Giải đáp phụng vụ: Linh mục được dùng máy tính bảng để dâng Lễ và đọc các Giờ Kinh Phụng Vụ không?

Giải đáp của Cha Edward McNamara, Dòng Đạo Binh Chúa Kitô (LC), Khoa trưởng Thần học và giáo sư phụng vụ của Đại học Regina Apostolorum (Nữ Vương các Thánh Tông Đồ), Rôma.

Hỏi: Tôi là một linh mục lâu năm và đã học cách sử dụng công nghệ hiện đại, ở nơi nào tôi có thể. Trên bàn thờ trong nhà nguyện riêng của tôi, tôi sử dụng một máy tính bảng để dâng lễ. Thật dễ dàng để sử dụng nó hơn so với cuốn sách lễ nặng nề, mọi sự là tiện lợi hơn ngay tại một nơi. Câu hỏi của tôi là về việc đọc Kinh Thần Vụ. Tôi sử dụng hoặc máy tính bảng hoặc điện thoại thông minh để đọc Kinh Thần Vụ - còn bộ Các Giờ Kinh Phụng vụ nằm yên trên kệ sách. Trong khi lái xe, liệu tôi có thể chính thức đọc Kinh Thần Vụ, bằng cách lắng nghe máy đọc, còn tôi không đọc chữ nào chăng? Liệu việc như thế có đủ cho tôi làm bổn phận đọc Kinh Thần Vụ không, thưa cha? - J. H., Austin, Texas, Hoa Kỳ.

Đáp: Có hai câu hỏi được bao hàm ở đây: câu thứ nhất về việc sử dụng một máy tính bảng để dâng Lễ; câu thứ hai về cách thức đọc Kinh Thần Vụ. Năm 2012, tôi đã trả lời cho một câu hỏi tương tự và, theo như tôi biết, tình hình vẫn không thay đổi đáng kể. Bốn năm trước (Bài trả lời ngày 12-6-2012), tôi đã viết như sau:

"Cho đến nay, Giáo Hội hoàn vũ chưa có tuyên bố chính thức nào về việc sử dụng các máy tính bảng điện tử trong phụng vụ. Ít nhất một Đức Hồng Y, khi cử hành thánh lễ trong nhà thờ chính tòa của ngài, đã công khai sử dụng một máy tính bảng thay cho sách lễ, nhưng điều này không tạo ra sự phê chuẩn chính thức. Ngược lại, một tuyên bố gần đây của Hội đồng Giám mục New Zealand nói rằng máy tính bảng không được sử dụng cho Thánh Lễ và các nghi lễ công khai khác.

“Do đó những gì tôi nói không có chỗ đứng chính thức nào. Tôi tự giới hạn vào điều tôi xem có liên quan đến các nguyên tắc phụng vụ mà thôi.

“Mặc dù tôi sử dụng một máy tính, tôi thừa nhận rằng tôi không ái mộ công nghệ và tự quản lý để tồn tại, mà không bị ràng buộc bởi điện thoại di động hay máy tính bảng.

“Liên quan đến việc sử dụng điện thoại hoặc máy tính bảng, tôi không thấy bất kỳ khó khăn lớn nào cho linh mục hay bất cứ ai khác, trong việc sử dụng các thiết bị này để đọc Các Giờ Kinh Phụng Vụ, nhất là khi đi đường xa hoặc du lịch.

“Đối với việc sử dụng một máy tính bảng để thay thế cho sách lễ, sách bài đọc và sách Tin Mừng trong Thánh Lễ, tôi sẽ do dự nhiều hơn.

“Một mặt, người ta có thể lập luận rằng các sách phụng vụ, giống như bất kỳ cuốn sách nào khác, là một phương tiện lưu giữ và truyền tải thông tin. Trong ý nghĩa này, máy tính bảng thực hiện tốt chức năng tương tự như các trang sách in, nhưng với một số lợi thế gia tăng khác. Ví dụ, máy tính bảng có thể chứa tất cả các sách nghi lễ vào một chỗ, và nó cho phép chủ tế có thể chuyển đổi bản văn từ ngôn ngữ này sang ngôn ngữ khác khi cần thiết, và điều chỉnh kích cỡ chữ để đọc cách thoải mái nhất.

“Mặt khác, có một nguyên tắc, vốn trong khi không cần thiết cho phụng vụ, là nên cân nhắc cẩn thận trước khi sử dụng các công cụ như vậy.

