Thư Mục Vụ GP Phan Thiết # 133:

Bài giảng ngày Tử đạo Chân phước Anrê Phú Yên

Anh chị em thân mến,

Hôm nay 26/7, kỷ niệm Ngày Chân phước Anrê Phú Yên chết vì đạo, một trong 13 ngày được HĐGMVN chọn làm ngày hành hương của Năm Thánh Truyền giáo, để hưởng ơn toàn xá, tôi xin được chia sẻ với anh chị em bài Tin Mừng của ngày lễ hôm nay: Dụ ngôn Hạt cải và men.

Thánh Matthêu đã có công quy tụ trong chương 13 Tin Mừng do ông viết tất cả những dụ ngôn liên quan đến Nước Trời mà Giáo Hội là khởi điểm (LG 5)

Dụ ngôn:

  • -Người gieo giống: nói lên sự quảng đại của Thiên Chúa muốn thấy mọi người đón nhận Tin Mừng.
  • -Cỏ lùng: để cho thấy vẫn có sự lẫn lộn của người tốt và người xấu trong Giáo Hội.
  • -Hạt cải và men: tiên báo sự lớn lên, sự vững mạnh và đầy sức sống của Nước Trời.
  • -Kho tàng và viên ngọc quý: xác nhận tính siêu việt của Nước Thiên Chúa.
  • -Lưới cá: nói về sự phán xét ngày thế mạt.
Bây giờ, chúng ta trở lại với bài Tin Mừng: dụ ngôn Hạt cải và men. Trong các dụ ngôn, Chúa Giêsu thường dùng những câu chuyện rất đơn sơ và những hình ảnh rất quen thuộc, để trình bày những thực tại, những chân lý hay những giáo huấn thiêng liêng.

Dụ ngôn Hạt cải

Chúa Giêsu dạy: “Nước Trời giống như hạt cải người kia gieo trong ruộng mình. Hạt ấy bé nhỏ hơn mọi thứ hạt giống, nhưng khi mọc lên, thì lớn hơn mọi thứ rau cỏ, rồi thành cây, đến nỗi chim trời đến nương náu nơi ngành nó” (Mt 13,31-32).

Mục đích của dụ ngôn Hạt cải là để trấn an tinh thần của các môn đệ và sau này của các cộng đoàn tín hữu, chống sự chán nản, ngã lòng. Trước sự chống đối của các tư tế, các thầy thông luật và nhóm Biệt phái, cùng với sự lơ là, lãnh đạm của dân chúng, Chúa Giêsu dùng dụ ngôn Hạt cải để nâng đỡ và khích lệ các môn đệ của Người. Đối diện với những người thù nghịch và đám đông dân chúng bất nhất và vụ lợi, Chúa Giêsu và nhóm đồ đệ của Người chỉ là một thiểu số.

Dụ ngôn Hạt cải cũng được viết cho những giáo đoàn nhỏ bé buổi sơ khai đang gặp những khó khăn và sự bách hại. Nhưng như hạt cải khi mọc lên, đã lớn hơn mọi thứ rau cỏ, rồi thành cây. Tất cả mọi công trình của Thiên Chúa, thường khởi đầu cách nhỏ bé, và đôi khi rất khiêm tốn trong một thời gian lâu dài. Chúng ta chỉ cần đọc lại lịch sử của các hội dòng hay lịch sử của các xứ truyền giáo: như cuộc truyền đạo ở Nước ta. Nước Trời buổi sơ khai rất nhỏ như hạt cải và thường gặp nhiều khó khăn và sự bách hại, nhưng từ từ, Nước ấy đã lớn lên và trở thành cây to, đến nỗi nhiều dân tộc đến náu ẩn trên cành nó.

Riêng trong Giáo Hội Công giáo hiện nay, số tín đồ đã lên trên 1.071.000.000 người, hiện diện ở khắp năm châu và là một trong các giáo hội lớn mạnh. Và tổng số những người có tôn giáo tên thế giới là trên 4 tỷ, trong số 6 tỷ người hiện sống. Chúng ta có đầy đủ lý do để tin vào sự trường tồn và phát triển của Nước Trời.

Lý do thứ nhất là vì Nước Trời là công trình của Thiên Chúa, nên, như lời của ông Gamalien nói trong sách Công vụ các Tông đồ: “Nếu ý định hay công việc này là do người phàm, tất sẽ bị phá hủy, còn nếu quả thật là do Thiên Chúa thì quý vị không thể nào phá hủy được; không khéo quý vị lại thành những kẻ chống Thiên Chúa. Họ tán thành ý kiến của ông” (Cv 5,38-39). Chúa Giêsu cũng đã hứa: “Thầy sẽ ở lại cùng các con mọi ngày cho đến tận thế” (Mt 28,20).

Lý do thứ hai: như hạt cải tự nó đã mang một sức sống, một nội lực trong mình, thì Giáo Hội vẫn có Chúa Thánh Thần là nguồn sống và linh hồn của Giáo Hội. Chúa Thánh Thần vẫn hoạt động trong lòng con người để thôi thúc họ khao khát tìm hiểu ý nghĩa của cuộc sống, sự chết và cùng đích của cuộc đời, để họ tìm về chân lý. Thánh Augustinô đã tự thú: “Lạy Chúa, Chúa đã tạo dựng con cho Chúa, và tâm hồn con vẫn khao khát cho đến khi được nghỉ an trong Chúa”.

Lý do thứ ba: sự trường tồn và phát triển của Giáo Hội trong 20 thế kỷ qua là bằng chứng cụ thể về sức sống và năng lực của Giáo Hội.

Dụ ngôn men trong bột

Chúa Giêsu nói: “Nước Trời giống như nắm men người đàn bà kia lấy đem trộn vào ba đấu bột cho đến khi bột dậy men” (Mt 18,33).

