Mây nước mấy lần đà lỗi hẹn
Vẻ vang có thể được lòng sau. N.H.B.
Nguyên Hương N.C -Tài liệu Tập San Định Hướng, Reichstett, Pháp
Thay lời mở đầu:
Năm 1965, tác giả bài này biên soạn tiểu sử Phước Môn Nguyễn Hữu Bài nhân dịp 30 năm vị đại thần Nam Triều qua đời tại Huế.
Năm 1965 đồng thời cũng là kỷ niệm 30 năm linh mục Hồ Ngọc Cẩn được tấn phong giám mục, vị giám mục đầu tiên gốc địa phận Huế, đã chủ tế lễ quy lăng Phêrô-Giuse Nguyễn Hữu Bài tại Quảng Trị.
Nguyễn Hữu Bài -1863-1935, đăng trên Văn Hóa Nguyệt San. Sàigòn. 1965, từ đó về sau được nhiều tác giả trích dẫn làm tài liệu biên khảo.
TSH số đặc biệt 2000, kỷ niệm 150 năm thành lập Địa Phận Huế, cơ hội để nhắc lại một giáo hữu đã để lại nhiều công nghiệp tại địa phận nhà: Quận Công Phước Môn Nguyễn Hữu Bài. Chủ đích là như vậy. Nhưng vì lý do kỹ thuật, số trang hạn hẹp, TSH không thể đăng tải toàn bộ, mà chỉ ngắn ngủi được một trang cuối bài “Căn Cứ Tân Sở”, gọi là vinh họa thêm địa danh Cùa, Cam Lộ, Tân Sở trong thơ Nôm Phước Môn.
Vì sự thiếu sót “chẳng-đặng-đừng” ấy, TSH số này có bài bạn đọc lâu nay đòi hỏi và chờ đợi. Trích đăng lại từ Văn Hóa Nguyệt San. Sàigòn. 1965, TSH giữ nguyên bản văn cũ, ngoại trừ thêm phần Chú Thích xét cần thiết và hữu ích đối với bạn đọc thế hệ trẻ ở nước ngoài. Thêm vào đó, có đoạn nhắc lại lần gặp gỡ vua tôi lần đầu tiên: Hoàng Đế Bảo Đại, vị tân quân vừa hồi loan đang tập sự cầm quyền và vị lão thần Cố Vấn Nguyên Lão Nguyễn Hữu Bài. Phần này, phải nói ngay rằng trước nay chưa ai biết, trích dẫn từ tác phẩm xuất bản năm 1990: “Bảo Đại: Con Rồng Việt Nam”.
Bài viết cũ, được bổ túc thêm bằng tài liệu mới do chính nhân vật trong cuộc và chứng nhân lịch sử thời đại là Cựu Hoàng Bảo Đại ghi lại, thiết nghĩ tiểu sử Quận Công Phước Môn Nguyễn Hữu Bài như vậy đã được bổ túc, đầy đủ hơn xưa.
***
Ngày 28 tháng 7 năm 1935 lúc 2 giờ 30 sáng tại Huế, một hung tin không những làm xôn xao triều đình mà còn gây bùi ngùi xúc động dân chúng trong nước: Phước Môn Quận Công Nguyễn Hữu Bài tạ thế.
Nguyễn đại thần mất, cuộc đời và sự nghiệp tiên sinh bao trùm cả một giai đoạn lịch sử mấy mươi năm trong đó nổi bật nhất lòng yêu nước, khí tiết hào hùng trượng phu xứng đáng với lòng ngưỡng mộ của quần chúng.
Xuất thân chỉ là một sĩ nhân, một người có học thức thường, không đỗ đạt bảng nhãn thám hoa, cũng không kế nghiệp cha truyền con nối chức trọng quyền cao, nhưng bằng năng lực tinh thần, bằng trí thông minh mẫn tiệp, bằng cố gắng liên tục hằng ngày, sĩ nhân ấy đã tự tạo cho mình một địa vị và sự nghiệp xán lạn được lịch sử ghi chép và hậu thế nhắc nhở còn hơn bảng vàng bia đá.
“...Có một điều không ai có thể phủ nhận là trong lịch sử nước nhà từ cuối thế kỷ 19 đến nửa thế kỷ 20, trong giới quan lại Nam Triều lúc bấy giờ không ai nổi tiếng bằng Quận Công Nguyễn Hữu Bài.
Ông Nguyễn Hữu Bài nổi tiếng không phải vì chức trọng quyền cao, mà nổi tiếng vì trong lúc đương thời khi vận nước suy đồi vì ách đô hộ ngoại quốc, lắm kẻ trong giới quan lại chỉ biết xu nịnh chính quyền Bảo hộ, riêng một mình Quận Công Nguyễn Hữu Bài, đã tỏ ra vững vàng với tinh thần quốc gia, dám đương đầu với người Pháp và giữ vững được những đức tính liêm sỉ phong nhã của một vị quan chức thấm nhuần Nho học.
Ông Nguyễn Hữu Bài nổi tiếng vì đã tiêu biểu cho thế hệ giao thời lúc bấy giờ đang giữa hai nguồn ảnh hưởng tư tưởng Đông-Tây. Đáng chú ý là đối với ông, sự hấp thụ ảnh hưởng văn minh mới không làm cho mình mất căn bản Khổng Mạnh và tâm hồn Nho học truyền thống.”
Nhận xét trên của cụ Nguyễn Thúc, một danh nho đất Thần Kinh, tác giả tập: “Thơ Nôm Phước Môn” (1) đã phản ảnh những nét chính thân thế và sự nghiệp Nguyễn Hữu Bài: một cuộc đời ngoại hạng, nhà chính trị dũng khí trong những ngày tàn của triều đại đã nêu cao được tinh thần bất khuất của nòi giống.
Nguyễn Hữu Bài, vị Nho học đạo đức suốt đời được dân chúng kính mến, một giáo hữu nhiệt tình với Đức Tin, bằng đủ mọi cách và trong mọi trường hợp biểu lộ được đức Ái tuyệt vời của đạo giáo mình, một tâm hồn thơ văn tế nhị và phóng khoáng tiêu biểu cho tinh thần Quốc Gia và Dân Tộc.
Từ viên Thừa Phái đến chức Thượng Thơ
Theo tôn phả Nguyễn triều, thủy tổ của Nguyễn Quận Công Phước Môn là vị đệ nhất công thần đời Lê, Nhị Khê Hầu Nguyễn Trãi (1380-1442) quê quán tại Quý Hương (Thanh Hóa), một dòng họ sau này đã khai sinh nhiều danh nhân lịch sử trong các triều đại Lê, Nguyễn. Từ văn quan như Nguyễn Đức Trung (tước Trinh Quốc Công), Nguyễn Hữu Vinh (tước Hằng Quốc Công), Nguyễn Hữu Đạt (tước Tùng Dương Hầu) đến võ tướng như Nguyễn Hữu Dật, Nguyễn Hữu Cảnh, Nguyễn Hữu Quỳnh (2).
Mấy mươi đời sau, dời về Quảng Bình và đến thế hệ cụ thân sinh là Nguyễn Hữu Các, lui về lập nghiệp ở Quảng Trị. Tấm bia đặt tại phần mộ ở xứ Kim Sen do Nguyễn Hữu Bài soạn bằng chữ Hán có đoạn ghi như sau:
... “Tổ húy (Nguyễn Hữu Đài) nhánh thứ hai họ ta; ngày xưa cao-tổ-khảo ta ở thôn Mỹ Hương, huyện Lệ Thủy, tỉnh Quảng Bình, sinh ba trai. Trưởng là tằng tổ bá (húy Doãn), út là tằng tổ thúc (húy Ba) di cư vào xứ Kim Long, tổng Phú Xuân, tỉnh Thừa Thiên, sanh hạ hai trai, tổ ta là con trưởng.