“Giáo Hội có truyền thống dành riêng các vật dụng được sử dụng trong phụng vụ cho các chức năng thiêng liêng mà thôi. Do đó, các vật dụng này thường được làm phép, để tách rời chúng ra khỏi tất cả các sự sử dụng khác. Người ta không được dùng chén thánh cho mục đích gia dụng; linh mục cũng không được lái xe xung quanh thị trấn trong bộ áo lễ. Lý do cho điều này là không phải sự phi thực tế của hành động, nhưng bởi vì các vật dụng thánh thiêng được dành riêng cho một thời gian, một địa điểm và một chức năng đặc biệt.

“Tương tự như vậy, các cuốn sách được sử dụng trong việc cử hành phụng vụ thường được làm phép và chỉ dành cho việc sử dụng linh thiêng. Chúng cũng được in và bị ràng buộc trong một định dạng, vốn nhấn mạnh mục đích thánh thiêng của chúng.

“Tuy nhiên, máy tính bảng, do bản chất của nó, có khả năng đa dụng. Có một cái gì đó phi lý trong việc sử dụng một máy tính bảng như là một sách lễ hoặc sách bài đọc, và ngay sau đó nó được sử dụng nó để trả lời điện thư, lướt web, hoặc tải về máy một bộ phim.

“Sách Tin Mừng là một trường hợp, mà trong đó tôi tin rằng các qui tắc hiện hành áp dụng cho vấn đề của chúng ta. “Qui chế Tổng Quát Sách Lễ Rôma”, số 120d, xác định rằng chỉ có sách Tin Mừng, chứ không phải sách bài đọc, có thể được rước đi trong cuộc rước đầu lễ, đặt trên bàn thờ. Sự phân biệt này chắc chắn có nhắm tới máy tính bảng đa dụng, do đó tôi nghĩ chúng ta có thể nói rằng các qui tắc ấy đã loại trừ việc rước máy tính bảng, đặt nó trên bàn thờ, và xông hương cho nó.

“Có thể suy đoán rằng sau này ai đó có thể phát triển một máy tính bảng để sử dụng độc quyền cho phụng vụ, với một thiết kế thích hợp và không có các chương trình khác được cài đặt kèm theo. Lúc ấy, điều đó có thể làm thay đổi cuộc tranh luận về vấn đề này.

“Cho đến khi thời gian ấy xảy ra, tôi nghĩ rằng tốt nhất chúng ta nên tránh sử dụng các công cụ này, để duy trì sự nổi biệt thiêng liêng của phụng vụ khỏi sự buồn tẻ của các hoạt động thông thường.

“Tuy nhiên, trong trường hợp đặc biệt, chẳng hạn như khi một linh mục đi du lịch, tự tìm thấy mình bị bắt buộc và không có sách lễ nào để sử dụng, tôi tin rằng linh mục ấy có thể sử dụng một máy tính bảng để cử hành Thánh Lễ”.

Đối với việc đọc Kinh Thần vụ, như đã đề cập ở trên, tôi thấy không có khó khăn đặc biệt và nhiều thuận lợi.

Tuy nhiên, thật là không rõ ràng liệu linh mục có thể chu toàn bổn phận đọc Kinh Thần vụ không, bằng cách nghe Giờ kinh được đọc trên một trong vô số ứng dụng.

Trong một trả lời chính thức, Thánh Bộ Phượng Tự ngày 15-11-2000, làm sáng tỏ một số vấn đề liên quan đến bổn phận đọc các Giờ Kinh Phụng Vụ (Prot. Số 2330/00 / L). Bản dịch tiếng Anh không chính thức này đã được xuất bản bởi Văn phòng phụng vụ của Hội Đồng Giám Mục Hoa Kỳ.

Trước tiên, Thánh Bộ đưa ra một khẳng định cốt yếu liên quan đến bản chất của Các Giờ Kinh Phụng Vụ:

"Việc đọc Các Giờ Kinh Phụng Vụ đầy đủ và mỗi ngày, đối với các linh mục và phó tế chuẩn bị đến chức linh mục, là một phần cốt yếu của thừa tác vụ Giáo Hội của họ.

"Chỉ một tầm nhìn nghèo nàn mới xem trách nhiệm này như một sự hoàn thành thuần túy bổn phận theo Giáo luật, mặc dù nó là như vậy, và không nhớ trong tâm trí rằng việc truyền chức thánh trao cho thầy phó tế và linh mục một sứ vụ đặc biệt, để dâng lên một Thiên Chúa Ba Ngôi lời ca ngợi vì sự nhân từ của Ngài, vẻ đẹp tối thượng của Ngài, và chương trình thương xót của Ngài cho sự cứu rỗi siêu nhiên của chúng ta.

