THƯ MỤC VỤ PHAN THIẾT số 135 Ngày 15.9.2004

DỤ NGÔN LÚA VÀ CỎ LÙNG (Mt 13,24-30;36-43)

Dụ ngôn viết như sau:

Nước Trời giống người kia gieo giống tốt trong ruộng mình. Trong lúc mọi người ngủ, thì kẻ thù của ông đến gieo cỏ lùng vào ngay giữa lúa, rồi đi mất. Khi lúa lớn lên và trổ bông, thì cỏ lùng cũng lộ ra. Đầy tớ của ông chủ nhà đến nói với ông rằng: Thưa ông, ông đã không gieo lúa tốt trong ruộng ông sao? Vậy cỏ lùng từ đâu mà có? Ông đáp: người thù của ta đã làm như thế. Đầy tớ nói với ông chủ: nếu ông bằng lòng, chúng tôi xin đi nhổ cỏ. Chủ nhà đáp: không được, kẻo khi nhổ cỏ lùng, ông lại nhổ luôn cả lúa chăng. Hãy để cả hai mọc lên cho đến mùa gặt” (Mt 13,24-29).

Nước Trời gồm hai giai đoạn: giai đoạn trần thế và giai đoạn cánh chung. Dụ ngôn gồm hai phần: phần tường thuật dụ ngôn và phần giải thích của Chúa Giêsu.

Gieo cỏ lùng vào ngay giữa lúa.

Nước Trời trong giai đoạn trần thế không chỉ toàn là lúa, mà còn có cỏ lùng. Giáo Hội, cũng như thế giới và xã hội hôm nay, gồm đủ mọi hạng người: tốt và xấu; giàu và nghèo; có học thức và dốt nát; khôn ngoan và ngu dại; có tài hay bất tài; có chức quyền hay thường dân. Được tạo dựng theo hình ảnh Thiên Chúa, nam và nữ, mọi người đều có một phẩm giá như nhau. Mọi người đều có quyền sống, quyền được hưởng những điều kiện cần thiết cho sự sống và mọi quyền lợi căn bản của con người, thường được gọi là nhân quyền. Do đó, sự phân biệt đối xử, sự bất công, bất bình đẳng, xúc phạm đến sự sống và phẩm giá của người khác, vi phạm những quyền tự do căn bản của con người, tất cả đều là kẻ thù của nhân loại. Một xã hội lành mạnh phải loại trừ những thù địch nói trên.

Ngoài ra, cùng với sự đa diện về thành phần xã hội, con người còn phải chấp nhận sự đa diện trong nhiều lãnh vực khác như: kinh tế, mậu dịch, văn hóa, giáo dục, chức vụ, nghề nghiệp, địa lý địa hình, tôn giáo và chính trị. Ngay cả trong thân thể con người không phải chỉ có một loại chi thể. Thánh Phaolô viết: “Thật vậy, thân thể gồm nhiều bộ phận. Giả như toàn thân thể chỉ là mắt thì lấy gì mà nghe? Giả như toàn thân chỉ là tai, thì lấy gì mà ngửi?” (1Cr 12,14-17). “Nhưng Thiên Chúa đã đặt mỗi bộ phận vào một chỗ trong thân thể theo ý Người muốn. Giả như tất cả chỉ là một thứ bộ phận, thì làm sao mà thành thân thể được?” (1Cr 12,18).

Lúa lớn lên… thì cỏ lùng cũng lộ ra.

Lúa và cỏ lùng cùng mọc lên trong đồng ruộng. Sự khác biệt về chủng loại, màu sắc, tầm vóc, sinh lực hay thời gian sinh tồn không phải là những lý do để khai trừ hay hủy hoại nhau. Người chủ ruộng bảo: “Hãy để cho cả hai mọc lên cho đến mùa gặt” (Mt 13, 29). Các giống lúa và các loại cỏ mọc trong đồng tuy khác nhau nhưng cùng mọc trong một thửa ruộng. Thánh Phaolô viết: “Như thế, bộ phận tuy nhiều mà thân thể chỉ có một. Vậy mắt không thể bảo tay: tao không cần đến mày. Đầu cũng không thể bảo hai chân: tao không cần chúng bay” (1Cr 12,20-21). Nếu trong thân thể con người là thế, thì trong cơ cấu xã hội, quốc gia hay quốc tế, con người vẫn phải chấp nhận sự khác biệt của nhau. Do đó, khai trừ, bè phái, phân biệt đối xử, độc tôn, độc quyền là sai với căn tính con người. “Hãy để cho cả hai cùng mọc lên” (Lc 13,29). Một thân thể mạnh khỏe là một thân thể đa diện, đa năng, nhưng hiệp nhất trong sự khác biệt.

