II. GIÁO HỘI TRONG NỖ LỰC ĐỌC RA DẤU CHỈ THỜI ĐẠI

Hôm nay Thần Khí vẫn sống động và cần được nhận ra ở nơi Ngài muốn

Nhà thần học Tin Lành R. Niehbur đã cho thấy người kitô hữu trong thời đại mới phải biết đọc các dấu chỉ thời đại. 35 Lối nói này được Đức Gioan XXIII sử dụng và đề xướng như một phương pháp để GH hôm nay tìm gặp được ý TC. 36 GS đã minh nhiên đón nhận và làm thành lối đường cho toàn GH phải theo trong việc săn sóc mục vụ cũng như trong việc hiểu biết chính mình. Ngay trong những trang đầu GS minh định trách vụ của GH phải đọc dấu chỉ thời đại.37 Ecclesiam Suam minh định tầm quan trọng của trách vụ này nếu GH thật sự muốn thích nghi sứ điệp Tin mừng với những hiện trạng khác nhau của các dân tộc. 38 Lối đường này cũng được LG nói đến khi nói lên bản chất của GH là dân tộc tiến bước trong thử thách và bách hại để tìm kiếm Chúa mình. Con đường khao khát TC của GH chưa chấm kết. Chắc chắn cho đến ngày thế mạt, GH không cần phải chờ đợi một mạc khải nào khác nữa, 39 nhưng cũng rất đúng là sự phát triển tín lý mà được John Newman nói tới minh chứng sự thật là GH không thể nắm giữ, giam hãm hay tát cạn được TC. Ngược lai, GH phải liên tục lên đường để biết TC ngày một mới mẻ hơn. Mà đọc dấu chỉ thời đại không gì khác hơn là điều này.

Như thế, nói theo kiểu tiêu cực, một GH không đọc dấu chỉ thời đại đồng nghĩa với một GH bị chai cứng. GH không đọc dấu chỉ thời đại sẽ không còn phải là một GH cùng với Thần khí thốt lên, “Lạy Chúa Kitô, xin hãy đến” (Kh 21, 17). Đọc dấu chỉ thời đại là phương cách thiết yếu để hiện thực điều mà LG định nghĩa về GH như môn sinh lắng nghe TC. Theo nghĩa này, Jacques Dupuis nhận định GS đi theo phương cách quy nạp hơn là diễn dịch. GS đi tìm trong mọi lãnh vực của con người kỳ công của TC, dấu vết của Thần Khí muốn nói cho GH. (x. Kh 1-2), 40 hầu nguy cơ chia tách đức tin và văn hóa, căn bệnh trầm trọng của thời đại, mới được thuyên chữa. 41

Phương cách này cho phép GH đi lại chính phương pháp của Chúa Giêsu. 42 Lời TC không như một thực tại trên trời rớt xuống nhưng là một quà tặng TC ban cho những con người cụ thể trong một bối cảnh qua sự giải thích, cắt nghĩa của những người của TC. Chỉ cần nhìn vào một Isaia, Giêrêmia hay Amos cố gắng giúp đỡ dân Israel nhìn thẳng vào những biến cố đang xẩy ra với ánh mắt của TC đủ minh chứng điều trên cách hùng hồn. Chúa Giêsu tiếp nối phương cách ấy một cách tuyệt diệu. Ngài cũng công bố điều TC muốn trong bối cảnh hiện tại trong đó ngài sống giữa con người qua cách giải thích mới mẻ và uy quyền của ngài về ý muốn của TC. Ngài công bố Nước Ngài không thuộc chính trị trong bối cảnh của một phiên tòa chính trị với sự giải thích không chút hàm hồ được minh chứng bằng chính mạng sống của ngài. GH sơ khai cũng không làm gì khác khi phải đọc ra trách vụ công bố sứ điệp cứu độ vượt qua mọi biên giới của chủng tộc, ngôn ngữ, giai cấp, văn hóa và tôn giáo trong biến cố của những tranh cãi, nếu không muốn nói là tranh chấp, giữa các tín hữu gốc Do Thái và Hy lạp. 43

Những đòi hỏi thiêng liêng

Đọc dấu chỉ thời đại như vậy đòi hỏi một sự tương hợp cẩn trọng giữa ba thực tại: bản văn hay Lời, bối cảnh và người giải thích. 44 Đọc dấu chỉ thời đại mở ra chân trời rộng lớn cho điều mà các thần học gia hôm nay nói đến: thần học trong bối cảnh, thần học hội nhập văn hóa, thần học nhập cuộc. Đọc dấu chỉ thời đại theo nhãn quan của GS như muốn xác quyết mạnh mẽ rằng không có một thần học chung, phổ quát, từ trời rớt xuống, được áp dụng cho mọi thời, mọi hoàn cảnh và mọi biến động. Trái lại, GS nhìn rõ GH hôm nay phải đóng vai như lời chú giải về một TC đến trong bối cảnh hiện thực của những con người và thế giới của họ để yêu thương họ y như ngài đã yêu thương những kẻ nghèo bơ vơ không người chăn dắt. (x. Mc 6, 34). 45

