Theo cuốn hồi ký thứ bốn của chị Lucia, viết theo lệnh của Đức Giám Mục giáo phận Leira năm 1941, thì trong lần hiện ra ngày 13 tháng Bẩy năm 1917, sau khi cho ba trẻ thị kiến hỏa ngục, Đức Mẹ nói với các em:

Dâng Nước Nga cho Trái Tim Vô Nhiễm Đức Mẹ

“Các con đã xem thấy hỏa ngục nơi linh hồn các kẻ có tội đáng thương sẽ tới. Để cứu họ, Thiên Chúa muốn thiết lập trên thế giới lòng sùng kính Trái Tim Vô Nhiễm Mẹ. Nếu điều Mẹ nói với con được thực hiện, nhiều linh hồn sẽ được cứu và sẽ có hòa bình. Chiến tranh sẽ kết thúc; nhưng nếu người ta không thôi xúc phạm đến Thiên Chúa, một cuộc chiến tranh tàn khốc hơn sẽ bùng phát vào triều giáo hoàng của Đức Piô XI. Khi các con thấy một đêm được ánh sáng lạ chiếu sáng, thì các con hãy biết rằng đó là dấu hiệu lớn lao Thiên Chúa tỏ cho chúng con thấy Người sắp sửa trừng phạt thế gian vì tội ác của nó, bằng chiến tranh, đói kém, và bách hại Giáo Hội cũng như Đức Giáo Hoàng”.

Rồi Đức Mẹ chỉ cho các em phương thế “để ngăn ngừa việc trên, Mẹ sẽ đến yêu cầu dâng Nước Nga cho Trái Tim Vô Nhiễm Mẹ, và việc rước lễ để đền tạ vào các ngày thứ Bẩy đầu tháng. Nếu lời yêu cầu của Mẹ được lưu ý, Nước Nga sẽ trở lại và sẽ có hòa bình; nếu không, nó sẽ gieo rắc các sai lạc của nó khắp thế giới, gây ra nhiều cuộc chiến tranh và bách hại Giáo Hội. Người lành sẽ bị tử vì đạo, Đức Thánh Cha sẽ chịu nhiều đau khổ, nhiều quốc gia sẽ bị tiêu diệt. Cuối cùng, Trái Tim Vô Nhiễm Mẹ sẽ chiến thắng…”

Dĩ nhiên, lời yêu cầu trên không được lưu ý ngay. Vì cho tới mãi năm 1930, sau nhiều cuộc điều tra theo giáo luật, Giám Mục Leira mới chính thức công bố các thị kiến tại Fatima là “đáng tin” và cho phép việc sùng kính Đức Mẹ Fatima.

Đức Giáo Hoàng cùng với các giám mục thế giới dâng Nước Nga

Chính vì thế, năm 1929, Đức Mẹ lại hiện ra với chị Lucia, lúc đó, đang tu tại một tu viện ở Tuy, Tây Ban Nha, và yêu cầu phải dâng Nước Nga cho Trái Tim Vô Nhiễm của ngài dưới những điều kiện chính ngài cho biết vào dịp này. Cuộc thị kiến lần này chị không đích thân viết lại, nhưng lời tường thuật của chị được cha linh hướng là linh mục José Bernardo Gonçalves, Dòng Tên, ghi lại như sau:

Ngày 13 tháng Sáu năm 1929, chị được phép bề trên làm giờ thánh từ 11 giờ tới nửa đêm. Lúc còn lại một mình, chị thấy Thiên Chúa Ba Ngôi và Đức Mẹ hiện ra với chị. “Lúc ấy, Đức Mẹ nói với con: ‘Đã đến lúc Thiên Chúa yêu cầu Đức Thánh Cha, hợp nhất với các giám mục thế giới, làm việc dâng hiến Nước Nga cho Trái Tim Vô Nhiễm Mẹ… Sau đó,… Chúa than thở với con rằng: người ta không muốn lưu ý tới lời yêu cầu của Ta. Giống Vua nước Pháp, họ phải ăn năn và thực hiện việc đó, nhưng sẽ quá trễ. Lúc đó, Nước Nga đã gieo rắc các sai lạc của nó khắp thế giới, gây ra nhiều cuộc chiến tranh, và bách hại Giáo Hội, Đức Thánh Cha sẽ phải chịu đau khổ rất nhiều”.

