Trong tuần lễ đầu tháng Ba này có hai ngày đặc biệt. Đầu tiên là ngày "Shrove Tuesday" năm nay rơi vào thứ Ba, 5 tháng 3 và ngay sau đó là thư Tư Lễ Tro "Ash Wednesday" vào 6 tháng 3, bắt đầu Mùa Chay trong đạo Công Giáo.
Shrove Tuesday còn được gọi là ngày Pancake Tuesday hay ngày Mardi Gras (Fat Tuesday). Mardi Gras theo tiếng Pháp nghĩa là Thứ Ba Mập Béo, người ta thường ăn bữa ăn nhiều chất béo, ngon lành trước khi bắt đầu ăn kiêng theo nghi lễ của Mùa Chay ngay hôm sau vào Thứ Tư Lễ Tro. Chữ shrove, có nghĩa là thú nhận hoặc xưng tội. Ngày hội này được tổ chức rất lớn tại châu Âu, Hoa Kỳ, Ireland, Úc, Anh, Canada... đặc biệt rất nổi tiếng tại New Orleans nước Mỹ.
Người ta ra đường với mặt nạ và trang phục màu sắc, các hình ảnh đảo lộn với quy ước xã hội thông thường, khiêu vũ, thi đấu thể thao, xe hoa diễn hành... rất vui nhộn.
Ngày Thứ Ba này còn được gọi là Ngày Bánh Crepe (pancake). Pancake là một loại bánh mỏng làm từ bột mì được chiên vàng hai mặt. Bánh này làm bằng trứng – Trứng được mang ý nghĩa của sự sáng tạo, sanh sôi nảy nở. Thành phần chính của bánh là bột mì - là thức ăn cơ bản nuôi sống con người và muối – tượng trưng cho khát vọng sống, sự mặn mà để làm hương vị cho tinh thần và sữa – đại diện cho sự thanh khiết. Pancade thường được dùng với nước đường đặc biệt (golden syrup) hoặc nước chanh. Nhiều nơi cũng thêm vào trên mặt bánh các loại trái cây, bơ, chocolate, mứt... tùy theo sở thích của người dùng.
Người ta tìm thấy công thức hướng dẫn làm bánh pancake đầu tiên từ năm 1439 và được yêu thích đến nay. Tại nhiều nơi có nhà hàng chuyên bán bánh pancake, có nơi là nhà hàng Pancake Buffet luôn, tức là tha hồ ăn bao nhiêu bánh thì ăn với một giá nhất định. Người ta cho rằng hình tròn và màu vàng của bánh pancake tượng trưng cho Mặt Trời. Nắng ấm và ánh sáng của mặt trời xua tan những ngày đông lạnh giá và báo hiệu mùa Xuân đến.
Tại Anh, cuộc thi đua bánh pancake là một phần không thể thiếu trong Shrove Tuesday. Người ta chạy đua trên đường trong khi đang tung bánh pancake, người thắng cuộc là người chạy nhanh nhất trong khi vẫn tung bánh trên chảo mà không rớt.
Thứ Ba Béo là ngày cuối cùng trước khi ăn chay, kiêng cử các món ngon, béo ngậy ngọt ngào trước khi bắt đầu Mùa Chay ăn năn thống hối.
Mùa chay kéo dài 40 ngày trước lễ Phục Sinh (Easter), đây là khoảng thời gian người theo đạo Chúa ăn chay, hãm mình, giữ lời ăn tiếng nói, thống hối, làm việc thiện...
Người Âu Mỹ lâu nay sống trong thanh bình, no ấm, luôn có nhiều ngày hội văn hóa, thể thao để vui chơi. Nhưng dù vui cũng có lúc muốn quay về để tĩnh tâm, lắng đọng tâm hồn để sống tốt hơn, ý nghĩa hơn, mang lại niềm vui cho người khác.
Mùa Chay
Các tôn giáo thường đề cao việc ăn chay cầu nguyện, vì có nhiều tác dụng tốt đẹp về mặt tâm linh. Trong Đạo Công Giáo, Mùa Chay (Lent) là thời gian để ăn năn, sửa đổi con người cũ của mình.
