Cuối tuần qua, đại diện giới kinh doanh, chính trị, học thuật, truyền thông và nghệ thuật Công Giáo đã tụ họp tại Khách Sạn Meritage, Napa, California để tham dự hội nghị chuyên đề quan trọng nhằm chuẩn bị cho một “Nước Mỹ Kế Tiếp”. Hội nghị kéo dài 4 ngày từ 29 tháng 7 tới 2 tháng Tám, mỗi ngày một chủ đề riêng, nhưng luôn dành một ngày cho “đức tin và lý trí”.

Các chủ đề của Hội Nghị năm nay là Gia Đình, Sách Giáo Lý Của Giáo Hội Công Giáo và Đức Tin Và Lý Trí. Về chủ đề cuối cùng, linh mục Dòng Tên Robert Spitzer, SJ, trình bầy vấn đề “Các Khát Vọng Hướng Thượng của Linh Hồn: Các Manh Mối từ Kinh Nghiệm và Lý Trí Dẫn Tới Các Bản Chất Siêu Việt”. Về chủ đề gia đình, nhiều diễn giả nổi tiếng đã đọc tham luận, như Tiến Sĩ Timothy Grey và Tiến Sĩ Pia de Solenni của Viện Augustine, Tiến Sĩ Catherine Pakaluk của ĐH Ave Maria, và tiến Sĩ Aaron Kheriaty của ĐH California ở Irvine. Tiến Sĩ Grey nói về hôn nhân. Tiến Sĩ de Solenni nói về “Phụ Nữ và Nhiệm Thể Chúa Kitô”. Tiến Sĩ Pakaluk nói về “Bạn Lòng, và Các Huyền Thoại Khác về Gia Đình trong Xã Hội Hoa Kỳ”. Tiến Sĩ Kheriaty nói về các nghiên cứu mới nhất liên quan tới đồng tính luyến ái và đổi giống cũng như đạo đức học chung quanh việc trợ tử.

Năm 2015 cũng kỷ niệm 30 năm ngày ban hành Sách Giáo Lý của Giáo Hội Công Giáo, “để kỷ niệm việc ban hành này, năm nay chúng tôi có mời Đức HY Schönborn. Ngài là chủ biên của Sách và từng làm việc trực tiếp với Đức GH Bênnêđíctô XVI cũng như Đức Gioan Phaolô II về cuốn sách này”. George Weigel nói về “Giáo Lý và Văn Hóa” cũng như “Tương Lai Tin Mừng của Đạo Công Giáo ở Nước Mỹ Kế Tiếp”.

Nhân dịp này, Hội Nghị có tổ chức buổi mạn đàm giữa George Weigel và Đức HY Schonborn về các biến cố của Thượng Hội Đồng sắp tới về Gia Đình. Trong buổi mạn đàm này, Đức HY Schonborn cho biết:

“Tôi tin tưởng Thượng Hội Đồng sắp tới, nhưng tôi nghĩ tất cả chúng ta phải cầu nguyện cho Thượng Hội Đồng. Đối với tôi sự quan trọng chính của Thượng Hội Đồng là sự kiện: nó bàn về hôn nhân và gia đình. Đức GH Phanxicô đã dẫn khởi một synodos, một cách tiếp cận chung cùng nhau bàn về hôn nhân và gia đình đến nay đã được hai năm rưỡi. Đối với tôi, chỉ nguyên sự kiện đặt hôn nhân và gia đình lâu như thế vào tâm điểm cũng đã là một sứ điệp cốt lõi về Thượng Hội Đồng rồi".

Ngài quả quyết “tôi tin tưởng sẽ không có thay đổi về tín lý. Điều này hiển nhiên. Giáo Hội không thể đột ngột tuyên bố rằng hôn nhân có thể bị tiêu hủy. Đức Giáo Hoàng nói rất rõ trong sứ điệp sau cùng của ngài trước Thượng Hội Đồng hồi tháng Mười năm ngoái, rằng: không ai có thể đặt nghi vấn đối với các nền tảng vững chắc của tín lý.

Trước nhất, câu hỏi là Đức Giáo Hoàng Phanxicô muốn điều gì, và theo tôi, đó là trải nghiệm Mỹ Châu Latinh của ngài: nhìn rõ vào tình thế và tìm cách giải quyết nó. ‘Tình thế của hôn nhân và gia đình tại đất nước qúy vị hiện nay ra sao?’ Đó là mục đích của bản câu hỏi vĩ đại".

