Suy Niệm LỄ CÁC THÁNH TỬ ĐẠO VIỆT NAM

Giáo Hội Việt Nam chúng ta được đón nhận Tin mừng từ năm 1533. Trong suốt gần 300 năm đầu, có hàng trăm ngàn tín hữu đã đổ máu mình ra để làm chứng cho đức tin. Trong số đó, có 117 vị đã được Đức Thánh Giáo hoàng Gioan Phaolô II tôn phong lên bậc Hiển Thánh ngày 19 tháng 06 năm 1988. Các ngài thuộc mọi thành phần, lứa tuổi và nghề nghiệp khác nhau: có các Giám mục, linh mục, chủng sinh, thầy giảng, giáo dân; có các cụ già, có những người cha người mẹ, có các thanh niên; có các quan chức, binh lính, thầy thuốc…Các Ngài đã chịu đủ thứ hình khổ mà người ta nghĩ ra: 1 vị chịu hình khổ bá đao; 4 vị chịu lăng trì; 6 vị bị thiêu sinh; 75 vị bị xử trảm; 22 vị bị xử giảo; 9 vị chết rủ tù.

1. Nhờ đâu, các Ngài đã vượt qua được những hình khổ khủng khiếp như vậy?

Thứ nhất, nhờ gương mẫu của Đức Giêsu: “Đức Giê-su Ki-tô vốn dĩ là Thiên Chúa mà không nghĩ phải nhất quyết duy trì địa vị ngang hàng với Thiên Chúa, nhưng đã hoàn toàn trút bỏ vinh quang mặc lấy thân nô lệ, trở nên giống phàm nhân sống như người trần thế. Người lại còn hạ mình, vâng lời cho đến nỗi bằng lòng chịu chết, chết trên cây thập tự”(x. Pl 2, 6-8). Thật vậy, Đức Giêsu đến thế gian là để cứu rỗi thế gian. Và để chu toàn sứ mệnh đó nên Ngài đã chấp nhận Nhập Thể làm một con người như chúng ta ngoài trừ tội lỗi. Con đường cứu rỗi thế gian của Ngài là con đường thập giá, con đường đau khổ. Sinh ra trong hang đá nghèo hèn giữa đêm đông lạnh lẽo. Sống 30 năm ẩn dật thiếu thốn ở làng quê Nazaret. Ba năm đi giảng đạo trong cảnh thiếu thốn đến nỗi “không có chỗ tựa đầu”(x. Mt 8,20). Ngài bị chống đối, ghét bỏ và cuối cùng bị bắt, vác thập giá và chịu đóng đinh chết trên thập giá. Sự hy sinh và cái chết đau thương của Đức Giêsu là động lực cho các thánh Tử đạo noi gương bắt chước.

Thứ hai, nhờ những lời tiên báo của Đức Giêsu: Ngài báo trước cho các môn đệ và những ai theo Ngài rằng: “Ai muốn theo Thầy thì phải từ bỏ mình, vác thập giá mình mà theo”(x. Mc 8,34). “Thầy sai các con đi như đàn chiên đi giữa bầy sói”(x. Mt 10,16). Thông thường những biến cố rủi ro sắp xảy đến như: động đất, lụt bão, dịch tả…được thông báo trước, thì hậu quả sẽ ít thiệt hại hơn. Cũng vậy, nhờ Đức Giêsu báo trước về các đau khổ nên các môn đệ có tinh thần chuẩn bị trước, vì vậy khi thử thách, đau khổ đến các Ngài dễ dàng chấp nhận hơn. Đức Giêsu không chỉ tiên báo cho các môn đệ biết về những đau khổ phải gặp mà Ngài còn nhiều lần, nhiều nơi nhắc nhở và bảo các ông phải đề phòng với những hạng người sau đây: Thứ nhất, Ngài bảo các môn đệ phải đề phòng với người đời: "Các con hãy coi chừng người đời, vì họ sẽ nộp các con cho công nghị, và sẽ đánh đập các con nơi hội đường của họ” (x. Mt 10,17). Người đời ở đây có thể là quan quyền, có thể là những người ghét đạo, nhưng cũng có thể là những người đồng đạo. Thứ hai, Ngài bảo phải đề phòng với những người thân trong gia đình, bởi vì có thể chính những người đó sẽ nộp anh em: “Anh sẽ nộp em, cha sẽ nộp con, con cái sẽ chống lại cha mẹ và làm cho cha mẹ phải chết” (x. Mt 10,21). Ngoài ra, Đức Giêsu cho biết “Vì danh Thầy, các con sẽ bị mọi người ghen ghét” (x. Mt 10,22). Tóm lại, nhờ Đức Giêsu báo trước nên các môn đệ có tinh thần đề phòng và chuẩn bị để khi thử thách và đau khổ đến, các ngài dễ dàng chấp nhận và vượt qua.

