VƯỢT QUA CHƯỚNG NGẠI

(Chúa Nhật V Phục Sinh)

VẤN NẠN CỦA ĐỨC KITÔ :

“Thưa Thầy, xin tỏ cho chúng con thấy Chúa Cha, như thế là chúng con mãn nguyện” (Ga 14, 8). Bắt nguồn từ Do Thái giáo, niềm tin Kitô giáo cho hay rằng hạnh phúc thật là được chiêm ngưỡng thánh nhan Thiên Chúa. Thế mà xưa nay chưa từng có ai nhìn thấy tôn nhan Thiên Chúa mà còn sống. Ngay cả Môsê, vị ngôn sứ vĩ đại, người được ưu tuyển đàm đạo với Giavê diện đối diện mà cũng chỉ được phép nhìn thấy Thiên Chúa phía sau lưng Người (x.Xh 33,21-23). Và chúng ta đừng ngạc nhiên trước lời yêu cầu của Philipphê. Tuy nhiên chúng ta cần phải ngạc nhiên với câu trả lời của Chúa Giêsu: “Thầy ở với anh em bấy lâu, thế mà anh Philipphê, anh chưa biết Thầy ư? Ai thấy Thầy là thấy Chúa Cha” (Ga 14, 9). Trong thân phận con người, cái yếu tố hữu hình, một trong những yếu tố của nhân tính mà Con Thiên Chúa đón nhận khi nhập thể, một khía cạnh nào đó, đã trở thành chướng ngại.

“Chúng tôi ném đá ông, không phải vì một việc tốt đẹp, nhưng vì một lời nói phạm thượng: ông là người phàm mà tự cho mình là Thiên Chúa” (Ga 10,33). Giả như Chúa Kitô nhập thể, nhập thế trong thời đại hôm nay thì số phận của Người sẽ không khác xưa. Đấng vô hình lại ở trong kiếp hữu hạn, hữu hình ư? Đấng sáng tạo lại mang kiếp được tạo thành, mong manh sao? Thật khó mà chấp nhận cũng như đón nhận. Ngay cả các môn đệ, các tông đồ, ở với Thầy bấy lâu nay mà vẫn chưa biết rằng Thầy với Chúa Cha là một. Dù đã tuyên xưng Thầy là Đức Kitô, Con Thiên Chúa Hằng Sống, nhưng trong tâm trí các tông đồ lúc bấy giờ thì Thầy cũng chỉ là một con người được Thiên Chúa sai đến, hay là một đại ngôn sứ mà thôi. Tâm trí các ngài còn nhiều tăm tối u mê, không thể hiểu thấu lời của Thầy cũng như căn tính của Thầy cho đến khi Thầy phục sinh từ cõi chết và Thánh Thần được trao ban (x.Ga 16,13). Cho đến tận thế, với người chưa tin, Đức Kitô Giêsu dù “là viên đá bị thợ xây loại bỏ đã trở nên đá tảng góc tường mãi vẫn là viên đá làm cho vấp, tảng đá làm cho ngã” (x.1P 2,7-8). Nhập thế vào đời, Chúa Kitô là hình ảnh của Chúa Cha. Đã là hình ảnh thì tồn tại sự hạn chế của cái khả giác.

VẤN NẠN CỦA HỘI THÁNH:

Tôi tin Hội Thánh là thân thể mầu nhiệm Chúa Kitô. Tôi tin Hội Thánh là Hiền Thê tinh tuyền xinh đẹp của Đức Kitô. Tôi tin Hội Thánh duy nhất, thánh thiện, Công Giáo và tông truyền… Những lời tuyên xưng trên đây phải chăng đã được chấp nhận và đón nhận cách dễ dàng với tất cả những người tin vào Đức Kitô (Công Giáo, Chính Thống giáo, Anh giáo, Tin lành), chưa kể là với bà con ngoài Kitô giáo? Với người khác niềm tin, bất đồng chính kiến thì đã rõ. “Chúa Kitô loan báo Nước Trời và Hội Thánh lại đến!” (Alfred Loisy). Câu nói hàm chứa sự mỉa mai lẫn sự chê bai, ngờ vực của văn sĩ thế kỷ ánh sáng khiến chúng ta nhận ra vấn nạn luôn còn đó. Nhìn chung vấn nạn thường xoay quanh tính hữu hình của Hội Thánh Chúa.