Lời kêu gọi này cũng vẫn không được lưu ý ngay, phải đợi đến khi Cộng Sản củng cố vững chắc chế độ cai trị độc tài của họ tại Nga và truyền bá chủ nghĩa vô nhân đạo này khắp thế giới, và nhất là thế chiến hai năm 1939 với những tàn phá ghê gớm và dã man chưa từng thấy diễn ra, Đức Giáo Hoàng Piô XII, người từng được tấn phong giám mục vào đúng ngày 13 tháng Năm năm 1917, mới chính thức dâng thế giới cho Trái Tim Vô Nhiễm Đức Mẹ vào năm 1942.

Đức Piô XII đặc biệt dâng nhân dân Nga cho Trái Tim Vô Nhiễm Đức Mẹ

Nhờ thế, năm 1945, Thế Chiến II chấm dứt. Nhưng một phần khá lớn của Đông Âu đã lọt vào tay các đảng Cộng Sản, những kẻ lấy việc đàn áp tôn giáo, nhất là Kitô Giáo và đặc biệt Công Giáo làm lẽ sống. Nhiều người nêu lý do: Đức Thánh Cha chưa thi hành đúng “mệnh lệnh Fatima” vì ngài chỉ dâng thế giới chung chung, chứ không dâng một mình Nước Nga như Đức Mẹ muốn. Do đó, năm 1952, Đức Piô XII chính thức dâng “dân tộc Nga” cho Trái Tim Vô Nhiễm Đức Mẹ. Qua Tông Thư Sacro Vergente Anno ngày 7 tháng Bẩy năm 1952, ngài thông báo việc này cho nhân dân Nga:

“Cũng như ít năm trước đây, Ta đã dâng toàn thể nhân loại cho Trái Tim Vô Nhiễm Đức Trinh Nữa Maria, Mẹ Thiên Chúa, hôm nay, Ta cũng dâng và phó thác một cách đặc biệt mọi người dân Nga cho Trái Tim Vô Nhiễm này…”

Ngài giải thích với họ rằng sau khi công bố tín điều Đức Mẹ Hồn Xác lên trời, nhiều người viết thư xin ngài làm việc dâng hiến này. Ngài đánh giá cao lời yêu cầu này vì ngài rất yêu qúy dân tộc Nga, những người tuy phân rẽ đối với ngài, nhưng tiếp tục chiến đấu duy trì căn tính Kitô Giáo của mình bằng mọi phương thế và lòng can đảm, nhất là với lòng sùng kính đối với Mẹ Thiên Chúa. Ngài bảo đảm với họ rằng Đức Mẹ sẽ phù giúp họ “Mọi sai lạc và chủ nghĩa vô thần sẽ bị đánh bại với sự trợ giúp của ngài và ơn thánh Chúa”.

Tuy nhiên, chủ nghĩa Cộng Sản không vì thế mà suy tàn, trái lại sau khi tràn vào Trung Quốc năm 1949, nó đã chiếm được Bắc Hàn năm 1953, Bắc Việt năm 1954 và Cuba năm 1960 và nhiều nước khác. Người ta lại nêu lý do: tuy dâng “dân tộc Nga” cho Trái Tim Vô Nhiễm Đức Mẹ, nhưng Đức Piô XII không cùng dâng với toàn thể giám mục thế giới, như Đức Mẹ nhấn mạnh với chị Lucia năm 1929.

Công Đồng Vatican II và Đức Phaolô VI

Người ta chờ đợi Công Đồng Vatican II, với sự hiện diện thực sự của mọi giám mục năm châu dưới sự chủ tọa của vị kế nhiệm thánh Phêrô là Đức Gioan XXIII và Đức Phaolô VI, sẽ làm việc này. Nhưng, không những Công Đồng Vatican II không dâng Nước Nga cho Trái Tim Vô Nhiễm Đức Mẹ, mà còn làm một hành vi khiến những người sau này được mệnh danh là “duy Fatima” (fatimists) chỉ trích là hạ thấp vai trò của Đức Mẹ khi bàn đến ngài như một tín hữu, dù hết sức đặc biệt, nhưng cũng đứng trong cùng một Giáo Hội như tôi và anh, là thành viên của Giáo Hội!

