Vào 10 giờ sáng ngày 6 tháng 10 năm 2019, Đức Phanxicô đã cử hành Thánh Lễ tại Nhà Thờ Thánh Phêrô để chính thức khai mạc Thượng Hội Đồng Giám Mục về vùng Amazon. Người ta mong chờ ngài đưa ra các đường hướng tổng quát cho Thượng Hội Đồng này qua bài giảng lễ.

Ngọn lửa ấm áp, chiếu sáng nhưng không thiêu rụi

Tuy nhiên cũng một bài giảng ấy, mỗi người thấy ngài nhấn mạnh một điểm khác nhau. Ký giả John L. Allen, chủ bút tạp chí Crux chẳng hạn, lưu ý tới việc ngài nói đến lửa, một điều ông cho là thích hợp vì trước đó không lâu, rừng Amazon bị một trận lửa lớn thiêu rụi hết 3,500 dặm vuông sinh thái, khiến đời sống và sinh kế của các dân tộc bản địa lâm nguy.



Nhưng ngọn lửa ngài muốn các nghị phụ nhóm lên là ngọn lửa không thiêu rụi, giống ngọn lửa trên Sinai Chúa cho Môsê chứng kiến, một ngọn lửa chỉ tỏa ánh sáng và hơi ấm, ngọn lửa cứu rỗi, ngọn lửa của “thận trọng nhưng dám lám” (daring prudence). Ngược với ngọn lửa của lợi nhuận, ngọn lửa của Tin Mừng, ngọn lửa của Thiên Chúa thu hút và tụ tập để hợp nhất, thứ lửa được nuôi dưỡng bằng chia sẻ, chứ không phải thứ lửa được nuôi dững bằng lợi nhuận, là thứ lửa thiêu rụi, nổi lên “khi con người chỉ muốn cổ vũ các ý nghĩ riêng, tạo ra phe nhóm riêng, diệt trừ mọi dị biệt trong mưu toan làm cho mọi người và mọi sự trở thành độc dạng”.

Cái thứ lửa ấy được Đức Phanxicô tìm thấy nơi “lòng tham của các hình thức tân thực dân” theo nghĩa “ơn phúc của Thiên Chúa bị áp đặt, chứ không cung hiến”, chỉ muốn “thực dân hóa thay vì phúc âm hóa”. Lời của ngài được tương phản tích cực qua sự hiện diện của Amazon tại Vương Cung Thánh Đường Thánh Phêrô với các y phục và nón áo sặc sỡ núi rừng bản địa.

Xét về một phương diện khác, ngọn lửa do Chúa Thánh Thần nuôi dưỡng có thiêu rụi nhưng là thiêu rụi những điều tiêu cực, mà tiêu cực hơn cả, theo Đức Phanxicô, là duy trì nguyên trạng. Ngài bảo: muốn nhóm được ngọn lửa của Chúa Thánh Thần, các nghị phụ phải là “các mục tử, chứ không phải viên chức”, những người để tro tàn sợ sệt và lắng lo thiêu rụi qua việc bảo vệ nguyên trạng”.

Đức Phanxicô nhấn mạnh: “nếu mọi sự cứ như nguyên trạng mãi, nếu chìa khóa để đọc ngày tháng của ta là ‘đây là cách sự việc luôn được làm như thế’ thì ơn phúc sẽ biến mất hết”.

Thành thử, các nghị phụ cần “trung thành với nét mới mẻ của Chúa Thánh Thần” nghĩa là đừng “để sự việc chạy theo đường của chúng mà không làm gì cả”.



Nói tóm lại, theo Đức Phanxicô các nghị phụ cần thận trọng khôn ngoan (prudence), nhưng thận trọng khôn ngoan không có nghĩa “ngưng mọi sự để tránh mắc lầm lỗi” mà thận trọng khôn ngoan để cai quản, để “luôn chuyển động, vươn tay ra ngoài, không tự khép kín vào mình”.

Theo John Allen, rõ ràng Đức Phanxicô có ý nói đến thứ lửa đang bừng cháy trong lòng một số người kể từ ngày ngài công bố triệu tập Thượng Hội Đồng Amazon hồi tháng 10 năm 2017: lửa sợ sệt, không dám làm, lửa tân thực dân chỉ mong áp đặt, những người chỉ lo tránh sai lầm, lên tiếng chỉ trích cả việc ngài chủ trì buổi cầu nguyện cho sáng thế tại Vườn Vatican cách nay 2 ngày, cho rằng đó là một nghi lễ ngoại đạo.

Nhân dịp này, John Allen nhắc lại phản ứng của những người duy truyền thống coi Tài Liệu Làm Việc của Thượng Hội Đồng Amazon là cận kề lạc giáo, tôn thiên nhiên lên bậc ngẫu thần và làm giảm tính duy nhất của ơn cứu rỗi do Chúa Kitô mang lại...

Hình như, theo Đức Phanxicô, họ quên khuấy những con người thực đang khốn khổ cần được giúp đỡ. Bởi thế, ngài nhắc nhở các nghị phụ “Rất nhiều anh chị em của chúng ta tại vùng Amazon đang phải vác những thập giá nặng nề và đang mong chờ sự an ủi giải thoát của Tin Mừng, tình yêu mơn trớn của Giáo Hội. Vì họ và với họ, chúng ta hãy cùng nhau đồng hành”.

Thận trọng khôn ngoan, ơn phúc nhưng không

Hannah Brockhaus của CNA thì lưu ý đến điều Đức Phanxicô nói về đức khôn ngoan thận trọng (prudence). Theo ngài, “khôn ngoan thận trọng không phải là do dự; nó không phải là một thái độ phòng thủ”. Trái lại, nó là “nhân đức của mục tử, để phục vụ một cách khôn ngoan, có khả năng biện phân, biết tiếp nhận sự mới mẻ của Chúa Thánh Thần”.

Sự mới mẻ ấy được tìm thấy trong điều Đức Phanxicô gọi là “thận trọng nhưng dám làm” (daring prudence) có thể giúp “Thượng Hội Đồng của chúng ta canh tân các nẻo đường của Giáo Hội tại vùng Amazon, để ngọn lửa truyền giáo tiếp tục bừng cháy”.



Jim Fair của Zenit lưu ý tới khía cạnh ơn phúc trong bài giảng của Đức Phanxicô, qua việc trích dẫn thư Thánh Phaolô gửi Timôtê: “tôi nhắc anh nhớ khơi dậy ơn phúc của Thiên Chúa, ơn phúc anh đã nhận được khi tôi đặt tay trên anh” (2 Tm 1:6).

Ngài nhắc các nghị phụ “chúng ta không ký một thỏa thuận; chúng ta không được trao cho một khế ước nhân dụng. Đúng hơn, các bàn tay đã được đặt lên vai chúng ta để đến lượt mình, chúng ta có thể giơ tay lên cầu bầu cùng Chúa Cha, những bàn tay giúp đỡ chìa ra cho các anh chị em mình”.

“Chúng ta đã nhận được một ơn phúc để chúng ta trở thành một ơn phúc. Ơn phúc không thể mua, trao đổi hay bán buôn; ơn phúc được tiếp nhận và cho đi. Nếu chúng ta giữ chúng khư khư, nếu chúng ta biến mình thành trung tâm chứ không phải là ơn phúc mình nhận được, chúng ta trở thành viên chức, chứ không phải mục tử. Chúng ta biến ơn phúc thành một việc làm và tính nhưng không của nó biến mất. Kết cục chúng ta phục vụ chính mình và lợi dụng Giáo Hội”