Trong thông điệp gửi nhân dân Ai Cập trước khi lên đường tới đó vào ngày 28 tháng này, Đức Phanxicô cám ơn “ngài tổng thống nước Cộng Hòa, Đức Thượng Phụ Tawadros II, Đại Imam của Đại Học Al-Azhar và Đức Thượng Phụ Công Giáo Coptic đã mời tôi”.

Đức thượng phụ Tawadros II chính là vị đứng đầu Giáo Hội Chính Thống Coptic (Ai Cập), người mà theo Đức Hồng Y Leonardo Sandri, bộ trưởng Thánh Bộ Các Giáo Hội Đông Phương, Đức Phanxicô đến để “củng cố đức tin”.

Nói như thế chỉ là lặp lại một công thức quen thuộc, thực tế, ngài tới để biểu dương tình liên đới với các Kitô hữu thiểu số trong một quốc gia đại đa số theo Hồi Giáo Sunni, mà phần lớn các Kitô hữu này thuộc Giáo Hội Chính Thống Coptic (khoảng 10 triệu) đang bị các tên khủng bố cuồng tín tấn công dã man, trong khi các tín hữu Công Giáo chỉ chiếm chừng 0.34% dân số.

Việc trên hết sức cần thiết, vì tình hình gay cấn do các nhóm chính trị đội lốt tôn giáo gây ra cho các Kitô hữu nói chung và đặc biệt cho tín hữu Coptic nói riêng. Các đối tượng này, trong cảm thức của tín hữu Ai Cập, chỉ là một, bất kể họ là Thệ Phản, Công Giáo hay chính thống Chính Thống.

Cảm thức hợp nhất trên sẽ được đánh động và tăng cường khi Đức Phanxicô tới Cairo ngày 28 tháng này để ôm hôn Đức Tawadros II, mà người Chính Thống Coptic vốn gọi là “giáo hoàng” (Pope).

Giáo Hội Chính Thống Coptic

Tước hiệu “giáo hoàng” dành cho vị đứng đầu Giáo Hội Chính Thống Coptic đủ làm cho Giáo Hội này khác với các Giáo Hội Chính Thống khác, mà người đứng đầu thường chỉ là Thượng Phụ.

Thực thế, Giáo Hội này được thành lập trước mọi Giáo Hội Chính Thống khác, thậm chí còn trước cả mọi Giáo Hội Kitô Giáo khác, kể cả Giáo Hội Rôma. Vì, theo truyền thuyết, nó được thành lập nhân danh Chúa Giêsu Kitô bởi thánh sử Máccô tại Thành Phố Alexandria khoảng năm 43 Công Nguyên.



Ai cũng biết Thánh Máccô, người viết Tin Mừng đầu tiên, một trong 70 môn đệ, sinh tại Libya sau Chúa Giêsu 3 năm. Cha mẹ ngài người Do Thái, sau di chuyển tới Palestine. Nhà của Thánh Máccô vốn là nơi Chúa hay gặp các tông đồ, nơi Người cử hành Lễ Vượt Qua với các ông. Tại nhà này, các tông đồ cũng đã tụ tập lúc Chúa Thánh Thần hiện xuống vào Lễ Ngũ Tuần.

Truyền thuyết Coptic kể rằng: Thánh Máccô được cử đi truyền bá Tin Mừng ở Alexandria, Ai Cập. Một hôm, tại đây, dép của ngài bị đứt quai phải vào nhà Ananias, người thợ giầy, để sửa. Trong khi sửa dép cho ngài, Ananias bị đứt ngón tay, kêu thấu trời “ối thần duy nhất ơi!” Thánh Máccô chữa lành ngón tay cho ông và giải thích cho ông hay “Thần Duy Nhất” là ai. Ananias bèn mời ngài về nhà mình. Thế là cả nhà chịu Phép Rửa sau khi tuyên xưng Chúa Kitô. Chẳng bao lâu sau, nhiều người khác cùng tham gia vơí họ, và nhà Ananias trở thành địa điểm gặp gỡ của các tín hữu.

