Tình Cha Hậu Hỉ

(Chúa Nhật IV Mùa Chay C)

Dưới góc nhìn tình yêu thì người ta có thể nói rằng đoạn Tin Mừng của thánh sử Luca tường thuật câu chuyện kể của Chúa Giêsu về “người con hoang đàng” là đỉnh cao của chữ tình. Người ta còn nói rằng nếu chọn một chương tiêu biểu trong Tin Mừng thánh sử Luca thì chương XV phải được ưu tiên. Và trong chương ấy nếu chọn một vài câu thì bài trích Tin Mừng trong Chúa Nhật IV mùa Chay C đáng phải được chọn làm tiêu biểu.

Nói về chữ tình thì cái tựa đề cũ “người con hoang đàng” hay “đứa con phung phá” không thể lột tả hết. Hẳn nhiên điều này được minh chứng qua động cơ trở về của anh ta là chỉ muốn được no cái bụng. Ngày nay người ta đổi tựa đề câu chuyện kể của Chúa Cứu Thế thành “người cha nhân hậu”. Theo thiển ý cái tựa đề này diễn tả nội dung câu chuyện khá hoàn hảo. Tuy nhiên xin được mạo muội góp một cái nhìn khi thêm một tựa đề đó là “tình cha hậu hỉ”.

Hai từ hậu hỉ gợi mở cho chúng ta cảm nhận sự dư tràn vượt quá mong ước. Quả thật câu chuyện kể của Chúa Giêsu đã khiến người đương thời và cả chúng ta hôm nay chưng hững vì nhiều điều. “Một người kia có hai con trai. Người con thứ nói với cha rằng: “Thưa cha, xin cho con phần tài sản con được hưởng”. Và người cha đã chia của cải cho hai con”. Theo luật bấy giờ, người con chỉ được nhận gia tài khi cha đã khuất. Đang sống sờ sờ thế mà một đứa con muốn mình như đã chết. Không sao. Đã khuất trước một đứa con thì sẵn sàng khuất bóng trước cả đứa còn lại. Nước từ trên chảy xuống. Miễn sao con cái được sống thì sự sống của mình vẫn tồn tại. Từng có đó nhiều người cha, người mẹ thanh thản nhắm mắt lìa đời khi thấy con cái đã thành gia thất.

Dù khuất bóng nhưng lòng người cha vẫn mãi dõi theo bước chân con cái mình. Đứa con như vô đạo, bất hiếu có ngờ đâu cha anh vẫn ngóng trông anh từng giờ, từng ngày, trong khi anh đang mãi mê ăn chơi sa đọa. Cái gì đến rồi sẽ đến. Chuyện gieo gió, gặt bão là lẽ như tất nhiên. Lá rụng về cội là điều thường có. Trong thân phận của kẻ hèn kém hơn cả loài heo, người con đi hoang mới chợt bừng tỉnh. “Biết bao người làm công cho cha ta được cơm dư gạo thừa, mà ta ở đây lại chết đói! Thôi, ta đứng lên, đi về cùng cha…” Chẳng biết anh ta có chút tình nào với người cha già, nhưng sự vị kỷ là có đó: về với cha chỉ vì miếng ăn, chỉ vì cái bụng. Kẻ gian thường tỏ vẻ ngoan. Để che giấu sự vị kỷ của mình, người con hoang đàng đã nhẩm đi nhẩm lại cho thuộc lòng câu thưa thoặt nghe dễ mủi lòng: “Thưa cha, con thật đắc tội với trời và với cha, chẳng còn đáng gọi là con cha nữa. Xin coi con như một người làm công cho cha vậy”.

Không sao cả, miễn là con ta đi xa nay trở về, đã chết nay sống lại, đã mất nay lại tìm thấy. Dù là tấm thân gầy gò đầy bụi bẩn, lẫn mùi phân hôi của loài nhơ uế, nhưng chính là con của ta. Người cha đã vội chạy đến ôm cổ đứa con, hôn lấy hôn để. Vòng tay âu yếm, những nụ hôn yêu thương đã xóa đi mọi cách ngăn sạch nhơ, sang hèn. Có nhiều điều dường như là không thể với khả năng con người, nhưng đều là có thể khi tình yêu hiện diện. Tình yêu mạnh hơn cả sự chết!

