Trong một bài cách nay mấy ngày, chúng tôi có viết về cách tờ Nữu Ước Thời Báo tường thuật và bình luận một cách không được lạc quan lắm về liên hệ giữa Tòa Thánh và Vatican hiện nay. Tạp Chí Foreign Affairs , một tập san đã có từ năm 1922 của tổ chức bất vụ lợi Hội Đồng Liên Hệ Nước Ngoài (Council of Foreign Relations) có cái nhìn bình thản hơn đối với tương lai mối liên hệ này.

Thực vậy, ký giả Victor Gaetan, người chuyên viết về đề tài này của tờ tập san, tháng Ba năm 2016, có bài tựa như trên. Trong bài báo này, Gaetan cho rằng: Đức Phanxicô đang để mắt tới Trung Hoa. Kể từ năm 1951, Vatican không có liên hệ chính thức nào với Bắc Kinh, là chế độ luôn ngăn cấm ảnh hưởng của ngoại quốc đối với tôn giáo. Nhưng mối liên hệ có lẽ sắp sửa có thay đổi. Mọi tường thuật đều cho rằng một đột phá ngoại giao giữa Trung Hoa và Vatican sắp diễn ra ngay trong năm 2016, bất chấp có những gia tăng đàn áp chống lại các giáo hội Kitô Giáo ở 1 số tỉnh trong thời gian này.

Vấn đề chính còn lại là liệu Chủ Tịch Trung Quốc, Tập Cẩn Bình, có sẵn lòng nhượng bộ một số quyền hành cho Tòa Thánh hay không. Cuộc tranh luận hàng đầu giữa Giáo Hội Công Giáo và Trung Hoa hiện đang quay hướng về vai trò của Đức Giáo Hoàng trong việc chấp nhận các giám mục địa phương. Tập công khai nhấn mạnh tới giáo hội “yêu nước” do chính phủ kiểm soát, còn Vatican thì chủ trương rằng, là người kế nhiệm của Thánh Phêrô, Đức Giáo Hoàng phải có khả năng bổ nhiệm các giám mục để duy trì thẩm quyền tông truyền và sự hợp nhất hoàn cầu.

Giải pháp của Tòa Thánh đối với cuộc tranh luận xem ra giống như mối liên hệ của họ với các nước Cộng Sản thời Chiến Tranh Lạnh lúc họ đạt được một tạm ước (modus vivendi) với các chế độ vô thần liên quan đến việc bổ nhiệm các giám mục và tự do tôn giáo hạn chế bất chấp các va chạm liên tiếp giữa đôi bên.

Tập, cũng thế, xem ra đã có sẵn giải pháp trong đầu. Năm 2013, việc ông sẵn lòng bắt tay với Giáo Hội Chính Thống Nga ở Bắc Kinh, và đến thăm Thượng Phụ Kirill ở Mạc Tư Khoa năm 2015, cho thấy cấp lãnh đạo Trung Hoa có thể mềm dẻo trong luật lệ đối với ảnh hưởng ngoại quốc, nhất là vì có đủ chứng cớ cho thấy việc tham dự nhà thờ không hề giảm sút và bị ngăn trở. Bất chấp chủ nghĩa vô thần của Đảng Cộng Sản Trung Hoa và các cố gắng tàn bạo của Mao trong việc quét sạch đức tin thời Cách Mạng Văn Hóa, việc thờ phượng của Kitô Giáo đã bùng phát ở lục địa, khiến con số tín hữu vào khoảng 4 triệu vào năm 1949 đã tăng lên tới hơn 70 triệu hiện nay trong đó, có khoảng 20,000 tín hữu Chính Thống và 12 triệu tín hữu Công Giáo.