Năm 62, trước khi rời Ai Cập để đi truyền bá Tin Mừng tại Pentapolis, Thánh Máccô phong chức cho Ananias làm giám mục. Trở lại Ai Cập sau khi Thánh Phêrô và Thánh Phaolô chịu tử đạo, Thánh Máccô thấy Giáo Hội ở đây phát triển tốt đẹp nên ngài đã phong chức cho 3 linh mục, 7 phó tế để phụ giúp Ananias. Năm 68, đang lúc cầu nguyện với giáo dân, ngài bị những người thờ ngẫu thần tấn công, bị họ bắt giam và hành hạ cho tới chết. Ngài được coi là vị giáo hoàng đầu tiên của Giáo Hội Coptic; và Đức Tawadros II hiện nay là vị giáo hoàng thứ 118 của Giáo Hội này.

Thực ra, theo người Copt, nguồn gốc của Giáo Hội này còn có trước cả Thánh Máccô nữa khi Thánh Gia tới đó lánh nạn lúc Chúa Giêsu chỉ mới sinh ra được ít ngày. Người Chính Thống Coptic coi đây là nền tảng của Giáo Hội họ. Tuy nhiên, về mặt chính thức, họ vẫn coi Thánh Máccô là vị sáng lập ra Giáo Hội của họ, khi ngài tới đây giảng đạo, chịu tử đạo tại Alexandria vào thời Nêrông cai trị Rôma.

Đến cuối thế kỷ thứ hai, Kitô Giáo đã vững vàng ở Ai Cập. Năm 190 CN, Giáo Hội Alexandria đã trao đổi Các Thư Phục Sinh với các Giáo Hội Giêrusalem và Antiôkia liên quan tới việc định ngày cho Lễ Phục Sinh và đã có tới 40 giáo phận thuộc quyền của Đức Giáo Hoàng Alexandria…

Sau đó, Giáo Hội Coptic bị bách hại nặng nề bởi đế quốc Rôma. Cho đến thời Hoàng Đế Valerian khoảng năm 302, có tới 800,000 Kitô hữu chịu tử đạo tại Ai Cập.

Lúc Thánh Máccô chết tại Alexandria năm 68 Công Nguyên, xác ngài được chôn cất trong một nhà nguyện ở Beucalis. Năm 828, di cốt ngài bị đánh cắp và đem về chôn tại nhà thờ Venice, Ý. Năm 1970, nhà thờ chánh tòa lớn nhất Châu Phi được xây tại Cairo, tức Nhà Thờ Chánh Tòa Coptic Thánh Máccô. Trước khi hoàn thành nhà thờ, Đức Giáo Hoàng Phaolô VI hoàn trả hài cốt Thánh Máccô cho Giáo Hội Chính Thống Coptic và hài cốt này đã được đặt dưới bàn thờ chính, nơi, từ đó, hàng tuần, giáo dân họp lại nghe “giáo hoàng” hiệu triệu.

Tín lý và ly giáo

Dĩ nhiên ngài hiệu triệu về đức tin Chính Thống Coptic. Đức tin này dựa trên Kinh Tin Kính Nixêa là đức tin mà Thánh Atanasiô (296-373 CN), vị giáo hoàng thứ 12 của Giáo Hội Coptic, đã bảo vệ cách hữu hiệu khi bênh vực tín điều về Thần Tính của Chúa Giêsu Kitô tại Công Đồng Nixêa năm 325. Việc bênh vực này đem lại cho ngài hai tước hiệu “Cha của nền Chính Thống” và “Atanasiô Tông Đồ”.

Tuy nhiên, năm 451 CN, Công Đồng Chung Thứ Tư tại Canxêđoan diễn ra và đã chia rẽ Giáo Hội Công Giáo hay Giáo Hội “phổ quát”. Các quyết định của Công Đồng này liên quan tới bản tính của Chúa Giêsu Kitô.

