CHUYỆN THÌ THẦM CỦA MỘT DÒNG SÔNG
Lễ Thánh Stêphanô Cuénot Thể Giám mục Tử Đạo gp. Qui Nhơn
(14/11/2016)
Có một đoạn trong bài giảng Lễ Thánh Stêphanô Cuénot Thể năm 2010 của Đức Cha Matthêô mà tôi rất ấn tượng đó là những dòng Đức Cha dành để khép lại câu chuyện về cuộc đời mục tử và cái chết bi hùng của Thánh Giám Mục Cuénot. Xin trích : “Dòng sông đã khép lại đưa thi hài của người về chốn an nghỉ vĩnh hằng, và kể từ đó cứ độ nầy mỗi năm ta nghe như tiếng dòng sông thì thầm kể lại cuộc tử đạo anh hùng của vị chủ chăn khả kính”.
Thật vậy, hôm nay, cộng đoàn chúng ta, toàn giáo phận Qui Nhơn chúng ta, lại một lần nữa về đây, bên dòng sông Gò Bồi nầy, trong đền thánh Vĩnh Thạnh nầy, để nghe “câu chuyện thì thầm của một dòng sông” về một chứng nhân anh hùng tử đạo, về một con người, một Giám Mục, một vị Thánh, mà cũng theo Đức Cha Matthêô, cho dù “di hài của Thánh Giám Mục Stêphanô ngày nay không còn nữa, nhưng vẫn còn đó một tấm gương đức tin kiên trung, một tưởng niệm đài vô hình về lòng nhiệt thành tông đồ, một khuôn mặt kiệt xuất của một nhà tổ chức đại tài, một hình ảnh của một người cha khả ái…”.
Những lời thâm thúy đó, quả thật, đã quá đủ để cho chúng ta thấy lại toàn bộ cuộc đời vĩ đại của một mục tử, vị chủ chăn tuyệt vời của giáo phận ; và giờ đây, thay vì nhắc lại cuộc đời ngài như bao nhiêu câu chuyện lịch sử, chúng ta hãy cùng nhau cảm nhận cuộc đời đó âm vang qua chính sứ điệp Lời Chúa được công bố hôm nay, trong Thánh lễ nầy.
Trước hết, Bđ 1 qua trích đoạn sách ngôn sứ Giêrêmia, cho chúng ta nhận ra nổi khắc khoải khổ tâm của chính vị ngôn sứ Giêrêmia, kẻ bị chính người đồng hương ruồng bố, bách hại, khi mang đến cho họ sứ điệp Lời Chúa và chân lý cứu rỗi. Tâm sự và kinh nghiệm khổ đau đó phải chăng đã nói lên rằng : tất cả những ai chấp nhận thân phận làm ngôn sứ đều phải đi qua con đường gian nan, thử thách, khổ nhục đắng cay, và cả hy sinh tính mạng. Nổi khổ tâm nầy, trăn trở nầy, chắc chắn Đức GM Thánh Stêphanô đã từng trải nghiệm trong suốt 30 năm lặn lội rao giảng Tin Mừng trong một đất nước, một quê hương luôn dành cho ngài sự ruồng bố, bách hại, kết án, mà các triều vua Minh Mạng, Thiệu Trị, Tự Đức vẫn còn rành rành lưu lại qua các chỉ dụ cấm cách.
Để minh họa cho công cuộc thực thi sứ mệnh ngôn sứ đầy gian nan của Đức Thánh Giám Mục Cuénot, chúng ta thử đọc lại một đoạn trong “hạnh Đức Cha Thể” của Đức Cố Giám Mục Tardieu, mô tả về một trong những đoạn đường gian nan thuở ấy. Xin trích :
“Khi qua đèo đầy những đá lớn gập ghình lúc lắc, thì thầy Hân và thầy Chung ôm mền, vác chiếu, cùng xách chai rượu ve nước. Còn Đức Cha thì chống gậy tọ mọ theo, trèo lên bước xuống mệt nhọc lắm : nhưng Người vui mặt hớn hở bước đi cho đến cùng, lại tuy phải nghỉ bốn năm chặng, đoạn cũng vui mặt chỗi dậy mà đi”.