Đức Phaolô VI, dù có sử dụng quyền hạn riêng của mình, để tuyên bố tước hiệu Đức Mẹ là Mẹ Giáo Hội khi cho công bố Tông Hiến Giáo Hội trong Thế Giới Ngày Nay, và nhiều văn kiện nói về Đức Mẹ sau này, vẫn không dâng nước Nga cho Trái Tim Vô Nhiễm Đức Mẹ vào một dịp có một không hai trong lịch sử Giáo Hội ấy.

Tác phong của ngài, do đó, khiến khá nhiều giới trong Giáo Hội kết án ngài là “duy hiện đại” đối với lòng sùng kính Đức Mẹ Fatima, thậm chí, dịp kỷ niệm 50 năm biến cố Fatima năm 1967, tuy ngài có đến Fatima và gặp chị Lucia, nhưng đã không tiếp kiến riêng vị nữ tu này, người mà họ cho là muốn gặp riêng ngài để nhấn mạnh tới khía cạnh “Đức Giáo Hoàng cùng các giám mục thế giới dâng nước Nga cho Trái Tim Vô Nhiễm Đức Mẹ”.

Đức Gioan Phaolô II và ba lần dâng thế giới cho Trái Tim Vô Nhiễm Đức Mẹ

Rồi, năm 1978, lịch sử sang trang, một nạn nhân trực tiếp của chủ nghĩa Cộng Sản được bầu làm giáo hoàng, đó là Thánh Gioan Phaolô II, giữa lúc quê hương Ba Lan còn quằn quại dưới ách thống trị của con rắn đỏ. Điều có ý nghĩa là người nạn nhân này, trong tư cách giáo hoàng, bị mưu sát vào đúng ngày 13 tháng Năm năm 1981 tại Công Trường Nhà Thờ Thánh Phêrô. Chính ngài nhìn nhận Đức Mẹ Fatima đã cứu ngài. Nên một năm sau, ngày 13 tháng Năm năm 1982, ngài tới Fatima tạ ơn Đức Mẹ và gắn viên đạn lấy ra từ vết thương ám sát vào triều thiên ngài.

Nhân dịp này, ngài đã dâng toàn thế giới cho Trái Tim Vô Nhiễm Đức Mẹ:

“Con ở đây, hợp nhất với mọi mục tử của Giáo Hội trong sợi dây nối kết đặc biệt nhờ đó chúng con cấu thành một cơ thể và một hợp đoàn, giống như Chúa Kitô muốn các tông đồ của Người kết hợp với Thánh Phêrô.

“Trong sợi dây hợp nhất này, con xin đọc kinh dâng hiến hôm nay… Ôi Mẹ các cá nhân và dân tộc… Bằng tình yêu của Người Mẹ và Nữ Tỳ, xin Mẹ hãy ôm lấy thế giới loài người chúng con, thế giới mà chúng con phó thác và dâng hiến cho Mẹ… Chúng con xin đặc biệt phó thác và dâng hiến cho Mẹ các cá nhân và dân tộc đặc biệt cần được phó thác và dâng hiến…Xin Mẹ nhận lấy niềm tín thác khiêm cung và hành vi phó thác của chúng con…”

Ngày 16 tháng Mười năm 1983, trong Thánh Lễ bế mạc Thượng Hội Đồng Giám Mục về Thống Hối và Hòa Giải, được vây quanh bởi nhiều Hồng Y và giám mục khắp thế giới, Đức Gioan Phaolô II lại lặp lại hành vi dâng hiến trên một lần nữa cũng với công thức như tại Fatima năm 1982.

Rồi ngày 25 tháng Ba năm 1984, sau khi cử hành Thánh Lễ dành cho các gia đình nhân Năm Thánh Cứu Chuộc, với Thánh Tượng Đức Mẹ Fatima được Đức Giám Mục Leira-Fatima đem từ Fatima tới Rôma đặt ở bàn thờ chính, Đức Gioan Phaolô II, kết hợp với mọi giám mục của thế giới, đã lại dâng hiến mọi cá nhân và dân tộc trên thế giới cho Trái Tim Vô Nhiễm Đức Mẹ một lần nữa, cũng bằng công thức của năm 1982 tại Fatima.

