VUA “NGƯỢC ĐỜI” CHÚA KITÔ VUA VŨ TRỤ NĂM C

Hôm nay Hội Thánh tuyên xưng Chúa Kitô là Vua, nhưng không phải vua bình thường, không phải vua một quốc gia, một dân tộc, nhưng còn hơn vua quốc gia hay dân tộc: Người là Vua các vua Chúa các chúa. Và còn lớn hơn thế: Người là Vua vũ trụ.

Bài đọc hai, trích thơ gởi tín hữu Côlôsê, thánh Phaolô cho thấy vương quyền của Chúa Kitô còn hơn gấp bội lần, vương quyền đó tuyệt đối. Tuyệt đối vì: Người là hình ảnh của Thiên Chúa. Mọi loài cả trên trời, cả dưới đất, dù hữu hình hay vô hình, tất cả chỉ được tạo thành nhờ Người. Người có trước mọi loài. Người bá chủ mọi loài.

Vì vương quyền của Chúa Kitô là vương quyền tuyệt đối, nên khi nói Chúa Kitô là Vua vũ trụ, ta tuyên xưng và tôn vinh vương quyền của Người theo nghĩa tuyệt đối này.

Nhưng tôi lại thấy có cái gì mâu thuẫn trong cách trình bày của Hội Thánh về khuôn mặt của Vua Kitô?

Người là Vua lớn lao: Vua vũ trụ tuyệt đối, vương quốc của Người bao trùm mọi nơi và mọi sự, vương quyền của Người trải rộng như thế, vậy mà trong lễ này, Hội Thánh lại chọn Tin Mừng nói về việc Chúa chịu đóng đinh để ta suy niệm.

Ngay đầu bài Tin Mừng, thánh Luca cho biết “các thủ lãnh cùng với dân chúng cười nhạo Chúa Giêsu”. Ngày người ta lên ngôi vua, là ngày vinh quang, ngày nổi đình nổ đám, ngày tốn kém không biết bao nhiêu là tiền của. Đàng này một tử tội chịu đóng đinh trên thập giá trần trụi giữa trời giữa đất, lại được tôn xưng là vua!

Có cái gì đó quá mâu thuẫn. Mâu thuẫn đến độ phi lý. Vậy Hội Thánh có sai lầm, hay Hội Thánh có ý gì khác?

Hội Thánh cố tình trình bày như thế, để chính trong cái mà ta cho là mâu thuẫn, đòi ta phải khám phá ý nghĩa đích thực của Vua Kitô.

Đó là Chúa Kitô có đủ mọi uy quyền, nhưng không phải để ra oai tác oái, mà để cai trị bằng tình yêu.

Vương quyền Người càng tuyệt đối, vương quốc Người càng bao trùm bao nhiêu thì tình yêu của Người càng lớn lao bấy nhiêu.

Hóa ra khi trình bày Vua vũ trụ qua khuôn mặt của thập giá, Hội Thánh không mâu thuẫn, ngược lại Chúa Kitô mới “ngược đời”: Vua vũ trụ đấy, nhưng lại bảo rằng: “Ta đến không phải để được phục vụ nhưng để phục vụ và hgiến mạng sống làm giá chuộc muôn người”.

Vua vũ trụ đấy, nhưng lại cúi xuống rửa chân cho môn đệ.

Vua vũ trụ đấy, nhưng người ta tôn làm vua - sau khi họ hưởng từ nơi Người một phép lạ cả thể: đang thiếu thốn vậy mà được ăn đến phát no và còn dư vật - thì Vua lại chạy trốn, không nhận sự vinh quang được ban tặng từ những con người trần thế.

Còn nhớ khi thánh Phêrô tuyên xưng bằng một lời long trọng: “Thầy là Đấng Kitô, Con Thiên Chúa hằng sống”, thì ngay sau lời tuyên xưng đó, Vua Kitô báo trước cuộc khổ nạn của mình: Phải nhiều nhiều đau khổ, bị người ta giết rồi mới sống lại.

Tin Mừng thánh Gioan, trong khi tường thuật cuộc đối thoại giữa Chúa Kitô và ông Nicôđêmô, có ghi lại câu nói của Chúa khi Chúa khẳng định vương quyền của Người: “Như ông Môisen giương cao con rắn trong sa mạc, con người cũng sẽ được giương cao như vậy”.

Lời này tương đương một lời nói khác của Chúa Kitô, cũng theo Tin Mừng Gioan: “Ngày nào Ta được giương cao khỏi mặt đất, Ta sẽ kéo mọi người lên cùng Ta”. Rồi thánh Gioan kết luận: Người nói Người được giương cao là ám chỉ cái chết của Người.

Mà cái chết của Vua Kitô, cứ nhìn bằng mắt phàm trần, đó là cái chết ô nhục, chết treo trên thập giá. Nhưng với Chúa Kitô, chính khi được treo lên là lúc được giương cao. Treo lên là được tôn vinh.

Vẫn chưa hết. Sau khi phục sinh, sách Công vụ Tông đồ gọi Vua Kitô là Đức Chúa. Tước vị Đức Chúa, trước kia chỉ dành cho Thiên Chúa, nay áp dụng cho Vua Kitô để tuyên phong Người.

Đức Chúa hiện ra trong vinh quang phục sinh để trao ban bình an cho các môn đệ, thì ngay trong lúc trao ban bình an, lại cho các ông xem tay và cạnh sườn. Tại sao? Tại vì dấu của thập giá vẫn hằn sâu trên tay và trên cạnh sườn.

Trên thập giá, Chúa kitô được giương cao, cho nên trên thập giá, vương quyền của Chúa Kitô tuyệt đối. Trên thập giá, Chúa Kitô là Vua, Vua vũ trụ. Trên thập giá Chúa Kitô là Chúa, Chúa mọi loài.

Tất cả những hình ảnh ấy là gì nếu không phải là tình yêu? Dấu của thập giá càng khắc sâu bao nhiêu, thì gương mặt của Vua Tình yêu càng rực rỡ bấy nhiêu. Chỉ khi yêu như thế, Vua Kitô mới là Vua đúng nghĩa.

Chỉ có Vua Kitô mới làm vua “ngược đời” như thế, nhưng lại rất tuyệt vời!

Vì là Vua Tình yêu, cho nên Chúa dạy anh chị em và tôi hãy yêu như Người đã yêu. Chỉ có yêu như Chúa, ta mới xứng đáng là thần dân của Chúa.

Tôi nghĩ hình ảnh anh chị em lo cho con cái, hiến thân nuôi nấng, dạy dỗ con nên người là lúc ta sống tình yêu của Chúa Kitô. Tôi thấy có nhiều cha mẹ quên mình, nhận hết mọi cực nhọc, suốt ngày bán lưng cho trời, bán mặt cho đất; hết buôn gánh lại bán bưng. Nhưng hình ảnh đó rất đẹp để diễn tả Tình yêu Chúa Kitô.

Ngược lại con cái cũng hãy yêu thương cha mẹ mình. Từ lời ăn tiếng nói, sao cho nhẹ nhàng, không gắt gỏng, cải vả, không trả treo, không lời một tiếng hai với cha mẹ; đến hành động và suy nghĩ, sao cho xứng là con thảo, con ngoan.

Sống trên thuận dưới hòa như thế, sẽ là gia đình sống tình yêu của Chúa Kitô.

Anh chị em hãy yêu đi, tình yêu sẽ cho ta biết phải làm gì để tận hiến cho người mình yêu.

Lm JB. NGUYỄN MINH HÙNG