Khi dấn thân đọc dấu chỉ thời đại, GS nhận ra với ánh mắt lạc quan một vì TC muốn con người vì chính họ, bất chấp giữa một thế giới đang biến chuyển mau lẹ tạo ra những chênh lệch phản nhân vị. Sự vĩnh cửu của TC không tĩnh lặng. TC không ù lỳ. Ngài đi theo con người trong những biến động của họ, vì ngài chuẩn bị một tương lai cho họ mà không gì khác hơn là Chúa Kitô toàn thể, theo lối nói của thánh Augustinô. Quả thực, Đức Kitô là tương lai của nhân loại chúng ta. 46 Vì thế, Công đồng đã chấp nhận không hề run sợ rằng con người hôm nay đang chuyển từ một quan niệm tĩnh sang một quan niệm động về con người, về thế giới, và về lịch sử. 47 GS đã nêu bật thế giới hôm nay bằng hai đặc tính là thay đổi và chia rẽ, dẫu rằng đây đó vẫn có đầy tia sáng tích cực. Giữa những biến động không yên ấy, GH càng thấy chỗ đứng và sứ mệnh cấp bách của mình để đáp ứng khát vọng của con người thời đại, khát vọng sự hiệp thông và tự do. Vì thế, chúng ta không lạ chút nào nếu nền GH học của Vaticanô II xoay quanh phạm trù hiệp thông, quanh phạm trù “bí tích, dấu chỉ và khí cụ” của sự hiệp thông và hiệp nhất giữa TC và con người và giữa con người với nhau, vì GH là mẹ của sự tự do. Trong ánh sáng này, GS mở rộng một con đường hoàng vương, ngôn sứ nhưng cũng đầy thách đố mà GH hôm nay phải đi vào: làm chứng, xây dựng, hoàn thiện sự hiệp thông và sự tự do. 48

Như vậy, theo GS đọc dấu chỉ thời đại trở thành một cấu tố không thể thiếu được trong suy tư thần học hôm nay. Dĩ nhiên, đóng góp này của GS quan trọng hơn là những đánh giá của GS về thế giới. Ta muốn nói rằng dẫu đánh giá về thế giới của GS vẫn có giá trị, thì cũng chắc chắn rằng GH không được phép nhìn thế giới một lần cho tất cả. Những đánh giá của GS về thế giới với đầy vẻ lạc quan và nhiều nét Âu Mỹ phải được bổ sung bởi những đánh giá khác. Thế giới của thời Vaticanô II đã khác nhiều với thế giới của hôm nay mà Gioan Phaolô II nêu ra với nhiều hỗn độn trong luân lý giới tính, sự sống, bạo lực và chính trị. Ngài đã cho thấy tiếng mời gọi của TC thúc bách hơn nữa cho GH trong một “thế giới chưa bao giờ thấy nguy hiểm như thế sau biến cố 11/9.” 49 Làm thần học bằng cách đọc dấu chỉ thời đại mà GS mở ra đang thách đố các giáo hội địa phương. Khắp nơi và các lãnh vực đều phải đánh giá lại thế giới mình đang sống mà cho dù với rất nhiều khó khăn thì tại đó TC đang đợi để cho GH ân huệ được gặp gỡ Ngài.

Hoa trái nở tươi

GH tại Châu Mỹ Latinh nhìn vào một thế giới mà theo Gustavo Gutierrez là thế giới của những con người bị đối xử cách phi nhân do những cơ chế tội lỗi, đúng hơn, do tội lỗi được cơ chế hóa. Nhờ đó, GH này đã đóng góp cho GH toàn cầu phương pháp thần học và mục với ba bước là xem, xét và làm. Đang khi đó, GH tại Âu Mỹ lại phải đối diện với thế giới của những con người bị ám ảnh bởi ngẫu tượng tiền bạc được bộc lộ qua hai nét đặc trưng là hiệu quả tính và tiêu thụ, hay vô thần thực tiễn và chủ thuyết tục hóa. 50 GH ấy đang phải minh chứng sự ưu việt tuyệt đối của TC qua cung cách mục vụ và suy tư của mình. 51 Riêng GH Á Châu thấy mình ở trong một thế giới khác. Đó là thế giới của những người nghèo nhưng giầu về gia sản văn hóa được hòa trộn với cảm thức tôn giáo mãnh liệt đang bị de dọa bởi làn sóng của kỹ thuật tân tiến và ngẫu tượng tiền của được biểu thị trong các cơ chế tội lỗi. 52 Trong thế giới ấy, GH được mời gọi để nhận ra Thần Khí hoạt động trong các nền văn hóa; 53 nhờ đó GH ấy tìm ra được một phương pháp làm thần học riêng cho mình qua cuộc đối thoại văn hóa. 54 GHVN cũng muốn nhận trách vụ đọc dấu chỉ thời đại làm của mình trong một giòng lịch sử năng động từ 1975 xuyên qua 1989 và cho đến hôm nay. Chỉ cần đọc hai lá thư của HĐGMVN năm 1980 và 2002, chúng ta thấy ngay tính cách năng động của GH trong việc lắng nghe TC qua dấu chỉ thời đại mà GS đã mang lại. TC đang thách đố GHVN một cách khác nhau trong từng giai đoạn lịch sử: lịch sử của thời VN bước vào XHCN khác xa với lịch sử của VN thời mở cửa cho kinh tế thị trường và hiện đại hóa công nghiệp. Thật hạnh phúc cho GH nào nhận ra và đáp ứng lại được những dấu chỉ ấy của TC.