Hiệu quả dâng hiến

Lịch sử chỉ ghi lại 3 lần Đức Gioan Phaolô II dâng hiến thế giới, các cá nhân và dân tộc cho Trái Tim Vô Nhiễm Đức Mẹ như trên, nhưng căn cứ vào bài giảng lễ tại Fatima năm 1982, ta có thể đoán: từ đó trở đi không năm nào Đức Gioan Phaolô II không dâng thế giới, các cá nhân và dân tộc cho Đức Mẹ. Thực vậy, dịp đó, ngài nói: “Lời kêu gọi (dâng hiến) của Đức Mẹ không phải chỉ cho một lần. Lời kêu gọi của ngài phải được thi hành từ thế hệ này qua thế hệ nọ, phù hợp với ‘các dấu chỉ thời đại’ luôn luôn mới mẻ. Ta phải không ngừng trở lại với nó. Nó phải được thi hành trở đi trở lại mãi”.

Chính nhờ thế mà quê hương ngài được giải thoát đầu tiên, ngay lúc ngài còn cai trị Giáo Hội, làm chất xúc tác diệt trừ con rắn đỏ khỏi Nga và Đông Âu cuối thập niên 1980 đầu thập niên 1990. Nước Nga quả đã trở lại và hết gieo rắc các sai lầm của nó.

Đó là nhận định của hầu hết mọi người. Joanna Bogle, một tác giả Công Giáo, người được Đức Bênêđíctô XVI ban tước hiệu Mệnh Phụ Thánh Gregory (ngang hàng Hiệp Sĩ Thánh Gregory), chẳng hạn, đã cho rằng với sự sụp đổ của chủ nghĩa Cộng Sản, nước Nga đã được chứng kiến cả một làn sóng vĩ đại trở về với Kitô Giáo.

Bà cho hay: hiện nay (2013), các nhà thờ của Nga được sử dụng một cách rất tích cực và thường chật ních người. Các du khách Tây Phương rất có ấn tượng và cũng khá xấu hổ khi thấy người ta cầu nguyện, đốt nến và tôn kính ảnh tượng với một lòng tôn kính hiển hiện.

Tuy vẫn còn nhiều căng thẳng giữa hai Giáo Hội Chính Thống Nga và Công Giáo, nhưng các nhà lãnh đạo Giáo Hội Chính Thống Nga là những người đầu tiên lên tiếng tỏ thiện cảm với Đức Bênêđíctô XVI khi ngài quyết định từ nhiệm, tiếp theo đó, đã tới chúc mừng đức Tân Giáo Hoàng Phanxicô một cách nồng nhiệt.

Tờ Pravda, trước đây là cái loa phóng thanh của chế độ Cộng Sản Vô Thần Xô Viết, nay chỉ trích Hoa Kỳ vi phạm tự do tôn giáo qua đạo luật bảo hiểm phá thai của Obama, cũng như việc nước này sa sút luân lý qua hiện tượng nhìn nhận “hôn nhân” đồng tính.

Austin Ruse, chủ tịch của C-FAM (Center for Family & Human Rights), một viện nghiên cứu đặt trụ sở ở New York và Washington D.C., chuyên về các vấn đề chính sách luật pháp và xã hội quốc tế, cũng có một nhận định tương tự: Chiến Tranh Lạnh, một thứ Thế Chiến III, kết thúc không đổ máu; một chế độ sát nhân từng sát hại hàng triệu người và nô dịch nhiều triệu người khác và vốn mưu toan xiềng xích tinh thần con người đã bị lật nhào một cách lạ lùng.

Còn việc hồi tâm, ăn năn trở lại? Austin Ruse cho hay: “Mùa hè năm rồi, tôi viếng Nga lần đầu tiên. Trong các năm gần đây, tôi được làm việc gần gũi với chính phủ Nga tại Liên Hiệp Quốc. Họ tỏ ra hết sức sinh động trong các vấn đề liên quan tới sự sống và gia đình”.

