CHƯƠNG 2: HƯỚNG TỚI MỘT NỀN THẦN HỌC VỀ TÍNH ĐỒNG NGHỊ

42. Giáo huấn của Thánh Kinh và Thánh Truyền cho thấy tính đồng nghị là một chiều kích yếu tính của Giáo Hội. Qua tính đồng nghị, Giáo Hội biểu lộ và lên hình tượng chính mình như là Dân Lữ Hành của Thiên Chúa và như là hội đồng được Chúa Phục Sinh triệu tập. Chương 1, cách riêng, cho thấy đặc tính gương mẫu và qui phạm của Công đồng Giêrusalem (Cv 15: 4-29). Điều đó cho thấy, khi đương đầu với một thách thức có tính quyết định đối với Giáo Hội tiên khởi, phương pháp biện phân cộng đoàn và tông truyền là biểu thức nói lên chính bản chất của Giáo Hội, mầu nhiệm hiệp thông với Chúa Kitô trong Chúa Thánh Thần [43]. Tính đồng nghị không chỉ là một thủ tục làm việc, mà là hình thức đặc thù trong đó, Giáo Hội sống và hoạt động. Với quan điểm này, và dưới ánh sáng giáo hội học của Vatican II, chương này sẽ tập trung vào nền tảng và nội dung thần học của tính đồng nghị.

2.1 Cơ sở thần học của tính đồng nghị

43. Giáo hội là de Trinitate plebs adunata (Dân do Ba Ngôi tụ tập) [44], được gọi và đủ điều kiện làm Dân Thiên Chúa để ra đi thực hiện sứ mệnh của mình "với Thiên Chúa, qua Chúa Con, trong Chúa Thánh Thần" [45]. Nhờ cách này, trong Chúa Kitô và qua Chúa Thánh Thần, Giáo Hội tham dự vào đời sống hiệp thông của Thiên Chúa Ba Ngôi, một đời sống muốn ôm lấy toàn thể nhân loại [46]. Trong ơn phúc và cam kết hiệp thông, ta có thể tìm thấy nguồn gốc, hình thức và phạm vi của tính đồng nghị, vì nó nói lên modus vivendi et operandi (cách sống và hoạt động) chuyên biệt của Dân Thiên Chúa trong việc tham gia có trách nhiệm và có trật tự của tất cả các thành viên trong việc biện phân và thực hành các cách hoàn thành sứ vụ của mình. Việc thực hiện tính đồng nghị làm cho ơn gọi sống hiệp thông của con người trở thành hiện thực, thông qua việc thành thực tự hiến, hợp nhất với Thiên Chúa và đoàn kết với các anh chị em của chúng ta trong Chúa Kitô [47].



44. Để thực thi kế hoạch cứu rỗi, Chúa Giêsu phục sinh đã ban ơn Chúa Thánh Thần cho các Tông đồ (xem Ga 20: 22). Vào ngày Lễ Ngũ Tuần, Thần Khí Thiên Chúa đã được đổ xuống trên tất cả những ai, bất kể nguồn gốc của họ, lắng nghe và nghênh đón sứ điệp sơ truyền (kérygma), tiên báo việc tụ tập mọi dân tộc trong một Dân Thiên Chúa duy nhất (xem Cv 2:11). Trong sâu thẳm tâm hồn họ, Chúa Thánh Thần đã đem vào và lên khuôn sự hiệp thông và sứ mệnh của Giáo Hội, Thân Thể Chúa Kitô và Đền Thờ sống động của Chúa Thánh Thần (xem Ga 2: 21; 1 Cr 2:1-11). "Tin rằng Giáo Hội là 'thánh' và 'Công Giáo', và Giáo Hội là 'duy nhất' và 'tông truyền’ (như Kinh Tin Kính Nixêa đã thêm vào) là điều không thể tách biệt với niềm tin vào Chúa, là Cha, Con và Thánh Thần. "[48].

45. Giáo Hội là duy nhất vì Giáo Hội có nguồn gốc, khuôn mẫu và mục tiêu của mình trong sự hợp nhất của Ba Ngôi Chí Thánh (xem Ga 17: 21-22). Giáo Hội là Dân Thiên Chúa đang lữ hành trên trái đất để hòa giải mọi người trong sự thống nhất của Thân Thể Chúa Kitô, nhờ Chúa Thánh Thần (xem 1 Cr 12: 4).