Về các giám mục Phi Châu, Đức HY Schonborn cho biết: “Khi tôi nghe một số giám mục ở Phi Châu nói rằng tại lục địa của các vị mọi sự đều tốt đẹp đối với hôn nhân và gia đình và truyền thống tốt lành, tôi tự hỏi, ‘làm sao có chuyện đó được khi xã hội Phi Châu đang sống với những va chạm lớn lao về văn hóa: người ta ồ ạt kéo nhau vào các đô thị và các truyền thống thì đang thay đổi?’"

Về sự sa sút của hôn nhân, Đức Hồng Y nói rằng: “Câu hỏi được đặt ra là: chúng ta phải đương đầu ra sao trước sự kiện: khắp thế giới, càng ngày càng có nhiều quốc gia hơn trong đó người ta không kết hôn nữa, mà chỉ sống chung vói nhau thôi? Đây không phải là việc nghi vấn tín lý, mà là hỏi: nó có nghĩa gì trong tư cách một thách thức đối với chúng ta?

"Cuối cùng, theo tôi, đồng minh tốt nhất đối với tín lý của Giáo Hội là bản tính con người. Ý niệm về bản tính con người đang được bàn thảo và tranh cãi, nhưng, bất luận là như thế nào, bản tính ấy hiện hữu thực. Đồng minh tốt nhất của giáo huấn Công Giáo tương hợp với bản tính con người một cách sâu xa. Nếu ta không tin có sự tương hợp sâu xa giữa điều Đấng Tạo Hóa muốn dành cho những người đàn ông và những người đàn bà cũng như cho gia đình, thì, đương nhiên, chúng ta có vấn đề rồi".

Bốn hy vọng và ước nguyện

Đến lượt mình, George Weigel, tác giả nổi danh cuốn tiểu sử về Đức Gioan Phaolô II, cho rằng ông có 4 mối hy vọng đối với Thượng Hội Đồng vào tháng Mười này:

"1. Nó sẽ đề cao quan điểm Kitô Giáo và Thánh Kinh về hôn nhân và gia đình như là giải đáp cho cuộc khủng hoảng hiển nhiên về hôn nhân và gia đình trên khắp thế giới hiện nay. Giải đáp không hề phải biện giáo này phải là chủ đề hàng đầu của các cuộc bàn thảo.

"2. Thượng Hội Đồng sẽ không đi trệch hướng, giống như hai tuần đầu năm ngoái, vướng vào một số câu hỏi hạn hẹp chỉ là quan tâm hàng đầu của các giám mục Bắc Âu, những vị thành tâm đại diện cho các Giáo Hội thực sự không ủng hộ Tân Phúc Âm Hóa một cách trọn vẹn. Tôi thông cảm đối với các nan đề của các vị, nhưng tình thế mục vụ tại các xứ sở của các vị ấy không hề hàm nghĩa đường lối mục vụ mà các vị muốn đưa ra nhất thiết phải được tuân theo.

"3. Tôi được nghe một điều hơi khác từ một số thành viên Phi Châu của Thượng Hội Đồng năm ngoái. Đây quả là chứng từ rõ ràng cho thấy quan điểm Thánh Kinh về hôn nhân đã xuất hiện như một lực lượng giải phóng đối với nền văn hóa của các vị. Trong các nền văn hóa đa hôn cổ truyền, quan điểm Kitô Giáo luôn xuất hiện như một cuộc giải phóng vĩ đại.

"Khi nền hóa của chúng ta đang mỗi ngày mỗi điên loạn hơn, với các câu hỏi đại loại như ai được lấy ai, thì loại chứng từ của các Giáo Hội trẻ, là các Giáo Hội đang trải nghiệm được niềm vui Tin Mừng một cách đầy hiện sinh, rõ ràng là điều rất quan trọng.

"Trong tầm nhìn lâu dài đối với lịch sử Giáo Hội, điều quan trọng nhất xẩy ra hồi tháng Mười năm ngoái là sự sẵn sàng của các vị giám mục Phi Châu nói trên muốn “sở hữu” trải nghiệm của các vị và đầy tin tưởng đẩy nó tiến lên. Họ không còn là những đứa con hờ nữa. Họ đã tham dự đầy đủ vào đời sống Giáo Hội.