Austin Ruse được chứng kiến cảnh người dân Nga xếp hàng ngoài đường phố 5 tiếng đồng hồ, dưới mưa, để hôn kính Cây Thánh Giá Đích Thực của Thánh Anrê. Đây là Cây Thánh Giá bị đốt trong Cách Mạng Pháp. Trước khi bị thiêu rụi hoàn toàn, một linh mục đã giựt được Cây Thánh Giá này. Thời giáo hoàng của Đức Gioan Phaolô II, nó được hoàn trả cho Giáo Hội Chính Thống. Vì Cây Thánh Giá này rất quan trọng đối với người Nga. Họ tin rằng Thánh Anrê đã tới giảng đạo dọc bờ Biển Đen, tới tận Sông Dnieper để dựng Cây Thánh Giá này tại nơi ngày nay là địa điểm của Nhà Thờ Thánh Anrê ở Kiev.

Điều lý thú là: người đem Cây Thánh Giá trên về Nga là vợ chồng Vladimir Yakunin, người mà chính phủ Obama cho vào danh sách bị cấm làm ăn ở Hoa Kỳ. Ông Ruse coi đây như một hành vi Thiên Chúa uốn thẳng những gì cong queo.

Trường hợp uốn thẳng thứ hai, theo Ông Ruse, là Vladimir Putin! Dưới sự lãnh đạo của ông này, chính phủ Nga đã có lập trường mạnh mẽ đối với các vấn đề sự sống và gia đình. Nga cũng là một trong các quốc gia đi đầu tại Liên Hiệp Quốc trong việc lật ngược ngôn từ phản sự sống, cải tổ các cơ quan theo dõi các hiệp ước phò phá thai, và ngăn chặn bước tiến của phe phò đồng tính.

Dĩ nhiên, đối với người Hoa Kỳ, Putin không bao giờ được nhìn dưới ánh sáng trên. Nhưng theo Ruse, một người Mỹ làm giám mục của Giáo Hội Chính Thống bên ngoài Nga cho ông hay: Putin có một cha giải tội mà ông ta gặp hàng tuần. Chính Tổng Thống George W. Bush, lần đầu tiên gặp Putin, cũng phải lưu ý tới cây thánh giá ông ta đeo ở cổ và không bao giờ lấy ra: cây thánh giá mẹ ông ta tặng ông ta lúc bà bí mật rửa tội cho con trai.

Hai chuyên gia về Nga là Jiri Valenta và Leni Friedman Valenta, viết trên tờ The National Interest, cho rằng đại đa số các giáo phẩm, giáo sĩ và tín hữu Chính Thống Nga thừa nhận tính chân chính trong niềm tin tôn giáo của Putin. Thay vì là “tên siêu hoang tưởng tự đại” như Tây Phương vốn vẽ ra, ông ta, đúng hơn, là một “nhà kỹ trị đầy tham vọng” (ambitious technocrat) thậm chí, một “nhà chuyên quyền Kitô Giáo” (Christian autocrat). Ông ta không hề là một nhà dân chủ như Andrei Sakharov, mà đúng hơn, giống như một Alexander Solzhenitsyn “phản-Bônsêvích, duy quốc gia tôn giáo”.

Theo Ruse, người Công Giáo Nga không coi tính chân chính trong niềm tin của Putin là điều quan trọng nhất. Điều quan trọng nhất là ông ta để người Nga thực hành đức tin của họ, bảo vệ trẻ chưa sinh, ngăn chặn đồng tính, và bảo vệ cácKitô hữu ngoại quốc.

Trong tương quan giữa Chính Thống Nga và Công Giáo, Ruse nêu Tổng Giám Mục Hilarion Alfeyev: 48 tuổi, đứng đầu văn phòng ngoại vụ của Giáo Hội Chính Thống Nga, tác giả của 600 bài báo và 40 cuốn sách, có bằng tiến sĩ của Đại Học Oxford, với thế giới quan Tây Phương và rất thân thiện với Giáo Hội Công Giáo. Vị giáo phẩm này tham dự lễ mở lại Nhà Thờ Chính Tòa Công Giáo Moscow, tới lui Rôma nhiều lần, từng làm việc với nhiều chủ bút chủ nhiệm Công Giáo, tham dự lễ đăng quang của Đức Phanxicô…

Dĩ nhiên, Ông Ruse không thể tha thứ cho Putin tội chiếm lãnh thổ Ukraine và nhiều tội ác khác và nhiều người cho rằng ông ta lợi dụng tôn giáo phục vụ chính sách bành trướng đế quốc của mình.