Từ đó, GS không chỉ mở ra tính đa nguyên trong thần học nhưng cả trong mục vụ. Châu Mỹ Latinh không thể sao chép y nguyên những lối mục vụ trong thế giới Âu Mỹ, dẫu rất trân trọng những kinh nghiệm và sáng kiến của họ. GH Á châu cũng phải đi tìm những phương cách mục vụ riêng của mình vốn được biết đến như là quy trình mục vụ (pastoral cycle). 55 Trách vụ tìm ra những phương cách và mô hình mục vụ thích hợp với hoàn cảnh riêng biệt của mình, GHVN không thể khoán trắng cho một ai. GHVN đang thay đổi nhiều trong hướng nhìn mục vụ. Từ chú tâm mục vụ đến những người dân vùng nông thôn, GHVN, cách riêng Giáo phận thành phố Hồ Chí Minh, chuyển mối quan tâm đến công nhân trẻ, đến trẻ hè phố, đến nạn nhân của các tệ nạn xã hội. Rõ ràng, GS mở ra nhiều mô hình mục vụ mới tuỳ theo óc sáng tạo của những môn đệ của Chúa Kitô. Nhờ đó, GH dần hiểu rõ hơn châm ngôn “hiệp nhất trong sự đa dạng.” Quả thế, GS nhận nguyên tắc của Đức Gioan XXIII là của mình: hiệp nhất trong những điều cốt yếu, tự do trong những gì còn nghi ngờ và đức ái trong mọi sự. GH dần nhận rõ bộ đồng phục duy nhất của mình chính là tình yêu mà thôi. Nói cách khác, GH qua GS dần chân nhận rằng điều quan trọng không phải là GH làm được việc này hay việc nọ cho một người hay một dân tộc, nhưng là sự hiện diện của GH có ý nghĩa nào đối với con người hay dân tộc ấy. 56 Như thế, GH hôm nay khám phá lại con đường của GHSK trong sự mới mẻ mà Thần Khí mang lại.

III. GIÁO HỘI TRONG ĐỐI THOẠI

Như một sự đoạn tuyệt với não trạng nghi ngờ

Trong LG, GH được trình bày như một cuộc đối thoại giữa TC và con người. Trong cuộc đối thoại đó, các thành phần dân Chúa đối thoại với nhau, như các chi thể thông hiệp những sự thánh với nhau. Đến GS, chúng ta thấy GH muốn ngỏ lời với mọi người. 57 Cuộc đối thoại của GH không còn đóng khung trong nội bộ của mình. Nó mở ra với cả những con người khác trong thế giới vốn được TC tạo dựng như một giá trị tuyệt đối.

Nhiều thần học gia định nghĩa GH trước công đồng bằng hai đặc tính là độc thoại và kết án. Theo họ, biểu hiệu rõ ràng của điều ấy là văn kiện của Đức Pio IX kết án chủ thuyết duy tân. Dấu tích ấy còn đè nặng trong sự nghiêm ngặt pha lẫn lo sợ của GH đối với những trào lưu thần học mới được các thần học gia tên tuổi như Karl Rahner, Henri de Lubac, Yves Congar ủng hộ. Cái ách nặng nề ấy một cách nào đó được dần dần lấy đi. CĐ Vaticanô II nổi bật lên như một cam kết đối thoại. Những bài diễn văn của Đức Gioan XXIII triệu tập và khai mạc công đồng nêu rõ sự canh tân, aggiornamento, của GH hệ tại việc đối thoại. 58 Ecclesiam Suam của Đức Phaolô VI có thể coi như một tuyên ngôn của một GH biết rõ phẩm giá và nguồn cội của mình được thiêu đốt bởi khát vọng yêu thương con người qua kiên nhẫn đối thoại. Và GS đến như một tột đỉnh trong ý thức của toàn GH trong đó toàn GH biết đối thoại với nhau để có thể đối thoại với thế giới. Đối thoại như con đường vương giả để nhận ra ý TC cho GH hôm nay. Thật đúng, đối thoại là tên mới của hòa bình, của đức ái. Trong đối thoại, GH được xây dựng và được giầu có. Nhờ đối thoại mà GH mới có thể làm cho sự ngăn cách giữa đức tin và văn hóa được thu hẹp và tiêu tan. 59 GS như hiến chương làm GH vượt xa ranh giới của mình để mời gọi mọi người và mọi dân tộc lắng nghe sứ điệp của Vương Quốc qua chân thành đối thoại. Trong ánh sáng này, GH không thể chỉ có những văn phòng lo về hiệp nhất mà còn phải có những văn phòng về đối thoại với anh chị em vô thần và các tôn giáo khác.