Tập, lẽ dĩ nhiên, muốn phục hồi ảnh hưởng của tư tưởng Khổng Tử như là thành phần của chương trình quốc gia nhằm khắc sâu các giá trị truyền thống, nhưng hơn 3 thập niên sau khi chính phủ Trung Hoa chấm dứt cuộc Cách Mạng Văn Hóa, một thứ bài trừ tôn giáo, điều không thể làm được là vặn ngược kim đồng hồ. Thế đứng của Giáo Hội trở nên mạnh mẽ hơn trước nhiều vì 3 lý do sau đây. Thứ nhất, việc phát triển không lay chuyển được của Kitô Giáo đã đặt lên Bắc Kinh nhiều áp lực khiến họ phải tìm đường thỏa hiệp, và hàng thập niên âm thầm cố gắng đã đặt Giáo Hội Công Giáo vào thế thương lượng để được nhìn nhận. Thứ hai, Hội Công Giáo Yêu Nước do Nhà Nước kiểm soát đã ủng hộ Đức Phanxicô và đã bắt đầu vận động để có 1 thỏa thuận. Và cuối cùng, Vatican vẫn còn liên hệ ngoại giao với Đài Loan, khiến Bắc Kinh bực mình, nhưng đây là lá bài mạnh để thương lượng.

Các mục tử giả và các giám mục bất hợp pháp

Giữa năm 1966 và 1976, các nhà cầm quyền Trung Hoa ngăn cấm tôn giáo, khiến mọi việc thờ phượng trở thành “hầm trú”. Thế nhưng Kitô Giáo vẫn sống còn và từ đó phát triển nhanh chóng. Năm 1979, nhiều nhà thờ và đền thờ được mở cửa lại, và trong ít năm sau đó, các mục sư và linh mục được trở về từ trại lao động hoặc giam tại nhà để lãnh đạo các cộng đồng tín hữu trở lại. Với việc nhấn mạnh mới mẻ tới phát triển kinh tế và hiện đại hóa, chính phủ Trung Hoa nhất quyết cho rằng kiểm soát tôn giáo hữu hiệu hơn là đàn áp nó.



Hiến pháp Trung Hoa năm 1982 bảo vệ “sinh hoạt tôn giáo bình thường” miễn là người thờ phượng phù hợp với một trong 5 tổ chức được nhà nước thừa nhận thuộc Phật Giáo, Công Giáo, Hồi Giáo, Kitô Giáo Thệ Phản, và Lão Giáo mới được thiết lập trong thập niên 1950. Các nhà thờ và đền thờ thuộc lãnh vực chính thức phải đăng ký và chịu sự kiểm soát của nhà nước; nhiều cộng đồng tín hữu quyết định chấp nhận nguy hiểm, thậm chí tù tội, để duy trì sự độc lập của mình.

Việc thờ phượng của Kitô Giáo bùng phát ở lục địa, khiến con số khoảng 4 triệu tín hữu năm 1949 lên đến con số hơn 70 triệu hiện nay.
Trong Giáo Hội Công Giáo, các liên hệ giữa các giáo hội chính thức và các giáo hội hầm trú đặc biệt có tính kình chống nhau trong các thập niên đầu của chế độ Cộng Sản. Hội Công Giáo Yêu Nước Trung Hoa được thành lập năm 1957 như một giáo hội bị nhà nước kiểm soát, không có sự chấp thuận của Vatican. Đức Giáo Hoàng Piô XII mô tả các giám mục do Hội Yêu Nước tấn phong là “các mục tử giả” tự động bị tuyệt thông. Các giám mục và linh mục loại này là nhân viên nhà nước, thường bị tín hữu khinh bỉ. Việc Bắc Kinh nằng nặc đòi Giáo Hội Công Giáo phải chịu địa phương kiểm soát và độc lập khỏi ảnh hưởng bên ngoài trực tiếp mâu thuẫn với các chủ trương chính và việc cai trị Giáo Hội: trong chuỗi liên tục có từ thời Chúa Giêsu Kitô, Đức Giáo Hoàng có thẩm quyền bổ nhiệm các giám mục, những vị lãnh đạo giáo hội tại các địa phương khắp thế giới nhưng phúc trình cho Tòa Thánh.



