BÀI 4

NGÀY CỦA CHÚA PHỤC SINH


Chúa Nhật là Ngày của Chúa. Chữ Chúa ở đây chỉ Chúa Giêsu-Kitô, Đấng đã chịu đóng đinh thập giá, đã chết và đã sống lại, đã được Thiên Chúa Cha siêu tôn, đặt làm Chúa (Kurios ), như lời của Phêrô kết thúc bài giảng đầu tiên: Đức Giêsu mà anh em đã treo trên thập giá, Thiên Chúa đã đặt Người làm Đức Chúa và làm Đấng Kitô (Cv 2, 36). Hay như lời của Phaolô trong thư gởi tín hữu Philíp: Thiên Chúa đã siêu tôn Người và tặng ban Danh Hiệu trổi vượt trên muôn ngàn danh hiệu.. . và để tôn vinh Thiên Chúa Cha, mọi loài phải mở miệng tuyên xưng rằng Đức Giêsu Kitô là Chúa ( Pl, 2, 9 - 11).

Chữ Kurios được bản LXX Cựu ước dùng để chỉ Yavê, trong Tân ước được dùng để chỉ Đức Giêsu Phục Sinh, còn chữ Théos (Thiên Chúa) thường được các sách Tân ước dành riêng cho Chúa Cha. Chính vì thế từ ngữ Chúa Nhật có nghĩa là ngày của Chúa, ngày mừng Chúa Phục Sinh. Mầu nhiệm Tử Nạn Phục Sinh là trọng tâm của đức tin Kitô-giáo, trọng tâm lời rao giảng của các tông đồ. Đó là nội dung đặc thù phân biệt đức tin Kitô-giáo với niềm tin do thái giáo, và với các tôn giáo khác trong đế quốc La mã.

Tầm quan trọng của niềm tin Phục Sinh:

Đối với những tín hữu Kitô, Biến Cố Phục Sinh thay đổi hoàn toàn cuộc diện của lịch sử, số phận của con người. Không có Phục sinh thì không có gì cả, mọi sự đều mai một, không có đức tin Kitô-giáo, không có Giáo hội, thế giới sẽ qua đi và mọi sự đều bị chôn vùi trong quá khứ. Trái lại, với biến cố Phục Sinh, mọi sự đều tồn tại và được đổi mới, vì Chúa Sống Lại đang sống giữa chúng ta, đã vượt qua mọi lằn ranh thời gian và không gian, vượt qua lằn ranh của sự chết. Người đã sống lại và không còn chết nữa. Sự chết không cầm giữ được Người Cv. 2, 24).

Các thánh tông đồ là môn đệ của Chúa Giêsu khi Người còn tại thế, đã chứng kiến cái chết bi thảm của Chúa, nhưng đã được gặp gỡ Chúa Phục Sinh. Sự gặp gỡ ấy mới thực là bước khởi đầu của Giáo Hội, và từ đó vẫn luôn là trọng tâm đời sống Giáo Hội. Ngay từ thời khai sinh, Giáo Hội đã luôn luôn cử hành Ngày Chúa Nhật, để được gặp gỡ Chúa. Lịch sử Giáo Hội sơ khai đầy dẫy những chứng từ trong nội bộ Giáo Hội như chứng từ của sách Didache, thánh Giustinô, thánh Irênê. . . về ngày Chúa Nhật, có cả chứng từ ngoài Giáo Hội như chứng từ của Pline le jeune.

Đối với Giáo hội, ngày Chúa Nhật là Ngày gặp gỡ, gặp gỡ Chúa, gặp gỡ nhau. Đó là ngày của sự sống, ngày của niềm vui, ngày lễ hội. Ngày ấy chỉ có ý nghĩa do niềm tin Phục sinh. Nếu niềm tin Phục sinh phai nhạt, thì việc cử hành cũng sẽ mờ nhạt, buồn tẻ, không mang lại sức sống và niềm vui, không mang lại sự phấn khởi nào. Một tác giả thế kỷ IV đã chơi chữ rất hay để diễn tả tầm quan trọng của ngày Chúa Nhật : Ngày của Chúa là chúa của các ngày. Thánh Yêrônimô cũng nói: Chúa Nhật là Ngày của Phục Sinh, ngày của các Kitô-hữu, ngày của chúng ta.

