MỘT KHOÉ NHÌN VỀ GIÁO HỘI THEO HIẾN CHẾ GAUDIUM ET SPES:
THÁCH ĐỐ VÀ PHÚC LÀNH CHÚA BAN CHO GIÁO HỘI TRONG THẾ GIỚI
Nói đến Vaticanô II, chúng ta không thể không nói đến Hiến chế mục vụ Giáo Hội trong thế giới hôm nay, Gaudium et Spes (GS), Vui Mừng và Hy Vọng. Đây là văn kiện có lẽ bày tỏ đúng trực giác và ý muốn của Đức Gioan XXIII hơn hết. Văn kiện này là nét riêng biệt của Vaticanô II trong dòng lịch sử các công đồng trong Giáo Hội (GH). Từ trước đến này, chỉ một Vaticanô II mới có Hiến chế mục vụ. Công đồng cố tình đặt vào văn kiện này tất cả sức mạnh của hạn từ Hiến Chế, hầu GH hôm nay phải quy chiếu về để rút lấy những đường hướng mục vụ mới mẻ, chân chính và hợp thời từ kho tàng mạc khải vô giá của mình được sánh ví như nguồn mạch tươi mát có khả năng giải khát cho con người, nhất là con người thời đại hôm nay. Hiến chế này biểu lộ GH y như người chủ khôn ngoan lợi dụng mọi sự trong kho của mình.1 Trong GS, chiều kích thần học, thiêng liêng và mục vụ đan kết với nhau một cách tuyệt diệu. 2 Ta dám nói văn kiện này như bản hiến chương mục vụ mà Thánh Thần ban cho GH hôm nay để trở thành mình và chu toàn sứ mệnh xây dựng vương quốc TC nơi thế giới và vũ trụ.
Tôi xin trình bày những điều sau đây. Trước tiên, tôi muốn coi xem nỗ lực của GH thấy mình phải liên kết với thế giới xét theo đòi hỏi của Đức Kitô. Thứ đến, tôi nhận thấy rằng để thật sự dấn thân vào thế giới như Đức Kitô mong muốn, GH buộc phải biết đọc dấu chỉ thời đại. Nhưng đọc dấu chỉ thời đại sẽ phải đi kèm với một thái độ đối thoại trong khiêm tốn như một dấu chỉ về một TC đối thoại với con người trong Giao Ước. Như vậy, trong ánh sáng này, GH hiểu hơn nữa rằng tính cách giằng co hay nghịch lý đang tạo thành lối sống, suy nghĩ và thái độ của mình: vừa ở trong thế giới vừa không thuộc về thế giới; mà điều này vốn không dễ dàng gì cho GH nói chung và cho từng Kitô hữu nói riêng. Sau cùng, qua những suy nghĩ trên, GH lại làm chứng rằng mầu nhiệm nhập thể luôn luôn vừa cũ lại vừa rất mới, nói theo ngôn ngữ của thánh Augustinô. GH trong GS tiếp tục truyền thống tông đồ tuyên tín một cách mới mẻ rằng “Chúa Kitô hôm qua, hôm nay và cho đến muôn đời” (Dt 13, 8).
I : GIÁO HỘI TRONG NỖ LỰC THẤY LẠI CHÍNH MÌNH TRONG THẾ GIỚI
Từ đốm lửa trở thành một luồng sáng
Chúng ta biết được GS không phải là một văn kiện được thoát thai tự trời. Nó được hình thành không phải trong một vài ngày. Trái lại, lịch sử của nó đi liền với lịch sử của những ý thức được lớn lên trong công đồng. Nó được hình thành qua những trao đổi giữa các thần học gia thuộc nhiều trường phái, giữa những chuyên viên về vấn đề trần thế với những vị chủ chăn tinh thần. 3 Lúc đầu nó xuất hiện như một đốm lửa được Đức Gioan XXIII nhen nhúm ngài đề xuất phải trình bày GH với thế giới. Khi những lược đồ được đề xướng để CĐ bàn luận, nó có mặt ở vị trí cuối cùng của 89 lược đồ của Uỷ Ban tiền CĐ. Vị trí ấy có thể mất đi bất cứ lúc nào vì thời gian không cho phép CĐ nhóm họp đến vô tận. Khi CĐ quyết định sau khóa họp đầu tiên rằng phải tổng hợp để giảm số lượng của những lược đồ phải làm việc, thì lược đồ về GH trong thế giới vẫn ở chỗ rốt hết trong số 17 lược đồ. Lược đồ 17 ấy hình như trở thành nổi tiếng bởi vì không được mấy ai để ý. Các chuyên viên đầu tư vào những văn kiện khác, chẳng hạn, văn kiện Tông Đồ Giáo Dân hay Mạc Khải, hơn là trên lược đồ 17. Tệ hơn nữa, nhiều nghị phụ vẫn mong chờ văn kiện này được đục bỏ. Khi Đức Phaolô VI đòi buộc phải cắt giảm các lược đồ nữa, thì lược đồ 17 khẳng định được chỗ đứng vững chắc của mình trong lược đồ 13 nổi tiếng sau này. 4