Với thời gian, sự chia rẽ sắc nét giữa người Công Giáo yêu nước và hầm trú mờ nhạt dần, nhất là từ ngày Đức Giáo Hoàng Bênêđíctô XVI viết lá thư mục vụ năm 2007 kêu gọi có sự tha thứ giữa các cộng đồng do nhà nước kiểm soát và các cộng đồng không đăng ký nhằm “giúp mọi người Công Giáo lớn lên trong sự hợp nhất”. Nơi mà việc thừa nhận Tòa Thánh vẫn tiếp tục được bàn cãi là các linh mục và giám mục. Hai năm trước đây, khi chủng viện chính thức ở Bắc Kinh loan báo lễ mãn khóa sẽ do một giám mục bất hợp pháp cử hành, thì cả lớp tẩy chay lễ mãn khóa của họ. Cũng tại chủng viện này năm 2000, khi Hội Yêu Nước tấn phong 5 giám mục mà không có sự đồng ý của Đức Giáo Hoàng, các chủng sinh cũng đã từ chối không tham dự.

Nhưng các người chủ chốt trong giáo hội chính thức xem ra sẵn sàng thừa nhận thẩm quyền của Đức Giáo Hoàng. Joseph Ma Yinglin, giám mục bất hợp pháp đứng đầu Hội Đồng Giám Mục Công Giáo Trung Hoa (không được Vatican nhìn nhận) và hai vị phó chủ tịch (1 bất hợp pháp, 1 được cả Rôma lẫn Bắc Kinh nhìn nhận) đã làm “chuyến hành hương” 10 ngày qua Hoa Kỳ vào tháng Chín năm 2015, do lời mời của Trường Thần Học thuộc Đại Học Yale, với mục đích khác nữa là thiết lập các cuộc tiếp với Giáo Hội Công Gioá tại Hoa Kỳ. Bề ngoài việc này khá kỳ lạ không tương hợp với các giám mục và viên chức cao cấp Trung Hoa, nhưng chuyến viếng thăm của họ trùng hợp khít khao với chuyến tông du của Đức Phanxicô. Một nguồn tin của Vatican cho tác giả bài này hay: 3 vị này đã viết mấy dòng sau đây trong cuốn Thánh Kinh đề tặng Đức Phanxicô: “Chúng con yêu mến ngài, chúng con cầu nguyện cho ngài, chúng con chờ đợi ngài ở Trung Hoa”. Theo tường thuật, một vị Hồng Y Hoa Kỳ đã đích thân trao cuốn Thánh Kinh cho Đức Phanxicô.

Giáo Hội và Nhà Nước

Phần lớn, tại Trung Hoa thời cải tổ, điều xẩy ra có thể gọi là một thứ thỏa hiệp giữa chính phủ và Giáo Hội. Nếu 1 linh mục biết mình được xem xét để được chính phủ bổ nhiệm, thì phần lớn sẽ tìm cách vận động để được Vatican nhìn nhận, nhờ thế, coi như được cả hai bên công nhận theo lối từng trường hợp một (ad hoc).

Nhưng sự sắp xếp không chính thức này đã bị gián đoạn vào năm 2010, khi chính phủ Trung Hoa thời Chủ Tịch Hồ Cẩm Đào tấn phong 1 giám mục không có sự góp ý của Vatican và đã bắt 8 vị giám mục do Vatican bổ nhiệm tham dự lễ tấn phong. Các căng thẳng đã lắng dịu trở lại vào năm 2013 sau khi Đức Phanxicô và Chủ Tịch Tập nhậm chức cách nhau 1 ngày. Theo các phúc trình, Đức Phanxicô đã viết thư chúc mừng Ông Tập và Ông này đã trả lời, coi như cuộc thông đạt trực tiếp đầu tiên giữa các nguyên thủ của hai quốc gia này từ năm 1949. Một năm sau, khi tiết lộ cuộc trao đổi này với tờ boá Ý Corriere della Sera, Đức Giáo Hoàng nói rằng “chúng ta gần gũi với Trung Hoa... Các liên hệ có đó. Họ là một dân tộc vĩ đại mà tôi yêu thương”.

Chính phủ Trung Hoa quyết định: kiểm soát tôn giáo hữu hiệu hơn là đè bẹp nó

Kể từ khi hai người lên cầm quyền, Bắc Kinh chưa tự ý tấn phong một giám mục nào. Thay vào đó, chính phủ để 1 giám mục do Vatican bổ nhiệm nhận lãnh trách nhiệm sau khi giam ngài 10 năm. Mùa hè vừa qua, vị tân giám mục đầu tiên trong 3 năm đã được tấn phong với sự chấp thuận của hai bên.