Điều gì và động lực nào đã khiến cho các ngôn sứ, cho các vị Tông Đồ, cho những chứng nhân cao cả như Thánh Giám Mục Cuénot cương quyết dấn thân đến cùng như thế ? Chắc chắn không phải vì vinh quang trần tục, không phải vì vinh thân phì gia, không phải lợi lộc trần thế, mà vì, như chính Thánh Phaolô cả quyết trong bài đọc 2 hôm nay nơi thư thứ hai gởi giáo đoàn Côrintô : để “con người bên trong chúng tôi ngày càng đổi mới”…để chiếm được “một khối vinh quang vô tận, tuyệt vời”…và để đạt tới “ngôi nhà vĩnh cửu ở trên trời, không do tay người thế làm ra”. (2 Cr 4,16-5,1).
Hay như cách cắt nghĩa chính xác của ĐC Tardieu trong “Hạnh Đức Cha Thể” qua những dòng mô tả tình cảnh của Đức Thánh Giám Mục khi ngài mới vừa bị bắt tại Gò Bồi : Tất cả chỉ vì muốn nên giống Chúa Giêsu :
“Đức Cha, phần thì đau, lại khổ sở tất tưởi, phần thì thấy nát địa phận, vì các cha càng ngày càng bị bắt giải giam tại tỉnh, lại có nhiều kẻ vì mình mà phải khảo lược gia hình, thì người cực lòng biết lưỡi nào kể cho cùng. Nhưng phần đau đớn cực khổ tư người, thì chẳng hề nghe người phàn nàn năn nỉ, một cam chịu vậy, cùng vui lòng phú mạng sống mình trong tay Chúa. Hản thật về Đ. Cha đã ứng trọn lời thánh tiên tri phán xưa về Đ.C.G. rằng : “Người nhịn nhục chẳng vật giãy, khác chi con chiên phải chịu xớt lông, làm thinh nín lặng chẳng hề kêu la một tiếng”
Nhưng rồi liệu sau những đắng cay khổ ải đó, sau những máu đổ đầu rơi vì chính đạo đó, tương lai có xảy ra như những lời đầy tin yêu hy vọng của Thánh vinh 125 mà chúng ta sốt sắng hát lên hôm nay : “Ai gieo trong lệ sầu sẽ gặt trong hân hoan. Thiên hạ vừa đi vừa khóc, tay mang thóc đi gieo; họ trở về trong hân hoan, vai mang những bó lúa” (Tv 125,1-2ab,2cd-3,4-5,6).
Không phải chỉ là một dự báo, một ước mơ, một hy vọng, mà phải nói, đó là một quy luật của muôn đời, như chính Đức Kitô khẳng định trong Tin Mừng Thánh Gioan mà chúng ta vừa nghe : “Quả thật, quả thật, ta bảo các ngươi, nếu hạt lúa mì rơi xuống đất mà không thối đi, thì sẽ trơ trọi một mình ; còn nếu nó thối đi, thì sẽ sinh nhiều bông hạt” (Ga 12,24-26).
Cách đây đúng 155 năm, vào đêm khuya ngày 13/11/1861, “hạt lúa mì Giám Mục Đàng Trong Stêphanô” tắt thở giữa ngục tù, sau đó được chôn vào lòng đất vào chiều 14/11. Chưa hết, vì căm thù Đạo Thánh Chúa và các môn sinh của Ngài, vua Tự Đức đã truyền sắc chỉ : “Đạo trưởng Thể đã chết, thì nay phải phân thây cùng ném xuống sông, cho tỏ việc nghiêm răng” . Như thế, “Hạt lúa mì” cao cả đó không những “bị chôn vào lòng đất” mà còn được tan hòa giữa dòng sông để chuyên chở hồng ân Tử Đạo đến mọi bến bờ của Hội Thánh Việt Nam.
Vâng, sau cái đêm định mệnh của mùa đông lạnh lẽo, nước lũ tràn bờ của 155 năm về trước, ông vua ngoại đạo Tự Đức hay triều thần của ông, các quan chức của vùng Bình Định và đoàn dân ngoại suốt dãi Đàng Trong, chắc mẫm rằng, từ đây, cái mầm “tà đạo Kitô” sẽ vĩnh viễn bị xóa tên.