Lịch sử soạn thảo bản văn cho chúng ta phần nào thấy sự tiến triển trong ý thức của GH. Lúc đầu văn kiện được giao cho Hồng Y Suenens với sự trợ giúp của các thần học gia Bỉ. Nó mang nặng tính chất giáo thuyết. Sự trao đổi và đối thoại đã đưa CĐ đến quyết định lập một Uỷ Ban mà chủ tịch là GM Guano, người đã mời cha Bernard Haring làm thư ký. Uỷ Ban làm việc với phần một là chương mang nặng tính chất lý thuyết và phần phụ lục, thường biết đến là Annexa, bàn đến những vấn đề nóng bỏng như chiến tranh. Nhận thấy sự hụt hẫng của bản văn nếu không có được sự đối thoại cởi mở, thẳng thắn và chân thành giữa tín lý và các lãnh vực xã hội, uỷ ban mở rộng tiếp đón những chuyên viên về các lãnh vực trần thế. Trong khoảng thời gian từ 31 tháng Giêng đến 6 tháng Hai, năm 1965, ngoài 29 nghị phụ công đồng, còn có 38 chuyên viên, 20 dự thính thuộc giáo dân nam nữ và một số chuyên viên khác về những vấn đề nóng bỏng của thế giới tụ họp tại Ariccia để làm việc. Quả thực, chỉ xét riêng về nhân sự soạn thảo bản văn, ta đã có thể mường tượng được sự cách mạng của Vaticanô được thể hiện trong văn kiện này. Lược đồ đã phải trải qua ba năm làm việc mà mọi người liên hệ luôn cảm thấy một sức ép nặng nề của công việc ba năm phải được thu gom vào một ngày vậy. 5 Và như thế, kinh nghiệm về đối thoại đã làm giầu cho GH một cách không ngờ, vì các vấn đề như đọc dấu chỉ thời đại, phẩm giá con người, cộng đồng nhân loại cũng như hiện tương vô thần đã đi vào trong văn kiện cách tự nhiên.
Điều chúng ta vừa nói còn được thấy rõ hơn nữa trong phương pháp của CĐ. So sánh hai văn kiện LG và GS có thể mang lại cho ta một vài ánh sáng đáng ngạc nhiên. Thật vậy, LG nhận định rõ tất cả những gì mình có và mình là đều đến từ TC. LG mô tả một GH phát xuất từ sự hiệp thông giữa Ba Ngôi hoạt động xuyên suốt trong lịch sử nhân loại hầu GH nên bí tích của sự hiệp thông sung mãn ấy. 6 “Ánh sáng muôn dân chính là Chúa Kitô” (LG 1), “Bởi ý định khôn ngoan nhân lành, hoàn toàn tự do và mầu nhiệm” (LG 2), “Chúa Con được phái đến do Chúa Cha, đấng đã tuyển chọn chúng ta nơi Người, trước khi tạo dựng vũ trụ” (LG 3) và “Chúa Thánh Thần được phái đến trong ngày lễ Hiện Xuống” (LG 4) “triệu tập tất cả những người tin kính và mong đợi Chúa Kitô, Đấng ban ơn cứu độ và hiệp nhất” (LG 9). Ta không sợ để nói đó là một Giáo Hội nhìn từ trên. Dĩ nhiên, không phải từ đó mà chúng ta có thể khẳng định chiều kích lịch sử không quan trọng trong LG. Ngược lại thì đúng hơn. LG dành cả số 9 của chương hai để tóm tắt lịch sử cứu độ. Đấy là chúng ta chưa kể đến những số từ số 2 đến số 6.
Thế nhưng, phải đến GS, chúng ta có thể thấy GH đã nhìn thấy một lịch sử cụ thể, tức ở đây và lúc này. Đó là một lịch sử đầy dẫy những ưu sầu và hy vọng, những lo âu và đấu tranh, tức là, một lịch sử thật là con người. 7 Đó là một lịch sử của con người trong đấu tranh và vật lộn để khẳng định phẩm giá của mình, cá nhân cũng như tập thể. 8 Đó là một lịch sử có nhiều yếu tố “làm thối nát nền văn minh nhân loại” nhưng nhất là những vi phạm ấy “lại càng bôi nhọ chính những kẻ chủ động hơn là những kẻ phải chịu sự nhục mạ, đồng thời cũng xúc phạm nặng nề đến dạnh dự của Đấng Tạo Hóa.” 9 Lịch sử ấy đầy những khoảng cách giữa giầu và nghèo, Nam và Bắc, tiến bộ và chậm phát triển. Như thế, GH trong GS được trình bày như một GH nhìn từ bên dưới. 10
Khi đồng hành với thế giới như thế, GH nhận ra những phúc lành của TC ban cho mình xuyên qua thế giới. Thế giới vẫn đầy dẫy những ơn lành của TC, bất chấp những vị ngôn sứ bi quan vẫn muốn loan báo sự ảm đạm miên trường. 11 Hẳn là không phải bây giờ GH mới nhận ra điều này, vì trong mọi thời GH vẫn ca hát “Công trình Ngài, lạy Chúa, quả thiên hình vạn trạng... Ngài đổi mới mặt đất này” (Tv 104, 24. 30). Nhưng không phải là sai lầm khi nói rằng phải đợi đến Vaticanô II, GH mới xác quyết một cách vững chắc về sự hỗ tương năng động giữa công trình của TC trong GH và công trình của Ngài trong dòng chảy xã hội này. CĐ viết mạnh mẽ: “GH thấy mình nhận được nhiều từ thế giới con người và GH cũng đóng góp nhiều cho thế giới ấy để nhân bản hơn.” 12