Ý thức tầm quan trọng của ngày Chúa Nhật:

Hiến chế Phụng Vụ Thánh trình bày rất rõ ý nghĩa ngày Chúa Nhật: Theo truyền thống bất nguồn từ chính ngày Chúa Kitô sống lại, Giáo Hội cử hành mầu nhiệm Phục sinh và o mỗi ngày thứ tám, ngày thật đáng gọi là ngày của Chúa hay Chúa Nhật. Thực vậy, trong ngày đó các Kitô - hữu phải họp nhau lại để nghe lời Chúa và tham dự Lễ Tạ ơn, để kính nhớ cuộc Khổ Nạn, sự Phục Sinh và Vinh Quang của Chúa Giêsu, đồng thời cảm tạ Thiên Chúa, vì Người đã dùng sự Phục sinh của Chúa Giêsu-Kitô từ trong kẻ chết sống lại mà tái sinh họ trong niềm hy vọng sống động (1Pr 1, 3 ). Vậy, Chúa Nhật là ngày lễ nguyên thủy (primordialis dies festus) phải được đề cao và in sâu vào lòng đạo đức của các tín hữu, để ngày ấy trở thành ngày vui mừng và ngày nghỉ việc. Các cuộc lễ khác, nếu không thực sự là lễ rất quan trọng thì không được lấn át ngày Chúa Nhật, bởi vì ngày Chúa Nhật là nền tảng và trung tâm của cả năm phụng vụ ( SC, số 106 ).

Điều đầu tiên mà các linh mục coi sóc các xứ đạo phải làm là gây thức trở lại về tầm quan trọng của ngày Chúa Nhật đã dần dần mai một đi ở nhiều nơi, vì nhiều lý do cụ thể như điều kiện sinh sống và làm ăn của dân chúng, hay vì công việc mục vụ của nhiều linh mục phải coi sóc quá nhiều xứ đạo, hoặc vì nhu cầu giải trí vui chơi cuối tuần ở một số nơi giàu có và văn minh.

Chỉ có thể gây ý thức cho Dân Chúa, khi chính các vị linh mục đã có một ý thức rất mạnh mẽ và sâu xa về tầm quan trọng của ngày Chúa Nhật, có đường lối mục vụ rõ ràng và sống động . Linh mục phải có một niềm tin Phục Sinh sâu xa, một xác tín mạnh mẽ không ngừng được nuôi dưỡng về vị trí trọng tâm của mầu nhiệm Phục sinh trong đức tin Kitô-giáo, một kinh nghiệm nào đó về sự gặp gỡ Đức Ki tô Phục sinh trong buổi hành ngày Chúa Nhật.

Quy luật đức tin là quy luật cầu nguyện và là quy luật sống (lex credendi = lex orandi: lex vivendi). Chính vì thế mà cần trau dồi thật kỷ, thật đầy đủ phần mầu nhiệm Phục Sinh trong Kitô-học, trong Phụng Vụ và Huấn Giáo, trong KT và ngay cả trong khoa Tu Đức Học. Một tu đức học một chiều về thánh giá có thể làm cho ta không thấy được tầm quan trọng của mầu nhiệm Phục sinh và không hiểu được ý nghĩa ngày Chúa Nhật .

Như vậy phải chăng sinh hoạt của linh mục trong cả tuần lễ là hướng về ngày Chúa Nhật và nối dài ngày Chúa Nhật? Chúng ta không ngại ngùng trả lời khẳng định, không những cho linh mục, mà cho cả xứ đạo. Lịch sinh hoạt của linh mục trong tuần có điểm quy chiếu, có cột mốc là ngày Chúa Nhật. Điều đó không có nghĩa là linh mục làm mọi sự trong ngày Chúa Nhật, và chỉ làm trong ngày Chúa Nhật; ngày Chúa Nhật là ngày bận rộn nhất, ngày vất vã nhất, ngày mệt nhoài, và ngày thứ hai nghỉ xã hơi cho tới thứ bảy.

