Chúa Nhật XI Thường Niên C

YÊU NHIỀU – THA NHIỀU

2Sm 12, 7-10.13; Gl 2, 16.19-21; Lc 7,36 – 8,3

Một ngày kia một người bạn đến thăm Michelangelo. Ông thấy nhà điêu khắc vĩ đại đang đục đẽo một tảng đá cẩm thạch lớn. Sân nhà phủ đầy những mảnh cẩm thạch vỡ và bụi bặm. Một cảnh tượng không lấy gì đẹp lắm.

“Chúa ơi, ông đang làm gì vậy “? Người bạn hỏi.

“Tôi đang thả thiên thần bị giam trong khối cẩm thạch này ra” Michelangelo đáp.

Và từ khối đá sần xùi này, với đôi tây và trí thiên tài của mình Michelangelo đã làm ra những bức tượng đá đẹp nhất và nổi tiếng nhất thế giới qua mọi thời đại... như bức tượng thánh vương Đavít, tượng Mẹ sầu bi - Pieta...

Người biệt phái Simon nhìn người phụ nữ chỉ thấy chị ta là tội nhân và mãi mãi là tội nhân. Đức Giêsu nhìn người phụ nữ và thấy chị ta là một người phụ nữ tội lỗi có khả năng trở thành một vị thánh. Nhờ sự gặp gỡ với Đức Giêsu, người phụ nữ bắt đầu sống một đời sống mới tốt đẹp hơn. Và chị có thể hành trình trên con đường ấy xa hơn những người đã đoán xét chị. Bằng việc tiếp xúc tử tế và tiếp nhận quà tặng của chị với lòng khoan dung, Đức Giêsu đã thổi luồng gió vào cánh buồm của chị (McCarthy).

Tin Mừng Thánh Luca trình bày cho chúng ta thấy: Người phụ nữ đến bên Chúa Giêsu là một người tội lỗi, trong thành ai cũng biết khóc bên chân Chúa và được Chúa thứ tha. Truyền thống từ xa xưa ngay từ đời thánh Grêgôriô Cả (+604) một số tác giả Tây phương đồng nhất hóa người đàn bà tội lỗi này với bà Maria Madalêna và bà Maria em của Mátta quê ở Bêtania. Họ cho rằng ca ba phụ nữ này đều là Maria Madalêna. Theo sự nghiên cứu rất kỹ lưỡng của các nhà nghiên cứu Kinh Thánh hiện đại thì sự đồng nhất hóa ba Maria trên không dựa trên một truyền thống nào vững chắc, Đông cũng như Tây. Có sự phân biệt rõ ràng giữa ba Maria:

• Maria Madalêna-người đã được Chúa trừ 7 quỷ và đi theo Chúa Giêsu (Lc 8,2). Tin Mừng nhấn mạnh Chúa trừ 7 quỷ cho bà nhưng không hề nói bà là người tội lỗi. Vì thế không có đủ lý để nói Maria Madalêna là người tội lỗi như đã bị gán cho.

• Maria Bêtania là em của Matta, chị của Lagiarô. Cả ba chi em rất thân thiết với Chúa Giêsu. nhà Bêtania được coi là nhà trọ, nơi Ðức Giêsu và các tông đồ nghỉ ngơi (x. Mt 21,17; Mc 11,11; Lc 10,38-42; 21,37; Ga 11,11,17; 12,1) mỗi khi Thầy trò về Giêrusalem. Và có lẽ chính Maria này cũng là người phụ nữ xức dầu thơm cam tùng hảo hạng để xức chân Chúa Giêsu (Mt 26,6-7; Mc 14,3-9; Ga 12,3) trước ngày Người bước vào cuộc thương khó. Người chị ông Lagiarô này chưa bao giờ bi coi là một tội nhân hay làm những việc không xứng đáng là phụ nữ đoan hạnh. Hơn nữa Làng Bêtania nằm bên sườn núi Ôliu cách Giêrusalem gần ba cây số về phía đông. Như thế Bêtania nằm ở miền Nam Israel.

• Và Maria trong Tin Mừng Luca được xác nhận là người phụ nữ tội lỗi. Sự việc Maria khóc lau chân Chúa và xức dầu thơm xẩy ra ở Galilê – miền Bắc Israel trong nhà ông Simon – một Biệt phái , và vào đầu đời rao giảng của Chúa.