Giáo Hội là thánh thiện vì Giáo Hội là công trình của Ba Ngôi Thiên Chúa (xem 2 Cr 13: 13): được làm cho thánh thiện bởi ơn sủng của Chúa Kitô, Đấng đã ban chính Người cho Giáo Hội như một Phu Quân cho Nàng Dâu của Người (xem Ep 5: 23), và được làm cho sống động nhờ tình yêu của Chúa Cha tràn đổ vào lòng chúng ta qua Chúa Thánh Thần (xem Rm 5: 5). Sự hiệp thông của các thánh (communio sanctorum) trở nên hiện thực trong Giáo Hội trong cả hai ý nghĩa của nó: hiệp thông với những điều thánh thiện (sancta) và hiệp thông giữa những người đã được làm cho thánh thiện (sancti) [49]. Theo cách này, dân thánh thiện của Thiên Chúa lữ hành hướng tới tình trạng hoàn hảo của sự thánh thiện – vốn là ơn gọi của mọi thành viên của nó – được đồng hành bởi sự cầu bầu của Đức Mẹ Diễm Phúc, của các vị Tử Đạo và của các Thánh, sau khi đã được thiết lập và sai đi như là bí tích phổ quát của hợp nhất và cứu rỗi.

Giáo hội là Công Giáo vì Giáo Hội duy trì tính toàn vẹn và toàn diện của đức tin (xem Mt 16: 16) và Giáo Hội đã được sai đi để tập hợp thành một dân tộc thánh thiện duy nhất mọi dân tộc trên trái đất (xem Mt 28: 19). Giáo Hội là Tông truyền vì Giáo Hội được xây dựng trên nền tảng các Tông Đồ (xem Ep 2: 20), vì Giáo Hội chuyển giao đức tin của các ngài và vì Giáo Hội được giảng dạy, thánh hóa và cai trị bởi những người kế vị các ngài (xem Cv 20: 19).

46. Nguyên tắc của tính đồng nghị là hành động của Chúa Thánh Thần trong sự hiệp thông của Thân Thể Chúa Kitô và trong cuộc hành trình truyền giáo của Dân Thiên Chúa. Thực sự, trong tư cách nexus amoris (nối kết yêu thương) trong đời sống của Thiên Chúa như là Ba Ngôi, Chúa Thánh Thần ban cùng một tình yêu này cho Giáo Hội, và Giáo Hội được xây dựng thành κοινωνία τοῦ ἁγίου πνεύματος [koinonia tou agiou pneumatos] (xem 2 Cr 13: 13). Ơn Chúa Thánh Thần, vốn là một và như nhau trong tất cả những người đã chịu phép rửa, được thể hiện dưới nhiều hình thức: phẩm giá bình đẳng của những người đã chịu phép rửa; ơn gọi phổ quát nên thánh [50]; mọi tín hữu tham dự vào chức vụ linh mục, tiên tri và vương giả của Chúa Giêsu Kitô; sự phong phú của các ơn phẩm trật và đặc sủng [51]; đời sống và sứ mệnh của mỗi Giáo hội địa phương.



47. Con đường đồng nghị của Giáo Hội được hình thành và nuôi dưỡng bởi Thánh Thể. Đó là "trung tâm của toàn bộ đời sống Kitô Giáo đối với Giáo Hội cả hoàn vũ lẫn địa phương, cũng như đối với mỗi tín hữu cá thể" [52]. Nguồn và đỉnh của tính đồng nghị nằm trong việc cử hành phụng vụ và - một cách độc đáo - trong việc tham gia trọn vẹn, có ý thức và tích cực của chúng ta vào cộng đoàn Thánh Thể (Eucharistic synaxis) [53]. Vì sự hiệp thông của chúng ta với Mình và Máu Chúa Kitô, "chúng ta, mặc dù nhiều người, chỉ là một thân thể duy nhất, vì chúng ta cùng dự phần vào một ổ bánh duy nhất "(1 Cr 10: 17).

