SUY NIỆM LỄ CÁC THÁNH TỬ ĐẠO VIỆT NAM

Tử Đạo, theo từ nguyên là Martyr, có nghĩa là người làm chứng, và truyền thống Giáo Hội quen dùng từ này để hiểu về lớp người làm chứng đạo bằng cái chết về đức tin. Nhưng trước khi Tử đạo, các ngài đã làm chứng về đời sống. Tử đạo chỉ là giây phút kết tinh toàn bộ cuộc đời của các Ngài. Tác giả cuốn sách “Thiên hùng sử” viết về việc sống đạo của các hiền nhân tử đạo như thế này : “Trừ vài vị được ơn đặc biệt mà có được quyết định quảng đại bất ngờ trước thử thách, còn nói chung cuộc đời của các Thánh tử đạo là một chứng từ, một quá trình hợp tác với ơn Chúa trước khi phải làm chứng cho Ngài bằng máu. Tử đạo là giây phút kết tinh toàn bộ cuộc đời của họ những kẻ sống trọn vẹn giá trị Tin Mừng giữa đồng bào dân tộc”.

1. Vậy trước khi làm chứng bằng máu, các Ngài đã làm chứng về điều gì?

Làm chứng về Đức Tin: Đức tin đã thấm nhập vào tâm hồn các Ngài, trở thành kho tàng vô giá, các ngài cương quyết bảo vệ cho bằng được. Lần kia quan án gọi thánh Laurenxô Ngôn và dụ dỗ : "Anh còn trai trẻ, sao lại dại dột muốn chết ? Hãy bước qua Thập Tự, anh sẽ được trả về với gia đình". Ngài trả lời: "Tôi giữ đạo tôn thờ Chúa tể trời đất. Thập Giá là phương thế Thiên Chúa đã dùng để cứu độ nhân loại, tôi chỉ có thể tôn kính chứ không bao giờ chà đạp. Nếu quan cho tôi sống tôi cám ơn quan, còn không, tôi sẵn sàng vui lòng chịu chết vì đức tin vào Chúa tôi".

Dù bị tra tấn với muôn hình khổ ghê rợn nhưng không thể làm lay chuyển nổi đức tin của các Ngài. Thánh Mỹ khi nghe tin Tổng đốc bắt các lính Công Giáo phải quá khóa, Ngài vì ở xa, nên gửi thư khuyên bốn người thuộc làng Kẻ Vĩnh : "Xin anh em giữ vững đức tin, mấy ngày nữa tôi sẽ đến với các anh em". Và Ngài can đảm thưa với quan tổng đốc rằng : “Tôi đã suy xét kỹ, và tin nhận đạo Thiên Chúa là đạo thật, Nên tôi không chối bỏ bao giờ”.

Làm chứng về Tình Yêu: “Thiên Chúa yêu thế gian đến nỗi đã ban Con Một, để ai tin vào Con của Người thì khỏi phải chết, nhưng được sống muôn đời”(Ga 3,16). Vì yêu nhân loại, Chúa Giêsu đã chấp nhận hy sinh tính mạng của mình: “Không có tình yêu nào cao cả hơn tình yêu của người đã hi sinh tính mạng vì bạn hữu của mình" (Ga 15,13). Vì yêu người bạn tù, Thánh Maximilianô Kolbe đã tự nguyện nộp mình chịu chết. Vì tình yêu, nên các thánh tử đạo đã vượt qua những thử thách đau khổ để trung thành với Chúa. Chỉ có tình yêu mới có thể giải thích được cái chết của các vị Tử đạo. Thánh Phêrô Dũng yên ủi vợ rằng: “Hãy vui mừng vì tôi được hy sinh mạng sống cho Chúa Kitô”. Trước các quan tra hỏi lúc thì tra tấn, lúc thì ngon ngọt để cha xuất giáo, Thánh Giuse Đỗ Quang Hiển đáp: "Tôi đã già chẳng còn sống được bao lâu nữa, tôi sẵn sàng chết vì Ðấng đã chết cho tôi". Chính vì thế, Cha Hiển nói thẳng với quan tổng đốc Trịnh Quang Khanh rằng: "Xin quan cứ tuân lệnh vua, đừng ép thêm vô ích, chúng tôi sẵn sàng chết để tỏ lòng yêu mến Chúa”.

Làm chứng về việc chấp nhận Đau Khổ vì Chúa: Chúa nói: "Ai muốn theo Thầy, hãy từ bỏ mình, vác thập giá mình mà theo Thầy?" (Mt 16,24). “Anh em sẽ bị điệu ra trước mặt vua chúa quan quyền vì Thầy để làm chứng cho họ và các dân ngoại được biết (Mt 10,18).