Mọi sự đều đã không như thế. Từ nơi bàn thờ hầm trú tại nhà vị tử đạo cùng năm, bà Huỳnh Thị Lưu, hay từ Tòa Giám Mục ẩn danh khiêm tốn tại Gò Thị, và nhất là, từ những hy sinh và máu đào của Thánh Giám Mục Stêphanô và thế hệ chứng nhân đồng thời, một mùa lúa mới vàng đồng đang rực rỡ trên dãi đất Đàng Trong và toàn cõi Việt Nam mà hôm nay với cả 6 triệu tín hữu với 26 ngai tòa Giám Mục, như cảm nhận của Đức Cha Tardieu trong đoạn kết tác phẩm “Hạnh Đức Cha Thể” :
“Mừng thay ! Hội Thánh Annam rày nhờ máu thánh tử đạo đổ ra đã nên vinh hiển rạng ngời, cùng nhờ các việc phước đức và máu các đứng ấy, thì lại nên đỏ điều trắng tuyết. Rày vườn Hội Thánh Annam chẳng thiếu chi giống hoa huệ hoa hồng. Hẳn thật nên mượn lời thánh Thiên Thần mừng hát muôn vàn thánh Tử Đạo cầm nhành cây xanh, đứng chầu hai bên tòa Chúa, mà hát mừng Hội Thánh Annam rằng : “Nay là là ngày đã đặng phần rỗi, nay là ngày đã rõ ơn cứu chuộc có sức là dường nào, nay là ngày nước Chúa trị đã đến, cùng ngày Chúa Cứu Thế khởi hoàn hiển vinh, vì nay các Thánh Tử đạo đã nhờ công nghiệp cực trọng Chúa Cứu Thế mà toàn công thắng trận”.
Như vậy, qua sứ điệp lời Chúa hôm nay, và đặc biệt, qua chính chứng từ sống động của Vị Chứng Nhân anh hùng Mục Tử Cuénot, thế hệ con cháu chúng ta có đầy đủ cơ sở và động lực, trách nhiệm và niềm tin để tiếp tục viêt thêm những trang sử mới cho cánh đồng truyền giáo của Giáo phận Qui Nhơn thân yêu, nhất là trong dịp kỷ niệm 400 năm đón nhận Tin Mừng sắp tới.
Và phải chăng đó là tất cả những gì mà chúng ta nghe vọng về “những tiếng thì thầm của dòng sông”, đang kể cho chúng ta nghe trong ngày Giỗ 155 năm Thánh Giám Mục Tử đạo Stêphanô Cuénot Thể, Vị Mục tử lừng danh của Giáo Hội, cách riêng của giáo Phận Qui Nhơn chúng ta. Amen.
Lễ Thánh Stêphanô Cuénot Thể Giám mục Tử Đạo gp. Qui Nhơn
(14/11/2016)
Có một đoạn trong bài giảng Lễ Thánh Stêphanô Cuénot Thể năm 2010 của Đức Cha Matthêô mà tôi rất ấn tượng đó là những dòng Đức Cha dành để khép lại câu chuyện về cuộc đời mục tử và cái chết bi hùng của Thánh Giám Mục Cuénot. Xin trích : “Dòng sông đã khép lại đưa thi hài của người về chốn an nghỉ vĩnh hằng, và kể từ đó cứ độ nầy mỗi năm ta nghe như tiếng dòng sông thì thầm kể lại cuộc tử đạo anh hùng của vị chủ chăn khả kính”.
Thật vậy, hôm nay, cộng đoàn chúng ta, toàn giáo phận Qui Nhơn chúng ta, lại một lần nữa về đây, bên dòng sông Gò Bồi nầy, trong đền thánh Vĩnh Thạnh nầy, để nghe “câu chuyện thì thầm của một dòng sông” về một chứng nhân anh hùng tử đạo, về một con người, một Giám Mục, một vị Thánh, mà cũng theo Đức Cha Matthêô, cho dù “di hài của Thánh Giám Mục Stêphanô ngày nay không còn nữa, nhưng vẫn còn đó một tấm gương đức tin kiên trung, một tưởng niệm đài vô hình về lòng nhiệt thành tông đồ, một khuôn mặt kiệt xuất của một nhà tổ chức đại tài, một hình ảnh của một người cha khả ái…”.
Những lời thâm thúy đó, quả thật, đã quá đủ để cho chúng ta thấy lại toàn bộ cuộc đời vĩ đại của một mục tử, vị chủ chăn tuyệt vời của giáo phận ; và giờ đây, thay vì nhắc lại cuộc đời ngài như bao nhiêu câu chuyện lịch sử, chúng ta hãy cùng nhau cảm nhận cuộc đời đó âm vang qua chính sứ điệp Lời Chúa được công bố hôm nay, trong Thánh lễ nầy.
