Kính tặng giáo xứ Bình Hải nhân ngày thành lập giáo xứ - 24.11.2017

          Ngày lễ trọng mừng Các Thánh Tử Đạo Việt Nam năm nay, 24.11.2017, tôi được diễm phúc về đồng tế Thánh lễ tại nhà thờ Bình Hải với Đức Cha giáo phận, Matthêô Nguyễn Văn Khôi, cùng với đông đảo anh em linh mục trong giáo hạt Quảng Ngãi và một số thuộc Dòng Chúa Cứu Thế.

          Nhưng có lẽ cộng đoàn dân Chúa Bình Hải còn hạnh phúc hơn tôi bội phần. Vì chính hôm nay, cộng đoàn giáo họ biệt lập xa xôi hẻo lánh của vùng duyên hải Quảng Ngãi nầy, chính thức trở thành giáo xứ  thứ 56 của giáo phận Qui Nhơn, và có linh mục Gioakim Nguyễn Quang Minh thuộc Dòng Chúa Cứu Thế được bổ nhiệm làm cha sở chăm sóc đoàn chiên.

          Như vậy, sau 395 năm (1622-2017), gần bằng với chặng đường đón nhận Tin Mừng của giáo phận-400 năm (1618-2018), cộng đoàn Bình Hải được khai sinh với những “hạt cải” đầu tiên như “văn sĩ Gioan Thanh Minh”[1], giờ đây đã trở thành “đại thụ” để 363 gia đình và khoảng 1.339 giáo dân “về núp bóng”[2].

          Con đường trở thành một “cộng đoàn giáo xứ” của Bình Hải đã đi qua cái “nẻo Thập Giá” như bao cộng đoàn khác của Giáo Hội tại Việt Nam, đặc biệt của giáo phận Qui Nhơn. Chính vì thế, sự kiện mục vụ “thành lập giáo xứ và bổ nhiệm cha sở” được lồng trong khung cảnh Phụng Vụ của đại lễ mừng kính các Thánh Tử Đạo Việt Nam thật là thích hợp và đầy ý nghĩa. Trong phần chia sẻ Lời Chúa, Đức Giám Mục giáo phận đã nêu bật 4 mẫu gương nhân chứng tử đạo, cũng là 4 Vị Thánh của giáo phận : Á Thánh Anrê Phú Yên, Thánh linh mục Phanxicô Isidore Gagelin Kính, Thánh Trùm Cả Anrê Kim Thông, và Thánh Stêphanô Cuénot Thể, với 16 vị Tôi Tớ Chúa cùng với trên hàng vạn chứng nhân tử đạo vô danh khác trải qua các thời kỳ bách hại. Đó là những đại diện và là những đóng góp hào hùng, quý giá của giáo phận Qui Nhơn dành cho Giáo Hội mẹ Việt Nam.

          Chắc chắn những anh chị em tín hữu Bình Hải hôm nay đang soi mình trong cái bóng Tử Đạo oai hùng đó để cùng hân hoan nhịp bước đi lên với tất cả niềm tin yêu và hy vọng, bất chấp muôn nổi khó khăn và thử thách đang chực chờ phía trước.

          Làm sao không thử thách khi nhà thờ giáo xứ hiện nay chỉ là ngôi nhà thờ tạm được làm cách đây 21 năm (1996) với mái tôn vách ván và kèo cột chỉ là những cây bạch đàn tạm bợ, mà chỉ một cơn bão ập vào, chắc chắn sẽ tan thành mây khói !

          Làm sao không khó khăn khi mặt tiền nhà thờ mới vừa được hoán đổi di dời “đất chợ” để không còn cảnh “họp chợ” ngay trước tiền đường khi cộng đoàn “họp dâng Thánh lễ” !

          Làm sao không lo lắng, khi đa phần giáo dân bám biển sinh nhai mà mỗi khi biển động đành “gác mái ngư ông về viễn phố” và bữa cơm gia đình đành “bớt gạo và chỉ có mắm, rau” !

          Làm sao không ưu tư, khi mà rồi đây : việc học hỏi giáo lý, phát triển các phong trào tông đồ, huấn luyện nhân sự truyền giáo…làm sao thực hiện với một cơ sở hạ tầng chỉ là con số không to tướng… !

          Nhưng không sao. Giống như bầu trời hôm nay. Đâu đâu cũng mưa giăng nặng hạt tối đen; chỉ riêng Bình Hải khô rang để rạng rỡ những ánh mắt, long lanh những nụ cười trong niềm vui và hy vọng. Thì ra, giống như câu chuyện ngụ ngôn của nhà văn Ái Nhĩ Lan Oscar Wilde (1854-1900) : Ở giữa mùa đông lạnh vẫn có thể trỗ sinh một bông hồng. Bởi vì đó là “quà tặng tình yêu” mà cây hoa hồng đã hút máu từ trái tim của chú chim họa mi giàu lòng quảng đại. Hy vọng, giáo xứ Bình Hải vẫn trổ sinh nhiều bông hồng tình yêu, theo mẫu gương của các Thánh Tử Đạo Việt Nam, cho dù phải đi qua “những mùa đông lạnh” của cuộc đời.


Lm. Giuse Trương Đình Hiền

[1] Lm. Vox Đình Đệ, Lịch sử giáo xứ Bình Hải đã viết : “Trong thời các thừa sai Dòng Tên truyền giáo ở Đàng Trong, tại làng Thanh Minh thuộc xã Bình Thuận ngày nay là một địa bàn được các thừa sai Dòng Tên rửa tội cho một số người, trong đó có ông Gioan Thanh Minh. Ông là người con trong một gia đình quan chức và có tiếng là văn hay chữ tốt. Năm 1622, lúc được 34 tuổi, ông gia nhập Kitô giáo. Ông và bà vợ của ông được một thầy giảng lớn tuổi dạy giáo lý và được cha Manoel Fernandez, thừa sai Dòng Tên, ban Bí tích rửa tội. Sau khi vợ ông qua đời, ông gia nhập đoàn thầy giảng và giúp nhiều người nhận biết Chúa. Ông cũng là người dạy cho các thừa sai về ngôn ngữ Đàng Trong. Năm 1629, cha Fernandez ẩn trú tại nhà ông khoảng sáu tháng để tránh lệnh trục xuất của chúa Sãi. Ông là một thi sĩ Công Giáo, viết nhiều thi phẩm về Chúa và các thánh bằng chữ Nôm, có thể kiểm đếm được 15 thi phẩm. Những thi phẩm của ông đã gợi hứng cho nhiều người trong xứ được ơn nhận biết Chúa. Chính chúa Thượng Nguyễn Phúc Lan cũng khen ngợi khi nghe ngâm những thi phẩm của ông.[1] Trong số các thi phẩm của ông, cha Philipphê Bỉnh cho rằng Tam Phụ là một thi phẩm rất hay. Thi phẩm cuối cùng của ông được viết về sự chay tịnh của Chúa Giêsu trong sa mạc. Khi đã biết Chúa, ông dùng tài năng của mình để phụng sự Chúa. Ông là một trong những mô hình tông đồ giáo dân nòng cốt đem lại nhiều kết quả trong công cuộc truyền giáo. Ông đã tuẫn đạo cùng với ba Kitô hữu khác vào ngày 02.05.1663.”

[2] Lịch Công Giáo giáo phận Qui Nhơn 2017-2018, trang 152.