Theo ký giả Christopher White của tờ Crux, Ross Douthat và Austen Ivereigh đã cùng chia sẻ diễn đàn lần đầu tiên hôm 24 tháng 1 năm 2018 và có lúc đã kịch liệt bất đồng với nhau về triều giáo hoàng Phanxicô.



“Ngôi Giáo Hoàng trong Thế Kỷ 21: Chúng Ta Đang Ở Đâu và Chúng Ta Đang Đi Đâu?” đã được tổ chức tại Đại Học Dallas như là một phần trong loạt Thuyết Giảng McDermott của họ và được sự đồng bảo trợ của DeSales Media thuộc Giáo Phận Brooklyn, trong cố gắng chào đón cuộc mạn đàm lịch lãm, cao cấp về ý nghĩa của triều giáo hoàng hiện nay.

Ivereigh, tác giả cuốn tiểu sử Đức Phanxicô viết năm 2015, tựa là The Great Reformer, bênh vực “khoa giải thích liên tục”, cho rằng “triều giáo hoàng của Đức Phanxicô xây dựng một cách đẹp đẽ trên triều giáo hoàng Bênêđíctô, và phần lớn những gì Đức Phanxicô làm đều được Đức Giáo Hoàng Bênêcđíctô dự trù, dự ứng, và làm cho khả hữu.”

Ivereigh cho rằng: đáp ứng các làn sóng duy tục ngày một gia tăng, Giáo Hội đã trở nên “xa cách, giáo điều, lưu ý tới mình nhiều hơn lưu ý tới nhân loại.” Ông nói thêm: Giáo Hội tìm cách “trú ẩn trong đạo đức học” hơn là làm môn đệ.

Ông cũng cho rằng “chúng ta đã biến đức tin của mình thành một ý thức hệ, và điều người ta biết về ta chỉ là những điều chúng ta chống lại.”

Sau đó, ông nói rằng triều giáo hoàng của Đức Phanxicô đánh dấu việc khởi đầu một “kỷ nguyên hoàn cầu” trong đó, kinh nghiệm của Giáo Hội Châu Mỹ La Tinh có mục đích thay đổi tình huống trên.

Douthat đồng ý rằng tiếp theo thời hậu Vatican II, “trong cuộc khủng hoảng đang tiếp diễn của phương tây đối với Giáo Hội, có một cơ hội hết sức thực chất... để đề nghị cho thế giới một loại tâm điểm khác”, một tâm điểm bác bỏ cả chủ nghĩa tân tự do, chủ nghĩa dân túy, lẫn các phong trào khác.

Thế nhưng, như ông vốn lý luận trong cột báo dành cho ông trên tờ New York Times và trong cuốn sách sắp xuất bản của ông tựa là To Change the Church, Douthat khuyên nên thận trọng đối với điều ông gọi là “Công Giáo nghiêng về mô thức hiệp thông kiểu Anh Giáo nhiều hơn” dưới thời Đức Phanxicô, thời mà theo ông, cũng đã mở lại hàng loạt các vấn đề thần học khác có liên hệ.

Ông cảnh cáo: “tôi nghĩ việc đôi khi ngài [Đức Phanxicô] bất cẩn và dễ dãi quanh tín lý và sự liên tục về tín lý, môt sự liên tục bắt đầu từ chính Chúa Giêsu Kitô, đã dẫn tới tình huống trong đó, Giáo Hội đang tròng trành cách nào đó nghiêng về không hẳn theo nghĩa đen mà theo nghĩa de facto (trên thực tế) một thứ ly giáo trong một số vấn đề.”

Mặc dù buổi đàm đạo kéo dài 90 phút dưới sự điều hợp của chủ bút tờ Crux, John L. Allen Jr., nhằm bàn đến nhiều chủ đề khác nhau, nhưng nguyên việc đề cập tới Tông Huấn Amoris Laetitia năm 2016 của Đức Phanxicô đã chiếm hơn 60 phút rồi. Tông Huấn này, theo Douthat, là hiện thân cho “hứa hẹn và nguy cơ” của kỷ nguyên Phanxicô.