Nếu ông bằng lòng, chúng tôi xin đi nhổ cỏ.

Bực mình trước sự khác biệt của cỏ lùng, bọn đầy tớ nói với chủ: “Nếu ông bằng lòng, chúng tôi xin đi nhổ cỏ”. Người chủ ngăn cản ngay: “Hãy để cả hai mọc lên cho đến mùa gặt” (Mt 13,29). Thánh Phaolô viết: “Cũng như trong một thân thể, chúng ta có nhiều bộ phận mà các bộ phận không có cùng một chức năng, thì chúng ta cũng vậy, tuy nhiều nhưng chỉ là một thân thể… mỗi người liên đới với những người khác như những bộ phận của một thân thể. Chúng ta có những đặc sủng khác nhau” (Rm 12,4-6).

Con người trong xã hội cũng thế; là thành phần của Đất Nước, chúng ta liên đới với nhau về nguồn gốc, về nghĩa vụ và quyền lợi, về hiện tại cũng như tương lai. Hãy để nhau phát triển. Sự khác biệt về chủng tộc, văn hóa, nghề nghiệp, tôn giáo, kinh tế, chính trị rất có lợi. Vì một cây làm chẳng nên non, ba cây chụm lại nên hòn núi cao. Hãy xã hội hóa cách thành thật và công bằng. Chúng ta chấp nhận mở biên giới cho các công ty, xí nghiệp nước ngoài vào làm ăn, mở bệnh viện, mở trường, tại sao lại hạn chế các tôn giáo trong khuôn viên các cơ sở giáo dục mầm non, những trại nuôi người tàn tật, người phung, người mắc bệnh HIV/AIDS… những người bị xã hội ruồng bỏ?

Hãy trọng dụng mọi bộ phận trong thân thể. Thánh Phaolô viết: “Thân thể gồm nhiều bộ phận chứ không phải chỉ có một mà thôi… giả như tất cả chỉ là một bộ phận, thì làm sao mà thành thân thể được?” (1Cr 12,14.19). Hãy tận dụng những khác biệt, những dị dồng để bổ túc, và bổ sung cho nhau, để làm giàu cho Đất Nước và Giáo Hội.

Hãy đợi đến mùa gặt.

Sự chờ đợi mùa gặt nói lên sự bao dung, kiên trì, lòng thương xót và sự công bằng của chủ ruộng. Được các môn đệ hỏi, Chúa Giêsu giải thích bài dụ ngôn. Đây là giai đoạn cánh chung của Nước Trời.

Kẻ gieo giống tốt là Con Người. Ruộng là thế gian. Còn hạt giống tốt là con cái Nước Trời. Cỏ lùng là con cái gian ác. Kẻ thù gieo cỏ lùng là ma quỷ. Mùa gặt là ngày tận thế. Thợ gặt là các thiên thần. Cũng như người ta thu lấy cỏ lùng rồi thiêu đốt trong lửa thế nào, thì ngày tận thế cũng sẽ xảy ra như vậy… Bấy giờ kẻ lành sẽ sáng chói như mặt trời trong Nước của Cha mình. Ai có tai để nghe thì hãy nghe” (Mt 13,37-43).

Lời giải thích này nhắc nhở chúng ta việc đoán xét và luận tội là việc của Thiên Chúa. Chính Người đã dạy các môn đệ đừng đoán xét và lên án anh em (x. Mt 7,1). Hãy kiên nhẫn và bao dung, vì tội lỗi thì đáng ghét, nhưng người có tội vẫn đáng thương. Hãy mặc lấy những tâm tình, và mang lấy quả tim của Chúa, để “yêu thương thù địch, làm lành cho những kẻ ghét các con, cầu nguyện cho những kẻ bắt bớ và vu khống các con, để các con nên con cái Cha các con ở trên trời, là Đấng làm cho mặt trời mọc lên trên người lành cũng như kẻ dữ và cho mưa trên người công chính cũng như trên kẻ bất lương” (Mt 5,43-45).

Ước gì tất cả những người đang sống với chúng ta hôm nay đều là con cái của Nước Trời, trong ngày tận thế.