Các tranh cãi về hiệu quả

Như thế, người ta có lý khi hoài nghi về việc nước Nga trở lại như lời Đức Mẹ Fatima tiên đoán. Có những người, nhất là phe có biệt danh “duy Fatima” (Fatimist), cho rằng nước Nga chưa trở lại. Chưa trở lại theo nghĩa tái trở lại (reconversion) với Giáo Hội Đích Thực Duy Nhất trước khi Đông Phương ly giáo, như nhận định của Gary Potter viết trên Catholicism.org, một tờ báo điện tử của Dòng Slaves of the Immaculate Heart of Mary của Cha Feeney, người chủ trương “không có ơn cứu rỗi bên ngoài Giáo Hội” và do đó, bị vạ tuyệt thông. Dòng này, không được Tòa Thánh công nhận, theo giáo luật là một hiệp hội tư trên thực tế (de facto private association, giáo luật điều 299 §1).

Tiếc thay, đó cũng là nhận định của linh mục tiến sĩ Joaquim Alonso, văn khố trưởng của Fatima, người từng nói với chị Lucia nhiều lần và từng theo lệnh của Giám Mục Fatima viết bộ sách nhiều cuốn có tính cách phê phán về Fatima, nhưng phần lớn đã không được phép công bố. Linh mục này cho rằng: “Việc Nước Nga ‘trở lại’ không chỉ giới hạn ở việc dân tộc Nga trở lại với Chính Thống Giáo, bác bỏ chủ nghĩa vô thần Macxít của các Xô Viết, mà đúng hơn, có ý nói hoàn toàn, rõ ràng và đơn giản tới việc Nước Nga hoàn toàn trở về với Giáo Hội đích thực duy nhất của Chúa Kitô, tức Giáo Hội Công Giáo”.

Và một lần nữa, họ cho rằng tại Đức Gioan Phaolô II chỉ dâng chung thế giới cho Đức Mẹ chứ không dâng đích danh Nước Nga cho ngài như ngài yêu cầu.

Tại sao Đức Gioan Phaolô II không nêu đích danh nước Nga

Quả tình, trong cả ba lần đọc Kinh Dâng Thế Giới lên Đức Mẹ, Đức Gioan Phaolô II không nêu tên nước Nga. Nhưng trong bài giảng lễ tại Fatima năm 1982, ngài có nhắc đến việc Đức Piô XII đặc biệt dâng “nhân dân Nga” cho Đức Mẹ. Còn trong lời Kinh Dâng Hiến của ngài, ngài không nói tới “nhân dân Nga” mà nói tới “dân tộc mà Mẹ vốn có lòng yêu thương và săn sóc đặc biệt”. Ngài thưa: “Bốn mươi năm trước đây và một lần nữa sau đó mười năm, tôi tớ của Mẹ là Đức Giáo Hoàng Piô XII, vì thấy trước mắt kinh nghiệm đớn đau của gia đình nhân loại, đã phó thác và dâng hiến toàn thể thế giới, nhất là dân tộc mà Mẹ vốn có lòng yêu thương và săn sóc đặc biệt”.

Và để nhất quán, ngài thưa với Đức Mẹ: “một cách đặc biệt, chúng con xin phó thác và dâng hiến cho Mẹ các cá nhân và quốc gia đang rất cần được phó thác và dâng hiến”. Dĩ nhiên, trong đó có Nước Nga.

Thiển nghĩ, Đức Gioan Phaolô II không nêu đích danh nước Nga, có thể là vì việc ấy đáng lẽ là việc Giáo Hội Chính Thống Nga nên làm, một Giáo Hội dù gì cũng là đại diện cho nhân dân Nga. Chỉ dâng một mình nước Nga cho Đức Mẹ chẳng hóa ra Giám Mục Rôma “lạm quyền” đại diện nhân dân Nga hay sao, một điều mà chính Đức Piô XII dường như cũng ý thức được nên ngài đã phải giải thích cho nhân dân Nga lý do tại sao ngài đã làm như vậy: các tác hại của chủ nghĩa cộng sản và đức tin cùng lòng sùng kính Đức Mẹ của nhân dân Nga.