Sau tổ ta phối với tổ mẫu, người làng Di Luân tỉnh Quảng Trị, sinh được một trai là ông thân ta. Nghiệp nhà làm thuốc, tổ ta lúc tuổi trẻ sẵn có chí du lịch giang hồ xứ Kinh, xứ Nam, xứ Trung và các tỉnh Quảng Nam, Quảng Ngãi, đi chơi gần khắp. Đến đâu cũng lấy nghề thuốc thang làm kế sanh nhai, thêm làm ruộng nên giàu có của đến dư vạn. Nhưng ở chỗ nào làm ra tiền bạc bao nhiêu thời cho họ hàng chỗ ấy quản nhiệm, chẳng để dành cho con cháu chút gì cả.
Đến ngày mỏi chân, về làng lo sự dưỡng lão. Khi qua đời, thân sinh ta còn nhỏ. Tổ ta nghĩ rằng xứ Kim Sen mình đã lập ra ấp hiệu nên táng tại chỗ ấy” (3).
Nguyễn Hữu Bài sinh ngày rằm tháng 8 năm Quý Mão (28-9-1863) tại làng Cao Xá, tổng Xuân Hòa, phủ Vĩnh Linh, tỉnh Quảng Trị. Mồ côi cha từ nhỏ, năm 10 tuổi cậu bé Nguyễn Hữu Bài vào học tại chủng viện An Ninh. Học giỏi và thông minh, mấy năm trời dưới mái trường chủng viện, Nguyễn Hữu Bài được ban giáo sư để ý, hy vọng sau này sẽ thành tài đạt đức. Đức Cha Gaspar vì thế gởi cậu chủng sinh đầy tương lai ấy sang học đại chủng viện Pénang. Cũng như ở quê nhà, chủng sinh Nguyễn Hữu Bài càng học hỏi nhiều càng tỏ ra xuất sắc hơn người. Gần mười năm ở Pénang đã đào tạo cho cậu Bài một căn bản học vấn và đạo đức vững chắc. Nhưng không được ơn thiên triệu, hết thời hạn đèn sách, cậu trở về nước.
Biến chuyển chính trị trong những năm cuối cùng đời vua Tự Đức, giặc giã loạn ly đã làm đảo lộn bao nhiêu dự tính, trong đó có cuộc đời người trai trẻ Nguyễn Hữu Bài vừa chân ướt chân ráo trở về quê hương.
Mới 20 tuổi (năm Tự Đức thứ 36) Nguyễn Hữu Bài được triều đình tuyển bổ làm Thừa Phái nha Thương Bạc, cơ quan vừa thành lập đặc trách công việc giao thiệp với Pháp. Còn bỡ ngỡ trong trường đời, nhưng nhờ bản chất thông minh, lại có khiếu năng quan sát nhận xét thâm trầm, ăn nói nhã nhặn và đứng đắn trong công việc ngoại giao hàng ngày, viên Thừa Phái Nguyễn Hữu Bài đã rút tỉa được ở đây nhiều kinh nghiệm cần thiết sau này.
Tình hình đất nước mỗi ngày một rối ren, vua Tự Đức băng hà, vua Hàm Nghi lên ngôi chưa được bao lâu rồi thất thủ kinh đô, nhà vua xuất bôn và chiến tranh loạn lạc tan tác... Mọi công việc hành chánh, ngoại giao đình chỉ, viên Thừa Phái trẻ tuổi thôi việc trở về nhà như một số đông quan chức khác. Ngày 19-9-1885 vua Đồng Khánh lên ngôi, các công sở lần hồi mở cửa hoạt động lại. Nguyễn Hữu Bài trở về với nhiệm sở cũ, lần này lãnh chức Ký Lục kiêm Thông Sự (4).
Càng đảm đương việc lớn càng tỏ ra đại dụng, người viên chức của nha Thương Bạc năm sau (1886) vì thế được cử đi thương nghị cùng phái bộ quân sự Pháp về vấn đề phân định biên giới Bắc Kỳ tiếp giáp với Trung Hoa (5).
Sau gần 10 năm công vụ tại miền Bắc, trở về Huế chưa được bao lâu thì đầu năm 1896 Nguyễn Hữu Bài được vinh thăng Hồng Lộ Tự Thiếu Khanh và tháng 2 năm 1897 thăng Hồng Lộ Tự Khanh. Tháng 11 cùng năm ấy thăng Ngự Tiền Thông Sự, Nguyễn Hữu Bài hộ giá vua Thành Thái trong chuyến tuần du miền Nam.
Làm Bố Chánh Thanh Hóa chưa được một năm thì tháng 6 năm 1899, Nguyễn Hữu Bài được thuyên chuyển về Kinh lãnh chức Thị Lang bộ Lại, kiêm Tham Tá viện Cơ Mật. Tài ba năng lực càng ngày càng tỏ rõ trong công vụ, tháng 7 năm 1901 ông được gia hàm Tham Tri (inscrit au tableau Tham-Tri) và đến tháng 10 năm ấy lên thực thụ Tham Tri (Vice ministre) bộ Hình kiêm Tổng Lý (Secrétaire Général) viện Cơ Mật.
Tháng 2 năm 1902, Tham Tri bộ Hình Nguyễn Hữu Bài được cử đi Pháp công cán. Trở về nước mấy tháng sau, ông trở lại chức Tham Tri và Tổng Lý viện Cơ Mật như cũ.
Tháng 6 năm 1906 ông Nguyễn Hữu Bài chính thức nhậm chức Thượng Thơ bộ Công sung Cơ Mật Viện đại thần và năm sau kiêm nhiệm “Binh bộ sự vụ”.
Nhớ lại hoàn cảnh đất nước lúc bấy giờ. Mới 8 tuổi, vua Duy Tân lên ngôi ngày 28 tháng 7 năm Đinh Mùi (20-9-1907). Một Hội Đồng Phụ Chánh do người Pháp sắp đặt và lựa chọn được thành lập để “trông coi việc nước”. Ngoài vị chủ tịch là Phụ Chánh thân thần An Thành Vương Miên Lịch, các hội viên gồm có Phụ Chánh đại thần kiêm Cơ Mật Viện Trưởng Lại bộ Thượng Thơ Trương Như Cương; Lễ bộ Thượng Thơ, Lê Trinh; Hộ bộ Thượng Thơ, Huỳnh Cổn; Binh bộ Thượng Thơ, Vương Duy Trinh; Hình bộ Thượng Thơ, Tôn Thất Hân; và Nguyễn Hữu Bài, Công bộ Thượng Thơ. (Một thời gian sau triều đình Huế có thêm bộ Học, Thượng Thơ Cao Xuân Dục).
Hội Đồng Phụ Chánh tuy buổi đầu tiên do người Pháp lựa chọn và sắp đặt, nhưng vẫn còn đôi chút quyền uy và chính thống. Lần hồi dưới áp lực của người Pháp, Viện Phụ Chánh chỉ còn là cơ quan thừa hành quyết định của viên Khâm Sứ, theo thứ tự thời gian kể từ Khâm Sứ Lévecque, Groleau, Sestier, Charles, Mahé, và Charles (nhiệm kỳ hai, 1913-1914) ...
