Là Kitô hữu, chúng ta thường nghe cụm từ “hành trình đức tin”. Tin là một quá trình bước đi không ngừng, tiến mãi về phía trước để gặp Đấng vô hình. Thỉnh thoảng có dừng chân nhưng không bao giờ đứng lại.
Sau khi hỉ hoan về phép lạ cả thể mà Thầy đã thực thi cho gần vạn người no nê, các tông đồ lại phải chưng hửng lần nữa vì lệnh của Thầy: Hãy lên đường! Hãy xuống thuyền mà qua bờ bên kia! Cám dỗ dừng chân đứng lại và nghỉ ngơi trên thành công, trên chiến thắng vẫn luôn có đó với phận người. Sau khi khánh thành một công trình hoành tráng, sau khi hoàn thành một cuộc lễ hay một cuộc tổ chức lớn bé, thì dừng chân, ngồi lại để lượng giá, kiểm thảo để rút kinh nghiệm là điều cần thiết, nhưng để đứng lại chiêm ngắm vinh quang là một cám dỗ triền miên và thật khó lường hậu quả.
Khi xây dựng một công trình nào đó thì chuyện hay đi lui đi tới ngắm nghía công trình là chuyện bình thường như cơm bữa. Ai lại không thích ngắm nghía vinh quang của mình. Ai lại không thích nghe người ta trầm trồ về cái gọi là thành công của mình. Hễ có khách đến thăm thì phải tìm dịp giới thiệu cho được những gì mình đã “ra tay”.
Các tông đồ năm xưa chẳng hơn gì chúng ta hôm nay. Dù chỉ là những người giúp phân phát bánh – cá, nhưng các ngài làm như chính tay mình thực thi kỳ công “phép lạ hóa bánh”. Theo Tin mừng thánh Gioan thì việc người dân muốn tôn Chúa Giêsu làm vua có thể là do dân chúng tự phát nhưng rất có thể là do sự gợi ý có chủ đích của nhóm mười hai, những vị rất tham “ngồi bên hữu, bên tả Thầy trong vinh quang” (x.Mc 10,35-40). Đêm đã về. Dân chúng đã no nê. Chúng mình cũng đáng được hả hê nghe bao lời chúc tụng chứ. Chuyện bất ngờ đã đến, dù không ai thích thú chút nào. Thầy ra lệnh tất cả xuống thuyền ngay. Còn Người thì giải tán dân chúng và lên núi cầu nguyện một mình.
Bỏ vinh quang, bỏ thành công rực rỡ để ra đi là một điều không dễ chút nào. Cảnh đời phía trước mịt mùng khó tiên liệu và sóng gió ba đào là chuyện dường như khó tránh. Các tông đồ hôm ấy đã phải đương đầu với hiện thực ấy. Sóng thì to, gió thì lớn. Thuyền đang chơi vơi nghiêng ngã. Lòng các ngài cũng ngã nghiêng theo gờ cạnh con thuyền. Tâm trạng của tiên tri Êlia năm nào cũng không khác gì. Sau chiến tích oanh liệt hạ gục những 450 sư sãi thần Baal, Êlia đã phải trốn chạy khỏi sự truy đuổi, tìm diệt của hoàng hậu Giêdabel. Sau vinh quang thì tai họa liền kề.
“Ra đi là chết trong lòng một ít”. Chẳng có sự dứt bỏ nào mà chẳng có xót xa hay đau đớn, nhất là phải từ bỏ những thành công huy hoàng hay những hạnh phúc êm ả, cho dù chúng là hữu hạn của đời thường. Hạnh phúc đích thực vẫn ở phía trước. Đó là Thiên Chúa, Đấng không chỉ chờ đợi mà đang tiến tới để đón gặp chúng ta.