Mùa chay là mùa Hồng Ân. Chúa phán: "Đây ta làm một thế giới mới" (Kh 21, 5)
Mùa Chay dài 40 ngày, bắt đầu vào thứ Tư Lễ Tro (Ash Wednesday), năm nay vào ngày 1 tháng 3, 2017 và kết thúc trước thánh lễ Tiệc Ly chiều ngày Thứ Năm Tuần Thánh, sau đó chuẩn bị chào đón Phục Sinh (Easter)
Trong Kinh Thánh đã có nhiều câu nói về viện ăn chay, hãm mình:
Khi con giúp đỡ người nghèo khó, đừng đánh trống thổi kèn việc con làm (Mt 6, 2)
Chúng ta cũng có thể áp dụng một vài điều, để sống tốt hơn trong mùa Chay này:
Ăn chay bằng đôi mắt:
Chỉ xem những gì lành mạnh tốt đẹp. Luôn có cái nhìn yêu thương, mang niềm vui cho người khác.
Ăn chay bằng đôi tai:
Sẵn sàng lắng nghe, chia sẻ vui buồn với người chung quanh. Bỏ ngoài tai những điều cám dỗ, nói hành nói xấu, không đúng sự thật.
Ăn chay bằng miệng lưỡi:
Giữ gìn lời ăn tiếng nói “Hễ có thì nói có, không thì nói không. Thêm bớt là do ma quỷ” (Mt 5: 37)
Luôn mỉm cười, nói lời ngọt ngào an ủi, nâng đỡ tinh thần.
“Không phải cái vào miệng làm cho con người ra ô uế, nhưng cái từ miệng xuất ra
làm ta ra ô uế” (Mt 15: 11)
Ăn chay bằng đôi tay:
Đôi tay siêng năng làm việc tốt lành, không ươn lười, không đập đổ.
Ăn chay bằng đôi chân:
Đôi chân biết rảo bước thăm viếng anh em, tiến trên đường Công Chính.
Chân không đi mãi, nhưng biết dừng lại để nhìn bước đường mình đã đi qua, suy nghĩ và tiến tới với những việc tốt đẹp hơn.
Ăn chay bằng đôi vai:
Biết chịu trách nhiệm và chia sẻ gánh nặng với người khác.
Quan tâm hơn đến việc chung, ý thức hơn khi giao tiếp với người chung quanh
Ăn chay bằng trí óc:
Sử dụng đầu óc để phân biệt trái phải, không nghe lời xu nịnh. Dùng lý trí chiến thắng xác thân, không vì tình cảm yếu mềm.
Ăn chay bằng trái tim:
Giữ trái tim không chai cứng vô cảm, trái lại biết cảm thông tha thứ, biết quan tâm tới người khác, tới vận mệnh đất nước.
Tro là dấu hiệu cho thấy ta bé nhỏ, xức tro trên trán ngày thứ Tư Lễ Tro để nhắc nhở mình cần khiêm nhượng sửa mình, vì cuối cùng ai cũng sẽ trở về với bụi tro.
Tro tàn là khi gia đình thiếu yêu thương tha thứ, khi bạn bè mất nhau vì tính ích kỷ, nghi kỵ.
Xức tro trên đầu trong ngày thứ Tư Lễ Tro không quan trọng bằng xức tro trong tâm hồn:
“Xức tro” về cách ăn ở, sinh hoạt:
Dọn dẹp nhà cửa thường xuyên.
Gìn giữ vệ sinh cá nhân, tập thể dục để gìn giữ sức khỏe, ăn uống có chừng mực.
Bỏ bớt những đam mê về giải trí, internet, rượu bia thuốc lá, tiêu xài hoang phí...
“Xức tro” về cách cư xử:
Đổi buồn sầu trách cứ thành tươi vui, thông cảm. Đổi dửng dưng thành niềm nở quan tâm.
Thay vì phao đồn tin xấu, tìm những điều tốt, đức hạnh để trao nhau.
Thay vì than phiền, nói lời khen tặng và cảm ơn nhau nhiều hơn.
Thay vì gây hoang mang chia rẽ, tích cực tạo bình an cho người khác.
Thay vì chỉ nói suông, quyết tâm giúp đỡ người kém may mắn: Trao tặng tiền trợ giúp, thức ăn, lời an ủi...
Tránh hồ đồ nóng nảy, chiến đấu với sự lười biếng ngại khó.
Nguyễn Ngọc Duy Hân