Theo Vatican News, giải giới hạch nhân và phúc tử đạo là hai chủ đề bàng bạc trong ngày thứ hai của Đức Phanxicô trên đất Nhật. Ngài bay tới hai thành phố Nagasaki và Hiroshima, vượt hơn 1,500 cây số. Mưa như trút đã đã đón rước ngài tại thành phố nơi các Kitô hữu đã ẩn núp suốt trong 250 năm!

Và cũng chính ở Nagasaki, Thánh Phanxicô Xavier đã tìm thấy mảnh đất mầu mỡ nhất cho hạt giống Kitô giáo nẩy mẩm sinh hoa kết trái năm 1550. Ngài làm cho hàng ngàn người trở lại Đạo Công Giáo chỉ trong vòng vài tháng. Cũng chính những người tân tòng này phải đi hầm trú khi hàng loạt cuộc bách hại xẩy ra khiến họ phải bỏ trốn để duy trì đức tin, họ được mệnh danh là “các Kitô hữu hầm trú”. Như một hậu duệ của họ phát biểu, di sản của họ là hồng ân đức tin.

Chính tại đây, bất chấp mưa rơi, Đức Giáo Hoàng đã lớn tiếng ca ngợi 26 Kitô hữu đó, những người đã cương quyết không từ bỏ đức tin dù phải chết:

Anh chị em thân mến,

Chào anh chị em buổi sáng!

Tôi rất mong chờ thời điểm này. Tôi đến đây như một người hành hương để cầu nguyện, để củng cố anh chị em trong đức tin, và để được củng cố bởi đức tin của những anh chị em này, những người, bằng chứng tá và lòng tận tụy của họ, đã thắp sáng đường đi của chúng ta. Tôi cảm ơn tất cả anh chị em đã chào đón tôi nồng nhiệt.



Ngôi đền này mang hình ảnh và tên của các Kitô hữu đã tử đạo lâu rồi, bắt đầu với Thánh Phaolô Miki và các bạn đồng hành của ngài vào ngày 5 tháng 2 năm 1597, và một loạt các vị tử đạo khác đã thánh hiến mặt đất này bằng sự đau khổ và cái chết của họ.

Tuy nhiên, ngôi đền này không chỉ nói về cái chết; nó cũng nói về chiến thắng của sự sống trên cái chết. Thánh Gioan Phaolô II đã xem nơi này không chỉ đơn giản là đồi tử đạo mà là Đồi Bát Phúc thực sự, nơi trái tim của chúng ta có thể được khuấy động bởi chứng tá của những người đàn ông và đàn bà lòng đầy Chúa Thánh Thần và được giải thoát khỏi mọi ích kỷ, tự mãn và kiêu căng (x. Gaudete et Exsultate, 65). Vì ở đây, ánh sáng Tin mừng rạng chiếu vào tình yêu chiến thắng bách hại và gươm giáo.

Ngôi đền này trên hết là một tượng đài Phục sinh, vì nó công bố rằng lời cuối cùng - bất chấp mọi bằng chứng ngược lại - không thuộc về cái chết mà thuộc về sự sống. Số phận của chúng ta không nằm trong cái chết mà trong sự sống viên mãn. Đây là thông điệp mà các vị tử đạo đã công bố. Vâng, ở đây chúng ta thấy bóng tối của cái chết và việc tử đạo, nhưng cũng là ánh sáng của sự phục sinh, khi máu của các vị tử đạo trở thành hạt giống của đời sống mới mà Chúa Giêsu muốn ban cho chúng ta. Các chứng tá của họ củng cố chúng ta trong đức tin và giúp chúng ta đổi mới lòng tận tụy và cam kết của chúng ta đối với việc làm môn đệ truyền giáo vốn cố gắng tạo ra một nền văn hóa có khả năng bảo vệ và bênh vực mọi sự sống qua việc hàng ngày âm thầm phục vụ mọi người, nhất là những người có nhu cầu lớn nhất.



Tôi đến tượng đài tử đạo này để tỏ lòng tôn kính những người đàn ông và đàn bà thánh thiện này. Nhưng tôi cũng đến một cách khiêm nhường, như một tu sĩ Dòng Tên trẻ tuổi từ “tận cùng trái đất”, tìm thấy nguồn cảm hứng mạnh mẽ trong câu chuyện của những nhà truyền giáo đầu tiên và các vị tử đạo Nhật Bản. Mong chúng ta đừng bao giờ quên sự hy sinh anh dũng của họ! Có thể nó không còn là một di tích vinh hiển của quá khứ, được lưu giữ và tôn kính trong một viện bảo tàng, mà đúng hơn là một ký ức sống động, một nguồn cảm hứng cho các công trình tông đồ và là một thúc đẩy việc truyền giảng tin mừng đổi mới ở vùng đất này. Mong sao Giáo hội tại Nhật Bản thời ta, giữa mọi khó khăn và dấu hiệu hy vọng của nó, cảm thấy được kêu gọi để nghe lại mỗi ngày thông điệp của Thánh Phaolô Miki tuyên bố từ trên thập giá, và chia sẻ với mọi người đàn ông và đàn bà niềm vui và vẻ đẹp của Tin mừng vốn là đường sự thật và sự sống (x. Ga 14: 6). Mong sao chúng ta hàng ngày được giải thoát khỏi bất cứ điều gì đè nặng chúng ta và ngăn cản chúng ta tiến bước trong khiêm nhường, tự do, mạnh bạo và bác ái.

Anh chị em thân mến, ở nơi này, chúng ta hợp nhất với những Kitô hữu trên khắp thế giới, trong thời đại của chúng ta, đang chịu tử đạo vì đức tin. Họ là những vị tử đạo của thế kỷ hai mươi mốt và việc làm chứng của họ mời gọi chúng ta lên đường một cách can đảm theo đường Bát Phúc. Chúng ta hãy cầu nguyện với họ và cho họ. Chúng ta hãy lên tiếng và nhấn mạnh rằng tự do tôn giáo phải được bảo đảm cho mọi người ở mọi nơi trên thế giới của chúng ta. Chúng ta cũng hãy lên án sự thao túng của các tôn giáo qua “các chính sách của chủ nghĩa cực đoan và chia rẽ, bởi các hệ thống tìm lợi nhuận không hạn chế hoặc bởi các khuynh hướng ý thức hệ đầy hận thù luôn thao túng các hành động và tương lai của mọi người nam nữ” (Văn kiện về Tình Huynh Đệ Nhân Bản, Abu Dhabi, 4 tháng 2 năm 2019).

Chúng ta hãy cầu xin Đức Mẹ, Nữ vương các Thánh Tử đạo, Thánh Phaolô Miki và mọi bạn đồng hành của ngài, những người suốt trong lịch sử đã tuyên xưng bằng cuộc sống của họ các kỳ công của Chúa, cầu nguyện cho đất nước của anh chị em và cho cả Giáo hội. Ước mong chứng tá của họ đánh thức và duy trì trong mọi người chúng ta niềm vui của việc truyền giáo.