Chúa Nhật III Phục Sinh

Ở cuối hành trình về làng Emmaus, hai môn đệ mời người khách bộ hành, chính là Chúa Phục Sinh mà cả hai đều không nhận ra: “Xin Ngài ở lại với chúng tôi vì trời đã về chiều và ngày sắp tàn”.

Thực tế trời sắp tối, một ngày đang vội kết. Nhưng "ngày sắp tàn" còn diễn tả trạng thái tâm hồn: Một cõi hồn đang không lối thoát, đang tối thật sự.

Bởi sau khi Chúa thụ nạn, như nhiều môn đệ, tâm trạng hai ông rệu rã, mất định hướng. Nội tâm chìm trong đêm tối, cái đêm của nghi ngờ, của thất vọng.

Các ông từng đặt niềm tin vào Thầy. Nhưng Thầy bị bắt, bị đánh nát tấm thân, bị đóng đinh, chết trên thập giá như kẻ bất lực không thể thoát đau đớn.

Tất cả niềm tin và hy vọng tan biến, chỉ còn lại vực thẳm sâu thăm thẳm của sự ngã lòng. Đêm tối ấy đáng sợ.

Tự bản chất, màn đêm làm tăng sợ hãi. Vậy mà bây giờ, trong lòng vốn đã tăm tối, đã vô cùng sợ hãi, lại còn bị nhấn dần vào đêm của tự nhiên. Hình như nỗi khiếp sợ trong cõi hồn hai ông càng tăng dữ dội.

Chính trong tâm trạng rối bời ấy, các ông thưa cùng người bộ hành, người cho mình sự ấm áp suốt quảng đường dài: “Xin Ngài ở lại với chúng tôi vì trời đã về chiều và ngày sắp tàn”.

Cũng vậy, biết bao nhiêu lần sóng gió, khổ đau, sợ hãi, bế tắc trong đời mình, ta cũng cần Chúa ở cùng.

Những lúc đời ta thất bại dồn thất bại, cay đắng dồn cay đắng, thương đau đè lên thương đau, gục ngã như kéo nhau ập đến, oan khuất như cùng lúc tấn công tứ phía, chúng ta, người môn đệ của Chúa hôm nay, không thốt lên để kêu nài: "Lạy Chúa, xin hãy ở lại với con" đó sao!

Lời cầu khẩn ấy đâu phải lời xa xưa, đâu phải lời quá khứ. Nó là lời hiện tại và hiện thực của chính chúng ta, của biết bao cuộc đời xung quanh chúng ta.
Có mấy cách để người môn đệ vững vàng trong thử thách, nhằm vượt qua nỗi cheo leo đời mình, để thấy Chúa luôn hiện diện, luôn đỡ nâng, đó là:

1. Lời Chúa.

Chúa dạy hai môn đệ suốt hành trình về Emmaus bằng lời Kinh Thánh, là Chúa hun đúc đức tin để hai ông lấy lại nền tảng Kinh Thánh mà tin vào Chúa.
Chúa vẫn hiện diện đấy thôi. Chỉ có điều hai ông và cả chúng ta đều không nhận ra Chúa giữa đời thường.

Vậy, khi bị vây bởi bóng tối trong đời, hãy mở Kinh Thánh nghiền ngẫm, cầu nguyện. Suy ngẫm Lời Chúa là cách ta để Chúa uốn nắn đức tin của ta.

Vì thế, nếu không bao giờ tiếp xúc với Lời Chúa, đó là người vô phúc, vì loại bỏ một phần sự giáo dục quan trọng của Chúa ra khỏi đời mình.

Lúc tiếp cận, cầu nguyện với Lời Chúa là lúc sức mạnh của Chúa đỡ nâng hành trình đời ta. Chúa hiện diện trong sự đỡ nâng thầm lặng mà Người thủy chung dành cho ta.

2. Thánh Thể.

Cuối hành trình của hai môn đệ trên làng Emmaus, cũng là lúc cuối ngày, lúc bóng tối đang dồn về, Chúa cử hành lại nghi thức của chiều thứ Năm Tuần Thánh, một cử hành mới diễn ra vài ngày trước: cử hành Thánh Thể.

Nếu bóng đêm của không gian đang phản ánh chính bóng đêm của cõi lòng, thì giữa bóng đêm tăm tối, Chúa trao ban Thánh Thể của Người. Đó chẳng phải là cử hànhThánh Thể giữa những tăm tối đó sao?

Ngày nào mà Hội Thánh không cử hành Thánh Thể! Giữa những tăm tối của cuộc đời, hằng ngày Thánh Thể vẫn sáng lên soi rọi, dẫn lối, trao sức mạnh cho bất cứ ai dám tin tưởng, dám đặt đời mình trong ơn Chúa.

Bài học này lớn vô cùng để ta biết, cuộc đời càng tối tăm, càng thách thức, càng giăng nhiều cạm bẫy, ta càng phải quay về với Thánh Thể Chúa.

Thánh Thể là sức mạnh vững chãi cho kẻ tin tưởng tìm về. Điều này rõ hết sức khi hai ông lập tức quay trở lại Giêrusalem. Cũng là bóng đêm, thậm chí đêm càng lúc càng khua, càng đáng sợ, thì hai ông mất hết sợ hãi. Lập tức lên đường, ngay trong đêm, hai ông loan báo bằng được niềm vui Chúa Phục sinh.

Thánh Thể Chúa đã gây nên sức mạnh vô cùng lớn lao, khó có thể có ai cản nổi. Thánh Thể Chúa chính là sự đỡ nâng đầy thánh thiện mà mỗi người không bao giờ được phép bỏ qua.

Ai dại dột bỏ qua Thánh Thể, kẻ đó đang đánh mất chính nguồn sống, chính sự sống siêu nhiên, sự sống đời đời của mình.