Chúa Nhật XXX Thường Niên năm C


"Chúa đã vung cánh tay ra oai thần lực, dẹp tan những ai lòng trí kiêu căng. Chúa lật đổ người quyền thế xuống khỏi ngai vàng, và nâng cao những người phận nhỏ" (Lc 1, 51-52).

Lời kinh Ngợi khen của Đức Mẹ phản ánh rõ nét lòng Thiên Chúa nghiêng về phía kẻ sống khiêm nhường và đứng bên ngoài những ai nặng lòng kiêu căng.

Thánh Kinh luôn cho thấy sự tương phản giữa con người và Thiên Chúa về sự kiêu căng và khiêm nhường:

- Con người ham thích quyền cao, chức trọng; Thiên Chúa yêu mến kẻ hèn kém, khiêm nhường.

- Con người thích được mọi người phục vụ; Thiên Chúa yêu mến kẻ phục vụ mọi người.

- Con người tìm kiếm những thứ mà họ cho là khoa bảng, uyên thâm; Thiên Chúa yêu mến những người thuộc thế giới bình dân, chân quê, chất phác.

- Con người thích lối sống sang trọng, xa hoa, đài cát; Thiên Chúa yêu và chọn tinh thần nghèo khó. Người xem đó là mối phúc đầu tiên trong tất cả mọi điều phúc đức.

- Con người thích chơi với kẻ sang, kẻ quyền thế. Họ xem đó là danh dự của họ. Còn Chúa Giêsu, suốt những năm tháng rao giảng Tin Mừng, thường xuyên đi lại với đám người nghèo, đám người bị bỏ rơi và rao giảng Tin Mừng nước Thiên Chúa cho họ.

- Con người tìm kiếm và hãnh diện về sự học, sự hiểu, sự giàu, sự được cất nhắc, được thế giá... Trong khi lịch sử cứu độ lại cho thấy Thiên Chúa chỉ tuyển chọn những ai đói khát sự công chính như: các tổ phụ, các tiên tri, Đức Mẹ, thánh Giuse, các thánh tông đồ, linh mục chánh xứ Ars, thầy dòng Martinô, nữ tu Têrêsa Calcutta... Bởi các ngài là những người, suốt một đời chỉ biết nương nhờ bàn tay quan phòng của Chúa, không nghĩ gì cho riêng bản thân mình.

- Chính bài đọc I hôm nay cũng nêu bậc thánh ý Chúa: Chúa lắng nghe và thương xót những người nghèo hèn, biết vâng phục, biết trao phó đời mình cho Chúa: "Đức Chúa là Đấng xét xử, Người chẳng thiên vị ai. Người không vị nể mà làm hại kẻ nghèo hèn, nhưng nghe lời kêu xin của người bị áp bức. Người không coi thường lời khấn nguyện của kẻ mồ côi, hay tiếng than van của người goá bụa" (Hc 35, 13-14).

Thánh ý của Chúa trong Kinh Thánh đã quá rõ ràng, vậy mà người Pharisêu (hơn ai hết, Pharisêu là những người nắm giữ Thánh Kinh, họ gần như những "chuyên viên" về Thánh Kinh) trong Tin Mừng, lại không thể học thuộc bài học về lòng khiêm nhường mà Chúa luôn răn dạy và nêu gương.

Người Pharisêu, được gọi là đang cầu nguyện, nhưng thực ra ông đang khoe khoang: "Xin tạ ơn Chúa, vì con không như bao kẻ khác: trộm cắp, bất chính, ngoại tình, hoặc như tên thu thuế kia. Con ăn chay mỗi tuần hai lần, con dâng cho Chúa một phần mười thu nhập của con". Vì thái độ lố lăng trong khi cầu nguyện của ông mà Chúa phán: "Không được nên công chính". Bởi "ai tôn mình lên sẽ bị hạ xuống".

Còn kẻ mà người Phrisêu miệt thị là "tên thu thuế kia", lại được Chúa thông báo: "Đã được nên công chính rồi". Bởi "ai hạ mình xuống sẽ được tôn lên".

Có nhiều thứ làm cho con người hạnh phúc. Có tiền, có quyền, có địa vị, có danh vọng, có trí thức..., đều có thể mang lại cho người sở hữu chúng niềm vui, hạnh phúc. Nhưng hạnh phúc ấy không bền. Nhất là khi vì những thứ mình có, họ dễ sinh ra kiêu ngạo, thì hạnh phúc của người ấy tiêu tan khi phải ra trình diện trước tòa Chúa.

Hãy bắt chước Đức Mẹ, luôn ý thức Chúa yêu kẻ khiêm nhường, Người đánh đổ kẻ kiêu căng, kẻ quyền thế, mà một đời làm người của ta, sẽ nỗ lực tiến bước trong sự khiêm nhường trước mặt Chúa, trước mặt anh chị em đồng loại.

Hãy suy nghĩ thật nhiều về hình ảnh người thu thuế khiêm nhường đối nghịch hoàn toàn hình ảnh người Pharisêu kiêu ngạo trong dụ ngôn của Chúa Giêsu hôm nay mà chỉnh đốn cuộc đời mình, sao cho nên giống Chúa, phù hợp thánh ý Chúa trong đời sống hằng ngày.