Hai cực dẫn hướng một Giáo Hội sống với tình yêu mục tử
Ta có thể dùng một lối nói so sánh gây ấn tượng ở đây. Với LG, GH cắm neo kiên vững vào một cực là TC, còn với GS, GH cắm rễ đời sống mình vào một cực thứ hai là thế giới con người. Hai cực ấy mới giữ cho GH tươi trẻ, như niềm ước mơ của Đức Gioan XXIII lẫn Phaolô VI. Khóe nhìn từ trên cao về GH phải khiến GH phụng sự con người ngày một hơn; còn khóe nhìn từ bên dưới về GH phải làm cho GH tìm gặp được Cứu Chúa của mình mà nếu thất bại việc ấy, những công cuộc thành công và hoành tráng nhất của GH nơi thế giới con người cũng chỉ là phân bón mà thôi. 13 GH rõ ràng là tôi tớ của TC để phục vụ con người và GH là tôi tớ của con người để dâng lại cho TC tất cả những gì Ngài ban cho con người vốn theo tự nhiên muốn tôn mình là chúa tể. 14 GH phải vừa đam mê và trung thành với TC cũng như vừa đam mê và trung thành với con người. Vaticanô II đã tìm lại chiều kích năng động này trong bản tính của mình. GH của Vaticanô II ý thức mình phải tiến bước trong hai cực ấy, dẫu biết rằng sự quân bình không phải là dễ dàng. 15
Nói cách khác, GH không thể thấy mình bên ngoài thế giới con người. Theo khóe nhìn của Vaticanô II, một GH lãnh đạm trước những gì đang xẩy ra trong thế giới đồng nghĩa với một GH bị vong thân và không còn đi trên con đường của TC. Quả thực, GH không thể gặp gỡ Đức Chúa một cách cô độc. Được tạo dựng vì con người, GH cũng không thể đạt đến Nước TC mà không có con người. Dòng dõi đông đảo các chứng nhân từ Ignatio thành Antiokia đến Mẹ Têrêsa thành Calcutta minh chứng rằng không ai lên thiên đàng hay xuống hỏa ngục một mình. Như vậy, thất bại trong việc đến với những con người hiện thực, GH cũng có nguy cơ thất bại gặp gỡ và phụng sự TC.
Theo khía cạnh này, GH không cần phải chạy vào một chỗ nào khác ngoài lịch sử để gặp TC. Ngài không ở trong vùng đất tối tăm, nhưng ở trong cõi nhân sinh. 16 Hiển nhiên, một đàng GH xác tín ơn gọi thần linh của mình, nhưng đàng khác GH cũng ở giữa thành đô trần thế, “được gọi để hình thành một gia đình của con cái TC ngay trong lịch sử nhân loại hiện nay và làm tăng trưởng nó cho tới khi Chúa đến.” 17 Thành đô thiên quốc và thành đô trần thế thấm nhập vào nhau đến độ ta không ngần ngại gọi là mầu nhiệm của hành trình lịch sử của TC và con người. 18 Mà trong ánh sáng của LG, mầu nhiệm tiên vàn không phải là điều không thể hiểu cho bằng tiên quyết là sự tỏ lộ diệu kỳ và lạ lùng của TC dưới hình thức dấu chỉ trong lịch sử để cứu độ con người nhờ Đức Kitô, điều được GS công bố. 19 Quả thực, nếu lịch sử đã là nơi chốn duy nhất TC qua Con Ngài và Thần Khí chọn đến gặp gỡ con người, thì GH cũng không thể gặp được Chúa của mình ngoài thế giới con người. 20
Chính suy nghĩ trên đã âm vang sâu đậm trong cách nhìn của GS trên gia đình. Với LG mọi tín hữu đều được kêu mời nên thánh và người Kitô hữu ở trong thực tại trần thế như linh hồn trong thân xác, 21 thì GS đã dám xác quyết giữa những biến động đang xẩy đến cho gia đình như muốn làm lung lay tận gốc rễ của thực tại này, 22 người tín hữu vẫn nhận được những đóng góp từ xã hội để giúp cho họ tìm gặp TC trong gia đình cũng như họ được mời gọi liên kết với những gia đình khác nhân bản hóa môi trường. Quả thực, “Giáo dục một người phụ nữ là giáo dục cả một thế hệ.”