Đức Phanxicô vẫn đang tiếp tục thúc đẩy các mối liên hệ tiến lên. Ngài chọn Đức Hồng Y Pietro Parolin làm quốc vụ khanh. Vị này vốn là nhà thương thuyết của Đức Bênêđíctô XVI về Trung Hoa trong các năm 2005 và 2009, 1 thời kỳ tương đối êm dịu. Và tháng Tám năm 2014, chính phủ Trung Hoa cho phép Đức Phanxicô sử dụng không phận Trung Hoa trong chuyến tông du Nam Hàn. Ngài là vị giáo hoàng đầu tiên được đặc quyền này. Từ Hoa Kỳ trở về Rôma hồi tháng 9 năm 2015, ngài nhắc đến tiến bộ với Trung Hoa: “Chúng tôi đang tiếp xúc, đang nói chuyện, chúng tôi đang tiến về phía trước”.

Thực thế, các giới chức Vatican và Trung Hoa đã tổ chức 3 vòng nói chuyện bí mật: tháng Sáu năm 2014, tháng Mười năm 2015, và tháng 1 năm 2016. Các đại diện của chníh phủ Trung Hoa có mặt tại Rôma tháng 1 năm 2016 để tiếp tục cuộc đối thoại, và 1 phái đoàn Vatican đã viếng Bắc Kinh.

Nhưng bất chấp các dấu hiệu tích cực trên, nhiều Kitô hữu Trung Hoa lo rằng ý định thực sự của Ông Tập vẫn là cổ vũ việc Trung Hoa hóa. Trong bài diễn văn hồi tháng Năm năm 2015, Ông vốn nhắc lại rằng Trung Hoa phải duy trì một “mặt trận thống nhất” bằng cách chống lại ảnh hưởng ngoại quốc, nhất là trong tôn giáo.

Dựa vào các dữ kiện do China Aid lưu giữ, việc thúc đẩy chính sách Trung Hoa hóa trùng hợp với việc bách hại các Kitô hữu nhiều hơn. Cơ quan này gọi năm 2014 là năm đàn áp nhất đối với Kitô hữu kể từ Cách Mạng Văn Hóa, với hơn 100 nhà thờ bị phá hủy, phần lớn là các nhà thờ tại gia của Thệ Phản, nhưng càng ngày càng có các nhà thờ liên hệ tới giáo hội thệ phản do nhà nước kiểm soát tức Phong Trào Tam Tự (three-self) Yêu Nước. Các người bị kết án vi phạm tôn quyền và nhân quyền tăng từ 12 vụ năm 2013 lên 1,274 vụ năm 2014.

Kitô Giáo với các đặc tính Trung Hoa

Ông Tập rất có thể sợ rằng để Kitô Giáo được nở rộ và để mất quyền kiểm soát việc lựa chọn giám mục sẽ thay đổi cả bản chất xã hội Trung Hoa. Thế nhưng, lịch sử Kitô Giáo ở Trung Hoa hẳn đã chứng tỏ rằng việc thờ phượng của Kitô Giáo rất tương hợp với nền văn hóa Trung Hoa.Việc tồn tại của đức tin qua hàng trăm năm không có linh mục, mục sư, hay nhà truyền giáo nước ngoài nào là bằng chứng cho thấy nó đã hoàn toàn hội nhập văn hóa. Tổng thống đầu tiên của Cộng Hòa Trung Hoa năm 1912, Tôn Dật Tiên, vốn là 1 Kitô hữu, cũng như rất nhiều thành phần ưu tú thời ấy.