Chúa Giêsu đã báo trước về sự hy sinh, đau khổ và cái chết mà các kitô hữu phải chịu. Bình thường, ai cũng thích sướng ngại khổ, thích sống sợ chết. Nhưng khi hiểu được ý nghĩa của đau khổ, nhất là với ơn Chúa giúp các vị tử đạo có sức mạnh để vượt thắng được mọi hình khổ dã man như: Kìm kẹp, xích xiềng, voi dày, ngựa xéo, trảm quyết, thiêu sinh, lăng trì, bá đao...Dầu vậy, các Ngài thà chịu đau khổ, thà chịu chết chứ không bỏ đạo, không chối đức tin. Thánh Mỹ thường nói với các giáo hữu rằng: "Việc nhà vua cấm đạo ví như thử thách Thiên Chúa gởi đến, ta phải kiên tâm trung thành với đạo". Thánh Giuse Phạm Trọng Tả nói: "Tôi là một Kitô hữu, tôi sẵn sàng chấp nhận mọi cực hình, thậm chí cả cái chết đau đớn nhất, hơn là vi phạm một lỗi dù rất nhỏ trong đạo tôi thờ".

Quan Tổng đốc Trịnh Quang Khanh Nam Ðịnh nói với Thánh Ðạt rằng : "Hai bạn của ngươi (tức thánh Thể và Huy) vì cuồng dại không chịu bỏ đạo tà, nên đã bị chém làm tư quăng xuống biển. Còn ngươi, nếu khôn thì chối bỏ thứ đạo đó đi để về với vợ con". Thánh Ðạt thẳng thắn đáp: "Tôi đã chịu nhiều cực hình vì đức tin, nay tôi sẵn sàng chịu thêm nhiều hình khổ khác nữa. Hai bạn tôi đã được phúc trọng, quan cứ chém tôi làm tám cũng được".

Làm chứng về sự Tha Thứ: Chúa Giêsu không những dạy chúng ta phải tha thứ cho kẻ thù (Mt 5,44). Trên Thánh giá, trước khi trút hơi thở cuối cùng, Ngài còn làm gương cho chúng ta về bài học đó khi tha thứ cho những kẻ giết mình “Lạy Cha, xin tha cho họ; vì họ không biết việc họ làm”(Lc 23,43). Như vậy, tha thứ là lệnh truyền của Chúa. Tha thứ cũng là bản chất của các thánh tử đạo. Dù bị người đời ghét bỏ, dù bị muôn vàn hình khổ nhưng các ngài vẫn yêu thương, vẫn tha thứ cho kẻ làm hại mình. Trước khi bị xử chém, Thánh Emmanuel Lê Văn Phụng đã nói lời trăng trối cuối cùng với con trai của mình rằng: "Con ơi, hãy tha thứ. Đừng tìm báo thù kẻ tố giác cha nhé". Ngài còn nài nỉ các bạn hữu sống trọn vẹn giới luật bác ái Kitô Giáo : "Hãy tha thứ cho kẻ thù. Đừng báo oán những kẻ tố giác hay kết án tôi, hãy tha thứ, hãy tha thứ vì chính tôi, tôi đã thứ tha…"

Thánh Gioan Baotixita Ðinh Văn Thành cùng với hai thánh Khoan và Hiếu đồng ca bài hát tha thứ sau đây trước khi bị trảm quyết: "Vinh danh chúc tụng ngợi khen Thiên Chúa, Chúa đất trời. Chúng con hiến dâng mạng sống cho Người. Xin Chúa chúc phúc lành cho nhà vua được cai trị lâu dài trong an bình, xin biến đổi trái tim vua, để vua tin theo đạo thật, đạo duy nhất có thể đem lại cho con người hạnh phúc đích thực".

Làm chứng về lòng Bác Ái: Tình thương của các thánh Tử đạo không chỉ thể hiện qua việc tha thứ mà còn được thể hiện ở lòng bác ái đối với tha nhân. Thánh Antôn Nguyễn Hữu Quỳnh đã dành tiền bán thuốc để chia sẻ cho người nghèo. Ngài còn vay mượn thêm để giúp đỡ họ. Ngài nói với vợ và các con rằng: "Bà và các con không đồng ý cho tôi lấy của nhà để giúp người nghèo, tôi sẽ đi vay mượn hoặc làm thuê kiếm tiền giúp đỡ họ”. Ngài khẳng định: "Tôi chưa thấy ai hay giúp người nghèo khó lại túng bấn bao giờ. Kinh Thánh chẳng dạy chúng ta coi họ như chi thể của Chúa đó sao? Chúa đã cho chúng ta sống, tất sẽ quan phòng cho ta đủ dùng".

