BÀI 1

BÍ TÍCH THÁNH THỂ VÀ ĐỜI SỐNG LINH MỤC


THÁNH THỂ LÀ BÍ TÍCH TÌNH YÊU TỰ HIẾN

Bí tích Thánh thể là trọng tâm đời sống của Hội Thánh, trọng tâm của đời sống linh mục, nhìn dưới nhiều góc cạnh khác nhau. Chúng ta dừng lại một khía cạnh rất cơ bản và cổ điển, đó là khía cạnh hy tế của bí tích. Chúng ta nỗ lực nhìn khía cạnh này một cách cụ thể và sát gần với kinh thánh tân ước và cuộc đời của Chúa Giêsu.

1. Tình Yêu tự hiến của Chúa Giêsu :

Nói đến Tình Yêu Tự Hiến là động tới cốt lõi của mầu nhiệm Thánh thể và cũng là cốt lõi của đời sống linh mục.

Cử hành bí tích Thánh Thể là cử hành Tình Yêu tự hiến của Chúa Giêsu ( Dt 9, 12-14 ). Đó là một tình yêu ở trong trái tim của Chúa, thấm nhuần cuộc đời của Người.

Cả cuộc đời của Chúa Giêsu là một cuộc sống dâng hiến. Cuộc đời ấy là của lễ dâng lên Chúa Cha, của lễ làm đẹp lòng Chúa Cha mọi đàng. Cuộc đời Chúa Giêsu là Hy tế . Nơi Chúa Giêsu, mọi sự đều là của lễ, từ lời giảng dạy đến các phép lạ, từ những hành vi cử chỉ và lời nói thông thường cho đến sự hy sinh lớn nhất là hy sinh mạng sống.

Mọi sự đều biểu lộ tình yêu, biểu lộ sự mật thiết với Chúa Cha, sự dâng hiến trọn vẹn cho Chúa Cha. Sự dâng hiến của Chúa Giêsu hoàn tất bằng cái chết và trong cái chết. Chết là dâng trọn bản thân, dâng cả cuộc sống. Chết là không giữ lại gì cả, là dâng hiến tất cả.

Hội Thánh luôn coi cái chết của Đức Giêsu trên thập giá là một hy tế. Hy tế ấy khác với hy tế Cựu ước, vì hoàn toàn là hy tế tình yêu, sự dâng hiến bản thân. Chúa Giêsu không dâng hiến cho Chúa Cha điều gì bên ngoài, mà là chính mình. Không có sự dâng hiến nào so sánh được với sự dâng hiến này, dù đó là sự dâng hiến của toàn thể nhân loại từ thời đại này sang thời đại khác, vì không có gì ở trần gian là sự dâng hiến của Người Con.

Chỉ có hy tế của Đức Giêsu mới là sự dâng hiến của Người Con, nên đẹp lòng Chúa Cha mọi đàng có khả năng khoả lấp muôn vàn tội lỗi. Tình yêu khoả lấp muôn vàn tội lỗi không là tình yêu mong manh của con người, mà là Tình Yêu của Chúa Giêsu đối với Chúa Cha và đối với tất cả nhân loại.

Đức thánh cha Gian Phaolô II, trong thông điệp Ecclesia de Euchanstia, đã gọi bí tích Thánh Thể là một hy tế theo nghĩa đen. Sự dâng hiến trong tình yêu và vâng phục cho đến chết của Chúa Giêsu tiên vàn là sự dâng hiên cho Chúa Cha ( xem số 13 ).

Nơi bí tích Thánh Thể, Tình Yêu Dâng Hiến cho Chúa Cha trở thành Tình Yêu tự hiến cho nhân loại. Chúa Giêsu yêu thương loài người chúng ta đến nỗi chấp nhận trở nên lương thực nuôi dưỡng chúng ta. Cái chết của chúa Giêsu là cái chết cứu chuộc, là cái chết mang lại sự sống. Người chết để cho chúng ta được sống.

Chúa Giêsu đã tự nguyện nộp mình chịu khổ hình ( KNTT 2). Bí tích Thánh Thể là Thân Mình Chúa Giêsu bị nộp vì chúng ta, là Máu Giao Ước Mới đổ ra cho chúng ta và mọi người được tha tội. Nơi Đức Giêsu chịu đóng đinh hoàn toàn giống như nơi bí tích Thánh Thể, tình yêu dâng hiến cho Chúa Cha trở thành tình yêu tự hiến cho chúng ta. Người yêu Chúa Cha đến cùng, Người cũng yêu nhân loại chúng ta đến cùng: Không có tình yêu nào lớn hơn tình yêu của người hy sinh mạng sống vì bạn hữu (Ga 15,13 ).

Không có gì nơi Đức Giêsu mà không có giá trị mạc khải, vì Người là Ngôi Lời của Chúa Cha, đã đến trần gian để mạc khải tình yêu của Chúa Cha. Sự tự hiến của Đức Giêsu nơi thập giá và trong bi tích Thánh Thể biểu lộ tình yêu tự hiến của Chúa Cha nơi Người Con. Ngày hôm nay, chúng ta không còn thấy Đức Ki tô Nhập Thể, mà chỉ thấy Chúa Ki tô Thánh Thể; và thấy Chúa Ki tô Thánh Thể là thấy Chúa Cha. Ngày nay câu nói của Đức Giêsu ai thấy Thầy là thấy Chúa Cha (Ga 14, 9) vẫn ứng dụng đúng cho chúng ta.