Trong khi đó, ý niệm cho rằng các giá trị truyền thống của Trung Hoa hoàn toàn nhất quán với nền thần học Kitô Giáo đã có từ thời Matteo Ricci, một linh mục Dòng Tên người Ý đã đến Macao năm 1582, học tiếng Trung Hoa cổ điển lưu loát, và năm 1601 trở thành người Tây phương đầu tiên được mời vào Tử Cấm Thành để tư vấn cho Triều Đình Hoàng Đế. Ricci, người mặc bộ y phục truyền thống Trung Hoa và để bộ râu dài, đã khuyến khích việc giải thích Kinh thánh dưới lăng kính Đông Phương rõ rệt, đã lồng vào phụng vụ Công Giáo một thuật ngữ không bình thường để chỉ Thiên Chúa, là Chúa Trời, dựa cả vào tư tưởng Khổng Giáo lẫn tư tưởng Kitô Giáo. Khi ngài qua đời năm 1610, Hoàng Đế đã chấp thuận để ngài được an táng ở Bắc Kinh. Mộ ngài được duy trì rất tốt phía sau một trường cao đẳng hành chính của cộng sản.

Trong một cuộc phỏng vấn với Asia News hồi tháng trước, Đức Giáo Hoàng đã thảo luận về Ricci. Ngài nói: "Đối với tôi, lúc còn là một cậu bé, bất cứ khi nào đọc được điều gì về Trung Hoa, nó đều có khả năng khiến tôi ngưỡng mộ. Sau này, nhìn vào cuộc đời của Matteo Ricci, tôi thấy người này cũng cảm thấy cùng một điều y hệt như tôi đã cảm thấy, tức lòng ngưỡng mộ và cách ngài có thể đối thoại ra sao với nền văn hoá vĩ đại này, với túi khôn lâu đời này. Ngài đã có khả năng ‘gặp gỡ’ nó." Thông điệp của Đức Giáo Hoàng dường như được sắp xếp để truyền đạt lòng qúy trọng của ngài đối với đất nước, lịch sử và ban lãnh đạo của nó.

Theo La Stampa, cuộc phỏng vấn của Asia News đã được lưu hành rộng rãi ở Trung Hoa, bởi các cơ quan chính thức và không chính thức, và được ghi nhận một cách thuận lợi trong tường thuật của các phương tiện truyền thông đại chúng. Nó không nói đến các khía cạnh gây tranh cãi trong liên hệ ngoại giao giữa Vatican và Trung Hoa, mặc dù Đức Giáo Hoàng có ám chỉ đến việc gần đây đã có sự nới lỏng các giới hạn của chính sách một con, coi nó như một thay đổi tích cực. Một phát ngôn viên của Bộ Ngoại giao Trung Hoa đã đáp lời: "Trung Hoa luôn chân thành trong việc cải thiện các mối liên hệ Trung Hoa - Vatican."

Ngoại giao tế nhị

Tất nhiên, còn nhiều vấn đề chia rẽ Trung Hoa và Giáo Hội: Vatican công nhận Cộng hòa Trung Hoa (Đài Loan) như là chính phủ của Trung Hoa và xếp Tổng Thống Đài Loan như là đại diện của Trung Hoa trong các buổi lễ ngoại giao. Nhưng hiện nay, theo nguồn tin của Vatican, cả hai bên sẽ chỉ tập trung vào diễn trình lựa chọn các giám mục; việc này cho phép mỗi bên định rõ vai trò của mình và coi nó có tính quyết định. Các giải pháp bao gồm việc cho phép Vatican đưa cho Bắc Kinh 1 danh sách các ứng viên có thể chấp nhận được, sau đó Bắc Kinh sẽ thực hiện việc chọn lựa cuối cùng (mô hình hiện có ở Việt Nam); để Vatican chọn lựa và sau đó được chính phủ Trung Hoa xác nhận chính thức; hoặc để Trung Hoa dẫn đầu, nhưng cho phép các ứng viên đủ thời giờ để cố gắng giành được sự chấp thuận của Vatican, một diễn trình vốn được sử dụng cho nhiều cuộc tấn phong trong mười năm qua. Ba giải pháp này đã được thảo luận tại Đại sứ quán Hoa Kỳ năm 2007, theo một bức điện tín được Wikileaks tiết lộ.

Mặc dù một số người chỉ trích chính sách gọi là Ostpolitik của Vatican như là một sự thỏa hiệp với ma quỷ, nhưng nó hữu hiệu.

