Lúc 7 giờ 15 phút sáng thứ Tư 25 tháng 11, Đức Thánh Cha đã đến phi trường quốc tế Fiumicino, cách Vatican 29 cây số, để đáp máy bay đi Kenya.

Chào đón và tiễn chân Đức Thánh Cha tại phi trường có Đức Cha Gino Reali, Giám Mục giáo phận Porto-Santa Rufina, bao gồm phi trường Fiumicino. Chiếc A330 của hãng hàng không Alitalia đã cất cánh lúc 7 giờ 45 và phải bay mất gần 7 tiếng vượt đoạn đường dài 5,389 cây số để đến thủ đô Nairobi của Kenya.

Đức Thánh Cha Phanxicô đã đáp xuống phi trường quốc tế Jomo Kenyatta lúc 16:40 cùng ngày, tức là 20’ sớm hơn dự liệu.

Qúy vị và anh chị em có thể thấy an ninh rất nghiêm ngặt đến mức các Giám Mục ra đón ngài cũng phải đứng ở vòng ngoài.

Giờ đây Đức Thánh Cha đang vào trong phòng khánh tiết sân bay để ký sổ lưu niệm trong khi các đoàn múa hát của anh chị em giáo dân tiếp tục nhảy múa bên ngoài.

Kính thưa quý vị và anh chị em,

Chân Phước Giáo Hoàng Phaolô Đệ Lục đã trở thành vị Giáo Hoàng hiện đại đầu tiên đến Phi Châu vào năm 1969 và tuyên bố châu lục này một “quê hương mới” cho Chúa Giêsu Kitô. Trong triều đại giáo hoàng kéo dài một phần tư thế kỷ của mình, Thánh Gioan Phaolô II đã đến 42 quốc gia châu Phi và được người dân châu lục này tặng cho biệt danh “Giáo Hoàng Phi Châu.” Đức Giáo Hoàng Bênêđíctô thứ 16 cũng từng thăm viếng châu Phi và gọi lục địa này là hy vọng của Giáo Hội. Trong những ngày sắp tới đây, Đức Thánh Cha Phanxicô sẽ tiếp nối truyền thống những người tiền nhiệm của ngài khi tông du một khu vực có số lượng ngày càng tăng những người Công Giáo, một khu vực được nhiều người đánh giá là một bức tường thành cho một Giáo Hội đang tìm cách mở rộng sự lôi cuốn của mình trong khi quyết liệt chống trả lại những thách thức từ chủ nghĩa thế tục, đến chủ nghĩa bài Công Giáo và chủ nghĩa cực đoan bạo lực.

Cuộc tấn công khủng bố tại Paris hôm 13/11, và cuộc tấn công sau đó tại Mali một tuần sau đó chắc chắn sẽ là một chủ đề quan trọng trong chuyến đi kéo dài từ thứ Tư 25 tháng 11 cho đến 30 tháng 11 của Đức Thánh Cha tại Kenya, Uganda và Cộng hòa Trung Phi. Nhưng, đó cũng đồng thời là nguồn gốc gợi lên những âu lo cho an ninh của Đức Thánh Cha trong chuyến tông du đầy nguy hiểm này.

Mỗi một nước trong ba nước này đều có những câu chuyện riêng của họ về những chia rẽ sắc tộc và tôn giáo. Ở Kenya, điểm dừng chân đầu tiên trong chuyến tông du của ngài, Đức Thánh Cha Phanxicô dự kiến sẽ đưa ra một lời khích lệ cho các Kitô hữu vẫn còn quay cuồng sau một cuộc tấn công hồi tháng Tư vừa qua của nhóm Hồi giáo al-Shabab, là những kẻ đã giết chết gần 150 người tại một trường đại học của Kenya nơi phần lớn sinh viên là Kitô hữu.

Cha Stephen Okello, một linh mục Công Giáo Kenya, nhận xét rằng Đức Thánh Cha sẽ tiếp cận với “những người vẫn còn rất sợ, những người đã từng bị khủng bố, những người ngày qua ngày đã và đang phải chịu rất nhiều phiền hà bởi cơ man những trạm kiểm soát an ninh và tất cả những tệ đoan xuất phát từ đó”. Cha Stephen cũng không quên nhắc lại những vụ bạo động sắc tộc trong cuộc bầu cử hồi năm 2007 gây ra cái chết của hơn 1,000 người tại Kenya.

“Người Kenya thực sự cần hòa giải,” cha Stephen, trong ban tổ chức chuyến thăm của Đức Giáo Hoàng nói thêm. Trước tình trạng bạo lực lan tràn trong các khu vực khác, cha bày tỏ hy vọng lạc quan rằng “điều này có thể là một thông điệp tốt cho toàn bộ châu Phi”.

Jo-Renee Formicola, một chuyên gia và là giáo sư khoa học chính trị tại Đại học Seton Hall ở Hoa Kỳ nhận định rằng thách thức đối với Đức Giáo Hoàng, là người đã mô tả bạo lực bùng lên tại Paris và các nơi khác như một phần của “chiến tranh thế giới thứ ba từng mảng” là làm sao kêu gọi người dân “vượt lên trên con người của mình” chống lại cám dỗ chiều theo những thái độ cứng rắn, ăn miếng trả miếng.

