Giám đốc của OECD là Gabriela Ramos nói rằng các nước như Mễ Tây Cơ và Ba Lan được hưởng lợi từ niềm tin tôn giáo của họ. Trong khi ở các nước giàu như Anh, người ta phụ thuộc một cách bấp bênh vào phúc lợi từ hệ thống an sinh xã hội của nhà nước, tại Mễ Tây Cơ và Ba Lan, người ta trông cậy vào gia đình và cộng đồng, là những thể chế đáng tin cậy, được xây dựng vững mạnh trên niềm tin tôn giáo.
Bà đã được nhiều cơ quan truyền thông của Anh phỏng vấn sau khi báo cáo này được công bố vì nghiên cứu của OECD cho thấy những thiếu nữ người Anh nằm trong số những người đau khổ nhất trên thế giới.
Ở Mễ Tây Cơ, thanh thiếu niên đánh giá mức độ hài lòng với cuộc sống của họ với điểm trung bình 8.27 trên thang điểm từ 1 đến 10, trong khi tại Anh, mức độ hài lòng thấp hơn đáng kể, chỉ ở mức 6.98.
Khi được hỏi về sự khác biệt, bà Ramos, là người Mễ Tây Cơ, nói với tờ Daily Mail rằng “Các mối quan hệ xã hội rất tốt ở Mễ Tây Cơ. Có thể là vì ở Mễ Tây Cơ không có các hệ thống an sinh xã hội để chăm sóc những người thất nghiệp như trong các xã hội có nền kinh tế tiên tiến. Người ta luôn trông cậy vào gia đình và gia đình luôn ở đó để giúp đỡ nhau. Các cộng đồng vẫn nâng đỡ lẫn nhau, bởi vì họ biết rằng nếu ai đó thất bại, không có ai giúp họ.”
Bà nói rằng người dân ở các nước kém phát triển có khuynh hướng “lạc quan hơn” vì xã hội “vẫn đang được xây dựng” và có “tiềm năng còn làm được nhiều việc hơn nữa”.
Nghiên cứu cho thấy 19.4% trẻ em gái ở Anh báo cáo “cảm thấy không hài lòng” với cuộc sống so với 11.9% trẻ em trai.
Tỷ lệ trung bình các cô gái không hài lòng ở tất cả các nước OECD khảo sát là 14.3%.
Anh đứng thứ tư trong số 49 nước được xếp hạng theo số lượng các thiếu nữ cảm thấy thất vọng với cuộc sống.