Giáo lý Công Giáo nêu rõ: “Chúa Kitô thánh thiện, vô tội, tinh tuyền, không hề phạm tội, chỉ đến để đền tội cho dân; còn Hội Thánh, vì ôm ấp trong lòng những kẻ tội lỗi, nên vừa thánh thiện vừa phải luôn thanh luyện mình. Do đó, Hội Thánh luôn nỗ lực sám hối và canh tân. Tất cả các chi thể của Hội Thánh, kể cả các thừa tác viên, phải tự nhận là người tội lỗi…” (GLCG chung số 827). Quả là một mầu nhiệm mà chúng ta không dễ thấu đạt và với anh em ngoài Hội Thánh thì càng khó hơn nhiều. Hội Thánh là hiện thân của Đức Kitô theo dòng thời gian. Thế mà nhiều khi chân dung Đức Kitô lại bị biến dạng do bởi một số chi thể “què quặt hay mù loà về tâm linh lẫn nhân cách” hoặc do bởi cái cơ chế đã có khi mang dáng vẻ thế trần của Hội Thánh. Các chướng ngại hay cớ vấp phạm xuất hiện do bởi các nguyên nhân khách quan cũng có nhiều mà do bởi các nguyên nhân chủ quan cũng không thiếu.

VƯỢT QUA CHƯỚNG NGẠI:

Vấn nạn của cái khả giác dường như là muôn thuở. Làm sao để vượt qua nó? Chúa Kitô đã khai mở: “Nếu ta không làm các việc của Cha Ta thì các ông đừng tin Ta. Còn nếu Ta làm các việc đó thì ít ra hãy tin các việc Ta đã làm” (Ga 10,37-38). Những việc của Đức Kitô thực hiện là dẫn đưa nhân loại đến cùng sự thật, đến cùng sự sống, vì Người “là đường, là sự thật và là sự sống” (Ga 14,6). Người đến thế gian này “là để làm chứng cho sự thật” (Ga 19,37). Chính sự thật sẽ giải thoát chúng ta khỏi ách nô lệ tội lỗi và cho chúng ta được sống và sống dồi dào (x.Ga 8,32; 10,10).

Tuy nhiên một thực tế thật khó phủ nhận vẫn tồn tại. Đó là rất nhiều người đương thời với Chúa Giêsu đã nghe lời chân lý của Người, đã chứng kiến các kỳ công vừa cao cả vừa đượm đầy tình yêu của Người, vẫn chưa hoặc không biết Người và tin nhận Người. Chúa Giêsu đã mở thêm một con đường mới, có thể nói là con đường tuyệt hảo cuối cùng, đó là chịu treo trên thập giá và tuôn ban Thánh Thần từ Trái Tim Cực Thánh của mình. Ngay đêm tiệc ly, sau khi rửa chân cho các môn đệ Chúa Giêsu đã tỏ lộ cho các ngài: “Chính Thầy biết những người Thầy đã chọn, nhưng phải ứng nghiệm lời Kinh Thánh sau đây: Kẻ đã cùng con chia cơm sẻ bánh lại giơ gót đạp con. Thầy nói với anh em điều đó ngay từ lúc này, trước khi sự việc xảy ra, để khi sự việc xảy ra, anh em tin là Thầy Hằng Hữu” (Ga 13,18-19). “Họ sẽ nhìn lên Đấng họ đã đâm” (Ga 19,37). Và “Khi các ông giương Con Người lên, bấy giờ các ông sẽ biết Ta Hằng Hữu” (Ga 8,28). “ Phần Ta, một khi được giương cao lên khỏi mặt đất, Ta sẽ kéo mọi người lên với Ta” (Ga 12,32).

