Máy yếu hay Internet chậm xin nhấn vào nút Play bên dưới đây
Trong bài giảng, Đức Thánh Cha nói:
“Chúa Giêsu đang đi trước họ” Đây là hình ảnh mà đoạn Tin Mừng chúng ta vừa đọc (Mc 10: 32-45) trình bày với chúng ta. Đó là bối cảnh cho hành động đang diễn ra lúc này đây, là công nghị tấn phong các tân Hồng Y.
Chúa Giêsu kiên quyết đi lên Giêrusalem. Ngài hoàn toàn biết rõ điều gì đang chờ đợi mình ở đó; hơn một lần, Ngài đã nói về điều này với các môn đệ của Ngài. Nhưng có một khoảng cách giữa thánh tâm Chúa Giêsu và con tim của các môn đệ Ngài, mà chỉ có Chúa Thánh Thần mới có thể san bằng. Chúa Giêsu biết điều này, và vì thế Ngài kiên nhẫn với các môn đệ mình. Ngài nói thẳng thắn với họ và trên hết, Ngài đi trước họ. Ngài dẫn đầu họ.
Trên đường đi, các môn đệ đang bị phân tâm bởi những quan ngại không liên quan gì với “hướng đi” đã được Chúa Giêsu chọn, với ý muốn của Ngài, là điều hoàn toàn là một với thánh ý của Chúa Cha. Câu chuyện, như chúng ta nghe, là thế này, hai anh em ông Giacôbê và ông Gioan nghĩ thật là hay biết bao nếu họ được ngồi bên phải và bên trái của Vua Israel (x v. 37). Họ không đối diện với thực tế! Họ nghĩ rằng họ nhìn thấy, nhưng thực ra họ không thấy. Họ nghĩ rằng họ biết, nhưng thực ra họ không biết. Họ nghĩ họ hiểu rõ hơn so với những người khác, nhưng kỳ thực thì không phải như thế.
Thực tế là hoàn toàn khác. Đó là những gì Chúa Giêsu nhìn thấy và đang hướng dẫn bước đi của Ngài. Thực tế là thập giá. Đó chính là tội lỗi thế gian mà Ngài đã đến để gách vác lên mình, và để nhổ bật tận gốc rễ khỏi thế giới của những người nam nữ. Đó chính là những người vô tội đang đau khổ và chết như những nạn nhân của chiến tranh và khủng bố; đó là các hình thức nô lệ vẫn tiếp tục chà đạp nhân phẩm con người, ngay cả trong thời đại được gọi là kỷ nguyên nhân quyền này; đó là các trại tị nạn mà dường như lúc này lúc khác có lẽ giống hỏa ngục hơn là luyện ngục; đó là sự vứt bỏ có hệ thống tất cả những gì không còn hữu ích nữa, kể cả con người.
Đây là những gì Chúa Giêsu nhìn thấy khi Ngài đi lên Giêrusalem. Trong sứ vụ công khai của mình, Ngài đã loan báo tình yêu dịu dàng của Chúa Cha bằng cách chữa lành tất cả những ai bị khống chế bởi tà ác (Cv 10:38). Giờ đây, Ngài nhận ra rằng thời điểm đã đến để dấn bước đến tận cùng, để loại bỏ tà ác tại gốc rễ của nó. Và như vậy, Ngài kiên quyết hướng về thập giá.
Chúng ta cũng vậy, anh chị em, chúng ta đang lữ hành với Chúa Giêsu dọc theo con đường này. Trên tất cả, tôi muốn nói với các tân Hồng Y thân mến. Chúa Giêsu “đang đi trước anh em”, và Người yêu cầu anh em quyết liệt theo Ngài trên con đường này. Ngài kêu gọi anh em nhìn vào thực tế, không để cho mình bị phân tâm bởi những lợi ích hoặc triển vọng khác. Ngài không kêu gọi anh em trở thành những “hoàng tử” của Giáo Hội, để ngồi bên phải hay bên trái của Ngài. Ngài mời gọi anh em phục vụ Chúa Cha và anh chị em của mình như Ngài và với Ngài. Ngài mời gọi anh em đối mặt với tội lỗi thế gian và những ảnh hưởng của nó trên nhân loại ngày nay như Ngài đã làm. Hãy theo Ngài, và đi trước dân thánh của Thiên Chúa, với cái nhìn của anh em dán chặt vào thập giá và sự phục sinh của Chúa.
Và giờ đây, với đức tin và nhờ lời cầu bầu của Đức Trinh Nữ Maria, chúng ta hãy nài xin Chúa Thánh Thần san bằng những khoảng cách giữa con tim của chúng ta và thánh tâm của Chúa Kitô, như thế cuộc sống chúng ta mới có thể hoàn toàn phục vụ Thiên Chúa và tất cả anh chị em của chúng ta.