"4. Trích dẫn từ chính Đức Giáo Hoàng Phanxicô: bất kể Thượng Hội Đồng đưa ra thành quả nào, tôi vẫn xin điều này: chúng ta không nên nói như một tổ chức phi chính phủ (NGO). Tôi sợ Tài Liệu Làm Việc hiện nay không dễ sử dụng đối với người không chuyên môn (user-friendly) ở điểm: đọc nó như đọc một văn kiện của tổ chức phi chính phủ vậy.

"Dân Chúa có quyền chờ mong các vị mục tử nào của Giáo Hội đang bàn tới các vấn đề này nên bắt đầu bằng Lời Chúa chứ đừng bằng lời của xã hội học. Tôi biết nhiều vị giám mục Mỹ và Gia Nã Đại sắp sửa tham gia Thượng Hội Đồng cũng hoàn toàn xác tín như thế. Chúng ta phải bắt đầu với Mạc Khải và việc chúng ta tuyên xưng đức tin của chúng ta vào Mạc Khải ấy, rồi mới tiến qua việc phân tích các nan đề rất nghiêm trọng này".

Lời Chúa và phân tích thực tại

Nghe thấy thế, Đức Hồng Y Schönborn lên tiếng: “tôi rất muốn nhấn mạnh điều này: sứ điệp giải phóng của đức tin Kitô Giáo đã áp dụng cho Phi Châu thì cũng áp dụng cho mọi người chúng ta, Âu Châu và Mỹ Châu.

“Xin bắt đầu với Mạc Khải: đây chắc chắn là một ước nguyện chân thực và đúng đắn. Thực ra ở đây, ta có cuộc tranh chấp lâu đời giữa hai trường phái thần học. Ông thầy đáng kính chung của chúng ta, tức Hans Urs von Balthasar, luôn nhấn mạnh điều này, ‘Hãy bắt đầu bằng Mạc Khải Thiên Chúa, hãy bắt đầu bằng Lời Thiên Chúa’.

“Trường phái kia bắt đầu với việc gọi là phân tích thực tại, rồi mới tiến vào Lời Thiên Chúa. Điều nguy hiểm là nếu dừng lại ở việc phân tích, bạn sẽ không tới được với Lời Thiên Chúa”.

George Weigel: Đức Hồng Y có dự Thượng Hội Đồng sắp tới không?

Đức HY Schönborn: Có.

George Weigel: Con hy vọng chúng ta cùng làm việc với nhau để trám cái hố phân cách trên, ngõ hầu các bằng hữu nào của chúng ta muốn bắt đầu bằng phân tích, bằng xã hội học, sẽ tiến tới chỗ hiểu được rằng trong cảnh mù mờ nhập nhằng hiện nay, chỉ nhờ ánh sáng Mạc Khải ta mới nhìn chính xác những gì đang diễn ra. Đức Hồng Y rất đúng khi mô tả sự phân chia này: nhưng đây là một nhị trùng giả tạo. Con thấy thế giới và sự thật về sự vật rõ ràng hơn nhờ ánh sáng Mạc Khải. Vậy, xin hẹn lại Đức Hồng Y hồi tháng Mười.

Đức HY Schönborn: Tôi xin qúy vị cầu nguyện cho Thượng Hội Đồng, và tôi tin tưởng vào việc làm của Chúa Thánh Thần. Khi số đông giám mục tụ họp nhau như thế, tôi không nghĩ Chúa Thánh Thần lại đi nghỉ. Như chúng ta từng thấy trước đây tại rất nhiều công đồng của Giáo Hội, hiện nay xem ra như có trận đánh lớn giữa các khuynh hướng, các trường phái, và ngay cả các quốc gia khác nhau, giữa Đức và Ba Lan. Nhưng trong trải nghiệm của Giáo Hội, Chúa Thánh Thần luôn hướng dẫn các cuộc thảo luận này tới một quan điểm sâu xa hơn và một sứ điệp thực sự chung của mọi người. Trường hợp này xẩy ra tại rất nhiều công đồng vĩ đại, nơi kết cục không phải là một thỏa hiệp chính trị, mà là một bước tiến thực sự đi vào một hiểu biết sâu xa hơn. Đó là niềm hy vọng của tôi đối với Thượng Hội Đồng.