Bị lấn áp và tước đoạt gần hết thực chất thực quyền, đình thần một số ngả theo người Pháp “triều đình núp bóng cờ ba sắc” như trường hợp Trương Như Cương. Một số khác qua kinh nghiệm vua Thành Thái trở nên lửng lơ thụ động, cuối cùng buông xuôi theo thời cuộc.
Làm sao quên được biến cố ngày 2-9-1907 khi vua Thành Thái bắt buộc phải thoái vị!
Cả triều đình im lặng tuân theo quyết định của Toàn Quyền Paul Beau và Khâm Sứ Ferdinand Lévecque. Duy nhất và độc nhất một người, với sĩ khí nho phong hiếm hoi của thời đại còn lại, Thị Vệ đại thần Ngô Đình Khả đứng lên phản đối. Kết thúc sau cùng là nhận lãnh hậu quả phải xảy đến: cụ Ngô Đình Khả bị người Pháp quy tội đủ điều, kể cả tội “không xứng đáng với chức vụ”. Vị triều thần trọng nghĩa khí, coi thường công danh là Ngô Đình Khả bị giáng cấp xuống hàng Án Sát, cho về hưu trí tại nguyên quán Quảng Bình mà không được cấp hưu bổng.
Hoàn cảnh tâm lý chính trường như vậy, còn mấy ai thiết tha đến công việc triều đình, đến vận nước nguy nan để tận tâm tận lực với vị ấu quân hy vọng đổi thay thời cuộc !
Những năm đầu tiên triều đại Duy Tân chưa có gì gọi là biến cố. Chỉ về sau, thời Khâm Sứ Mahé (1912-1913) và Charles (1913-1914) mới xảy ra nhiều việc, đáng kể nhất việc tìm vàng bạc châu báu từ chốn hoàng cung lên đến tận lăng tẩm núi rừng xa xôi.
Nước loạn mới biết tôi trung. Trong nghịch cảnh của thời thế, tên tuổi Nguyễn Hữu Bài nổi bật từ đây.
Trong buổi họp Hội Đồng Thượng Thơ cuối năm 1912, Khâm Sứ Mahé cho biết ý định đào lăng vua Tự Đức lấy vàng bạc châu báu, viện lý do có thêm phương tiện tài chánh cho ngân sách Nam triều. Cả triều đình nín lặng, không ai nói năng gì. Duy chỉ có Thượng Thơ bộ Công dõng dạc đứng lên phản đối đề nghị này viện lẽ theo truyền thống phong tục Việt Nam, kính trọng người chết là một nghĩa vụ và bổn phận của người sống. Đào mả tức là xâm phạm đến vong linh người chết sẽ gây náo động nhân tâm, thương tổn đến lễ nghi và thể thống triều đình. Cử chỉ hào hùng, lời lẽ khiêm tốn nhưng vững vàng cương trực của Thượng Thơ Nguyễn Hữu Bài đã làm Khâm Sứ Mahé bực mình. Tuy kết cục vẫn không ngăn cản được hành động tham tàn của đối phương, nhưng tư cách, thái độ ấy đã để lại tiếng thơm muôn đời: “lăng Tự Đức còn bia thiên vạn cổ”, lời cụ Phan Bội Châu ghi lại sau này (6).
Dân chúng vốn sẵn cảm tình với cụ “Thượng Bài”, từ đó càng thêm ngưỡng mộ kính mến. Càng lâu họ càng thấy rõ vị trung thần lương đống ấy, lên đến tột đỉnh danh vọng không phải vì a dua nịnh bợ tầm thường như một số quan lại đương thời mà chính vì tài đức, năng lực tinh thần thật sự.
Việc “đào mả” xảy ra làm dân chúng miền Trung nhớ lại một sự việc khác trước đây, khi vị đại thần Ngô Đình Khả một mình trước Hội Đồng Cơ Mật đứng lên phản kháng người Pháp, không chịu truất phế vua Thành Thái, từ đó ghép hai sự kiện lịch sử thành câu tục ngạn:
Đày vua không Khả
Đào mả không Bài
Tỏ lòng biết ơn những người đã không sợ cường quyền bạo lực, nhất quyết một lòng bảo vệ thể thống quốc gia.
Đất nước rằng không người phẩm cách
Non sông dễ thiếu khách tài hoa.
(N.H.B.)
Thăng Hiệp Tá Đại Học Sĩ tháng 3 năm 1909, Thượng Thơ Nguyễn Hữu Bài sau đó được tấn phong Phước Môn Tử (Vicomte de Phước Môn).
Tám tháng sau ngày vua Khải Định lên ngôi (tháng 9 năm 1916) ông được phong Phước Môn Bá (Comte de Phước Môn). Không đầy một năm sau, tháng 3 năm 1917, tưởng thưởng công lao vị lão thần đầy công lao với các bậc tiên đế, vua Khải Định sắc phong Phước Môn Bá Nguyễn Hữu Bài tước vị Thái Tử Thiếu Bảo.
Tháng 5 năm 1917, Thượng Thơ bộ Lại Trương Như Cương và Hình bộ Thượng Thơ Huỳnh Cổn đáo hạn tuổi cùng về hưu. Triều đình Huế được tổ chức lại, lần này do Hình bộ Thượng Thơ Tôn Thất Hân, Cơ Mật Viện Trưởng đứng đầu. Các vị triều thần khác gồm có Nguyễn Hữu Bài, Thượng Thơ bộ Lại kiêm bộ Hộ; Đoàn Đình Duyệt, Thượng Thơ bộ Công kiêm bộ Binh và Hồ Đắc Trung, Thượng Thơ bộ Lễ kiêm bộ Học.
Một triều đình thu hẹp với chức quyền hạn hẹp.
Đông Các điện Đại Học Sĩ Nguyễn Hữu Bài lúc này một mình phụng chức hai bộ, Thượng Thơ bộ Lại kiêm bộ Hộ, một nhân vật trở thành quan trọng trong Hội Đồng Cơ Mật. Năm 1922 (ngày 24 tháng 4 âm lịch) Nguyễn Hữu Bài được cử làm Hộ Giá đại thần sang Pháp, lần này đi theo vua Khải Định có cả Đông Cung Hoàng Thái Tử.
Trong chuyến công du này, ông được phó thác một công vụ quan trọng, phụ tá Việt Nam Hoàng Đế điều đình với chính phủ Pháp giao trả Bắc Kỳ lại cho triều đình Huế theo đúng tinh thần Hiệp Ước 1884. Cuộc điều đình với Pháp không thành công, nhưng bù lại ông Nguyễn Hữu Bài đã mang về cho triều đình Huế một thắng lợi ngoại giao: sang tận La Mã điều đình việc thiết lập bang giao với Tòa Thánh Vatican.
Nhân danh triều đình Huế, vị Khâm Mạng đại thần thỉnh cầu Đức Giáo Hoàng thiết lập chức Khâm Sứ Tòa Thánh tại Việt Nam. Lời thỉnh cầu này phản ảnh tinh thần tự chủ của triều đình mà ông là đại diện, đồng thời bày tỏ nguyện vọng của gần hai triệu giáo dân Việt Nam. Một nguyện vọng phù hợp với chủ trương của Tòa Thánh muốn bang giao với các nước Đông Dương qua hệ thống Tông Tòa. Sở dĩ trong mấy trăm năm trước, việc này chưa thực hiện được vì tình trạng bách hại tôn giáo liên tiếp xảy ra và gần đây vì chính quyền Bảo hộ muốn làm cản trở chậm trễ.
