THẬP GIÁ LÀ GÌ ?
“Có rất đông người cùng đi đường với Đức Giêsu. Người quay lại bảo họ: Ai đến với tôi mà không dứt bỏ cha mẹ, vợ con, anh chị em, và cả mạng sống mình nữa thì không thể làm môn đệ tôi được. Ai không vác thập giá mình mà đi theo tôi, thì không thể làm môn đệ tôi được” (Lc 14,25-27).
Những lời của Chúa Giêsu nói với đám dông dân chúng đi theo Người quả là “chói tai”. Làm sao có thể sống đúng phẩm vị con người khi dứt bỏ các nghĩa tình tự nhiên của gia đình? Các nhà nghiên cứu Tin Mừng cho chúng ta biết đây là kiểu nói so sánh của người Do Thái thời bấy giờ. Từ bỏ điều gì đó không phải vì nó không tốt nhưng vì nó tốt thua điều sẽ chọn. Đạo hiếu thảo và tình gia đình vốn là tốt nhưng chúng vẫn thua Đấng lập nên chúng. Đến đây chúng ta mới hiểu câu trả lời của Chúa Giêsu khi Phêrô thưa: Này chúng con đã bỏ mọi sự mà theo Thầy thì Người đã đáp lại ai bỏ nhà cửa, anh chị em… vì Thầy thì sẽ được gấp trăm những gì đã từ bỏ ngay cả ở đời này, cùng với sự ngược đãi và sự sống vĩnh cửu ở đời sau (x.Mc 10,28-30).
Xin đặc biệt đề cập đến nội dung thứ hai như là điều kiện tất yếu để có thể làm môn đệ Chúa Giêsu đó là vác lấy thập giá chính mình. Để có thể hiểu mầu nhiệm thập giá thì chúng ta cần phải nắm rõ thập giá theo tính lịch sử của nó.
Thập giá tự nó là một sự dữ mà đế quốc Rôma dùng như án hình áp đặt lên người dân bị trị. Những ai có quốc tịch Roma như thánh Phaolô thì không bị án hình này. Thời bấy giờ quan Philatô thường áp dụng án hình này để trừng trị nhiều người Do Thái, cách riêng những người “làm cách mạng” chống đối Chính quyền đế quốc đang đô hộ dân tộc họ. Như thế xét về lịch sử thời bấy giờ thì những người phải vác thập giá và chết trên thập giá là những người can đảm hiến dâng mạng sống vì nền độc lập tự do của dân tộc. Và ngược lại thập giá là công cụ để Chính quyền đế quốc kìm kẹp dân bị trị trong kiếp nô lệ.
Chúa Giêsu trên đường rao giảng Tin Mừng đã nhiều lần tiên báo án hình thập giá mà Người phải chịu. Người chấp nhận thập giá không phải là để giải phóng dân tộc Do Thái ra khỏi ách nô lệ của đế quốc Rôma nhưng là để giải thoát mọi người ra khỏi ách nô lệ của thần dữ mà bước vào đời sống tự do của con cái Cha trên trời. Cái giá phải trả cho sự tự do của nhân loại không dễ dàng chút nào. Có khi Chúa Giêsu cương quyết lên Giêrusalem để gánh lấy nó, nhưng Người cũng đã đôi lần xao xuyến và đã đổ mồ hôi pha lẫn máu trong vườn cây dầu (x.Lc 22,44).
Các thế lực bạo quyền ngày nay vẫn còn dùng “thập giá” để kìm kẹp người dân trong cảnh nô lệ. Dù chẳng còn là hai thanh gỗ chéo nhau như xưa, nhưng vẫn là sự bắt bớ, đàn áp dựa trên những chính sách, cơ chế, luật lệ bất chính, bất minh. Vì một nền dân chủ và sự tự do cho quê hương, cho dân tộc thì đã và đang có đó rất, rất nhiều người can đảm vác lấy “thập giá”. Hàng vạn vạn người dân Hồng Kông, cách riêng các bạn trẻ xuống đường biểu tình trong thời gian gần đây dù bị bách hại là một minh chứng điển hình.