“Làm thế nào để bạn hòa giải được giữa lòng thương xót và bạo lực tàn nhẫn của chiến tranh?” Formicola hỏi.

Bên cạnh những cuộc xung đột đẫm máu khắp đại lục này, Đức Thánh Cha Phanxicô cũng được dự kiến sẽ động chạm đến những chủ đề thân thiết với trái tim mình, và được quan tâm rất lớn tại châu Phi, đó là chuyện nghèo đói và môi trường, cũng như nhu cầu đối thoại giữa Kitô hữu và người Hồi giáo.

Bất chấp những thách thức, châu Phi là một nơi hứa hẹn cho Giáo Hội Công Giáo, trái ngược với châu Âu và châu Mỹ nơi Giáo Hội đang vất vả đương đầu với sự gia tăng của chủ nghĩa thế tục và sự cạnh tranh quyết liệt của Tin Lành.

82.5% trong tổng số 45 triệu dân Kenya theo Kitô Giáo trong đó người Công Giáo chiếm 24% dân số. Người Hồi Giáo chỉ chiếm 11% tại quốc gia. Tuy nhiên, trong thời gian qua, nhiều nhóm cực đoan Hồi Giáo đã muốn biến Kenya thành một quốc gia Hồi Giáo. Lúc 5:30 sáng ngày thứ Năm 2 tháng 4, tức là thứ Năm Tuần Thánh vừa qua, bọn khủng bố Al-Shabaab với chủ trương nhằm thiết lập một nhà nước Hồi Giáo theo luật Sharia tại Kenya đã gây ra cuộc thảm sát tại Đại Học Garissa, cách thủ đô Nairobi của Kenya 350km về hướng Đông Bắc và cách biên giới với Somali 150km. 148 sinh viên bị giết chết và 79 sinh viên khác bị thương nặng.

Mohamed Mohamud, một thầy giáo người Kenya đã dạy học nhiều năm tại nước này cùng với Abdirahim Abdullahi, đã từng tốt nghiệp Luật Khoa tại đại học Nairobi vào năm 2013 và là con trai của tỉnh trưởng tỉnh Mandera, ở phía Bắc Kenya, giáp biên giới với Kenya đã dẫn đường cho bọn khủng bố Al-Shabaab từ Somali đột nhập vào Kenya gây ra cuộc thảm sát này. Abdirahim Abdullahi bị bắn chết cùng với 3 tên khủng bố khác trong khi Mohamed Mohamud nhanh chân tẩu thoát. Chính phủ trao giải thưởng lên đến 215,000 Mỹ Kim cho ai chỉ điểm dẫn đến việc bắt sống hay giết chết y nhưng đến nay vẫn chưa biết tông tích tên khủng bố này.

Kenya có 4 tổng giáo phận, 21 giáo phận và một miền Giám Quản Tông Tòa.

Lúc 18:00, nghi thức đón tiếp chính thức đã diễn ra tại dinh tổng thống.

Sau 21 phát súng chào mừng, Đức Giáo Hoàng Phanxicô đã có bài diễn từ trước tổng thống, đại diện chính quyền dân sự của Kenya và ngoại giao đoàn, Đức Thánh Cha nói:

Kính thưa Tổng Thống,

Kính thưa các Nhà Lãnh Đạo Chính Phủ và Dân Chính,

Kính thưa các Thành Viên Ngoại Giao Đoàn,

Kính thưa các Hiền Huynh Giám Mục

Kính thưa qúy Bà và qúy Ông,

Tôi rất biết ơn sự nghinh đón nồng hậu của qúy vị nhân chuyến viếng thăm này, chuyến viếng thăm Phi Châu đầu tiên của tôi. Tôi cám ơn ngài, thưa Tổng Thống, vì những lời lẽ tốt đẹp của ngài nhân danh dân chúng Kenya, và tôi mong được ở cùng qúy vị. Kenya là một quốc gia trẻ và sinh động, một xã hội đa diện phong phú đang đóng một vai trò quan trọng trong vùng. Về nhiều phương diện, kinh nghiệm hình thành nền dân chủ của qúy vị đã được nhiều quốc gia Phi Châu khác chia sẻ. Giống Kenya, họ cũng đang cố gắng xây dựng một xã hội đa sắc tộc hết sức hòa hợp, công bằng và bao gồm mọi người, trên nền móng vững chắc của tôn trọng lẫn nhau, của đối thoại và hợp tác.

Quốc gia của qúy vị cũng là một quốc gia của giới trẻ. Trong những ngày ở đây, tôi mong được gặp nhiều người trong số họ, nói chuyện với họ, và khích lệ các hy vọng và khát vọng của họ đối với tương lai. Giới trẻ luôn là tài nguyên qúy giá nhất của bất cứ quốc gia nào. Bảo vệ họ, đầu tư vào họ và giúp họ một tay là cách hay nhất để ta có thể bảo đảm một tương lai xứng đáng với sự khôn ngoan và các giá trị thiêng liêng rất thân thiết đối với các bậc cha ông của họ, các giá trị vốn nằm trong trái tim và linh hồn của một dân tộc.