Định tín Canxêđoan quả quyết rằng: Chúa Giêsu Kitô quả là Ngôi Lời nhập thể, là chính Con Thiên Chúa “sinh bởi Chúa Cha từ trước vô cùng”. Định tín này nói rằng Trinh Nữ Maria quả thực là Mẹ Thiên Chúa vì Đấng sinh ra bởi ngài “theo xác thịt” tại Bêlem, là Con Thiên Chúa không do tạo dựng và có thiên tính, là một trong Ba Ngôi Thánh Thiêng. Công đồng tuyên bố rằng lúc sinh ra làm người, Ngôi Lời Thiên Chúa mang trọn nhân tính, trở nên một người đích thực về đủ mọi phương diện, chỉ trừ tội lỗi. Như thế, theo định tín Canxêđoan, Chúa Giêsu Thành Nadarét là một ngôi vị (hypostasis) trong hai bản tính - bản tính nhân loại và bản tính Thiên Chúa. Người là nhân bản trọn vẹn. Người là thiên bản trọn vẹn. Người là Thiên Chúa hoàn toàn và là con người hoàn toàn. Trong tư cách Thiên Chúa, Người là “một yếu tính” (homoousios) với Chúa Cha và Chúa Thánh Thần. Trong tư cách con người, Người là “một yếu tính” (homoousios) với mọi hữu thể nhân bản.

Sự kết hợp thần tính và nhân tính trong Chúa Kitô được gọi là sự kết hợp ngôi vị (hypostatic union). Kiểu nói này muốn nói: trong một ngôi duy nhất, độc đáo của Chúa Kitô, thiên tính và nhân tính kết hợp với nhau một cách không hoà lẫn và lẫn lộn, cũng không tách biệt và chia lìa với nhau. Chúa Kitô là một ngôi vị, vừa là người vừa là Thiên Chúa. Con Thiên Chúa và Con Đức Maria là một ngôi vị và là cùng một ngôi vị.

Quyết định trên của Công Đồng Canxêđoan không được các môn đệ cực đoan của Thánh Xirilô thành Alexandria, và cả những ai có liên hệ với họ, chấp nhận. Những Kitô hữu tự xưng là độc tính (monophysites) này bác bỏ Công Đồng Canxêđoan vì Công Đồng này nói tới hai bản tính, ngược với công thức của Thánh Xirilô xác rín rằng lúc Nhập Thể, Chúa Kitô chỉ có một bản tính.

Sự chia rẽ vì thế đã diễn ra và mặc dù nhiều cố gắng tái hợp nhất đã được đưa ra trong các thế kỷ thứ 5 và thứ 6, và cả mới đây nữa, những người bất đồng với quyết định của Công Đồng Canxêđoan vẫn đứng riêng ra một cõi so với các Giáo Hội Kitô Giáo khác, kể cả các Giáo Hội Chính Thống thoát thai từ cuộc đại ly giáo năm 1054.

Hiện nay, các Kitô hữu tự xưng là Độc Tính đứng trong Giáo Hội Coptic Ai Cập, Giáo Hội Êtiôpia, Giáo Hội Giacôbê Syria, Giáo Hội Syria Ấn Độ, và Giáo Hội Ácmênia. Các Giáo Hội này thường được gọi là các Giáo Hội Đông Phương Nhỏ Hơn (Lesser Eastern Churches) hay các Giáo Hội Chính Thống Phương Đông (Oriental Orthodox Churches).

Tuy nhiên, cần phải nhấn mạnh rằng về mặt chính thức, Giáo Hội Coptic không bao giờ tin thuyết độc tính như cách mô tả của Công Đồng Canxêđoan. Ta hãy đọc tuyên bố của Giáo Hội Coptic:

"Kitô hữu Copt tin rằng Chúa hoàn hảo trong thiên tính của Người, và Người hoàn hảo trong nhân tính của Người, nhưng thiên tính và nhân tính của Người kết hợp thành một bản tính gọi là ‘bản tính của lời nhập thể’ vốn được Thánh Xirilô Thành Alexandria nhắc đi nhắc lại. Như thế, Kitô hữu Copt tin hai bản tính ‘nhân loại’ và ‘Thiên Chúa’ kết hợp thành một ‘không hoà lẫn, không lẫn lộn, và không thay đổi’(trích lời tuyên xưng đức tin ở cuối phụng vụ thánh Coptic).

Hai bản tính này ‘không tách biệt nhau dù trong giây lát hay trong nháy mắt” (cũng trích từ lời tuyên xưng đức tin ở cuối phụng vụ thánh Coptic)”.


