Mẹ Têrêsa Calcutta kể lại một chứng từ:

“Hôm ấy, một người lạ mặt đến nhà dòng, ông thấy một Sơ vừa đem về một người hấp hối, nằm bên ống cống, mình mẩy giòi bọ rất hôi thối. Thế mà, Sơ rất nương nhẹ nhặt từng con bọ với vẻ mặt vui tươi, thanh thản đầy thương mến... Rồi người lạ đến gặp tôi nói: “Thưa mẹ, khi con đến đây với lòng đầy căm hờn của một người vô tín ngưỡng. Nhưng bây giờ con ra về với một tâm hồn hoàn toàn đổi mới. Con bắt đầu tin Chúa, bởi vì con đã chứng kiến tình yêu của Chúa được diễn tả một cách cụ thể qua hành động và qua cách Sơ ấy đối xử với người hấp hối bẩn thỉu kia. Bây giờ con tin thật Chúa là tình yêu. Không có tình yêu Chúa trong tâm hồn, không khi nào có đủ nghị lực để yêu tha nhân được”.

Thật vậy, không mến Chúa, không thể yêu người vô vị lợi được. Vì thế Chúa Giêsu đã nhấn mạnh cho mọi người nhận biết hai điều răn quan trọng nhất là “Mến Chúa yêu người”. Chính tình yêu Chúa đã làm cho người ta bỏ tính vị kỷ mà biết xả kỷ, thay vì chỉ biết lo cho bản thân mình lại biết mở lòng ra để lo cho người khác: “Yêu Chúa với tất cả trái tim và yêu người như yêu mình”.

Cho nên, để xạ kỷ hy sinh, “Yêu là chết ở trong lòng một ít” (Xuân Diệu, Yêu)

Thi sĩ Xuân Diệu nói về tình yêu bằng những vầng thơ:

Làm sao cắt nghĩa được tình yêu,

Nó đến với ta một buổi chiều.

Nó chiếm hồn ta bằng nắng nhạt

Bằng mây nhè nhẹ gió hiu hiu.

(Xuân Diệu, Vì sao)

Vấn đề điều răn lớn nhất được bàn luận trong một cuộc gặp gỡ giữa Đức Giêsu và một vị tôn sư của Do Thái giáo; vị này hẳn là muốn làm sáng tỏ hoặc đào sâu giữa các điều răn điều răn nào trọng nhất: vì Luật của Do Thái giáo có tới 613 điều luật được chia thành hai phần với 248 điều phải làm và 365 điều phải tránh. Giữa các điều ấy có những điều nặng và những điều nhẹ. Phạm những điều nhẹ thì chịu phạt đền tội, còn phạm những điều nặng, có thể bị án tử hình. Các nhà thông luật thường tranh luận với nhau xem điều luật nào quan trọng nhất trong các điều luật.

Chúa Giêsu đã đáp lại vấn nạn của nhà thông luật Pharisêu đặt ra về điều luật trọng nhất, bằng cách ghép lại hai điều luật của tình yêu: “Yêu Chúa với tất cả trái tim (Đnl 6,5) và yêu người như yêu mình” (Lv 19,18). Chúa Giêsu còn khẳng định: "Tất cả Luật Môsê và các sách ngôn sứ đều tuỳ thuộc vào hai điều răn ấy" (Mt 22,40). Hai điều răn đều biểu lộ tình yêu: đến với Thiên Chúa và cho tha nhân.

Yêu thương bắt nguồn từ Thiên Chúa, thánh Gioan sau này đã khẳng định: "Thiên Chúa là tình yêu… Ai ở trong tình yêu là ở trong Thiên Chúa" ( 1Ga 4,8.16). Thánh Phaolô cũng căn dặn người tin: « Anh em hãy mặc lấy đức ái, đó là giềng mối của sự trọn lành » (ICr 3,14).

Yêu người là thước đo lòng yêu mến Chúa: “Ai không yêu người anh em mình thấy trước mắt, tất cả cũng không thể yêu mến Thiên Chúa mà mắt mình không thấy được” (1Ga 4,20).