Những suy tư trên cho ta thấy lời mở đầu của GS cũng chính là lời tuyên ngôn về phong cách mục vụ của GH hôm nay: mật thiết chia sẻ thân phận của con người. Không một biến động nào của nhân loại mà không âm hưởng trên GH trên cả bình diện mục vụ lẫn suy tư thần học. 23 Chúng ta khó lường hết được những hoa trái phát sinh từ đó, nếu chúng ta không xem những lời tuyên ngôn ấy chỉ là hoa mỹ văn chương mà thôi. Thực vậy, chính Đức Phaolô VI đã cách mạng đứng trước Liên Hiệp Quốc như guồng máy chính trị của nhân loại để nói lên sự liên đới và quan tâm của GH về sự thịnh vượng chung của nhân loại. 24 Cũng chính ngài đến với thế giới Á châu, tượng trưng cho thế giới văn hóa-tôn giáo-không-Kitô-giáo của các dân tộc. Ngài đến như một người tôi tớ nhận ra được những dấu vết của Thánh Thần giữa dòng lưu chảy đó. Ngài viết Á châu như là cái nôi của các tôn giáo và đã góp phần nâng đỡ sự lành mạnh của thế giới. Chúng ta còn thấy cả một Giám Mục Romero biểu tượng một lối tử đạo mới: chết và làm chứng đến cùng cho nhân phẩm bị đe dọa trước những thế lực tiền tài và quyền thế. Lối tử đạo mới của GH đang phải tiến bước chính là chống lại ngẫu tượng Mammon đang tung hoành trong thế giới hôm nay. GH cũng vui mừng vì người nữ tu thường được gọi là Mẹ Têrêxa thành Calcutta minh họa một lối tu trì mới như tình yêu kitô hữu không hề hay được phép bị ngăn cách bởi giai cấp, tôn giáo, chủng tộc đến nỗi bà, vốn là một người ngoại quốc, lại được cả dân Aán Độ bất kể tôn giáo thừa nhận là người con cưng của Ấn Độ. Không lạ lùng hay sao một người ngoại quốc có niềm tin hoàn toàn khác biệt lại được toàn dân Aán Độ tự hào và cử hành tang lễ như con dân ưu tú nhất của mình, bởi vì bà đã là GH theo một cung cách mới, nói theo Liên Hiệp các Hội Đồng Giám Mục Á Châu (FABC)? 25 GH mà Mẹ Têrêxa trình bày cũng sẽ là GH quyền lực nhất thế giới, như lời của Kofi Anan, Tổng Thư Ký LHQ ca tụng bà khi bà qua đời. Quả thực, người con của GH cũng rất thực là người con của thế giới. 26 Theo khía cạnh này, công giáo tính hẳn không thể được hiểu một theo cách mới mẻ nữa hay sao: dấu chỉ và khí cụ của sự hiệp thông giữa TC và con người và giữa con người với nhau ?
Chiều hướng được khai mở này lại được Đức Gioan Phaolô II, một người con của Công Đồng, mạnh mẽ triển khai, bất chấp mọi khó khăn. 27 Với ngài, GH kiên quyết chọn con người làm con đường để đến với TC. 28 Đó là con người cụ thể mà Đức Kitô đã từng đồng nhất với và đã đổ máu ra cứu chuộc, cho dẫu họ vẫn chưa biết Ngài. 29 Chính con người cụ thể với những khía cạnh muôn hình vạn trạng của họ quyết định đường lối truyền giáo của GH trong thiên niên kỷ thứ ba. 30 Cũng thế, FABC quyết liệt trình bày bộ mặt của một GH phục vụ mà không đòi một quyền lợi nào ngoại trừ quyền được phục vụ con người. 31 GH tại Á châu dẫu chỉ là một đàn chiên nhỏ bé, muốn đóng vai trò hòa giải, liên kết, liên đới và chia sẻ với mọi người trong các cộng đồng nhân loại cơ bản. 32 GH ở Á châu sẽ nổi bật như một chứng tá hùng hồn khi không tự hào về những công việc và những cơ sở mình làm được, nhưng khi là GH của người nghèo, chứ không chỉ là GH từ người nghèo. 33 Chính lá thư 1980 của GHVN được khởi hứng rõ rệt tự GS cũng không làm gì khác hơn là muốn chia sớt ngọt bùi với vận mạng của dân tộc và tìm thấy nơi lòng dân tộc chỗ hẹn mà TC muốn gặp mình. Cho phép tôi trích lại một đoạn đầy sức mạnh.
Là Hội Thánh trong lòng Dân tộc Việt Nam, chúng ta quyết tâm gắn bó với vận mạng Quê hương, noi theo truyền thống Dân tộc hòa mình vào cuộc sống hiện tại của Đất Nước. Công đồng dạy rằng ‘Hội Thánh phải đồng tiến với toàn thể nhân loại và cùng chia sẻ một số phận trần gian với thế giới’ (MV 40, 2). Vậy chúng ta phải đồng hành với Dân tộc mình, cùng chia sẻ một cộng đồng sinh mạng với dân tộc mình, vì Quê hương này là nơi chúng ta được TC mời gọi để sống làm con của Người, Đất Nước này là lòng Mẹ cưu mang chúng ta trong quá trình thực hiện ơn gọi làm con TC, Dân tộc này là cộng đồng mà Chúa trao cho chúng ta để phục vụ với tính cách vừa là công dân vừa là thành phần Dân Chúa. 34
Chúng ta đang muốn lấy phương thức mục vụ của GS làm của mình. Và chúng ta tin chắc một mùa màng phong phú cho GH chúng ta sẽ đến.
Còn tiếp, ngày mai : II GIÁO HỘI NỖ LỰC ĐỌC RA DẤU CHỈ THỜI ĐẠI.