Thánh Thể đại biểu cho và làm cho hiển hiện tư cách chi thể Thân Thể Chúa Kitô của chúng ta, một tư cách chúng ta cùng chia sẻ với nhau như những Kitô hữu (1 Cr 12: 12). Các Giáo Hội địa phương được hình thành xung quanh bàn Thánh Thể và tập hợp ở đó trong sự hợp nhất của một Giáo Hội duy nhất. Cộng đoàn Thánh Thể nói lên và làm cho khía cạnh “chúng ta” trong hiệp thông các thánh (communio sanctorum) hiện hữu, trong đó các tín hữu được trở nên những người dự phần vào ơn thánh của Thiên Chúa dưới nhiều hình thức của nó. Ordo ad Synodum [Qui Định Dự Công Nghị] của các Công đồng Toledo vào thế kỷ thứ 7, và Cærimoniale Episcoporum [Sách Nghi Thức Của Các Giám Mục], được ban hành vào năm 1984, cho thấy bản chất phụng vụ của một tụ tập có tính đồng nghị, và quy định rằng nó nên bắt đầu bằng và tập trung vào việc cử hành Thánh Thể và công bố Tin Mừng.

48. Chúa tuôn đổ Thần Khí của Người ở mọi nơi và mọi thời lên Dân Thiên Chúa, giúp họ chia sẻ cuộc sống của Người, nuôi dưỡng họ bằng Thánh Thể và hướng dẫn họ trong sự hiệp thông có tính đồng nghị. Do đó, "có tính đồng nghị thực sự có nghĩa là tiến lên trong hòa hợp, được thúc đẩy bởi Chúa Thánh Thần" [54]. Dù thủ tục và các biến cố có tính đồng nghị có một khởi đầu, một diễn trình và một kết luận, tính đồng nghị cho ta một mô tả chuyên biệt về sự phát triển có tính lịch sử đúng nghĩa của Giáo Hội, thổi sự sống vào các cơ cấu của Giáo Hội và chỉ đạo sứ mệnh của Giáo Hội. Các chiều kích Ba Ngôi, nhân học, Kitô học, thần khí học và Thánh Thể trong kế hoạch cứu rỗi của Thiên Chúa, một kế hoạch đang hành động trong mầu nhiệm Giáo Hội, là chân trời thần học làm bối cảnh cho sự phát triển tính đồng nghị trong các thế kỷ.

2.2 Con đường đồng nghị của Dân lữ hành và truyền giáo của Thiên Chúa

49. Tính đồng nghị biểu lộ đặc tính 'lữ hành' của Giáo Hội. Hình ảnh Dân Thiên Chúa, được tụ tập từ mọi quốc gia (Cv 2: 1-9; 15: 14), nói lên đặc tính xã hội, lịch sử và truyền giáo của nó, tương ứng với điều kiện và ơn gọi của mỗi người trong tư cách homo viator (người lữ thứ). Con đường là hình ảnh làm sáng tỏ cái hiểu của chúng ta về mầu nhiệm Chúa Kitô như Đường dẫn ta đến Chúa Cha [55]. Chúa Giêsu là đường từ Thiên Chúa đến con người và từ con người đến Thiên Chúa [56]. Biến cố đầy ân sủng, theo đó Người đã làm cho chính Người trở thành một người lữ hành bằng cách dựng lều của Người giữa chúng ta (Ga 1: 14), tiếp tục diễn tiến trong con đường đồng nghị của Giáo Hội.

50. Giáo Hội lữ hành với Chúa Kitô, qua Chúa Kitô và trong Chúa Kitô. Người, Đấng lữ thứ, là Đường và là quê hương của chúng ta, ban Thần Khí Tình Yêu của Người (Rm 5: 5) để trong Người, chúng ta có thể theo "con đường hoàn hảo nhất" (1 Cr 12: 31). Giáo Hội được mời gọi vạch lại bước chân của Chúa cho đến khi Người trở lại (1 Cr 11: 26). Giáo Hội là Dân của Đường (Cv 9:2; 18:25; 19:9) hướng tới Nước Trời (Pl 3: 20). Tính đồng nghị là hình thức lịch sử của việc Giáo Hội lữ hành trong hiệp thông hướng tới an nghỉ cuối cùng (Dt 3:7- 4:44). Đức tin, đức cậy và đức ái hướng dẫn và thông tri cuộc hành hương của cộng đồng dân Chúa "hướng về thành thánh tương lai" (Dt 11: 10). Kitô hữu là "người hành hương và khách lạ" trên thế gian (1 Pr 2:11), được vinh dự lãnh nhận ơn phúc và trách nhiệm công bố Tin Mừng của Nước Trời cho mọi người.