Sự chia rẽ này đem lại hậu quả hết sức đáng tiếc và bi thảm là người Copt bị chính các đồng Kitô hữu của mình bách hại, sau khi bị người ngoại giáo Rôma bách hại. Đến nỗi khi người Ả Rập tới xâm lăng vào giữa thế kỷ thứ 7, họ gặp rất ít kháng cự từ dân bản xứ.

Hạn từ “Coptic” là do chữ Hy Lạp “Aigyptos” có nghĩa “Người Ai Cập” nhưng bị người Ả Rập đọc trại thành “qibt”. Và “qibt” dùng để chỉ cả “Người Ả Rập” lẫn “Kitô hữu”.

Còn chữ “Chính Thống” là chỉ việc duy trì “Đức Tin Nguyên Thủy” của người Copt, những người, qua nhiều thời đại, vẫn một lòng bảo vệ Kinh Tin Kính Xưa, chống lại nhiều cuộc tấn kích nhắm vào nó.

Người Copt tin rằng Thiên Chúa Ba Ngôi: Chúa Cha, Chúa Con và Chúa Thánh Thần bằng nhau trong một hợp nhất duy nhất; Chúa Giêsu Kitô là Đấng Cứu Thế duy nhất của thế giới. Giáo Hội này ít thay đổi nhất về cả lễ nghi lẫn tín lý và sự kế thừa của các thượng phụ, giám mục, linh mục và phó tế Coptic luôn liên tục.

Các đóng góp Coptic cho Thế Giới Kitô Giáo

Người Copt tự hào về Didascalia, Trường Giáo Lý nổi tiếng đầu tiên ở Alexandria, nơi giảng dạy thế giới Kitô Giáo các phương pháp ẩn dụ và linh đạo để giải thích Thánh Kinh, nơi các học giả tiên khởi của Kitô Giáo mài miệt để chứng minh rằng lý trí và mạc khải, triết học và thần học không những tương hợp với nhau mà còn thiết yếu để có thể hiểu nhau nữa. Học giả vĩ đại nhất đầu tiên đứng đầu Didascalia là Pantaenus, người điều khiển trường này từ năm 180 tới năm 200 CN. Tuy nhiên, nhà thần học quan trọng nhất và là một tác giả viết nhiều nhất liên hệ tới trường này phải kể Origen.

Đóng góp lớn lao thứ hai là phong trào đơn tu. Thực vậy, phong trào đơn tu của Kitô Giáo, dưới mọi hình thức, khởi đầu từ Ai Cập, lôi kéo trái tim Giáo Hội hướng về sa mạc, thực hành lối sống thiên thần bên trong. Việc này diễn ra vào lúc triều đình mở cửa chào đón các giáo sĩ và do đó gây nguy hại cho Giáo Hội vì công trình âm thầm và có tính linh thiêng bị hòa lẫn với quyền bính trần thế và nền chính trị cung đình.

Người Copt hiện nay

Người Copt tại Ai Cập hiện có khoảng 10 triệu, chiếm từ 13% tới 15% dân số cả nước. Ngoài ra, họ còn có nhiều cộng đoàn tại các nước Phương Tây.

Trước đây, dưới thời thống trị của Ả Rập, Giáo Hội Coptic gặp nhiều suy thoái về số tín hữu. Nhưng vào khoảng giữa thế kỷ 20, Giáo Hội này trải nghiệm được một cuộc phục hung chưa từng thấy. Cuộc phục hung này khởi diễn trong các thập niên bốn mươi và năm mươi trong các phong trào Trường Chúa Nhật Coptic tại Cairo, Giza và Asyut. Nhờ khí thế này, các thanh niên hiến đời mình cho Thiên Chúa và tham gia cùng các bậc thầy ở sa mạc. Ngày nay, nhiều nhà lãnh đạo Giáo Hội phát xuất từ cuộc phục hung tâm linh này. Tuy gọi là Trường Chúa Nhật Coptic, nhưng các lớp được tổ chức vào Thứ Sáu. Con em các gia đình Copt đua nhau tham dự suốt qua tuổi thiếu niên. Tại đây, các em tham dự nhiều sinh hoạt khác nhau, cả trên bình diện thiêng liêng lẫn trên bình diện xã hội.