THÁCH ĐỐ VÀ PHÚC LÀNH CHÚA BAN CHO GIÁO HỘI TRONG THẾ GIỚI
Nói đến Vaticanô II, chúng ta không thể không nói đến Hiến chế mục vụ Giáo Hội trong thế giới hôm nay, Gaudium et Spes (GS), Vui Mừng và Hy Vọng. Đây là văn kiện có lẽ bày tỏ đúng trực giác và ý muốn của Đức Gioan XXIII hơn hết. Văn kiện này là nét riêng biệt của Vaticanô II trong dòng lịch sử các công đồng trong Giáo Hội (GH). Từ trước đến này, chỉ một Vaticanô II mới có Hiến chế mục vụ. Công đồng cố tình đặt vào văn kiện này tất cả sức mạnh của hạn từ Hiến Chế, hầu GH hôm nay phải quy chiếu về để rút lấy những đường hướng mục vụ mới mẻ, chân chính và hợp thời từ kho tàng mạc khải vô giá của mình được sánh ví như nguồn mạch tươi mát có khả năng giải khát cho con người, nhất là con người thời đại hôm nay. Hiến chế này biểu lộ GH y như người chủ khôn ngoan lợi dụng mọi sự trong kho của mình.1 Trong GS, chiều kích thần học, thiêng liêng và mục vụ đan kết với nhau một cách tuyệt diệu. 2 Ta dám nói văn kiện này như bản hiến chương mục vụ mà Thánh Thần ban cho GH hôm nay để trở thành mình và chu toàn sứ mệnh xây dựng vương quốc TC nơi thế giới và vũ trụ.
Tôi xin trình bày những điều sau đây. Trước tiên, tôi muốn coi xem nỗ lực của GH thấy mình phải liên kết với thế giới xét theo đòi hỏi của Đức Kitô. Thứ đến, tôi nhận thấy rằng để thật sự dấn thân vào thế giới như Đức Kitô mong muốn, GH buộc phải biết đọc dấu chỉ thời đại. Nhưng đọc dấu chỉ thời đại sẽ phải đi kèm với một thái độ đối thoại trong khiêm tốn như một dấu chỉ về một TC đối thoại với con người trong Giao Ước. Như vậy, trong ánh sáng này, GH hiểu hơn nữa rằng tính cách giằng co hay nghịch lý đang tạo thành lối sống, suy nghĩ và thái độ của mình: vừa ở trong thế giới vừa không thuộc về thế giới; mà điều này vốn không dễ dàng gì cho GH nói chung và cho từng Kitô hữu nói riêng. Sau cùng, qua những suy nghĩ trên, GH lại làm chứng rằng mầu nhiệm nhập thể luôn luôn vừa cũ lại vừa rất mới, nói theo ngôn ngữ của thánh Augustinô. GH trong GS tiếp tục truyền thống tông đồ tuyên tín một cách mới mẻ rằng “Chúa Kitô hôm qua, hôm nay và cho đến muôn đời” (Dt 13, 8).
I : GIÁO HỘI TRONG NỖ LỰC THẤY LẠI CHÍNH MÌNH TRONG THẾ GIỚI
Từ đốm lửa trở thành một luồng sáng
Chúng ta biết được GS không phải là một văn kiện được thoát thai tự trời. Nó được hình thành không phải trong một vài ngày. Trái lại, lịch sử của nó đi liền với lịch sử của những ý thức được lớn lên trong công đồng. Nó được hình thành qua những trao đổi giữa các thần học gia thuộc nhiều trường phái, giữa những chuyên viên về vấn đề trần thế với những vị chủ chăn tinh thần. 3 Lúc đầu nó xuất hiện như một đốm lửa được Đức Gioan XXIII nhen nhúm ngài đề xuất phải trình bày GH với thế giới. Khi những lược đồ được đề xướng để CĐ bàn luận, nó có mặt ở vị trí cuối cùng của 89 lược đồ của Uỷ Ban tiền CĐ. Vị trí ấy có thể mất đi bất cứ lúc nào vì thời gian không cho phép CĐ nhóm họp đến vô tận. Khi CĐ quyết định sau khóa họp đầu tiên rằng phải tổng hợp để giảm số lượng của những lược đồ phải làm việc, thì lược đồ về GH trong thế giới vẫn ở chỗ rốt hết trong số 17 lược đồ. Lược đồ 17 ấy hình như trở thành nổi tiếng bởi vì không được mấy ai để ý. Các chuyên viên đầu tư vào những văn kiện khác, chẳng hạn, văn kiện Tông Đồ Giáo Dân hay Mạc Khải, hơn là trên lược đồ 17. Tệ hơn nữa, nhiều nghị phụ vẫn mong chờ văn kiện này được đục bỏ. Khi Đức Phaolô VI đòi buộc phải cắt giảm các lược đồ nữa, thì lược đồ 17 khẳng định được chỗ đứng vững chắc của mình trong lược đồ 13 nổi tiếng sau này. 4