Tin là bước đi, là ra đi, tiến về phía trước, về nơi chưa hề biết như Abraham ngày nào. Bỏ quê hương, xứ sở, bỏ cả gia tộc thân yêu để lên đường. Có đó sự xót dạ khi ra đi và nỗi bâng khuâng khi tiến về phía trước. Nào là sóng gió cuộc đời, nào là phong ba tình người, tất thảy như đang chờ đợi để dập vùi, đánh đắm con thuyền đời ta. Một Phaolô hết lòng hết dạ với người đồng hương Do Thái đã khẳng định: “Quả vậy, giả như vì anh em đồng bào của tôi theo huyết thống, mà tôi có bị nguyền rủa và lìa xa Đức Kitô, thì tôi cũng cam lòng” (Rm 9,3). Hiểu cho đúng thì Phaolô không quay lưng với tôn giáo tổ tiên mà tiến lên một tầm cao mới trong hành trình đức tin khi đã được diện kiến Đức Kitô phục sinh, Đấng Thiên Sai mà tổ tiên ông hằng mong đợi, thế mà ngài vẫn mãi bị người đồng hương xem là phản đạo, bội giáo, bỏ đạo để rồi luôn tìm cách bắt giết. Một khi đã ra đi, tiến về phía trước thì cái giá cần trả không chỉ là gian nguy, khốn khó mà cả sự lo âu, phiền muộn. Ngài thú nhận: “Thưa anh em, có Đức Kitô chứng giám, tôi xin nói sự thật. tôi không nói dối, và lương tâm tôi, được Thánh Thần hướng dẫn cũng làm chứng cho tôi rằng: lòng tôi rất đổi ưu phiền, và đau khổ mãi không ngơi” (Rm 9,1-2).
Với Êlia, với Phaolô hay với các tông đồ khi ở trên thuyền chòng chành giữa biển đầy sóng gió, Thiên Chúa không bao giờ để các ngài cô đơn một mình. Người hằng ở với họ. Người luôn đồng hành với họ. “Thầy đây, đừng sợ!” (Mt 14,27). “Ơn Ta đủ cho con” (2Cr 12,9). “Thầy sẽ không để các con mồ côi” (Ga 14,18). Dù giữa biển khơi hay giữa đêm tối của cuộc đời, Đấng làm người mãi ở cùng chúng ta mọi ngày cho đến tận thế (x.Mt 28,20). Chỉ một điều là hãy nhắm đích và tiến thẳng trong niềm tin.
Thỉnh thoảng cũng nên biết dừng chân để tự kiểm để định hướng hay chỉnh hướng, nhưng không được phép đứng lại. Đứng lại là một trong những thái độ tự hài lòng về thành công của chính mình. Từ chỗ hài lòng đến chỗ tự cao tự đại là một khoảng cách không mấy xa. Và hậu quả của sự tự kiêu, tự mãn như đã nhãn tiền. Chưa tính đến chuyện Chúa hạ kẻ tự kiêu và nâng cao người phận nhỏ (x.Lc 1,52), thì chính kẻ cao ngạo, họ đã tự đặt mình vào vị thế cheo leo và sẽ ngã chìm không biết lúc nào như Phêrô trong lần được Thầy ban cho cái ơn đi trên mặt biển (x.Mt 14,22-33).
Đứng lại cũng là một hành vi tỏ dấu sự nghi ngờ. Khi thiếu niềm tin hay khi lòng tin yếu kém thì ta rất dễ bị cám dỗ dừng lại, không can đảm tiến lên. Những cái sợ như sợ khó, ngại khổ, sợ thất bại…nhiều khi nhấn chìm chúng ta trong các trở ngại khách quan vốn dĩ không thể tránh của kiếp người.
Không ai là không một lần gặp chông gai, sóng gió. Không ai là không đã từng nhiều lần ngã quỵ vì gian truân, khốn khó. Chuyện ngã, chuyện té là chuyện bình thường của phận người. Điều quan trọng là biết chỗi dậy và tiến lên. Trong niềm tin vào tình yêu của Đấng đã tự nguyện làm bạn đời của ta là Đức Giêsu, ước gì chúng ta được như thánh tông đồ dân ngoại là “quên đi những gì phía sau để lao mình về phía trước” (Pl 3,13).