Về các Dubia và bất đồng tín lý

Việc Đức Phanxicô thận trọng mở đường cho các người Công Giáo ly dị và tái hôn được rước lễ như đã được phác họa trong Amoris Laetitia, tiếp theo hai thượng hội đồng về gia đình năm 2014 và 2015, đã dẫn một số nhà phê bình tố cáo Đức Phanxicô ly khai với các vị tiền nhiệm về tính bất khả hủy tiêu của hôn nhân, trong khi nhiều nhà phê phán khác cho rằng Amoris Laetitia chỉ tượng trưng cho một thay đổi về kỷ luật bí tích mà thôi, chứ không thay đổi tín lý.

Trong một cố gắng cung cấp bối cảnh lịch sử, Ivereigh nói rằng hai thượng hội đồng nhằm dựa vào thực tại mục vụ để đáp ứng việc xã hội thay đổi về ly dị.

Ông cho rằng “kỷ luật bí tích của Giáo Hội phản ảnh thời kỳ trong đó ly dị là một ngoạ lệ lớn trong thế giới Công Giáo, và đối tượng hàng đầu của kỷ luật bí tích là bảo vệ cộng đồng Công Giáo khỏi tác động của ly dị.”

Ivereigh cho rằng thay vì “đầu hàng thời hiện đại” như một số nhà phê bình nói, Amoris Laetitia theo một phương thức mục vụ nhìn mỗi trường hợp ly dị và tái hôn cá thể tách biệt nhau, trong một diễn trình biện phân để biết liệu người này có được rước lễ hay không.

Ông nói: “chúng ta không nói đến việc thay đổi tín lý, tín lý Công Giáo về tính bất khả tiêu của hôn nhân thấy ở mỗi trang của Amoris Laetitia.”

Khi được hỏi tại sao Đức Phanxicô không trả lời các dubia, tức các câu hỏi do 4 vị Hồng Y trình lên Đức Phanxicô để ngài chỉ cần trả lời “có” hay “không” liên quan đến việc rước lễ, Ivereigh nói rằng Đức Phanxicô không để sự hồ đồ day dứt thêm, nhưng nếu trả lời các dubia, thì điều này làm hại tới chính diễn trình biện phân mà ngài đã đề xuất trong Amoris Laetitia.

Ivereigh cho rằng “Đây thực sự là một thách thức không những với thẩm quyền giáo huấn của ngài, mà còn cả với toàn bộ diễn trình của chính Thượng Hội Đồng nữa, tức diễn trình biện phân giáo hội, thành thử, Đức Phanxicô không thể trả lời các dubia một cách trực tiếp trong một văn thư mà không gây hại tới trọn bộ diễn trình của Thượng Hội Đồng.”

Trong khi ấy, Douthat tranh biện ý tưởng cho rằng không có bất cứ giải thích dứt khoát nào đã được đưa ra.

Ông nói: “tôi muốn biện luận một cách nhẹ nhàng rằng Đức Thánh Cha đã nói rõ giải thích chính xác và thích đáng về Amoris Laetitia là như thế nào rồi mà.”

Nói tiếp, ông cho rằng những người bênh vực Amoris Laetitia muốn bảo vệ hữu hiệu giáo huấn của Giáo Hội về hôn nhân, trong khi cùng một lúc lại cổ vũ một thứ thực hành mới về kỷ luật vốn không trung thành với các thực tại tín lý và hữu thể học của hôn nhân.
Douthat nói rằng “có một sự nhấn mạnh nhất quán rằng ta đang bảo vệ tính bất khả tiêu... một điều rất đúng và rất tốt, nhưng trong thực hành, ta đã tước hết ý nghĩa của nó.”

