều từ khước để chọn con đường khiêm hạ cũng là điều chúng con phải học theo.

Con xin mạo muội thưa rằng Cha là một cuộc đời đáng sống và một cuộc đời đáng nhớ. Đáng sống vì lẽ Cha đã dâng hiến trọn vẹn cuộc đời phục vụ của Cha cách âm thầm qua cách lối của truyền thông. Đáng nhớ vì Cha đã để lại cho chúng con gương mẫu của khiêm hạ hy sinh.

Cha đã đi rồi, chúng con nhớ Cha lắm ! Chúng con nhớ nhất là lối sống bình dân giản dị của người nghèo miền sông nước Vĩnh Long.

Xin thắp nén hương lòng kính nhớ Cha và xin nhớ bài học khiêm hạ mà Cha đã để lại cho chúng con. Và, khi gần Chúa hơn, xin Cha cầu thay nguyện giúp để chúng con luôn bước theo Đức Kitô trên con đường khiêm hạ.

Cha Phêrô ơi ! Chúng con, bản thân con đây nhớ Cha nhiều lắm !

Micae Bùi Thành Châu