"Cùng với việc ca khen Chúa, các linh mục và phó tế dâng lên Đấng Tối Cao một lời nguyện cầu bầu để xứng đáng đáp ứng các nhu cầu tinh thần và vật chất của Giáo Hội và toàn thể nhân loại.

"Trong thực tế, ngay cả trong các hoàn cảnh tương tự, lời cầu nguyện này không cấu thành một hành động cá nhân, nhưng tạo nên phần của việc thờ phượng công khai của Giáo Hội, trong một cách mà khi đọc Giờ Kinh Phụng Vụ, thừa tác viên thánh chu toàn bổn phận Giáo Hội của mình: linh mục hay phó tế, sống trong sự thân mật của Giáo Hội, hoặc của một nhà nguyện, hoặc nơi cư trú của mình, tự dâng mình để đọc Kinh Thần Vụ, ngay cả khi có thể không có ai cùng đọc với mình, là thực hiện một hành vi, vốn có tính Giáo Hội cao cả nhân danh Giáo Hội, và vì lợi ích của toàn Giáo Hội, kể cả toàn nhân loại nữa. Sách Nghi thức Giám mục nói: “Các con có muốn gìn giữ và gia tăng tinh thần cầu nguyện phù hợp với cách sống của các con, và trong tinh thần ấy, các con có muốn chu toàn các Giờ Kinh Phụng Vụ theo điều kiện của các con, làm một với dân Thiên Chúa, để cầu nguyện cho họ và cho toàn thể thế giới không” (Sách Nghi thức Giám mục, Nghi thức truyền chức Phó tế).

"Như vậy, trong nghi thức truyền chức phó tế, thừa tác viên thánh khẩn cầu và tiếp nhận từ Giáo Hội nhiệm vụ của việc đọc các Giờ Kinh Phụng Vụ, do đó, nhiệm vụ này liên quan đến quỹ đạo của các trách nhiệm thừa tác của tân chức, và đi xa hơn về lòng đạo đức cá nhân của mình. Các thừa tác viên thánh, cùng với các Giám mục, tự thấy mình tham gia vào sứ vụ cầu bầu cho Dân Thiên Chúa, vốn đã được giao phó cho họ, như họ được giao cho Môsê (Xh 17, 8-16), các Tông Đồ (1 Tm 2, 1-6) và cho Chúa Giêsu Kitô 'đang ngự bên hữu Thiên Chúa mà chuyển cầu cho chúng ta?’ (Rm 8, 34). Tương tự như vậy, Qui định Các Giờ Kinh Phụng Vụ, số 108, nói: "Khi đọc Thánh vịnh trong Các Giờ Kinh Phụng Vụ thì ta không đọc nhân danh cá nhân, mà nhân danh Nhiệm Thể Chúa Kitô” (Bản dịch Việt ngữ của Nhóm Phiên dịch Các Giờ Kinh Phụng Vụ).

Trong khi điều này không được nói rõ ràng đầy đủ, tôi tin rằng các tài liệu trên đây hàm ý rằng những người có bổn phận đọc Kinh Thần Vụ, cần phải chu toàn một cách trọn vẹn. Kinh Thần Vụ cũng cần được thực hiện cách cá nhân, vốn bao gồm việc đọc cộng đồng, với một người khác nữa hay riêng tư một mình.

Đây là ý kiến của hầu hết các chuyên viên về luật phụng vụ trước Công đồng chung Vatican II. Thí dụ, nghiên cứu năm 1920 của linh mục E.J.Quigley về Kinh Nhật Tụng theo thần học luân lý nói như sau:

"Liệu một linh mục có thể chu toàn bổn phận của mình bằng cách đọc Kinh Thần Vụ với một người bạn khác không? Được, ngài đã chu toàn, bởi vì việc đọc như thế là lý tưởng của Giáo Hội; và vị linh mục, khi đọc phần của mình (đọc các câu xen kẻ, vv), như trong cộng đoàn, đã thực hiện tốt bổn phận của mình, ngay cả khi người bạn cùng đọc là một giáo dân hoặc một người thiếu chú ý. Trong việc đọc như thế, một linh mục nên thận trọng (1) rằng mình đọc câu xen kẻ, (2) rằng việc đọc câu là liên tiếp với nhau chứ không đồng thời, (3) rằng các câu, vv, được một người bạn (hay cộng đoàn) đọc rõ, phải được nghe rõ bởi người bạn khác hoặc cộng đoàn... ".