Trước hết, Bđ 1 qua trích đoạn sách ngôn sứ Giêrêmia, cho chúng ta nhận ra nổi khắc khoải khổ tâm của chính vị ngôn sứ Giêrêmia, kẻ bị chính người đồng hương ruồng bố, bách hại, khi mang đến cho họ sứ điệp Lời Chúa và chân lý cứu rỗi. Tâm sự và kinh nghiệm khổ đau đó phải chăng đã nói lên rằng : tất cả những ai chấp nhận thân phận làm ngôn sứ đều phải đi qua con đường gian nan, thử thách, khổ nhục đắng cay, và cả hy sinh tính mạng. Nổi khổ tâm nầy, trăn trở nầy, chắc chắn Đức GM Thánh Stêphanô đã từng trải nghiệm trong suốt 30 năm lặn lội rao giảng Tin Mừng trong một đất nước, một quê hương luôn dành cho ngài sự ruồng bố, bách hại, kết án, mà các triều vua Minh Mạng, Thiệu Trị, Tự Đức vẫn còn rành rành lưu lại qua các chỉ dụ cấm cách.
Để minh họa cho công cuộc thực thi sứ mệnh ngôn sứ đầy gian nan của Đức Thánh Giám Mục Cuénot, chúng ta thử đọc lại một đoạn trong “hạnh Đức Cha Thể” của Đức Cố Giám Mục Tardieu, mô tả về một trong những đoạn đường gian nan thuở ấy. Xin trích :
“Khi qua đèo đầy những đá lớn gập ghình lúc lắc, thì thầy Hân và thầy Chung ôm mền, vác chiếu, cùng xách chai rượu ve nước. Còn Đức Cha thì chống gậy tọ mọ theo, trèo lên bước xuống mệt nhọc lắm : nhưng Người vui mặt hớn hở bước đi cho đến cùng, lại tuy phải nghỉ bốn năm chặng, đoạn cũng vui mặt chỗi dậy mà đi”.
Điều gì và động lực nào đã khiến cho các ngôn sứ, cho các vị Tông Đồ, cho những chứng nhân cao cả như Thánh Giám Mục Cuénot cương quyết dấn thân đến cùng như thế ? Chắc chắn không phải vì vinh quang trần tục, không phải vì vinh thân phì gia, không phải lợi lộc trần thế, mà vì, như chính Thánh Phaolô cả quyết trong bài đọc 2 hôm nay nơi thư thứ hai gởi giáo đoàn Côrintô : để “con người bên trong chúng tôi ngày càng đổi mới”…để chiếm được “một khối vinh quang vô tận, tuyệt vời”…và để đạt tới “ngôi nhà vĩnh cửu ở trên trời, không do tay người thế làm ra”. (2 Cr 4,16-5,1).
Hay như cách cắt nghĩa chính xác của ĐC Tardieu trong “Hạnh Đức Cha Thể” qua những dòng mô tả tình cảnh của Đức Thánh Giám Mục khi ngài mới vừa bị bắt tại Gò Bồi : Tất cả chỉ vì muốn nên giống Chúa Giêsu :
“Đức Cha, phần thì đau, lại khổ sở tất tưởi, phần thì thấy nát địa phận, vì các cha càng ngày càng bị bắt giải giam tại tỉnh, lại có nhiều kẻ vì mình mà phải khảo lược gia hình, thì người cực lòng biết lưỡi nào kể cho cùng. Nhưng phần đau đớn cực khổ tư người, thì chẳng hề nghe người phàn nàn năn nỉ, một cam chịu vậy, cùng vui lòng phú mạng sống mình trong tay Chúa. Hản thật về Đ. Cha đã ứng trọn lời thánh tiên tri phán xưa về Đ.C.G. rằng : “Người nhịn nhục chẳng vật giãy, khác chi con chiên phải chịu xớt lông, làm thinh nín lặng chẳng hề kêu la một tiếng”
Nhưng rồi liệu sau những đắng cay khổ ải đó, sau những máu đổ đầu rơi vì chính đạo đó, tương lai có xảy ra như những lời đầy tin yêu hy vọng của Thánh vinh 125 mà chúng ta sốt sắng hát lên hôm nay : “Ai gieo trong lệ sầu sẽ gặt trong hân hoan. Thiên hạ vừa đi vừa khóc, tay mang thóc đi gieo; họ trở về trong hân hoan, vai mang những bó lúa” (Tv 125,1-2ab,2cd-3,4-5,6).