Khi xem xét những giải pháp như thế, Giáo Hội nhắc người ta nhớ lại những cách mình đã thương lượng với các chế độ thù địch trong Chiến Tranh Lạnh ra sao. Một ví dụ đáng chú ý là mối liên hệ của Vatican với chế độ cộng sản ở Hung Gia Lợi, là chế độ đã tra tấn nhà lãnh đạo tôn giáo đáng kính nhất của giáo hội Hung, Hoàng Tử Giáo Chủ và là Hồng Y Jozsef Mindszenty. Một nghị định năm 1957 đã buộc Đức Giáo Hoàng phải "có sự chấp thuận trước” mới được bổ nhiệm các giám mục, một nghị định thư đã được chính thức hóa vào thập niên 1960. Các giám mục phải thề trung thành với chính quyền thế tục. Không những Tòa Thánh tuân thủ các biện pháp làm giảm tính độc lập và quyền lực của mình, mà còn để Đảng Cộng sản ra lệnh phải đối xử ra sao với vị đại diện anh hùng nhất của Hung Gia Lợi, tức Hồng Y Mindszenty. Sau khi trốn khỏi nhà tù trong cuộc cách mạng năm 1956, vị giáo chủ này đã vào trú ẩn tại Tòa Đại Sứ Hoa Kỳ, nơi ngài sống 15 năm cho đến khi bị Đức Giáo Hoàng Phaolô VI triệu đến Rôma, trái với ý muốn của ngài, và cuối cùng bị tước hết các chức vụ trong Giáo Hội.



Tại Lỗ Ma Ni, vị tổng giám mục của Bucharest lúc đó, Ioan Robu, 71 tuổi, đã cho ta một ví dụ khác về cách Vatican thương lượng với các chính phủ cộng sản. Nhiều ngày trước khi nhà độc tài Nicolae Ceausescu có cuộc gặp gỡ đã định với Đức Giáo Hoàng Phaolô VI ở Rôma, ba chủng sinh, trong đó có Robu, đã vội vàng được cấp hộ chiếu và được phép bắt đầu học ở Rôma. Người cộng sản muốn chứng minh rằng họ đang cởi mở với Tòa thánh. Mười một năm sau đó, được Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II chọn lựa và được chính phủ Lỗ Ma Ni chấp thuận, Robu đã tiếp nhận ngai tòa từng bị để trống trong 30 năm. Không những chính phủ Lỗ Ma Ni và Vatican cùng chấp thuận vị giám mục này, xem ra họ còn hợp tác trong việc đào tạo vị này nữa - một động thái đã trao quyền lãnh đạo cho một cộng đoàn đang chịu áp lực rất lớn trong suốt thời kỳ cai trị áp bức của Ceausescu. Cùng các chiến thuật y như thế đã được sử dụng ở Bảo Gia Lợi, Tiệp Khắc, Ba Lan, và Cuba của Castro.

Mặc dù một số người chỉ trích chính sách gọi là Ostpolitik của Vatican, coi nó như một sự thỏa hiệp với ma quỷ nhưng nó hữu hiệu: các cộng đồng Công Giáo ở khắp Đông Âu đã phát triển. Theo Pew, người Công Giáo chiếm 61% dân số Hung Gia Lợi, 75% người Slovakia, 89% người Croatia và 92% người Ba Lan. Và chủ nghĩa cộng sản nay đã không còn.

Cùng với việc Kitô giáo tiếp tục phát triển nhanh chóng ở Trung Hoa, không có bằng chứng nào cho thấy tôn giáo này sẽ là một mối đe dọa đối với trật tự xã hội - trừ phi chính phủ cố gắng kiểm soát nó một cách không thực tế. Và khi Vatican đạt được thoả thuận với Bắc Kinh, các cộng đồng Công Giáo đang bị chia rẽ hiện nay ở Trung Quốc sẽ trở nên hợp nhất nhiều hơn - có lợi cho cả Vatican và nhà nước Trung Hoa. Đầu năm nay, Đức Phanxicô nói rằng: "Tôi rất muốn đến Trung Hoa. Tôi yêu người dân Trung Hoa. Tôi yêu họ rất nhiều". Giống như những bậc tiền nhân Dòng Tên của ngài, dường như ngài muốn biến ước mơ này thành hiện thực.