Cuốn sách này cũng khuyến nghị rằng "việc phát âm các từ ngữ của Giờ Kinh phải là đầy đủ. Nghĩa là, các từ và âm tiết được lặp lại hoàn toàn mà không cắt xén hoặc đọc tắt”. Và rằng “việc

phát âm phải là liên tục. Nghĩa là, việc đọc Giờ Kinh phải là liên tục, chứ không bị gián đoạn".

Công việc trên nhằm xác định mức độ tội lỗi liên quan đến việc không phát âm tốt hoặc làm gián đoạn việc đọc Giờ Kinh, nhưng chúng tôi bỏ qua các tham chiếu này, bởi vì Bộ giáo luật hiện hành nói về sự buộc nặng là phải trung thành với cam kết đọc Kinh Thần Vụ, nhưng không còn đề cập đến tội trọng hoặc tội nhẹ nữa. Điều này là phù hợp với các tiêu chuẩn chung của Bộ Giáo luật là không chính thức buộc sự vi phạm các giới luật của Giáo Hội bằng hình phạt tội lỗi nữa.

Trong việc giải quyết điểm này, câu trả lời chính thức nói trên cho biết thêm:

"Câu hỏi # 2: Liệu sự bắt buộc nặng (sub gravi) mở ra cho việc đọc toàn bộ Kinh Thần vụ không?

"Đáp: Xin nhớ rõ các điều sau đây:

"- Một lý do nghiêm trọng, chẳng hạn sức khỏe, hoặc bận công tác mục vụ, hoặc một hành động từ thiện, hay mệt mỏi, chứ không phải là một sự bất tiện đơn giản, có thể cho miễn đọc một phần và thậm chí toàn bộ Kinh Thần vụ , theo nguyên tắc chung, vốn xác định rằng một luật Giáo Hội thuần túy không ràng buộc, khi một sự bất tiện nghiêm trọng hiện diện;

"- Việc bỏ một phần hay toàn bộ Kinh Thần Vụ do sự lười biếng hoặc do việc thực hiện các hoạt động giải trí không cần thiết, là không hợp pháp, và thậm chí còn tạo thành một đánh giá thấp, theo mức độ nghiêm trọng của vấn đề, về bổn phận thừa tác của mình và luật của Giáo Hội;

"- Việc bỏ giờ Kinh Sáng (Lauds) và Giờ Kinh Chiều đòi hỏi một lý do lớn hơn, vì các Giờ Kinh này là "hai giờ then chốt của Kinh nguyện hàng ngày” (SC 89);

"- Nếu một linh mục phải cử hành Thánh Lễ nhiều lần trong một ngày, hoặc giải tội nhiều giờ liền, hoặc giảng nhiều lần trong một ngày, và việc này khiến ngài mệt mỏi, ngài có thể xem xét, theo sự thanh thản của lương tâm, rằng ngài có một lý do chính đáng để bỏ một phần tương ứng của Kinh Thần vụ;

"- Đấng Bản quyền của linh mục hay phó tế có thể, vì một lý do chính đáng hoặc nghiêm trọng, tùy theo trường hợp, miễn cho ngài hoàn toàn hoặc một phần việc đọc Kinh Thần Vụ, hoặc thay thế việc đọc kinh bằng một hành động đạo đức (thí dụ, lần chuỗi Mân Côi, đi đàng Thánh giá, đọc Kinh Thánh hay sách thiêng liêng, một thời gian cầu nguyện thầm kéo dài hợp lý, vv)”.

Vì vậy, trong kết luận, tôi tin rằng một cách tổng quát việc sử dụng một ứng dụng, vốn đọc Kinh Thần Vụ, là không đủ để chu toàn bổn phận theo chức thánh. Tuy nhiên, tôi nhìn nhận rằng ý kiến của tôi là một suy luận, và không có lập trường chính thức cách này hay cách khác, và một ứng dụng như vậy có thể nhận được sự chấp thuận chính thức một ngày nào đó.

Các ứng dụng này có thể được sử dụng cách hữu ích bởi bất kỳ tín hữu nào, khi họ không có nghĩa vụ phải đọc Kinh Thần Vụ, nhưng người ấy mong muốn làm như vậy. Tôi tin rằng nó cũng là một lựa chọn hợp pháp cho các linh mục, và những người thường có bổn phận đọc Kinh Thần Vụ, nhưng họ được miễn đọc, do họ gặp một trong các điều kiện nêu trên trong câu trả lời chính thức. (Zenit.org 29-11-2016)

Nguyễn Trọng Đa