Không phải chỉ là một dự báo, một ước mơ, một hy vọng, mà phải nói, đó là một quy luật của muôn đời, như chính Đức Kitô khẳng định trong Tin Mừng Thánh Gioan mà chúng ta vừa nghe : “Quả thật, quả thật, ta bảo các ngươi, nếu hạt lúa mì rơi xuống đất mà không thối đi, thì sẽ trơ trọi một mình ; còn nếu nó thối đi, thì sẽ sinh nhiều bông hạt” (Ga 12,24-26).
Cách đây đúng 155 năm, vào đêm khuya ngày 13/11/1861, “hạt lúa mì Giám Mục Đàng Trong Stêphanô” tắt thở giữa ngục tù, sau đó được chôn vào lòng đất vào chiều 14/11. Chưa hết, vì căm thù Đạo Thánh Chúa và các môn sinh của Ngài, vua Tự Đức đã truyền sắc chỉ : “Đạo trưởng Thể đã chết, thì nay phải phân thây cùng ném xuống sông, cho tỏ việc nghiêm răng” . Như thế, “Hạt lúa mì” cao cả đó không những “bị chôn vào lòng đất” mà còn được tan hòa giữa dòng sông để chuyên chở hồng ân Tử Đạo đến mọi bến bờ của Hội Thánh Việt Nam.
Vâng, sau cái đêm định mệnh của mùa đông lạnh lẽo, nước lũ tràn bờ của 155 năm về trước, ông vua ngoại đạo Tự Đức hay triều thần của ông, các quan chức của vùng Bình Định và đoàn dân ngoại suốt dãi Đàng Trong, chắc mẫm rằng, từ đây, cái mầm “tà đạo Kitô” sẽ vĩnh viễn bị xóa tên.
Mọi sự đều đã không như thế. Từ nơi bàn thờ hầm trú tại nhà vị tử đạo cùng năm, bà Huỳnh Thị Lưu, hay từ Tòa Giám Mục ẩn danh khiêm tốn tại Gò Thị, và nhất là, từ những hy sinh và máu đào của Thánh Giám Mục Stêphanô và thế hệ chứng nhân đồng thời, một mùa lúa mới vàng đồng đang rực rỡ trên dãi đất Đàng Trong và toàn cõi Việt Nam mà hôm nay với cả 6 triệu tín hữu với 26 ngai tòa Giám Mục, như cảm nhận của Đức Cha Tardieu trong đoạn kết tác phẩm “Hạnh Đức Cha Thể” :
“Mừng thay ! Hội Thánh Annam rày nhờ máu thánh tử đạo đổ ra đã nên vinh hiển rạng ngời, cùng nhờ các việc phước đức và máu các đứng ấy, thì lại nên đỏ điều trắng tuyết. Rày vườn Hội Thánh Annam chẳng thiếu chi giống hoa huệ hoa hồng. Hẳn thật nên mượn lời thánh Thiên Thần mừng hát muôn vàn thánh Tử Đạo cầm nhành cây xanh, đứng chầu hai bên tòa Chúa, mà hát mừng Hội Thánh Annam rằng : “Nay là là ngày đã đặng phần rỗi, nay là ngày đã rõ ơn cứu chuộc có sức là dường nào, nay là ngày nước Chúa trị đã đến, cùng ngày Chúa Cứu Thế khởi hoàn hiển vinh, vì nay các Thánh Tử đạo đã nhờ công nghiệp cực trọng Chúa Cứu Thế mà toàn công thắng trận”.
Như vậy, qua sứ điệp lời Chúa hôm nay, và đặc biệt, qua chính chứng từ sống động của Vị Chứng Nhân anh hùng Mục Tử Cuénot, thế hệ con cháu chúng ta có đầy đủ cơ sở và động lực, trách nhiệm và niềm tin để tiếp tục viêt thêm những trang sử mới cho cánh đồng truyền giáo của Giáo phận Qui Nhơn thân yêu, nhất là trong dịp kỷ niệm 400 năm đón nhận Tin Mừng sắp tới.
Và phải chăng đó là tất cả những gì mà chúng ta nghe vọng về “những tiếng thì thầm của dòng sông”, đang kể cho chúng ta nghe trong ngày Giỗ 155 năm Thánh Giám Mục Tử đạo Stêphanô Cuénot Thể, Vị Mục tử lừng danh của Giáo Hội, cách riêng của giáo Phận Qui Nhơn chúng ta. Amen.