Hội thảo khoa học quốc tế về Triết học và Tôn giáo học

Từ khi thành lập năm 2006 đến nay, Trung tâm Nghiên cứu Tôn giáo đương đại của Trường Đại học Khoa học xã hội và Nhân văn Hà Nội, được sự giúp đỡ của tổ chức Missio Đức, hàng năm đều tổ chức cuộc hội thảo quốc tế. Năm nay, trong 2 ngày 12 và 13-11-2015, Trung tâm và Khoa Triết học của trường tổ chức cuộc hội thảo quốc tế với chủ đề: Nghiên cứu và giảng dạy tư tưởng Đức ở các trường đại học (ảnh trên).

Mở đầu cuộc hội thảo, sau lời chào mừng của GS.TS Nguyễn Văn Kim, Hiệu phó nhà trường, TS Harald Suermann, Giám đốc Viện Nghiên cứu Khoa học về Tôn giáo của Missio và TS Anke Stahl , đại diện Quỹ trao đổi Hàn lâm Đức DAAD đã chúc mừng Hội thảo và Quý vị tham dự đồng thời hứa sẽ tiếp tục tài trợ cho nghiên cứu, trao đổi khoa học của Trung tâm. Đã có 59 báo cáo được gửi đến và được chia làm 3 tiểu ban: Các vấn đề triết học, siêu hình học, nhận thức luận, đạo đức, mỹ học; triết học xã hội; Các vấn đề thần học và nghiên cứu tôn giáo và việc giảng dạy tư tưởng Đức ở các trường đại học.

Năm nay, có nhiều học giả đến từ Áo, Đức, Đài Loan, Australia, Indonesia, Nga, Hoa Kỳ và Việt Nam (ảnh dưới). Các báo cáo đều đánh giá cao các nhà tư tưởng Đức từ triết học, thần học, xã hội học đến văn học, mỹ học, đạo đức học đã gây dấu ấn trong lịch sử tư tưởng của thế giới nhưng tiếp thu thì rất khác nhau. Ví dụ, GS.TS Bernie A. Risakotta từ Đại học Gadjah Mada, Indonesia cho rằng, Mác khi nhận xét tôn giáo có cả yếu tố tích cực, có yếu tố tiêu cực nhưng có nước chỉ nói đến những nhận xét tiêu cực, có nước lại chỉ dẫn ra yếu tố tích cực mặc dù đều dẫn lời của Mác. Tại Indonesia, cấm dạy chủ nghĩa Mác, còn Việt Nam coi là hệ tư tưởng chính. GS.TS Winfietd Loffler đến từ Đại học Innbruck, Austria đã trình bày cuộc tranh luận giữa Đức và Pháp về Triết học Kitô giáo có hay không? Rất hấp dẫn. Một tham dự viên hỏi: GS có tin Chúa không và cơ sở của niềm tin đó là gì? GS Loffler trả lời: Tôi là tín đồ Công Giáo nên đương nhiên tôi tin có Chúa, vì có Chúa mới lý giải được sự tồn tại của vũ trụ và loài người. TS. Savio Pham đến từ Hoa Kỳ trước khi trình bày tham luận đã làm trắc nghiệm: Quý vị nào tin vào chủ nghĩa Mác giơ tay? Chỉ có những đại biểu đứng tuổi của Việt Nam giơ tay. GS Trần Văn Đoàn cho rằng không nên làm thế vì ở Việt Nam tế nhị lắm, nếu làm thì nên làm phiếu kín, kết quả sẽ rất khác. TS Savio Phạm nói rằng, học Triết học là cung cấp phản tư cho người học. Nếu học Triết mà không biết tự vấn lương tâm, không phản tư, phản biện là thất bại. Khi TS Pao Shen Ho đến từ Đại học Fujen, Đài Loan trình bày cuộc tranh luận giữa hai triết gia Lebniz và Rowe về chuyện Chúa có toàn năng, tự do và hoàn thiện không? Vì Chúa dựng lên loài người, vũ trụ đầy khiếm khuyết, tội ác. TS Phạm Huy Thông đã nhận xét rằng, câu chuyện tranh luận trên đây chỉ là tư biện chứ không có tính thực tiễn vì các triết gia có phải Chúa đâu mà biết suy nghĩ của Chúa thế nào, bởi Kinh thánh chỉ nói con người giống hình ảnh Thiên Chúa chứ không nói con người nghĩ như Chúa, giống như truyện cổ Trung Hoa, Trang Tử dẫn người bạn đến bên bể cá và nói, trông đàn cá sung sướng chưa, nó đang tung tăng bơi lội. Người bạn bảo: ông có phải là cá đâu mà biết nó sung sướng? Trang Tử phản công lại: Vậy ông có phải là cá đâu mà ông biết nó không vui? Khi đại diện Khoa Triết ước mong có được tài trợ học bổng cho sinh viên đi học ngoại ngữ ở Đức, ở Anh để dịch các tác phẩm của các triết gia kinh điển vì hiện trạng tai Việt Nam tam sao thất bản, ảnh hưởng không tốt đến việc học tập, nghiên cứu các triết gia. GS.TS Trần Văn Đoàn, đến từ Đại học quốc gia Đài Loan hiến kế. Đừng làm thế, tốn tiền và chậm lắm. Hãy học ngoại ngữ ngay trong nước và dịch ngay trong nước. Trước đây, ở miền Nam, dưới sự hướng dẫn của giáo viên, sinh viên năm 1 đã dịch các tác phẩm kinh điển và giáo viên chỉ việc hiệu đính là đem in vì dịch tác phẩm không cần mất thời giờ học ngoại ngữ như nói. TS. Phạm Huy Thông đã trình bày tham luận nhan đề: Có Triết lý, Triết học Kitô giáo không? Quan niệm và giảng dạy triết học ở các chủng viện Công Giáo Việt Nam. Tác giả đã cho rằng, có Triết lý Kitô giáo nhưng không có Triết học Kitô giáo đúng như GS Nguyễn Văn Trung đã nhận định về Việt Nam: có triết lý nhưng không có Triết học.

Sau 2 ngày làm việc , cuộc Hội thảo đã thành công tốt đẹp.

Triết Giang