Thánh Giuse Phạm Trọng Tả (Cai) thì cho rằng “Yêu thương để xứng với tình Chúa yêu”, Ngài thường châm chước cho những người mắc nợ và nói: "Mình quên nợ người, Chúa quên tội mình ".

Làm chứng về việc chu toàn Bổn Phận, nhất là bổn phận đối với gia đình: Các người con của Bà Thánh Đê đã làm chứng về mẹ mình rằng: "Mẹ tôi rất đạo đức, luôn dạy con cái ăn ngay ở lành, tối sớm kinh nguyện...". Thánh Martinô Thọ căn dặn các con vào thăm Ngài trong tù rằng: “Các con thân mến, cha không còn làm gì giúp các con ở thế gian này được nữa, cha chỉ còn lo chuẩn bị tâm hồn đón nhận những thử thách cuối cùng. Ý Chúa muốn cha xa lìa các con mãi mãi, nhưng các con còn có mẹ, hãy cố gắng vâng lời mẹ. Các con lớn hãy nhớ quan tâm săn sóc em mình. Các con nhỏ phải biết kính trọng vâng lời anh chị. Hãy thương yêu nhau, siêng năng làm việc đỡ đần mẹ. Hãy nhớ đọc kinh tối sáng và lẫn chuỗi Mân côi hằng ngày. Chúa trao cho mỗi người một thánh giá riêng, hãy vui vẻ vác theo chân Chúa và kiên trung giữ đạo”.

Bà Lý Mỹ kể về đời sống của Thánh Mỹ chồng bà rằng : "Gia đình tôi sống trong hòa thuận yêu thương. Ông Micae chuyên chăm đạo đức, dự lễ hằng ngày, nếu vợ con hay người giúp việc bận rộn không đi lễ được, ông bắt phải đọc kinh chung và nghe sách thiêng liêng để suy niệm. Ông xưng tội nhiều lần trong năm, mỗi lần ông kỹ lưỡng xét mình hai ngày trước. Mùa chay, ông giữ chay các ngày thứ tư và thứ sáu. Ông không uống rượu, không đánh bạc hay to tiếng với ai bao giờ".

Làm chứng về Sự Sống Đời Sau: Chết không phải là hết nhưng là đi vào cõi sống. "Kẻ trung thành với Chúa Giêsu, khi chết sẽ được lên Thiên Ðàng" (Thánh Đaminh Nguyễn Văn Hạnh). Các Thánh Tử đạo đã xác tín điều đó nên cái chết của các Ngài là chứng từ về sự sống đời sau. Vì vậy, các Ngài không cảm thấy nặng nề khi cái chết sắp đến. Các Ngài coi cái chết nhẹ tựa long hồng. Có những vị không dấu được sự vui mừng khi nghe tin mình bị án tử. Có những vị đi ra pháp trường miệng luôn hát thánh ca. Các Ngài bình tĩnh, thậm chí là vui vẻ đón nhận cái chết. Thánh Giuse Maria Diaz Sanjuro An, Giám mục nói: “Tôi vui mừng lắm và chỉ ước ao đổ máu vì Chúa, để máu tôi hoà với Máu Cực Thánh Chúa Giêsu rửa linh hồn tôi được sạch mọi tội lỗi. Xin anh em cầu cho tôi vững đến cùng."

Còn Thánh Giuse Lê Ðăng Thị, khi nghe bản án xong kêu lớn tiếng: "Vạn phúc, vạn phúc! Tôi sắp được Tử đạo".

Làm chứng về đạo Chúa là Đạo Thật: Cha Giuse Fernandez Hiền đáp lại lời hỏi cung của các quan như sau: "Xin các quan biết cho, không bao giờ tôi chà đạp Thánh Giá, còn việc về nước Tây Ban Nha thì tôi không muốn, vì tôi đến đây với ước nguyện là giảng đạo Chúa Giêsu, đạo chân chính duy nhất giúp con người sống tốt đẹp ở đời này và đạt hạnh phúc vĩnh cửu đời sau. Tôi sẵn sàng lấy máu mình để làm chứng cho người dân Việt biết đạo Thiên Chúa là đạo thật. Ðó là mục đích và niềm vui của tôi".

Còn với Thánh Tịnh, khi nhận được án tử, quan cố gắng một lần chót bằng cách khuyến dụ Ngài xuất giáo. Ngài trả lời rằng: "Tôi xin chân thành cám ơn quan, vẫn luôn có lòng tốt tìm cách cứu tôi. Thân xác tôi ở trong tay quan, xin làm khổ nó tùy ý, tôi rất vui lòng, không oán than gì. Nó chết đi nhưng mai ngày sẽ sống lại trong vinh quang. Còn linh hồn tôi là của Thiên Chúa, không có gì làm tôi hy sinh nó được, không ai có thể lay chuyển lòng tin tưởng của tôi. Đạo Thiên Chúa là chính đạo, là đạo thật, tôi yêu mến và giữ đạo ấy từ thuở bé, và dù tôi có chết cũng chẳng bỏ được".