Chẳng đợi con dứt câu xưng thú, chẳng cần biết quá khứ của con như thế nào, hôm nay, giờ này, con hiện diện ở đây là đủ. “Mau đem áo đẹp nhất ra đây mặc cho cậu, xỏ nhẫn vào ngón tay, xỏ dép vào chân cậu, rồi đi bắt con bê đã vỗ béo làm thịt để chúng ta mở tiệc ăn mừng”. Tình người cha, một mối tình bao la đủ làm cho người con nên thanh sạch hơn mọi thứ nước tự nhiên. Cái tình ấy đã được chuẩn bị từ lâu qua con chiên được vỗ béo mà hẳn các gia nhân vốn thừa hiểu.

“Con ta đây đã chết mà nay sống lại”. Có con rồi mới có cha. Có cháu rồi mới có ông, có bà. Sự sống chết của người cha như lệ thuộc vào sự sống chết của đứa con. Đến đây chúng ta mới hiểu sự sâu xa lời của một giáo phụ: “Vinh quang của Thiên Chúa là sự sống của con người”. Thế gian này là chi? loài người là gì? Thảy đều là loài thọ tạo. Thế nhưng Thiên Chúa đã chọn làm hình ảnh của chính Người (x.St 1,27). Và Người đã yêu thương nó đến độ đã ban chính Con Một để cho nó được sống và sống dồi dào (x.Ga 3,16). Vậy ta có thể nói rằng Thiên Chúa không thể bỏ con người, không thể bỏ bất cứ một ai, nếu Người thực sự là Thiên Chúa.

Thánh sử Luca cho chúng ta hay chính vì những lời xầm xì của nhiều người Pharisiêu và luật sĩ khi thấy những người thu thuế và người tội lỗi lui tới với Chúa Giêsu mà Người đã kể câu chuyện này. Họ cảm thấy khó chịu vì tình Chúa quá hậu hỉ. Họ ganh tị vì thấy tình Chúa như không công bằng. Bọn thu thuế và mấy người tội lỗi kia không đáng được yêu. Và cách mặc nhiên họ cho rằng chỉ mình họ mới xứng đáng. Đằng sau lòng ganh tương đố kỵ luôn có bóng dáng của thần dữ.

Chúa Giêsu đã cảnh giác những tâm hồn đố kỵ ganh tương bằng hình ảnh người con cả trong câu chuyện. Dù đang ở trong nhà nhưng anh ta hành xử như là kẻ làm tôi. Anh còn tự loại mình ra khỏi tình cha, khi không nhìn nhận người em của mình. “Còn thằng con của cha kia…”. Loại bỏ tha nhân, không nhận nhau là anh em một nhà, thì vô tình chúng ta tự loại mình ra khỏi tình Cha trên trời, Đấng từ bi nhân hậu, cho mưa rơi đều trên người công chính lẫn kẻ bất lương, cho mặt trời mọc lên soi sáng người thánh thiện và người tội lỗi, Đấng không bao giờ muốn cho kẻ gian ác phải chết nhưng tìm mọi cách để họ ăn năn sám hối và được sống (x.Mt 5,43-48) .

Tình Chúa thật bao la hay tình cha luôn hậu hỉ. Trong tình Chúa, không có sự gì là không thể. Bất cứ ai trong chúng ta cũng đều có thể hưởng nhận tình Cha trên trời, nếu chúng ta biết ngửa tay đón nhận. Chỉ một lời khẩn xin: “Thưa Ngài, khi nào về nước Ngài, xin hãy nhớ đến tôi”, thì hạnh phúc Nước Trời đã được ban cho người gian phi bị treo bên phải Chúa Giêsu năm xưa ngay ngày hôm ấy (x.Lc 23,29-43). Nhưng cũng xin đừng quên chân lý này: không ai hưởng hạnh phúc Nước Trời một mình. Rất có thể chính ta tự đóng đinh số phận của mình, nếu ta loại bỏ tha nhân ra khỏi nghĩa tình huynh đệ.

Lm. Giuse Nguyễn Văn Nghĩa – Ban Mê Thuột