51. Dân Thiên Chúa đang lữ hành hướng về tận cùng thời gian (Mt 28: 20) và tận cùng trái đất (Cv 1: 8). Giáo Hội sống qua mọi không gian trong nhiều Giáo Hội địa phương khác nhau và trải dài từ thời Lễ Vượt Qua của Chúa Kitô cho đến ngày Người Parousia (trở lại). Giáo Hội là một chủ thể lịch sử đơn nhất; vốn đã hiện diện và hành động trong Giáo Hội là định mệnh cánh chung của sự kết hợp dứt khoát với Thiên Chúa và sự thống nhất của gia đình nhân loại trong Chúa Kitô [57]. Hình thức đồng nghị của cuộc lữ hành của Giáo Hội nói lên và cổ vũ việc thực thi hiệp thông trong mỗi Giáo Hội địa phương và giữa các giáo hội này trong một Giáo Hội duy nhất của Chúa Kitô.

52. Chiều kích đồng nghị của Giáo Hội hàm nghĩa sự hiệp thông trong đức tin sống động của các Giáo Hội địa phương với nhau và với Giáo Hội Rôma, cả hai theo nghĩa lịch đại (diachronic) – antiquitas (cổ kính) - và trong nghĩa đồng đại (synchronic) – universitas (phổ quát). Việc chuyển giao và tiếp nhận các Biểu Tượng của đức tin và các quyết định của các công nghị địa phương, giáo tỉnh và - theo một nghĩa chuyên biệt và phổ quát – các công nghị chung, đã nói lên và bảo đảm một cách quy phạm rằng sự hiệp thông trong đức tin được Giáo Hội tuyên xưng ở khắp mọi nơi, mọi thời và bởi mọi người (quod ubique, quod semper, quod ab omnibus creditum est) [58].

53. Tính đồng nghị được sống thực trong Giáo Hội để phục vụ công việc truyền giáo. Ecclesia peregrinans natura sua missionaria est [59]; Giáo Hội hiện hữu là để truyền giáo [60]. Toàn thể dân Thiên Chúa là một tác nhân của việc công bố Tin Mừng [61]. Mỗi người đã chịu phép rửa đều được mời gọi trở thành người chủ đạo của việc sai đi vì tất cả chúng ta đều là những môn đệ truyền giáo. Giáo Hội được kêu gọi, trong sức mạnh tổng hợp đồng nghị, kích hoạt các thừa tác vụ, các đặc sủng hiện diện trong cuộc sống của mình và lắng nghe tiếng nói của Chúa Thánh Thần, để biện phân các cách loan báo Tin Mừng.

2.3 Tính đồng nghị như một biểu thức của giáo hội học hiệp thông

54. Hiến chế tín lý Lumen Gentium cung cấp các nguyên tắc cốt yếu để hiểu đúng đắn tính đồng nghị trong viễn tượng giáo hội học hiệp thông. Thứ tự trong các chương đầu tiên của nó cho thấy một bước tiến quan trọng trong cách Giáo hội hiểu chính mình. Trình tự - Mầu Nhiệm Giáo Hội (chương 1), dân Chúa (chương 2), Hiến pháp có tính phẩm trật của Giáo hội (chương 3) - nhấn mạnh rằng phẩm trật giáo hội là nhằm phục vụ dân Chúa ngõ hầu Giáo Hội có thể thực hiện sứ mệnh của mình phù hợp với kế hoạch cứu rỗi của Thiên Chúa, trong luận lý học coi toàn thể ưu tiên hơn các bộ phận của nó và cùng đích ưu tiên hơn các phương tiện.