Yêu Thiên Chúa là nền tảng là gốc cho yêu thương anh em: “Tình yêu tha nhân phải được nền trên tình yêu Thiên Chúa. Khi trái tim tôi thuộc trọn về Thiên Chúa thì ngay lúc ấy nó cũng thuộc trọn về tha nhân. Người ta chỉ có khả năng yêu tha nhân đến vô cùng khi được tình yêu Chúa chiếm hữu” (Rm 5,5).

Thánh Phaolô tái khẳng định điều đó: "Ai yêu thương người (điều răn thứ hai) thì đã chu toàn Lề Luật" (tức là đã giữ trọn tất cả các điều răn, kể cả điều răn thứ nhất là mến Chúa) (Rm 13,8).

Trong thư gửi tín hữu Rôma, thánh Phaolô còn tái xác quyết mạnh mẽ: "Thật thế, các điều răn như: Ngươi không được ngoại tình, không được giết người, không được trộm cắp, không được ham muốn, cũng như các điều răn khác, đều tóm lại trong lời nầy: Ngươi phải yêu người thân cận như chính mình. Đã yêu thương thì không làm hại người đồng loại; yêu thương là chu toàn Lề Luật vậy" (Rm 13,9-10)

Thánh Giacôbê khẳng định yêu thương là đỉnh cao của Kinh Thánh: “Luật Kinh Thánh được đưa lên hàng đầu là "Ngươi phải yêu người thân cận như chính mình" (Gc 2,8). Không những ta phải yêu thương những người chung quanh mình, hy sinh cho họ, mà còn phải làm sao để họ cũng sống yêu thương và thúc đẩy nhau sống yêu thương như tác giả thư Do Thái dạy: “Chúng ta hãy để ý đến nhau, làm sao cho người này thúc đẩy người kia sống yêu thương và làm những việc tốt” (Dt 10,24).

Yêu nhau như Chúa Giêsu hy sinh trên Thánh giá vì tình yêu,nhân loại: « Các con hãy yêu mến nhau, như Thầy đã yêu mến các con. Không có tình yêu nào lớn hơn tình yêu của người thí mạng vì bạn hữu mình ».

Cây Thánh giá mà Chúa Kitô là trung tâm điểm - biểu tượng của tình yêu hai chiều kích luôn gắn bó: thanh dọc là tình yêu với Thiên Chúa, thanh ngang là tình yêu qua vòng tay ôm lấy anh em. Thiên Chúa và anh em trong một mối tình duy nhất. Đây chính là cốt lõi của mạc khải vậy. Khi tình yêu làm cho anh em điều gì là làn cho chính là Thiên Chúa: “Ta mình trần, các ngươi đã cho mặc, Ta đau yếu các ngươi đã đến thăm, Ta bị tù đầy các ngươi đã đến với Ta... Những gì các ngươi làm cho một trong các anh em bé mọn của Ta, là các ngươi đã làm cho chính Ta vậy”. (Mt 25,36).

Thánh Augustinô đã nói: Ama et fac quod vis, hãy yêu mến rồi làm gì cũng được. Thật thế, yêu Chúa hết lòng và yêu tha nhân làm cho ngôi nhà chúng ta trở thành một gia đình ngập hạnh phúc, khu xóm đầy tiếng cười, xã hội trọng văn minh tình thương.... Cộng đồng yêu thương trở nên dấu chỉ tình yêu và là sự sáng lan tỏa trong sứ vụ truyền giáo mà Chúa Giêsu đã nhắn nhủ: "Mọi người sẽ nhận biết anh em là môn đệ của Thầy ở điểm này: là anh em có lòng yêu thương nhau" (Ga 13,35).

"Lạy Chúa từ nhân, xin cho con biết mến yêu và phụng sự Chúa trong mọi người…."

(thánh Phanxicô Assie).

Lm. Vinh Sơn scj, Sài gòn.