Lịch sử soạn thảo bản văn cho chúng ta phần nào thấy sự tiến triển trong ý thức của GH. Lúc đầu văn kiện được giao cho Hồng Y Suenens với sự trợ giúp của các thần học gia Bỉ. Nó mang nặng tính chất giáo thuyết. Sự trao đổi và đối thoại đã đưa CĐ đến quyết định lập một Uỷ Ban mà chủ tịch là GM Guano, người đã mời cha Bernard Haring làm thư ký. Uỷ Ban làm việc với phần một là chương mang nặng tính chất lý thuyết và phần phụ lục, thường biết đến là Annexa, bàn đến những vấn đề nóng bỏng như chiến tranh. Nhận thấy sự hụt hẫng của bản văn nếu không có được sự đối thoại cởi mở, thẳng thắn và chân thành giữa tín lý và các lãnh vực xã hội, uỷ ban mở rộng tiếp đón những chuyên viên về các lãnh vực trần thế. Trong khoảng thời gian từ 31 tháng Giêng đến 6 tháng Hai, năm 1965, ngoài 29 nghị phụ công đồng, còn có 38 chuyên viên, 20 dự thính thuộc giáo dân nam nữ và một số chuyên viên khác về những vấn đề nóng bỏng của thế giới tụ họp tại Ariccia để làm việc. Quả thực, chỉ xét riêng về nhân sự soạn thảo bản văn, ta đã có thể mường tượng được sự cách mạng của Vaticanô được thể hiện trong văn kiện này. Lược đồ đã phải trải qua ba năm làm việc mà mọi người liên hệ luôn cảm thấy một sức ép nặng nề của công việc ba năm phải được thu gom vào một ngày vậy. 5 Và như thế, kinh nghiệm về đối thoại đã làm giầu cho GH một cách không ngờ, vì các vấn đề như đọc dấu chỉ thời đại, phẩm giá con người, cộng đồng nhân loại cũng như hiện tương vô thần đã đi vào trong văn kiện cách tự nhiên.
Điều chúng ta vừa nói còn được thấy rõ hơn nữa trong phương pháp của CĐ. So sánh hai văn kiện LG và GS có thể mang lại cho ta một vài ánh sáng đáng ngạc nhiên. Thật vậy, LG nhận định rõ tất cả những gì mình có và mình là đều đến từ TC. LG mô tả một GH phát xuất từ sự hiệp thông giữa Ba Ngôi hoạt động xuyên suốt trong lịch sử nhân loại hầu GH nên bí tích của sự hiệp thông sung mãn ấy. 6 “Ánh sáng muôn dân chính là Chúa Kitô” (LG 1), “Bởi ý định khôn ngoan nhân lành, hoàn toàn tự do và mầu nhiệm” (LG 2), “Chúa Con được phái đến do Chúa Cha, đấng đã tuyển chọn chúng ta nơi Người, trước khi tạo dựng vũ trụ” (LG 3) và “Chúa Thánh Thần được phái đến trong ngày lễ Hiện Xuống” (LG 4) “triệu tập tất cả những người tin kính và mong đợi Chúa Kitô, Đấng ban ơn cứu độ và hiệp nhất” (LG 9). Ta không sợ để nói đó là một Giáo Hội nhìn từ trên. Dĩ nhiên, không phải từ đó mà chúng ta có thể khẳng định chiều kích lịch sử không quan trọng trong LG. Ngược lại thì đúng hơn. LG dành cả số 9 của chương hai để tóm tắt lịch sử cứu độ. Đấy là chúng ta chưa kể đến những số từ số 2 đến số 6.
Thế nhưng, phải đến GS, chúng ta có thể thấy GH đã nhìn thấy một lịch sử cụ thể, tức ở đây và lúc này. Đó là một lịch sử đầy dẫy những ưu sầu và hy vọng, những lo âu và đấu tranh, tức là, một lịch sử thật là con người. 7 Đó là một lịch sử của con người trong đấu tranh và vật lộn để khẳng định phẩm giá của mình, cá nhân cũng như tập thể. 8 Đó là một lịch sử có nhiều yếu tố “làm thối nát nền văn minh nhân loại” nhưng nhất là những vi phạm ấy “lại càng bôi nhọ chính những kẻ chủ động hơn là những kẻ phải chịu sự nhục mạ, đồng thời cũng xúc phạm nặng nề đến dạnh dự của Đấng Tạo Hóa.” 9 Lịch sử ấy đầy những khoảng cách giữa giầu và nghèo, Nam và Bắc, tiến bộ và chậm phát triển. Như thế, GH trong GS được trình bày như một GH nhìn từ bên dưới. 10
Khi đồng hành với thế giới như thế, GH nhận ra những phúc lành của TC ban cho mình xuyên qua thế giới. Thế giới vẫn đầy dẫy những ơn lành của TC, bất chấp những vị ngôn sứ bi quan vẫn muốn loan báo sự ảm đạm miên trường. 11 Hẳn là không phải bây giờ GH mới nhận ra điều này, vì trong mọi thời GH vẫn ca hát “Công trình Ngài, lạy Chúa, quả thiên hình vạn trạng... Ngài đổi mới mặt đất này” (Tv 104, 24. 30). Nhưng không phải là sai lầm khi nói rằng phải đợi đến Vaticanô II, GH mới xác quyết một cách vững chắc về sự hỗ tương năng động giữa công trình của TC trong GH và công trình của Ngài trong dòng chảy xã hội này. CĐ viết mạnh mẽ: “GH thấy mình nhận được nhiều từ thế giới con người và GH cũng đóng góp nhiều cho thế giới ấy để nhân bản hơn.” 12