Thứ ba, nhờ tin vào lời hứa của Đức Giêsu: Ngài hứa rằng: “Khi người ta bắt nộp các con, thì các con đừng lo nghĩ phải nói thế nào và nói gì. Vì trong giờ ấy sẽ cho các con biết phải nói gì: vì chưng, không phải chính các con nói, nhưng là Thánh Thần của Cha các con nói trong các con” (Mt 10,19-20). Đó là một lời hứa đầy an ủi. Không gì an ủi bằng khi gặp đau khổ mà lại có người đồng hành, có người nâng đỡ, có người nói thay cho. Đức Giêsu đã thực hiện lời hứa đó. Cụ thể, suốt chiều dài lịch sử Giáo Hội, các Kitô hữu là những con người mang trong mình bản tính yếu đuối nhưng đã chấp nhận và vượt qua được những hình khổ man rợ của con người gây nên. Biết bao nhiêu người quê mùa dốt nát nhưng đã ăn nói khôn ngoan trước quan quyền, trước những người được cho là thông thái, chữ nghĩa. Họ không những ăn nói khôn ngoan mà còn can đảm làm chứng về nhiều phương diện: về sự hiện diện của Thiên Chúa; có sự sống sau cái chết, có thưởng phạt đời sau; về công lý và sự thật; về tình thương, bác ái; về sự tha thứ; về sự chung thủy vợ chồng và về tình yêu trong gia đình…

Thứ tư, nhờ lòng yêu mến Chúa: Vì lòng yêu mến Chúa, nên các Thánh Tử Đạo đã chấp nhận thà chết chứ không chịu bước qua thập giá. Thánh Phêrô Quí nói: “Dù trăng trói, gông cùm, tù rạc; chén ngục hình xiềng toả chi nề; miễn vui lòng cam chịu một bề; cho trọn đạo trung thần hiếu tử.” Vì lòng yêu mến, nên các ngài tuân giữ luật Chúa một cách trọn vẹn, thà chết chứ không bao giờ chối đạo. Thánh Anrê Thông quả quyết rằng: “Thà tôi bị lưu đày và chịu chết vì Chúa; Chứ tôi không chối đạo.” Thật vậy, không có gì tách họ ra khỏi tình yêu dành cho Đức Kitô, đúng như lời Thánh Phaolô quả quyết mà chúng ta vừa nghe trong Bài đọc thứ II: “Ai có thể tách chúng ta ra khỏi tình yêu của Ðức Ki-tô? Phải chăng là gian truân, khốn khổ, đói rách, hiểm nguy, bắt bớ, gươm giáo?...Vì tôi thâm tín rằng sự chết hay sự sống, dù thiên thần hay thiên phủ, dù hiện tại hay tương lai, hay bất cứ sức mạnh nào, trời cao hay vực thẳm hay bất cứ tạo vật nào khác, không có gì có thể tách chúng ta ra khỏi tình yêu Thiên Chúa thể hiện cho chúng ta trong Đức Giêsu Kitô, Chúa chúng ta” (x. Rm 8,35-39).

Thứ năm, nhờ sự hy vọng và quý trọng sự sống đời sau: Các ngài hy vọng một ngày nào đó sẽ được chiêm ngắm thánh nhan Thiên Chúa. Như Thánh Phaolô nói rằng: “nếu ta cùng chết với Người, ta sẽ sống với Người” (x. 2Tm 2, 11). Đó là niềm hy vọng của các ngài khi dám đứng lên làm chứng cho sự thật và chết cho sự thật. Đức Giêsu đã nói: “Lời lãi cả thế gian, thiệt mất linh hồn nào được ích gì” (x. Mt 16,26). Các Thánh Tử Đạo hiểu được lời Chúa dạy nên các ngài rất quý trọng sự sống linh hồn. Vì vậy, các Ngài quyết tâm không đánh đổi linh hồn bằng bất cứ thứ gì. Vào thế kỷ 19, khi cơn cấm đạo nổi mạnh trên tỉnh Thanh hoá, một hôm, người ta dẫn đến trước mặt quan án một thiếu niên 17 tuổi. Quan bảo người thanh niên bước qua thập giá, rồi sẽ thưởng cho một nén bạc. Người thanh niên không chịu. Quan nâng lên phần thưởng là một nén vàng. Người thanh niên trả lời với quan rằng: “Một nén bạc hay là một nén vàng chưa là gì cả. Nếu quan lớn muốn tôi đạp Thánh giá, thì xin quan lớn hãy cho tôi cái gì có thể mua được một linh hồn đã…” Rồi, người thanh niên bình tĩnh, hiên ngang bước vào pháp trường với tinh thần anh dũng, vẻ mặt tươi cười.

