BÀI 3
BÍ TÍCH THÁNH THỂ VÀ ĐỜI SỐNG LINH MỤC
(tiếp theo)
BÍ TÍCH THÁNH THỂ VÀ ĐỜI SỐNG LINH MỤC
(tiếp theo)
CỬ HÀNH MẦU NHIỆM HIỆP THÔNG
Bí tích Thánh Thể là mầu nhiệm Hiệp thông:
Bí tích Thánh Thể có khi được gọi là bàn ăn của Chúa, Bữa Tối của Chúa, Bánh bẻ ra, Bẻ Bánh… tất cả những cách nói ấy diễn tả một khía cạnh quan trọng của mầu nhiệm Thánh Thể là Hiệp thông.
Hiệp thông tiên vàn là thông phần: Chén chúc tụng ta cầm lên mà đội ơn, lại không phải là thông phần Máu Đức Kitô sao? Bánh ta bẻ, lại không phải là thông phần Thân Mình Đức Kitô sao? (1Cr 10,16).
Hội Thánh được gọi là Thân Mình Đức Kitô, vì thông phần cùng một Bánh. Các chi thể làm thành một Nhiệm Thể vì sống bằng cùng sự sống. Sự sống ấy chính là Chúa Kitô. Bánh Thánh Thể chứa đựng kho tàng quý giá nhất của Hội Thánh là Chúa Kitô. Chúa Kitô là Sự Sống và là Lẽ Sống, là Niềm Vui và là Hạnh Phúc, là Tình Yêu và là Sức Mạnh của Hội Thánh. Có Chúa Kitô, Hội Thánh không cần gì, không mong gì khác. Hội Thánh chỉ ước mong nên một với Chúa. Chính trong Bí tích Thánh Thể và nhờ Bí tích Thánh Thể mà Hội Thánh nên một với Chúa.
Không có sự kết hiệp nào mật thiết cho bằng thông phần Mình và Máu Thánh Chúa, ăn Thịt và uống Máu Chúa như lời Người dạy. Thông phần Mình và Máu Thánh Chúa, chúng ta sẽ ở trong Chúa và Chúa sẽ ở trong chúng ta. Mỗi người Kitô hữu đều mang Chúa Kitô trong mình, nhờ thông phần Mình và Máu Thánh Chúa.
Sự sống của Chúa Kitô là sự sống lãnh nhận từ Chúa Cha (Ga 6,57), là sự sống Ba Ngôi cùng chia sẻ. Các Ngôi Vị Thiên Chúa chia sẻ cùng sự sống thần linh. Theo một nghĩa nào đó, có thể nói rằng sự chia sẻ này làm nên Ba Ngôi. Sự chia sẻ trong Ba Ngôi không là chia cắt hay chia phần, nhưng là hiệp thông trọn vẹn, vì là cho đi tất cả và lãnh nhận tất cả, là sự tự hiến trọn vẹn cho nhau. Cha là lương thực của Con; Con là lương thực của Cha; Thánh Thần là lương thực của Cha và Con.
Nếu muốn dùng chữ Chén Cứu Độ để chỉ Bí tích Thánh Thể theo từ ngữ phụng vụ, thì phải nhớ rằng Chén ấy vừa là Chén mà Thiên Chúa ban cho Hội Thánh, và cũng là Chén mà Hội Thánh dâng lên Thiên Chúa. Chén ấy là Máu Đức Kitô, Máu Tân Ước vĩnh cửu. Máu ấy vừa là hồng ân, vừa là của lễ. Là hồng ân vì đó là sự sống của Chúa Kitô mà Chúa Cha ban cho nhân loại làm của uống (Ga 6,55)… Là của lễ, vì là Máu đổ ra cho mọi người được tha tội (Mt 26,28), là lễ hy sinh vô tì tích dâng lên Thiên Chúa (Dt 9,14).
Chén Cứu Độ do Chúa Kitô mang đến trần gian chứa đựng sự sống Ba Ngôi. Đó là Chén Hiệp Thông, biểu tượng cho sự sống Ba Ngôi. Ba Ngôi kết hiệp với nhau mật thiết đến nỗi là một: Cha ở trong Con và Con ở trong Cha, Thánh Thần ở trong Cha và Con, Cha và Con ở trong Thánh Thần.
Thông phần chén cứu độ là lãnh nhận sự sống Ba Ngôi, là được đưa vào lòng mầu nhiệm Ba Ngôi, là nên một với Ba Ngôi và trong Ba Ngôi (Ga 14,3; 17,21-23). Mục đích của Hội Thánh là Hiệp Thông Ba Ngôi, được thể hiện nhờ Chúa Kitô trong Chúa Thánh Thần.