Đối thoại vì vương quốc của TC cho con người

Đặt trong bối cảnh của nghi kỵ trước công đồng, lời ngỏ của GS với mọi người biểu trưng nét trung thành đầy sáng tạo và cách mạng của Vaticanô II. CĐ nhận ra xây dựng vương quốc mà thôi không phải là độc quyền của riêng GH. Mọi người đều đang xây dựng Vương Quốc dẫu họ không ý thức điều này. Nhưng GS tiến xa hơn để nhận ra sứ mệnh của GH là liên kết mọi dân tộc, mọi ngôn ngữ để xây dựng Vương Quốc TC qua con đường cùng nhau liên kết biến thế giới hôm nay thành nhân bản hơn. 60 Trên kia, ta đã vài lần khẳng định TC muốn tạo dựng con người vì chính họ; 61 vì thế mà TC đã kiên nhẫn đối thoại với họ trong GƯ, bất chấp sự ngỗ nghịch của họ. Hiển nhiên, điều này không chút nào huỷ bỏ chút nào tính hoàn toàn và tuyệt đối nhưng không của GƯ. Nhưng cũng tính nhưng không này được lộ hiện sáng chói hơn nữa khi toàn thể lịch sử Giao ước minh chứng TC, đấng có tên là Ba Ngôi-Đối Thoại, đã muốn đối thoại với con người có bản tính xã hội, dẫu bị lu mờ do tội lỗi. GH trở thành nơi TC đối thoại với con người. Nguyên tắc được cô đọng trong lời nói của Augustino, “để tạo dựng con người, TC không cần có con người; để cứu chuộc con người, TC cần có con người” sẽ được hiểu đúng trong ánh sáng của đối thoại mà GS muốn nêu bật. Theo ánh sáng này CĐ một đàng nhận rõ được chỗ đứng riêng biệt và ưu tuyển của mình trong nhiệm cục cứu rỗi, đàng khác chân nhận rõ phẩm giá cao cả của lương tâm, của tự do của con người mà GH không gì khác hơn là người tôi tớ phục vụ, bất chấp những lạm dụng, nổi loạn và sa ngã của con người. 62 Như vậy, GH không thể làm khác hơn là khởi sự và đi lại con đường của cuộc đối thoại của ơn cứu độ với tất cả mọi con người trong tất cả những thực tại đa diện của họ như TC đã làm. GH của thiên niên kỷ thứ ba phải nổi rõ lên như một GH cam kết đối thoại vì sự hiệp thông. 63

Chắn chắn, kinh nghiệm của mỗi người chúng ta ở đây cũng như kinh nghiệm của toàn lịch sử GH cho thấy không dễ để GH học thuộc nằm lòng bài học đối thoại, nhất là khi GH không được bao giờ đánh mất đức tin về sự cao trọng có một không hai của kho tàng mạc khải trong Đức Kitô. Hơn nữa, đối thoại quả là không dễ khi mà GH vẫn đầy những tội nhân vì tội lỗi luôn cản trở đối thoại chân chính. Đấy là chúng ta chưa kể đến những hiềm khích của chính những người mà GH đang đối thoại với. GH có cả 2000 năm hiểu về những khó khăn này của GH. Điều ấy còn được bổ sung vì mỗi người chúng ta ngồi đây cũng có cả một kho kinh nghiệm về sự khó khăn của đối thoại. Có không ít môn đệ của Chúa Kitô vẫn không thể nào chấp nhận một ai đó vào trong cuộc đời của mình.

Thế nhưng, nếu GH muốn học được một điều gì mới, hãy bắt đầu đối thoại. Nếu một cộng đoàn GH địa phương, tu sĩ hay giáo dân, muốn canh tân, hãy bắt đầu đối thoại. Đức Phaolô VI trong Humanae vitae là một chứng từ. Ngài muốn đối thoại với con người hôm nay về một trong những vấn đề hóc búa nhất. Và cũng chính thái độ đối thoại ấy đem lại cho ngài những nỗi đau khổ mà có lẽ chỉ những ai trong cương vị Giáo Hoàng mới hiểu nổi. Đức Gioan Phaolô II cũng trở thành biểu tượng sống cho thái độ đối thoại của GH hôm nay, dẫu không thiếu các thần học gia kết án ngài cản trở con đường đối thoại. Trong nhẫn nại và kiên trì, ngài đối thoại với các anh em Đông Phương, với các anh chị em trong tư bản lẫn xã hội chủ nghĩa, với anh chị em Hồi Giáo, với các tôn giáo Á Châu, với giới trẻ. Và có lẽ hình ảnh sống động cho điều này không gì khác hơn là ngày cầu nguyện liên tôn cho hòa bình được cử hành tại Assisi năm 1986 và ngày quốc tế giới trẻ.

Khiêm nhường: nền móng không lung lay của đền thờ Chúa Thánh Thần

Chiều hướng đối thoại này khiến cho GS đi tới một thái độ thiêng liêng rất cách mạng. Đối thoại sẽ không thể được nếu vắng bóng khiêm nhường. Cũng trong Hiến chế này, GH đã làm một lời xưng thú thật khiêm cung nhưng cũng rất mạnh mẽ. GH một đàng tuyên bố, với sự đau lòng, sự sai lầm của vô thần, nhưng đàng khác GH nhìn nhận mình cũng có phần trong việc khai sinh ra vô thần. “Vô thần phát sinh từ nhiều nguyên nhân. . . Các tín hữu có thể có liên quan đến sự khai sinh vô thần không phải là nhỏ” (GS 19). Thái độ khiêm cung này cũng bộc lộ rõ trong lời xin lỗi của Đức Phaolô VI đối với các anh chị em Chính Thống Giáo hầu có thể mở ra những con đường của Đại Kết. Nó còn phát huy hơn nữa trong những lời thú tội của toàn GH cùng với Đức Gioan Phaolô II nhân dịp cử hành năm thánh 2000 hầu cánh của của các dân tộc có thể rộng mở hơn cho sứ mệnh của GH. Một GH khiêm cung nhưng can đảm trong đối thoại luôn hấp dẫn mọi người.