“Điều trên đặt các nhà bảo thủ ở trong một vị thế không thoải mái, buộc phải bất đồng một cách chủ yếu đối với điều Đức Giáo Hoàng đang giảng dạy một cách rõ ràng.”

Twitter Công Giáo và chứng tá Kitô Giáo

Trong khi Amoris Laetitia được Đức Phanxicô công bố ở Rôma, thì bãi chiến trường để giải thích nó lại thường là các phương tiện truyền thông xã hội, nơi các chuyên gia, thần học gia Công Giáo và thực tế ra là bất cứ ai có 1 ý kiến thường dùng Twitter mà bàn đến nó.

Thực vậy, chính tweet đã gợi hứng cho Giáo Sư Daniel Burns ở Đại Học Dallas tổ chức cuộc mạn đàm sau khi thấy Douthat trầm ngâm suy nghĩ trên liên mạng về việc tại sao một đại học nào đó không chủ trì một cuộc tranh luận về Amoris Laetitia.

Giáo Sư Burns liên lạc với Douthat và yêu cầu ông gửi danh sách những người ông muốn tranh luận với về chủ đề này, và Ivereigh đứng đầu danh sách này.

Giáo Sư Burns hỏi tạp chí Crux “Đã có rất nhiều lời qua tiếng lại về Đức Phanxicô... nhưng khi nào thì có một biến cố trong đó hai người có những quan điểm khá khác nhau về Đức Phanxicô nhưng vẫn kính trọng nhau khi họ thực sự giáp mặt nhau nơi công cộng?”
Giáo Sư Burns nói rằng “Đức Phanxico từng nói ‘tôi muốn người ta xào xáo sự việc lên, tôi muốn họ nói chuyện với nhau,’ và thế là bạn có những người viết các bài chống nhau, đấy đâu phải là nói chuyện với nhau, và đó mới là điều chúng ta muốn diễn ra.”

Và mặc dù Twitter là thúc đẩy đã dẫn tới biến cố này, nhưng cả Douthat lẫn Ivereigh đều cảnh cáo rằng nó là một phương tiện truyền thông có thể làm giảm chứng tá Kitô Giáo.

Trong khi ghi nhận rằng nó cho thấy một khó khăn đặc biệt trong việc xây dựng điều được Đức Phanxicô gọi là “nền văn hóa gặp gỡ”, Ivereigh nói rằng “Tính ngay tức khắc của phương tiện truyền thông, và cách ta mau chóng phân cực và bộ lạc hóa là một vấn đề và là một thách đố đích thực.”

Ông nói thêm “tôi muốn sự mãnh liệt và cởi mở trong các bất đồng trên Twitter, và tôi nghĩ sống trong các căng thẳng ấy cũng tốt thôi, nhưng là một Giáo Hội, ta phải học để làm tốt hơn.”

Douthat đồng ý khi cho rằng “Twitter làm cho cuộc tranh luận Công Giáo xem ra cực đoan hơn, phân cực nhiều hơn và cá nhân hóa nhiều hơn.” Nhưng ông cũng cho rằng như các cuộc tranh luận về Amoris Laetitia đã chứng minh, nó cũng cho thấy một cơ hội để trung thực và trong sáng.

Ông nói “vì Giáo Hội là một tập đoàn và một bộ máy hành chánh, nên có khuynh hướng khiến những người điều khiển Giáo Hội cho rằng các cuộc tranh luận này không hề có.Thành thử nếu bạn lắng nghe một Twitter Công Giáo, bạn sẽ nghĩ chúng ta thực sự đang lao đầu vào một cuộc Đại Ly Giáo hay một cuộc Cải Cách, nhưng nếu bạn lắng nghe các vị giám mục của ta, bạn sẽ nghĩ mọi sự luôn xuôi chẩy một cách kỳ diệu và một cuộc canh tân lớn lao đang tỏa lan khắp lãnh thổ và vân vân, nhưng điều đó đâu có luôn luôn đúng.”