Linh mục và mầu nhiệm Hiệp thông:
Trong cuộc lữ hành trần thế, Giáo Hội được kêu mời gìn giữ và phát triển sự hiệp thông với Thiên Chúa Ba Ngôi và giữa các tín hữu với nhau. Hướng về mục đích đó, Giáo Hội luôn có sẵn lời Chúa và các Bí tích, đặc biệt là Bí tích Thánh Thể, nhờ đó mà Giáo Hội luôn sống động và lớn mạnh, và đồng thời trong đó Giáo Hội tự diễn tả chính mình. (x. Ecclesia de Eucharistia số 34 )
Bí tích Thánh Thể được xem như chóp đỉnh của tất cả các Bí tích, vì Bí tích Thánh Thể luôn thể hiện cách hoàn hảo nhất sự hiệp thông với Thiên Chúa Cha, nhờ sự đồng hóa với Chúa Con duy nhất bởi tác động của Chúa Thánh Thần. (x. số 34 )
Sự hiệp thông vô hình, dù tự bản chất luôn luôn tăng trưởng, đòi hỏi đời sống ân sủng, nhờ đó chúng ta trở thành những người được tham dự vào bản tính Thiên Chúa (2P 1,4), và việc thực hành những nhân đức tin cậy mến. Quả thật, chỉ như thế mới thiết lập được sự hiệp thông đích thực với Chúa Cha, Chúa Con và Chúa Thánh Thần. (x. Ecclesia de Eucharistia số 36 )
Nói theo kiểu của Phaolô, linh mục là người quản lý các mầu nhiệm, người phân phát các ân sủng của Thiên Chúa, nói theo hình ảnh của các sách Tin Mừng nhất lãm, linh mục là gia nhân phân phát lúa thóc cho mọi người trong gia đình của Thiên Chúa là Giáo Hội. Linh mục là thừa tác viên phục vụ sự Hiệp thông.
Linh mục giống như người cha, mỗi lần cử hành thánh lễ, tập họp gia đình giáo xứ lại, để gia đình ấy đón Chúa Kitô trong mầu nhiệm Thánh Thể và nên một với Người. Hay cũng có thể nói cách đảo ngược lại, là để cho Chúa Kitô đến đón gia đình ấy và đưa vào trong Tình Yêu Hiệp thông Ba Ngôi.
Vai trò của linh mục là quy tụ con cái Thiên Chúa thành Giáo Hội (kahal), thành cộng đồng tư tế để tôn vinh Thiên Chúa. Linh mục thực hiện vai trò quy tụ này trong Chúa Thánh Thần, nhờ ơn hiệp thông của Chúa Thánh Thần.
Giống như Chúa Cha là đầu mối của mầu nhiệm Hiệp thông Ba Ngôi (principium Trinitatis, principium communionis), linh mục là đầu mối hữu hình của sự hiệp thông trong giáo xứ. Linh mục nào thường tạo ra sự chia rẽ trong giáo xứ thì hoàn toàn đi ngược với trách nhiệm quy tụ con cái Thiên Chúa và tư cách đầu mối hiệp thông của mình.
Hiệp thông tiên vàn là hiệp thông bí tích, nhưng còn là hiệp thông trong một đức tin, chia sẻ cùng một niềm hy vọng. “Chỉ có một thân thể, một Thần Khí, cũng như anh em đã được kêu gọi để chia sẻ cùng một niềm hy vọng. Chỉ có một Chúa, một niềm tin, một phép rửa. Chỉ có một Thiên Chúa, Cha của mọi người, Đấng ngự trên mọi người, qua mọi người và trong mọi người” (Ep 4,4-6).
Linh mục dùng chính Bí tích, đặc biệt là Bí tích Thánh Thể mối giây liên kết đức ái (vinculum caritatis), để nối kết mọi người, làm cho mọi người nên một trong Chúa Kitô, như lòng Chúa mong ước, và nhờ đó được hiệp thông với Ba Ngôi Thiên Chúa.
Khi cử hành thánh lễ, linh mục quy tụ Dân Chúa quanh hai bàn tiệc: Lời Chúa và Thánh Thể. Cả hai bàn tiệc đều quan trọng, nên linh mục không được coi thường bàn tiệc Lời Chúa. Phải chuẩn bị hẳn hoi để bàn tiệc Lời Chúa thực sự bổ dưỡng, nuôi sống đức tin của mọi Kitô hữu. Có lúc, vì thiếu quan tâm, linh mục để cho người đến bàn tiệc Lời Chúa bị suy dinh dưỡng, có khi còn tệ hơn, bài giảng của linh mục có thể gây tác dụng chia rẽ, làm cho một số Kitô hữu cảm thấy khó hiệp thông ngay chính lúc cử hành Bí tích Hiệp Nhất (sacramentum unitatis, mysterium communionis).
Bài giảng tĩnh tâm Giáo Phận Phan Thiết,
tháng 01 năm 2004