Công việc chuẩn bị, kể cả việc điều đình khó khăn với người Pháp kéo dài gần 3 năm. Ngày 20-5-1925, Đức Giáo Hoàng Pie XI ký sắc chỉ thành lập văn phòng Khâm Sứ Tòa Thánh tại miền Đông Dương và Thái Lan (7).
Một mẫu người yêu nước
Trở về nườc, tháng 2 năm 1923 ông được thăng Tể Tướng Thái Phó, Vỏ Hiển điện Đại Học Sĩ, Cơ Mật Viện Trưởng đại thần.
Trong sắc dụ tấn phong, có đoạn tuyên dương công trạng như sau tỏ rõ sự kính trọng của triều đình đối với ông đến bực nào:
Phiên âm:
Thái Tử Thiếu Bảo, Đông Các Đại Học Sĩ quản lãnh Lại bộ Thượng Thơ kiêm chưởng Hộ bộ sự vụ, sung Cơ Mật Viện đại thần kiêm quản văn thần Phò Mã, Phước Môn Bá Nguyễn Hữu Bài (có 2 chữ tiếp theo bị nhòe vì con dấu đóng lên không đọc được, xem phóng ảnh kèm theo) nhiêu sung tư cách, tính năng thẩm thận, nhi thả đạt thức thời cơ.
Trẫm tằng quy Dụ phả giác tuân tuần, khả vị văn niên tiến đức. Trứ chuẩn gia Thái Tử Thiếu Phó đình kiêm Hộ bộ nhưng lĩnh Lại bộ Thượng Thơ sung Cơ Mật viện Viện Trưởng, đại thần Phò Mã khanh ký tận tâm nải chức dĩ bật Trẫm cung kỳ thứ sự hàm hi dĩ ủy Trẫm nhỉ lai chi tri ngộ.
Dịch nghĩa:
“Phước Môn Bá Nguyễn Hữu Bài, Thái Tử Thiếu Bảo, Đông Các Đại Học Sĩ, quản lãnh Lại bộ Thượng Thơ kiêm bộ Hộ, sung Cơ Mật Viện đại thần kiêm quản văn thần Phò Mã, tước Phước Môn Bá, chính trị đã đủ tư cách, tính tình lại thẩm thận, suốt biết thời cơ.
Trẫm từng ban chỉ Dụ dặn dò và biết noi theo, đáng là bậc tuổi già mà đức tiến. Nay chuẩn thăng Thái Tử Thiếu Phó thôi kiêm chức Hộ bộ, vẫn giữ chức Lại bộ Thượng Thơ sung Viện Trưởng Cơ Mật, kiêm quản chức văn thần Phò Mã. Khanh nên hết lòng với chức vụ, giúp đỡ Trẫm thế nào cho mọi việc đều nên tốt đẹp để thỏa lòng tri ngộ của Trẫm gần đây.”
Nhiệm vụ khó khăn tế nhị lần nữa đặt trên vai vị đại thần triều Nguyễn. Vừa ôn hòa nhưng quả quyết và cương trực khi phải đối phó với người Pháp, mỗi lần thấy họ có ý muốn xâm lấn vào nội bộ Nam triều. Vừa khôn khéo để làm sao giữ được hòa khí trong giới quan lại nhiều người không cùng chí hướng với mình. Bằng đạo đức, bằng tấm lòng nhiệt thành, ông đã giữ vững được thể thống và giềng mối quốc gia trong những hoàn cảnh vô cùng khó khăn do thời cuộc tạo nên.
Năm 1925, nhà cách mạng Phan Bội Châu bị bắt ở Thượng Hải đưa về nước. Trước làn sóng ủng hộ cuồng nhiệt của quần chúng, người Pháp phải ra lệnh ân xá để làm êm dịu tình hình. Toàn Quyền Varenne vào Huế họp Hội Đồng Cơ Mật với thâm ý muốn mượn tay Nam Triều giam giữ chí sĩ Phan Bội Châu:
- Dân chúng trong Nam và ngoài Bắc vận động xin ân xá cho ông Phan Bội Châu, vậy ý kiến Nam Triều thế nào và nếu đem ông Phan về Huế, Nam Triều sẽ đối xử ra sao?
Biết rõ mưu sâu của Toàn Quyền Varenne, ông Nguyễn Hữu Bài điềm nhiên trả lời:
- Chính phủ Pháp muốn ân xá, Nam Triều chúng tôi rất tán thành ý kiến đó. Còn ông Phan Bội Châu nguyên trước đây là một vị Cử Nhân, nay về nước sẽ giữ địa vị cũ. Ông Phan Bội Châu sẽ được triều đình chúng tôi đối xử như các vị cử nhân khác ở Trung, Bắc Kỳ.
Như một gáo nước lạnh đổ vào người Toàn Quyền Varenne, câu trả lời khiêm tốn nhưng khôn khéo của vị đại thần họ Nguyễn đã làm hỏng mưu định của người Pháp. Toàn Quyền Varenne tuy bực tức nhưng bên trong không khỏi thầm kính phục thái độ cương trực, quả cảm của người đối thoại.
Từ tháng 10 năm 1925, sau ngày vua Khải Định băng hà và Đông Cung Thái Tử còn du học ở Pháp, một mình ông giữ trọng trách Cơ Mật Viện Trưởng cùng với ông Tôn Thất Hân (về hưu từ năm 1923) được chọn làm Phụ Chánh thân thần.
Triều đình Huế lúc này ngoài Phụ Chánh Tôn Thất Hân, các đình thần khác gồm có Hồ Đắc Trung, Thượng Thơ bộ Học kiêm bộ Lễ; Phạm văn Thụ, Thượng Thơ bộ Hộ kiêm bộ Binh; Võ Liêm, Thượng Thơ bộ Công và Trần Đình Bách, Thượng Thơ bộ Hình.
Một nội các quá khiêm nhường trong một giai đoạn tế nhị chờ đợi nhiều chuyển biến khó khăn. Người Pháp muốn nhân cơ hội này xen lấn nhiều hơn nội bộ Nam Triều, nhưng họ đã gặp một đối thủ khó lung lạc là Tổng Lý Nội Các Nguyễn Hữu Bài.
Không đấu tranh chống Pháp bằng võ lực như một số các lãnh tụ cách mạng hay đảng phái chủ trương; nhưng với lý tưởng quốc gia và tinh thần dân tộc cao cả, bằng ngôn hành tâm lực và trí lực, Nguyễn Hữu Bài trực diện đương đầu với người Pháp trong những biến cố lịch sử nguy nan, ảnh hưởng tinh thần còn truyền lại đến ngày nay.
Gọi đây là phương pháp ôn hòa, là chủ trương thỏa hiệp hay bằng thuật ngữ chính trị nào đi nữa, điều mọi người đều nhìn nhận là với đường lối ấy, muốn đạt được chủ đích phải có một niềm tin vững vàng nơi chính nghĩa mình đeo đuổi, một tâm hồn cương trực và lòng quả cảm nhiệt thành cao độ.
Trở lại hoàn cảnh đất nước lúc bấy giờ, Phong trào Cần Vương cuối cùng tan rã sau cái chết của Phan Đình Phùng. Cuộc khởi nghĩa của vua Duy Tân không thành. Ách đô hộ Pháp càng ngày càng siết chặt gọng kềm cai trị và kiểm soát.