Thần dữ vẫn còn giam cầm con người bằng “thập giá” là những nỗi sợ hãi, sợ khổ, sợ khó, sợ hy sinh… để bắt con người mãi mang kiếp nô lệ sự hưởng thụ ích kỷ, làm tôi sự tham lam vô độ, làm đầy tớ các danh vọng chóng qua…
Theo thiển ý, để có thể làm môn đệ Chúa Kitô thì:
-Không được phép đặt “thập giá” lên đầu lên cổ bất cứ ai. Không được kìm hãm tha nhân trong vòng nô lệ dưới bất cứ hình thức nào. Không được góp tay cách trực tiếp hay gián tiếp cho bạo quyền cũng như cho thần dữ.
-Phải can đảm vác lấy thập giá khi sự tự do của bản thân, của tha nhân, của dân tộc…nhất là sự tự do của đời con cái Chúa đòi hỏi chúng ta dõi bước theo chân Thầy Chí Thánh Giêsu.
Thập giá không dễ vác chút nào, chính vì thế cần phải tập luyện dần dần. Ước gì chúng ta biết khởi đi từ việc tập nói không với sự hưởng thụ, tiến đến nói không với sự thỏa hiệp để được an thân, thủ phận và rồi chúng ta sẽ biết nói không, không chấp nhận cảnh kiếp đời nô lệ, vong thân. Và mong sao chúng ta có chút xác tín rằng mình không bao giờ lẽ loi đơn côi khi phải đối diện với thử thách, gian khổ, vì Đấng vác thập giá lên đỉnh đồi Can-vê năm xưa đã chiến thắng ác thần và Người mãi đồng hành với chúng ta mọi ngày cho đến tận thế (x.Mt 28,20).
Lm. Giuse Nguyễn Văn Nghĩa – Ban Mê Thuột
“Có rất đông người cùng đi đường với Đức Giêsu. Người quay lại bảo họ: Ai đến với tôi mà không dứt bỏ cha mẹ, vợ con, anh chị em, và cả mạng sống mình nữa thì không thể làm môn đệ tôi được. Ai không vác thập giá mình mà đi theo tôi, thì không thể làm môn đệ tôi được” (Lc 14,25-27).
Những lời của Chúa Giêsu nói với đám dông dân chúng đi theo Người quả là “chói tai”. Làm sao có thể sống đúng phẩm vị con người khi dứt bỏ các nghĩa tình tự nhiên của gia đình? Các nhà nghiên cứu Tin Mừng cho chúng ta biết đây là kiểu nói so sánh của người Do Thái thời bấy giờ. Từ bỏ điều gì đó không phải vì nó không tốt nhưng vì nó tốt thua điều sẽ chọn. Đạo hiếu thảo và tình gia đình vốn là tốt nhưng chúng vẫn thua Đấng lập nên chúng. Đến đây chúng ta mới hiểu câu trả lời của Chúa Giêsu khi Phêrô thưa: Này chúng con đã bỏ mọi sự mà theo Thầy thì Người đã đáp lại ai bỏ nhà cửa, anh chị em… vì Thầy thì sẽ được gấp trăm những gì đã từ bỏ ngay cả ở đời này, cùng với sự ngược đãi và sự sống vĩnh cửu ở đời sau (x.Mc 10,28-30).
Xin đặc biệt đề cập đến nội dung thứ hai như là điều kiện tất yếu để có thể làm môn đệ Chúa Giêsu đó là vác lấy thập giá chính mình. Để có thể hiểu mầu nhiệm thập giá thì chúng ta cần phải nắm rõ thập giá theo tính lịch sử của nó.