Dưới đây là tiểu sử chính thức của 5 vị tân Hồng Y
1. Đức Cha Jean Zerbo - Tổng giám mục Bamako - Mali
Đức Cha Jean Zerbo sinh tại Segou vào ngày 27 tháng 12 năm 1943. Ngài được thụ phong linh mục ngày 10 tháng 7 năm 1971 tại Segou.
Sau khi được thụ phong linh mục, ngài tiếp tục học tại Lyon, bên Pháp; và sau đó theo học tại Học viện Kinh Thánh ở Rôma từ năm 1977 đến năm 1981, là năm ngài nhận được bằng Cao Học Kinh Thánh.
Từ năm 1982, ngài phục vụ trong tư cách một linh mục chánh xứ ở Markala và là một giảng viên tại đại chủng viện Bamako.
Ngài được bổ nhiệm làm giám mục phụ tá của tổng giáo phận Bamako vào ngày 21 tháng 6 năm 1988.
Ngày 19 tháng 12 năm 1994, Thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô II bổ nhiệm ngài làm giám mục giáo phận Mopti. Bốn năm sau đó, vào ngày 27 tháng 6 năm 1998, ngài được bổ nhiệm làm Tổng giám mục Bamako.
Đức Tổng Giám Mục đã đóng một vai trò tích cực trong các cuộc đàm phán hòa bình ở Mali. Ngài dành được sự kính trọng của người dân Mali bất kể lương giáo vì đã đi tiên phong trong cuộc chiến chống lại sự loại trừ, và trên hết, đã thúc đẩy hòa giải và liên đới giữa người Mali.
2. Đức Cha Juan José Omella – Tổng Giám Mục Barcelona - Tây Ban Nha;
Đức Cha Juan José Omella sinh tại Cretas ngày 21 tháng 4 năm 1946.
Ngài đã hoàn thành các chương trình triết học và thần học tại chủng viện Zaragoza và tại trung tâm đào tạo linh mục của Hội Truyền Giáo Phi Châu White Fathers ở Leuven và Jerusalem. Ngài được thụ phong linh mục vào ngày 20 tháng 9 năm 1970.
Giữa những năm 1990 và năm 1996, ngài làm cha phó, rồi cha xứ, trước khi được cử làm cha tổng đại diện giáo phận Zaragoza.
Sau đó, ngài sang truyền giáo ở Zaire trong một năm.
Ngày 15 tháng 7 năm 1996, Thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô II bổ nhiệm ngài làm giám mục phụ tá của Zaragoza.
Ba năm sau, ngày 27 tháng 10 năm 1999, ngài được bổ nhiệm làm giám mục chính tòa của giáo phận Barbastro-Monzón.
Từ ngày 24 tháng 8 năm 2001 đến ngày 19 tháng 12 năm 2003, ngài kiêm nhiệm giám quản Tông Tòa Huesca và từ ngày 19 tháng 10 năm 2001 đến ngày 19 tháng 12 năm 2003, kiêm nhiệm giám quản Tông Tòa Jaca.
Ngày 8 tháng 4 năm 2004, ngài được bổ nhiệm làm giám mục giáo phận Calahorra và La Calzada-Logrorio.
Ngày 6 tháng 11 năm 2014, Đức Thánh Cha Phanxicô bổ nhiệm ngài là thành viên của Bộ Giám mục.
Ngày 26 tháng 12 cùng năm, ngài trở thành Tổng giám mục Barcelona.
Trong Hội Đồng Giám Mục Tây Ban Nha, Đức Cha đã là thành viên của Ủy ban mục vụ xã hội cho đến năm 1996, và giữ chức chủ tịch ủy ban này từ năm 2002 đến 2008, và sau đó thêm một nhiệm kỳ nữa từ năm 2014 đến năm 2017.
Ngài cũng là thành viên của Ủy ban Mục vụ, và Ủy ban Tông Đồ Giáo Dân.
Từ ngày 14 tháng 3 năm 2017 đến nay, ngài đã là thành viên của Ban chấp hành Liên Hội Đồng Giám Mục Âu Châu.
3. Đức Cha Anders Arborelius, O.C.D. - Giám mục Stockholm – Thụy Điển
Đức Cha Anders Arborelius, Dòng Cát Minh Nhặt Phép, sinh tại Sorengo vào ngày 24 tháng 9 năm 1949. Năm 20 tuổi, ngài mới gia nhập đạo Công Giáo.
Năm 1971, ngài gia nhập Dòng Cát Minh Nhặt Phép ở Norraby, và khấn trọn tại Bruges, bên Bỉ vào năm 1977.
Ngài đã hoàn thành các chương trình triết học và thần học ở Bỉ và tại Teresianum ở Rôma.
Đồng thời, ngài cũng theo học các ngôn ngữ hiện đại tại Đại học Lund.
Vào ngày 8 tháng 9 năm 1979, ngài được phong chức linh mục ở Malmö.
Ngày 29 tháng 12 năm 1998, ngài được tấn phong giám mục tại Stockholm và trở thành giám mục Công Giáo đầu tiên của Thụy Điển, là người Thụy Điển chính gốc, từ sau thời Cải cách Luther năm 1500.
