Đời sống sung mãn

Con người sống một mình thì buồn; sống hai mình thì bực; sống ba mình trở lên thì bừng bừng nổi điên. Thế thì phải sống làm sao đây? Làm sao ta có một đời sống sung mãn, an vui và hạnh phúc?

Chúa nói: “con người CÓ một mình không tốt”(x.St2,18). Thật vậy, trên đời này chỉ có một mình thì không tốt, cho dù có muôn vàn cỏ cây và động vật. Chỉ có một mình A-đam thì không tốt rồi. Và thế là Chúa dựng nên thêm E-và và cũng từ đó con người đã sinh sôi nảy nở trên trái đất này. Thực tế con người ngày nay đã có trên 7 tỉ người rồi, thế nhưng con người ta có tốt, có an vui và hạnh phúc; có một đời sống sung mãn không?

Vấn đề bây giờ không là “CÓ một mình” mà là “Ở một mình” hay “SỐNG một mình” có tốt hay không?

Con người “Ở một mình” mà sống với mọi người thì tốt quá đi chứ, đâu có vấn đề gì. Như các Linh mục triều hay những người sống đời độc thân; họ sống một mình nhưng dâng hiến cuộc đời cho Thiên Chúa, cho Giáo Hội hay cho khoa học, cho mọi người, cuộc sống của họ vẫn có giá trị và cuộc đời của họ vẫn an vui, hạnh phúc và sung mãn chứ.

Còn người “Sống một mình”, dù sống giữa bao người; họ chỉ sống cho một mình mình mà thôi, thì không tốt. Họ mà có sống với ai thì cũng chỉ làm khổ người đó thôi. “Ở một mình” và sống cũng chỉ một mình thì chẳng khác gì trên đời này chỉ có một mình thôi, sẽ buồn chết được, làm sao mà an vui, làm sao mà hạnh phúc; chắc chắn sẽ không có cuộc đời sung mãn.

Nếu ta loại bỏ loại người này ra, không nói đến, thì phần còn lại sẽ là người ở một mình mà sống với mọi người. Nói cách khác là có đời sống cá nhân và đời sống tập thể. Đời sống tập thể có đời sống gia đình; đời sống dòng tu. Đời sống cá nhân có đời sống Linh mục triều và đời sống những người độc thân. Quả thật, con người sống cần cả hai loại đời sống này; tùy ơn gọi mà ta thiên về đời sống nào thôi. Ơn gọi gia đình và dong tu thì thiên về tập thể; đời sống Linh mục triều và độc thân thì thiên về cá nhân. Dầu vậy, dù có thiên về đời sống tập thể thì cũng không được quên đời sống cá nhân; có thiên về đời sống cá nhân cũng không được bỏ đời sống tập thể. Ta phải làm sao cho hai đời sống cá nhân và tập thể hài hòa thì mới có một đời sống sung mãn được.

Người ta sống cần có tập thể cũng như cũng cần tôn trọng cá nhân. Nhưng cái chính yếu vẫn là cá nhân. Vì tập thể bao gồm những cá nhân; cá nhân là nồng cốt, họ như những viên gạch gắn kết với nhau để xây dựng nên một tòa nhà, một tập thể, một gia đình hay một Dòng tu. Viên gạch có tốt và liên kết với nhau mới có một tòa nhà vững chắc và tốt đẹp; mỗi cá nhân có nhân cách và phối hợp với nhau mới có một gia đình hạnh phúc; một Hội dòng vững mạnh.

Cá nhân ở trong tập thể và tập thể giúp đỡ cá nhân, trong ý nghĩa này, dù là ơn gọi gia đình hay dòng tu thiên về tập thể nhưng cũng có tính cách cá nhân. Có một cách có thể đem lại hạnh phúc và sung mãn đó là “sống đời tu trong gia đình và sống tinh thần gia đình trong dòng tu”. Hai đời sống này bổ túc cho nhau, nếu có sự kết hợp hài hòa sẽ đem lại cho những thành viên một cuộc sống sung mãn.

Như ta biết đời sống hôn nhân và gia đình là hai người một nam và một nữ, rời bỏ cha mẹ mà đến với nhau, yêu thương nhau và cùng nhau xây dựng một gia đình mới. Họ sống với nhau cho tới “đầu bạc răng long”, với ràng buộc của dây hôn phối, họ : “Hứa giữ lòng chung thủy với nhau , khi thịnh vượng cũng như lúc gian nan; khi đau ốm cũng như lúc mạnh khỏe, để yêu thương và tôn trọng nhau suốt đời”.

Còn đời sống tu dòng, các tu sĩ cũng rời bỏ gia đình ruột thịt mình mà gia nhập vào một Hội Dòng. Họ sống cùng một linh đạo và ở đó cho đến chết, với ràng buộc các lời khấn khó nghèo, vâng phục và khiết tịnh. Đời sống của các tu sĩ là tập thể nhưng mỗi người đều có phòng riêng; ngủ riêng mỗi người một giường. Họ ăn chung, làm chung, đọc kinh chung, nhưng mỗi người lại tự cố gắng nên thánh, nên thiện. Điều này có thể đưa vào đời sống hôn nhân, nghĩa là “sống đời tu trong đời gia đình”.