Điều chúng ta phải làm trước tiên là hướng lòng của chúng ta và giáo dân về ngày của Chúa. Chúng ta yêu thích ngày Chúa Nhật, chúng ta mong mỏi đến ngày Chúa Nhật. Tất cả giáo xứ, gồm linh mục, tư sĩ, các thành phần Dân Chúa, các lứa tuổi từ các cụ già bảy tám mươi đến các em nhỏ năm sáu tuổi.

Canh tân mục vụ ngày Chúa Nhật:

Điều quan trọng không kém là canh tân mục vụ ngày Chúa Nhật. Làm thế nào để ngày Chúa Nhật thực sự là Ngày Phục Sinh. Mọi người vui mừng phấn khởi cử hành Mầu Nhiệm Phục Sinh, mọi người sống mầu nhiệm Phục Sinh; trong ngày Chúa Nhật, Chúa Ki tô phải thực sự là Sự Sống Lại và là Sự Sống cho mọi người. Ngày Chúa Nhật là ngày cử hành Thánh Lễ cách long trọng nhất, phấn khởi nhất và mang lại sức sống mới cho mọi người. Ngày Chúa Nhật là ngày của phép rửa tái sinh và là ngày của huấn giáo bí tích.

Làm thế nào để cho người ta đừng ngán ngày Chúa Nhật vì bài giảng dài lê thê và thiếu chất lượng; sợ ngày Chúa Nhật vì bị Cha xứ quát mắng trong thánh lễ. Trái lại người ta thấy được bồi dưỡng, được nuôi nấng bằng những thức ăn tinh thần cần thiết cho đời sống đạo, cảm thấy có bầu khí đạo đức thánh thiện nhưng nhẹ nhàng thoải mái. Làm thế nào để người ta gặp được Chúa Phục Sinh trong buổi cử hành ngày Chúa Nhật, để Chúa trở thành niềm vui và lẽ sống cho họ.

Muốn như thế cần phải canh tân đổi mới nhiều điều. Từ bài giảng ngày Chúa Nhật, cho đến việc đọc sách trong thánh lễ. Từ việc chưng hoa và trang trí trong nhà thờ, đến việc giúp lễ đánh đàn. Từ việc tập hát của ca đoàn đến việc tham dự tích cực của toàn thể cộng đồng dân Chúa. Từ bài hát đáp ca, đến lời nguyện giáo dân, đến việc dâng của lễ. Mọi phần đều phải được chuẩn bị chu đáo và thi hành cách ý thức.

Có một số tiêu chuẩn để canh tân mục vụ ngày Chúa Nhật được tông thư Dies Domini đề ra cho chúng ta. Nên dựa vào đó để việc canh tân được đúng đắn và phong phú.

Ngày Chúa Nhật là ngày thứ nhất trong tuần, ngày thứ nhất sau ngày Sabbat, ngày mà các tín hữu kitô họp nhau để bẻ bánh (Cv 20, 7- 12). Chính vì thế không được coi thuần túy là ngày cuối tuần để xả hơi và giải trí, hoặc đi du ngoạn. Ngày Chúa Nhật không chỉ là week-end theo nếp sống hiện nay ở những nơi giàu có. Và chúng ta không canh tân ngày Chúa Nhật theo tiêu chuẩn week-end.

Ngày Chúa Nhật là ngày của Tạo Dựng Mới . Sự Sống Lại của Chúa Giêsu được TƯ trình bày như một một Tạo Dựng mới. Đó là ngày thứ nhất trong tuần, ngày Thiên Chúa bắt đầu tạo dựng. Chúa Ki tô Phục Sinh là hoa quả đầu mùa của một thế giới mới. Người là Trưởng Tử giữa các loài thọ sinh (Cl 1, 15) và cũng là Trưởng Tử giữa các vong nhân (Cl 1, 18). Khi Chúa Kitô Phục sinh hiện ra với các Tông Đồ, Người thổi hơi vào các ông, khai trương một Tạo Dựng mới ( Ga 20, 19-23). Ngày này cũng là ngày tái sinh của người Kitô-hữu, thông phần sự chết và sự sống lại của Chúa (Cl 2, 12; Rm 6, 4-6).