55. Tính đồng nghị có nghĩa là toàn thể Giáo Hội là chủ thể và mọi người trong Giáo Hội là một chủ thể. Người tín hữu là những σύνοδοι, những người bạn cùng đi trong cuộc hành trình. Họ được kêu gọi đóng một vai trò tích cực vì họ cùng chia sẻ một chức tư tế duy nhất của Chúa Kitô [62], và nhận lãnh các đặc sủng đa dạng do Chúa Thánh Thần ban cho nhằm lợi ích chung [63]. Đời sống có tính đồng nghị cho thấy một Giáo hội bao gồm các chủ thể tự do và khác nhau, hiệp nhất trong hiệp thông, được biểu lộ một cách năng động như là một chủ thể cộng đoàn đơn nhất được xây dựng trên Chúa Kitô, đá góc, và trên các Tông Đồ, những vị giống như cột trụ, được xây dựng như man vàn viên đá sống động thành "một ngôi nhà thiêng liêng" (xem 1 Pr 2: 5), "một nơi ở của Thiên Chúa trong Chúa Thánh Thần" (Ep 2: 22).

56. Do phép rửa của họ, mọi tín hữu được kêu gọi làm chứng cho và tuyên xưng Lời sự thật và sự sống, vì họ là thành viên của Dân tiên tri, tư tế và vương giả của Thiên Chúa [64]. Các giám mục thực thi thẩm quyền tông truyền chuyên biệt của các ngài trong việc giảng dạy, thánh hóa và cai quản Giáo Hội đặc thù được giao phó cho sự chăm sóc mục vụ của các ngài để phục vụ sứ mệnh của Dân Thiên Chúa.

Sự xức dầu của Chúa Thánh Thần được thể hiện trong sensus fidei [cảm thức đức tin] của các tín hữu [65]. "Trong mọi người đã chịu phép rửa, từ người đầu đến người cuối, quyền năng thánh hóa của Chúa Thánh Thần đang làm việc, thúc đẩy chúng ta đi truyền giáo. Dân Thiên Chúa là thánh nhờ sự xức dầu này, sự xức dầu làm cho nó vô ngộ in credendo. Điều này có nghĩa là nó không sai lầm trong đức tin, ngay cả khi nó không thể tìm ra lời để giải thích đức tin này. Chúa Thánh Thần hướng dẫn nó trong sự thật và dẫn nó đến sự cứu rỗi. Như một phần của tình yêu mầu nhiệm của Người đối với nhân loại, Thiên Chúa cung cấp cho toàn bộ các tín hữu một bản năng đức tin - sensus fidei - giúp họ biện phân những gì thực sự thuộc Thiên Chúa. Sự hiện diện của Chúa Thánh Thần mang đến cho các Kitô hữu một tính đồng bản nhiên (connaturality) nào đó với các thực tại thần thiêng, và một sự khôn ngoan giúp họ nắm bắt các thực tại này một cách trực quan. Tính đồng bản nhiên này tự biểu lộ trong việc “sentire cum Ecclesia : cảm thấy, cảm thức và nhận thức một cách hòa điệu với Giáo Hội. Điều này được yêu cầu không chỉ nơi các nhà thần học, nhưng nơi mọi tín hữu, nó đoàn kết mọi thành viên của dân Thiên Chúa khi họ thực hiện cuộc hành hương lữ thứ của họ. Đó là điều then chốt cho việc họ "cùng đi với nhau" [67].

57. Tiếp nối quan điểm giáo hội học của Vatican II, Đức Giáo Hoàng Phanxicô phác thảo hình ảnh về một Giáo Hội có tính đồng nghị như là "một kim tự tháp ngược" bao gồm Dân Thiên Chúa và Giám Mục Đoàn, mà một trong các thành viên của nó, Người kế vị Thánh Phêrô, có thừa tác vụ hợp nhất chuyên biệt. Ở đây đỉnh nằm bên dưới đáy.



"Tính đồng nghị, như là một yếu tố cấu thành ra Giáo Hội, cung cấp cho chúng ta cái khung giải thích thích hợp nhất để hiểu chính thừa tác vụ có phẩm trật ... Chúa Giêsu đã thành lập Giáo Hội bằng cách đặt ở đầu Giáo Hội Đoàn Tông Đồ, trong đó Thánh Tông Đồ Phêrô là 'đá' (xem Mt 16: 18), là người phải "củng cố" các anh em của mình trong đức tin (xem Lc 22: 32). Nhưng trong Giáo hội này, như trong một kim tự tháp ngược, đầu nằm dưới chân đế. Thành thử, những người thực thi thẩm quyền được gọi là 'thừa tác viên', vì, theo nghĩa gốc của từ ngữ, họ là người chót nhất trong tất cả"[68].

Kỳ sau: Chương 2, 2.4 - 2.6