Lm. Giuse Nguyễn Văn Nghĩa – Ban Mê Thuột
Sau khi hỉ hoan về phép lạ cả thể mà Thầy đã thực thi cho gần vạn người no nê, các tông đồ lại phải chưng hửng lần nữa vì lệnh của Thầy: Hãy lên đường! Hãy xuống thuyền mà qua bờ bên kia! Cám dỗ dừng chân đứng lại và nghỉ ngơi trên thành công, trên chiến thắng vẫn luôn có đó với phận người. Sau khi khánh thành một công trình hoành tráng, sau khi hoàn thành một cuộc lễ hay một cuộc tổ chức lớn bé, thì dừng chân, ngồi lại để lượng giá, kiểm thảo để rút kinh nghiệm là điều cần thiết, nhưng để đứng lại chiêm ngắm vinh quang là một cám dỗ triền miên và thật khó lường hậu quả.
Khi xây dựng một công trình nào đó thì chuyện hay đi lui đi tới ngắm nghía công trình là chuyện bình thường như cơm bữa. Ai lại không thích ngắm nghía vinh quang của mình. Ai lại không thích nghe người ta trầm trồ về cái gọi là thành công của mình. Hễ có khách đến thăm thì phải tìm dịp giới thiệu cho được những gì mình đã “ra tay”.
Các tông đồ năm xưa chẳng hơn gì chúng ta hôm nay. Dù chỉ là những người giúp phân phát bánh – cá, nhưng các ngài làm như chính tay mình thực thi kỳ công “phép lạ hóa bánh”. Theo Tin mừng thánh Gioan thì việc người dân muốn tôn Chúa Giêsu làm vua có thể là do dân chúng tự phát nhưng rất có thể là do sự gợi ý có chủ đích của nhóm mười hai, những vị rất tham “ngồi bên hữu, bên tả Thầy trong vinh quang” (x.Mc 10,35-40). Đêm đã về. Dân chúng đã no nê. Chúng mình cũng đáng được hả hê nghe bao lời chúc tụng chứ. Chuyện bất ngờ đã đến, dù không ai thích thú chút nào. Thầy ra lệnh tất cả xuống thuyền ngay. Còn Người thì giải tán dân chúng và lên núi cầu nguyện một mình.
Bỏ vinh quang, bỏ thành công rực rỡ để ra đi là một điều không dễ chút nào. Cảnh đời phía trước mịt mùng khó tiên liệu và sóng gió ba đào là chuyện dường như khó tránh. Các tông đồ hôm ấy đã phải đương đầu với hiện thực ấy. Sóng thì to, gió thì lớn. Thuyền đang chơi vơi nghiêng ngã. Lòng các ngài cũng ngã nghiêng theo gờ cạnh con thuyền. Tâm trạng của tiên tri Êlia năm nào cũng không khác gì. Sau chiến tích oanh liệt hạ gục những 450 sư sãi thần Baal, Êlia đã phải trốn chạy khỏi sự truy đuổi, tìm diệt của hoàng hậu Giêdabel. Sau vinh quang thì tai họa liền kề.
“Ra đi là chết trong lòng một ít”. Chẳng có sự dứt bỏ nào mà chẳng có xót xa hay đau đớn, nhất là phải từ bỏ những thành công huy hoàng hay những hạnh phúc êm ả, cho dù chúng là hữu hạn của đời thường. Hạnh phúc đích thực vẫn ở phía trước. Đó là Thiên Chúa, Đấng không chỉ chờ đợi mà đang tiến tới để đón gặp chúng ta.