Người chồng người vợ, nếu không thể có đời sống chung hạnh phúc thì cũng nên có phòng riêng, có một không gian riêng để suy gẫm về bản thân cũng như về gia đình. Mỗi người cũng cần có một đời sống riêng tư và vợ chồng cũng cần tôn trọng đời sống riêng tư của nhau. Chứ cái gì cũng chung hết, không có gì là riêng tư cũng khó có một đời sống sung mãn và hạnh phúc. Đời sống vợ chồng không phải lúc nào cũng “thuận buồm, xuôi gió”, nhưng có lúc “cơm không lành, canh không ngọt” thì sao? Sự riêng tư cũng cần thiết lắm chứ. “Riêng tư” chứ không phải “riêng lẻ”. Riêng lẻ là sống một mình và sống cho mình; còn riêng tư là ở một mình và sống cho người khác.

Yêu thương nhau thì phải tôn trọng nhau, chứ đừng nghi ngờ mà muốn kiểm soát tất cả. Mình có thể giữ trái tim người ta thôi chứ không thể giữ được đôi chân người ta đâu. Mình mà giữ được trái tim rồi thì họ có đi đâu ta cũng chẳng phải lo, chẳng phải sợ gì cả.

Tiếp sau đó thì người sống dời gia đình cũng nên sống 3 lời khấn nữa.

Lời khấn vâng lời. Hai vợ chồng cần phải nghe nhau và vâng lời nhau. Cả hai cần trao đổi những vấn đề trong cuộc sống mà tìm ra điều tốt nhất cho hôn nhân và gia đình. Không có chuyện hơn thua hay thống trị. Ai cũng thích làm theo ý mình thì hôn nhân sẽ tan vỡ và gia đình sẽ tan nát.

Lời khấn khó nghèo. Hạnh phúc Gia đình và hôn nhân không hệ tại ở tiền của, nên không nên chỉ lo làm giàu, bon chen nhưng có lương thực hằng ngày dùng đủ và vừa đủ xài là được; không cần phải có của như người ta. Lắm tiền nhiều của chỉ sinh tật và lắm tội thôi. Tiền của và hạnh phúc, chỉ có một trong hai, có tiền có của thì không có hạnh phúc; có hạnh phúc thì không có nhiều tiền, nhiều của.

Lời khấn khiết tịnh. Hai người cần phải bỏ mình để yêu thương người kia; có khi cần cả việc tiết dục trong đời sống hôn nhân nữa, nếu một trong hai có vấn đề về tinh thần hay thể xác. Tình yêu là quan trọng, chứ không phải tình dục. Tình dục mà không có tình yêu thì vô nghĩa, không đem lại hạnh phúc; không có đời sống sung mãn, không có hạnh phúc sung mãn. Tình yêu có khi không cần đền tình dục, vẫn làm cho người kia hạnh phúc và sung mãn như thường. Tình dục không là tất cả, tình yêu mới là tất cả và có nhiều cách để diển tả tình yêu chứ không chỉ tình dục, như sự quan tâm, chăm sóc; sự vuốt ve, chiêm ngưỡng,….

  Như thế sẽ có một đời sống hôn nhân hạnh phúc. Hôn nhân mà hạnh phúc thì gia đình hạnh phúc. Hình ảnh của một gia đình hạnh phúc, nơi đó vợ chồng thương yêu nhau; cha mẹ, con cái giúp đỡ nhau và tôn trọng nhau. Trong đó người cha có trách nhiệm với vợ, với con và với gia đình. Một người mẹ có trách nhiệm với chồng, với con và với gia đình. Một người chồng hạnh phúc khi có vợ hiền; một người cha hạnh phúc khi có con ngoan. Một người vợ hạnh phúc khi có người chồng lý tưởng và một người mẹ hạnh phúc khi có những người con hiếu thảo. Một người con hạnh phúc khi có cả cha lẫn mẹ và được cha mẹ yêu thương, quan tâm, săn sóc và dạy dỗ. Gia đình đó sẽ trở thành tổ ấm.

Người sống đời tu trì cũng có thể đem tinh thần hạnh phúc của gia đình như thế vào đời tu của mình, gọi là “sống tinh thần gia đình trong đời tu”.

Đó là coi cộng đoàn như là gia đình của mình. Quả thật khi tuyên khấn thì cũng tự tuyên bố là Cộng Đoàn Hội Dòng là gia đình của mình rồi, như “con dâu về nhà chồng” vậy. Mọi thành viên trong cộng đoàn đều là anh chị em với nhau, cùng chung một lý tưởng, cùng chung một con đường, cùng chung một con thuyền. Bởi đó, dù không là ruột rà máu mủ nhưng do lời khấn mà các tu sĩ đã trở nên anh chị em với nhau cách thiêng liêng và thực sự, nên phải yêu thương nhau và giúp đỡ lẫn nhau, sống vì cộng đoàn và cùng nhau xây dựng một cộng đoàn hạnh phúc.

Trong tâm tình của một người con trong gia đình, các tu sĩ tôn trọng nhân vị lẫn nhau với những khác biệt; nâng đỡ nhau khi khó khăn và đau yếu; cùng nhau nên thánh và nên thiện. Nếu không có tâm tình này thì cộng đoàn trở thành nhà trọ không hơn không kém; nếu có thì cộng đoàn sẽ là thiên đàng tại thế.

Vậy dù ta sống trong môi trường và ơn gọi nào, dù là thiên về cá nhân hay tập thể, ta hãy làm cho mình có một đời sống sung mãn, để dù ta sống một mình, ta cũng không buồn nhưng bình an; có sống hai mình cũng không bực nhưng an vui; có sống 3 mình trở lên ta cũng không bừng bừng nổi điên nhưng luôn an tâm và hạnh phúc.