Bắt buộc phải sống chung vì không còn đường lối nào khác hơn. Nhưng sống chung mà “đồng sàng dị mộng”, Việt Nam và nước Pháp mỗi bên một đường hướng, một lập trường riêng biệt. Gọi là thỏa hiệp, cũng được! Vì đây là giải pháp phải tạm thời chấp nhận để khai mở dân trí, cải cách duy tân, chờ đợi vận hội mới nước nhà tự do, tự chủ trong tương lai. Đây cũng là sinh lộ các nhà cách mạng đương thời như Phan Châu Trinh, như Huỳnh Thúc Kháng đang chọn lựa sau nhiều kinh nghiệm đấu tranh và thất bại.
Kiện tướng sôi nổi nhất của chủ trương chống Pháp bằng bạo lực là tiền bối Phan Bội Châu, sau này tại Bến Ngự (1926-1940) cũng đành thúc thủ nhìn thời cuộc. Chỉ còn “Mình Với Bóng” (8) ngày ngày với chiếc đò bên cây sung trước mặt nhà, chí sĩ Phan Sào Nam trở lại với hồn thơ “Nằm chung không nằm” cảm hứng từ câu hát dân gian:
Ăn sung ngồi gốc cây sung
Lấy anh thì lấy, nằm chung không nằm...
Tâm sự chát chua ai mua mà bán; rao khắp chợ đời không thấy dạng người mua (9)!
Tình cảnh, tâm sự chát chua cô thiếu nữ phải nhận làm chồng, phải sống chung với một người không hề quen biết, nếu không nói là thù nghịch!
Cùng nghịch cảnh trớ trêu như người thiếu nữ trong câu ca dao, tâm sự nhà cách mạng chống Pháp lúc này tại Bến Ngự!
Cùng chung tâm sự, nhưng hệ lụy chát chua hơn trong chính trường đang tàn tạ, cụ Thượng Bài ngày ngày qua lại trên dòng sông Bến Ngự có con đò, có gốc cây sung nơi nhà cụ Phan.
Khác nhau về hoàn cảnh nhưng cùng chung tâm sự, hai người quá hiểu biết nhau như lời cụ Phan sau này ái điếu cụ Bài “vào triều ra quận ruột đau đòi, khôn phơi sạch để ai xem...”
Tâm sự “nằm gốc cây sung”, trở thành nội dung bài thơ do cụ sáng tác:
Thời thế xui nên giả vợ chồng
Lấy anh chưa dễ đã nằm chung.
Ừ, chơi với nó toi đồng bạc
Thật chẳng cho ai nếm má hồng!
Cười gượng lắm khi che nửa mặt
Khóc thầm một nỗi khác hai lòng!
Bao giờ duyên cũ thay duyên mới
Thỏa thuận cùng nhau tát biển đông (10).
Ngoài tâm sự “nằm chung không nằm” của cụ Phan Bội Châu và cụ Nguyễn Hữu Bài, bài thơ trên làm nhớ lại hoàn cảnh triều đình Huế trong khoảng thời gian này.
Vua Khải Định vừa mới mất (6-11-1925), Khâm Sứ Pasquier áp lực Hội Đồng Phụ Chánh ký Thỏa Ước 6-11-1925, chuyển giao tất cả quyền lực chính trị, hành chánh và tư pháp qua tay người Pháp.
Mang trách nhiệm Phụ Chánh đại thần, Thượng Thơ Bộ Lại Nguyễn Hữu Bài không thể nào không phản đối. Mặc dù vậy, dưới áp lực nặng nề của bộ máy đô hộ, cuối cùng triều đình Huế chấp nhận. Đứng đầu Nam Triều, Phụ Chánh thân thần Tôn Thất Hân và Tôn Nhơn Phủ đại thần Tôn Thất Trạm, tiếp đến Tổng Lý Nội Các Nguyễn Hữu Bài và các Thượng Thơ Hồ Đắc Trung, Võ Liêm, Trần Đình Bách, Phạm Văn Thụ. Về phía Pháp, Xử Lý Thường Vụ Toàn Quyền Monguillot.
Một vương quyền đã hạn hẹp lại bị tước đoạt thêm quyền lực cuối cùng, từ nay chỉ còn thu hẹp trong một Thỏa Ước vỏn vẹn với 3 Điều. Quan trọng nhất Điều I: hành chánh, chính trị, nội an, tư pháp, từ nay nằm trong tay người Pháp.
Vẫn chưa thôi, người Pháp còn muốn chỉ huy, kiểm soát nhiều hơn. Trong một buổi thương nghị, Khâm Sứ Aristide Le Fol điều trần: “Theo Thỏa Ước 6-11-1925 Khâm Sứ Trung Kỳ chủ tọa Hội Đồng Thượng Thơ, có quyền ra chỉ thị thi hành các việc”. Phản đối ý định trên của A. Le Fol, Viện Trưởng viện Cơ Mật Nguyễn Hữu Bài thản nhiên đáp lại không chút nhượng bộ:
“Hiệp ước nói trên chỉ là tạm ước lâm thời áp dụng trong khi vua Bảo Đại còn du học, mà không phải là luật lệ, hiến pháp của Nam Triều. Việt Nam là một nước quân chủ, chỉ có Vua mới có quyền ra sắc dụ, ban hành luật lệ mà thôi. Chức vụ Khâm Sứ đại diện nước Pháp, nếu muốn, có thể “xem chừng” công việc của Nam Triều, nhưng không có quyền ra lệnh cho Hội Đồng Thượng Thơ. Nay viện Cơ Mật đã có Viện Trưởng đại thần là vị chủ tọa Hội Đồng, lẽ đâu lại nhường địa vị ấy cho Khâm Sứ...”
Đối đáp thẳng thắn chắc nịch với viên Khâm Sứ Trung Kỳ trong những lần hội thương đã như vậy, qua công văn giấy tờ giao dịch hằng ngày Thượng Thơ Nguyễn Hữu Bài còn tỏ rõ hơn nhân cách xứng đáng người đại diện Nam Triều. Đọc lại lời Sớ tháng 3 năm 1932 kháng nghị người Pháp dưới đây về việc đặt thêm chức Hội Lý Viện Trưởng viện Cơ Mật, độc giả sẽ hiểu rõ thêm tinh thần bất khuất và cương trực của Cơ Mật Viện Trưởng Nguyễn Hữu Bài.
Phiên âm:
Phúc (Tây bản niên tam nguyệt nhị thập cửu nhật, đệ nhất bách tam thập nhất hiệu), tự đẳng ý thần thận vi sá dị bất tri duyên hà nhi quý Tòa hữu thử ngộ nhận.
Thả thần phụng tiên đế giản vi Cơ Mật Viện Trưởng đại thần, phụng hữu minh Dụ thương tính, phụng biệt cấp kim bài, thập niên lai trung ngoại diệc dĩ công nhận. Tự lai quý Tòa vô thiết Viện Trưởng Hội Lý chi chức. Cận nhật giam hữu kiến trước vu văn thư nhi vô kiến tiên thương dữ thần viện hà từ, thần dĩ vi hữu ngại thích văn bất tiện nhi diệc hữu khuy triều đình thể thống.
Trí hữu tái phúc thư (Tây bản niên tam nguyệt tam thập nhật, đệ tam bách tam thập thất hiệu) tường tự thỉnh đình thiết giá Viện Trưởng Hội Lý chi chức vi hợp.