Hai cực dẫn hướng một Giáo Hội sống với tình yêu mục tử
Ta có thể dùng một lối nói so sánh gây ấn tượng ở đây. Với LG, GH cắm neo kiên vững vào một cực là TC, còn với GS, GH cắm rễ đời sống mình vào một cực thứ hai là thế giới con người. Hai cực ấy mới giữ cho GH tươi trẻ, như niềm ước mơ của Đức Gioan XXIII lẫn Phaolô VI. Khóe nhìn từ trên cao về GH phải khiến GH phụng sự con người ngày một hơn; còn khóe nhìn từ bên dưới về GH phải làm cho GH tìm gặp được Cứu Chúa của mình mà nếu thất bại việc ấy, những công cuộc thành công và hoành tráng nhất của GH nơi thế giới con người cũng chỉ là phân bón mà thôi. 13 GH rõ ràng là tôi tớ của TC để phục vụ con người và GH là tôi tớ của con người để dâng lại cho TC tất cả những gì Ngài ban cho con người vốn theo tự nhiên muốn tôn mình là chúa tể. 14 GH phải vừa đam mê và trung thành với TC cũng như vừa đam mê và trung thành với con người. Vaticanô II đã tìm lại chiều kích năng động này trong bản tính của mình. GH của Vaticanô II ý thức mình phải tiến bước trong hai cực ấy, dẫu biết rằng sự quân bình không phải là dễ dàng. 15
Nói cách khác, GH không thể thấy mình bên ngoài thế giới con người. Theo khóe nhìn của Vaticanô II, một GH lãnh đạm trước những gì đang xẩy ra trong thế giới đồng nghĩa với một GH bị vong thân và không còn đi trên con đường của TC. Quả thực, GH không thể gặp gỡ Đức Chúa một cách cô độc. Được tạo dựng vì con người, GH cũng không thể đạt đến Nước TC mà không có con người. Dòng dõi đông đảo các chứng nhân từ Ignatio thành Antiokia đến Mẹ Têrêsa thành Calcutta minh chứng rằng không ai lên thiên đàng hay xuống hỏa ngục một mình. Như vậy, thất bại trong việc đến với những con người hiện thực, GH cũng có nguy cơ thất bại gặp gỡ và phụng sự TC.
Theo khía cạnh này, GH không cần phải chạy vào một chỗ nào khác ngoài lịch sử để gặp TC. Ngài không ở trong vùng đất tối tăm, nhưng ở trong cõi nhân sinh. 16 Hiển nhiên, một đàng GH xác tín ơn gọi thần linh của mình, nhưng đàng khác GH cũng ở giữa thành đô trần thế, “được gọi để hình thành một gia đình của con cái TC ngay trong lịch sử nhân loại hiện nay và làm tăng trưởng nó cho tới khi Chúa đến.” 17 Thành đô thiên quốc và thành đô trần thế thấm nhập vào nhau đến độ ta không ngần ngại gọi là mầu nhiệm của hành trình lịch sử của TC và con người. 18 Mà trong ánh sáng của LG, mầu nhiệm tiên vàn không phải là điều không thể hiểu cho bằng tiên quyết là sự tỏ lộ diệu kỳ và lạ lùng của TC dưới hình thức dấu chỉ trong lịch sử để cứu độ con người nhờ Đức Kitô, điều được GS công bố. 19 Quả thực, nếu lịch sử đã là nơi chốn duy nhất TC qua Con Ngài và Thần Khí chọn đến gặp gỡ con người, thì GH cũng không thể gặp được Chúa của mình ngoài thế giới con người. 20
Chính suy nghĩ trên đã âm vang sâu đậm trong cách nhìn của GS trên gia đình. Với LG mọi tín hữu đều được kêu mời nên thánh và người Kitô hữu ở trong thực tại trần thế như linh hồn trong thân xác, 21 thì GS đã dám xác quyết giữa những biến động đang xẩy đến cho gia đình như muốn làm lung lay tận gốc rễ của thực tại này, 22 người tín hữu vẫn nhận được những đóng góp từ xã hội để giúp cho họ tìm gặp TC trong gia đình cũng như họ được mời gọi liên kết với những gia đình khác nhân bản hóa môi trường. Quả thực, “Giáo dục một người phụ nữ là giáo dục cả một thế hệ.”