Nhưng “việc can thiệp vào nội bộ Giáo Hội Chính Thống Nga” như hành vi của Đức Piô XII chưa bao giờ được Giáo Hội này chấp nhận. Họ nhìn việc dâng hiến này dưới ánh sáng lịch sử tranh chấp tôn giáo giữa hai Giáo Hội La Tinh và Chính Thống kéo dài cả ngàn năm nay. Họ coi cuộc dâng hiến này như một cuộc xâm phạm của Giáo Hội La Tinh vào lãnh thổ Chính Thống, dù người Công Giáo coi việc này như một vấn đề giữa môn đệ của Chúa Kitô và chủ nghĩa Cộng Sản vô thần. Họ nêu hai lý do chống lại việc dâng hiến nước Nga: 1) Nga đã là một quốc gia theo Kitô Giáo khi xẩy ra các vụ hiện ra ở Fatima, và vốn có một lịch sử sùng kính Đức Mẹ lâu đời; 2) ý niệm dâng hiến chứa đựng điều xem ra là hình thức cải đạo mặc nhiên người Chính Thống Nga qua Đức Tin Công Giáo. Các nhà hộ giáo Chính Thống, vì thế, có khuynh hướng hiểu câu “Nước Nga sẽ trở lại” như muốn nói: người Chính Thống trở lại Công Giáo Rôma và nhìn nhận quyền vô ngộ và quyền tài phán phổ quát tối cao của giáo hoàng.

Trong khi đó, người Công Giáo nhấn mạnh rằng các lần hiện ra ở Fatima diễn ra sau cuộc cách mạng tháng Ba năm 1917 lật đổ Nga Hoàng Nicholas và việc trở về Nga của Lenin ngày 16 tháng Tư. Như thế, nước Nga đang trong cơn lốc cách mạng và đang bị đe dọa trở lại bởi chủ nghĩa Bônsêvích vốn hết sức thù nghịch đối với mọi tôn giáo có tổ chức khi việc cầu nguyện cho Nước Nga được yêu cầu hồi tháng Bẩy. Thành thử, việc dâng hiến có ý nói tới mối đe dọa của chủ nghĩa Cộng Sản vô thần. Và việc trở lại được hiểu là trở về với Kitô Giáo. Chính chị Lucia, năm 1946, trong một cuộc tụ tập của giới trẻ tại Fatima, được một thiếu nữ Nga là Natach Derfelden hỏi về việc trở lại của nước Nga, đã trả lời rằng: nó sẽ diễn ra qua Giáo Hội Chính Thống và “nghi lễ Đông Phương” (xem "Russia Will Be Converted" (PDF). Johnhaffert.org. Retrieved 2016-08-11.; "The Message of Fatima". Vatican.va. Retrieved 2016-08-11).

Người Chính Thống Giáo Nga vẫn không cùng nghĩ như thế. Nên việc Đức Gioan Phaolô II tránh nói trực tiếp tới Nga là điều dễ hiểu. Hơn nữa, vì còn là nạn nhân trực tiếp của Cộng Sản trên chính quê hương mình, dĩ nhiên ngài nghĩ đến mọi quốc gia bị nó thống trị, không riêng gì Nga, nên nhân cơ hội này nhắc đến mọi quốc gia đó, trong đó, hiển nhiên có Nga và Ba Lan.

Còn về việc trở lại với Giáo Hội Đích Thực Duy Nhất là Giáo Hội Công Giáo như nhận định của Cha Alonso, thì phải nói ngay: nhận định này chỉ là một diễn dịch cá nhân. Chính chị Lucia đã nói trái lại như trên đã thấy. Hơn nữa có lần, chị còn cho một vị Hồng Y (Sodano hoặc Bertone) hay rằng chị nhận được thị kiến chứ không nhận được lời giải thích thị kiến. Đức Mẹ chỉ nói “nước Nga sẽ trở lại” chứ không hề nói việc trở lại với Giáo Hội trước cuộc ly giáo 1054.