2. Thái độ của người Kitô hữu hôm nay thì sao?

Thời nào cũng vậy, người Kitô hữu luôn bị bách hại cách này hay cách khác, đúng như lời Đức Giêsu tiên báo: “Vì danh Thầy, các con sẽ bị mọi người ghen ghét” (x. Mt 10,22). Nhưng cách bách hại có thể khác nhau theo từng nơi và tùy từng thời kỳ. Hiện nay, một số nơi trên thế giới, người Kitô hữu vẫn bị bắt bớ, tra tấn, tù đày, giết chết. Theo báo cáo của tổ chức “Open Doors”, một tổ chức phi giáo phái hỗ trợ các nạn nhân Kitô hữu bị bắt bớ trên toàn thế giới cho biết: “Trong năm 2013, có 2 123 vụ giết chết “tử vì đạo”. Bắc Triều Tiên đứng đầu danh sách 50 nước nguy hiểm nhất cho các Kitô hữu, giữ nguyên vị trí đứng đầu từ khi cuộc khảo sát tiến hành cách đây 12 năm. Rồi đến Somalia, Syria, Iraq và Afghanistan là 4 nước kế tiếp theo sau” (Nguồn: Reuters).

Riêng tại Việt Nam chúng ta, trong thời gian này không có những luật lệ công khai cấm cách, bắt bớ đạo như thời trước, nhưng người Kitô hữu vẫn bị hạn chế rất nhiều quyền lợi: không được tham gia vào một số các tổ chức xã hội, các cơ quan nhà nước. Nếu muốn tham gia thì phải kết nạp Đảng Viên, đồng nghĩa với việc bỏ đạo. Cho nên, người Công Giáo ở Việt Nam như là công dân hạng hai. Mặt khác, người Kitô hữu còn phải đối diện với những trào lưu tục hóa, một xã hội “hưởng thụ,” đi ngược lại với Tin mừng như: bạo lực, bất công, dối trá, tham nhũng, phim ảnh sách báo xấu... Trước những trào lưu trên, chúng ta thấy có ba thái độ sai đây:

Thái độ thứ nhất, là những người Kitô hữu luôn trung thành với Chúa và Giáo Hội. Dù có bị ghen ghét, nhưng họ vẫn quyết tâm thà chịu thiệt thòi chứ không bao giờ bỏ Chúa, bỏ đạo hay đánh mất bản chất Kitô hữu của mình. Mặt khác, họ còn đóng góp công sức của mình để xây dựng xã hội theo khả năng của mình để có thể tiếp tục làm chứng cho công lý và sự thật; mạnh dạn chống lại các tiêu cực của xã hội, bảo vệ giáo huấn của Đức Giêsu.

Thái độ thứ hai, là những người Kitô hữu giữ đạo hời hợt, không có chiều sâu, ít cầu nguyện và lãnh nhận các bí tích. Họ chú trọng đến đời sống vật chất, lo làm giàu, nên họ sẵn sàng không tuân giữ luật Chúa, luật Giáo Hội, bỏ lễ Chúa Nhật vì một công việc hay lý do không đâu. Họ không làm dấu thánh giá trước và sau khi ăn cơm vì xấu hổ trước những người ngoài Công Giáo.

Thái độ thứ ba, là những người mang danh kitô hữu nhưng bị tiền, tài, tình chi phối. Vì vậy, họ sẵn sàng thỏa hiệp với cái ác, thỏa hiệp với bất công. Khi cơ hội đến, họ sẵn sáng bỏ Giáo Hội, bỏ Chúa, bán anh em đồng đạo.

Còn chúng ta thì sao? Đây là dịp thuận tiện để chúng ta xét mình lại: là con cháu của các Thánh Tử Đạo, chúng ta giống các ngài ở những điểm nào? Lòng tin, lòng mến, sự hy vọng và quý trọng phần rỗi linh hồn của chúng ta ra sao? Chúng ta có quyết tâm khước từ những nhu cầu, tiện nghi khiến phần rỗi đời đời của chúng ta bị đe dọa hay không?

Lạy Chúa, nhờ lời chuyển cầu của các Thánh Tử Đạo tại Việt Nam, xin cho tất cả mọi người chúng con dù trong hoàn cảnh nào cũng biết can đảm sống Tin mừng để làm chứng cho Chúa ở khắp mọi nơi. Amen.

Lm. Anthony Trung Thành