Triết cảm cụ tấu tính phụng sao nguyên quý Tòa thư tịnh thần phúc thư (Pháp văn) hữu sao đính nguyên tiết thứ Dụ chỉ văn thư đồng đệ phụng tiến hầu phụng động giám tái khoan. Chi tiết thần thỉnh lánh phụng diện tấu cẩn phụng tính tự.
Nguyễn Hữu Bài, phụng thảo duyệt
Dịch nghĩa:
Phụng xét thiểm chức giữ chức Cơ Mật Viện Trưởng đã hơn mười năm và quý Tòa không hề có chức Viện Trưởng Hội Lý bao giờ. Mấy ngày gần đây trong quý văn thư thấy có chức vụ Hội Lý; như thế có phần không tiện lại phát sinh nhiều mối nghị luận. Thỉnh cầu quý Tòa nên đình thiết chức vụ ấy là hơn.
Nay tiếp phúc tư quý Tòa trình bày mọi lẽ, do công văn số 131 ngày 29-3 dương lịch, thiểm chức lấy làm ngạc nhiên không hiểu vì lẽ gì quý Tòa có sự ngộ nhận như vậy.
Thiểm chức vâng chiếu đức tiên đế chọn làm Cơ Mật Viện Trưởng đại thần, có Dụ chỉ rõ ràng, có bàn bạc đôi bên, có cấp riêng bài vàng, mười năm nay trong ngoài đều công nhận như vậy. Từ trước đến nay quý Tòa không đặt chức Viện Trưởng Hội Lý bao giờ. Gần đây thấy ghi chức ấy trên văn thư mà không thương lượng trước với Viện tôi một lời nào. Thiểm chức ngại rằng như vậy có hại đến sự kiến văn không tiện, lại có phần làm suy giảm thể thống triều đình.
Vậy có phúc thư này, số 337 ngày 30-3, nêu rõ lý do xin đình bãi chức Viện Trưởng Hội Lý ấy cho hợp lẽ.
Kèm theo, kính sao thơ của quý Tòa cùng thơ trả lời của viện tôi (bản dịch Pháp văn); đồng thời sao gởi kèm thêm bản tóm tắt Dụ chỉ và các văn thơ liên hệ để quý Tòa thẩm định. Các chi tiết cần thiết liên hệ sẽ xin trình bày riêng và trực tiếp sau.
Nguyễn Hữu Bài, kính viết và đọc lại.
Công văn qua lại, trả lời phân minh kịp thời không chậm trễ. Lời phản kháng nhẹ nhàng giản dị, lịch sự tương kính, nhưng lý luận đanh thép vững vàng không sơ hở; đối phương dù cậy quyền cậy thế cũng khó mà trách cứ được.
Từ đó cho đến ngày Thượng Thơ Nguyễn Hữu Bài hưu trí, ngoài chức Hội Lý các bộ sẵn có trước nay, không còn nghe người Pháp nhắc đến chức chưởng Hội Lý Cơ Mật Viện Trưởng nữa.
Cũng Khâm Sứ Thibaudeau, một lần khác đã đụng độ ông “Thượng Bài” và lấy làm khó chịu vì thái độ y cho là chống đối quá khích.
Từ lâu, thấy rõ sự quan trọng vùng Cao-nguyên Trung Kỳ, người Pháp muốn biến vùng đất này thành khu tự trị nhượng địa Pháp, tách khỏi lãnh thổ Việt Nam. Với thâm ý ấy, Khâm Sứ Trung Kỳ yêu cầu Nam Triều nhượng hẳn đất đai Cao-nguyên cho người Pháp, lấy cớ rằng biên giới Việt Nam ngày trước chỉ có từ bên này dãy núi Trường Sơn mà thôi.
Biết rõ âm mưu ấy, Phụ Chánh Nguyễn Hữu Bài xin khất hẹn ba ngày sau sẽ trả lời.
Gặp lại viên Khâm Sứ lần sau, ông khôn khéo trả lời:
“Cao-nguyên vốn là đất đai của triều đình, nay người Pháp muốn lấy cũng được. Song có điều khó khăn bất tiện bởi lẽ lâu nay sách báo, tài liệu lịch sử-địa dư đều ghi rằng Cao-nguyên là phần đất Việt Nam, thảy mọi người đều biết.
Nay muốn vậy, xin nhà cầm quyền Pháp một thời gian để sửa đổi lại sách báo tài liệu nói trên, lâu ngày quen dần, không còn ai nói Cao-nguyên là của Việt Nam nữa, lúc đó người Pháp muốn lấy cũng không muộn...”
Vì sao sáng giữa đêm tàn
Tình hình chính trị trong những năm 1930-1931 càng ngày càng rối ren bất lợi cho chính quyền thuộc địa. Các phong trào vận động độc lập bộc phát mạnh. Vụ khởi nghĩa Yên Bái tuy đàn áp được nhất thời nhưng âm vang còn chưa hết trong các tầng lớp quần chúng. Tiếp đến các vụ bạo động Thanh-Nghệ, Quảng Nam, Quảng Ngãi... rồi thì phản ứng đòi sát nhập Bắc Kỳ với Trung Kỳ dưới quyền cai trị của Nam Triều. Tổng Trưởng Thuộc Địa Pháp là Paul Reynaud vào cuối năm 1931 được phái sang điều tra tình hình Đông Dương.
Tháng 11 năm 1931 tiếp kiến ông P. Reynaud tại Huế, Cơ Mật Viện Trưởng Nguyễn Hữu Bài không ngần ngại tỏ bày tất cả sự thật là dân chúng Việt Nam muốn tự do, tự chủ. Với nguyện vọng đó, Nguyễn đại thần nhắc lại lời yêu cầu chính phủ Pháp giao trả Bắc Kỳ lại cho Nam Triều, đặt chức Kinh Lược ở Hà Nội như trước. Ông cũng nhân dịp này đưa ra nhiều đề nghị cải cách lâu nay bị người Pháp vịn cớ này cớ khác thoái thác hoặc làm chậm trễ.
Do ảnh hưởng tình hình tại chính quốc cùng với áp lực biến chuyển chính trị tại thuộc địa, sau lần gặp gỡ Cơ Mật Viện Trưởng Nguyễn Hữu Bài và Toàn Quyền P. Pasquier, về đến Paris Tổng Trưởng P. Reynaud ra lệnh trả tự do cho một số tù chính trị tại ba miền Nam-Trung-Bắc:
“Dân chúng Việt Nam chờ đợi một cuộc cải cách khả dĩ chấm dứt cơn khủng hoảng tinh thần họ đang đau khổ chịu đựng, họ chờ đợi một công cuộc cải cách bảo đảm cho toàn cõi Đông Dương, sự quân bình về các phương diện tinh thần, chính trị và kinh tế.”
“Les Vietnamiens attendent une réforme susceptible de mettre fin à la crise morale dont ils souffrent actuellement et d’assurer à l’Indochine son équilibre moral, politique et économique.” (Ref: Nam Phong-Supplément en Francais, No 167, Nov-Decembre 1931. P 325-330).
Lời tuyên bố trên của Tổng Trưởng Paul Reynaud mục đích xoa dịu phần nào cơn sốt chính trị tại Đông Dương, đồng thời làm nổi bật một nhân vật chính trị Việt Nam, Tể Tướng Nguyễn Hữu Bài từ đây được chính giới Pháp chú trọng theo dõi. Thiện cảm có và bực bội đối nghịch cũng nhiều.
Thiện cảm về phía các đảng phái chính trị cấp tiến; khó chịu bực mình đối với các phần tử thực dân luôn luôn muốn kìm hãm các dân tộc bị trị.