Ngày nay, Giáo Hội Coptic lan tràn khắp thế giới, với các nhà thờ tại nhiều quốc gia khác nhau. Dưới sự lãnh đạo của thế hệ hiện nay, Giáo Hội quan tâm sâu sắc tới việc xóa nhòa các ý niệm trước đây về mình trên thế giới. Giáo Hội Coptic hiện duy trì đối thoại với Giáo Hội Công Giáo Rôma, cũng như nhiều Giáo Hội khác.

Thực vậy, nhờ các cố gắng truyền giáo mới đây, Giáo Hội Coptic đã thiết lập được nhiều nhà thờ tại Zambia, Kenya, Zaire, Zimbabwe, Namibia và South Africa. Giáo Hội cũng có mặt tại Anh, Âu Châu nói chung, Bắc Mỹ và Úc cùng Đại Dương Châu. Hiện có khoảng 15 giáo phận và 500 giáo xứ bên ngoài Ai Cập.

Các nhà lãnh đạo

Hàng giáo sĩ của Giáo Hội Chính Thống Coptic do Đức Giáo Hoàng của Alexandria lãnh đạo. Hiện nay là Đức Tawadros II, nhậm chức từ năm 2012, kế nhiệm Đức Shenouda III. Hàng trăm năm trước đây, Alexandria, thành phố lớn thứ nhì của Ai Cập, là trụ sở của Đức Giáo Hoàng, nhưng hiện nay, nhà thờ chính tòa của ngài ở Cairo.

Cả Đức Giáo Hoàng lẫn các giám mục đều là các đan sĩ. Còn các linh mục, họ phải có gia đình và học Trường Giáo Lý trước khi được thụ phong. Hiện có khoảng 60 giám mục cai quản các giáo phận ở trong nước cũng như ở ngoài nước.

Thánh Hội Đồng (The Holy Synod) là cơ quan cao nhất chịu trách nhiệm về các việc thiêng liêng, Giáo Hội học, cơ cấu, tổ chức và kinh tế. Hội Đồng này bao gồm mọi thành viên của hàng giám mục Coptic và một trưởng linh mục đại diện cho hàng giáo sĩ có gia đình. Hội đồng này chia thành 7 ủy ban: mục vụ, phụng vụ, liên lạc đại kết, đơn tu sự vụ, đức tin và đạo đức, và giáo phận sự vụ.

Ngoài ra, còn có hai cơ quan không có tính giáo sĩ: Hội Đồng Giáo Dân Coptic do dân bầu, đã có từ năm 1883, giữ vai trò liên lạc giữa Giáo Hội và Chính Phủ, và ủy ban hỗn hợp giáo dân và giáo sĩ, thành lập năm 1928, giữ nhiệm vụ giám sát và theo dõi việc quản trị của cải của Giáo Hội phù hợp với luật lệ Ai Cập.

Các Bí Tích Coptic

Người Copt tuân giữ đủ 7 bí tích như người Công Giáo. Phép Rửa được cử hành vài tuần sau khi đứa trẻ sinh ra bằng cách dìm toàn thân em vào nước đã làm phép ba lần. Phép Thêm Sức được cử hành liền ngay sau Phép Rửa. Việc thường xuyên xưng tội với một linh mục của riêng mình, gọi là cha giải tội, là cần thiết để lãnh nhận Thánh Thể. Thói quen là cả gia đình cùng chọn một cha giải tội, do đó, biến vị này thành huấn đạo viên của cả gia đình. Trong bẩy bí tích, chỉ có phép hôn phối là không được cử hành trong mùa ăn chay. Đa hôn là bất hợp pháp, dù được dân luật trong nước thừa nhận. Ly dị không được phép trừ trường hợp ngoại tình, tuyên bố vô hiệu vì song hôn, hay các hoàn cảnh cực kỳ khác được tái duyệt bởi một hội đồng giám mục đặc biệt. Ly dị có thể được cả vợ lẫn cHồng Yêu cầu. Ly dị phần đời không được Giáo Hội thừa nhận. Giáo Hội Coptic không lưu tâm tới bất cứ luật dân sự nào nếu nó không can thiệp vào các bí tích của Giáo Hội. Giáo Hội cũng không có lập trường chính thức nào về một số vấn đề gây tranh cãi như phá thai chẳng hạn.