Thế nhưng đường hướng đối thoại này GS lại trao vào tay các giáo hội địa phương. Ý thức về GH của các tín hữu đã khiến họ tổ chức các cộng đồng GH nhỏ hay căn bản như một phương thức để GH thật sự đối thoại với nhau. Dần dần GH Á châu tổ chức những cộng đồng nhân loại căn bản, trong đó người tín hữu được mời gọi đối thoại đời sống với các anh chị em đồng loại của mình. Đó là cuộc đối thoại mà FABC liên tục nhắc đến và hệ tại ở ba lãnh vực liên kết và hỗ tương: đối thoại với người nghèo, đối thoại với văn hóa và đối thoại với tôn giáo. Dù dưới hình thức nào, hoặc là cộng đồng GH cơ bản hoặc là cộng đồng nhân loại cơ bản, cả hai vốn có thể được coi như hoa trái của Vaticanô II, thì tất cả đều muốn trình bày một GH đối thoại và liên kết mọi năng lực biến môi trường nhỏ thành vương quốc của những con người mới được tái tạo trong công bình và chân thật.

Nếu LG đã minh xác bản tính của GH nghèo là tiến bước trong đau thương và bách hại, thì GS lại cho thấy chính qua đối thoại và phục vụ mà GH mới thật sự trở thành một GH nghèo của Chúa Kitô. Chặng đường GH đi qua trong niềm xác tín này là: GH nghèo của Chúa Kitô không chỉ là GH gồm những người nghèo mà thôi, [GH từ người nghèo] nhưng phải là GH của những người nghèo trong sự cam kết phục vụ. 64

IV. GH TRONG SỰ GIẰNG CO

Nhưng cả LG lẫn GS đều nhận thấy GH luôn phải sống trong sự giằng co. GH đầy những nghịch lý. 65 Cả GH nhìn từ bên trên lẫn GH nhìn từ bên dưới đều không tránh né được đặc tính này. Sự liên đới của GH với nhân loại có chiều kích chính trị, nhưng GH lại không bao giờ là một thực thể chính trị. GH không được gắn bó với một thể chế nào. GH ở trong trần gian nhưng không thuộc trần gian. Nếu GH có một khoa chính trị nào, thì đó phải là chính trị của kinh Lạy Cha, như các thánh thường nói như thế. GS cũng không hề làm gì khác hơn khi minh định không úp mở GH giữa thế giới chính trị, văn hóa, khoa học, và kỹ thuật, nhưng không thuộc về thế giới ấy.

Sứ mệnh riêng biệt mà Chúa Kitô đã ủy thác cho GH Người không thuộc phạm vi chính trị, kinh tế hay xã hội: mục đích Người đã ấn định cho GH thuộc phạm vi tôn giáo. Nhưng bởi chính sứ mệnh tôn giáo ấy, phát sinh bổn phận, ánh sáng và những sức mạnh có thể giúp thiết lập và củng cố cộng đoàn nhân loại theo Lề Luật của TC. 66

Chỗ khác, CĐ viết:

Các kitô hữu, công dân của cả hai đô thị, hãy nỗ lực chu toàn cách trung thành những bổn phận trần thế của họ và chu toàn dưới sự hướng dẫn của tinh thần Phúc âm.. . Đối với người Kitô hữu, xao lãng bổn phận trần thế tức là xao lãng bổn phận đối với người lân cận và hơn nữa đối với chính TC, khiến phần rỗi đời đời của mình bi đe dọa. 67

Tính chất nghịch lý này khiến GH phải can đảm lên tiếng trong rất nhiều tình huống khác nhau để bảo tồn cách trung thành và sáng tạo kho tàng mạc khải. Quả thực, khi nhấn mạnh chiều kích xã hội của Tin Mừng, một số muốn trình bày GH như một thực tại chính trị. Phong trào giải phóng trên khía cạnh chính trị muốn nhân danh dân nghèo để đòi GH châu phê diện mạo của một nền thần học giải phóng cũng như diện mạo chính trị của người linh mục như Aristide và những linh mục dòng Tên ở Nicaragoa. GH đã kiên quyết phủ bác dẫu luôn khẳng định tính chất chính trị của Tin Mừng và mối quan tâm cho công bằng mà các thừa tác viên của mình phải có và trau dồi. 68 Dưới một phương diện khác, diện mạo về cuộc đối thoại tôn giáo và văn hóa muốn đòi hỏi một suy tư thần học mới mẻ trong đó vai trò Chúa Kitô không được đề cao như khung quy chiếu tuyệt đối. 69 GH phải can đảm cho thấy phải rao giảng tin mừng một cách mới mẻ không có nghĩa là rao giảng một tin mừng mới. 70 Dẫu luôn nhìn nhận phúc lành TC ban cho mình trong cuộc đối thoại liên tôn, GH luôn can đảm minh xác đối thoại không có nghĩa là sự nhập nhằng, hàm hồ hay sự “tạp pí lù tôn giáo”, nếu có thể dùng một hình ảnh ăn uống ở đây.71 Dưới phương diện luân lý, những thành tựu khoa học trên sự sống, trên Gen di truyền làm chóa mắt một số tri thức khiến họ đòi GH phải mở cửa vô điều kiện cho giá trị khảo cứu khoa học. GH vẫn một mực tuyên bố chỉ con người và phẩm giá của họ mới là mục đích tự thân mà tất cả mọi giá trị khác phải lệ thuộc vào, bởi lẽ khoa học vì con người, chứ không phải con người vì khoa học. Cũng thế, nhiều tiếng nói áp lực GH phải mở cửa cho những cơ chế mới của hôn nhân và gia đình, GH vẫn phải kiên định lập trường mà theo nhiều người là bảo thủ, nếu không nói là cố chấp. 72 Phương diện hòa bình quốc tế cũng đòi GH phải đứng vào lập trường “chiến tranh chính đáng” (Just war). Nhưng, GH vẫn can đảm nói không với chiến tranh. 73 Cũng thế, GH cũng chỉ chấp nhận một thứ toàn cầu hóa tôn trọng nhân phẩm và sự phát triển toàn diện mà thôi. 74