Ngày thứ Tám, hình ảnh báo trước Sự Sống Vĩnh Hằng. Ngày Chúa Nhật vừa là ngày thứ nhất, vừa là ngày thứ tám, ngày cuối cùng, hướng tâm hồn chúng ta đến ngày Cánh Chung. Chiều kích cánh chung của bí tích Thánh Thể, của buổi cử hành ngày Chúa Nhật không thể thiếu. Mỗi ngày Chúa Nhật đều là một ngày hướng về sự Quang Lâm của Chúa. Bàn về khía cạnh cánh chung của ngày Chúa Nhật, thánh Augustino coi đó là dấu chỉ của sự Bình An không tàn lụi.

Ngày của Đức Kitô Ánh Sáng . Ngày của mặt trời là thành ngữ người La Mã cổ đại đã dùng để chỉ ngày Chúa Nhật. Giáo Hội không ngại dùng thành ngữ ấy, nhưng hướng chúng ta về Chúa Kitô là Mặt Trời Công Chính. Chúa Ki tô là Ánh Sáng muôn dân, chiếu soi cho mọi người. Ngày Chúa Nhật là ngày chói lòa ánh sáng Phục Sinh chiến thắng bóng tối của tội lỗi, của sự dữ và sự chết.

Ngày thông ban Thần Khí . Chúa Kitô Phục sinh đầy tràn Sự Sống của Thiên Chúa. Quyền Năng, Tình Yêu, Vinh Quang của Chúa Cha đã làm cho Chúa Giêsu trỗi dậy từ kẻ chết, và chính đó cũng là Thần Khí và là Sự Sống mà Chúa Cha muốn Chúa Ki tô chia sẻ cho nhân loại. Gặp Đức Ki tô Phục Sinh, chúng ta nhận lãnh Thần Khí Phục Sinh của Người. Ngày Chúa Nhật phải là ngày mà mọi người đều hân hoan trong Chúa Thánh Thần và chúc tụng Thiên Chúa.

Ngày của Đức tin . Đây là ngày mà Giáo Hội tuyên xưng giống như thánh tông đồ Tôma khi được gặp Chúa: Lạy Chúa tôi và là Thiên Chúa của tôi Ga 20, 28). Ngày mà tất cả Giáo Hội lớn tiếng loan truyền việc Chúa chịu chết, tuyên xưng việc Chúa sống lại cho tới khi Chúa lại đến. Ngày Chúa Nhật phải là ngày tuyên xưng đức tin và bồi dưỡng đức tin một cách đặc biệt hơn những ngày khác.

Chính vì thế ngày Chúa Nhật là ngày không thể bỏ vì bất cứ lý do nào. Trái lại, phải được gìn giữ cẩn thận, và sống cách sâu xa. Mặc dù hoàn cảnh các nơi có thể thay đổi, nhưng ngày Chúa Nhật vẫn là ngày đặc thù của các tín hữu kitô, là dấu chỉ sự hiện diện của Chúa Phục Sinh ở giữa loài người, dấu chỉ Tình Yêu và Sự Sống, dấu chỉ của Niềm Hy Vọng không phai tàn. Thánh Augustino gọi ngày Chúa Nhật là Bí Tích của mầu nhiệm Vượt Qua.

Trong thông điệp Ecclesia de Euchanstia, khi nhắc lại tông thư Dies Domini, tông thư Novo millenio ineunte, Đức thánh cha Gian Phao lô II đã nhấn mạnh vai trò của thánh lễ ngày Chúa Nhật trong việc xây dựng mầu nhiệm hiệp thông Giáo Hội: Bí tích Thánh Thể là nơi đặc biệt để sự hiệp thông luôn được loan báo và gìn giữ. Đúng thế, nhờ tham dự vào bí tích Thánh Thể, ngày của Chúa cũng trở thành ngày của Giáo Hội, như thế Giáo Hội có thể thực hiện một cách hiệu quả vai trò của bí tích hiệp nhất. (xem Ecclesia de Eucharistia số 41).

Bài giảng tĩnh tâm Giáo Phận Phan Thiết,

tháng 01 năm 2004

Giám mục Giáo phận Mỹ Tho