2. Thánh Thể và sư tự hiến của Hội thánh:

Bí tích Thánh Thể làm nên Hội Thánh. Đó là một Hội Thánh biết yêu thương, vì đã học yêu thương, đã không ngừng cử hành Mầu Nhiệm Tình Yêu sâu thẳm nhất. Hội Thánh hiểu thế nào là yêu thương, vì có kinh nghiệm về tình yêu. Hội Thánh được Thiên Chúa yêu thương và sống nhờ tình yêu của Thiên Chúa. Nhờ Chúa Thánh Thần, Hội Thánh kinh nghiệm các khía cạnh khác nhau của tình yêu thần linh.

Khía cạnh mà Hội Thánh kinh nghiệm nhiều hơn cả là tình yêu tự hiến của Thiên Chúa nơi Đức Giêsu Ki tô, vì Hội Thánh không ngừng đón nhận và sống bằng sự tự hiến ấy. Hội thánh sống bằng Thân Mình bị nộp, bằng Máu đổ ra cho mọi người được tha tội.

Vì Tình Yêu của Thiên Chúa Tình Yêu tự hiến, yêu bằng tình yêu của Thiên Chúa là yêu bằng tự hiến. Chính vì thế bản chất tình yêu của Hội Thánh là tự hiến. Hội Thánh tự hiến chứ không chiếm hữu. Hội Thánh trở nên lương thực cho loài người, nên bánh bẻ ra để xây dựng một thế giới mới. Dù bên ngoài nhiều người có vẽ không cần, không thích Hội Thánh, Hội Thánh vẫn phải tự hiến không ngừng như Chúa Giêsu đã tự hiến cho Hội Thánh.

Hội Thánh không chỉ tự hiến cho con người, mà quan trọng và căn bản hơn, Hội Thánh tiên vàn phải cùng với Chúa Ki tô tự hiến mình cho Thiên Chúa. Trong thông điệp Ecclesia de Eucharistia, Đức thánh cha Gian Phao lô II nhắc lại: Giáo Hội đã được mời gọi tự hiến chính mình cùng với hy tế của Chúa Ki tô. Đó là lời của Công đồng Vaticanô II dạy, liên hệ đến các tín hữu: " Khi tham dự vào hy tế Thánh thể, nguồn suối và đỉnh cao của tất cả đời sống kitô hữu, họ hiến dâng lên Thiên Chúa tế phẩm và tự hiến chính mình với tế phẩm đó . ( xem số 1 3 )

3. Thánh thể và sự tự hiến của linh mục.

Đời sống linh mục thông phần mầu nhiệm dâng hiên của Chúa Giêsu, thể hiện tình yêu thiên của Hội Thánh. Đinh cao của sự dâng hiến của Chúa Giêsu là Hy Tế thập Giá. Mỗi lần cử hành Thánh lễ, Hội Thánh cử hành Hy Tế Thập giá của Chúa Giêsu.

Đời linh mục không kết hiệp với hy tế thập giá Chúa Giêsu thì không là đời linh mục đúng nghĩa nữa. Đối với người linh mục, mỗi lần cử hành Mầu Nhiệm Thánh Thể là một lần thể hiện sự kết hiệp hết sức cơ bản này. Kết hiệp với Chúa Giêsu chịu đóng đinh là cùng với Ngài dâng hiến đời mình cho Chúa Cha và tự hiến bản thân cho nhân loại, đặc biệt cho những người nghèo và đau khổ.

Người linh mục phải là hiện thân cho Tình Yêu của Chúa Giêsu Ki tô, và là chứng nhân cho Tình Yêu của Thiên Chúa.

Chỉ có Tinh Yêu ấy mới chiến thắng được tội lỗi và sự chết, giải thoát con người khỏi mọi thứ xiềng xích, làm cho con người trở nên con cái tự do của Thiên Chúa, cho con người chia sẻ Sự Sống, Niềm Vui, Hạnh Phúc của Thiên Chúa.

Linh mục thánh hoá bản thân nhờ thánh lễ. Trước hết chính thánh lễ là nguồn ơn cứu độ cho linh mục. Trong thánh lễ linh mục cử hành mầu nhiệm thánh giá cứu độ. Linh mục tiếp cận với ân sủng mầu nhiệm thánh giá Chúa, và trở thành, theo kiểu nói của Phao lô, người phân phát các mầu nhiệm.

Linh mục phải trở nên đồng hình đồng dạng với Chúa Giêsu chịu đóng đinh. Linh mục là tư tế và là của lễ giống như Chúa Giêsu ( Sacerdos ét victima ). Linh mục tự hiến mình cùng với Chúa Giêsu và trong Chúa Giêsu (in persona Christi). Lời truyền phép là lời của Chúa Giêsu và của linh mục: này là Mình Thầy sẽ bị nộp vì các con; này chén máu Thầy, máu giao ước mới và vĩnh cửu sẽ đổ ra vì các con và mọi người được tha tội...

Đỉnh cao của sự thánh thiện là nên một với Chúa Giêsu để được đưa vào lòng Ba Ngôi Thiên Chúa. Không có nơi nào mà linh mục được nên một với Chúa một cách triệt để như trong thánh lễ. Vì ích lợi của Dân Chúa là Dân tư tế, mà Chúa Giêsu muốn có một sự đồng hoá huyền nhiệm giữa linh mục với Người với tư cách là Thượng Tế. Dân tư tế chỉ có thể dâng thánh lễ, nhờ thánh lễ và trong thánh lễ mà linh mục cử hành.

Chính vì lý do quan trọng đó, mà điều 909 trong giáo luật nhắc: linh mục đừng quên cầu nguyện để dọn mình thích đáng cử hành Thánh lễ và cám ơn Thiên Chúa sau Thánh lễ.

Bài giảng tĩnh tâm Giáo Phận Phan Thiết,

tháng 01 năm 2004