Nhà báo Henri Le Grauclaude, từ Pháp sang Việt Nam sau khi đã có dịp nghe ngóng, tìm hiểu nhiều về tình hình trong nước, đã vào tận trụ sở bộ Lại phỏng vấn ông Nguyễn Hữu Bài.
Trong cuộc phỏng vấn ngày 6-9-1932, đáp câu hỏi về vấn đề Lập Hiến, Tể Tướng Nguyễn Hữu Bài lạnh lùng trả lời:
-- Với chế độ Lập Hiến, Vua chia quyền với dân. Nhưng ở đây, Vua nước Nam có quyền gì mà chia?
Nói về nguyện vọng dân chúng sau khi vua Bảo Đại hồi loan, ông nhấn mạnh thêm:
-- Dân nước tôi cũng như các nước khác trên hoàn cầu lúc nào cũng mong muốn được tự chủ và được quyền bảo vệ quyền công dân của họ. Vua nước Nam cũng như các vị Quốc Trưởng khác phải lo cho quyền lợi ấy được bảo đảm chừng nào hay chừng ấy. Mà phải làm như vậy mới thỏa mãn được nguyện vọng dân chúng!
Cũng nhân dịp này ông muốn tỏ bày cho người Pháp biết triển vọng tương lai của dân tộc Việt Nam:
Việt Nam là một dân tộc rất bình dị và yêu chuộng hòa bình, muốn yên ổn làm ăn. Người nông dân đến mùa gặt lúa có gạo cơm đầy đủ nuôi con. Người dân nước tôi đông con lắm. Và vì đông con, thì nước nhiều dân và sau này sẽ trở thành một dân tộc lớn và hùng mạnh hơn. Cái tin tưởng và hy vọng ấy đã thâm nhiễm vào trí não các tầng lớp dân chúng trong nước và làm họ thêm yêu chuộng quá khứ và phong tục nước nhà để hướng về tương lai đẹp đẽ hơn”.
Về vấn đề nội trị, Nguyễn Hữu Bài một lần nữa xác nhận lập trường:
“... Về nội trị, người nước chúng tôi đang ao ước quyền nội trị, tự đảm đương thu xếp công việc bên trong. Có người cho rằng người dân chúng tôi không có lòng ái quốc; đó là một sự lầm lẫn lớn. Có lẽ người nước chúng tôi không yêu nước theo kiểu cách người Âu Châu, nhưng lòng trung quân ái quốc của họ ai cũng có, ai cũng một lòng một chí được thấy quyền tự chủ của nước nhà...”
Khi Henri Le Grauclaude hỏi về dư luận báo chí gần đây về việc thi hành Hòa Ước 1884 và sự quan tâm của dân chúng đến vấn đề, Tể Tướng Nguyễn Hữu Bài đáp:
“Tôi tưởng báo chí trong tình thế hiện tại dù sao vẫn chưa bày tỏ được hoàn toàn tiếng nói của dân chúng. Hiện giờ khắp nơi đều muốn Bắc Kỳ trở về với Trung Kỳ, trong nông thôn đều muốn như vậy và tất mọi xóm làng đều hiệp chung một ý ấy. Đi xa hơn, họ còn mong mỏi nhiều việc khác tốt đẹp hơn mà chúng tôi không thể không biết tới.”
Nhắc lại vấn đề an ninh ở hai tỉnh Thanh-Nghệ, Tể Tướng Bài nói:
“Không cần phải đổ máu nhiều cũng có thể an ninh được! Rất may là người Pháp đã thay đổi chính sách, một chính sách sai lầm mà chúng tôi đã nhiều lần bày tỏ ý kiến. Cũng rất may là ông Robin Xử Lý Thường Vụ Toàn Quyền đồng ý với chúng tôi. Ông Robin là một người can đảm khi biết con đường mình đi sai thì bỏ ngay mà chấp nhận ý kiến người khác...”
Cuối cùng kết thúc cuộc nói chuyện, Tể Tướng Nguyễn Hữu Bài kín đáo nhắc nhở:
“Chúng tôi vẫn tin rằng nước Pháp sẽ chú ý nhiều hon đến nguyện vọng dân chúng nước tôi và không quên lời hứa hẹn nhiều lần trước đây.”
Sau lần tiếp kiến này, Henri Le Grauclaude viết về Thủ Tướng Nguyễn Hữu Bài như sau:
“...Trong khi vua Bảo Đại chưa về chấp chánh, bao nhiêu quyền hành bên Nam Triều thật ra ở trong tay Thượng Thơ bộ Lại kiêm Cơ Mật Viện Trưởng Nguyễn Hữu Bài.
Vị đại quan này đường đường là một vị danh thần lương tướng, một người đại thông minh trí tuệ và tánh khí can trường trung trực. Những người về phe đảng khác, những người chống đối ông bên Pháp cũng đều công nhận như vậy. Một đôi câu ông nói ra, tuy vắn tắt, nhưng hàm súc nhiều ý nghĩ, đủ tỏ ra con người ông thật là từ giãn ý hùng.
Dư luận bên ngoài thường cho rằng ông Khâm Sứ nào ông không thích, năng xen vào công việc ông làm thì phải lo dự bị sẵn rương hòm khăn gói mà tính chuyện về nước cho sớm” (11).
Những lời đồn đãi ấy đúng hay không ở một nước thuộc miền nhiệt đới, nơi con người trí não nóng nảy hay mơ tưởng những sự hão huyền. Nhưng có một điều đích xác là ông Thủ Tướng người đạo Thiên Chúa, bên Công-giáo kính yêu đã đành, mà bên lương cũng một lòng ái mộ.
Nhìn hình vóc gầy ốm của ông, tôi nhớ câu “vì lưỡi gươm quá bén nhọn nên vỏ gươm phải mòn mỏi”. Võ Hiển điện Đại Học Sĩ Nguyễn Hữu Bài là cái quốc gia thạch trụ, ai hiểu rõ trí não tinh anh của ông, ai thấy cái vóc dáng mảnh khảnh của ông thì thấy câu nói trên ý nghĩa chừng nào.
Song thân hình ốm yếu mà trí não minh mẫn lạ thường! Xem đôi mắt sáng và lối mỉm cười của ông thì đủ biết. Cái mỉm cười có hơi ngạo vì tự tin, tự trọng ấy là cái cười của con người đầy trí tuệ thông minh, biết trước người đối thoại mình sẽ đưa câu chuyện đi đường hướng nào và sẽ hỏi mình những câu hỏi nào.
Tôi nghe người ta đồn rằng sau khi vua Bảo Đại hồi loan Thủ Tướng Bài sẽ xin từ chức. Chắc đó cũng là một hình thức lịch sự vì tôn trọng vị vua mới mà làm như vậy; sự thế tất đã vậy. Vì hẳn ra nhà vua sẽ lưu ông với chức vụ cũ, vì sau này chắc sẽ cần đến ý kiến ông nhiều hơn...”
Cũng nhà báo Henri Le Grauclaude này trong một dịp khác đã viết về Nguyễn Hữu Bài nhân dịp tháp tùng vua Bảo Đại trong cuộc tuần du ở Nghệ An vào tháng 11 năm 1932:
Về các vị quan Nam Triều, trong dân gian tôi nghe người ta xét đoán và bình phẩm như sau:
“Ở Trung Kỳ chỉ có hai vị quan xứng đáng nhất: Thủ Tướng Nguyễn Hũu Bài và ông Tuần Vũ Bình Thuận Ngô Đình Diệm.” Câu xét đoán này làm những người nhát gan phải rùng mình.
