TRÚNG BÙA YÊU

Cứ vào dịp Valentine là thấy bày bán đủ mọi loại tim: to nhỏ, mập còm, mắc rẻ... cái nào cũng đỏ rực lên mầu tình ái. Tim ngọt ngào như sô-cô-la; tim bay lên phơi phới như bong bóng; tim đong đầy chất yêu qua những bông hồng thắm; tim đậm đà như những lời chúc có sẵn tại các tiệm Hallmark: “Ai mua tim tôi bán tim cho; ai không biết diễn tả tình yêu tôi nói dùm cho, bảo đảm làm xôn xao mạch máu, rung rinh lá cành. Bỏ tiền ra là hết cô đơn, hết sầu đời.” Các bài hát vang lên rạo rực: tình yêu như mây hồng giăng bay trong màu nắng... Không hạnh phúc sao được? Không chớp mắt cảm động sao được?

Ấy vậy mà tình yêu lại là một cái gì khủng khiếp nhất. Bài hát Nụ Hồng của Amanda McBroom bắn mũi tên vào tim chảy đầm đề máu tươi như thế này đây: “Tình Yêu đó, cuốn hút như sông sâu, xô dập, sậy lau sức yếu. Tình Yêu đó, sắc bén như mũi dao, đâm vào, rạch tim nứt máu. Tình Yêu đó, nôn nao cơn đói cồn cào, nhức nhối, đớn đau vô cùng..." (Some say love, it is a river that drowns the tender reed. Some say love, it is a razor that leaves your soul to bleed. Some say love, it is a hunger, an endless aching need). Thế là thế nào?!

THỜI ÐIỂM TRÚNG BÙA YÊU

Lạ lắm. Ðiều mà người đời tả về cái vòng danh lợi thì cũng y chang với cái vòng tình ái:

Con đường tình ái cong cong

Kẻ hòng ra khỏi người mong bước vào.


Lúc này hơn bao giờ hết, ngôn ngữ tình yêu bị bóp méo và đẩy nhiều người vào cơn hỏa mù, tạo ra biết bao cảnh hỏa ngục có đầy đủ lễ bộ “khóc lóc nghiến răng, giòi bọ rúc rỉa và lửa không hề tắt” ngay ở trần gian này trong không ít gia đình! Cũng bởi ý nghĩa tình yêu đích thật đã được xã hội cổ võ cho thành một thứ tình ái chộp giật, hay tệ hơn nữa, cho thành một thứ thôi thúc tình dục. Vợ chồng đang vui vẻ đầm ấm, tự nhiên cái bỏ nhau đi theo một tên làm cùng sở. Một đứa con mới lớn chưa kịp học xong, tự nhiên bỏ nhà đi theo một đứa mà ai cũng bảo là “nửa người nửa ngợm nửa đười ươi” cò bơ thất thểu, không có học hành nghề nghiệp và nhà cửa gì hết. Ðúng là nó bị bỏ bùa yêu rồi!

Mà cũng có thể là một loại bùa yêu thật. Vì đó là một phản ứng hóa chất trong cơ thể con người tiết ra làm mê mẩn tim gan khi bén mùi tình. Nếm vào rồi thì cũng giống như bị bùa mê vậy. Hội Thăng Tiến Khoa Học Mỹ (American Association for the Advancement of Science) trong một phúc trình ở Seattle vào năm 1997 đã cho biết một kết quả rất đáng chú ý về hiện tượng “phải lòng” (fall in love, infatuation) hay “trúng bùa yêu” này :

Trai gái bén nhau cũng giống như lửa bén rơm vậy. Cơn cháy bùng cũng rất tự nhiên. Khi bị tiếng sét tình ái đánh trúng tim thì bàn tay rịn mồ hôi, mặt đỏ bừng lên, hơi thở gấp gáp dồn dập... và lửa bốc. Khi bị “ngã vào tình” thì từ óc tiết ra chất endorphin như chất thuốc phiện xì ke. Khảo sát kỹ thì biết rõ là các chất: adrenalin, dopamine, norepinephrine, và nhất là phenylethylamine (PEA). Anthony Wash bảo “tình ái” là tiếng còi dội lên từ nhà máy PEA. Những chất này, theo Helen Fisher trong cuốn “Giải Phẫu Tình Yêu,” là những chất kích thích óc làm đê mê thích thú như thuốc phiện, làm cho lên hứng (get high), có sức giảm đau, không còn biết sợ. Chất này cũng giống chất trong sô-cô-la. Vì vậy mà mùa Valentine người ta bán sô-cô-la hình trái tim đầy khắp các chợ. Tha hồ mà ngọt. Tha hồ mà mê.