Trước tình yêu tự nguyện trao ban, một tình yêu không điều kiện, một tình yêu không quản ngại hiến dâng của Đức Kitô và trước một tình yêu quảng đại của Nguời, Đấng sẵn sàng đón nhận những gì chúng ta đang có, đang là, dù đó có thể là những điều chưa tốt, những mặt hạn chế, những lỗi lầm, thì chúng ta mới có thể thốt lên như Tôma: “Lạy Chúa, Lạy Thiên Chúa của con”. Quả thật nói như lời thánh Tông Đồ dân ngoại rằng không ai có thể tuyên xưng Đức Kitô là Chúa nếu không được Thánh Thần thúc đẩy.

Trở lại với chuyện của Hội Thánh. Trò không thể hơn thầy. Để Hội Thánh ngày càng trở nên bí tích của Đức Kitô cách khả tín và hữu hiệu hơn, thiết nghĩ rằng mỗi phần tử của Hội Thánh cần can đảm đối diện với sự thật, sống trong sự thật đồng thời tích cực thực thi công lý và tình yêu. Tuy nhiên, xin đừng quên chính khi bị đâm thâu cạnh sườn, chính khi bị treo lên cao để cho tình yêu tuôn ban thì đó mới là lúc căn tính của Hội Thánh được hiển lộ cách rõ nét. Chính khi bị nguyền rủa, chúng ta vẫn chúc lành; bị bắt bớ chúng ta vẫn yêu thương; bị vu khống, chúng ta vẫn chia lời ủi an, hay nói như thánh Phanxicô Axidi là đem yêu thương vào nơi oán thù, đem thứ tha vào nơi lăng nhục, đem an hoà vào nơi tranh chấp…(x.1Cor 5,12-13), là lúc chúng ta làm cho tha nhân thấy rằng không phải ta sống mà là Chúa Kitô đang sống trong ta.

Đức Bênêđictô XVI tuyên bố “cuộc đời và các hoạt động của các vị thánh đã góp phần to lớn làm nên chân dung Hội Thánh”. Ngài Tertulianô khẳng định: “máu của các thánh tử đạo là hạt giống phát sinh người tín hữu”. Đức Gioan Phaolô II trong ngày tuyên phong hiển thánh 117 vị tử đạo Việt nam đã nhấn mạnh rằng hạt giống ấy là ngoài các vị thánh tử đạo trước đây thì ngày nay là tất cả những ai đang chịu áp bức, bóc lột mà vẫn trung kiên trong niềm tin, là tất cả những ai đang tìm hiểu và sống mầu nhiệm thập giá Chúa Kitô. Thánh giá bài trừ sự gian dối, bài trừ tội ác và giúp ta sống trong bình an và tha thứ ngay tại môi trường ta đang sống.

Dù là điên dại với người Hy lạp hay là cớ vấp phạm với người DoThái thì thập giá vẫn mãi là dấu chỉ cao cả của tình yêu. Vì không có tình yêu nào cao cả cho bằng tình yêu của người hiến dâng mạng sống vì người mình yêu (Ga 15,13). Và thập giá Chúa Kitô mãi là nguồn ơn cứu độ. Chính trên thập giá, Chúa Kitô đã trao ban Thánh Thần cho chúng ta từ Trái Tim bị đâm thâu của Người. Xin Thánh Thần Thiên Chúa, là Thần Chân Lý, là Nguồn Tình Yêu ở cùng chúng ta, ở cùng Hội Thánh cho đến ngày Đức Kitô quang lâm (x.Kh 22,17). Nhờ Thánh Thần, chúng ta có thể tuyên xưng Đức Kitô là Thiên Chúa. Với Thánh Thần, chúng ta sẽ làm cho muôn dân nhận ra chúng ta là môn đệ của Đức Kitô và đích thực là Kitô hữu.

Lm Giuse Nguyễn Văn Nghĩa – Ban Mê Thuột.