Riêng Quận Công Nguyễn Hữu Bài là vị lão thần danh tiếng bậc nhất rất dõng mãnh can trường, cũng đủ là một gương quý cho nhà vua. Trong khi Ngài còn đang du học, Thủ Tướng đứng đầu triều nước Nam, niên kỷ bảy mươi mà thường đi công cán năm nọ qua tháng kia, ai ai cũng biết, cũng phục. Ông lấy thuốc mệt mà trị bệnh mệt mỏi cũng như các lương y lấy độc mà giải độc vậy. Khi nước nhà gặp phải rắc rối nhiễu loạn hoặc khi phải thiên tai thủy ách, dân tình cật cứ, dân trí hoang mang, thấy bóng ông cũng như vủ-ủy, bớt lo, bớt sợ mà bền lòng vững chí nhiều hơn. Non một năm trời, ông trèo non lặn suối, ngót 110 ngày. Bởi thế trong nhân dân cho đến các phe đảng khác thấy công phu lao nhọc hy sinh vì nước, thấy lòng đại độ khoan hồng, cái cách xử trí thanh bạch, thảy đều ca tụng yêu vì.
Các nhà văn học ở đất Nghệ An này, mặc dù với truyền thống chống đối, bản tính thích bạo động hung hãn cũng rất hiểu rõ cái mãnh lực thiêng liêng của cách xử trí và đối đãi của ông mà đem lòng tin tưởng mến yêu. Phải nhìn nét mặt các bậc kỳ lão thân hào xem như ở trên bức tranh cổ hiện xuống, khi nghe Thủ Tướng Nguyễn Hữu Bài hiểu dụ và họ chú ý làm sao, rồi đoán khi ấy trong trí óc họ thay đổi tư tưởng như thế nào, mới thấy rõ lòng kỳ vọng và sự tôn kính họ đặt nơi ông Nguyễn Hữu Bài là chừng nào.
Nghệ An là nơi dân chúng hay chống đối, bình phẩm, nơi Hán học thịnh hành; chữ Nho là thứ chữ rất rộng nghĩa, khó giải thích cho hết, thì không biết các bô lão Nghệ An đã đàm luận thế nào về cuộc tuần du và Thủ Tướng Nguyễn Hữu Bài” (12).
Là một chính trị gia có nhãn quan sâu sắc nhìn xa thấy rộng, bị ràng buộc trong khuôn khổ định chế đương thời, Viện Trưởng viện Cơ Mật Nguyễn Hữu Bài đã vạch được con đường phục hưng đất nước trong tương lai.
Mềm dẻo khi cần mềm dẻo; cứng rắn khi phải cứng rắn. Với người Pháp ông không để họ chuyên quyền lấn áp, trái lại đã can đảm đương đầu trong những trường hợp mà quyền lợi và thể thống quốc gia bị xâm phạm.
Đối với các đảng phái quốc gia, tình đồng bào, nghĩa đồng chủng, Tể Tướng Nguyễn Hữu Bài nhiều lần bày tỏ mối đồng tâm thiện cảm. Không che đậy giấu giếm, bằng cách này hay cách khác ông chân thành hợp ý hợp tình chia sẻ nguyện vọng và lo âu.
Câu chuyện đối đáp giữa ông và Toàn Quyền Varenne về trường hợp nhà cách mạng Phan Bội Châu cũng như lời tuyên bố của ông khi tiếp kiến Tổng Trưởng Thuộc Địa P. Reynaud là thêm những sự kiện nói lên tấm lòng cương trực vì dân vì nước của ông.
Sau này khi nhà chí sĩ họ Phan về Huế, Tể Tướng Nguyễn Hữu Bài vẫn kín đáo liên lạc bàn việc quốc gia cũng như liên lạc, tiếp xúc với các nhà cách mạng khác như cụ Huỳnh Thúc Kháng là một.
Đối với đảng Cộng Sản hay các tổ chức Cộng Sản ngụy trang quốc gia, lập trường ông cũng rất rõ rệt. Tự bản chất gia đình và giáo dục, gắn bó với truyền thống đạo đức văn hóa ngàn xưa, trước sau Nguyễn Hữu Bài chứng tỏ lập trường chính trị chống Cộng Sản, một đại họa trong tương lai nếu không may xứ sở rơi vào bàn tay sắt máu Cộng Sản. Ngay từ hồi đó, khi Cộng Sản mới bắt đầu ló dạng, ông đã tiên đoán hiểm họa Cộng Sản sau này đối với đất nước, nên đã thẳng thắn trình bày rõ ràng sự nguy hại của chủ nghĩa này phản lại quyền lợi quốc gia, cần phải trừ đi cho sớm để bảo tồn nhân đạo.
Trong một tờ sớ trình lên nhà vua, ông đề nghị muốn dân chúng đừng nghe theo tuyên truyền Cộng Sản, Nhà Nước phải chủ trương cải tiến dân sinh, bài trừ tham nhũng...
Đường lối chống Cộng của ông mấy mươi năm sau, kể đến ngày nay vẫn còn đắc dụng, đủ rõ sự nhận thức của ông sáng suốt như thế nào.
Đặt hy vọng phục hưng đất nước và canh tân xứ sở vào lớp thanh niên tân học, Tể Tướng Nguyễn Hữu Bài chú trọng đến việc nâng cao dân trí, con đường độc nhất đưa nước nhà khỏi cảnh tối tăm nhục nhã. Đề nghị lập thêm một trường đại học ở Huế của ông vào thời đó phải đợi mấy mươi năm sau nước nhà độc lập hoàn toàn mới thực hành được, đã nói nhiều về chủ trương cứu quốc của ông.
Không làm được việc này, ông làm việc khác. Cùng với chủ trương đào tạo nhân tài cần thiết cho đất nước ngày mai, ông sáng lập Hội Như Tây Du Học Bảo Trợ. Với một số nhỏ hội viên, trong chưa đầy mười năm, ông đã quyên góp được số tiền 154.000 $ giúp 25 sinh viên có điều kiện sang Pháp du học thành tài. Một con số rất ít ỏi đối với ngày nay, nhưng vào thời ấy với bao nhiêu khó khăn cản trở, làm được như vậy quả là một sự thành công đáng kể (13).
Nợ tang bồng trang trắng vỗ tay reo
Tháng 9 năm 1932, tàu Dumont d’Urville cập bến Đà Nẵng, vua Bảo Đại hồi loan.
Huế, kinh đô cổ kính gắn bó lâu đời kỷ niệm với cổ phong cổ lệ.
Vị tân quân tân học vừa hồi loan đang chuẩn bị tân trào.
Hôm ấy ngày đầu tiên, sau khi hoàn tất các lễ nghi tại Thái Miếu và bái yết đức Đoan Huy Hoàng Thái Hậu (vợ vua Đồng Khánh) và đức Từ Cung Thái Hậu (mẹ vua Bảo Đại), vị tân vương đang tập sự cầm quyền cho mời vị lão thần Nguyễn Hữu Bài đến gặp tại điện Kiến Trung. Một tân, một cổ, hai nhân vật chính yếu trong giai đoạn lịch sử chuyển tiếp.
Người đời nay muốn biết rõ ràng trung thực nội dung lần nói chuyện này, tưởng không gì hơn là được nghe một trong hai vị này kể lại.
(Nguồn: http://www.vanchuongviet.org/index.php?comp=tacpham&action=detail&id=18423)