Người Việt mình chả cần phải biết chi tiết các chất mê trên, cứ theo kinh nghiệm thì cũng đủ thấy: lửa gần rơm lâu ngày cũng bén. Thế nên cũng cần phải có những đèn xanh đèn đỏ kỷ cương tối thiểu mà giữ gìn, mà đảm bảo “khoảng cách an toàn khi lái xe,” bình xịt tắt lửa phải để gần. Chứ cứ để bừa cái bầu khí buông thả như trong xã hội này thì thật khó mà tránh được những bùng nổ. Khi đã có cơ hội, lửa đã bén vào đến tim rồi, thì sở chữa lửa cũng chịu bó tay thôi.

Người ta còn thí nghiệm xa hơn nữa: lấy chất hormone là oxytocin chích vào hai con chuột, thì đang dửng dưng bỗng chúng vồ vập quấn quít lấy nhau. Và nếu lấy chất đó đi rồi thì hai con chuột lại trở về tình trạng dửng dưng như cũ.

Vấn đề đáng sợ ở chỗ: đã có hiện tượng trúng tình thì cũng có hiện tượng nhạt tình. Nghĩa là chất mê tiết ra khi hai người bị trúng tình chỉ kéo dài một thời gian khoảng một năm rưỡi đến hai năm mà thôi, sau đó khi gần nhau thì chất này nhạt phai dần đi, trả lại cho hai “đương sự” cái dửng dưng bình thường “một ngày như mọi ngày!”

TÌNH YÊU, TÌNH ÁI HAY TÌNH DỤC?

Ở Việt Nam phong trào Ðoạn Tuyệt hồi nào đã dứt khoát chế nhạo đả phá chế độ gia đình cũ có nề có nếp để “theo mới hoàn toàn theo mới không chút do dự!” Giá trị gia đình cũng bị đặt lại để theo cái mẫu tự do luyến ái của Tây phương tiến bộ. Ðang khi nhà tâm lý nổi tiếng là Robert Johnson trong phần nhập đề cuốn “Chúng Ta” (We), lại nhận định: Văn hóa Tây phương hiện nay quá cổ võ thứ tình lửa bỏng; ở Á đông, thứ tình yêu đích thực được chú trọng: gia đình êm ấm và bền vững chung thủy. Vì việc cưới hỏi được gia đình hai bên xem xét cân nhắc thận trọng. Còn thứ tình ái thả dàn đồng hóa với tình dục như chúng ta đề cao ngày nay không phải là tình yêu thật, đó chỉ là hiện tượng bốc lửa (infatuation), chỉ đưa đến cháy nhà.

Và nhà tâm lý M. Scott Peck trong cuốn Con Ðường Ít Người Ði (The Road Less Traveled), “best-seller” trong nhiều năm, đã dành cả một phần cho đề tài tình yêu, trong đó ông phân tích rất kỹ hiện tượng “Bén Lửa”. Ðã có truyện trúng tình (fall in love), thì cũng có truyện nhạt tình (fall out of love). Người trúng tình bén lửa thì cũng giống như trúng gió, không còn làm chủ được mình nữa, không còn có vấn đề lựa chọn, vì lúc đó người yêu trở thành tuyệt đối và tuyệt vời, không có gì chê được, không có một trở ngại nào cản nổi: dẫu trăm chỗ lệch cũng kê cho bằng, một túp lều tranh hai trái tim vàng; mọi lời bàn và mọi can ngăn trở thành vô ích. Người trúng tình thấy rõ không thể sống được nếu không chiếm được người yêu: không lấy được thì sẽ chết! Vậy mà khi đã toại nguyện thì lại chóng tàn. Thê thảm là ở chỗ đó.

Tình yêu đặt nền trên cơ sở tình ái phóng túng là sai trệch. Cũng vì thế mà gia đình lung lay tận gốc rễ, không có gì giữ lại được nữa khi xuân đã tàn, duyên đã phai, và chất “bùa yêu” đã loãng dần ra với tháng năm.

TIN VUI THỂ HIỆN VALENTINE (Chúa nhật 6 C)

Ngày Valentine có sự tích rất xa xưa, từ thời văn minh đế quốc Roma. Hằng năm dân chúng mừng lễ thần Faunus là thần của mùa màng phì nhiêu vào ngày 15 tháng 2. Tối hôm trước, tức ngày 14 tháng 2, trai gái tụ họp rút thăm cầu may chọn được bạn đường. Rồi không biết từ hồi nào, ngày này đã trở thành ngày Valentine. Có người còn gọi là “thánh” Valentine, nhưng chẳng đào đâu trong sổ sách có ông thánh này. Truyền thuyết nói rằng vào thế kỷ thứ ba, thời hoàng đế Claudius II, tất cả con trai trong đế quốc không được phép lấy vợ mà phải xung vào lính để đi đánh trận. Nhưng trai gái yêu nhau mà phải xa cách thì cũng tội lắm. Thế là có một linh mục tên là Valentine đã thương tình bí mật làm phép cưới cho họ, bất chấp hiểm nguy. Câu chuyện bị phát giác, linh mục Valentine bị bắt và bị xử tử vào ngày 14 tháng 2 năm 269.