Thập giá tự nó là một sự dữ mà đế quốc Rôma dùng như án hình áp đặt lên người dân bị trị. Những ai có quốc tịch Roma như thánh Phaolô thì không bị án hình này. Thời bấy giờ quan Philatô thường áp dụng án hình này để trừng trị nhiều người Do Thái, cách riêng những người “làm cách mạng” chống đối Chính quyền đế quốc đang đô hộ dân tộc họ. Như thế xét về lịch sử thời bấy giờ thì những người phải vác thập giá và chết trên thập giá là những người can đảm hiến dâng mạng sống vì nền độc lập tự do của dân tộc. Và ngược lại thập giá là công cụ để Chính quyền đế quốc kìm kẹp dân bị trị trong kiếp nô lệ.
Chúa Giêsu trên đường rao giảng Tin Mừng đã nhiều lần tiên báo án hình thập giá mà Người phải chịu. Người chấp nhận thập giá không phải là để giải phóng dân tộc Do Thái ra khỏi ách nô lệ của đế quốc Rôma nhưng là để giải thoát mọi người ra khỏi ách nô lệ của thần dữ mà bước vào đời sống tự do của con cái Cha trên trời. Cái giá phải trả cho sự tự do của nhân loại không dễ dàng chút nào. Có khi Chúa Giêsu cương quyết lên Giêrusalem để gánh lấy nó, nhưng Người cũng đã đôi lần xao xuyến và đã đổ mồ hôi pha lẫn máu trong vườn cây dầu (x.Lc 22,44).
Các thế lực bạo quyền ngày nay vẫn còn dùng “thập giá” để kìm kẹp người dân trong cảnh nô lệ. Dù chẳng còn là hai thanh gỗ chéo nhau như xưa, nhưng vẫn là sự bắt bớ, đàn áp dựa trên những chính sách, cơ chế, luật lệ bất chính, bất minh. Vì một nền dân chủ và sự tự do cho quê hương, cho dân tộc thì đã và đang có đó rất, rất nhiều người can đảm vác lấy “thập giá”. Hàng vạn vạn người dân Hồng Kông, cách riêng các bạn trẻ xuống đường biểu tình trong thời gian gần đây dù bị bách hại là một minh chứng điển hình.
Thần dữ vẫn còn giam cầm con người bằng “thập giá” là những nỗi sợ hãi, sợ khổ, sợ khó, sợ hy sinh… để bắt con người mãi mang kiếp nô lệ sự hưởng thụ ích kỷ, làm tôi sự tham lam vô độ, làm đầy tớ các danh vọng chóng qua…
Theo thiển ý, để có thể làm môn đệ Chúa Kitô thì:
-Không được phép đặt “thập giá” lên đầu lên cổ bất cứ ai. Không được kìm hãm tha nhân trong vòng nô lệ dưới bất cứ hình thức nào. Không được góp tay cách trực tiếp hay gián tiếp cho bạo quyền cũng như cho thần dữ.
-Phải can đảm vác lấy thập giá khi sự tự do của bản thân, của tha nhân, của dân tộc…nhất là sự tự do của đời con cái Chúa đòi hỏi chúng ta dõi bước theo chân Thầy Chí Thánh Giêsu.
Thập giá không dễ vác chút nào, chính vì thế cần phải tập luyện dần dần. Ước gì chúng ta biết khởi đi từ việc tập nói không với sự hưởng thụ, tiến đến nói không với sự thỏa hiệp để được an thân, thủ phận và rồi chúng ta sẽ biết nói không, không chấp nhận cảnh kiếp đời nô lệ, vong thân. Và mong sao chúng ta có chút xác tín rằng mình không bao giờ lẽ loi đơn côi khi phải đối diện với thử thách, gian khổ, vì Đấng vác thập giá lên đỉnh đồi Can-vê năm xưa đã chiến thắng ác thần và Người mãi đồng hành với chúng ta mọi ngày cho đến tận thế (x.Mt 28,20).
Lm. Giuse Nguyễn Văn Nghĩa – Ban Mê Thuột