Quả thực, GS mới chỉ khai phá con đường cho GH phải đi. Đó là con đường giữa cái chắc chắn của quá khứ và cái đau thương và bấp bênh của hiện tại với niềm khát vọng tương lai. Đó là con đường của lời cầu xin “Lạy Chúa xin hãy đến” (Kh 22, 20). Vẫn còn đó những giằng co trong GH, nhưng ta phải nói rằng đó là những giằng co được chúc phúc. Chính điều đó làm chứng rằng Vaticanô II mới chỉ là bước khởi hành hơn là một điểm tới. 75

V. GH ĐỌC LẠI MẦU NHIỆM NHẬP THỂ CÁCH MỚI MẺ

Nhiều người vẫn ngạc nhiên khi Vaticanô II được triệu tập không do một thúc bách tín lý cũng như không nêu lên một định tín mới. Thế nhưng, điều này không có nghĩa là Vaticanô II không đào sâu mầu nhiệm Chúa Kitô. Phải nói ngược lại mới đúng. Công đồng viết:

Là ‘hình ảnh của TC vô hình’ (Cl 1, 15), chính Người là con người hoàn hảo đã trả lại cho con cháu của Ađam hình ảnh TC đã bị tội nguyên tổ làm sai lệch. Bởi vì nơi Người bản tính nhân loại đã được mặc lấy chứ không bị tiêu diệt, do đó chính nơi chúng ta nữa bản tính ấy cũng được nâng lên tới một phẩm giá siêu việt. Bởi vì, chính Con TC khi nhập thể, một cách nào đó đã kết hợp với tất cả mọi người. Người đã làm việc với bàn tay con người, đã suy nghĩ bằng trí óc con người, đã hành động với ý chí con người, đã yêu mến bằng quả tim con người. Sinh bởi trinh nữ Maria, Người đã thực sự trở nên một người giữa chúng ta, giống chúng ta mọi sự, ngoại trừ tội lỗi. 76

Đoạn văn quả quyết Chúa Kitô là con người hoàn hảo. Để bộc lộ sự liên đới không thể bẻ gẫy này giữa Chúa Kitô và mỗi người chúng ta, đoạn văn còn dùng một lối nói rất tượng hình: Chúa Kitô yêu bằng trái tim con người, lao động bằng đôi tay con người, suy nghĩ bằng trí óc con người. Bằng cách đó, Vaticanô II cho thấy lời kết án của Feuerbach về một TC cạnh tranh và bóc lột con người quả là sai lầm. Ngược lại, nếu không có TC nhập thể, những khả năng của con người vẫn bị đóng kín và trói buộc. Hơn nữa, một ngôn ngữ như thế khiến ta nhìn ra TC gần chúng ta biết bao. “TC thâm sâu hơn cả chính tôi đối với tôi.” Ngôn ngữ như thế cho phép chúng ta hiểu cụ thể thế nào việc TC nên giống chúng ta. “Nhờ Chúa Kitô và trong Chúa Kitô, bí ẩn về đau khổ và sự chết được sáng tỏ, bí ẩn đó đè bẹp chúng ta nếu chúng ta không biết đến Phúc Âm.” 77 Chỗ khác, “mầu nhiệm con người chỉ sáng tỏ trong mầu nhiệm Chúa Kitô mà thôi.” Chúa Kitô soi sáng mầu nhiệm con người, xét cá nhân lẫn tập thể. Nói cách khác, Vaticanô II đã cho thấy một nền thần học mang đầy tính chất nhân học đến độ ta phải nói rằng một khoa nhân học sẽ không đầy đủ và đích thực nếu không mở ra cho Chúa Kitô. Quả thực, theo tôi, đoạn văn này đang tuyên xưng bằng những ngôn ngữ của con người hôm nay chân lý mà các công đồng Nicea và Calcedoine phát biểu, “Đức Giêsu là TC thật và là người thật.” Cả dòng lịch sử kitô giáo, với tất cả những thăng trầm của nó, chỉ muốn xác quyết Chúa Kitô và nhân loại mà Ngài không ngại gọi là anh chị em là bất khả chia tách.