Theo Luật Do Thái thì người tội lỗi không được phép tiếp xúc với người bình thường (thanh sạch), vì nếu tiếp xúc sẽ làm lây lan tội lỗi cho người thanh sạch. Nhưng Maria vượt lên lề luật, khi cô can đảm đi vào nhà Simon trước con mắt xoi mói của nhiều người và Chúa Giêsu – một vị thầy danh tiếng đang là khách trong nhà ông. Chị bất chấp những lời dị nghị, bất chấp sự khinh bỉ của người xung quanh, bất chấp cả Luật cấm – có thể khiến bà bị ném đá, để thể hiện một cách chân thành và trọn vẹn lòng sám hối của mình: Đến quì dưới chân Đức Giêsu- vị Thầy rao giảng tình thương, bao dung với người tội lỗi. Chị khóc nức nở, lấy nước mắt rửa chân, Cô tháo tóc ra lấy tóc mà lau và hôn chân Ngài và không tiếc bình dầu thơm quí giá (khoảng 300 đồng, tương đương với 10 tháng lương) xức chân Ngài.... Theo phong tục của người Do Thái, một phụ nữ Do thái xõa tóc nơi công cộng là đã phạm một lỗi lớn về phẩm hạnh. Nhưng cô vượt lên trên tất cả biểu lộ sự tin yêu và trong lòng tin yêu đó thúc đẩy lòng sám hối chân thành...

Ông Simôn như bao người Biệt phái thắc mắc vì sao Chúa để hạng người tội lỗi tiếp xúc Trong Tin Mừng đã ghi lại những khoảnh khắc Đức Kitô đã ngồi cùng bàn với phường thu thuế, tiếp xúc với bọn đĩ điếm, kẻ tội lỗi (x. Mt 9, 10-13; Mc 2, 15 -17; Lc 5,10. 7, 36-50. 15, 1-2.19, 7) và người Biệt phái lẩm bẩm trách cứ Ngài. Tội nhân là người bệnh người mang vết thương, Đức Giêsu đến chữa lành cho họ. Ngài sẵn sàng tiếp xúc, đồng bàn, nghĩa là cùng chia sẻ gánh nặng tội lỗi trên thân thể Ngài, mang nó lên thập giá và tiêu diệt nó nhờ cuộc phục sinh vinh hiển của Ngài (x. 1Cr 15,26). Trên thập giá, Ngài xin ơn tha thứ những kẻ đóng đinh Ngài (x. Lc 23, 34). Nhưng ở đây chúng ta thấy, người có tội biểu lộ sư tin yêu và sám hối chân thành. Chúng ta thấy Chúa Giêsu so sánh hành động của họ với hành động đón khách của Simôn. Theo phong tục của người do Thái Khi có khách đến nhà, người ta thường làm ba việc sau đây:

• Chủ nhà đặt tay lên vai khách và tặng vị khách một cái hôn hòa bình. Đó là dấu hiệu của lòng tôn kính, nhất là trong trường hợp gặp một rabi danh tiếng.

• Đường xá đầy cát bụi và giầy đi chỉ là những đôi dép đơn giản, nên người ta đổ nước lạnh lên bàn chân để rửa sạch bụi và làm mát chân khách.

• Chủ nhà cũng đốt lên một nhúm hương liệu cho thơm, hoặc xức một giọt dầu thơm lên đầu khách.

Ông Simon biệt phái đã không làm các việc đó, nhưng Maria – kẻ tội lỗi – đáng bị khinh miệt còn làm hơn tất cả phép lịch sự quy định khi: lấy nước mắt rửa chân, tóc lau chân Chúa, hôn chân Chúa, xức dầu cho chân Chúa... hành động của chị như như Sách Châm ngôn đã nói: “lòng yêu thương khỏa lấp mọi tội tình” (Cn 10,12)

Maria đã được Chúa tha thứ dù tội chị rất nhiều, vì sự sám hối và tình yêu tỏ lộ. Ngài nhấn mạnh ý nghĩa hành động của người phụ nữ: "Chị đã được tha nhiều, vì chị đã yêu mến nhiều". Như vậy niềm tin và lòng yêu là điều kiện cần thiết để được ơn tha thứ và cứu độ. Chúa nói với chị: “Lòng tin của chị đã cứu chị. Chị hãy đi bình an”, đức tin đem lại ơn tha thứ, sự tha thứ đem lại lòng biết ơn và lòng biết ơn được diễn tả qua một hành động yêu thương tận tụy.

Xin Chúa cho chúng ta biết đặt trọn niềm tin vào Thiên Chúa là Ðấng bao dung và luôn yêu thương khi nhìn nhận ra tội lỗi của mình mà ăn năn hối cải. Dù tội của chúng ta có thẫm như vải điều, Thiên Chúa vẫn làm cho trắng tinh như tuyết vì“Ai yêu mến nhiều thì được thứ tha nhiều!” (Lc 7,47). Sau này Phêrô đã xác tín“Tình yêu khỏa lấp muôn vàn tội lỗi” (1 Pr 4,8).

Hạnh phúc thay người được tha thứ lỗi lầm,

và tội phạm của người được ơn che đậy!

Phúc thay người mà Chúa không trách cứ lỗi lầm,

và trong lòng người đó chẳng có mưu gian.

(Tv 31,1-2).

Lm. Vinh Sơn, Sài Gòn 10/06/2016