Đức Tawadros II

Xem như thế, thực sự có rất ít dị biệt trầm trọng giữa Giáo Hội Chính Thống Coptic và Giáo Hội Công Giáo Rôma, cả trong phạm vi tín lý lẫn thực hành. Các dị biệt nếu có chắc chắn sẽ được nhìn bằng tầm nhìn mới khi hai vị giáo hoàng gặp nhau tại Cairo.

Người ta có quyền hy vọng như vậy vì thái độ hết sức cơỉ mở của Đức Tawadros II. Thực vậy, ngài là người mau mắn tới Vatican hội kiến với Đức Tân Giáo Hoàng Phanxicô, ngày 10 tháng 5 năm 2013, giữa lúc các Kitô hữu Ai Cập nói chung đang chịu áp lực nặng nề của Huynh Đệ Hồi Giáo.

Nhân dịp này, Đức Tawadros II nói với Đức Phanxicô rằng Giáo Hội Coptic “cho tới nay từng bị dẫn thủy bằng máu của nhiều vị tử đạo, nhưng nhờ thế ngày một trở nên mạnh mẽ hơn”.

Đức Phanxicô đáp lại: hai Giáo Hội của chúng ta hợp nhất bằng “nền đại kết đau khổ… Máu các vị tử đạo là hạt giống gây sức mạnh và sự mầu mỡ của Giáo Hội như thế nào, thì việc chia sẻ các đau khổ hàng ngày cũng có thể trở thành một phương tiện hữu hiệu để hợp nhất”.

Đức Tawadros tiếp lời: “Mục đích quan trọng nhất cho cả Giáo Hội Công Giáo lẫn Giáo Hội Coptic là việc cổ vũ đối thoại đại kết hầu đạt được mục tiêu được theo đuổi hơn cả là hợp nhất!”.

Đức Phanxicô đáp lại: “Cho phép tôi bảo đảm với ngài rằng các cố gắng của ngài nhằm xây dựng sự hiệp thông giữa các tín hữu trong Chúa Kitô, và quan tâm sống động của ngài đối với tương lai xứ sở ngài và vai trò của cá cộng đồng Kitô Giáo trong xã hội Ai Cập tìm thấy tiếng vang sâu xa trong lòng người kế nhiệm Thánh Phêrô và toàn thể cộng đồng Công Giáo”.

Không riêng đối với Giáo Hội Công Giáo, Đức Tawadros II còn cố gắng bắt tay với cả kẻ thù của thế giới Ả Rập. Thực vậy, ngày 27 tháng 11 năm 2015, ngài là vị giáo hoàng Coptic đầu tiên thăm Giêrusalem kể từ năm 1832, ngược với chính sách tẩy chay Israel của vị tiền nhiệm, Đức Shenouda III.

Và ai cũng biết Giáo Hội Chính Thống Coptic đặc biệt bị các nhóm Hồi Giáo quá khích ra mặt tấn công, nhất là vụ sát hại 23 vị tử đạo Coptic cách nay mấy năm và gần đây vụ đánh bom nhân dịp Lễ Lá. Nhưng Đức Tawadros II không hận thù người Hồi Giáo nói chung. Tại một hội nghị đại kết các nhà lãnh đạo các Giáo Hội Kitô Giáo Trung Đông họp tại Jordan năm 2016, ngài nói rằng Kitô hữu và người Hồi Giáo ôn hòa cần phải nắm tay nhau cùng làm việc để tôn vinh phẩm giá con người và đề cao các giá trị và nguyên tắc cao thượng. Chỉ bằng cách này, bạo lực và chủ nghĩa cuồng tín mới bị bác bỏ.

Bầu khí cởi mở do Đức Tawadros II khởi xướng chắc chắn sẽ được ca tụng và thăng tiến trong dịp Đức Phanxicô thăm viếng Cairo.