Hiểu mầu nhiệm nhập thể cách thâm sâu như thế cho chúng ta thấy sự xa cách hay đối kháng giữa TC và con người mà nền văn minh hiện đại muốn tạo nên là một sự quái đản, dẫu rất là thực. Không gì nguy hiểm hơn là một nền thần học không quy chiếu về con người như mục tiêu và một nền nhân học không biết đến chiều kích thần học như Chúa Kitô sống. Nói cách khác, hiểu mầu nhiệm nhập thể như sự nối kết và cộng tác bất khả phân giữa thần linh và nhân loại khiến Vaticanô II đã đưa GH vào những quĩ đạo thiêng liêng và nhân bản một cách mới mẻ. Trước kia, một cách nào đó, chúng ta ngần ngại nói đến sự dung hợp giữa thánh thiện và nhân bản. Thánh thiện đã được trình bày với một vẻ khô khẳng mà thánh Phanxico Salesio trong cuốn Dẫn Vào Đời Sống Sủng Ái muốn rời xa.78 GS, khi trình bày Con TC đảm nhận tất cả những khả năng nhân loại, đã công bố, ít là một cách mặc nhiên rằng, nhân bản kitô hữu cũng là sự thánh thiện, và một sự thánh thiện kitô hữu không mang tính cách nhân bản đồng nghĩa với một sự thánh thiện dị dạng. 79 Theo ánh sáng của GS, một vị thánh không có lòng nhân, hay nói theo người bình dân VN, không có lòng, thì khó có thể gọi là vị thánh. Thực vậy, để cho những gì của nhân loại thật sự reo vang âm hưởng trong lòng mình, người kitô hữu không được khởi hứng từ một thứ nhân đạo suông. Nó là cả một thái độ đức tin được hoạt động bởi đức mến với niềm hy vọng nóng bỏng. 80

Tuy nhiên, trực giác trên của Vaticanô II chưa được khai triển đầy đủ. Công đồng vẫn còn một chút nào đó ngần ngại. 81 Phải đợi mãi đến Thượng Hội Đồng Giám Mục (THĐGM) năm 1971, yếu tố nhân bản mới đi vào trong cấu trúc của Tin Mừng. “Hoạt động cho công bằng và tham gia vào việc biến đổi thế giới đối với chúng tôi hoàn toàn là một chiều kích cấu thành nên lời rao giảng tin mừng, hay nói cách khác, [cấu thành nên] sứ mệnh của GH là cứu độ nhân loại và giải phóng nhân loại khỏi mọi tình trạng áp bức.” 82 THĐGM này minh nhiên nhìn nhận ơn cứu độ như một sự phát triển và trưởng thành nhân bản toàn diện. 83 Nói cách khác, THĐGM này, con đẻ của Vaticanô II, nhìn nhận giá trị thần bí của sự phục vụ, nói theo cha Aloysius Pieris. 84 Việc tân phúc âm hóa nhận ra rằng trong tiến trình tiệm tiến của quy luật đức tin, yếu tố nhân bản không bị chiều kích thiêng liêng hủy bỏ; trái lại, trở thành nền tảng không thể thiếu cho sự thánh thiện của Tin mừng đâm bông kết trái. Trong ánh sáng này, Đức Gioan Phaolô II gọi khía cạnh nhân bản là nền tảng cho một nền đào luyện phong phú của chủng sinh trong thiên niên kỷ thứ ba. 85 GH Á Châu tiếp nhận cách phong phú trực giác này để khởi phát một khoa truyền giáo mới của mình với niềm xác tín không lay chuyển rằng,

Nơi đâu kẻ ốm đau được chữa trị, người đói khát được nuôi nấng, kẻ tù đầy được tự do, nơi đâu cá nhân và cộng đoàn được hòa giải, các dân nước sống trong an bình và cộng tác với nhau, ở đấy chúng ta thấy bàn tay Chúa đang hoạt động. 86

Quả thực, “các môn đệ Chúa Giêsu hôm nay trong bối cảnh đa tôn giáo và nhiều người nghèo hơn bao giờ hết được mời gọi sống viễn ảnh” của vương quốc bình an, công bằng, kính trọng lẫn nhau. 87

KẾT LUẬN

Để kết luận, ai trong chúng ta cũng nhìn nhận hồng ân TC ban cho giáo phận chúng ta cách đặc biệt nhân dịp kỷ niệm 40 năm của lễ Hiện Xuống mới trong thế hệ chúng ta, Vaticanô II. Ngài ban cho ta hồng ân tụ họp lại để tình hiệp thông trong giáo phận được tăng triển, nhất là khi chúng ta bỏ công sức, thời giờ và nghị lực để thấu hiểu tâm tư của Vaticanô II trong Hiến Chế Mục Vụ GS. Công đồng giới thiệu cho chúng ta một khoa nhân học mới được chiếu sáng bởi mầu nhiệm Chúa Giêsu Kitô, tức một lối làm người mới trong Chúa Kitô. Nền nhân học này không chùn bước trước những thất bại và tội lỗi của con người. Trái lại, như một mũi khoan sắc bén, nó có thể khoan sâu vào bề mặt gồ ghề và sỏi đá là lịch sử thăng trầm của con người để nghe được những tiếng rên khôn tả của con người đang mong đợi ơn cứu độ của TC hầu hoàn thành ơn gọi của mình. Không một lý do gì để thất vọng, vì bề mặt càng cứng cỏi lại càng có khả năng có được những mạch nước thật trong lành được vọt lên. Vaticanô II không công bố sứ điệp thất vọng, nhưng hy vọng.

Niềm hy vọng này không giữ chúng ta ngồi yên đấy mà xem. Hồng ân của lễ Hiện Xuống mới đòi chúng ta xắn tay áo và làm việc không mỏi mệt y như người tôi tớ khôn ngoan và trung thành sẵn sàng đón chủ về với đèn sáng trong tay. Thật vậy, ơn gọi của GH-tôi tớ không phải là sáng tác một sứ điệp mới, nhưng là biết không mỏi mệt lợi dụng mọi sự cũ mới trong kho tàng của Chủ mình để thế giới hiểu rằng TC là chủ lịch sử đang đến và đổi mới bộ mặt trái đất.