Từ năm 2005 đến năm 2015, ngài là chủ tịch Hội Đồng Giám Mục Scandinavia. Sau khi hết nhiệm kỳ 10 năm, trong cuộc họp khoáng đại năm 2015, ngài được tái cử trong chức vụ phó chủ tịch.
Ngài đã từng là thành viên của Hội đồng Giáo hoàng về Gia đình từ năm 2002 đến năm 2009.
Ngày 21 tháng Giêng vừa qua, ngài được Đức Thánh Cha Phanxicô bổ nhiệm làm cố vấn Bộ Giáo Dân, Gia Đình và Sự Sống.
4. Đức Cha Louis-Marie Ling Mangkhanekhoun - Đại diện Tông Tòa của Pakse - Lào
Đức Cha Louis-Marie Ling Mangkhanekhoun sinh ngày 8 tháng 4 năm 1944 tại Lào, thuộc tu hội Thánh Ý Thiên Chúa (Voluntas Dei). Ngài hoàn thành các chương trình triết học và thần học tại Lào và Canada; và được thụ phong linh mục vào ngày 5 tháng 11 năm 1972 tại miền Giám Quản Tông Tòa Viêng Chăn.
Bên cạnh tiếng Lào, là tiếng mẹ đẻ, ngài còn thông thạo tiếng Khmer, Pháp và Anh.
Sau khi được thụ phong linh mục, ngài chịu trách nhiệm về việc huấn luyện các giáo lý viên và phụ trách việc truyền giáo trên các vùng sơn cước của Lào; là hai nhiệm vụ cam go và đầy thử thách dưới thời cai trị của Pathet Lào.
Năm 1975, ngài được bổ nhiệm làm linh mục chính xứ và sau đó là tổng đại diện miền Giám Quản Tông Tòa Viêng Chăn.
Ngày 30 tháng 10 năm 2000, Thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô II bổ nhiệm ngài làm Đại diện Tông Tòa của Pakse và ngài được tấn phong Giám Mục ngày 22 tháng 4 năm 2001. Sau gần 17 năm cai quản Pakse, miền đất này đã có gần 13 ngàn tín hữu Công Giáo, với 6 linh mục giáo phận, 1 linh mục dòng, 12 chủng sinh, 9 tu huynh và 18 nữ tu.
Ngày 2 tháng 2 năm 2017, Đức Thánh Cha bổ nhiệm ngài kiêm nhiệm Giám quản Tông tòa Viên Chăn.
5. Đức Cha Gregorio Rosa Chávez - Giám mục phụ tá của Tổng Giáo phận San Salvador - El Salvador.
Đức Cha Gregorio Rosa Chávez sinh tại Sociedad vào ngày 3 tháng 9 năm 1942.
Ngài hoàn thành các chương trình triết học và thần học tại Đại Chủng viện San José de la Montaña ở San Salvador trong hai giai đoạn từ 1962 đến 1964, và từ 1966 đến 1969.
Năm 1965, ngài làm việc tại tiểu chủng viện của giáo phận San Miguel.
Ngài được phong chức linh mục vào ngày 24 tháng Giêng năm 1970, và từng làm thư ký Tòa Giám mục giáo phận San Miguel từ 1970 đến 1973; trong khi coi sóc giáo xứ Đức Mẹ Mân Côi, tại thành phố San Miguel.
Trong thời gian này ngài cũng đảm nhận chức vụ giám đốc truyền thông xã hội của giáo phận San Miguel; và làm tuyên úy cho nhiều hiệp hội và phong trào tông đồ giáo dân.
Sau đó, ngài theo học tại Đại học Công Giáo Leuven, Bỉ từ 1973 đến 1976, và đạt được bằng Cao Học về Truyền thông xã hội.
Ngoài tiếng mẹ đẻ là tiếng Tây Ban Nha, ngài nói thông thạo tiếng Pháp, và có kiến thức tổng quát về tiếng Anh, tiếng Bồ Đào Nha và tiếng Ý.
Sau khi trở về nước, năm 1977, ngài được Đức Tổng Giám Mục Oscar Romero bổ nhiệm làm chánh văn phòng truyền thông của tổng giáo phận thủ đô San Salvador; và trực tiếp điều hành một đài phát thanh Công Giáo.
Bên cạnh đó, ngài còn là giám đốc đại chủng viện San José de la Montaña ở San Salvador từ 1977 đến 1982; và là thành viên hội đồng quản trị của Tổ chức Các Chủng Viện Mỹ Latinh từ 1979 đến 1982.
Ngài được bổ nhiệm làm giám mục phụ tá của Tổng giáo phận San Salvador ngày 3 tháng Bảy năm 1982.
Ngài hiện là linh mục chính xứ giáo xứ San Francisco ở thủ đô San Salvador, và là chủ tịch của Caritas Mỹ Châu Latinh và vùng Caribê. Ngài cũng là giám đốc Caritas El Salvador.