Douthat sau đó nhận định rằng từ Vatican II, đã có những bất đồng nghiêm trọng về tương lai Giáo Hội và Twitter đã được dùng làm phương tiện để lột mặt nạ các căng thẳng này.

Ông cho rằng “Đây là thời kỳ khủng hoảng và luận bàn liên hồi, và một số việc ném đá trên Twitter Công Giáo là biểu thức không lành mạnh về một thực tại trong đó ta có thể khá hơn nếu có nhiều nhà lãnh đạo của chúng ta hơn chịu sẵn lòng (tự) phát biểu bằng những giọng nói được điều chỉnh (modulated) nhiều hơn.

Di sản Phanxicô

Nhìn về tương lai, Ivereigh và Douthat đưa ra một số dự đoán lẫn lộn về việc lịch sử sẽ phán kết Đức Jorge Mario Bergoglio ra sao, người đã dám lây tên “Phanxicô” với lời thề sẽ cải tổ Giáo Hội.

Ivereigh, người tin rằng triều Giáo Hoàng của Đức Phanxicô sẽ được coi là đã “phục hồi lời công bố đầu tiên của Giáo Hội, tức mọi sự đều qui về cuộc gặp gỡ với Đấng Thiên Chúa xót thương,” cho rằng “tôi nghĩ ngài sẽ là 1 vị giáo hoàng, bằng nhiều cách, đã phục hồi sự quân bằng trong Đạo Công Giáo.”

Ông kết luận “Tôi tin tưởng rằng Ngài sẽ được tưởng nhớ như một giáo hoàng giám sát việc ly giáo. Không hề có ly giáo, chỉ có một nhóm người không hài lòng lắm, nhưng họ chỉ là một thiểu số nhỏ. Phần lớn trong Giáo Hội hoàn toàn đứng sau lưng vị giáo hoàng này và hài lòng với ngài.”

Tuy nhiên, Douthat đưa ra một số dè dặt và có lúc, một số cảnh cáo hơi khủng khiếp; ông nói rằng di sản Phanxicô đã nêu lên một số câu hỏi nghiêm trọng sẽ không tự biến đi, và nhiều chia rẽ, những chia rẽ sẽ tiếp tục gây ra rạn nứt thêm, phải được một công đồng trong tương lai giải quyết.

Douthat thừa nhận “có thể là công đồng trên sẽ quyết định trong những cách khiến cho Đức Phanxicô được tưởng nhớ theo đường hướng y hệt như Ivereigh gợi ý, tức như một vị giáo hoàng anh hùng sẵn lòng đi xa hơn các vị tiền nhiệm của mình trong việc thực hiện các thay đổi cần thiết.”

Nhưng theo Douthat, cũng có thể có khả thể sống động là công đồng trên sẽ xếp di sản Phanxicô vào một trong các vị giáo hoàng đã đặt kho tàng đức tin vào thế nguy hiểm trong những cách mà đáng tiếc thay khó có thể coi nhẹ được.

Trong khi một số đại học e dè đối với các chủ đề gây tranh cãi như thế này, thì chủ tịch Đại Học Dallas, Thomas Keefe, cho Crux hay ông hãnh diện đã đem các cá nhân có ý kiến khác nhau như thế ngồi lại với nhau.

Ông nói: “Trong tông hiến Ex corde Ecclesiae, Đức Gioan Phaolô II nói rằng một đại học lớn Công Giáo can đảm thăm dò mọi kho tàng của mạc khải, vì biết rằng kết hợp với đức tin của anh chị em, nó sẽ thực sự dẫn anh chị em tới sự thật.”

Ông nói thêm: “điều tôi muốn chúng ta làm là trở thành một mô hình để người ta có thể bất đồng mà không hề khó chịu. Tôi muốn sự thật chiến thắng, chống lại việc nói bóng nói gió, dối trá và châm chọc.”