Vì thế, lúc này, tôi cầu chúc mọi người chúng ta hăng hái tiến bước vào khung trời mục vụ mà GS đã mở ra. Vaticanô II đã mở cho ta một cách mới mẻ để sống mầu nhiệm GH. Theo lối đường đó, chúng ta chắc chắn trở thành GH trong lòng dân tộc VN, một GH-bảo chứng của tình yêu hy vọng mọi sự, tin tưởng mọi sự và không hề thua cuộc. Châm ngôn “Sống phúc âm giữa lòng dân tộc” sẽ tìm được những biểu hiện cụ thể và rõ nét để GHVN chúng ta cùng phiên dịch trong ánh sáng của GH câu nói thời danh của thánh nữ Têrêxa Hài Đồng Giêsu, “trong lòng dân tộc VN, GHVN muốn là tình yêu phục vụ của TC.”

Lm. Giuse Nguyễn Văn Am, SDB

Chú thích:

1 x. Mt 18, 51-52.

2 x. GS 42; cũng x. F. Houtart, “Suggestions for Doctrinal Development”, in Vatican II, An Interfaith Appraisal, ed. John Miller, New York: University of Notre Dame Press, 1966, 545-552.

3 x. M. G. McGrath, “Constitution on the Church in the Modern World”, in Vatican II, An Interfaith Appraisal, Sdd, 397-98

4 sđd., 398-403.

5 sđd., 405-09.

6 x. LG 1-8

7 x. GS 1.

8 x. GS 25-26.

9 GS 27.

10 x. K. Rahner, The Church After the Council, New York: Herder and Herder, 1996, 37-73; G. Tavard, The Church, Community of Salvation, Collegeville: the Liturgical Press, 1992, 187-189; J. Dupuis, Who Do You Say I Am? New York: Orbis Books, 2002, 1-13.

11 x. Gioan XXIII, Gaudet Mater Ecclesia (11 ottobre 1962).

12 x. GS 43.

13 x. Pl 3, 7-9.

14 x. St 3; cũng x. Augustino, Confessions; Gioan Phaolô II, Dominum et Vivificantem, n. 33-36.

15 x. Paul VI, Ecclesiam suam 64-70; Gioan Phaolo II, Redemptor Hominis, n. 13-15.

16 x. Is 45, 19.

17 GS 40 (tôi in nghiêng để nhấn mạnh).

18 x. GS 40.

19 x. LG 1-4; cũng x. K. Rahner, Foundations of Christian Faith, New York: Crossroad, 1987, 14-23. E. Viganò, “Vatican II - Still a Powerful Force at the Present Day”, AGC 316, 1985, 3-29.

20 x. E. Schillebeechx, Christ, The Experience of Jesus As Lord, New York: Crossroad, 1981, 17-79.; FABC IV, For All the Peoples of Asia, ed. G. Rosales, G. Arevalo, Quezon: Claretian Publications, 1992, 178-198; M. Amaladoss, Life in Freedom, New York : Orbis Books, 1997, 131-145.

21 x. LG 38;

22 x. Gioan Phaolô II, Familiaris Consortio 6-7; cũng x. P. Tillich, Shaking the Foundations

23 x. GS 1;

24 x. P. Hebblethwaite, Paul VI, The First Modern Pope, New York: Paulist Press, 1993, 409-54. cũng x. Phaolo VI, diễn văn trước LHQ.

25 x. FABC VI; từ ngữ đã trở thành phổ thông trong GH Á châu: “A new way of being church”: là GH theo cung cách mới.

26 x. LG 42, 46; PC 2, 6-8, 11; AG 10-12; GS 38.

27 Đức Gioan Phaolô II đã được tuyển chọn sau công đồng để đưa công đồng vào thực hành. x. lời di chúc trong sứ điệp về sự chết của Đức Phaolô VI.

28 x. RH 15; Dives in Misericordia 1; Dominum et vivificantem 59.

29 x. RH 15.

30 x. RM 31-40.

31 x. FABC VII.

32 x. FABC V, 2.3-2.3.9; BIRA IV/11, 14-16; Pastoral Recommendations, 1-3.

33 x. FABC VI, 10-14.7.

34 HĐGMVN, thư 1980, n. 9.

35 Nhà thần học Reinhold Nieburh dùng từ ngữ « phân định dấu chỉ thời đại » hiểu theo nghĩa là « giải thích các biến cố và giá trị lịch sử », trong một cuốn sách gồm những bài giảng của ông xuất bản năm 1946.

36 Gioan XXIII, Pacem in terris 126-129.

37 x. GS 2.

38 ES 12-14.

39 x. DV 4.

40 J. Dupuis, Who Do You Say I Am ? sđd. 5-8.

41x. GS 43; Paul VI, EN 20.

42 x. J. Dupuis, sđd. 39-56.

43 Cv 6, 1-7; 8, 5-8. 26-40; 10, 1-11, 18; 15, 6-29.

44 x. DV 10; GS 42, 62; UR 4, 6; AAS 54 (1962), 792; J. Dupuis, sđd. 8.

45 x. GS 41; 61; AG 5.

46 x. GS 45; cũng x. J. Moltmann, God for the Secular Society, Miniapolis: Fortress Press, 1999, 245-259;