Tin là bước đi, là ra đi, tiến về phía trước, về nơi chưa hề biết như Abraham ngày nào. Bỏ quê hương, xứ sở, bỏ cả gia tộc thân yêu để lên đường. Có đó sự xót dạ khi ra đi và nỗi bâng khuâng khi tiến về phía trước. Nào là sóng gió cuộc đời, nào là phong ba tình người, tất thảy như đang chờ đợi để dập vùi, đánh đắm con thuyền đời ta. Một Phaolô hết lòng hết dạ với người đồng hương Do Thái đã khẳng định: “Quả vậy, giả như vì anh em đồng bào của tôi theo huyết thống, mà tôi có bị nguyền rủa và lìa xa Đức Kitô, thì tôi cũng cam lòng” (Rm 9,3). Hiểu cho đúng thì Phaolô không quay lưng với tôn giáo tổ tiên mà tiến lên một tầm cao mới trong hành trình đức tin khi đã được diện kiến Đức Kitô phục sinh, Đấng Thiên Sai mà tổ tiên ông hằng mong đợi, thế mà ngài vẫn mãi bị người đồng hương xem là phản đạo, bội giáo, bỏ đạo để rồi luôn tìm cách bắt giết. Một khi đã ra đi, tiến về phía trước thì cái giá cần trả không chỉ là gian nguy, khốn khó mà cả sự lo âu, phiền muộn. Ngài thú nhận: “Thưa anh em, có Đức Kitô chứng giám, tôi xin nói sự thật. tôi không nói dối, và lương tâm tôi, được Thánh Thần hướng dẫn cũng làm chứng cho tôi rằng: lòng tôi rất đổi ưu phiền, và đau khổ mãi không ngơi” (Rm 9,1-2).
Với Êlia, với Phaolô hay với các tông đồ khi ở trên thuyền chòng chành giữa biển đầy sóng gió, Thiên Chúa không bao giờ để các ngài cô đơn một mình. Người hằng ở với họ. Người luôn đồng hành với họ. “Thầy đây, đừng sợ!” (Mt 14,27). “Ơn Ta đủ cho con” (2Cr 12,9). “Thầy sẽ không để các con mồ côi” (Ga 14,18). Dù giữa biển khơi hay giữa đêm tối của cuộc đời, Đấng làm người mãi ở cùng chúng ta mọi ngày cho đến tận thế (x.Mt 28,20). Chỉ một điều là hãy nhắm đích và tiến thẳng trong niềm tin.
Thỉnh thoảng cũng nên biết dừng chân để tự kiểm để định hướng hay chỉnh hướng, nhưng không được phép đứng lại. Đứng lại là một trong những thái độ tự hài lòng về thành công của chính mình. Từ chỗ hài lòng đến chỗ tự cao tự đại là một khoảng cách không mấy xa. Và hậu quả của sự tự kiêu, tự mãn như đã nhãn tiền. Chưa tính đến chuyện Chúa hạ kẻ tự kiêu và nâng cao người phận nhỏ (x.Lc 1,52), thì chính kẻ cao ngạo, họ đã tự đặt mình vào vị thế cheo leo và sẽ ngã chìm không biết lúc nào như Phêrô trong lần được Thầy ban cho cái ơn đi trên mặt biển (x.Mt 14,22-33).
Đứng lại cũng là một hành vi tỏ dấu sự nghi ngờ. Khi thiếu niềm tin hay khi lòng tin yếu kém thì ta rất dễ bị cám dỗ dừng lại, không can đảm tiến lên. Những cái sợ như sợ khó, ngại khổ, sợ thất bại…nhiều khi nhấn chìm chúng ta trong các trở ngại khách quan vốn dĩ không thể tránh của kiếp người.
Không ai là không một lần gặp chông gai, sóng gió. Không ai là không đã từng nhiều lần ngã quỵ vì gian truân, khốn khó. Chuyện ngã, chuyện té là chuyện bình thường của phận người. Điều quan trọng là biết chỗi dậy và tiến lên. Trong niềm tin vào tình yêu của Đấng đã tự nguyện làm bạn đời của ta là Đức Giêsu, ước gì chúng ta được như thánh tông đồ dân ngoại là “quên đi những gì phía sau để lao mình về phía trước” (Pl 3,13).
Lm. Giuse Nguyễn Văn Nghĩa – Ban Mê Thuột