Kenya vốn được chúc phúc không những trong vẻ đẹp mênh mông, trong núi, song, hồ, rừng, thảo nguyên và bán sa mạc của nó, mà còn vì sự dư dật của tài nguyên thiên nhiên. Dân chúng Kenya biết đánh giá cao các kho báu Chúa ban này và nổi tiếng có một nền văn hóa bảo tồn vốn làm vinh dự qúy vị. Cuộc khủng hoảng trầm trọng về môi sinh đang đe dọa thế giới chúng ta đòi phải có sự mẫn cảm mỗi ngày một lớn hơn đối với mối liên hệ giữa con người và thiên nhiên. Chúng ta có trách nhiệm phải chuyển giao vẻ đẹp của thiên nhiên trong tính nguyên tuyền của nó cho các thế hệ tương lai, và có nghĩa vụ phải thực thi vai trò quản lý một cách công chính đối với các ơn phúc ta đã nhận được. Các giá trị này bén rễ rất sâu trong linh hồn Kenya. Trong một thế giới vẫn đang tiếp tục bóc lột căn nhà chung của chúng ta, thay vì bảo vệ nó, các giá trị này phải linh hứng các cố gắng của các nhà lãnh đạo quốc gia trong việc cổ vũ các mô thức có trách nhiệm đối với việc phát triển kinh tế.

Quả vậy, có một mối liên kết rõ ràng giữa việc bảo vệ thiên nhiên và việc xây dựng một trật tự xã hội công chính và công bằng. Sẽ không thể có việc đổi mới mối liên hệ của ta với thiên nhiên, nếu không có việc đổi mới chính nhân loại (xem Laudato Si’, 118). Bao lâu các xã hội của ta còn trải nghiệm chia rẽ, bất luận là sắc tộc, tôn giáo hay kinh tế, thì mọi người nam nữ có thiện chí vẫn còn được mời gọi làm việc cho hòa giải và hòa bình, cho tha thứ và hàn gắn. Trong công trình xây dựng một trật tự dân chủ vững vàng, củng cố sự gắn bó và hội nhập, khoan dung và tôn trọng người khác, việc mưu cầu ích chung phải là mục tiêu hàng đầu. Kinh nghiệm vốn cho thấy: bạo lực, tranh chấp và khủng bố chỉ nuôi dưỡng sợ hãi, bất tín và thất vọng do nghèo đói và ngã lòng phát sinh ra. Cuối cùng, cuộc tranh đấu chống những kẻ thù của hoà bình và thịnh vượng này phải được thi hành bởi những người nam nữ không biết sợ sệt trong việc tin tưởng vào và làm chứng trung thực cho các giá trị tâm linh và chính trị vĩ đại, vốn linh hứng cho việc ra đời của một quốc gia.

Thưa qúy Bà và quý Ông, việc thăng tiến và bảo tồn các giá trị vĩ đại nói trên được đặc biệt ủy thác trong tay qúy vị, các nhà lãnh đạo đời sống chính trị, văn hóa và kinh tế của xứ sở. Đây là một trách nhiệm lớn lao, một ơn gọi thực sự, trong việc phục vụ toàn thể nhân dân Kenya. Tin Mừng dạy chúng ta rằng những người được ban cho nhiều, sẽ bị đòi hỏi nhiều (Lc 12:48). Trong tinh thần này, tôi khuyến khích qúy vị làm việc trong tinh thần liêm khiết và trong sáng vì ích chung, và phát huy tinh thần liên đới trên mọi bình diện của xã hội. Cách riêng, tôi yêu cầu qúy vị chứng tỏ một quan tâm đích thực đối với các nhu cầu của người nghèo, các khát vọng của người trẻ, và việc phân phối công chính các tài nguyện thiên nhiên và nhân bản mà Đấng Tạo Hóa đã chúc phúc cho đất nước qúy vị. Tôi cam đoan với qúy vị các cố gắng liên tục của cộng đồng Công Giáo trong các công trình giáo dục và bác ái, để cung hiến phần đóng góp chuyên biệt của mình trong các lãnh vực này.

Các bạn thân mến, tôi được cho hay tại đây, tại Kenya này, vốn có truyền thống để các học sinh nhỏ tuổi trồng cây cho hậu thế. Cầu mong cho dấu hiệu hùng biện của hy vọng vào tương lai này, và niềm tin tưởng vào tuổi trẻ do Thiên Chúa ban cho này nâng đỡ tất cả qúy vị trong các cố gắng vun sới một xã hội liên đới, công lý và hòa bình trên mảnh đất quê hương và khắp lục địa Phi Châu vĩ đại. Một lần nữa, tôi xin cám ơn qúy vị vì sự nghinh đón nồng hậu của qúy vị, và tôi khẩn xin Thiên Chúa ban phúc lành dư thừa của Người xuống trên qúy vị và gia đình qúy vị, cũng như trên mọi người dân Kenya yêu qúy.

Mungu abariki Kenya!

Xin Thiên Chúa chúc lành cho Kenya!