Một nắm men trộn vào ba đấu bột. Tuy là một nắm nhỏ nhưng men đã làm dậy cả ba đấu bột. Giáo Hội buổi sơ khai giống như nắm men trộn vào thúng bột. Bột sẽ dậy men, để rồi được nướng thành bánh, cung cấp thức ăn cho mọi người.

Cũng như hạt cải, nắm men người đàn bà trộn vào thúng bột, vẫn mang theo mình một sức sống, làm dậy lên cả thúng bột. Giáo Hội, nhờ kho tàng giáo huấn của Chúa Kitô và sức mạnh của Chúa Thánh Thần, có khả năng tác động trong tâm trí của con người cũng như xã hội, trong các nền văn hóa và tôn giáo… để từng bước quy hướng họ về Chúa Kitô. Chúng ta có thể nhận ra kết quả của sự tác động này trong những nền văn hóa biết tôn trọng những giá trị Tin Mừng như: sự công bằng, lòng nhân ái, sự thành thật, tình liên đới, sự khoan dung, tình đoàn kết, sự cần kiệm, sự liêm chính, tinh thần chí công vô tư, nhất là sự tôn trọng phẩm giá và những quyền tự do chính đáng của con người. Đó là những giá trị phổ quát và vĩnh cửu mà mọi nền văn minh đích thực đều phải có.

Ngoài ra, chúng ta còn nhận ra được kết quả tốt lành của sự tác động nói trên trong con người. Công đồng Vatican II dạy: “Những ai đang tìm kiếm Thiên Chúa trong bóng tối và qua những ngẫu tượng, Thiên Chúa mà họ không biết, cả những kẻ ấy, Ngài cũng không xa họ, bởi vì chính Ngài ban cho họ sự sống, hơi thở và tất cả mọi sự (Cv 17,28) và vì là Đấng cứu thế, Ngài muốn mọi người đều được cứu rỗi (1Tm 2,4). Thật thế, những kẻ vô tình không nhận biết Phúc âm của Chúa Kitô và Giáo Hội Người, nhưng nếu thành tâm tìm kiếm Thiên Chúa và dưới tác động của ơn thánh họ cố gắng chu toàn thánh ý Thiên Chúa trong công việc mình theo sự hướng dẫn của lương tâm, thì họ có thể được cứu rỗi. Cả những kẻ vô tình chưa nhận biết Thiên Chúa cách rõ ràng, nhưng nhờ ơn Chúa, cố gắng sống đời chính trực, thì Chúa Quan Phòng không từ chối ban ơn trợ lực cần thiết để họ được cứu rỗi. Thực vậy, Giáo Hội xem tất cả những gì là chân thiện nơi họ như để chuẩn bị họ lãnh nhận Phúc âm và như một ân huệ mà Đấng soi sáng mọi người ban cho, hầu cuối cùng họ được sống” (LG 16).

Dựa trên giáo huấn của Công đồng, chúng ta tin Thiên Chúa cũng có nhiều phương cách phân phát ơn cứu độ. Thánh Công đồng cũng đã xác nhận là “trong các yếu tố hoặc tài sản xây dựng và làm sống động Giáo Hội, một số khá nhiều và tuyệt hảo có thể không nằm trong ranh giới hữu hình của Giáo Hội” (Đại Kết 3). Vì Chúa Thánh Thần hoạt động mọi nơi và mọi lúc. Hơn nữa, Thiên Chúa cũng có thể sử dụng những người vô tình không nhận biết Người - nhưng vẫn sống chính trực - làm tông đồ, làm nhà truyền giáo của Nước Trời. Họ là những người cổ vũ và xây dựng những giá trị Tin Mừng như: hòa bình, công lý, lòng nhân ái, tình liên đới, sự liêm chính, tự do, nhân phẩm và nhân quyền. Mong sao Đất nước Việt Nam có được nhiều tông đồ của những giá trị đó.

TIN TỨC

Thuyên chuyển

Vì nhu cầu mục vụ và lợi ích thiêng liêng của giáo dân, quý Cha đã nhận Thư bổ nhiệm và sẽ đến nhiệm sở mới theo lịch trình sau đây:

  • 1) Ngày thứ Tư 25-8-2004: Cha G.B Trần Xuân Long sẽ về nhận chức chánh xứ giáo xứ Vinh Thủy.
  • 2) Ngày thứ Sáu 27-8-2004: Cha Phêrô Hoàng Vĩnh Linh sẽ về nhận chức chánh xứ giáo xứ Vinh Thanh.
  • 3) Ngày thứ Bảy 28-8-2004: Cha Giuse Phạm Thọ sẽ về nhận chức chánh xứ giáo xứ Đông Hà.
  • 4) Chúa Nhật 29-8-2004: Giáo xứ Cù Mi sẽ đón chào Cha Phêrô Võ Tấn Luật, tân Phó xứ giáo xứ Cù Mi.
Thánh lễ nhận nhiệm sở mới của các Cha xứ sẽ được cử hành theo ghi thức Giáo Hội, lúc 8 giờ sáng.

Xin Chúa ban phúc lành cho quý Cha trong nhiệm vụ mới.

Niên học mới 2004 - 2005

Chúa Nhật 29-8-2004, các Cha xứ, cùng với anh chị em giáo viên, sẽ long trọng tổ chức thánh lễ cầu cho học sinh và sinh viên bước vào niên học mới.

Ngoài ra, vì tương lai của con em trong giáo xứ, xin anh chị em phụ huynh, Hội đồng mục vụ, hội khuyến học và các đoàn thể cố gắng lo cho tất cả các em đều được đi học và học cho đến cùng.