Ông Greg Burke nói thêm:
“Đức Thánh Cha cũng xin chúng ta tham gia trong lời cầu nguyện để họ có thể tìm thấy ơn an ủi và tình yêu của Thiên Chúa”.
Charlie Gard đã là trung tâm của một cuộc tranh cãi trên thế giới với một bên là cha mẹ của cháu bé, và những người ủng hộ họ trong đó có Đức Giáo Hoàng, tổng thống Donald Trump, nhiều vị nguyên thủ quốc gia khác và nhiều người khác nữa; và bên kia là các bác sĩ ở bệnh viện Great Ormond Street và các quan toà ở London. Những điểm chính trong cuộc tranh cãi này là đạo đức y khoa, lời thề Hippocrates của các lương y, ai là người có quyền quyết định sự sống chết của một người khác, và xa hơn thế nào là ‘đáng sống’, thế nào là ‘gánh nặng của xã hội’.
Charlie Gard sinh ngày 04 tháng 8 năm 2016. Em chào đời “hoàn toàn khỏe mạnh”, đủ tháng với một “trọng lượng khỏe mạnh”.
Tuy nhiên, từ tháng Chín, cha mẹ em nhận thấy em khó ngẩng đầu lên như các em khác. Em được chuyển vào bệnh viện Great Ormond Street cho trẻ em tại London vào ngày 11 Tháng Mười. Các bác sĩ nói bé Charlie bị một dạng bệnh Mitochondrial rất hiếm dẫn đến sự suy giảm cơ bắp và tổn thương não.
Một số trường hợp tương tự đã được chữa khỏi tại Hoa Kỳ. Vì thế, cha mẹ em muốn đưa em sang Mỹ điều trị thử nghiệm. Tuy nhiên, các bác sĩ tại bệnh viện Great Ormond Street quyết liệt cho rằng bệnh tình của em là vô phương cứu chữa và đòi rút các dây truyền sinh để em được “chết êm dịu”. Cha mẹ em xin được đưa con sang Mỹ điều trị nhưng các bác sĩ nói họ không có quyền “kéo dài sự đau đớn của con họ”.
Vì cha mẹ em cương quyết không chịu nên ngày 24 tháng 2 các bác sĩ kiện họ ra tòa nhằm xin án lệnh của tòa án chấm dứt các điều trị hỗ trợ sự sống.
Ngày 11 tháng 4, tòa án đồng ý cho các bác sĩ rút các dây truyền sinh. Cha mẹ cậu bé kiện tiếp lên tòa trên. Ngày 3 tháng 5, tòa trên lại chuẩn y phán quyết của tòa dưới. Hai anh chị hai anh chị Chris Gard và Connie Yates lại kiện lên Tòa Án Tối Cao. Ngày 08 tháng 6, Tòa án Tối cao cũng quyết liệt đòi chấm dứt các điều trị hỗ trợ sự sống cho bé Charlie.
Cha mẹ cậu bé kiện tiếp lên Tòa án Nhân quyền Châu Âu vào ngày 20 tháng 6 nhưng cũng thất bại.
Câu chuyện đến tai các nhà lãnh đạo thế giới. Ngày 2 tháng 7, Đức Thánh Cha Phanxicô can thiệp và đề nghị cấp hộ chiếu Vatican cho cháu bé được đưa sang bệnh viện Bambino Gesu của Tòa Thánh để điều trị miễn phí. Chính phủ Anh bác bỏ đề nghị này.
Ngày 3 tháng 7 tổng thống Mỹ, Donald Trump, can thiệp kêu gọi chính phủ Anh cho phép đưa Charlie sang Hoa Kỳ điều trị miễn phí; cũng thất bại. Ngày 19 tháng 7, trong một hành động vô tiền khoáng hậu, Quốc Hội Mỹ thông qua quyết định ban cấp tư cách thường trú nhân vĩnh viễn cho bé Charlie và cha mẹ cậu nhằm gạt chính phủ Anh và Tòa án Nhân Quyền Châu Âu sang một bên, và đưa họ sang Mỹ.
Trước đó, ngày 14 tháng 7, một thẩm phán Tòa án Tối cao ở Anh đã phán quyết rằng một chuyên gia người Mỹ được phép khám cho bé Charlie, và đưa ra ý kiến xem liệu đứa trẻ có nên được đưa sang Mỹ điều trị hay không.
Hôm Chúa Nhật 16 tháng 7, tiến sĩ Michio Hirano của Trung tâm Y tế Đại học Columbia, Hoa Kỳ đã bay suốt đêm sang Luân Đôn để cùng với một bác sĩ Italia do Đức Thánh Cha Phanxicô chỉ định kiểm tra Charlie Gard ngay tại Bệnh viện Greater Ormond Street vào sáng thứ Hai 17 tháng 7.
Tuy nhiên, đã quá trễ để cứu cháu bé.