Câu truyện truyền thuyết đúng tới cỡ nào thì chả ai biết được, nhưng đã trở thành biểu tượng của tình thương điÔch thực, diễn tả rất đúng về tình yêu mà Chúa Giêsu đã định nghĩa: Không ai có tình yêu lớn hơn người thí mạng mình cho người mình thương. Và Mẹ Têrêsa với dòng Bác Ái đã thể hiện với những người cùng khổ bên Calcutta: Yêu là cho đi cho đến khi cảm thấy đau (Love means giving until it hurts).

Như vậy, tình yêu không phải là chờ được cái này cái kia, như nhiều bài thơ bài nhạc thường diễn tả, mà là sẵn sàng chấp nhận được mọi thử thách, mọi hy sinh, cho nhau và vì nhau: khi thịnh vượng cũng như lúc gian nan, khi bệnh hoạn cũng như lúc mạnh khỏe. Kinh nghiệm mỗi người đều nhận thấy: những lúc cảm động và sung sướng nhất đời lại là những lúc gian khổ có nhau, nghèo nàn cùng cực có nhau, những giọt nước mắt ngọt bùi ướp đượm tình nồng. Còn những lúc đi bon chen tìm giầu tìm hồ hởi... thì lại thường làm cho xa cách, dễ sinh tật. Chính vì thế mà Tin Vui tuần này xem ra rất mâu thuẫn, nhưng lại là chìa khóa của tình yêu hạnh phúc. Chỉ khi nào người ta thấy những cái hồ hởi kiếm tìm hiện tại không làm cho mình no thỏa hạnh phúc, mà còn đói khát một cái gì sâu xa hơn cho tinh thần:

“Phúc cho anh em là những kẻ nghèo khó, vì nước Thiên Chúa là của anh em. Phúc cho anh em là những kẻ bây giờ đang phải đói, vì Thiên Chúa sẽ cho anh em được no lòng. Phúc cho anh em là những kẻ bây giờ phải khóc, vì anh em sẽ được vui cười. Phúc cho anh em khi vì Con Người mà bị người ta oán ghét, khai trừ, sỉ vả và bị xóa tên như đồ xấu xa. Ngày đó, anh em hãy vui mừng nhảy múa, vì này đây phần thưởng dành cho anh em ở trên trời thật lớn lao.” (Luca 6:20-23)

PHÚT TỊNH TÂM

Vâng, Con Ðường Ít Người Ði lại là con đường tình yêu đích thật. Và chỉ có con đường này mới làm cho tình yêu nở hoa hạnh phúc. Vì Chúa đã quan sát và nói rõ:

“Hạt lúa nếu không rơi xuống đất và chịu thối mục, sẽ vẫn trơ trọi một mình”. (Gioan 12:24). “Ai cố giữ mạng sống mình thì sẽ mất, ai vui chết đi sẽ được sống tròn đầy” (Gioan 12:25).

Hòa theo bài hát The Rose của Amanda McBroom, con đang thấy mình là một hạt cây. Con bằng lòng chấp nhận những thử thách và hy sinh đang hành khổ vùi giập con cho thối mục đi. Ðiều này thật cần thiết. Trong viễn kiến, một hình ảnh đẹp đang múa nhảy trong nắng mới lên:

NỤ HỒNG

(lời Việt của Lm. Vũ Hân và Lm. Trần Cao Tường).

1. Tình Yêu đó, cuốn hút như sông sâu, xô dập, sậy lau sức yếu.

Tình Yêu đó, sắc bén như mũi dao, đâm vào, rạch tim nứt máu.

Tình Yêu đó, nôn nao cơn đói cồn cào, nhức nhối, đớn đau vô cùng

Tình Yêu Mẹ biết, sẽ thắm như đóa hoa, nhưng con là, hạt cây chịu mục.

2. Một tâm hồn yếu, không dám tung mở ra, nào được nhìn, niềm vui nhảy múa.

Chìm trong mộng mơ, không dám mở mắt trông, không bao giờ, cơ may đến với.

Này hãy nhìn xem: Ai oán trách lúc bị đoạt, nay đâu biết, sướng vui ban tặng!

Một tâm hồn yếu, không dám vui chết đi, không bao giờ, được sống tròn đầy.

3. Màn đêm rủ xuống, sao quá cô đơn, con đường thật dài, chìm trong tăm tối.

Tình Yêu đó, ai ví như mưa rơi, cho ai may được, hay ai lấn hấng.

Này con hãy nhớ: Gió rét buốt tước trụi cành, tuyết lớp lớp, lấp chôn muôn vật.

Mầm cây nằm thiếp dưới đất như ngủ yên, nhưng khi Xuân về, trổ sinh NỤ HỒNG.


Lm. Trần Cao Tường