Trên đây là một số trong muôn vàn cách thế làm chứng của các thánh Tử Đạo Việt Nam trước khi đổ máu mình làm chứng cho Chúa Kitô. Chúng ta nghiêng mình cảm phục những cách thế làm chứng của các bậc tiền bối của chúng ta, đồng thời chúng ta tiếp tục noi gương các Ngài để làm chứng cho Tin Mừng.

2. Ngày hôm nay, chúng ta làm chứng cho Tin Mừng như thế nào?

Chúng ta đang thừa hưởng gia sản vô cùng quý giá của các vị Tử đạo. Chúng ta hãy sống tốt đẹp xứng với những hy sinh của các Ngài. Qua lá thư mục vụ năm 2003, Hội đồng Giám Mục Việt Nam mời gọi mọi người chúng ta : “Hãy phát triển truyền thống kiên cường của các bậc tiền nhân anh hùng tử đạo”. Vậy, chúng ta có thể phát triển truyền thống anh hùng tử đạo như thế nào ?

Ngày hôm nay có lẽ rất hiếm khi người ta bắt bớ giết chết người kitô hữu như thời các Thánh Tử Đạo, nếu có thì cũng khó nhận thấy hơn, nhưng những thử thách, khó khăn ngày hôm nay còn đáng sợ hơn, người kitô hữu phải đương đầu với biết bao thách đố của các trào lưu hưởng thụ, tiền tài, danh vọng, những nền văn hoá sự chết đi ngược lại với giáo lý, với đức tin, nếu không cảnh giác đề phòng thì sẽ không thể trung thành với Chúa với Giáo Hội. Hơn nữa, tử đạo là một ân huệ đặc biệt Chúa ban cho ai tuỳ ý Ngài muốn, nhưng nỗ lực làm chứng cho Chúa thì không dành riêng cho ai cả. Làm chứng về Đức Tin. Làm chứng về Tình Yêu. Làm chứng về việc chấp nhận Đau Khổ. Làm chứng về sự Tha Thứ. Làm chứng về lòng Bác Ái. Làm chứng về việc chu toàn Bổn Phận. Làm chứng về Sự Sống Đời Sau. Làm chứng về Đạo Chúa là Đạo Thật. Cho nên, điều quan trọng không phải liệu sao cho mình được chết vì đạo, mà là sống thế nào cho trọn đạo. Đó là chúng ta đang sống tinh thần tử đạo. Đó là chúng ta đang phát triển truyền thống kiên cường của các anh hùng tử đạo.

Thánh Giám Mục Am-rô-xi-ô còn gợi ý cho chúng ta về những cách thế làm chứng sau đây : “Ngày nào bạn cũng có thể là chứng nhân của Đức Kitô được. Bạn bị cám dỗ làm điều dâm ô, nhưng vì sợ cuộc phán xét sau này của Đức Kitô, bạn nghĩ là không được liều lĩnh làm thương tổn đến sự trong sạch của tinh thần và thể xác, như thế bạn là vị tử đạo của Đức Kitô. Bởi tính tham lam, bạn bị cám dỗ xâm chiếm tài sản của người yếu thế, vi phạm quyền lợi của quả phụ neo đơn, nhưng khi suy gẫm các lệnh truyền của Chúa, bạn thấy phải giúp đỡ chứ không được làm hại. Như thế, bạn là chứng nhân của Đức Kitô. Bạn bị cám dỗ bởi tính kiêu ngạo, nhưng khi nhìn thấy người nghèo khó, túng thiếu, bạn động lòng trắc ẩn; bạn quí chuộng đức khiêm nhường chứ không ưa tính kiêu ngạo; như thế, bạn là nhân chứng của Đức Kitô. Hơn nữa, bạn làm chứng không chỉ bằng lời nói mà bằng cả việc làm. Trong một xã hội sống thiếu tình thương, bạn cố sống yêu thương giúp đỡ mọi người là bạn làm chứng cho Đức Kitô”. (x. Bài đọc 2 kinh sách ngày 9 tháng 10)

Xin các Thánh Tử Đạo cầu thay nguyện giúp, để chúng ta biết sống thế nào cho trọn đạo, nhất là biết noi gương các Ngài làm chứng cho Chúa ở mọi nơi và trong mọi hoàn cảnh. Amen