Những suy tư trên cho ta thấy lời mở đầu của GS cũng chính là lời tuyên ngôn về phong cách mục vụ của GH hôm nay: mật thiết chia sẻ thân phận của con người. Không một biến động nào của nhân loại mà không âm hưởng trên GH trên cả bình diện mục vụ lẫn suy tư thần học. 23 Chúng ta khó lường hết được những hoa trái phát sinh từ đó, nếu chúng ta không xem những lời tuyên ngôn ấy chỉ là hoa mỹ văn chương mà thôi. Thực vậy, chính Đức Phaolô VI đã cách mạng đứng trước Liên Hiệp Quốc như guồng máy chính trị của nhân loại để nói lên sự liên đới và quan tâm của GH về sự thịnh vượng chung của nhân loại. 24 Cũng chính ngài đến với thế giới Á châu, tượng trưng cho thế giới văn hóa-tôn giáo-không-Kitô-giáo của các dân tộc. Ngài đến như một người tôi tớ nhận ra được những dấu vết của Thánh Thần giữa dòng lưu chảy đó. Ngài viết Á châu như là cái nôi của các tôn giáo và đã góp phần nâng đỡ sự lành mạnh của thế giới. Chúng ta còn thấy cả một Giám Mục Romero biểu tượng một lối tử đạo mới: chết và làm chứng đến cùng cho nhân phẩm bị đe dọa trước những thế lực tiền tài và quyền thế. Lối tử đạo mới của GH đang phải tiến bước chính là chống lại ngẫu tượng Mammon đang tung hoành trong thế giới hôm nay. GH cũng vui mừng vì người nữ tu thường được gọi là Mẹ Têrêxa thành Calcutta minh họa một lối tu trì mới như tình yêu kitô hữu không hề hay được phép bị ngăn cách bởi giai cấp, tôn giáo, chủng tộc đến nỗi bà, vốn là một người ngoại quốc, lại được cả dân Aán Độ bất kể tôn giáo thừa nhận là người con cưng của Ấn Độ. Không lạ lùng hay sao một người ngoại quốc có niềm tin hoàn toàn khác biệt lại được toàn dân Aán Độ tự hào và cử hành tang lễ như con dân ưu tú nhất của mình, bởi vì bà đã là GH theo một cung cách mới, nói theo Liên Hiệp các Hội Đồng Giám Mục Á Châu (FABC)? 25 GH mà Mẹ Têrêxa trình bày cũng sẽ là GH quyền lực nhất thế giới, như lời của Kofi Anan, Tổng Thư Ký LHQ ca tụng bà khi bà qua đời. Quả thực, người con của GH cũng rất thực là người con của thế giới. 26 Theo khía cạnh này, công giáo tính hẳn không thể được hiểu một theo cách mới mẻ nữa hay sao: dấu chỉ và khí cụ của sự hiệp thông giữa TC và con người và giữa con người với nhau ?
Chiều hướng được khai mở này lại được Đức Gioan Phaolô II, một người con của Công Đồng, mạnh mẽ triển khai, bất chấp mọi khó khăn. 27 Với ngài, GH kiên quyết chọn con người làm con đường để đến với TC. 28 Đó là con người cụ thể mà Đức Kitô đã từng đồng nhất với và đã đổ máu ra cứu chuộc, cho dẫu họ vẫn chưa biết Ngài. 29 Chính con người cụ thể với những khía cạnh muôn hình vạn trạng của họ quyết định đường lối truyền giáo của GH trong thiên niên kỷ thứ ba. 30 Cũng thế, FABC quyết liệt trình bày bộ mặt của một GH phục vụ mà không đòi một quyền lợi nào ngoại trừ quyền được phục vụ con người. 31 GH tại Á châu dẫu chỉ là một đàn chiên nhỏ bé, muốn đóng vai trò hòa giải, liên kết, liên đới và chia sẻ với mọi người trong các cộng đồng nhân loại cơ bản. 32 GH ở Á châu sẽ nổi bật như một chứng tá hùng hồn khi không tự hào về những công việc và những cơ sở mình làm được, nhưng khi là GH của người nghèo, chứ không chỉ là GH từ người nghèo. 33 Chính lá thư 1980 của GHVN được khởi hứng rõ rệt tự GS cũng không làm gì khác hơn là muốn chia sớt ngọt bùi với vận mạng của dân tộc và tìm thấy nơi lòng dân tộc chỗ hẹn mà TC muốn gặp mình. Cho phép tôi trích lại một đoạn đầy sức mạnh.
Là Hội Thánh trong lòng Dân tộc Việt Nam, chúng ta quyết tâm gắn bó với vận mạng Quê hương, noi theo truyền thống Dân tộc hòa mình vào cuộc sống hiện tại của Đất Nước. Công đồng dạy rằng ‘Hội Thánh phải đồng tiến với toàn thể nhân loại và cùng chia sẻ một số phận trần gian với thế giới’ (MV 40, 2). Vậy chúng ta phải đồng hành với Dân tộc mình, cùng chia sẻ một cộng đồng sinh mạng với dân tộc mình, vì Quê hương này là nơi chúng ta được TC mời gọi để sống làm con của Người, Đất Nước này là lòng Mẹ cưu mang chúng ta trong quá trình thực hiện ơn gọi làm con TC, Dân tộc này là cộng đồng mà Chúa trao cho chúng ta để phục vụ với tính cách vừa là công dân vừa là thành phần Dân Chúa. 34
Chúng ta đang muốn lấy phương thức mục vụ của GS làm của mình. Và chúng ta tin chắc một mùa màng phong phú cho GH chúng ta sẽ đến.
Còn tiếp, ngày mai : II GIÁO HỘI NỖ LỰC ĐỌC RA DẤU CHỈ THỜI ĐẠI.